Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 05/2008/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 22 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA CÔNG CHỨC KIỂM LÂM ĐỊA BÀN CẤP XÃ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND tỉnh ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chức trách nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04/10/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ công chức Kiểm lâm địa bàn cấp xã;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 03/TTr-SNN ngày 04/01/2008) và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế làm việc của công chức Kiểm lâm địa bàn cấp xã.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 12/2001/QĐ-UB ngày 27/02/2001 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế làm việc của Kiểm lâm phụ trách địa bàn trong tỉnh Bình Phước.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH  
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY CHẾ LÀM VIỆC

CỦA CÔNG CHỨC KIỂM LÂM ĐỊA BÀN CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 22/02/2008 của UBND tỉnh)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nguyên tắc hoạt động, tiêu chuẩn, vai trò, trách nhiệm của công chức Kiểm lâm được phân công về công tác tại địa bàn xã, phường, thị trấn có rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước (dưới đây gọi tắt là Kiểm lâm địa bàn).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Kiểm lâm địa bàn là công chức Nhà nước thuộc biên chế của Hạt Kiểm lâm huyện, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ (dưới đây gọi là Hạt Kiểm lâm) chịu sự quản lý, chỉ đạo của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND cấp xã.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động

Mọi hoạt động của Kiểm lâm địa bàn phải tuân thủ các quy định của pháp luật và Quy chế làm việc này.

Chương 2:

TIÊU CHUẨN, VAI TRÒ, NHIỆM VỤ CỦA KIỂM LÂM ĐỊA BÀN

Điều 4. Kiểm lâm địa bàn cầp xã phải đạt tiêu chuẩn của ngạch công chức Kiểm lâm, cụ thể như sau:

1. Về hiểu biết:

a) Nắm được các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành lâm nghiệp có liên quan đến nghiệp vụ Kiểm lâm;

b) Nắm vững chức năng, nhiệm vụ và nghiệp vụ công tác quản lý được giao;

c) Biết tổ chức thực hiện các quy trình nghiệp vụ quản lý bảo vệ rừng;

d) Có kinh nghiệm kiểm tra, phát hiện và đề xuất những biện pháp xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

đ) Có kiến thức về thực vật rừng, động vật rừng và tài nguyên rừng; phương pháp và kỹ thuật lâm sinh;

e) Biết tổ chức và vận động quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng;

f) Nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Kiểm lâm.

2. Yêu cầu về trình độ.

a) Tốt nghiệp trung học chuyên ngành lâm nghiệp.

b) Qua lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý nhà nước và nghiệp vụ ngạch Kiểm lâm theo quy định.

c) Ngoại ngữ: Chứng chỉ A ngoại ngữ hoặc sử dụng một ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

d) Vi tính: Biết sử dụng vi tính văn phòng.

Điều 5. Vai trò của Kiểm lâm địa bàn

1. Công chức Kiểm lâm địa bàn là lực lượng nòng cốt giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (dưới đây gọi chung là UBND cấp xã) thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn cấp xã.

2. Công chức Kiểm lâm địa bàn giúp Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thực hiện trách nhiệm kiểm tra, giám sát thi hành pháp luật quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Điều 6. Trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn:

1. Tham mưu, giúp Chủ tịch UBND cấp xã có rừng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, bao gồm:

a) Xây dựng phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện sau khi phương án được phê duyệt;

b) Đề xuất việc quy hoạch diện tích sản xuất nương rẫy và kiểm tra việc thực hiện; hướng dẫn công tác giao rừng;

c) Xây dựng các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng;

d) Huy động lực lượng dân quân tự vệ, các lực lượng và phương tiện khác trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng, chống phá rừng trái phép, phòng trừ sâu hại rừng;

đ) Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;

e) Xác nhận về nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các nhiệm vụ nghiệp vụ sau:

a) Báo cáo và đề nghị với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm về công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn;

b) Phát hiện những vụ phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản và động vật rừng trái phép báo cáo kịp thời với Hạt trưởng và Chủ tịch UBND cấp xã đểõ ngăn chặn, xử lý kịp thời;

c) Thống kê, kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn được phân công;

d) Kiểm tra hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

đ) Hướng dẫn và giám sát các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng, gây nuôi trồng, cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã;

e) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;

f) Xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

3. Tham gia các hoạt động về lâm nghiệp khác khi Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm và Chủ tịch UBND cấp xã giao;

a) Hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư thôn xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng;

b) Các hoạt động về phát triển rừng và khuyến lâm;

c) Các hoạt động khác trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Điều 7. Trách nhiệm và quyền hạn quản lý, chỉ đạo hoạt động của Kiểm lâm địa bàn

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chỉ đạo, giám sát hoạt động của Kiểm lâm địa bàn quy định tại Quy chế này;

b) Chỉ đạo việc phối hợp hoạt động của Kiểm lâm địa bàn với Công an xã, dân quân tự vệ và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn trong bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản;

c) Tổ chức và tạo điều kiện cho Kiểm lâm địa bàn thực hiện nhiệm vụ quy định tại Quy chế này;

d) Bố trí nơi làm việc, sinh hoạt và giải quyết các chi phí cho các hoạt động của Kiểm lâm địa bàn đối với những công việc do UBND cấp xã giao;

đ) Giám sát chặt chẽ và phản ánh thường xuyên cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm về mọi hoạt động của Kiểm lâm địa bàn.

2. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm:

a) Quản lý toàn diện các hoạt động của Kiểm lâm địa bàn quy định tại Quy chế này;

b) Giải quyết các chế độ lương, phụ cấp lương và kinh phí hoạt động cho Kiểm lâm địa bàn theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Chủ tịch UBND cấp xã, Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm và Kiểm lâm địa bàn cấp xã có trách nhiệm triển khai, phổ biến và tổ chức thực hiện Quy chế này.

Điều 9. Khen thưởng, kỷ luật

Việc thực hiện Quy chế này là một trong những căn cứ để chấm điểm thi đua, xét khen thưởng hàng năm hoặc đột xuất. Cá nhân, đơn vị thực hiện tốt Quy chế này được xem xét khen thưởng theo quy định hiện hành; cá nhân, đơn vị nào có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Việc sửa đổi, bổ sung bản Quy chế này do Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Nội vụ đề nghị UBND tỉnh xem xét, Quyết định./.