Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2009/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 08 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH THÀNH PHẦN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ công chức;

Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BNV ngày 12/6/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật công chức cấp xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 169/TTr-SNV ngày 29/4/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thành phần và Quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật công chức xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, việc tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cường

 

QUY ĐỊNH

THÀNH PHẦN VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2009/QĐ-UBND ngày 08/5/2009 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này Quy định về thành phần và Quy chế hoạt động của Hội đồng kỷ luật công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã).

Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng kỷ luật

1. Khách quan, công khai, dân chủ và thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Hội đồng kỷ luật chỉ họp khi có đầy đủ các thành viên và thư ký Hội đồng kỷ luật tham dự.

3. Kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số.

4. Hội đồng kỷ luật họp phải có biên bản và được Hội đồng thông qua trước khi Chủ tịch Hội đồng kỷ luật ký.

5. Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã thực hiện nhiệm vụ tư vấn giúp Chủ tịch UBND cấp xã trong việc đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp với vi phạm của công chức; Hội đồng được sử dụng con dấu của UBND cấp xã và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Chương II

HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT

Điều 3. Thành phần Hội đồng kỷ luật

Hội đồng kỷ luật công chức cấp xã gồm 05 thành viên, do Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập.

- Chủ tịch Hội đồng kỷ luật: Là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã.

- Ủy viên Hội đồng kỷ luật gồm đại diện: Ban chấp hành Đảng uỷ cấp xã; Ban chấp hành công đoàn cơ sở cấp xã; Phó chủ tịch UBND cấp xã và một số công chức cấp xã.

Trong trường hợp cả Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND cấp xã đều là người không được tham gia làm thành viên Hội đồng kỷ luật quy định tại Điều 6 dưới đây thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật trong trường hợp này Chủ tịch Hội đồng kỷ luật là Trưởng hoặc Phó Phòng Nội vụ cấp huyện, các thành viên khác thuộc UBND cấp xã. Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ tư vấn giúp Chủ tịch UBND cấp huyện áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp với vi phạm của công chức; Hội đồng được sử dụng con dấu của Phòng Nội vụ cấp huyện và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Điều 4. Trách nhiệm của các thành viên Hội đồng kỷ luật

1. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật:

a) Phân công nhiệm vụ cho các Uỷ viên Hội đồng kỷ luật và Thư ký Hội đồng kỷ luật.

b) Nghiên cứu hồ sơ, xem xét sự việc vi phạm kỷ luật của công chức để đưa ra Hội đồng kỷ luật.

c) Quyết định thời gian họp, ký giấy mời các thành phần được mời họp Hội đồng kỷ luật, ký giấy báo triệu tập công chức vi phạm kỷ luật, chủ trì họp Hội đồng kỷ luật.

2. Các Uỷ viên Hội đồng kỷ luật:

Nắm vững các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật công chức; tham gia ý kiến và kiến nghị hình thức kỷ luật.

Điều 5. Thư ký Hội đồng kỷ luật

1. Thư ký Hội đồng kỷ luật là công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã. Trường hợp công chức Văn phòng - Thống kê vi phạm kỷ luật hoặc vắng mặt vì lý do chính đáng thì Chủ tịch Hội đồng kỷ luật chỉ định công chức khác trong số công chức cấp xã làm Thư ký Hội đồng kỷ luật.

Thư ký Hội đồng kỷ luật không phải là thành viên Hội đồng kỷ luật và không được bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật.

2. Thư ký Hội đồng kỷ luật có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, hồ sơ liên quan đến việc xử lý kỷ luật và chịu trách nhiệm ghi biên bản cuộc họp của Hội đồng kỷ luật.

Điều 6. Những người không được tham gia làm thành viên Hội đồng kỷ luật

(Các trường hợp liên quan đến người vi phạm kỷ luật)

1. Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng được pháp luật công nhận;

2. Cha, mẹ vợ (hoặc chồng);

3. Vợ hoặc chồng của người vi phạm kỷ luật;

4. Anh, chị, em ruột; anh, chị, em dâu (rể) được pháp luật công nhận;

5. Con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi được pháp luật công nhận.

Điều 7. Các thành phần được mời dự họp Hội đồng kỷ luật

1. Hội đồng kỷ luật có thể mời đại diện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội mà công chức vi phạm kỷ luật đang sinh hoạt đến dự họp.

2. Các đại diện được mời đến dự họp có quyền tham gia phát biểu ý kiến và đề xuất mức thi hành kỷ luật nhưng không có quyền bỏ phiếu hình thức kỷ luật.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT

Điều 8. Công việc chuẩn bị trước khi họp Hội đồng kỷ luật

1. Chủ tịch UBND cấp xã yêu cầu công chức vi phạm kỷ luật làm bản tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật; tổ chức cuộc họp để công chức vi phạm kiểm điểm trước tập thể cán bộ, công chức thuộc UBND cấp xã.

Cuộc họp kiểm điểm có kiến nghị hình thức kỷ luật bằng hình thức bỏ phiếu kín và kết quả được ghi rõ vào biên bản; lập hồ sơ chuyển đến Hội đồng kỷ luật.

2. Hồ sơ chuyển đến Hội đồng kỷ luật gồm:

a) Bản kiểm điểm của công chức vi phạm kỷ luật;

b) Biên bản họp kiểm điểm công chức vi phạm kỷ luật của UBND cấp xã;

c) Trích ngang sơ yếu lý lịch của công chức vi phạm kỷ luật;

d) Các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc xử lý kỷ luật.

3. Công chức vi phạm kỷ luật được Hội đồng kỷ luật gửi giấy báo triệu tập trước khi Hội đồng kỷ luật họp ít nhất 07 ngày làm việc.

4. Trường hợp công chức cấp xã vi phạm kỷ luật không chịu làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật hoặc không đến dự kiểm điểm theo giấy triệu tập của UBND cấp xã và Hội đồng kỷ luật, nếu đã gửi giấy triệu tập 02 lần mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì UBND cấp xã vẫn tiến hành họp để kiểm điểm công chức vi phạm kỷ luật và Hội đồng kỷ luật vẫn họp để xem xét và kiến nghị hình thức kỷ luật.

Điều 9. Trình tự họp Hội đồng kỷ luật

1. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tuyên bố lý do, giới thiệu các thành viên Hội đồng kỷ luật và các đại diện được mời đến dự họp.

2. Thư ký Hội đồng kỷ luật báo cáo trích ngang sơ yếu lý lịch, hồ sơ và các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật.

3. Công chức vi phạm kỷ luật đọc bản kiểm điểm. Trường hợp công chức vi phạm kỷ luật vắng mặt hoặc có mặt nhưng không đọc bản kiểm điểm thì Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc bản kiểm điểm của công chức vi phạm kỷ luật.

4. Thư ký Hội đồng kỷ luật đọc biên bản cuộc họp của tập thể cán bộ, công chức thuộc UBND cấp xã về việc kiểm điểm công chức vi phạm kỷ luật.

5. Các thành viên Hội đồng kỷ luật và các đại diện đến dự họp phát biểu ý kiến, phân tích nội dung, mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật.

6. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng kỷ luật và các đại diện đến dự họp Hội đồng kỷ luật.

7. Công chức vi phạm kỷ luật phát biểu ý kiến về hình thức kỷ luật của mình trước khi Hội đồng kỷ luật bỏ phiếu kín.

8. Hội đồng kỷ luật tiến hành bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật (phiếu đóng dấu treo của UBND cấp xã).

9. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật thông báo kết quả bỏ phiếu kiến nghị hình thức kỷ luật công chức vi phạm kỷ luật ngay tại cuộc họp.

10. Thư ký Hội đồng kỷ luật thông qua biên bản họp Hội đồng kỷ luật; các thành viên, Thư ký Hội đồng kỷ luật và công chức vi phạm kỷ luật ký vào biên bản. Trường hợp công chức vi phạm kỷ luật không ký biên bản thì phải được ghi rõ trong biên bản.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị kỷ luật

Hồ sơ đề nghị kỷ luật công chức cấp xã của Hội đồng kỷ luật chuyển Chủ tịch UBND cấp xã gồm:

a) Biên bản cuộc họp xem xét xử lý kỷ luật của Hội đồng kỷ luật;

b) Biên bản họp kiểm điểm công chức vi phạm kỷ luật của UBND cấp xã;

c) Bản kiểm điểm của công chức vi phạm kỷ luật (nếu có);

d) Trích ngang sơ yếu lý lịch của công chức vi phạm kỷ luật;

đ) Các tài liệu khác có liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật.

Điều 11. Thời hạn và trách nhiệm ra quyết định kỷ luật

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị kỷ luật và chuyển đến Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện đối với trường hợp UBND cấp huyện thành lập Hội đồng kỷ luật.

2. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị kỷ luật của Hội đồng kỷ luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc Chủ tịch UBND cấp xã phải có văn bản đề nghị kỷ luật (kèm theo hồ sơ của Hội đồng kỷ luật) gửi Chủ tịch UBND cấp huyện để xem xét ra quyết định kỷ luật theo quy định.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc của Chủ tịch Hội đồng kỷ luật do UBND cấp huyện thành lập (kèm theo hồ sơ, tài liệu có liên quan), Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định kỷ luật bằng văn bản.

Trường hợp kiến nghị của Hội đồng kỷ luật và Chủ tịch UBND cấp xã khác với ý kiến của Chủ tịch UBND cấp huyện mà sau khi trao đổi, thảo luận không thống nhất thì Chủ tịch UBND cấp huyện tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn theo dõi, kiểm tra UBND huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã theo đúng các quy định của Nhà nước và của tỉnh.

Điều 13. Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, UBND huyện, thành phố báo cáo bằng văn bản gửi Sở Nội vụ để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.