Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 07/2009/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 03 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT TW7 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 26 – NQ/TƯ ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 23-Ctr/TU ngày 04/11/2008 của Tỉnh ủy Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này là quy chế hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết TW7) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Đoàn ĐBQH, Sở Tư pháp, Báo Vĩnh Long;
- Các Phòng nghiên cứu, TT Công báo;
- Lưu: VT, 5.04.02.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu

 

QUY CHẾ

HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG NÔNG THÔN THEO NGHỊ QUYẾT TW7 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 07/2009/QĐ-UBND, ngày 03/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu:

1. Quy chế này ban hành nhằm mục đích:

- Tạo nguồn vốn làm “động lực” thu hút, vận động các nhà tài trợ, các nguồn vốn khác của địa phương và của nhân dân để tập trung phát triển giao thông nông thôn (GTNT).

- Từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống GTNT gắn với công tác thủy lợi để phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ công tác tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.

- Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trên địa bàn của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết TW7.

2. Yêu cầu: Sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT đạt hiệu quả cao nhất; bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng trong phân bổ nguồn vốn.

Điều 2. Đối tượng hỗ trợ:

1. Đối tượng được ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng là các công trình đường, cầu, cống (xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo) thuộc các tuyến đường từ trung tâm xã đến trung tâm xã, từ trung tâm ấp đến trung tâm ấp do UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý theo phân cấp và nằm trong kế hoạch hoặc quy hoạch được phê duyệt. Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các công trình/dự án có nhu cầu bức xúc; các công trình kết nối được với hệ thống giao thông hiện có; các công trình thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ cách mạng; các công trình kết hợp với công tác thủy lợi và đã được địa phương bố trí vốn đối ứng.

2. Do nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ có hạn trong khi nhu cầu đầu tư của các địa phương là rất lớn. Vì vậy các địa phương xem xét, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư, bảo đảm đầu tư dứt điểm từng công trình để đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3. Yêu cầu kỹ thuật:

Các công trình/dự án GTNT để được ngân sách tỉnh hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cần phải đáp ứng các yêu cầu về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật như sau:

1. Đối với đường:

- Chiều rộng nền đường: 6m.

- Chiều rộng mặt đường: 3m.

- Cao trình tim đường: từ 2,2m-2,5m.

- Kết cấu mặt đường: đá láng nhựa hoặc bằng bê tông cốt thép, chịu tải trọng là 5 tấn.

- Những nơi có điều kiện, có thể xây dựng mặt đường rộng hơn. Tuy nhiên, phần kinh phí phát sinh thêm phải do huyện, thị xã đảm chi.

2. Đối với cầu: có kết cấu bằng bê tông cốt thép, chiều rộng mặt cầu phần thông xe là 3m và chịu tải trọng là 5 tấn.

3. Đối với cống qua đường: sử dụng cống bê tông ly tâm có khẩu độ và cao trình phù hợp, đảm bảo chủ động cho việc thu và thoát nước.

Chương II:

QUY TRÌNH THỦ TỤC ĐẦU TƯ, CƠ CHẾ TÀI CHÍNH VÀ NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ VỐN NGÂN SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN CHO CÁC HUYỆN, THỊ XÃ

Điều 4. Quy trình thủ tục đầu tư:

1. Các công trình/dự án GTNT thuộc đối tượng hổ trợ theo quy chế này sẽ do cấp huyện, thị xã làm chủ đầu tư hoặc UBND cấp xã, phường, thị trấn theo sự chỉ định của Chủ tịch UBND huyện, thị xã.

2. Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng phải tuân thủ đầy đủ theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện cần phải thoả thuận với ngành giao thông về sự phù hợp theo quy hoạch, quy mô và yêu cầu kỹ thuật … trước khi trình UBND huyện, thị xã phê duyệt.

Điều 5. Cơ chế tài chính:

1. Hàng năm, ngân sách tỉnh sẽ công bố mức vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT từ nguồn thu xổ số kiến thiết cho từng huyện, thị xã; UBND huyện, thị xã tùy thuộc điều kiện thực tế xem xét bố trí vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của địa phương mình, vốn đóng góp của nhân dân và của các nhà tài trợ để cùng đầu tư xây dựng các công trình/dự án GTNT thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy chế này.

2. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm phân bổ cơ cấu nguồn vốn hợp lý. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh có tác dụng hỗ trợ và kích thích các nguồn vốn hợp pháp khác.

3. Việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT cho các huyện, thị xã phải thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 6. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách hổ trợ đầu tư xây dựng GTNT cho các huyện, thị xã:

1. Các công trình/dự án GTNT để được phân bổ vốn phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong phân bổ vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ GTNT cho các huyện, thị xã.

3. Thực hiện theo nguyên tắc: căn cứ vào tính bức xúc, cấp thiết và sự phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quy chế này để ưu tiên phân bổ cho các công trình/dự án GTNT của các huyện, thị xã; nếu huyện, thị xã nào có nhu cầu nhiều và hợp lý sẽ được phân bổ nhiều hơn trong tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh công bố hàng năm để hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT trên địa bàn của tỉnh.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn ngân sách tỉnh hổ trợ đầu tư xây dựng GTNT cho các huyện, thị xã theo định kỳ hàng năm; quản lý việc sử dụng nguồn vốn; kiểm tra việc tuân thủ đầy đủ theo các quy định về trình tự, thủ tục đầu xây dựng của các công trình/dự án GTNT; hướng dẫn, giám sát, đánh giá quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm tổng hợp các báo cáo gửi về UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính chịu trách nhiệm điều phối nguồn vốn ngân sách tỉnh hổ trợ GTNT hàng năm cho các huyện, thị xã; kiểm tra, giám sát việc thanh quyết toán theo quy định.

3. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành; hướng dẫn kỹ thuật về chuyên ngành để phát huy hiệu quả đầu tư.

4. Giao UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý toàn diện quá trình đầu tư xây dựng công trình/dự án GTNT (như các công trình của huyện, thị xã quản lý); tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định; đảm bảo đưa công trình vào sử dụng đạt hiệu quả đầu tư; sử dụng đúng mục tiêu và có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.

5. Giám đốc các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện quy chế, nếu có vấn đề gì không phù hợp cần sửa đổi, bổ sung thì kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để xem xét giải quyết./.