Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 08/2002/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 29 tháng 01 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ VÀ PHÂN CẤP THẨM ĐỊNH GIÁ Ở ĐỊA PHƯƠNG TỈNH QUẢNG BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Quyết định số 137/HĐBT ngày 27/4/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về phân công, phân cấp quản lý giá;
- Căn cứ Thông tư số 02/VGNN - KHCS ngày 1/7/1992 của Uỷ ban Vật gia Nhà nước (nay là Ban Vật giá Chính phủ) và công văn số 1175/VGCP - TH ngày 11/11/1999 của Ban vật giá Chính phủ về việc hướng dẫn ban hành quyết định quản lý tại địa phương;
- Căn cứ công văn số 73/BVGCP -TH ngày 26/1/2000 của Ban Vật giá Chính phủ về việc tham gia ý kiến vào dự thảo "quy định quản lý Nhà nước về giá và phân cấp định giá tại giá địa phương tỉnh Quảng Bình;
- Căn cứ Nghị định số 44/2000/NĐ-CP ngày 1/9/2000 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cả và Thông tư số 04/2000/TT-BVGCP ngày 15/11/2000 của Ban Vật giá Chính phủ về hướng dẫn thực hiện;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, tại tờ trình số 2196/TCVG-TT ngày 9/10/2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành bản quy định quản lý Nhà nước về giá và phân cấp thẩm định giá ở Quảng Bình như sau (có bản phụ lục kèm theo).

Giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá có văn bản hướng dẫn và kiểm tra thực hiện cụ thể các nội dung quy định trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Vật giá Chính phủ;
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Như điều 3;
- TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đơn vị liên quan;
- UBND các huyện, thị ;
- Lưu VT, TM.

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁ, PHÂN CẤP QUY ĐỊNH GIÁ VÀ THẨM ĐỊNH GIÁ Ở ĐỊA PHƯƠNG TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo quyết định: 08/2002/QĐ-UB ngày 29/01/2002 của tỉnh Quảng Bình)

Phần I

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TẠI ĐỊA PHƯƠNG TỈNH QUẢNG BÌNH

Điều 1: Trách nhiệm và thẩm quyền quy định giá của UBND tỉnh:

1. Tổ chức chỉ đạo thực hiện các quy định giá hàng hoá dịch vụ do Trung ương quy định áp dụng tại địa phương; chỉ đạo việc tổ chức đăng ký giá, niêm yết giá, hiệp thương giá, bình ổn giá theo hướng dẫn của Ban Vật giá Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

2. Kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan các biện pháp cần thiết để bình ổn giá hàng hoá dịch vụ thiết yếu như: lương thực, phân bón, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, muối ăn...

3. Quyết định giá một số mặt hàng chủ yếu trong tỉnh cụ thể như sau:

3.1. Quyết định giá thóc để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế nhà đất.

3.2. Quyết định mức thu thuỷ lợi phí và giá thóc thanh toán thuỷ lợi phí.

3.3. Quyết định giá bán nước máy cho các đối tượng tiêu dùng trong tỉnh.

3.4. Quyết định giá cước vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hoá các đơn vị vận tải do địa phương quản lý.

3.5. Quyết định giá bán điện do địa phương sản xuất theo hướng dẫn của Trung ương.

3.6. Quyết định giá hàng hoá và dịch vụ chi từ nguồn ngân sách địa phương (quyết định giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục địa phương quy định, thẩm tra tính hợp lý đối với hàng hoá dịch vụ của các ngành, các doanh nghiệp được Nhà nước cấp hoặc đầu tư chi phí).

3.7. Quyết định mức trợ cước vận chuyển, trợ giá và quy định giá bán, giá hàng cấp không thu tiền các mặt hàng chính sách phục vụ đồng bào miền núi theo hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.

3.8. Quyết định đơn giá xây dựng cơ bản đầu tư cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo sự hướng dẫn của ban Vật giá Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.

3.9. Quyết định giá bán tài sản (nhà xưởng, máy móc thiết bị...) thuộc quyền sở hữu Nhà nước của các đơn vị thuộc địa phương quản lý khi thực hiện cổ phần hoặc chuyển hướng sản xuất và tài sản cố định áp dụng trong bảo toàn vốn theo sự hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3.10. Quyết định giá bán báo và sách giáo khoa do địa phương sản xuất.

3.11. Quyết định giá cấp quyền sử dụng đất, giá thuê đất và chuyển quyền sử dụng đất tại địa phương.

3.12. Quyết định giá đền bù đất và tài sản trên đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi để phục vụ các lợi ích công cộng, phúc lợi, an ninh và quốc phòng.

3.13. Quyết định giá của các tài sản Việt Nam đưa vào liên doanh với nước ngoài và thẩm định giá trị tài sản của nước ngoài và đưa vào góp vốn với Việt Nam của các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý theo sự hướng dẫn của Ban Vật gia Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính.

3.14. Quyết định giá một số dịch vụ và mức thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của địa phương theo quy định của pháp luật.

+ Quy định phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hoá, phí qua cầu phà, phí sử dụng cầu, phí qua phà, phí sử dụng đường sông, sử dụng cầu, bến cảng; phí sử dụng đường bộ; phí sử dụng đất công, bến bãi, mặt nước thuộc địa phương quản lý.

+ Chi phí lắp đặt điện thoại, đồng hồ đo đếm điện, đường ống dẫn nước.

3.15. Quyết định giá tính thuế tài nguyên và giá tính thuế một số loại hàng hoá dịch vụ nằm ngoài danh mục Trung ương quy định.

4. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá của các đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng nguồn ngân sách và các chủ thể SXKD trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Quyết định xử lý theo luật định các hành vi vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.

Điều 2: Thẩm quyền và trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài chính -Vật giá:

1. Tổ chức triển khai thực hiện giá các loại hàng hoá dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của Trung ương, của tỉnh.

2. Tổ chức thu thập thông tin thị trường giá cả, thông qua đó làm cơ sở tham mưu giúp UBND tỉnh quyết định những chính sách về giá cả và đề xuất với UBND tỉnh, Ban Vật giá Chính phủ có biện pháp giữ bình ổn giá trên thị trường địa phương.

Quyết định giá những mặt hàng, dịch vụ (nằm trong danh mục của tỉnh) khi được UBND tỉnh uỷ quyền.

3. Cùng với ngành xây dựng và các ngành liên quan ra thông báo giá bán một số vật liệu xây dựng sản xuất tại địa phương như: gạch, ngói, đá các loại, xi măng... dùng cho các công trình XDCB trong tỉnh. Thông báo giá gốc vật liệu xây dựng theo định kỳ hàng tháng để phục vụ cho việc tính đơn giá XDCB theo thông tư số 03/TT-LB ngày 27/7/1996 của Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, hướng dẫn việc thực hiện thông báo kiểm soát giá vật liệu xây dựng, giá thiết bị trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng.

4. Cùng với ngành chủ quản, đơn vị SXKD tính toán phương án giá các mặt hàng (nằm trong danh mục quản lý của tỉnh) để trình UBND tỉnh quyết định.

5. Cùng với các ngành liên quan trong tỉnh chủ trì đánh giá và bán hàng hoá tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

6. Xác định giá trị tài sản thanh lý, xử lý của các doanh nghiệp (thuộc nguồn vốn ngân sách) để thu hồi vốn cho ngân sách.

7. Kiểm soát chi phí sản xuất và các yếu tố hình thành giá.

8. Tổ chức kiểm tra, thanh tra về giá theo sự hướng dẫn của UBND tỉnh và Ban Vật giá Chính phủ.

9. Chủ trì thẩm định giá các loại tài sản cố định và hàng hoá có giá trị lớn của các cơ quan đơn vị trực thuộc tỉnh quản lý mua sắm bằng nguồn vốn ngân sách cấp (do UBND tỉnh quy định), vốn vay và phương án đền bù các công trình xây dựng trên địa bàn trình UBND tỉnh ra quyết định cụ thể như sau:

+ Thẩm định giá mua tài sản, thiết bị, vật tư sử dụng nguồn vốn ngân sách. Các thiết bi tài sản trong các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương để làm cơ sở cấp phát, thanh toán đấu thầu (theo phân cấp của UBND tỉnh).

+ Thẩm định giá bán tài sản, hàng hoá theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước liên quan đến việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế.

+ Xác định giá tài sản háng hoá của các doanh nghiệp Nhà nước khi thực hiện cổ phần hoá, chuyển hướng sản xuất, giải thể, trả nợ, tái đầu tư theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.

+ Xác định giá trị tài sản của các tổ chức kinh tế, cá nhân tham gia vốn pháp định thành lập doanh nghiệp.

+ Xác định giá trị tài sản, hàng hoá của các tổ chức viện trợ cho tỉnh và các đoàn thể dưới mọi hình thức.

+ Thẩm định các phương án giá hàng hoá, dịch vụ của các đơn vị và các ngành xây dựng trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

10. Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ giá cho các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở thuộc địa phương quản lý.

Điều 3: Thẩm quyền và trách nhiệm của UBND huyện, thị xã:

1. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện những quy định, quyết định giá do cấp có thẩm quyền quy định trong phạm vi địa phương quản lý.

2. UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tham gia cùng Sở Tài chính - Vật giá về:

- Thẩm định các phương án đền bù đất, tài sản trên đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi của các công trình XDCB của tỉnh và các dự án nằm trên địa bàn huyện, thị trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

- Chỉ đạo các đơn vị tập thể, cá nhân kinh doanh thực hiện việc đăng ký giá, niêm yết giá, hiệp thương giá theo quy định của Nhà nước; Danh mục các mặt hàng bắt buộc phải niêm yết giá gồm:

2.1. Thóc, gạo, thịt lợn, thịt bò, sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt bò, đường sữa, rượu bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỳ ăn liền, mì chính.

2.2. Cước vận chuyển hàng hoá, khách hàng bằng đường sông, đường biển, ô tô.

2.3. Vải các loại, quần áo may sẵn, xà phòng, bột giặt, giấy vở, xe đạp, xe máy, ti vi, casét, tủ lạnh.

2.4. Xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc trừ sâu.

2.5. Gạch xây, gạch ốp lát, đồ dùng bằng sành, sứ nội thất, máy bơm nước.

2.6. Thuốc tân dược thông dụng và các loại dịch vụ y tế thu tiền.

2.7. Điện, nước; trông giữ xe máy, xe đạp, xe ô tô, vé tham quan du lịch.

Ngoài những mặt hàng bắt buộc phải niêm yết giá bán trên thì khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân niêm yết giá bán của mình đang kinh doanh sản xuất.

3. Phòng Tài chính - Thương nghiệp các huyện, thị xã là cơ quan chuyên môn giúp UBND huyện, thị xã tổ chức thực hiện các công việc sau:

3.1. Quy định giá thanh lý tài sản của các đơn vị thuộc huyện, thị quản lý có nguyên giá dưới 100 triệu đồng (trừ nhà cửa, ô tô và tài sản đặc biệt).

3.2. Thẩm định giá mua sắm, sửa chữa tài sản của các đơn vị thuộc huyện, thị quản lý với giá trị tài sản dưới 100 triệu đồng.

3.3. Thẩm định chi phí đền bù các công trình XDCB chi bằng nguồn vốn của ngân sách huyện, thị.

Điều 4: Thẩm quyền và trách nhiệm của các Sở quản lý chuyên ngành:

1. Các Sở quản lý có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện những quy định, quyết định giá do cấp có thẩm quyền quy định trong phạm vị ngành quản lý.

2. Các Sở quản lý có trách nhiệm tham gia cùng Sở Tài chính - Vật giá về : Thẩm định phương án giá của các đơn vị thuộc Sở quản lý và các phương án đền bù đất và tài sản trên đất liên quan khi Nhà nước có quyết định thu hồi trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

3. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện việc đăng ký giá, niêm yết giá, hiệp thương giá theo quy định của Nhà nước.

4. Các Sở quản lý có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Sở quản lý chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá và xử phạt các vi phạm về giá theo quy định của Nhà nước.

5. Định giá thanh lý tài sản của các đơn vị thuộc ngành quản lý có nguyên giá dưới 100 triệu (trừ nhà cửa, ô tô và tài sản đặc biệt).

6. Thẩm định giá sửa chữa, mua sắm tài sản của các đơn vị thuộc ngành quản lý có giá trị dưới 10 triệu đồng / 1 lần / sửa chữa, mua sắm tài sản.

Phần II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐĂNG KÝ GIÁ, NIÊM YẾT GIÁ PHÂN CẤP THẨM ĐỊNH GIÁ VÀ TRÁCH NHIỆM, THỰC HIỆN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP, CÁC CƠ SỞ SXKD THUỘC CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ

Điều 5: Đăng ký giá:

1. Thực hiện hình thức đăng ký giá những hàng hoá dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước quy định giá của các doanh nghiệp kinh doanh với khối lượng lớn, hàng thông dụng thiết yếu, chi phối giá cả thị trường. Những mặt hàng các đơn vị phải đăng ký giá gồm: lương thực, phân bón, giá bán cao su mủ khô, giống cây trồng, giá bán xăng dầu, sắt thép xây dựng, thuốc bệnh (kháng sinh và thuốc phòng bệnh), giá kinh doanh các loại gỗ cho Sở Tài chính - Vật giá theo dõi và báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ.

2. Hồ sơ đăng ký bao gồm:

2.1. Tên hàng hoá, dịch vụ, ký hiệu, quy cách, phẩm chất, mức giá mua, giá bán.

2.2. Các yếu tố hình thành mức giá theo hướng dẫn của Sở Tài chính - Vật giá.

3. Kiểm soát về đăng ký giá:

3.1. Giá đăng ký do doanh nghiệp tự định giá có hiệu lực từ ngày gửi hồ sơ.

3.2. Doanh nghiệp phải mua bán theo giá đã đăng ký. Khi thị trường sản xuất và lưu thông biến động, giá mua và giá bán thay đổi thì các doanh nghiệp phải đăng ký lại mới có hiệu lực thi hành và phải báo cáo những yếu tố làm thay đổi giá gửi về Sở Tài chính - Vật giá tỉnh.

3.3. Sở Tài chính - Vật giá không xét duyệt đăng ký giá của các doanh nghiệp mà thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ các yếu tố hình thành giá khi phát hiện có dấu hiệu các doanh nghiệp khai man đăng ký, lợi dụng thế độc quyền để đầu cơ tăng giá, hạ giá gây rối loạn thị trường. Trong trường hợp này tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ xử lý theo quy định của Nhà nước.

Điều 6: Niêm yết giá:

1. Đối với hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước quy định giá (kể cả danh mục Trung ương và địa phương) yêu cầu các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phải niêm yết giá thật rõ ràng, đúng chủng loại, quy cách chất lượng để việc mua bán thuận tiện. Các tổ chức và cá nhân phải mua bán đúng giá niêm yết.

Những hàng hoá và dịch vụ khác thuộc danh mục các doanh nghiệp tự quy định, thì cùng phải niêm yết giá, khi cần thay đổi giá thì phải niêm yết lại.

2. Các loại cước vận tải, dịch vụ công cộng do cơ quan Nhà nước quy định hoặc doanh nghiệp tự quy định, việc niêm yết giá công khai là bắt buộc như: Giá cước hành khách, cước hành lý... ở những điểm mà người mua (người trả tiền) dễ đọc, dễ thấy để kiểm tra người thu tiền.

3. Các loại cước vận tải, dịch vụ công cộng do cơ quan Nhà nước tự định không có bảng niêm yết đều không có hiệu lực thi hành. Giá niêm yết là căn cứ để cơ quan thuế xác định mức thuế phải nộp của các doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không thực hiện chế độ niêm yết giá coi như vi phạm kỷ luật giá.

4. Tất cả các hàng hoá, dịch vụ nói tại điểm 1, 2, 3 trên đây đều phải niêm yết giá mới có hiệu lực thi hành. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với cơ quan thuế, quản lý thị trường tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ niêm yết giá đối với tất cả các thành phần kinh tế ở địa phương trong toàn tỉnh.

Điều 7: Quy định về thẩm định giá:

1. Tất cả những tài sản, hàng hoá mua bằng vốn ngân sách, vốn vay dự án đều phải thẩm định giá. Theo đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá, UBND tỉnh quy định về phân cấp thẩm định giá như sau:

- Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có trách nhiệm thẩm định giá mua sắm, sửa chữa tài sản của các đơn vị mình quản lý với giá trị 10 triệu đồng / 1 lần / mua tài sản, sửa chữa.

- Giám đốc Sở Tài chính - Vất giá thẩm định giá mua sắm những tài sản dưới 500 triệu.

- UBND tỉnh quyết định giá mua sắm những tài sản trên 500 triệu đồng (do Sở Tài chính - Vật giá thẩm tra và đề nghị).

2. Cơ quan, đơn vị mua sắm hàng hoá, tài sản thuộc nguồn chi ngân sách phải lập hồ sơ (tờ trình kèm theo phiếu báo giá của các đơn vị bán, với điều kiện có ít nhất từ 2 - 3 đơn vị) duyệt giá trước khi mua hàng gửi cho cơ quan quản lý giá để thẩm định chậm nhất không quá 3 ngày (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, tài liệu thẩm định) cơ quan quản lý giá được quyền thẩm định phải thẩm định giá xong. Trường hợp phải kéo dài vì do thiếu hồ sơ, tài liệu nhưng chậm nhất không quá 2 ngày kể từ ngày cơ quan, đơn vị bổ sung đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền duyệt giá theo quy định phải thẩm định xong. Trường hợp phải kéo dài thêm thời gian phải thông báo cho đơn vị biết nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 5 ngày, nếu quá thời hạn đơn vị được quyền thực hiện theo mức giá đề nghị.

3. Mua sắm hàng hoá cùng chủng loại hoặc đồng bộ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên cho một lần mua đều phải thực hiện đấu thầu theo quy định tại thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với các cơ quan Nhà nước và các thông tư số 94/2001/TT-BTC ngày 22/11/2001 hướng dẫn bổ sung quy định tại thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29/12/2000 và số 100/2001/TT-BTC ngày 07/12/2001 hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 21/2001/CT - TTg ngày 11/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp do ngân sách Nhà nước cấp để mua tài sản, vật tư, trang thiết bị.

4. Cơ quan quy định giá và thẩm định giá phải thông báo công khai cụ thể hồ sơ, tài liệu cần có để đề nghị duyệt giá hoặc thẩm định giá.

Điều 8: Trách nhiệm và quyền hạn của các doanh nghiệp:

1. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc chủ trương chính sách giá của Nhà nước, thực hiện đúng giá chỉ đạo (mức giá, khung giá hoặc giới hạn giá...), thực hiện chế độ đăng ký giá, niêm yết giá, hiệp thương giá và đề xuất phương án giá.

2. Đối với những hàng hoá dịch vụ nằm ngoài danh mục Nhà nước quy định, các doanh nghiệp được quyền định giá thoả thuận giá mua, bán với khách hàng theo cơ chế thị trường nhưng phải chấp hành những nguyên tắc định giá của Nhà nước quy định và gửi văn bản quy định giá của mình cho cơ quan giá cấp trên nhưng phải đảm bảo bí mật trước khi ban hành giá mới. Căn cứ vào giá mới công bố, doanh nghiệp phải xác định chính xác lượng hàng hoá tồn kho để tính chênh lệch giá hàng tồn kho theo giá mới và chủ động xử lý tăng giảm vốn lưu động của đơn vị mình theo quy định hiện hành.

3. Việc quản lý giá thành và phí lưu thông do trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, nhưng khi các đơn vị liên quan có yêu cầu phải báo cáo đầy đủ với các cơ quan chức năng (Sở Tài chính - Vật giá và Sở quản lý).

Điều 9: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm kỷ luật giá:

- Việc tổ chức kiểm tra, thanh tra thực hiện theo quy định tại nghị định số 44/2000/NĐ - CP ngày 01/9/2000 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cả và các thông tư hướng dẫn thực hiện số 04/2000/TT-BVGCP ngày 15/11/2000 của Ban Vật giá Chính phủ, thông tư liên tịch số 24/2001/TTLT-BTM -BVGCP ngày 16/10/2001 của Liên Bộ Thương mại - Ban Vật giá Chính phủ.

1. Cơ quan quản lý giá, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá, bao gồm:

+ Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành mức giá của Trung ương và địa phương quy định.

+ Kiểm tra việc chấp hành thẩm quyền quy định giá theo cơ chế chính sách giá do cơ quan có thẩm quyền Trung ương và địa phương quy định.

+ Kiểm tra việc niêm yết giá đối với những hàng hoá dịch vụ và Nhà nước quy định giá, nếu cần thiết thì kiểm tra các yếu tố hình thành giá và mức giá các doanh nghiệp tự định.

+ Kiểm tra định mức tồn kho tối đa hàng hoá của các doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước, khi có dấu hiệu đột biến giá.

+ Kiểm soát các yếu tố hình thành giá thành và phí lưu thông khi phát hiện dấu hiệu đầu cơ tăng giá, hạ giá, sử dụng thế độc quyền, liên minh độc quyền để định giá đầu cơ.

Thẩm tra tính hợp lệ và tính chính xác các yếu tố hình thành các mức giá đã đăng ký.

2. Khen thưởng công tác kiểm tra, thanh tra quản lý Nhà nước về giá cả và xử lý vi phạm kỷ luật giá:

2.1. Khen thưởng: Những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra, kiểm tra giá thì được khen thưởng theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2.2. Xứ lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá:

- Những trường hợp sau đây được coi là vi phạm kỷ luật giá:

a. Quy định giá không đúng thẩm quyền, thẩm định không đúng mặt bằng giá tại thời điểm thẩm định, tự ý thay đổi mức giá, tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, thay đổi địa điểm giao nhận hàng hoá, báo cáo không trung thực giá thành và phí lưu thông, cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời những tài liệu cho việc lập phương án giá, thi hành giá không đúng thời hạn quy định.

b. Không thi hành chế độ niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết.

c. Mọi hình thức găm hàng, độc quyền, liên minh để độc quyền giá gây thiệt hại cho xã hội và người tiêu dùng.

d. Các hình thức xử lý vi phạm kỷ luật Nhà nước về giá.

Tất cả các trường hợp vi phạm kỷ luật về giá nêu trên tuỳ theo tính chất và mức độ thiệt hại phải chịu những hình thức xử lý sau:

+ Cảnh cáo

+ Huỷ quyết định giá trái thẩm quyền

+ Bồi hoàn toàn bộ khoản chênh lệch giá do bán sai so với giá Nhà nước quy định (nộp vào ngân sách hoặc trả lại khách hàng) đồng thời còn chịu những mức phạt theo quy định hiện hành.

Phàn III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: Bản quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND thị xã, Giám đốc các doanh nghiệp liên quan có trách nhiệm thi hành bản quy định này./.