Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2006/QĐ-UBND

Tân An, ngày 23 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2005/NĐ-CP NGÀY 27/12/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch;

Theo văn bản đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 271/TTr.STP ngày 20/3/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định nầy Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành Quyết định nầy.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các P.CT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Phòng NCTH (2b);
- Lưu VT, Sở TP, U.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 158/2005/NĐ-CP NGÀY 27/12/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ TỊCH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2006/QĐ-UBND ngày 23 /3/2006 của UBND tỉnh)

Ngày 27/12/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch (sau đây gọi tắt là Nghị định số 158/2005/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2006. Đây là Nghị định có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và phân cấp thẩm quyền trong đăng ký hộ tịch. Thi hành Nghị định của Chính phủ, UBND tỉnh lập kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Làm cho cán bộ và nhân dân thông suốt những quy định mới của Nhà nước về hộ tịch, nhất là quy định phân định thẩm quyền giải quyết việc hộ tịch ở mỗi cấp để người dân biết và thực hiện khi có yêu cầu.

2. Giúp cho lãnh đạo các cấp chính quyền và cán bộ tư pháp làm công tác hộ tịch từ cấp tỉnh đến cấp xã quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị định mới về đăng ký và quản lý hộ tịch như: về cải cách thủ tục hành chính, công khai hóa, đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ ; về phân cấp quản lý, phân cấp thực hiện…Qua đó góp phần nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ về hộ tịch của công dân, từng bước hoàn thiện bộ máy và hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch ở địa phương.

3. Các cán bộ trực tiếp giải quyết công tác hộ tịch ở các huyện, thị xã (gọi tắt là cấp huyện); các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) và tại Sở Tư pháp phải được tập huấn chuyên sâu, nắm vững các quy định về nghiệp vụ theo nội dung Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, từ đó vận dụng một cách thành thạo trong quá trình giải quyết công việc.

II. Nội dung tiến hành:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch:

Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng kết hợp với những biện pháp thích hợp, tỉnh tập trung tổ chức một đợt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi pháp luật về hộ tịch cho cán bộ và nhân dân để mọi người biết được những quy định về cải cách hành chính trong thủ tục đăng ký hộ tịch; về thẩm quyền giải quyết việc hộ tịch ở mỗi cấp, đặc biệt là chủ trương phân cấp, chuyển giao thẩm quyền từ UBND tỉnh cho Sở Tư pháp, từ UBND tỉnh cho UBND cấp huyện và cấp xã. Sau đợt tập trung tuyên truyền phục vụ cho công tác chuyển giao,các cấp đưa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về hộ tịch vào nội dung tuyên truyền phổ biến thường xuyên.

Giao Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật về hộ tịch phục vụ cho công tác triển khai Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và phân công các ngành là thành viên phối hợp thực hiện.

Báo Long An, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về hộ tịch bằng các chương trình lồng ghép với thời lượng thích hợp.

2. Công tác chuyển giao và thực hiện đăng ký quản lý hộ tịch theo thẩm quyền giải quyết tại cơ quan các cấp như sau:

a) Sở Tư pháp:

- Trực tiếp thực hiện công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền cấp tỉnh theo quy định tại Chương III Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

- Căn cứ quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tư pháp lập kế hoạch chi tiết và tiến hành việc chuyển giao sổ bộ đăng ký hộ tịch, chuyển giao thẩm quyền đăng ký quản lý hộ tịch từ cấp tỉnh cho UBND cấp huyện và xã đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/3/2006.

Riêng khối hồ sơ đang lưu giữ tại Sở Tư pháp liên quan đến các việc đã được đăng ký trong bộ sổ chuyển giao về huyện, tạm thời Sở Tư pháp tiếp tục lưu giữ, kết thúc đợt chuyển giao sẽ nghiên cứu phân loại và chọn phương án phù hợp đề xuất UBND tỉnh xử lý.

Ngay trong quá trình chuyển giao Sở Tư pháp thiết lập chế độ quản lý, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ về đăng ký, quản lý hộ tịch trong ngành tư pháp từ tỉnh đến cơ sở.

- Giúp UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch theo quy định tại Điều 77 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP với các nội dung chủ yếu gồm:

+ Hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

+ Xây dựng hệ thống tổ chức đăng ký và quản lý hộ tịch, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch.

+ Kiểm tra, thanh tra việc đăng ký và quản lý hộ tịch trong phạm vi địa phương; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền.

+ Quản lý, sử dụng các loại sổ bộ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp.

+ Hàng năm bố trí kinh phí cho việc mua và in các sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch, đáp ứng yêu cầu đăng ký hộ tịch ở địa phương; trang bị cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch.

+ Chỉ đạo các cấp trong tỉnh từng bước triển khai đề án tin học hóa công tác đăng ký quản lý hộ tịch.

- Lập dự toán kinh phí cho công tác triển khai, tổ chức thực hiện đăng ký quản lý hộ tịch theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

b) UBND cấp huyện:

- Phân công cán bộ, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để tiếp nhận sổ bộ đăng ký hộ tịch từ tỉnh chuyển về và tổ chức việc đăng ký quản lý hộ tịch theo thẩm quyền cấp huyện.

- Chỉ đạo UBND cấp xã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từ ngày 01/4/2006 trở đi triển khai đăng ký quản lý hộ tịch theo phân cấp thẩm quyền mới.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP với các nội dung chủ yếu gồm:

+ Chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức, thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đối với UBND cấp xã.

+ Thực hiện giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp không phân biệt độ tuổi.

+ Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho cán bộ tư pháp hộ tịch.

+ Quản lý, sử dụng các loại sổ bộ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp.

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền.

+ Chỉ đạo và bố trí kinh phí ứng dụng tin học trong đăng ký và quản lý hộ tịch.

c) UBND cấp xã:

- Phân công cán bộ, sắp xếp nơi làm việc thuận lợi đáp ứng được yêu cầu công việc triển khai thực hiện đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền mới đúng theo lịch triển khai áp dụng chung trong toàn tỉnh.

- Thực hiện đăng ký các việc hộ tịch thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã.

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước về hộ tịch tại Điều 79 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP với các nội dung chủ yếu gồm:

+ Quản lý, sử dụng các loại sổ bộ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch theo quy định của Bộ Tư pháp.

+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm về hộ tịch theo thẩm quyền.

+ Ứng dụng tin học trong đăng ký và quản lý hộ tịch.

3. Sở Tài chính:

Sở Tài chính giải quyết kinh phí cho công tác triển khai, tổ chức thực hiện đăng ký quản lý hộ tịch theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

4. Về lệ phí đăng ký hộ tịch:

Trong thời gian chờ cấp trên có văn bản sửa đổi quy định về lệ phí hộ tịch (ở mỗi cấp theo thẩm quyền mới), tạm thời việc thu lệ phí hộ tịch đối với mỗi loại việc đăng ký hộ tịch thực hiện tại mỗi cấp (theo thẩm quyền mới được phân cấp) được thu theo mức đã quy định trong Quyết định số 57/2000/QĐ/BTC ngày 20/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với loại việc đó.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hộ tịch ở các cấp trong tỉnh theo đúng các quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP. Tổ chức việc chuyển giao thẩm quyền và bàn giao kịp thời sổ bộ đăng ký hộ tịch để từ ngày 01/4/2006 trở đi các cấp trong tỉnh đồng bộ thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch theo quy định mới về phân cấp thẩm quyền.

- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ khẩn trương lập đề án xây dựng bộ máy và biên chế tư pháp cấp huyện, xã, đủ nhân lực để phân công bố trí vừa làm công tác đăng ký vừa làm công tác quản lý hộ tịch theo sự phân cấp thẩm quyền quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

- Sắp xếp lại cán bộ công chức chuyên môn làm công tác nghiệp vụ tại Phòng Hộ tịch đủ sức giải quyết các loại việc thuộc thẩm quyền cấp tỉnh. Tăng cường làm công tác quản lý, kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ cho cấp dưới.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị chỉ đạo Phòng Tư pháp và các ngành có liên quan bố trí cán bộ và chuẩn bị tốt cơ sở vật chất đảm bảo cho việc triển khai công việc theo thẩm quyền mới ở 2 cấp huyện và xã đúng thời gian quy định. Sau bước tiếp nhận chuyển giao thẩm quyền và sổ bộ, chỉ đạo tư pháp cấp huyện và cấp xã sắp xếp thực hiện ngay việc đăng ký quản lý hộ tịch theo thẩm quyền mới đúng với thời hạn ấn định chung trong tỉnh.

Kết thúc việc tiếp nhận chuyển giao và tổ chức triển khai xong việc đăng ký hộ tịch theo thẩm quyền mới, các nơi tổ chức sơ kết từ xã đến huyện và báo cáo về UBND tỉnh (đồng gửi Sở Tư pháp) trước ngày 31/5/2006.

3. Giao Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc kiểm tra công tác triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong tháng 6/2006 tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết và đề xuất hướng chỉ đạo trong thời gian tới.

4. UBND các cấp tổng hợp tình hình và số liệu thống kê hộ tịch, báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP.

Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch này, có gì vướng mắc các ngành, các cấp báo cáo kịp thời UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.