UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2007/QĐ-UBND | Quy Nhơn, ngày 10 tháng 5 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy định kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thực hiện sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 66/2002/QĐ-UB ngày 26/6/2002 của UBND tỉnh.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Công nghiệp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2007/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng.
Quy định này quy định một số chính sách khuyến khích phát triển đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, hộ gia đình và doanh nghiệp “đầu mối” hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề mới (dưới đây gọi tắt là cơ sở sản xuất làng nghề) được xác định trong Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 786/2006/QĐ-UBND ngày 08/11/2006.
Điều 2. Một số từ ngữ trong quy định này được hiểu như sau.
1. Doanh nghiệp “đầu mối” trong các làng nghề là tên gọi chung của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động cung ứng vật tư, nguyên liệu chính phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cung ứng các dịch vụ khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề.
2. Hỗ trợ: Là khoản kinh phí của Nhà nước cấp phát (không thu hồi) theo nội dung khuyến khích của Quy định này.
3. Dự án đầu tư sản xuất mới là dự án đầu tư sản xuất sản phẩm được đổi mới về mẫu mã, kiểu dáng hoặc tính năng sử dụng nhưng vẫn sử dụng các nguyên liệu như sản phẩm truyền thống đang sản xuất tại làng nghề hoặc sản xuất các sản phẩm nhưng chưa có cơ sở nào trong tỉnh sản xuất được, hoặc được du nhập từ ngoài tỉnh và phát triển thành làng nghề mới, đạt các tiêu chí theo quy định.
Chương II
CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN
Điều 3. Mặt bằng, cơ sở hạ tầng làng nghề.
1. Các cơ sở sản xuất làng nghề có dự án đầu tư phát triển khả thi được chuyển mục đích sử dụng đất sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp đối với đất đang sử dụng hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng của phần diện tích đất nêu trên; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%. Riêng đối với các cơ sở sản xuất làng nghề thuộc các huyện miền núi, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
2. Các cơ sở sản xuất làng nghề được hỗ trợ bê tông xi măng xây dựng đường dẫn (trục chính) vào làng nghề theo quy định (mặt đường bê tông rộng 3,5m, dày 0,2m) với mức ngân sách tỉnh hỗ trợ 120 tấn xi măng/km; ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 30% giá trị dự án; phần còn lại do nhân dân vùng hưởng lợi đóng góp. Riêng đối với làng nghề thuộc các huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
3. Các cơ sở sản xuất làng nghề được hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp trục chính trong làng nghề với mức 50% kinh phí dự toán được duyệt nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%.
4. Các cơ sở sản xuất làng nghề có nước thải trong quá trình sản xuất nhưng xử lý chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định, gây ô nhiễm môi trường phải tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định hiện hành của Nhà nước và được xem xét hỗ trợ theo quy mô và tính chất sản xuất của mỗi cơ sở sản xuất (do cơ quan chức năng liên quan đề xuất cụ thể).
Điều 4. Hỗ trợ vốn đầu tư, tín dụng.
Các cơ sở sản xuất làng nghề có dự án đầu tư mới được duyệt với quy mô từ 01 tỷ đồng trở lên và đã đi vào hoạt động, được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí lập dự án với mức 05 triệu đồng; các dự án đầu tư mới được duyệt có quy mô dưới 01 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động được ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí lập dự án với mức 01 triệu đồng.
Điều 5. Hỗ trợ kinh phí đổi mới và ứng dụng kỹ thuật, công nghệ.
1. Các cơ sở sản xuất làng nghề có thực hiện đổi mới thiết bị công nghệ, sản xuất sản phẩm mới và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO được hỗ trợ 50% kinh phí lập đề tài, dự án; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%, nhưng mỗi đề tài, dự án hỗ trợ không quá 50 triệu đồng.
2. Các hội thi thiết kế, chế tác sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tổ chức theo quy mô cấp tỉnh do ngân sách tỉnh hỗ trợ; tổ chức theo quy mô cấp huyện, thành phố do ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ. Mức hỗ trợ mỗi hội thi không quá 50 triệu đồng.
Điều 6. Hỗ trợ xúc tiến thương mại.
1. Hằng năm, các cơ sở sản xuất làng nghề được hỗ trợ 01 lần tiền vận chuyển hàng mẫu, thuê mặt bằng, gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và 01 lần tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài. Mức hỗ trợ không quá 50% chi phí thực tế, hợp pháp; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/lần/cơ sở khi tham dự ở nước ngoài và 20 triệu đồng/lần/cơ sở khi tham dự ở trong nước.
2. Các sản phẩm mới, tiêu biểu của cơ sở sản xuất làng nghề được xem xét hỗ trợ một lần với mức 50% chi phí thực tế, hợp pháp để xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề (thương hiệu tập thể, thương hiệu hiệp hội ngành nghề); trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20% nhưng không quá 100 triệu đồng.
Điều 7. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, thu hút nhân lực.
Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo, truyền nghề tại chỗ cho các lao động tại các cơ sở sản xuất làng nghề, lao động ngoài làng nghề làm việc trong các cở sở sản xuất làng nghề; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 20%. Riêng đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động thuộc các huyện miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%. UBND các huyện, thành phố lập dự án đào tạo nghề, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu liên hệ hoặc nộp hồ sơ tại UBND các huyện, thành phố nơi có cơ sở sản xuất làng nghề hoạt động để được hướng dẫn, giải quyết trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Điều 9. Sở Công nghiệp có trách nhiệm.
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ của UBND các huyện, thành phố trước khi trình UBND tỉnh quyết định công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống cho các địa phương để đủ điều kiện được thụ hưởng theo quy định tại chính sách này.
2. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ hàng năm, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt để bố trí giải quyết cho các cơ sở sản xuất làng nghề trên địa bàn tỉnh theo quy định tại chính sách này.
3. Kịp thời đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng và phong tặng các danh hiệu cho các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, những người có công trong việc truyền nghề, du nhập nghề mới, có thành tích đóng góp cho sự phát triển sản xuất trong các làng nghề theo quy định (nếu có).
Điều 10. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xem xét cân đối, bố trí kịp thời các nguồn vốn của Trung ương về hỗ trợ dạy nghề, vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, vốn ngân sách tỉnh vay tín dụng ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, vốn cấp qua các chương trình khuyến công và các nguồn vốn khác có liên quan cho các địa phương, các cơ sở sản xuất làng nghề để đầu tư phát triển sản xuất theo quy định.
Điều 11. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp bố trí giải quyết kịp thời các khoản vốn hỗ trợ thuộc ngân sách tỉnh theo quy định tại chính sách này để các địa phương, các cơ sở sản xuất làng nghề chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đã phê duyệt.
Điều 12. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm.
1. Xây dựng kế hoạch phát triển các làng nghề tại địa phương mình phù hợp theo Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 786/2006/QĐ-UBND ngày 08/11/2006 để có cơ sở theo dõi quản lý, hỗ trợ đầu tư phát triển đúng hướng và có hiệu quả.
2. Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch kinh phí đầu tư, hỗ trợ hàng năm (phần của địa phương) để tổ chức thực hiện theo các nội dung quy định tại chính sách này.
3. Là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn giải quyết và kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí và giải quyết các vấn đề có liên quan cho các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại chính sách này.
Điều 13. Các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết kịp thời các hồ sơ thủ tục có liên quan và giải ngân vốn vay tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở sản xuất làng nghề theo quy định.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Các lĩnh vực khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư không nêu trong Quy định này được áp dụng theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của UBND tỉnh Bình Định.
Điều 15. Giao Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố cần phản ánh kịp thời cho Sở Công nghiệp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 20/2010/QĐ-UBND điều chỉnh chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 2 Quyết định 66/2002/QĐ-UB ban hành Quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành
- 3 Quyết định 47/2013/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 4 Quyết định 47/2013/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định