UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/2002/QĐ-UB | Tuyên Quang, ngày 25 tháng 4 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC CHO VAY VỐN TỪ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (Sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị quyết số 14/NQ-TƯ ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới cơ cấu cây trồng vật nuôi;
Căn cứ Quyết định số 167/2001/QĐ-TTG ngày 26/10/2001, Quyết định số 181/2001/QĐ-TTg ngày 19/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa;
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kỳ họp 14 tại Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 19/10/2001 về xây dựng dự án phát triển đàn bò sữa, bò thịt chất lượng cao; Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6 (Khoá XIII) tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/11/2001 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh; Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (kỳ đột xuất) tại Thông báo số 13 KL/TU ngày 13/4/2002 (điểm 2 - về chương trình phát triển bò sữa);
Căn cứ Quyết định số 1815/QĐ-UB ngày 03/11/2001 của UBND tỉnh về việc "Phê duyệt dự án phát triển bò sữa tỉnh Tuyên Quang thực hiện tại huyện Yên Sơn giai đoạn 2001-2005"; Quyết định số 81/QĐ-CT ngày 18/01/2002 của UBND tỉnh về việc "Phê duyệt dự án chăn nuôi bò lai hướng sữa huyện Sơn Dương giai đoạn 2002-2010";
Xét đề nghị của Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định cho vay vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án bò sữa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang".
Điều 2: Giao trách nhiệm cho Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang; Sở Tài chính-Vật giá, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Quy định này theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước, của tỉnh.
Điều 3: Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, Tài chính-Vật giá, Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC CHO VAY VỐN TỪ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN BÒ SỮA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
( Ban hành kèm theo Quyết định số: 100/2002/QĐ- UB ngày 25 tháng 4 năm 2002 của UBND tỉnh Tuyên Quang )
I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ngân sách tỉnh cho vay vốn đối với các chủ dự án, các đơn vị kinh tế, các hộ gia đình trong vùng dự án thực hiện chăn nuôi bò sữa theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 2: Nguồn vốn cho vay: Được bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho chương trình, dự án phát triển bò sữa của tỉnh giai đoạn 2001 - 2005.
Điều 3: Đối tượng được nhận trực tiếp vốn vay là: Các chủ dự án, các hộ gia đình, các tổ chức trong phạm vi vùng dự án phát triển bò sữa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4: Vốn vay được đầu tư vào các mục đích sau:
- Vay xây lắp chuồng trại chăn nuôi bò sữa.
- Vay mua bò sữa.
- Vay mua giống cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa.
Điều 5: Thời hạn vay vốn là 4 năm (48 tháng) từ khi đơn vị, hộ chăn nuôi ký nhận tiền vay với Kho bạc Nhà nước. Thời gian bắt đầu trả nợ vào năm thứ hai, trả hết nợ vào năm thứ tư; số tiền trả nợ từng năm cụ thể như sau: Năm thứ hai bắt đầu trả nợ và phải trả 20%, năm thứ ba phải trả tiếp 40% và năm thứ tư trả tiếp 40% tổng số tiền vay.
Điều 6: Nguyên tắc cho vay.
- Đúng đối tượng, đúng mục đích theo dự án phát triển bò sữa đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Hoàn trả tiền vay (gốc) đúng thời gian quy định đã được 3 bên (Kho bạc Nhà nước tỉnh - chủ dự án - hộ vay vốn) xác nhận trong hợp đồng tín dụng vay vốn do chủ dự án - Kho bạc Nhà nước tỉnh - hộ vay vốn lập khi vay vốn tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Cho vay có đảm bảo bằng tài sản thế chấp theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Hộ vay vốn phải có vốn tự có tham gia, nếu không có vốn tự có thì phải được chủ dự án bảo lãnh bằng tín chấp, và có giá trị tài sản được hình thành từ vốn vay được coi là giá trị vật tư đảm bảo tiền vay.
Điều 7: Việc cho vay, thu nợ tiền vay được thực hiện tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước huyện, tỉnh nơi thực hiện dự án; Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với chủ dự án thẩm định hiệu quả kinh tế của dự án để cho vay vốn, quản lý vốn vay, tổ chức kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay; thu hồi vốn vay đầy đủ đúng hạn và xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan đến việc cho vay, thu hồi nợ vay theo đúng theo quy định hiện hành của Nhà nước.
II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ.
Điều 8: Điều kiện để được vay vốn chăn nuôi bò sữa: Chủ dự án, các tổ chức, hộ gia đình được Kho bạc Nhà nước cho vay phải có đủ các điều kiện sau:
1- Thuộc phạm vi dự án chăn nuôi phát triển bò sữa đã được UBND tỉnh phê duyệt.
2- Có đủ cỏ làm thức ăn cho bò sữa, đủ chuồng trại nuôi bò và được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi bò sữa.
3 - Có vốn tự có tham gia để chăn nuôi bò sữa.
4- Có tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp tiền vay với Kho bạc Nhà nước (thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX).
5 - Hồ sơ vay vốn theo quy định của Kho bạc gồm:
- Đối với hộ gia đình vay vốn.
+ Đơn đề nghị vay vốn
+ Hợp đồng tín dụng (theo mẫu quy định của Kho bạc Nhà nước tỉnh)
+ Vốn tự có (tài sản) tham gia.
+ Danh mục, giá trị tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp tiền vay với Kho bạc Nhà nước.
- Đối với chủ dự án.
+ Hợp đồng nguyên tắc về vay vốn với Kho bạc Nhà nước.
+ Có dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
+ Có danh sách các hộ vay vốn nằm trong dự án được duyệt.
+ Có danh mục và giá trị tài sản hình thành từ vốn để thế chấp tiền vay của dự án.
Điều 9: Thẩm định dự án và lập thủ tục vay tiền:
Kho bạc Nhà nước thẩm định dự án vay vốn đảm bảo các yếu tố: Tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ vay vốn; hiệu quả kinh tế quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm; khả năng trả nợ, các điều kiện thế chấp tài sản. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Kho bạc Nhà nước - chủ dự án - hộ gia đình ký hợp đồng tín dụng vay vốn theo quy định.
Điều 10: Thời hạn cho vay và thu hồi nợ vay:
- Thời hạn cho vay tối đa không quá 48 tháng.
- Thời gian thu hồi nợ trong 03 năm, bắt đầu thu nợ từ năm thứ 2, thu hết nợ vào năm cuối của thời hạn nợ; cụ thể như sau: Năm thứ 2 của kỳ hạn vay thu 20%, năm thứ 3 của kỳ hạn nợ thu 40%, năm thứ 4 của kỳ hạn nợ thu tiếp 40% tổng số nợ vay. Hộ vay vốn có thể trả nợ dần các tháng trong năm nhưng không quá 12 tháng của từng năm.
Điều 11: Mức tiền cho vay:
- Vay mua giống cỏ: Theo định mức quy định.
- Vay xây lắp chuồng trại: 1.000.000đ/con bò.
- Vay mua bò sữa: Thực hiện theo đúng Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 22/3/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thực hiện dự án phát triển bò sữa. Cụ thể như sau:
+ Bò từ 18 - 30 tháng tuổi, trọng lượng 400 kg/con đến 460 kg/con, có chửa mức cho vay: 26.500.000đ/con.
+ Bò từ 15 - 18 tháng tuổi, trọng lượng 350 kg/con đến 400 kg/con mức cho vay: 23.000.000đ/con.
+ Bò từ 12 - 15 tháng tuổi, trọng lượng 280 kg/con đến 350 kg/con mức cho vay: 20.000.000đ/con
Điều 12: Giao tiền cho vay:
Kho bạc Nhà nước giao tiền cho vay theo phương thức tay ba: Chủ dự án - hộ gia đình - Kho bạc Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước căn cứ chứng từ xuất kho kiêm hoá đơn bán hàng của đơn vị cung cấp hàng hoá, dịch vụ; thiết kế mẫu về chuồng trại được cấp có thẩm quyền duyệt; hợp đồng kinh tế của hộ vay vốn và đơn vị thi công, biên bản nghiệm thu của chủ dự án, hộ gia đình về chuồng trại, điện tích trồng cỏ, danh sách các hộ vay vốn kèm theo đơn xin vay của chủ dự án gửi đến. Sau khi kiểm tra đảm bảo hợp lệ, hợp pháp Kho bạc Nhà nước cùng chủ dự án, hộ gia đình vay vốn làm đầy đủ thủ tục vay vốn quy định ở khoản 3 - Điều 8 quy định này. Sau khi chủ dự án, hộ gia đình vay vốn ký nhận nợ, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền thanh toán ngay cho đơn vị cung cấp, hàng hoá dịch vụ. Đối với công việc làm chuồng trại, nếu người vay vốn tự thi công đảm bảo đúng quy định thì Kho bạc Nhà nước chuyển tiền bằng chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt cho hộ vay vốn.
Điều 13: Thu hồi nợ:
Căn cứ kỳ hạn nợ và số tiền cho vay ghi trong hợp đồng tín dụng để thu nợ. Trước khi đến hạn trả nợ 30 ngày, Kho bạc Nhà nước gửi thông báo thu nợ đến chủ dự án và hộ vay vốn để chủ động trong việc trả nợ. Chủ dự án, hộ vay vốn phải có trách nhiệm hoàn trả tiền vay đầy đủ, đúng hạn. Chủ dự án, hộ gia đình không trả nợ đúng hạn mà không có lý do chính đáng thì số dư nợ phải chuyển sang nợ quá hạn và phải trả lãi quá hạn bằng 200% lãi suất cho vay của Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (vốn 120) tại cùng thời điểm.
Trường hợp do nguyên nhân khách quan bất khả kháng, chủ dự án và hộ gia đình không có khả năng trả nợ đúng hạn thì chủ dự án có văn bản báo cáo UBND tỉnh (chủ quản dự án) và chỉ được giải quyết khi có chỉ đạo của UBND tỉnh bằng văn bản.
Điều 14: Kiểm tra, xử lý trong quá trình cho vay và thu nợ:
Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với chủ dự án kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn vay của hộ vay vốn nhằm đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, có vật tư làm đảm bảo, có khả năng hoàn trả vốn và các quy định về thế chấp, tín chấp.
Chủ dự án và hộ gia đình có trách nhiệm cung cấp cho Kho bạc Nhà nước tình hình, kết quả sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến việc sử dụng vốn vay.
Điều 15: Xử lý các trường hợp vi phạm:
- Trường hợp chủ dự án và hộ gia đình vay vốn sử dụng vốn sai mục đích, sai đối tượng, không có hiệu quả kinh tế, Kho bạc Nhà nước thu hồi ngay số tiền vay, chấm dứt hợp đồng vay vốn với dự án, chủ hộ.
- Trong trường hợp chủ dự án và hộ gia đình thực sự khó khăn chưa có khả năng trả nợ đúng hạn, Kho bạc Nhà nước tiến hành kiểm tra nếu đúng sự thật thì đề nghị UBND tỉnh gia hạn nợ (thời gian gia hạn nợ tối đa là 180 ngày). Nếu hết thời gian gia hạn nợ, chủ dự án, hộ gia đình vẫn không trả được nợ, Kho bạc Nhà nước tỉnh lập văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép phát mại tài sản thế chấp của hộ vay vốn và trích tài khoản tiền gửi của chủ dự án để thu nợ.
- Các trường hợp xin miễn lãi quá hạn, khoanh nợ, xoá nợ vốn vay thì chủ dự án, hộ gia đình phải có đơn báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương giải quyết và chỉ được thực hiện khi đã có chỉ đạo bằng văn bản của Chủ quản Dự án (UBND tỉnh).
III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Điều 16: các đơn vị Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và tạo điều kiện cho chủ dự án, hộ gia đình vay vốn làm đầy đủ, đúng thủ tục vay vốn và thu hồi nợ theo quy định. Tuyệt đối không gây phiền hà đối với người vay vốn; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng, và thu nợ vốn vay đúng kỳ hạn.
Điều 17: Sở Tài chính-Vật giá căn cứ kế hoạch cho vay đã được UBND tỉnh phê duyệt, làm thủ tục chuyển vốn sang Kho bạc Nhà nước tỉnh để thực hiện việc cho vay. Sở Kế hoạch và đầu tư bố trí kế hoạch vốn vay hàng năm cho dự án; Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn về kỹ thuật để dự án đạt hiệu quả kinh tế cao. Chủ dự án phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh tổ chức kiểm tra, thẩm định cho vay và thu nợ vốn vay chặt chẽ, đúng quy định.
Điều 18: Giám đốc các ngành: Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính-Vật giá, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Địa chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ dự án và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này kể từ ngày ký./.
- 1 Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND thông qua Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 - 2020
- 2 Quyết định 2009/2012/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung giai đoạn 2012 - 2015 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3 Quyết định 4320/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Quyết định 167/2001/QĐ-TTg về biện pháp và chính sách phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam thời kỳ 2001-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 1 Quyết định 4320/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 2009/2012/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung giai đoạn 2012 - 2015 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3 Nghị quyết 23/2013/NQ-HĐND thông qua Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 - 2020