ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 100/2005/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 6 năm 2005 |
VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI HUYỆN BÌNH CHÁNH ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010” ;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010” ;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đến năm 2010” ;
Theo Quyết định số 1946/QĐ-UB-KT ngày 05 tháng 4 năm 1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức triển khai đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ” ;
Theo Quyết định số 6993/QĐ-UB-QLĐT ngày 24 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban nhân dân thành phố về “Phê duyệt quy hoạch chung huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020” ;
Xét đề nghị của Viện Kinh tế thành phố tại Công văn số 02/VKT-HQH ngày 20 tháng 01 năm 2005 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Bình Chánh đến năm 2010 với những nội dung định hướng chính sau:
Huyện Bình Chánh là cửa ngõ phía Tây của thành phố, là nơi tiếp nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn huyện đến năm 2010 sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp.
Đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ; giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả và bền vững ; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ ; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, đặc biệt là hệ thống giao thông, cấp-thoát nước ; hệ thống giáo dục, y tế ; thu hẹp khoảng cách về điều kiện dân sinh với các quận nội thành.
3. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu chủ yếu
3.1- Dân số và lao động
3.1.1- Giai đoạn 2006-2010 : Kiểm soát tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,2%/năm, tỷ lệ tăng cơ học ở mức 5,76%/năm.
3.1.2- Giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm từ 6,95% năm 2003 xuống còn 5,99% năm 2010. Tăng tỷ lệ lao động đang làm việc trong độ tuổi từ 60,55% năm 2003 lên 63,38% năm 2010.
3.2- Phát triển kinh tế
3.2.1- Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 :
Công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 24%/năm (trong đó, công nghiệp chế biến tăng 20%/năm ; xây dựng tăng 27%/năm) ; các ngành dịch vụ tăng bình quân 17,5%/năm ; nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 2%/năm.
3.2.2- Cơ cấu các ngành kinh tế đến năm 2010 :
Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đạt 85,66% (trong đó công nghiệp chiếm 42%%, xây dựng 58%) ; tỷ trọng các ngành dịch vụ đạt 9,61% ; tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp đạt 4,73% năm 2010.
3.2.2.1- Ngành nông nghiệp :
Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển đô thị xanh sạch, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan đẹp phục vụ nhu cầu giải trí và du lịch. Tích cực chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp, theo hướng phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, nâng cao hiệu quả sản xuất và gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp và giành qũy đất phục vụ cho quá trình đô thị hóa.
Tập trung phát triển bốn loại cây chính : Cây lúa theo hướng phát triển lúa đặc sản phục vụ xuất khẩu và sản xuất lúa giống ; mở rộng quy mô diện tích trồng rau an toàn ; trồng cây ăn quả và các loại cây hoa kiểng. Nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi lên bằng với ngành trồng trọt, bằng cách tập trung phát triển đàn bò sữa, đàn heo. Chú trọng phát triển nuôi cá thịt, cá giống và các loại thủy sản khác như tôm càng xanh, ba ba, cá sấu, cá kiểng, v.v…
Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân của ngành nông-lâm-ngư nghiệp giai đoạn 2006-2010 là 2%/năm.
3.2.2.2- Ngành công nghiệp chế biến đến năm 2010 :
Phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, ưu tiên đầu tư phát triển các ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại (sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính, máy gia dụng, sản xuất phần mềm, lắp ráp ôtô, xe máy và thiết bị điện, công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu mới). Ổn định và duy trì các ngành công nghiệp giày da, may mặc, dệt, chế biến thực phẩm và đồ uống ; sản xuất hóa chất ; chế biến gỗ ; sản phẩm từ cao su và plastic ; sản xuất kim loại, sản xuất giấy để tăng giá trị hàng xuất khẩu.
Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch. Kiên quyết di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng mà không có khả năng xử lý ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung, hoặc chuyển đổi chức năng hoạt động.
Phấn đấu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp chế biến đạt 20%/năm.
Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất các ngành công nghiệp chính :
+ Sản xuất sản phẩm da đạt 18,3%/năm.
+ Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic đạt 19,9%/năm.
+ Điện tử, tin học, vật liệu mới và công nghệ sinh học đạt 10,9%/năm.
+ Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất đạt 19,1%/năm.
+ Chế biến thực phẩm và đồ uống đạt 21,3%/năm.
+ Sản xuất trang phục đạt 18,9%/năm.
3.2.2.3- Các ngành dịch vụ đến năm 2010 :
Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng mở rộng giao lưu hàng hóa kết hợp với sắp xếp lại các chợ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất-kinh doanh ; đồng thời, kiên quyết lập lại trật tự, văn minh đô thị.
Phát triển mạng lưới chợ, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị. Xây dựng chợ mới tại các xã Tân Kiên, Tân Túc, An Phú Tây, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Đa Phước, Hưng Long, Tân Quý Tây, Bình Lợi, Tân Nhựt. Giải tỏa các chợ tự phát gây cản trở giao thông ; nâng cấp cơ sở hạ tầng chợ Đệm, chợ Cầu Xáng, chợ Quy Đức và nâng cấp, mở rộng chợ Bà Lát.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân doanh thu các ngành dịch vụ là 17,5%/năm.
3.3- Phát triển cơ sở hạ tầng xã hội
3.3.1- Giáo dục :
3.3.1.1- Hệ mầm non : Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển nhà trẻ dân lập và tăng nhóm trẻ gia đình. Dự kiến tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ tăng từ 16% năm 2003 lên 25% vào năm 2010. Tỷ lệ trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào mẫu giáo tăng từ 76% năm 2003 lên 85% vào năm 2010. Phấn đấu từ năm 2006 trở đi ít nhất ở mỗi xã có 1 trường đạt chuẩn quốc gia.
3.3.1.2- Hệ phổ thông :
+ Cấp tiểu học : Phấn đấu 100% học sinh 6 tuổi vào lớp 1. Đến năm 2010, xây dựng mới 4 trường với 107 phòng.
+ Cấp trung học cơ sở: Phấn đấu 100% học sinh đúng độ tuổi vào lớp 6. Đến năm 2010, xây dựng mới 4 trường với 182 phòng.
+ Cấp trung học phổ thông: Phấn đấu phổ cập trung học phổ thông đúng độ tuổi với 80% học sinh vào lớp 10. Đến năm 2010, xây dựng mới 4 trường với 187 phòng.
3.3.1.3- Hệ thường xuyên :
Xây dựng mới Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
- Hệ dạy nghề :
Xây dựng mới Trung tâm Giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp-dạy nghề với quy mô 2 ha để thu hút 100% học sinh các lớp 8 và 9 đến học nghề.
3.3.2- Y tế :
Từ nay đến năm 2010 đầu tư cải tạo Trung tâm y tế huyện ; xây dựng bệnh viện đa khoa diện tích 4 ha với quy mô 400 giường tại thị trấn Tân Túc ; nâng cấp các trạm y tế hiện có ; xây dựng Trung tâm thực nghiệm y học bệnh viện Chợ Rẫy diện tích 14 ha tại xã Phong Phú. Phấn đấu đạt 5,4 bác sĩ/10.000 dân vào năm 2010.
Thực hiện tốt các chương trình phòng chống dịch bệnh ; chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình ; chương trình phòng, chống HIV/AIDS ; chương trình 100% người dân sử dụng muối I-ốt. Bảo đảm 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 6 loại vacxin ; 100% trẻ em dưới 5 tuổi uống vaccin phòng bại liệt. Thực hiện tốt chương trình chăm sóc sức khỏe trẻ em, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống mức 7,5% vào năm 2010.
Thực hiện xã hội hóa y tế, khuyến khích các thành phần kinh tế mở phòng khám, nhà hộ sinh, bệnh viện để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
3.3.3- Văn hóa, thể thao :
3.3.3.1- Văn hóa :
Phấn đấu đến năm 2010 có 95% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và 85% ấp đạt tiêu chuẩn ấp văn hóa. Từ nay đến năm 2010, thực hiện nâng cấp, cải tạo Trung tâm văn hóa-thể thao của huyện ; xây dựng phòng truyền thống huyện ; xây dựng mỗi xã 1 Trung tâm văn hóa-thể thao.
3.3.3.2- Thể thao :
Phát triển rộng khắp phong trào thể dục-thể thao. Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên thể dục-thể thao để đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình thể dục-thể thao trong huyện.
Đến năm 2010 xây dựng 1 sân bóng đá đạt chuẩn quốc gia ; xây dựng mỗi xã một sân bóng đá ở các xã : Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Tân Kiên, An Phú Tây, Tân Quý Tây, Quy Đức, Phong Phú và Bình Hưng.
3.4- Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật
3.4.1- Giao thông :
3.4.1.1- Đường bộ :
Tập trung đầu tư xây dựng mới và nâng cấp để đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng đường và lộ giới cho các tuyến đường do huyện, xã quản lý. Mở rộng và nâng cấp các tuyến đường nông thôn của các xã. Nâng cấp và mở rộng các trục giao thông đối ngoại gồm quốc lộ 1A, đường Nguyễn Văn Linh, đường Trịnh Quốc Nghị, quốc lộ 50. Nâng cấp và mở rộng các trục giao thông đối nội gồm tỉnh lộ 10, đường Trần Đại Nghĩa, đường Nguyễn Hữu Trí, đường Nguyễn Cẩn Phú, đường Đinh Đức Thiện, đường Đoàn Nguyễn Tuân, hương lộ 11,... Tham gia xây dựng mới các tuyến đường chính gồm đường cao tốc, vành đai trong, đường 3 xã cánh Nam, đường Đông Tây nối dài, đường trục Bình Hưng - Phong Phú... Xây dựng một số bến bãi tại các cửa ngõ thành phố trên địa bàn huyện.
3.4.1.2- Đường sắt :
Phát triển hệ thống đường sắt nội đô, dự kiến bao gồm ga Tân Kiên và trạm đón tuyến nối vào ga trên địa bàn huyện.
3.4.1.3- Đường sông :
Phát triển các tuyến nhánh sông vành đai của thành phố, tuyến từ Bình Chánh đi vào khu cảng Tân Thuận-Nhà Bè, tuyến đường sông từ Bình Chánh đi Bến Lức, Tân An đến Mỹ Tho và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đảm bảo giao thông thuận lợi trên các tuyến đường thủy : Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau - Hà Tiên, thành phố Hồ Chí Minh đi Đồng Tháp Mười - Tứ Giác Long Xuyên, tuyến vành đai ngoài thành phố dọc theo kênh Xáng, kênh An Hạ, kênh Lý Văn Mạnh.
3.4.2- Cấp nước :
Đến năm 2010, ngoài nhà máy nước Thủ Đức và nhà máy nước ngầm Bình Trị Đông, trên địa bàn huyện sẽ có thêm những nguồn nước máy mới được cung cấp từ nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn I với công suất 300.000 m3/ngày ; nhà máy nước BOT Thủ Đức công suất 300.000 m3/ngày (dự kiến hoạt động năm 2006) ; nhà máy nước sông Sài Gòn giai đoạn II công suất 300.000 m3/ngày (dự kiến hoạt động năm 2010). Bên cạnh nguồn nước máy còn có nguồn nước ngầm của nhà máy nước ngầm Bình Hưng, công suất 30.000 m3/ngày ; nguồn nước mặt của nhà máy nước Kênh Đông Củ Chi, công suất 150.000 m3/ngày dự kiến hoạt động năm 2010.
Đến năm 2010, phấn đấu nước sinh hoạt bình quân đầu người đạt 150 lít/người/ngày đêm và nước phục vụ sản xuất công nghiệp bình quân đạt 50 m3/ha ngày đêm.
3.4.3- Thoát nước và vệ sinh đô thị :
Từ nay đến năm 2010, tăng cường khơi thông dòng chảy nối ra các kênh rạch để phục vụ cho việc tiêu thoát nước nhanh, tích cực nạo vét tất cả các tuyến kênh rạch chính (kênh A, kênh B, tuyến kênh dọc hương lộ 9, tỉnh lộ 10, tỉnh lộ 11, tỉnh lộ 12, tỉnh lộ 13, tỉnh lộ 14, rạch Cung, rạch Tân Nhiễu, rạch bà Bá, bà Môn, rạch Cầu Suối,…) cũng như mạng lưới kênh mương thủy lợi nội đồng.
Đến năm 2010 xây dựng một nhà máy xử lý nước thải từ kênh Tân Hóa - Lò Gốm, đặt tại xã Tân Nhựt, quy mô diện tích 76 ha ; xây dựng khu nghĩa trang và xử lý rác tại xã Đa Phước, quy mô 258 ha (tất cả rác thải của Bình Chánh và thành phố được đưa về đây để xử lý).
3.4.4- Cấp điện :
Trang bị lưới điện trung thế, hạ thế trên địa bàn huyện, bằng nguồn vốn thành phố. Đồng thời tăng cường cải tạo nâng cấp những lưới điện chưa đúng yêu cầu kỹ thuật bằng nguồn vốn của huyện nhằm bảo đảm an toàn và cung cấp đủ điện cho dân. Điện khí hóa các xã Tân Nhựt, Hưng Long, Bình Lợi và hoàn chỉnh lưới điện tại các xã đô thị hóa.
Dự kiến xây dựng thêm các trạm 110 KV tại xã Vĩnh Lộc, xã Lê Minh Xuân, Khu Nam Sài Gòn trạm 2 và trạm 4, trạm Bình Chánh, trạm An Hạ. Đến năm 2010, điện sinh hoạt bình quân đầu người đạt 700-1.200 Kwh/người/năm ở khu vực đô thị hóa ; 400 Kwh/người/năm ở khu vực nông thôn và điện cho công nghiệp bình quân đạt 200-500 Kw/ha.
3.4.5- Thông tin liên lạc :
3.4.5.1- Bưu chính : Phấn đấu đến năm 2010, số trạm máy thuê bao là 76.440 máy, mật độ điện thoại là 15 máy/100 dân ; bán kính phục vụ của bưu cục là 1,5 km/bưu cục.
3.4.5.2 Viễn thông : Đến năm 2010, nâng tổng dung lượng của đài và trạm lên trên 32.000 số, chỉnh trang toàn bộ mạng ngoại vi để phù hợp với hệ thống đường giao thông và mạng lưới điện, từng bước cáp quang hóa và ngầm hóa ở các khu vực dân cư mật độ cao và cải tạo hệ thống cáp treo,…sẽ tiến hành xây dựng mới đài đầu cuối (trạm thu phát) và phát triển các dịch vụ, trong đó đặc biệt quan tâm đến Internet kỹ thuật mới.
3.4.6- Nhà ở :
Mục tiêu lâu dài là cải tạo, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu, thực hiện chương trình ngói hóa nông thôn và xây dựng nhà ở để thực hiện chương trình giãn dân của thành phố.
Xây dựng mới khu dân cư tại thị trấn Tân Túc ; các khu nhà ở gắn với các khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân, Phong Phú, Đa Phước,... và khu đô thị Nam Sài Gòn.
Phấn đấu đến năm 2010, xây dựng nhà ở, có tầng cao trung bình : Vùng đô thị 1,5 – 2 tầng ; vùng nông thôn 1 – 1,5 tầng ; quy mô đất ở bình quân : Vùng đô thị 40-50m2/người ; vùng nông thôn 90-100m2/người (không kể đất kinh tế vườn) ; mật độ xây dựng đạt 45-50% ở khu vực đô thị cải tạo; 35-40% ở khu đô thị mới ; 30-35% ở khu vực nông thôn.
3.4.7- Công trình công cộng :
Đến năm 2010, xây dựng Trung tâm hành chính của huyện với quy mô 24,6 ha. Nâng cấp các công trình phục vụ quản lý hành chính ở các xã.
3.4.8- Công viên và cây xanh :
Đến năm 2010, xây dựng khu công viên hồ sinh thái, xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B diện tích 410 ha ; khu công viên hội chợ-triển lãm (Nam Sài Gòn) diện tích 20 ha ; sân Golf trong dự án khu đô thị Sing Việt, xã Lê Minh Xuân diện tích 210 ha ; khu Bát bửu Phật Đài, xã Lê Minh Xuân diện tích 50 ha ; khu công viên văn hóa Láng Le diện tích 56 ha ; khu tưởng niệm Tết Mậu Thân, xã Tân Nhựt diện tích 10 ha ; khu công viên - cây xanh trong các dự án khu dân cư.
3.4.9- Bảo vệ môi trường :
Huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của thành phố theo dõi, quản lý tốt và có các giải pháp xử lý nghiêm khắc tất cả các nguồn chất thải từ sản xuất-kinh doanh và sinh hoạt nhằm bảo đảm môi trường sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe của nhân dân ; tăng cường giám sát, kiểm soát giao thông đường bộ để giảm ô nhiễm về độ bụi, tiếng ồn, nồng độ các chất độc hại trong không khí ; hạn chế tối đa việc thải chất bẩn ra sông rạch.
4. Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch
Huyện phối hợp chặt chẽ với các sở-ngành liên quan của thành phố để xây dựng các chính sách và giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.
4.1- Những điểm cần chú ý khi thực hiện quy hoạch :
4.1.1- Cần xây dựng kế hoạch thực thi thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả trên cơ sở kết hợp cả hai đề án : Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện đến năm 2010 và quy hoạch chung của huyện đến năm 2020 đã được phê duyệt.
4.1.2- Công khai hóa quy hoạch chi tiết đã hoàn tất và được phê duyệt bằng cách thông báo rộng rãi cho nhân dân trong huyện và các nhà đầu tư biết để thực hiện.
4.1.3- Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý xây dựng trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng không phép.
4.2- Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh có trách nhiệm phối hợp với các sở-ngành thành phố có liên quan để lập và trình Ủy ban nhân dân thành phố danh mục các chương trình đầu tư, các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo thứ tự ưu tiên nhằm thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và quy hoạch chung (mặt bằng xây dựng) của huyện đã được phê duyệt và dựa vào danh mục các chương trình, dự án đã được luận chứng theo thứ tự ưu tiên này để lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và từng năm của huyện.
Điều 2. Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh có kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vấn đề phải điều chỉnh, Ủy ban nhân dân huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét để có quyết định điều chỉnh kịp thời.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 1514/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 2 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3 Quyết định 6993/QĐ-UB-QLĐT về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 4 Chỉ thị 32 /1998/CT-TTg về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Quyết định 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 532-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2000 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành