Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/2011/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 31 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI VÀ TRA CỨU, CUNG CẤP THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09/6/2000;
Căn cứ Luật Lý lịch tư pháp ngày 17/6/2009; Căn cứ Luật Nuôi con nuôi ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP; Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;
Sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 08/TTr-STP ngày 08/3/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quy trình giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hải

 

QUY ĐỊNH

QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC VIỆC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI VÀ TRA CỨU, CUNG CẤP THÔNG TIN LÝ LỊCH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 106/2011/QĐ-UBND ngày 31/3/2011 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

1. Quy định này quy định về trình tự tiếp nhận, chuyển giao hồ sơ, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài (bao gồm đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký nhận cha, mẹ, con) và tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

2. Quy định này áp dụng đối với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự, các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tỉnh Bắc Giang và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm chủ động phối hợp và đôn đốc các cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

2. Các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn theo pháp luật quy định có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ đó.

Điều 3. Quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp

1. Quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cha mẹ nuôi được quy định tại Điều 31 Luật Nuôi con nuôi, Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi và có văn bản đề nghị cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em cho làm con nuôi người nước ngoài.

b) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tư pháp đề nghị lập hồ sơ của trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm lập hồ sơ của trẻ em theo quy định tại Điều 32 Luật Nuôi con nuôi gửi Sở Tư pháp.

c) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của trẻ em theo quy định, Sở Tư pháp tiến hành xem xét, thẩm tra và có văn bản trình UBND tỉnh quyết định.

d) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh đồng ý cho người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi và thông báo cho Sở Tư pháp để Sở Tư pháp làm thủ tục chuyển hồ sơ cho Bộ Tư pháp.

đ) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi cần được xác minh thì Sở Tư pháp có văn bản kèm theo 01 bộ hồ sơ đề nghị Công an tỉnh xác minh. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tư pháp, Công an tỉnh có trách nhiệm xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.

e) Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư pháp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Nuôi con nuôi, Sở Tư pháp trình UBND tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ, Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh Quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài (nếu đủ điều kiện) và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp.

2. Quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và đề xuất ý kiến trình UBND tỉnh quyết định.

b) Trường hợp hồ sơ kết hôn có vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an thì Sở Tư pháp có văn bản kèm theo 01 bộ hồ sơ gửi Công an tỉnh đề nghị xác minh. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh kèm theo 01 bộ hồ sơ, Công an tỉnh xác minh và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.

c) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ đăng ký kết hôn, Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định (nếu đủ điều kiện) và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp.

3. Quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Sở Tư pháp nghiên cứu, thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết trình UBND tỉnh quyết định.

b) Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình ca Sở Tư pháp kèm theo hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con, Văn phòng UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh xem xét, Quyết định công nhận cha, mẹ, con (nếu đủ điều kiện) và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp.

4. Thời hạn tra cứu thông tin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 01 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có Phiếu xác minh lý lịch tư pháp kèm theo 01 bộ hồ sơ gửi Công an tỉnh đề nghị xác minh tình trạng tiền án.

b) Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được Phiếu xác minh lý lịch tư pháp, Công an tỉnh thực hiện tra cứu thông tin về tình trạng án tích của đương sự và gửi cho Sở Tư pháp kết quả tra cứu; trường hợp phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an thì thời hạn không quá 09 ngày.

5. Thời hạn cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định hoặc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 16 Luật Lý lịch tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi trích lục bản án, quyết định, giấy chứng nhận cho Sở Tư pháp.

b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cấp giấy xác nhận hoặc kể từ ngày người bị kết án đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự có nhiệm vụ gửi quyết định, giấy xác nhận, văn bản thông báo quy định tại khoản 11 Điều 15 Luật Lý lịch tư pháp cho Sở Tư pháp.

6. Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp quy định tại điều này được tính theo ngày làm việc.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Sở Tư pháp là cơ quan tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về nội dung đề xuất; định kỳ hàng, quý thông báocho Công an tỉnh về kết quả giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài.

2. Công an tỉnh có trách nhiệm điều tra, xác minh theo đề nghị của Sở Tư pháp và chịu trách nhiệm về kết quả điều tra, xác minh.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo cơ sở nuôi dưỡng trẻ em lập hồ sơ của trẻ em cho làm con nuôi người nước ngoài, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định, chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ trong hồ sơ, nguồn gốc của trẻ em và về sự giới thiệu của đơn vị.

4. Tòa án nhân dân tỉnh có trách nhiệm cung cấp, trao đổi và chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.

5. Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm cung cấp, trao đổi và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn việc cung cấp, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp theo quy định.

6. Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm xem xét hồ sơ và đề xuất ý kiến trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Trường hợp từ chối giải quyết thì có văn bản trả lời Sở Tư pháp.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Các Sở, cơ quan liên quan đến giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài, tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này, kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

2. Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.