Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 108/QĐ-NH

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 108/QĐ-NH NGÀY 9-6-1992 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUI CHẾ DỰ TRỮ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 04-07-1981;
Căn cứ pháp lệnh ngân hàng nhà nước việt nam và pháp lệnh ngân hàng, hợp tác tín dụng và công ty tài chính theo số 37/LTC-HDNN8 và số 38/LTC-HDNN ngày 24-5-1990
Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này "Qui chế dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Những tồn tại do cơ chế cũ liên quan đến thực hiện dự trữ bắt buộc được xử lý theo quy định riêng.

Điều 4: Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng, các Vụ trưởng Vụ có liên quan của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện qui chế ban hành theo Quyết định này.

Điều 5: Chánh Văn phòng, Chánh thanh tra, các Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, các Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển; các Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh thi hành quyết định này.

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

QUI CHẾ

DỰ TRỮ BẮT BUỘC ĐỐI VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG
(Ban hành theo quyết định số 108/QĐ-NH5 ngày 09 tháng 6 năm 1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Điều 1: Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên duy trì số tiền dự trữ bắt buộc trên 1 khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2:

2.1. Dự trữ bắt buộc áp dụng đối với tất cả các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (bao gồm cả chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh) có huy động tiền gửi bằng đồng Việt nam.

2.2. Tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi bằng ngoại tệ sẽ thực hiện dự trữ bắt buộc theo quy định riêng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 3: Căn cứ chính sách tiền tệ từng thời kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% đến 35% trên toàn bộ tiền gửi ở tổ chức tín dụng. Số tiền dự trữ bắt buộc trong giới hạn này không được Ngân hàng Nhà nước công bố trên mức 35%, số tiền dự trữ bắt buộc trên mức đó sẽ được Ngân hàng Nhà nước trả lãi.

Điều 4: Qui chế dự trữ bắt buộc không áp dụng đối với tổ chức tính dụng được đặt vào tình trạng bảo tồn hoặc phá sản

Điều 5: Mức tiền dự trữ bắt buộc được tính hàng tháng theo tỷ lệ dự trữ bắt buộc nói ở điều 3 qui chế này trên toàn bộ số tiền gửi bình quân trong tháng trước của khách hàng ở tổ chức tín dụng.

Điều 6: Tài khoản tiền dự trữ bắt buộc mở tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi tổ chức tín dụng mở tài khoản tiền gửi chính.

Điều 7: Ngày 20 hàng tháng, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi tổ chức tín dụng mở tài khoản tiền gửi chính căn cứ báo cáo của tổ chức tín dụng:

a) Kiểm tra số liệu báo cáo, tính số tiền dự trữ bắt buộc phải thực hiện của tháng đó để thông báo cho tổ chức tín dụng.

b) Đối chiếu số dư tài khoản tiền dự trữ bắt buộc với số tiền dự trữ bắt buộc phải thực hiện của tháng đó để xử lý theo điều 8 dưới đây.

Điều 8: Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước xử lý dự trữ bắt buộc thừa, thiếu như sau:

a) Trường hợp thừa, trích chuyển số tiền thừa từ tài khoản tiền dự trữ bắt buộc sang tài khoản tiền gửi chính của tổ chức tín dụng.

b) Trường hợp thiếu, trích chuyển số tiền thiếu từ tài khoản tiền gửi chính sáng tài khoản tiền dự trữ bắt buộc của tổ chức tín dụng; nếu số dư tài khoản tiền gửi chính không đủ, buộc tổ chức tín dụng phải bù đắp số còn thiếu bằng tiền mặt hoặc đi vay.

Điều 9: Việc báo cáo, tổng hợp, phân tích về chấp hành dự trữ bắt buộc:

9.1. Ngày 15 hàng tháng, tổ chức tín dụng phải gửi bản tính toán mức tiền dự trữ bắt buộc trong tháng đó cho Ngân hàng Nhà nước nơi tổ chức tín dụng mở tài khoản tiền gửi chính.

9.2. Ngày 25 hàng tháng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước gửi báo cáo tổng hợp tình hình chấp hành dự trữ bắt buộc tháng trước của tổ chức tín dụng thuộc phạm vi quản lý về Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng).

9.3. Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng tổng hợp tình hình dự trữ bắt buộc hàng tháng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 10: Tổ chức tín dụng được quyền khiếu nại với Ngân hàng Nhà nước các quyết định xử lý chưa thoả đáng về chấp hành dự trữ bắt buộc. Trong thời gian chưa được giải quyết, tổ chức tín dụng vẫn phải chấp hành quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 11: Xử lý vi phạm

Các trường hợp vi phạm qui chế này đều bị xử lý theo qui chế xử phạt các vi phạm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Điều 12: Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong qui chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.