ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1092/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 11 tháng 5 năm 2018 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2018.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 98/TTr- SNNPTNT ngày 27/4/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018.
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai Đề án tới các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1092/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2017
1. Kết quả sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2017:
1.1. Kết quả sản xuất lúa Mùa 2017: Vụ Mùa năm 2017, toàn tỉnh gieo cấy 79.644 ha giảm 726 ha so với vụ Mùa năm 2016.
+ Cơ cấu: Giống lúa chất lượng cao gồm các giống Bắc thơm số 7, T10, RVT, N97, nếp các loại, lúa Nhật... (chiếm 23,95%); giống lúa năng suất gồm các giống BC15, TBR1, TBR225, Thiên ưu 8,... (chiếm 76,05%), trong đó, chủ lực là giống BC15, diện tích 42.058 ha bằng 52,81 %.
+ Phương thức gieo cấy: Chủ yếu bằng phương thức gieo mạ, cấy tay; diện tích cấy bằng máy đạt 1.378 ha chiếm 1,73%; diện tích gieo thẳng 16.180 ha chiếm 20,31%.
+ Năng suất lúa toàn tỉnh đạt 47,25 tạ/ha; sản lượng đạt 375.818 tấn.
+ Tích tụ ruộng đất: Đến vụ Mùa năm 2017, diện tích đất canh tác được tích tụ với quy mô 02 ha trở lên đạt 1.792,8 ha.
1.2. Kết quả sản xuất cây màu vụ Hè và Hè Thu: Diện tích gieo trồng cây màu Hè và Hè Thu đạt 15.941 ha, giảm 543 ha so với năm 2016, sản lượng đạt 244.133 tấn, giá trị ước đạt 1.004,44 tỷ đồng, giảm 13,75% so với năm 2016; trong đó, diện tích cây màu Hè đạt 10.752 ha, tăng 190 ha so với năm 2016, cây màu Hè trên đất chuyên trồng lúa 1.840 ha, giảm 214 ha so với năm 2016.
1.3. Kết quả sản xuất cây màu vụ Đông: Kết quả, diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2017 đạt 36.351 ha, vượt 699 ha so với năm 2016, năng suất của hầu hết các cây trồng đều đạt cao, cơ bản được giá. Giá trị sản xuất vụ Đông năm 2017 ước đạt 2.759,102 tỷ đồng (theo giá cố định), tăng 81,427 tỷ (3,04%) so năm 2016.
2. Những khó khăn, tồn tại của Vụ Mùa, vụ Đông năm 2017:
- Thiên tai và dịch bệnh xảy ra liên tục, là một vụ gặp khó khăn nhất trong 5 năm trở lại đây. Từ khi gieo cấy (đầu vụ) đến khi lúa chín đến kỳ thu hoạch (cuối vụ) đều bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa lớn xảy ra trên diện rộng kết hợp với triều cường làm một số diện tích lúa gieo thẳng phải gieo cấy lại và 34.000 ha lúa đã ở giai đoạn chín, gần 12.000 ha cây rau màu bị thiệt hại nghiêm trọng về năng suất; sau nhiều năm không có dịch, sự xuất hiện trở lại của bệnh lùn sọc đen, một số nơi nông dân và chính quyền cơ sở còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
- Việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, vỏ thuốc bảo vệ thực vật vất bỏ tràn lan xuống kênh mương gây ô nhiễm môi trường; việc lạm dụng thuốc trừ cỏ để diệt bèo và vệ sinh đồng ruộng, đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn còn xảy ra.
- Thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, và tình trạng sản xuất cầm chừng để giữ đất hình thành và có xu thế tăng ở nhiều nơi, đặc biệt là các vùng quanh khu công nghiệp, thành phố.
- Kinh doanh vật tư nông nghiệp của các Hợp tác xã Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp (HTXKDDVNN) còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng tại địa phương.
- Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô còn hạn chế, chưa phát triển được thành những vùng chuyên canh lớn có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
- Công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, thị trường và thông tin thị trường, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định.
II. CHỦ TRƯƠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2018
1. Chủ trương sản xuất vụ Mùa và vụ Đông năm 2018:
1.1. Chủ trương:
- Áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen một cách đồng bộ và quyết liệt từ khâu vệ sinh đồng ruộng, xử lý hạt giống, phun trừ rầy và tiêu hủy cây bệnh ngay từ đầu vụ sản xuất.
- Gieo cấy hết diện tích đất lúa trước ngày 20/7/2018; mở rộng diện tích cấy máy, hạn chế thấp nhất gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh bạc lá, nhiễm rầy ở vụ Mùa; áp dụng biện pháp tiên tiến trong thâm canh, sản xuất lúa (gieo mạ khay, cấy bằng máy; cấy hàng rộng, hàng hẹp; thâm canh cải tiến SRI, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phòng trừ sâu bệnh theo phương châm phòng là chính và không để sâu bệnh gây mất mùa, giảm năng suất; bố trí trà lúa mùa sớm phù hợp với việc mở rộng cây vụ Đông ưa ấm, đảm bảo diện tích lúa mùa sớm từ 20 - 25 nghìn ha; điều tiết nước hợp lý theo phương châm giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng.
- Mở rộng diện tích cây màu Hè, Hè Thu, vụ Đông lấy hiệu quả kinh tế trong sản xuất để phát triển bền vững; chú trọng và mở rộng các cây trồng theo lợi thế của từng địa phương như dưa, bí, ngô nếp, ngô ngọt, đậu đỗ, ớt, bí xanh, khoai tây, rau chất lượng cao...
- Chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn; đẩy nhanh quy hoạch, mở rộng quy mô cánh đồng liên kết có bao tiêu sản phẩm ở cả vụ Mùa và vụ Đông để tạo sự ổn định trong sản xuất nông nghiệp.
- Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống, khắc phục thiên tai, có phương án phòng chống úng ngập ngay từ đầu vụ để giảm tối đa thiệt hại cho lúa và hoa màu.
1.2. Mục tiêu:
1.2.1. Lúa Mùa: Diện tích 79.500 ha, năng suất đạt 61 tạ/ha trở lên, sản lượng đạt 485.000 tấn trở lên.
1.2.2. Màu Mùa (Hè và Hè Thu): Phấn đấu đạt 16.500 ha trở lên, trong đó: Cây màu Hè 10.000 ha (theo Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè năm 2018), cây màu Hè Thu 6.500 - 7.000 ha.
1.2.3. Cây vụ Đông năm 2018: Phấn đấu đạt 36.000 ha trở lên, trong đó:
Đậu tương: | 1.500 - 2.000 ha; | Ớt | 1.500 - 1.800 ha; |
Ngô: | 7.000 - 7.500 ha; | Bí các loại: | 4.000 - 4.500 ha; |
Khoai tây: | 4.000 - 4.500 ha; | Dưa các loại: | 1.300 - 1.500 ha; |
Khoai lang: | 2.500 - 2.800 ha; | Rau các loại: | 12.500 - 13.000 ha. |
2. Các giải pháp sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018:
2.1. Giải pháp về tuyên truyền:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở trong triển khai, thực hiện Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018:
+ Tuyên truyền mạnh mẽ về sự nguy hiểm, tác nhân môi giới truyền bệnh cùng các giải pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen, đây là giải pháp rất quan trọng vì vụ Mùa 2017 bệnh đã gây hại nặng, nhất là các huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy và vụ Xuân 2018 một số diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã bị nhiễm bệnh.
+ Tuyên truyền áp dụng phương thức gieo mạ khay, cấy bằng máy; chủ trương tích tụ ruộng đất, sản xuất an toàn, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng... để người dân hiểu và thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
- Hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền trên hệ thống Đài Truyền thanh, Truyền hình các huyện, thành phố và Đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn...; tổ chức hội thảo, tập huấn; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục; kịp thời giới thiệu các mô hình hay, cách làm giỏi... để người dân nắm bắt kịp thời chủ trương của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã tham gia vào các chương trình như “Giảm phát thải khí nhà kính”...
2.2. Giải pháp về quản lý, chỉ đạo:
- Chủ động và có kế hoạch ứng phó với bệnh lùn sọc đen và điều kiện thời tiết bất lợi trong sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu vụ, huy động sự tham gia chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở trong chỉ đạo sản xuất; tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp xuống cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, cách thức sản xuất hàng hóa...
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quảng cáo và cung ứng vật tư nông nghiệp; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng kém, tuyên truyền quảng cáo sai quy định.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Kiểm tra, rà soát và xây dựng phương án tưới, tiêu nước hợp lý cho diện tích lúa và cây màu vụ Mùa, cây màu vụ Đông.
2.3. Các giải pháp kỹ thuật:
2.3.1. Sản xuất lúa Mùa:
- Cơ cấu giống lúa:
+ Nhóm lúa thuần chất lượng cao (25 - 30%) gồm các giống lúa nếp, giống lúa Nhật Bản, RVT, Vật tư NA2, một số giống thơm kháng bệnh bạc lá.... Giống lúa Bắc thơm 7, T10 chỉ sản xuất ở vùng có trình độ thâm canh cao và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế thiệt hại do bệnh bạc lá gây ra.
+ Nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh (70 - 75%) gồm các giống: BC15, Thiên ưu 8, TBR1, TBR225... và một số giống lúa lai kháng bạc lá, như: Nam ưu 209...
- Thời vụ (Thời vụ cấy lúa mùa, kết thúc trước ngày 20/7/2018):
+ Trà sớm, gieo mạ nền từ ngày 15 - 20/6/2018, tuổi mạ khi cấy từ 7 - 10 ngày; mạ dược gieo từ ngày 5 - 10/6/2018, cấy khi mạ được 15 - 18 ngày tuổi.
+ Đại trà: Mạ nền cứng gieo từ ngày 01 - 05/7/2018, tuổi mạ khi cấy 7 - 10 ngày; mạ dược gieo từ ngày 20 - 25/6/2018, cấy khi mạ 15 - 18 ngày tuổi.
- Những vấn đề cơ bản về kỹ thuật:
+ Giống:
* Sử dụng các giống đảm bảo chất lượng, có khả năng chống chịu tốt một số đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt với rầy và bệnh bạc lá.
* Không cấy giống BC15, TBR225 trên chân đất trũng hẩu, các chân ruộng dễ nhiễm bệnh đạo ôn; lúa lai cấy vùng có tầng canh tác dày ở nội đồng, vùng ven biển và chân đất trũng, hẩu; các giống lúa thuần chất lượng cao bố trí ở chân đất vàn, đất tốt; giống BC15 gieo đầu lịch, kết thúc cấy muộn nhất đến ngày 10/7/2017.
* Chủ động gieo tăng 5 - 10% mạ ở trà cuối và chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết bất thuận gây úng ngập làm chết mạ, chết lúa.
+ Phân bón: Sử dụng các loại phân bón đã được công nhận lưu hành, đảm bảo hiệu quả, theo nguyên tắc: Đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách bón. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa Xuân, sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh để tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn, nâng cao độ phì cho đất. Bón cân đối phân đạm, lân và kali với phương châm bón lót sâu, thúc sớm. Khuyến cáo tăng cường sử dụng phân bón có tác dụng cải tạo đất đặc biệt trên những chân đất xấu, nghèo mùn, chua mặn, thành phần cơ giới nhẹ.
+ Công tác bảo vệ thực vật: Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM); chủ động làm tốt công tác dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu, bệnh gây hại cây trồng; có kế hoạch phòng chống bệnh lùn sọc đen ngay từ đầu vụ, làm đất ngay sau thu hoạch lúa Xuân hạn chế nguồn rầy và bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng. Hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng đảm bảo hiệu quá kinh tế và bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Tuyên truyền và hướng dẫn địa phương các biện pháp diệt chuột để bảo vệ sản xuất trong đó tăng cường đánh bắt bằng phương pháp thủ công.
+ Công tác thủy nông: Giữ nước nông mặt ruộng tránh mất lấm trong khi thu hoạch lúa Xuân; tiêu chủ động giai đoạn cấy; tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng, điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Chủ động tưới tiêu, không để úng, hạn xảy ra, làm tốt việc khơi thông dòng chảy, thực hiện sớm và đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh. Điều hành nước linh hoạt trong vụ Đông, đảm bảo vừa giữ được ải, vừa đủ nước phục vụ cho gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông.
2.3.2. Sản xuất màu vụ Hè, Hè Thu: Lựa chọn cây trồng phù hợp, bố trí công thức luân canh, trồng xen hợp lý như: Xen ngô với cây họ đậu, gối vụ với màu Hè. Chú trọng nhóm dưa, bí và nhóm rau chịu nhiệt như su hào, cà chua, đậu ăn quả các loại...
2.3.3. Sản xuất vụ Đông:
a. Đối với nhóm cây ưa ấm:
- Cây ngô:
+ Sử dụng giống ngô lai F1 năng suất cao, mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô thực phẩm, ngô ăn tươi: Ngô nếp, ngô đường năng suất cao, chất lượng tốt; các giống ngô có sinh khối lớn, chất lượng cao để làm thức ăn chăn nuôi.
+ Gieo hạt từ 15 đến 25/9/2018, đặt bầu trước ngày 10/10/2018. Đối với ngô nếp, ngô đường, ngô rau có thời gian sinh trưởng ngắn, sử dụng bắp tươi; ngô làm thức ăn xanh cho chăn nuôi, thời vụ gieo trồng có thể kéo dài đến 15/10/2018.
+ Sử dụng các biện pháp kỹ thuật như làm bầu ngô, làm đất tối thiểu, tăng mật độ ngô: 6 - 7 vạn cây/ha đối với đất màu; 5,7 - 6 vạn cây/ha đối với đất 2 lúa; bón phân sớm, đủ lượng và cân đối,...
- Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt: Áp dụng kỹ thuật làm bầu (nhóm dưa, bí), ươm cây con (ớt... ) và chăm sóc cây con tốt. Đối với bầu bí, dưa chuột có thể áp dụng kỹ thuật trồng gối bằng cách rạch lúa đặt bầu trước khi thu hoạch lúa để tranh thủ thời vụ.
b. Đối với nhóm cây ưa lạnh:
- Khoai tây:
+ Thời vụ: Tập trung từ ngày 20/10 - 10/11/2018, trên chân đất cấy lúa nên trồng trong tháng 10.
+ Giống khoai tây: Sử dụng các giống Marabel, Solara, Atlantic, Diamant, Sinora,... được lựa chọn từ những ruộng giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh và được bảo quản trong kho lạnh.
- Rau, đậu:
+ Quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định theo quy trình sản xuất rau an toàn, áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong trồng rau, dưa, bí, lạc..., tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh.
+ Tận dụng tốt điều kiện đất đai, nhân lực, thời vụ, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, chủ động trồng rải vụ, trồng các loại rau đậu có giá trị và thị trường tiêu thụ tốt.
2.4. Cơ chế, chính sách phát triển sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018:
- Căn cứ các quy định, chính sách hiện hành và tình hình thực tế của các địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách cụ thể về hỗ trợ sản xuất phát triển nông nghiệp với điều kiện tổng kinh phí không được vượt dự toán đã giao đầu năm.
- Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của địa phương có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích hộ nông dân phát triển sản xuất.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ Đề án của tỉnh để xây dựng Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018 của huyện, thành phố; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết, lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng theo Đề án sản xuất của huyện, thành phố; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở địa phương; chỉ đạo các HTXKDDVNN thực hiện tốt khâu cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân; quy hoạch và xây dựng phương án sản xuất cụ thể cho các vùng sản xuất cây trồng an toàn phù hợp với cây trồng lợi thế của địa phương và yêu cầu của thị trường. Thẩm định kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của các xã, phường, thị trấn; xây dựng kế hoạch tuyên truyền chủ trương Đề án sản xuất của tỉnh, huyện, thành phố bằng nhiều hình thức truyền thông. Chỉ đạo quyết liệt các khâu thu hoạch lúa Xuân, giữ nước, làm đất và gieo cấy đảm bảo kết thúc gieo cây lúa Mùa trước ngày 20/7/2018; chú trọng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở địa phương, thường xuyên quan tâm công tác thủy lợi nội đồng, nhất là việc khơi thông dòng chảy trong mùa mưa, bão. Bố trí cán bộ các phòng, ban, đoàn thể chính trị - xã hội xuống các xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và vận động nông dân thực hiện nghiêm túc đúng chủ trương Đề án của tỉnh, huyện, thành phố. Chủ động sắp xếp nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của địa phương và nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật đề thực hiện Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả sản xuất của các địa phương, tham mưu và đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện Đề án một cách kịp thời; chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018.
- Tăng cường lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh, huyện, thành phố đã đề ra trong Đề án đảm bảo có hiệu quả; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình xây dựng băng hình khoa giáo, phát vào thời gian thích hợp để nông dân tiếp thu thực hiện, chú trọng tới các biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng chống dịch hại cây trồng bảo vệ sản xuất.
- Tổ chức tốt việc thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với các quy định của Nhà nước.
- Căn cứ các quy định, chính sách hiện hành và tình hình thực tế của các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Xây dựng cơ chế, chính sách về đối tượng, định mức, phương thức, điều kiện áp dụng cho từng nội dung và kết hợp lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (nếu có) để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trong phạm vi nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, nguồn vốn ngân sách địa phương đối ứng, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới (trong trường hợp lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới) được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Các sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cụ thể để thực hiện Đề án bảo đảm hiệu quả.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp tạo môi trường kinh doanh để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn, xây dựng kế hoạch cấp kinh phí để thực hiện Đề án; phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn việc thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí trong phạm vi nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp và nguồn vốn địa phương đối ứng, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (trong trường hợp kết hợp lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2018.
- Sở Công thương tham mưu, đề xuất các chính sách thương mại, phân tích tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thúc đẩy xuất khẩu nông sản; hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường làm tốt công tác quản lý thị trường về lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp.
- Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động và triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất cây trồng; sử dụng rơm rạ trong sản xuất nấm, phân hữu cơ, phân vi sinh phục vụ sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để hộ nông dân hiểu và nắm vững chủ trương sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của tỉnh, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2018.
5. Các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng và chọn thời điểm phù hợp tuyên truyền, phổ biến Đề án; kịp thời biểu dương các cá nhân và tổ chức làm tốt, phê bình các địa phương, cá nhân làm chưa tốt./.
- 1 Quyết định 819/QĐ-UBND phê duyệt Phương án sản xuất vụ Mùa năm 2018 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 2 Quyết định 1047/QĐ-UBND về Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2016 tỉnh Thái Bình
- 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4 Quyết định 817/QĐ-UBND về Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2013 do tỉnh Thái Bình ban hành