Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 817/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 03 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2013.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 139/TTr-SNN&PTNT ngày 17/4/2013,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2013.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các địa phương thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Giám đốc sở, Thủ trưởng ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT Ủy ban nhân dân tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NN, TM, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Sinh

 

ĐỀ ÁN

SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG 2012.

1. Kết quả sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012.

- Sản xuất lúa mùa: Toàn tỉnh gieo cấy 81.689 ha, giảm 594 ha so với vụ Mùa 2011, trong đó: Lúa gieo thẳng 3.014 ha, tăng 784 ha; lúa chất lượng 19.271 ha, chiếm 23,59% tổng diện tích, tăng 4.178 ha. Năng suất lúa đạt 58,55 tạ/ha, giảm 0,63 tạ/ha so với vụ Mùa 2011; sản lượng đạt 478.320 tấn; các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ có năng suất trên 62 tạ/ha; huyện Tiền Hải đạt 42,5 tạ/ha do ảnh hưởng nghiêm trọng của bão số 8 ngày 28/10/2012.

- Cây màu Hè - Hè Thu: Diện tích 12.958 ha, tăng 606 ha, sản lượng 166.406 tấn, tăng 9.960 tấn so với cùng kỳ năm 2011. (sản lượng chưa tính hoa, cây cảnh, cỏ, cây phân xanh và một số cây hằng năm khác).

- Sản xuất cây vụ Đông: Tổng diện tích cây vụ Đông mặc dù bị bão số 8 gây hại làm mất trắng trên 10 ngàn ha, diện tích cuối vụ vẫn đạt 29.647 ha, giảm 6.539 ha so với vụ Đông năm 2011, diện tích giảm ở tất cả các huyện, thành phố. Một số cây trồng chính giảm như: Ngô giảm 1.018 ha, đậu tương giảm 1.718 ha, khoai lang giảm 721 ha, khoai tây giảm 1.399 ha, rau các loại giảm 3.570 ha. Năng suất của hầu hết các cây trồng đều giảm so với vụ Đông năm trước. Giá trị so sánh cây vụ Đông đạt 1.228.554 triệu đồng, thấp hơn vụ Đông năm 2011: 126.574 triệu đồng; giá trị thực tế đạt 4.650.482 triệu đồng, vượt 1.149.723 triệu đồng so với vụ Đông năm 2011.

2. Đánh giá kết quả sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012.

2.1. Những yếu tố tích cực:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chặt chẽ và chủ động từ tỉnh xuống cơ sở; chủ trương, biện pháp, kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông được triển khai sớm, các giải pháp thực hiện cụ thể và đồng bộ; các cấp ủy đảng, chính quyền và nông dân nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với biến động của thời tiết, đảm bảo sản xuất có hiệu quả. Đến ngày 30/6/2012 toàn tỉnh gieo cấy được 2.990 ha gấp 2,5 lần, đến ngày 5/7/2012 gieo cấy được 16.550 ha gấp 4,9 lần và đến ngày 10/7/2012 gieo cấy được 40.000 ha gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước, toàn tỉnh gieo cấy kết thúc trong tháng 7/2012.

- Sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hạt giống rau màu, lượng giống rau màu đảm bảo gieo trồng cho hàng ngàn ha.

- Các giải pháp thực hiện được triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả như:

+ Các cấp, các ngành, các đoàn thể đã chủ động tích cực phối hợp, kết hợp trong chỉ đạo sản xuất; đặc biệt với sự chủ động, tích cực của các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình, các cơ quan Báo, Đài Trung ương) trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất tới cơ sở và nông dân trong toàn tỉnh.

+ Công tác đào tạo, huấn luyện và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân được triển khai sớm, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình sản xuất. Đã có nhiều đổi mới về phương pháp, nâng cao chất lượng huấn luyện và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thu hút được đông đảo nông dân tham gia và tự nguyện áp dụng.

+ Hệ thống thủy nông được điều hành tập trung trong toàn hệ thống từ tỉnh đến cơ sở từ vụ sản xuất trước chuyển sang vụ sản xuất sau một cách linh hoạt, hợp lý cho từng địa phương. Đặc biệt công tác tiêu úng được triển khai đồng bộ trong cả hệ thống, trong đợt mưa lớn đầu tháng 8 và bão số 8, kịp thời cứu hàng ngàn ha lúa và cây màu các loại.

+ Công tác bảo vệ thực vật được chỉ đạo tập trung từ tỉnh đến cơ sở. Dự tính, dự báo khá chính xác các đối tượng sâu bệnh hại và tổ chức chỉ đạo phòng, trừ quyết liệt, đạt hiệu quả cao.

+ Các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, phân bón, kỹ thuật canh tác (gieo thẳng, làm bầu, làm đất tối thiểu, che phủ nilon, cơ giới hóa các khâu cấy, thu hoạch, gieo hạt..) được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất vụ Mùa, vụ Đông, mở hướng khắc phục việc thiếu nhân công trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết được yêu cầu thời vụ khắt khe của cây vụ Đông ưa ấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng diện tích cây vụ Đông và tạo thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn.

+ Thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, triển khai rộng khắp ở các huyện, thành phố theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, phát hiện và xử lý kịp thời các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản không đúng quy định.

+ Chủ động chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp trong và ngoài tỉnh chuẩn bị sớm các loại vật tư (phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật...) cả về số lượng và chất lượng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sau bão số 8, với sự chỉ đạo quyết liệt và ban hành cơ chế chính sách kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm khắc phục hậu quả do bão số 8 gây ra, các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh đã tích cực vào cuộc cùng nông dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cung ứng kịp thời các loại giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

+ Chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu được triển khai đồng bộ ở các huyện, thành phố cả ở vụ Mùa, vụ Đông, từng bước tạo ra diện mạo mới cho sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt.

+ Trong suốt quá trình sản xuất, công tác kiểm tra, uốn nắn việc thực hiện các chủ trương sản xuất, được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên và cụ thể ở từng giai đoạn trọng điểm.

+ Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được tham mưu sớm, đồng bộ, kịp thời, phù hợp, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, ban hành quyết định ngay từ đầu vụ, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong triển khai và điều hành thực hiện. Các huyện, thành phố đều có chính sách khuyến khích riêng phù hợp với yêu cầu của địa phương. Đặc biệt chính sách khắc phục hậu quả sau bão số 8, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thành phố, phê duyệt kịp thời, nhờ đó diện tích cây vụ Đông đã được hồi phục và bổ sung nhanh chóng, kịp thời vụ.

2.2. Những hạn chế và tồn tại.

* Yếu tố khách quan.

Sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012 phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do thời tiết gây ra như: Rét đậm, rét hại đầu vụ Xuân làm cho lúa xuân trỗ muộn, nhiều diện tích thu hoạch đến 30/6/2012 tạo áp lực lớn cho khâu thu hoạch - làm đất - gieo cấy lúa mùa; mưa lớn từ ngày 06 đến ngày 09/8/2012 làm cho gần 6.000 ha lúa bị ngập úng phải cấy, dặm lại và chăm sóc bổ sung, cây lúa bị kéo dài thời gian sinh trưởng và gần 5.000 ha lúa trỗ đầu tháng 9 gặp mưa lớn từ ngày 03 đến ngày 06/9/2012 bị đen hạt, một số ít diện tích (chủ yếu lúa Bắc thơm 7) bị bệnh bạc lá nên tỷ lệ lép lửng cao; bão số 8 đã làm cho gần 30 ngàn ha cây vụ Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có hơn 10 ngàn ha bị mất trắng, hàng ngàn ha lúa chưa kịp thu hoạch của khu Nam huyện Tiền Hải giảm năng suất từ 30 - 70%; đây là nguyên nhân khách quan chính làm giảm năng suất, sản lượng lúa mùa và giảm diện tích, năng suất, giá trị so sánh cây vụ Đông năm 2012.

* Yếu tố chủ quan.

- Lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sản xuất ở một số cơ sở chưa sâu sát và quyết liệt, vẫn còn nhiều cơ sở chưa chấp hành đúng Đề án của tỉnh và huyện, cụ thể:

+ Về thời vụ: Toàn tỉnh vẫn còn hơn 3.000 ha ở một số xã khu Nam huyện Tiền Hải cấy muộn cuối tháng 7 sang đầu tháng 8/2012, diện tích này lúa đã chín nhưng nông dân chủ quan thu hoạch chậm, cho rằng không còn bão vào cuối tháng 10, vì vậy khi bão số 8 đổ bộ với cường độ mạnh, thóc rụng nhiều, năng suất giảm trầm trọng, đây là nguyên nhân chủ quan chính làm giảm năng suất và sản lượng lúa mùa năm 2012.

+ Điều hành nước ở một vài nơi thực hiện chưa nghiêm, chưa đồng bộ: Có nơi tự ý ngăn chặn dòng chảy, tự ý lấy nước, giữ nước, gây ngập úng nhiều ngày khi gặp mưa lớn; có nơi thiếu nước gây khó khăn cho sinh trưởng cây lúa, thời gian sinh trưởng của cây lúa bị kéo dài. Nhiều diện tích lúa xuân cuối vụ không thực hiện chủ trương giữ nước, giữ lấm, tháo nước khi lúa chín khiến mặt ruộng bị khô hạn khó khăn cho làm đất và phân hủy rơm rạ.

+ Một số địa phương có quỹ đất vụ Đông nhiều nhưng chưa tập trung lãnh đạo chỉ đạo nên không mở rộng được diện tích cây vụ Đông.

+ Việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung cũng như cánh đồng mẫu ở một số địa phương còn lúng túng, chưa có kế hoạch chi tiết và lâu dài, làm hạn chế khả năng hợp đồng, tiêu thụ sản phẩm và cơ giới hóa trong sản xuất.

+ Sự phối hợp, kết hợp giữa cấp ủy đảng, chính quyền và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ở một số địa phương, cơ sở trong công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất chưa nhịp nhàng, đồng bộ, có địa phương giao hết công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp.

- Ý thức chấp hành Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012 của một bộ phận cán bộ và nông dân ở một số địa phương chưa nghiêm về cơ cấu giống lúa, thời vụ gieo cấy, công tác phòng trừ sâu bệnh, còn sử dụng phân đạm bón thúc cho lúa và sử dụng phân NPK chưa đúng quy trình kỹ thuật làm bệnh bạc lá phát sinh và trở thành nguồn gây hại cho một số diện tích lúa chất lượng mẫn cảm với bệnh.

- Công tác tham mưu, điều chỉnh tình huống, nhất là điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng vụ Đông còn chậm và hạn chế như:

+ Xây dựng cơ cấu sản xuất vụ Đông chưa theo kịp với tình hình cơ giới hóa (khi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp làm vỡ mặt bằng khó gieo vãi được đậu tương);

+ Chưa có giải pháp cụ thể nhằm mở rộng diện tích gieo thẳng ở vụ Mùa nhằm điều chỉnh thời vụ phù hợp, tiết kiệm chi phí cho nông dân;

+ Chủng loại giống cây trồng vụ Đông chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là chất lượng giống và khả năng cung ứng của các doanh nghiệp;

+ Hệ thống thủy lợi tuy đã được sửa chữa nâng cấp nhưng ở một số nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu chủ động cho lúa mùa, cũng như cây vụ Đông;

+ Công tác thu hút, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và thu mua nông sản còn nhiều hạn chế, bất cập.

2.3. Bài học rút ra từ sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2012.

- Củng cố, tăng cường và nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; chỉ đạo quyết liệt, sát sao, linh hoạt; kiểm tra, giám sát cụ thể và uốn nắn, hướng dẫn kịp thời. Đặc biệt trong chỉ đạo thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ.

- Nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch, tổ chức thực hiện chặt chẽ, cụ thể và rõ ràng. Các địa phương cần chủ động tăng tối đa diện tích trà mùa sớm với các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, mở rộng diện tích gieo thẳng ở những nơi có điều kiện. Đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, cấy và thu hoạch....

- Tăng cường công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền qua nhiều hình thức giúp nông dân có những nhận thức đầy đủ về sản xuất hàng hóa, sử dụng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các kỹ thuật canh tác khác.

- Củng cố và làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, chủ động dự báo, xử lý trước và ứng phó nhanh nhạy, kịp thời với những biến động bất thường của thời tiết.

- Công tác tham mưu cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư ban hành sớm, đủ động lực để khuyến khích các địa phương và nông dân thực hiện.

- Củng cố và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh, huyện và cơ sở đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.

II. CHỦ TRƯƠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP SẢN XUẤT VỤ MÙA VÀ VỤ ĐÔNG NĂM 2013.

1. Những thuận lợi, khó khăn đối với sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2013.

1.1. Thuận lợi.

- Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành liên quan, các địa phương, cơ sở; ngành Nông nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo sản xuất, tổ chức thực hiện, tuyên truyền vận động nông dân.

- Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện qua: Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị Quyết 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được phát động; Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, với chính sách hỗ trợ địa phương và người sản xuất lúa; chính sách khuyến khích trang bị cơ giới hóa sản xuất của tỉnh, phong trào xây dựng cánh đồng mẫu với sự vào cuộc góp sức của các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và doanh nghiệp thu mua nông sản, từng bước giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, tạo thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

- Các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác được áp dụng rộng rãi kích thích sản xuất phát triển và thu hút hộ nông dân quan tâm, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

- Vụ Xuân 2013 là vụ Xuân ấm, mưa ẩm nên lúa xuân sinh trưởng, phát triển nhanh, dự báo lúa xuân trỗ tập trung từ 05 - 15/5/2013, sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 7 - 10 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho làm đất, gieo cấy lúa mùa sớm, từ đó có nhiều quỹ đất cho sản xuất cây vụ Đông ưa ấm.

1.2. Khó khăn.

- Thời tiết: Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông sớm và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, số cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng 5 - 6 cơn, Thái Bình có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 1 - 2 bão, áp thấp nhiệt đới, đề phòng có bão mạnh và mưa lớn cục bộ. Nền nhiệt toàn mùa xấp xỉ cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm: 27,5°C), nắng nóng tập trung vào tháng 6, tháng 7 nhưng không gay gắt, kéo dài. Lượng mưa toàn mùa cao hơn trung bình nhiều năm, mưa tập trung vào các tháng đầu mùa.

- Dịch hại vẫn là thách thức đối với sản xuất nông nghiệp. Dự báo nền nhiệt từ tháng 8 đến tháng 10/2013 cao hơn trung bình nhiều năm là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh, phát triển mạnh; các đối tượng gây hại chính như: Rầy các loại, sâu cuốn lá, sâu đục thân có khả năng bùng phát gây hại nghiêm trọng, đặc biệt rầy các loại còn là đối tượng lây truyền virus gây bệnh Lùn sọc đen, đây là đối tượng dịch hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa và một số cây màu. Các giống lúa đang được gieo trồng phổ biến trên đồng ruộng hầu hết mẫn cảm với dịch hại, nhất là nhóm giống lúa chất lượng mẫn cảm cao với rầy các loại và bệnh bạc lá.

- Giá vật tư nông nghiệp đầu vào như: Giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư khác vẫn ở mức cao, song thu nhập từ sản phẩm của cây trồng thấp, nên khả năng đầu tư vào sản xuất vụ Mùa, vụ Đông bị hạn chế.

- Lực lượng lao động ở nông thôn yếu và thiếu. Giá nông sản có tăng nhưng chưa tương ứng với giá vật tư đầu vào.

- Hệ thống thủy lợi, công trình thủy nông tuy được đầu tư hỗ trợ nhưng một bộ phận lớn đang ngày càng xuống cấp chưa đáp ứng được yêu cầu chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa trên đồng ruộng.

2. Chủ trương sản xuất vụ Mùa và vụ Đông năm 2013.

2.1. Chủ trương: Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra và đảm bảo mức tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Mùa, vụ Đông 2013 phải phấn đấu thực hiện tốt một số chủ trương, định hướng sau:

- Xây dựng đề án, kế hoạch sản xuất vụ Mùa phải gắn kết liên hoàn với đề án, kế hoạch sản xuất vụ Đông, đảm bảo sản xuất an toàn, hợp lý trong cả 2 vụ, với phương châm vụ Mùa là tiền đề (tạo quỹ thời vụ, quỹ đất...) cho vụ Đông.

- Mở rộng diện tích trà lúa mùa sớm nhằm tạo thuận lợi và đảm bảo cho kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm. Bố trí tỷ lệ hợp lý giữa nhóm giống năng suất cao và nhóm giống chất lượng theo nhu cầu của thị trường tiêu dùng nội địa và chế biến, xuất khẩu vừa đảm bảo tăng năng suất lúa mùa, vừa đạt hiệu quả cao khi tiêu thụ. Các địa phương phải chủ động có kế hoạch chuẩn bị sớm giống lúa, giống cây vụ Đông và các điều kiện cần thiết khác; đẩy nhanh quy hoạch, mở rộng quy mô và số lượng “cánh đồng mẫu” cả ở vụ Mùa và vụ Đông để tạo bước đột phá đối với sản xuất hàng hóa trong ngành trồng trọt.

- Bố trí kế hoạch sản xuất phải đảm bảo chủ động ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại của các loại dịch hại, đặc biệt là bệnh Lùn sọc đen và các loại sâu bệnh hại chủ yếu đối với lúa mùa, cây vụ Đông, thực hiện theo phương châm phòng ngừa từ xa, phòng trước, tiêu diệt nguồn bệnh kịp thời, coi trọng thực hiện thời vụ, cơ cấu giống, sử dụng phân bón hợp lý.

- Mở rộng diện tích cây vụ Đông theo hướng vừa phát triển cây khoai tây, ngô, đậu tương, đồng thời tăng nhanh diện tích ớt, dưa, bí, rau màu có giá trị kinh tế cao, tạo đột phá mới về diện tích, giá trị, hiệu quả.

- Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (gieo sạ ngầm trong vụ Mùa, làm đất tối thiểu trong sản xuất khoai tây, sử dụng các loại phân bón mới...) và công nghệ nông nghiệp cao (sản xuất khoai tây nuôi cấy mô, thủy canh; sản xuất các loại hoa, ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý phế thải nông nghiệp, chủ yếu rơm rạ ngoài đồng ruộng) nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

- Quản lý sử dụng có hiệu quả kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 và các nguồn kinh phí hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khác, phát huy cao nhất hiệu quả của các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.

- Các ngành chức năng, các địa phương quan tâm làm tốt công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản và kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp.

2.2. Mục tiêu:

* Lúa mùa: Diện tích: 81.500 ha; Năng suất: 62 tạ/ha trở lên; Sản lượng: 505.000 tấn trở lên.

* Vụ Hè, Hè - thu: 12.500 ha, trong đó:

- Vụ Hè: 5.000 ha thực hiện theo Đề án sản xuất vụ Xuân, vụ Hè.

- Vụ Hè - Thu: 7.500 ha gồm:

+ Đậu tương: 2.500 ha, quy vùng 600 ha để làm giống cho vụ Đông;

+ Rau màu khác: 5.000 ha.

* Cây vụ Đông: Phấn đấu đạt 40 ngàn ha, tăng diện tích các cây trồng có hợp đồng tiêu thụ, các cây trồng sản phẩm có thể bảo quản được lâu dài, không bị tác động của thời tiết bất thuận lúc thu hoạch (nhóm dưa, bí các loại), trong đó:

Đậu tương:

8.000 - 8.500 ha

 

Ớt:

1.200 - 1 500 ha

Ngô:

7.000 - 7.500 ha

 

Bí các loại:

4.200 - 4.500 ha

Khoai tây:

4.000 - 4.500 ha

 

Dưa các loại:

1.200 - 1.500 ha

Khoai lang:

3.600 - 4.000 ha

 

Rau các loại:

11.000 - 12.000 ha

3. Các giải pháp sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2013.

3.1. Giải pháp về quản lý, chỉ đạo.

- Đối với sản xuất lúa vụ Mùa:

+ Tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn, kiên quyết giữ nước khi thu hoạch lúa xuân; vệ sinh đồng ruộng, xử lý triệt để nguồn sâu bệnh hại tồn dư; chủ động làm đất sớm, nhanh; gieo cấy lúa mùa đúng lịch thời vụ của tỉnh, huyện, cương quyết chỉ đạo toàn tỉnh cấy xong trước ngày 25/7/2013. Đảm bảo diện tích lúa mùa sớm (thu hoạch trước ngày 05 tháng 10) từ 35.000 ha trở lên để có quỹ đất trồng các loại cây vụ Đông ưa ấm;

+ Các địa phương, cơ sở tiến hành rà soát, xác định và phân loại cụ thể các trà cây trồng thu hoạch ở vụ Xuân, vụ Hè để xây dựng cơ cấu sản xuất vụ Mùa, cây vụ Đông cho phù hợp với thực tế; mở rộng “cánh đồng mẫu”, vùng sản xuất hàng hóa tập trung;

+ Xây dựng kế hoạch chuẩn bị giống sớm, đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho sản xuất lúa mùa sớm và cây vụ Đông.

- Đối với vụ Đông:

+ Phát triển mở rộng đồng bộ, hợp lý cả cây vụ Đông ưa ấm và ưa lạnh; xây dựng kế hoạch chuẩn bị giống sớm, lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng có uy tín để đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giống. Thu hoạch lúa mùa nhanh gọn và khẩn trương tổ chức gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm đảm bảo đúng lịch thời vụ. Xây dựng kế hoạch sản xuất cây vụ Đông phải xác định rõ chủng loại cây có ưu thế của địa phương, chỉ rõ từng chủng loại cây; gắn kết với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch mở rộng “cánh đồng mẫu” và vùng sản xuất hàng hóa (vùng sản xuất khoai tây, vùng sản xuất đậu tương, ngô, dưa, bí các loại...) trên cơ sở phù hợp về giống cây trồng, đất đai, thời vụ, đảm bảo tưới tiêu, chăm sóc và bảo vệ hiệu quả; ứng dụng nhanh những thành tựu khoa học tiên tiến, nhất là lĩnh vực giống và công nghệ sinh học cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từng bước nâng cao tỷ trọng hàng hóa nông sản được tiêu thụ thông qua hợp đồng, từng bước thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà, đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài, bền vững môi trường.

+ Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, vật tư phân bón và thực hiện tốt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý thuốc bảo vệ thực vật theo Quyết định số 1645/QĐ-UBND ngày 28/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

+ Tăng cường công tác huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ở vụ Mùa, vụ Đông giúp nông dân nắm vững được kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng đồng thời nâng cao nhận thức để chủ động trong quá trình sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

+ Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện, cơ sở; tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp xuống cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, vùng gieo mạ, giống, quy trình canh tác, tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh....; chủ động xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.

3.2. Các giải pháp kỹ thuật.

a. Lúa mùa.

* Trà lúa và cơ cấu giống lúa

- Cơ cấu trà lúa: Xác định rõ 2 trà lúa chính: Mùa sớm và mùa trung; mở rộng diện tích trà mùa sớm, phấn đấu trà mùa lúa sớm bình quân cả tỉnh từ 40 - 45% tổng diện tích gieo trồng (khoảng 30 - 35 ngàn ha), bố trí các giống ngắn ngày gieo cấy ở trà này như: N87, RVT, TBR1, VS1 và một số giống được phép sản xuất thử để thu hoạch trước ngày 10/10/2013 đảm bảo quỹ đất và thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm. Trà mùa trung 50 - 55%, bố trí gieo cấy các giống có năng suất cao, giống chất lượng như: BC15, TBR1, ĐS1, N97, lúa lai Nam Dương 99, N.ưu 69.... để đảm bảo mục tiêu sản lượng. Từng địa phương căn cứ điều kiện cụ thể cân đối diện tích gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm để tăng hoặc giảm các trà lúa.

- Cơ cấu giống lúa:

+ Nhóm lúa thuần chất lượng cao (30%) gồm các giống: RVT, N97, một số giống mới kháng được rầy nâu và chống chịu bạc lá khá. Giống lúa Bắc thơm 7, T10 chỉ sản xuất ở vùng có trình độ thâm canh cao và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tổng hợp để hạn chế thiệt hại do bệnh bạc lá gây ra.

+ Nhóm lúa có năng suất cao, chịu thâm canh (70%) gồm các giống: BC15, TBR1... và một số giống lúa lai kháng bạc lá để cấy vùng thấp trũng như: Nam Dương 99, N.ưu 69 ...

- Tiếp tục khảo nghiệm sản xuất, xây dựng mô hình trình diễn một số giống lúa ngắn và cực ngắn, hướng chất lượng, lúa lai, lúa thuần có năng suất cao, chất lượng khá, khả năng chống bạc lá, kháng rầy... để bổ sung vào cơ cấu sản xuất. Xây dựng các mô hình sản xuất lúa bằng máy cấy; gieo sạ ngầm lúa mùa và xử lý rơm rạ bằng các chế phẩm sinh học phun trực tiếp trên mặt ruộng lúa trước cày lật.

* Thời vụ và phương thức gieo, cấy: Căn cứ vào tình hình từng địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp nhất nhưng phải đảm bảo những yêu cầu sau:

Vùng đất sau lúa mùa trồng cây vụ Đông ưa ấm:

- Lúa cấy: Quyết liệt chỉ đạo, đảm bảo cấy xong trước ngày 05/7/2013 thu hoạch trước ngày 05/10/2013 để có quỹ đất, chủ động thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm.

+ Tuyên truyền gieo mạ nền là chủ yếu để tranh thủ thời vụ, quỹ đất, tuổi mạ khi cấy từ 7 - 10 ngày. Tùy vùng và thời điểm thu hoạch lúa xuân để bố trí thời vụ gieo mạ, gieo từ ngày 15 - 20/6/2013.

+ Mạ dược phải gieo thưa, cấy khi mạ được 15 - 18 ngày tuổi. Gieo xung quanh 10 - 15/6/2013.

- Đối với những địa phương, cơ sở không có quỹ đất để gieo mạ mùa sớm cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động và tập huấn kỹ thuật gieo mạ nền hoặc thu hoạch trước một góc ruộng để gieo mạ trà sớm, với phương châm: Gặt lúa xuân đến đâu, chủ động làm đất sớm, nhanh và tiến hành gieo cấy lúa mùa ngay đến đó.

Vùng đất sau lúa mùa trồng cây vụ Đông ưa lạnh hoặc để ải: Tập trung chỉ đạo cấy kết thúc trước ngày 25/7/2013, tốt nhất cấy xong trước ngày 20/7/2013, đảm bảo lúa trỗ trước ngày 20/9/2013, thu hoạch 20/10/2013 để né tránh sâu đục thân và biến động thời tiết bất thuận cuối vụ.

+ Mạ nền cấy khi mạ được 7 - 10 ngày tuổi. Các giống BC15, ĐS1 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương gieo mạ từ 10 - 15/6/2013. Các giống lúa lai Nam Dương 99, N.ưu 69 gieo từ 15 - 20/6/2013. Các giống TBR1, Nếp 97 gieo từ 05 - 10/7/2013.

+ Mạ dược phải gieo thưa, cấy khi mạ 15 - 18 ngày tuổi.

Lúa gieo thẳng: Quy hoạch thành vùng, chân đất vàn, vàn cao làm cây vụ Đông ưa ấm, đảm bảo chủ động tưới tiêu. Thời vụ: Gieo từ 15 - 20/6/2013. Khuyến khích gieo thẳng theo phương thức sạ ngầm ở những địa phương đã thực hiện và có kinh nghiệm.

Chú ý:

+ Đối với các giống lúa có thời gian sinh trưởng ở vụ Mùa rất ngắn ngày như: RVT, VS1, N87... nên cấy mạ non và bón phân chuyên dùng, bón lót sâu, thúc sớm. Tuyệt đối không được bón đạm lai rai. Nên sử dụng phân tổng hợp NPK bón theo hướng dẫn để hạn chế sâu bệnh hại.

+ Giống lúa BC15, ĐS1 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương: Gieo mạ dược thưa từ đầu lịch, kết thúc cấy trước 10/7/2013 để lúa trỗ trước ngày 15/9/2013.

+ Mật độ cấy: Lúa thuận 40 - 42 khóm/m2, cấy 2 - 3 dảnh/khóm; lúa lai và BC15 cấy 32 - 35 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm.

+ Khuyến khích mở rộng phương thức cấy theo hàng rộng, hàng hẹp.

+ Mạ dự phòng: Vùng úng trũng chủ động gieo tăng 5 - 10% lượng giống ở trà cuối và cấy dặm ở chân cao để đề phòng mưa úng làm mất lúa sau cấy.

* Làm đất gieo, cấy.

- Không để mất lấm lúc thu hoạch, nên giữ nước nông trên mặt ruộng.

- Tăng cường sử dụng máy cày cỡ trung và cỡ lớn để làm đất nhanh gọn, ngay sau thu hoạch lúa xuân với phương châm: Thu hoạch lúa xuân nhanh, gọn, gặt đến đâu, làm đất ngay đến đó, cày lồng vùi rơm rạ (không đốt rơm, rạ), kết hợp sử dụng các chế phẩm vi sinh để phân hủy nhanh rơm rạ, như: Azotobacterin, AT, Bio-vac, ET..., khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học đã được công nhận phun trực tiếp ra ruộng lúa. Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt sạch cỏ dại; không để lúa chết, lúa éo tồn tại làm nơi cư trú của các loại sâu bệnh hại.

* Phân bón và chăm sóc.

- Phương châm bón: Đủ lượng, lót sâu, thúc sớm, cân đối NPK, hạn chế và không sử dụng phân đơn. Phối hợp sử dụng thêm các loại phân qua lá, vi lượng, phân hữu cơ vi sinh.

- Chỉ sử dụng phân NPK (chuyên lót và chuyên thúc) và phân NPK phức hợp hàm lượng cao của các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường. Đối với lúa chất lượng, lúa lai phải bón thêm 3 - 4 kg kali clorua/sào vào giai đoạn cuối đẻ nhánh.

- Sau cấy 3 - 5 ngày tập trung bón thúc ngay, đồng thời kiểm tra nếu phát hiện nếu thấy các khóm lúa bị bệnh hại phải nhổ bỏ, vùi sâu và cấy dặm bằng các dảnh lúa khỏe; cấy dặm kịp thời những ruộng lúa bị ngập úng; điều tiết nước hợp lý trong từng giai đoạn sinh trưởng.

* Công tác bảo vệ thực vật.

- Điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa và các loại cây trồng trong sản xuất; hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng để đảm bảo hiệu quả kinh tế.

- Đối với bệnh Lùn sọc đen cần được thực hiện các biện pháp bảo vệ lúa ngay từ khi gieo cấy:

+ Xử lý hạt giống theo hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh;

+ Ruộng mạ trước khi cấy tiến hành phun các loại thuốc nội hấp trừ rầy; không được cấy mạ khi có bệnh Lùn sọc đen, kiên quyết tiêu hủy mạ bị bệnh;

+ Sau cấy đến giai đoạn 60 ngày: Thường xuyên bám sát đồng ruộng, phát hiện kịp thời rầy lưng trắng, rầy xám; khi phát hiện có mật độ rầy đến ngưỡng phòng trừ trên quần thể ruộng lúa phải tổ chức phun phòng trừ bằng các loại thuốc nội hấp trừ rầy; phát hiện, nhổ bỏ và vùi lấp các khóm lúa bị bệnh.

* Công tác thủy nông: (có đề án riêng).

Chủ trương chỉ đạo: Tuyệt đối không tháo nước khi lúa chín và trước thu hoạch, giữ nước nông mặt ruộng tránh mất lấm trong khi thu hoạch lúa xuân; tiêu chủ động giai đoạn cấy; tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng, tưới đủ theo nhu cầu nước các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

Chủ động tưới tiêu, không để úng, hạn xảy ra, làm tốt việc khơi thông dòng chảy, thực hiện sớm và đồng loạt trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch làm thủy lợi mặt ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, tạo điều kiện cho gieo trồng cây vụ Đông. Điều hành nước linh hoạt trong vụ Đông, vừa giữ được ải, vừa đủ nước cho gieo trồng và chăm sóc cây vụ Đông.

b. Cây màu vụ Hè thu.

- Các địa phương chuẩn bị tốt kế hoạch về địa điểm, diện tích, giống gốc, tổ chức nhân giống đậu tương ở vụ Hè - Thu để cung ứng đủ lượng giống đảm bảo chất lượng cho sản xuất vụ Đông năm 2013. Thực hiện các biện pháp xen canh, gối vụ nhằm tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác, cải tạo và nâng cao độ phì nhiêu đất như: Xen đậu đỗ với ngô, rau màu với nhiều cây trồng khác.

- Cây trồng chủ yếu: Đậu tương, đậu xanh, dưa, bí và các cây rau màu khác...

- Đất trồng: Chân đất chuyên màu, cát cao, pha cát nội đồng.

c. Sản xuất vụ Đông.

- Nhóm cây vụ Đông ưa ấm: Thời vụ tương đối khắt khe; tập trung gieo trồng từ cuối tháng 8 đến tuần 1 tháng 10/2013. Những loại cây có thể gieo trồng giai đoạn cây con trong bầu nên làm bầu to để tận dụng thời vụ và chăm sóc cây con ngay trong bầu. Xây dựng vùng sản xuất dưa, bí, ớt tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng; tập trung vào một số cây trồng chính:

* Cây ớt, dưa, bí các loại: Là nhóm cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn, cần quy hoạch sản xuất thành vùng nhằm thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tích cực chủ động tìm kiếm đối tác tiêu thụ thông qua hợp đồng.

Dưa, bí: Lựa chọn các giống ngắn ngày, năng suất và chống chịu sâu bệnh, nên làm bầu để tận dụng thời vụ và thuận tiện chăm sóc cây con. Áp dụng hình thức rẽ lúa đặt bầu để đảm bảo thời vụ và tận dụng tối đa diện tích có thể trồng. Các giống phổ biến hiện nay là: Bí xanh số 1, số 2; bí đá; dưa hấu; dưa chuột....mở rộng diện tích dưa chuột chế biến có bao tiêu sản phẩm, dưa ăn tươi không cần leo giàn.

Ớt: Chăm sóc cây con ở vườn ươm đảm bảo thời vụ đưa ra trồng, cây con khỏe, sạch sâu bệnh hại. Các giống ớt dễ tiêu thụ là giống 207 của Việt Nông và một số ớt chỉ thiên có chiều dài dưới 5 cm.

* Cây đậu tương: Là cây dễ gieo trồng, đầu tư chi phí thấp, tốn ít công, nhưng khá khắt khe về thời vụ, để phát triển mạnh cây đậu tương ở vụ Đông có hiệu quả cao cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

+ Quy hoạch vùng sản xuất đậu tương quy mô lớn gắn với xây dựng nhà sấy.

+ Sử dụng giống trung ngày và ngắn ngày (giống DT84 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương gieo trồng trước ngày 30/9/2013, giống ĐT12 và các giống có thời gian sinh trưởng tương đương gieo trồng trước ngày 10/10/2013). Thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật trồng đậu tương đông theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đảm bảo mặt bằng và thoát nước tốt cho các vùng gieo vãi đậu tương.

+ Chủ động tổ chức nhân giống đậu tương từ vụ Hè - Thu cho vụ Đông để hạ giá thành hạt giống nhưng phải đảm bảo chất lượng; các địa phương không có quỹ đất sản xuất đậu tương hè thu phải ký hợp đồng cung ứng giống kịp thời vụ với các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

* Cây ngô: Tập trung chỉ đạo để ngô trỗ cờ, phun râu trước ngày 20/11/2013.

+ Vùng đất bãi ven sông, đất chuyên màu: Có quỹ đất nên tranh thủ gieo sớm, thời vụ gieo hạt vào bầu từ 5 - 10/9/2013 và đặt bầu ra ruộng ngay sau khi nước rút. Giống sử dụng là LVN4 , LVN 98 , HN-45, C.P333, C.PA88, VS36...

+ Trồng ngô trên đất sau lúa mùa: Phải làm bầu và đặt bầu ra ruộng trước 30/9/2013, muộn nhất có thể kéo dài tới 5/10/2013, nếu để ngô trên bầu lâu và đưa ra ruộng muộn cần phải làm bầu to. Sử dụng giống ngắn ngày như: C.P333, LVN184, LVN185, VS36, một số giống ngô nhóm NK..., nơi có thị trường tiêu thụ thì trồng ngô chất lượng bán tươi như: Nếp lai HN88, MX2, MX4, ngô đường ....

Các địa phương liên hệ và tìm kiếm các đối tác để hợp đồng bao tiêu ngô hàng hóa như ngô ngọt, ngô rau, thời vụ trồng các loại ngô này có thể đến 15/10/2013 theo hướng dẫn của các đơn vị bao tiêu.

+ Lưu ý phòng trừ bệnh Lùn sọc đen hại ngô: Xử lý hạt giống trước khi gieo, không làm bầu ngô gần ruộng lúa bị bệnh Lùn sọc đen (cách ruộng lúa bị bệnh tối thiểu 300m). Phun thuốc nội hấp trừ rầy trên bầu ngô khi cây con được 2 lá.

+ Bón phân, tưới nhử ngay sau trồng không để cây bị chân chì, huyết dụ; chăm sóc sớm để ngô sinh trưởng, phát triển nhanh; chú ý phòng trừ sâu bệnh nhất là giai đoạn cây còn nhỏ để đảm bảo mật độ và giai đoạn xoáy nõn, trỗ cờ, phun râu. Áp dụng trồng ngô mật độ dày (2200 - 2300 cây/sào) hoặc trồng xen đậu đỗ với ngô cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên đơn vị diện tích.

* Cây khoai lang:

+ Thời vụ trồng có thể kéo dài đến 15/10/2013. Chi phí đầu tư thấp, giá bán và thị trường tiêu thụ thuận lợi, các biện pháp kỹ thuật đơn giản nên có thể mở rộng diện tích với các giống khoai lang mới có chất lượng cao, có khả năng xuất khẩu.

+ Đất trồng: Đất cát pha, thịt nhẹ; địa hình vàn, vàn cao.

+ Thu thập và khảo nghiệm các giống khoai lang có năng suất, chất lượng cao, kể cả khoai lang rau tạo bộ giống khoai lang phong phú trong sản xuất.

- Nhóm cây ưa lạnh: Có thời vụ rộng, có quỹ đất lớn, có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ lớn. Tập trung chỉ đạo mở rộng sản xuất cây khoai tây, cây bắp cải, súp lơ, su hào, hành và nhóm rau ăn lá.

* Cây khoai tây: Quỹ đất để sản xuất rất lớn, thời vụ trồng không khắt khe, có thể kéo dài từ 20/10 đến 20/11/2013, thuận lợi xây dựng cánh đồng mẫu; áp dụng cơ giới trong sản xuất khoai tây như lên luống, vun luống, thu hoạch; tạo thuận lợi mở rộng diện tích, phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất khoai tây 5.000 ha trở lên.

+ Đất trồng: Đất thịt nhẹ, thịt trung bình; địa hình vàn, vàn cao, chủ động tưới tiêu nước. Khuyến khích mở rộng trồng bằng phương pháp làm đất tối thiểu ở vùng đất thịt, thịt nặng.

+ Giống sử dụng: Giống khoai tây Solara (Đức); giống Atlantic (Mỹ), Sinora (Hà Lan). Khảo nghiệm diện rộng một số giống khoai tây mới năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu bệnh tốt.

Các địa phương chủ động rà soát toàn bộ lượng giống đang bảo quản trong kho lạnh và có kế hoạch chuẩn bị giống sớm trước 30/9/2013.

- Nhóm rau quả thực phẩm các loại: Có thời vụ dài, có thể mở rộng tăng vụ, vụ rau sớm và vụ rau muộn thường cho giá trị kinh tế rất cao.

+ Để mở rộng diện tích và phát huy hiệu quả các loại rau quả cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, áp dụng quy trình sản xuất Viet GAP, GAP cơ bản và tìm hiểu nhu cầu của thị trường, kết hợp với tập quán canh tác của địa phương.

+ Tăng diện tích lứa rau sớm, rau muộn như: Nhóm rau ăn lá ngắn ngày, dưa, bí, củ cải, đậu cô ve, cà chua....

+ Đối với rau quả xuất khẩu: Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tổ chức chỉ đạo tập trung đối với những cây đã có thị trường như: Ớt, sa lát, cải củ, dưa chuột...; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với địa phương đầu tư sản xuất những cây trồng mới.

3.3. Cơ chế chính sách phát triển vụ Mùa, cây vụ Đông năm 2013.

- Tiếp tục thực hiện và sửa đổi bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã được ban hành. Bổ sung chính sách hỗ trợ mua máy lên luống khoai tây, rau; xây dựng, điều chỉnh bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ Mùa, vụ Đông trên cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn;

- Hỗ trợ thuốc trừ cỏ cho toàn bộ diện tích lúa gieo vãi, gieo sạ trong vụ Mùa năm 2013.

- Hỗ trợ tổ chức và cá nhân có diện tích sản xuất trong mô hình “cánh đồng mẫu” của tỉnh và huyện, thành phố.

- Hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao các loại cây trồng đặc thù của huyện, thành phố từ nguồn ngân sách huyện, thành phố hoặc nguồn khuyến nông.

- Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, các địa phương căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của mình có chính sách hỗ trợ riêng để khuyến khích hộ nông dân và các thành phần kinh tế mở rộng diện tích vụ Đông.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xây dựng đề án sản xuất chi tiết đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; tổ chức duyệt đề án, kế hoạch sản xuất của các xã, phường, thị trấn. Tổ chức tuyên truyền chủ trương, biện pháp phát triển sản xuất vụ Mùa, vụ Đông đến toàn thể nông dân thuộc phạm vi huyện, thành phố.

- Rà soát, đánh giá hiện trạng tình hình sinh trưởng, phát triển các trà lúa, giống lúa ở vụ Xuân 2013 và căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Mùa gắn kết với sản xuất vụ Đông; xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng sản xuất rau, màu theo quy hoạch nông thôn mới, ổn định, mở rộng vùng “cánh đồng mẫu”.

- Nghiêm chỉnh thực hiện đúng lịch thời vụ gieo cấy lúa vụ Mùa và gieo trồng cây vụ Đông, đặc biệt chú ý diện tích lúa mùa trà sớm để làm cây vụ Đông ưa ấm. Chỉ đạo hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật gieo trồng, thâm canh, chăm sóc các loại cây trồng; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch hại, lưu ý các đối tượng dịch hại nguy hiểm, đặc biệt bệnh lây truyền gây hại do virus.

- Chỉ đạo và phân công cụ thể trách nhiệm cho các phòng, ban, đoàn thể chính trị xã hội xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện, thành phố; xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo quyết liệt thời vụ gieo cấy lúa mùa, đảm bảo cả tỉnh kết thúc gieo cấy trước 25/7/2013.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đánh giá kết quả sản xuất của các địa phương, tham mưu và đề xuất kịp thời với Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện; chỉ đạo các đơn vị trong ngành xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tốt mọi điều kiện phục vụ sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2013; tổ chức xét duyệt đề án, kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Đông của các huyện, thành phố theo đúng chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, in lịch thời vụ cấp phát đến cơ sở; tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh, huyện, thành phố.

- Chỉ đạo các phòng chức năng và các đơn vị thuộc Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động tổ chức thực hiện; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, các cơ quan thông tin tuyên truyền xây dựng các chương trình khoa giáo tuyên truyền chủ trương, biện pháp sản xuất vụ Mùa, vụ Đông, các tiến bộ kỹ thuật và các giải pháp kỹ thuật đảm bảo cho vụ Mùa, vụ Đông, hoàn thành và vượt các mục tiêu đã đề ra. Trung tâm Khảo nghiệm, Khuyến nông, Khuyến ngư xây dựng và phát hành các băng hình, quy trình kỹ thuật sản xuất một số cây trồng chính. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng chương trình hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt lưu ý bệnh hại do virus gây ra.

- Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, đào tạo tập huấn những quy định pháp luật về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng và phân bón trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Thanh tra ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra việc thực hiện những quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trái với các quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ máy nông nghiệp, chính sách phát triển sản xuất vụ Mùa, vụ Đông trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 15/5/2013; hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định.

3. Các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh:

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2013;

- Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các đơn vị, đại lý cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư nông nghiệp khác; kiên quyết xử lý những cửa hàng, đại lý vi phạm quy định và chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Các đoàn thể chính trị, xã hội và cơ quan truyền thông đại chúng:

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để hộ nông dân hiểu và nắm vững chủ trương sản xuất vụ Mùa và vụ Đông của tỉnh, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2013;

- Các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến chủ trương sản xuất vụ Mùa, vụ Đông 2013; chuyển tải những kiến thức kỹ thuật nông nghiệp; kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị làm tốt, phê bình những nơi làm chưa tốt./.