ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2003/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 01 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LẮP ĐẶT MỚI, CẢI TẠO VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐÈN CHIẾU SÁNG DÂN LẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 48/CP ngày 05 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị ;
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện ;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh ;
Theo đề nghị của Sở Tài chánh-Vật giá, Sở Giao thông Công chánh và Công ty Điện lực thành phố tại Công văn 3295/CV-LCQ-2002 ngày 24 tháng 9 năm 2002 ; ý kiến của Sở Tư pháp (công văn số 1739/STP-VB ngày 03 tháng 12 năm 2002) ; đề nghị của Sở Giao thông Công chánh tại công văn số 05/GT-TTPC ngày 06 tháng 01 năm 2003 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh, Sở Tài chánh-Vật giá, Công ty Điện lực thành phố, Thủ trưởng các sở, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC LẮP ĐẶT MỚI, CẢI TẠO VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐÈN CHIẾU SÁNG DÂN LẬP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11 /2003/QĐ-UB ngày 23 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.- Mục đích :
Hệ thống đèn chiếu sáng dân lập là một bộ phận cấu thành cơ sở hạ tầng giao thông tại các ngõ hẻm, các khu vực dân cư cần phải được thống nhất đầu tư và quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển để đảm bảo mục đích đầu tư, sử dụng an toàn và tiết kiệm điện năng.
Điều 2.- Phạm vi, đối tượng áp dụng :
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi là chủ đầu tư) thực hiện các việc sau đây :
1. Đầu tư lắp đặt mới hệ thống đèn chiếu sáng tại các ngõ hẻm, khu vực dân cư, đường nội bộ liên khu phố, liên tổ dân phố.
2. Cải tạo, chỉnh trang đèn chiếu sáng dân lập hiện hữu.
3. Công ty Chiếu sáng Công cộng (thuộc Sở Giao thông Công chánh) là đơn vị đầu mối tiếp nhận nhu cầu, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng dân lập theo đúng quy hoạch chung.
Chương 2:
CÁC THỦ TỤC VÀ QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRONG VIỆC LẮP ĐẶT MỚI, CẢI TẠO ĐÈN CHIẾU SÁNG DÂN LẬP.
Điều 3.- Thủ tục pháp lý :
1. Chủ đầu tư gởi văn bản đề nghị được xây dựng mới hoặc cải tạo đèn chiếu sáng dân lập gởi Sở Giao thông Công chánh (thông qua Công ty Chiếu sáng Công cộng). Nội dung văn bản đề nghị phải nêu cụ thể yêu cầu, địa điểm, dự kiến quy mô và được Ủy ban nhân dân phường (xã) khu vực xác nhận. Nếu xét thấy địa điểm công trình không nằm trong dự kiến kế hoạch đầu tư đèn chiếu sáng công cộng của thành phố trong thời gian 1 năm, Công ty Chiếu sáng Công cộng có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư lập bản vẽ sơ bộ hiện trạng.
2. Định kỳ 2 tháng 1 lần, Công ty Chiếu sáng Công cộng tổng hợp nhu cầu, khối lượng, báo cáo Sở Giao thông Công chánh và phối hợp với Điện lực khu vực xem xét giải quyết, thông báo và hỗ trợ chủ đầu tư để tiến hành tiếp các bước theo quy định sau khi Sở Giao thông Công chánh chấp thuận chủ trương đầu tư bằng văn bản. Thời hạn thông báo không quá 10 ngày làm việc kể từ khi Công ty Chiếu sáng Công cộng có văn bản tổng hợp báo cáo.
Điều 4.- Quy định về nguồn vốn :
Các chủ đầu tư có nhu cầu xây dựng mới hoặc cải tạo đèn chiếu sáng dân lập tự chịu chi phí thực hiện công trình theo quy định ; bao gồm các chi phí khảo sát - lập dự toán, chi phí xây lắp, chi phí lắp điện kế đo đếm, chi phí thẩm định (nếu có).
Điều 5.- Quy định về yêu cầu kỹ thuật :
1. Bản vẽ thiết kế kỹ thuật :
Sau khi được Sở Giao thông Công chánh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo đèn chiếu sáng dân lập, chủ đầu tư tiến hành lập bản vẽ mặt bằng thể hiện rõ khối lượng xây lắp, vị trí lắp đặt, quy cách chủng loại vật tư trên cơ sở hướng dẫn của Công ty Chiếu sáng Công cộng. Công tác này chủ đầu tư có thể tự thực hiện (nếu là các tổ chức có chuyên môn) hoặc thuê đơn vị tư vấn chuyên ngành thực hiện. Bản vẽ này phải có sự thống nhất của Công ty Chiếu sáng Công cộng để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành. Nếu là công trình cải tạo, phải có bản vẽ hiện trạng.
2. Quy cách chủng loại vật tư :
Để thống nhất quản lý, bảo dưỡng và tiết kiệm điện năng tiêu thụ, hệ thống đèn chiếu sáng dân lập phải đáp ứng các quy định kỹ thuật về quy cách chủng loại vật tư tại phụ lục kèm theo quy định này.
Điều 6.- Quy định về tổ chức thi công xây lắp :
Sau khi hội đủ các thủ tục cần thiết (Sở Giao thông Công chánh chấp thuận chủ trương đầu tư ; bản vẽ thiết kế được Công ty Chiếu sáng Công cộng thống nhất ; vật tư chuẩn bị cho thi công đáp ứng đúng các yêu cầu kỹ thuật), chủ đầu tư tiến hành thi công xây lắp. Trước khi khởi công, chủ đầu tư phải thông báo trước 05 ngày làm việc cho Công ty Chiếu sáng Công cộng, Điện lực Khu vực, Ủy ban nhân dân phường (xã) để có sự kiểm tra, giám sát, đảm bảo công trình thi công đạt chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật quy định.
Chương 3:
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Điều 7.- Trách nhiệm của chủ đầu tư :
Sau khi hoàn thành công tác xây lắp (kể cả việc lắp đặt điện kế đo đếm) chủ đầu tư phải tiến hành nghiệm thu cùng với các đơn vị : Công ty Chiếu sáng Công cộng, Điện lực khu vực, Ủy ban nhân dân phường (xã) để đưa công trình vào sử dụng. Trong thời gian 12 tháng bảo hành kể từ ngày nghiệm thu, chủ đầu tư có trách nhiệm bảo quản, sửa chữa, thay thế các hư hỏng (nếu có). Sau thời gian trên, chủ đầu tư tiến hành bàn giao quản lý công trình cho Công ty Chiếu sáng Công cộng trên cơ sở không bồi hoàn chi phí đầu tư công trình.
Điều 8.- Trách nhiệm của các đơn vị chuyên ngành :
1. Công ty Chiếu sáng Công cộng có trách nhiệm chính trong việc hướng dẫn thủ tục ; kiểm tra giám sát công tác thi công ; tiếp nhận bàn giao công trình đưa vào quản lý và thực hiện chế độ duy tu bảo dưỡng theo quy định hiện hành của hệ thống chiếu sáng công cộng.
2. Điện lực khu vực (thuộc Công ty Điện lực thành phố) có trách nhiệm phối hợp với Công ty Chiếu sáng Công cộng kiểm tra, giám sát công tác thi công, xúc tiến ký hợp đồng cung cấp điện với chủ đầu tư thông qua Công ty Chiếu sáng Công cộng, đảm bảo an toàn điện và hạn chế tối đa thất thoát điện năng tiêu thụ.
3. Khu Quản lý Giao thông Đô thị (thuộc Sở Giao thông Công chánh) có trách nhiệm phối hợp với Công ty Chiếu sáng Công cộng kiểm tra, quản lý ngành theo phân công và quy định hiện hành đối với hệ thống chiếu sáng công cộng.
Điều 9.- Trách nhiệm của chính quyền địa phương :
1. Ủy ban nhân dân các quận (huyện) có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp nhu cầu về đèn chiếu sáng dân lập, khả năng đầu tư của địa phương để hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện công tác xây dựng, cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng dân lập. Quá trình thực hiện cần phối hợp với các sở-ngành chức năng dựa trên quy hoạch, tiến độ phát triển của địa phương để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
2. Ủy ban nhân dân phường (xã) có trách nhiệm trực tiếp xem xét xác nhận nhu cầu thực tế của các chủ đầu tư ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên ngành trong việc tổ chức thi công, nghiệm thu sử dụng, bàn giao quản lý, cùng chủ đầu tư có biện pháp bảo quản giữ gìn công trình trong thời gian bảo hành.
Điều 10.- Quy định đối với các cơ quan quản lý Nhà nước :
1. Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm xem xét, giải quyết yêu cầu của các chủ đầu tư về việc lắp đặt mới, cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng dân lập. Trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, phối hợp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình về lắp đặt đèn chiếu sáng dân lập ; phối hợp với Sở Tài chánh-Vật giá trong việc giải quyết chi phí của công tác quản lý, chi phí duy tu bảo dưỡng công trình sau bàn giao và giải quyết chi phí điện năng tiêu thụ của hệ thống đèn dân lập.
2. Sở Tài chánh-Vật giá có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Công chánh kiểm tra, xem xét giải quyết các chi phí về hệ thống đèn chiếu sáng dân lập gồm :
- Chi phí điện năng tiêu thụ từ khi công trình hoàn thành và được nghiệm thu sử dụng
- Chi phí quản lý, duy tu bảo dưỡng từ khi công trình được bàn giao cho đơn vị quản lý chuyên ngành.
Chương 4:
KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11.- Kiểm tra thực hiện lắp đặt mới, cải tạo đèn chiếu sáng dân lập.
Công tác kiểm tra việc thực hiện lắp đặt mới, cải tạo đèn chiếu sáng dân lập do các cơ quan đơn vị có chức năng thực hiện nhằm kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư có hành vi làm ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện. Công tác này được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất trong suốt quá trình thi công và sử dụng công trình.
Chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt sự kiểm tra và các quyết định xử lý của các cơ quan đơn vị có chức năng quản lý công trình chuyên ngành theo phân cấp.
Điều 12.- Xử lý vi phạm về lắp đặt mới, cải tạo đèn chiếu sáng dân lập.
Các trường hợp vi phạm quy định về lắp đặt mới, cải tạo đèn chiếu sáng dân lập sẽ xử lý như sau :
1. Giao cho Công ty Chiếu sáng Công cộng, Điện lực khu vực, Ủy ban nhân dân phường (xã) lập biên bản vi phạm các trường hợp vi phạm liên quan đến chủ trương đầu tư (chủ đầu tư không được Sở Giao thông Công chánh chấp thuận việc đầu tư). Chủ đầu tư phải thực hiện ngay việc tháo gỡ trong vòng 24 giờ và hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng.
2. Trường hợp vi phạm liên quan đến việc không thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật trong việc lắp đặt, Công ty Chiếu sáng Công cộng được phép yêu cầu chủ đầu tư chỉnh sửa, thực hiện đúng quy định.
3. Các hành vi vi phạm được quy định tại Điều 56, Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 57 và 58 của Nghị định này và Điều 28, Nghị định số 48/CP ngày 05 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.- Giám đốc Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thi hành quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hay cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm tổng hợp và đề xuất lên Ủy ban nhân dân thành phố để điều chỉnh./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
PHẦN PHỤ LỤC
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VỀ QUY CÁCH CHỦNG LOẠI VẬT TƯ TRONG VIỆC LẮP ĐẶT MỚI, CẢI TẠO HỆ THỐNG ĐÈN CHIẾU SÁNG DÂN LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2003/QĐ-UB ngày tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố).
1. Đèn chiếu sáng phải là đèn Sodium cao áp (High Pressure Sodium - HPS) với các chủng loại công suất 70W/220V, 100W/220V và 150W/220V, có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng của cơ quan chức năng.
2. Dây cáp cấp nguồn phải có tiết diện là 11mm2 bọc nhựa XLPE (nhựa Polyethylen liên kết ngang - XLPE) (khuyến khích sử dụng cáp duplex 2M11 - cáp bọc nhựa vặn xoắn 2 sợi 11mm2 và cáp quadruplex 4M11 - cáp bọc nhựa vặn xoắn 4 sợi 11mm2 để đảm bảo mỹ quan đô thị).
3. Cần đèn sử dụng ống sắt mạ kẽm đường kính 49mm được sơn 3 lớp. Chiều dài cần đèn tùy thuộc chiều rộng tuyến chiếu sáng nhưng không nhỏ hơn 2,8m.
4. Cao độ gắn đèn không thấp hơn 6m (tính từ đầu chóa đèn đến mặt đường).
5. Tủ điều khiển sử dụng loại tủ PLC-CS1.50A và lắp đặt điện kế đo đếm điện năng tiêu thụ. Mẫu tủ này do Công ty Chiếu sáng Công cộng thiết kế, Công ty Điện lực thống nhất và được Sở Giao thông Công chánh phê duyệt đang sử dụng đồng bộ cho hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 2 Nghị định 93/2001/NĐ-CP quy định phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Nghị định 45/2001/NĐ-CP về hoạt động điện lực và sử dụng điện
- 4 Nghị định 48-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị