Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1105/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH QUẢNG NINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Dược số 34/2005/QH11 ngày 14/6/2005 và Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định tiết thi hành một số điều của Luật Dược;

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ”;

Căn cứ Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 08/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 7165/BYT-QLD ngày 19/9/2016 “V/v xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 598/TTr-KHĐT ngày 17/3/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ; Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn Phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh (b/cáo);
- Như điều 3 (thực hiện);
- V0,V3, VX3;
- Lưu:VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thị Thu Thủy

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH QUẢNG NINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1105/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 2614/QĐ-BYT ngày 16/7/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ”, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh với các nội dung như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng bảo đảm, giá hợp lý; phù hợp với cơ cấu bệnh tật, đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

2. Xây dựng công nghiệp dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Tỉnh, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu bảo đảm chất lượng, giá hợp lý.

3. Phát triển ngành Dược theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, có khả năng cạnh tranh; phát triển hệ thống phân phối, cung ứng thuốc hiện đại, chuyên nghiệp và tiêu chuẩn hóa.

4. Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.

5. Quản lý chặt chẽ, hiệu quả các khâu từ sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản, lưu thông, phân phối đến sử dụng thuốc.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Cung ứng đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý các loại thuốc theo cơ cấu bệnh tật tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa; đáp ứng kịp thời yêu cầu an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.

b) Tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước/tổng số tiền sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế, phấn đấu đến năm 2020 đạt các chỉ số sau:

- Bệnh viện tuyến tỉnh đạt 50%;

- Bệnh viện tuyến huyện đạt 75%;

- Vắc xin sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đạt 30%.

c) Duy trì 100% cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phân phối thuốc - GDP”; 100% nhà thuốc, quầy thuốc đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”; Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc - GLP”; 100% bệnh viện có kho thuốc đạt nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP” và có phần mềm quản lý thuốc đến tất cả các khoa, phòng.

d) 50% bệnh viện tuyến tỉnh có cán bộ chuyên trách dược lâm sàng, 100% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có bộ phận dược lâm sàng.

đ) Đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 30%.

e) Quy hoạch phát triển dược liệu trong tỉnh, xây dựng vùng dược liệu tập trung quy mô lớn theo hướng GACP nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc, các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu; phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 01 nhà máy sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu; hình thành “Thung lũng phát triển dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử” và “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử”.

3. Mục tiêu định hướng đến năm 2030

a) Đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thuốc, sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu tại tỉnh.

b) Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho Trung tâm kiểm nghiệm tiến tới thành Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh vùng núi phía Bắc; công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc phát triển ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

c) Mở rộng diện tích nuôi trồng dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn GACP, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước cung ứng dược liệu cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh, một phần xuất khẩu.

d) Phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh có ít nhất 02 nhà máy chế biến dược liệu thành nguyên liệu cho sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

1.1. Triển khai chính sách, các quy định

1.1.1. Triển khai chính sách, các quy định của Trung ương

- Triển khai Luật Dược số 105/2016/QH13; các quy định có liên quan của Chính phủ như Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.

- Thực hiện tốt tiêu chuẩn thực hành tốt kê đơn thuốc, thực hành tốt nhà thuốc và các chính sách liên quan đến hoạt động cảnh giác dược, thông tin, quảng cáo thuốc.

1.1.2. Triển khai chính sách, các quy định của Tỉnh

Thực hiện cơ chế, chính sách Tỉnh đã ban hành: Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2017; Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung; Chính sách khuyến khích đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh; Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp;

1.2. Xây dựng quy hoạch

Xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn theo hướng GACP - WHO, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, sản xuất thuốc, các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu; hình thành “Thung lũng phát triển dược liệu xanh Ngọa Vân - Yên Tử” và “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử”, gắn bảo tồn, phát triển cây thuốc với du lịch tâm linh tại khu vực Yên Tử.

1.3. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và công tác thanh tra, kiểm tra

- Rà soát, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức của Thanh tra liên quan đến lĩnh vực dược theo quy định phù hợp với đặc thù của tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, quản lý toàn diện chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, phòng chống sản xuất, nhập lậu, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng; tăng cường giám sát thông tin quảng cáo thuốc và việc kê đơn thuốc theo đúng nguyên tắc “Thực hành tốt kê đơn thuốc”; phát hiện và báo cáo kịp thời các phản ứng có hại của thuốc.

1.4. Khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu của tỉnh; tạo chọn các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sản xuất dược liệu.

- Tăng cường hợp tác với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, chuyển giao quy trình công nghệ nuôi trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm mới từ dược liệu có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

1.5. Đào tạo

Rà soát, sắp xếp nguồn nhân lực dược hợp lý, hiệu quả; xây dựng chính sách thu hút, đãi ngộ đối với nhân lực lĩnh vực dược công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; đồng thời đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dược đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược.

1.6. Sản xuất

- Hỗ trợ các doanh nghiệp dược xây dựng kế hoạch sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu.

- Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng, tuyển dụng lao động, tiếp cận nguồn vốn vay, đổi mới công nghệ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất thành phẩm hoặc nguyên liệu cho sản xuất thuốc, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

- Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại thị trường trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

1.7. Cung ứng thuốc

Nâng cao hiệu quả hệ thống phân phối thuốc trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý, trong đó chú trọng cung ứng cho các đối tượng thuộc diện chính sách, vùng sâu, vùng xa và đặc biệt yêu cầu về an ninh, quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác.

1.8. Sử dụng thuốc

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức cho người dân về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và có hiệu quả;

- Nâng cao năng lực và vai trò, trách nhiệm của hội đồng thuốc và điều trị các bệnh viện;

1.9. Kiểm nghiệm thuốc, các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

Phát triển Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh đáp ứng hoạt động giám sát chất lượng thuốc và các sản phẩm liên quan theo hướng trở thành Trung tâm kiểm nghiệm khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

1.10. Bảo quản thuốc.

- Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các kho thuốc bệnh viện đảm bảo theo nguyên tắc “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”; ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuốc tất cả các khâu kê đơn, cấp phát, sử dụng thuốc.

- Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dược có phương án xây dựng kho đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc - GSP”.

1.11. Dược lâm sàng

Đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng tại các cơ sở điều trị, hướng tới đạt trình độ tương đương với các nước phát triển trong khu vực.

1.12. Phát triển thuốc y học cổ truyền

- Tiếp tục thực hiện chính sách Quốc gia về y dược học cổ truyền; củng cố hệ thống tổ chức y dược học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở.

- Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất thuốc y học cổ truyền.

1.13. Đầu tư

- Đầu tư các lĩnh vực làm động lực cho phát triển trong ngành dược, đặc biệt nghiên cứu, bảo tồn, sản xuất giống dược liệu quý; khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), nhất là các dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu về dược.

- Đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh để đạt tiêu chuẩn Thực hành kiểm nghiệm tốt-GLP hoặc tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005.

- Tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích Tỉnh đã ban hành và ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp để đẩy mạnh huy động tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống, nuôi trồng dược liệu tập trung, sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu.

1.14. Hợp tác và hội nhập quốc tế

Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về lĩnh vực dược để tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm, năng lực quản lý của các nước, các tổ chức quốc tế để phát triển ngành dược; đặc biệt trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và các sản phẩm từ dược liệu.

IV. LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ

1. Giai đoạn 2017-2020:

Tổng kinh phí là 56.450 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn ngân sách tỉnh: 16.500 triệu đồng (nguồn sự nghiệp y tế và nguồn đầu tư phát triển cho Khoa học và công nghệ).

- Nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác: 39.950 triệu đồng.

(Chi tiết Phụ lục kèm theo)

2. Giai đoạn 2020-2030:

Căn cứ kết quả thực hiện giai đoạn 2017-2020 bố trí kinh phí giai đoạn 2020-2030 cho phù hợp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với các các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; xây dựng, triển khai các nội dung cụ thể của kế hoạch theo quy định; tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc phát triển chiến lược ngành dược.

- Xây dựng quy hoạch phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh và kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị Trung tâm kiểm nghiệm trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để từng bước nâng cao năng lực, trình độ thực thi công việc.

- Triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” trong lĩnh vực dược.

2. Sở Kế hoạch và đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định các dự án chi tiết; cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư để cân đối nguồn lực, bố trí vốn thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn Sở Y tế và các Sở, ngành, địa phương sử dụng nguồn kinh phí theo quy định.

4. Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư:

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển ngành dược. Quảng bá, mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vùng trồng dược liệu tập trung, sản xuất thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu.

5. Sở Công thương

Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, phân phối thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lựa chọn, cân đối nguồn vốn cho các dự án ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi, trồng dược liệu, sản xuất thuốc, các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe từ dược liệu; các hoạt động khoa học công nghệ tại Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Y tế triển khai quy hoạch các vùng nuôi, trồng, bảo tồn dược liệu; nghiên cứu, chọn tạo cây thuốc phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng; phổ biến các kỹ thuật canh tác cây thuốc.

- Áp dụng nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới GACP-WHO trong nuôi trồng và thu hái dược liệu nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, hàm lượng hoạt chất cao để sản xuất thuốc, các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe có chất lượng tốt, an toàn và hiệu quả.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về các chính sách phát triển ngành dược; thực hiện quản lý nhà nước, kiểm soát thông tin trong quảng cáo về thuốc chữa bệnh và các lĩnh vực liên quan.

9. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế trong đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực dược, nhất là dược sĩ đại học.

10. Các sở, ban, ngành có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị có trách nhiệm triển khai và phối hợp với Sở Y tế thực hiện Kế hoạch.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Áp dụng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm khuyến khích người dân địa phương tích cực tham gia nuôi trồng, sản xuất dược liệu; tham gia quảng bá các sản phẩm dược liệu. Đặc biệt với địa phương có thế mạnh trong việc nuôi, trồng dược liệu như: Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn...

- Các địa phương có nhiều khách du lịch tham quan như Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái... bố trí địa điểm phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, giới thiệu thuốc và các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sản xuất từ dược liệu trong tỉnh.

Các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Y tế triển khai, thực hiện Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định./.

 

PHỤ LỤC

DỰ TOÁN KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TỈNH QUẢNG NINH
(Kèm theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh)

ĐVT: Triệu đồng

Stt

Nội dung

Kinh phí

Năm thực hiện

Nguồn kinh phí

Đơn vị chủ trì

I

Nguồn ngân sách tỉnh:

16.500

 

 

 

1

Quy hoạch phát triển dược liệu trong toàn tỉnh

300

2017-2018

Sự nghiệp y tế

Sở Y tế

2

Đào tạo, tập huấn kiến thức dược lâm sàng, quản lý nhà nước về dược

1.200

2017-2020

Sự nghiệp y tế

Sở Y tế

3

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Trung tâm kiểm nghiệm đạt GLP

10.000

2018-2019

Đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ

Sở Y tế

4

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất giống, nuôi trồng, sản xuất sản phẩm từ dược liệu; Hoạt động khoa học công nghệ tại Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Yên Tử

5.000

2018-2020

.

Đầu tư phát triển cho khoa học và công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ

II

Nguồn xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư:

39.950

 

 

 

1

Đào tạo, tập huấn cho các cơ sở kinh doanh thuốc đạt tiêu chuẩn GDP, GPP

550

2017-2020

Xã hội hóa

Sở Y tế

2

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất theo nguyên tắc GSP tại các cơ sở điều trị

2.400

2017-2020

Đơn vị tự cân đối

Sở Y tế

3

Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đạt GSP tại các doanh nghiệp

2.000

2017-2020

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

4

Xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu làm thuốc và các sản phẩm từ dược liệu

15.000

2017-2020

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

5

Mở rộng quy mô nhà máy sản xuất thuốc của Công ty CP Dược VTYT Quảng Ninh

20.000

2017-2020

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp

Tổng cộng: 56.450 triệu đồng (Năm mươi sáu tỷ, bốn trăm năm mươi triệu đồng)