Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1123/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN TP HÀ NỘI NĂM 2014

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 17/6/2010;

Căn cứ Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND ngày 13/5/2009 về việc ban hành Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2009-2015 và Quyết định số 4769/QĐ-UBND ngày 23/10/2012 về việc ban hành Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2015 của UBND Thành phố;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 680/TTr-SCT ngày 13/02/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP;
- Hội Liên hiệp phụ nữ TP HN;
- CVP, các PCVP; các phòng: CT, TH, KT;
- Lưu: VT, CT (2b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 25/02/2014 của UBND thành phố Hà Nội)

Thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm mức tiêu thụ năng lượng, giảm chi phí năng lượng cho các hoạt động của phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng cần thiết trong quá trình sản xuất, giao thông, dịch vụ và sinh hoạt, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới về tiết kiệm năng lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 03/01/2014 về thực hiện Nghị Quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

2. Thúc đẩy hoạt động tiết kiệm năng lượng trên địa bàn Thành phố nhằm đạt được mức tiết kiệm từ 3% - 4% tính chung trên địa bàn Thành phố; giảm ít nhất 10% mức độ tiêu thụ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng mà không thay đổi kế hoạch sản xuất; chủ động thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ

1. Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, tòa nhà thực hiện kiểm toán năng lượng; xây dựng suất tiêu hao năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng; Tiếp cận ứng dụng với các trang thiết bị, công nghệ có hàm lượng trí tuệ, hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao và dán nhãn năng lượng.

2. Phổ biến, giám sát việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” đối với các tòa nhà xây mới hoặc cải tạo có quy mô thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn. Triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ sử dụng tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng.

3. Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, các cơ quan, công sở; xây dựng ý thức, thói quen thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường. Thúc đẩy phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt.

4. Tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý năng lượng cho tối thiểu 50 cán bộ quản lý năng lượng trong các cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm.

5. Phổ biến sản phẩm, công nghệ tiết kiệm năng lượng và nhân rộng các mô hình thành công thông qua tổ chức hội chợ ENTECH HANOI 2014; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các cuộc thi do Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng tổ chức và xây dựng các mô hình trình diễn.

6. Thực hiện biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, cải tạo công trình giao thông; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động giao thông vận tải; Quản lý chỉ tiêu mức tiêu hao nhiên liệu tiết kiệm của phương tiện vận tải theo Thông tư số 64/2011/TT-BGTVT ngày 26/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải.

III. GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến thông tin, vận động cộng đồng nâng cao nhận thức và ứng dụng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

a) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cộng đồng.

- Hướng dẫn, giám sát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phổ biến về sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo cho các cơ sở sử dụng năng lượng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế “Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội” (ENTECH HANOI); Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ dự thi các cuộc thi do Bộ Công Thương tổ chức nhằm phổ biến các mô hình đã thực hiện tiết kiệm năng lượng thành công.

- Tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, các báo và các phương tiện thông tin đại chúng; Phát hành tờ rơi, sổ tay, tập huấn về các giải pháp, công nghệ tiết kiệm năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng...

- Tiếp tục lồng ghép các nội dung giáo dục sử dụng hiệu quả năng lượng vào các chương trình học, các hoạt động ngoại khóa của học sinh, sinh viên.

b) Vận động cộng đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

- Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá tới các hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bằng các giải pháp cụ thể như: Mở thêm các cửa sổ, lắp kính tận dụng nguồn sáng tự nhiên, thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn Led, compact, đen huỳnh quang hoặc các đèn chiếu sáng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng biomass/biogas, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các sản phẩm tiết kiệm năng lượng...

- Xây dựng và phát triển các mô hình thí điểm quy mô hộ gia đình sử dụng năng lượng tái tạo (sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học ...).

- Thực hiện phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm năng lượng, phổ biến các kỹ năng lựa chọn và sử dụng các sản phẩm tiết kiệm điện và dán nhãn năng lượng trong sinh hoạt, xây dựng thói quen tiết kiệm điện trong quy tắc ứng xử “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; Triển khai chiến dịch Giờ trái đất Thành phố Hà Nội năm 2014.

2. Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp.

- Hỗ trợ các cơ sở tiêu thụ nhiều năng lượng trên địa bàn Thành phố triển khai chương trình: Kiểm toán năng lượng, xây dựng suất tiêu hao năng lượng, hệ thống quản lý năng lượng, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy việc đổi mới trang thiết bị, công nghệ có hàm lượng trí tuệ và giá trị gia tăng cao, tiết kiệm năng lượng.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố áp dụng mô hình quản lý năng lượng, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng. Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 03/01/2014 của UBND Thành phố.

- Ứng dụng mô hình vận hành hiệu quả các tổ máy bơm trong hệ thống thủy lợi: Xây dựng lịch trình để bơm cấp - thoát nước đồng bộ (trạm bơm nhỏ với trạm bơm đầu mối); bơm nước vào các giờ thấp điểm...

3. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà

a) Tăng cường áp dụng Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng mới và cải tạo lại đối với tòa nhà có quy mô lớn.

- Phổ biến thông tin về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và các văn bản hướng dẫn Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các tòa nhà. Giám sát việc áp dụng, tuân thủ quy chuẩn xây dựng cho các tòa nhà mới, quy mô lớn.

- Các cơ quan, công sở trên địa bàn Thành phố xây dựng phương án sử dụng điện, gửi cơ quan chủ quản cấp trên và Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội theo Điều 3 của Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT/BTC-BCT ngày 1/6/2009 của liên Bộ: Tài chính - Công Thương. Cơ quan chủ quản cấp trên khi xét duyệt quyết toán hàng năm có trách nhiệm kiểm tra kiểm soát việc thực hiện tiết kiệm điện của các cơ quan thuộc phạm vi mình quản lý. Trường hợp có mức tiêu thụ điện cao hơn mức tiêu thụ điện đã đăng ký, cơ quan chủ quản cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo Điều 5 của Thông tư nêu trên.

b) Triển khai áp dụng các giải pháp, công nghệ, thiết bị, vật liệu tiết kiệm năng lượng; tổ chức các cuộc thi tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng

- Áp dụng hệ thống quản lý năng lượng cho tòa nhà (khách sạn, trung tâm thương mại, siêu thị...) theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD. Hướng dẫn, cung cấp thông tin về các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong xây dựng cho các đơn vị quản lý tòa nhà.

- Tham gia các cuộc thi do Bộ Công thương, Bộ Xây dựng tổ chức. Tổng hợp các giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình của các tòa nhà trong và ngoài nước; Phổ biến các giải pháp đã thành công tại cuộc thi.

c) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chiếu sáng công cộng

- Áp dụng các giải pháp quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hệ thống chiếu sáng đô thị nhằm tiết kiệm điện. Thực hiện lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng và hệ thống tủ điều khiển chiếu sáng tiết kiệm điện.

- Phổ biến các trang thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện tại các tuyến phố, ngõ xóm khu vực ngoại thành Hà Nội.

4. Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải

- Thực hiện quy hoạch giao thông, kết nối các phương tiện giao thông vận tải; Tập trung đẩy nhanh các dự án giao thông đô thị: đoạn Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, Nhật Tân - Cầu Giấy, đường 5 kéo dài, Trần Phú - Kim Mã, các tuyến đường sắt đô thị, Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, cầu Nhật Tân....

- Rà soát thời hạn sử dụng của phương tiện giao thông vận tải và xây dựng kế hoạch loại bỏ phương tiện không đảm bảo mức hiệu suất năng lượng tối thiểu theo quy định hiện hành. Thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng định kỳ phương tiện, thiết bị vận tải trong quá trình khai thác, sử dụng.

- Tiếp tục xây dựng suất tiêu hao nhiên liệu cho tuyến xe buýt có lộ trình xuyên tâm Thành phố.

5. Thúc đẩy Chương trình phát triển năng lượng tái tạo

Lồng ghép Chương trình phát triển năng lượng tái tạo với Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố, tập trung các nội dung; Tuyên truyền, hội thảo, giới thiệu sản phẩm, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo tại ENTECH HANOI năm 2014.

Sử dụng ánh sáng tự nhiên đối với công trình tòa nhà (khách sạn, trung tâm thương mại, tòa nhà dân dụng, trụ sở làm việc, xưởng sản xuất...); Thúc đẩy các chương trình: xây dựng hầm biogas, bình năng lượng mặt trời; sử dụng phương tiện giao thông công cộng năng lượng “Xanh”, với quy mô nhỏ: Xe vận chuyển hành khách nội bộ trong cảng hàng không, bệnh viện....

6. Giải pháp về vốn

Huy động các nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật, trong đó nguồn vốn ngân sách có tác dụng hỗ trợ, kích thích các nguồn vốn khác. Khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế.

- Nguồn ngân sách Thành phố: Tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ về kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, xây dựng suất tiêu hao năng lượng, tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức Hội chợ ENTECH HANOI... (theo phụ lục Danh mục các nhiệm vụ thuộc Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố Hà Nội năm 2014).

- Nguồn ngân sách Trung ương: Tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng (nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả và tài trợ quốc tế) để triển khai Chương trình.

- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác: Nguồn vốn của doanh nghiệp thực hiện đầu tư, đổi mới các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương là cơ quan Thường trực Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố Hà Nội.

a) Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2014. Ban hành Kế hoạch tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành “Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội năm 2014” (ENTECH HANOI 2014); Kế hoạch tổ chức phong trào Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

b) Phối hợp với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương chủ trì tham mưu cho Thành phố tham gia chiến dịch Giờ trái đất Thành phố Hà Nội năm 2014.

c) Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và các tổ chức liên quan tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Theo dõi, giám sát các nhiệm vụ thuộc Chương trình, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

d) Xây dựng dự toán chi tiết các hạng mục của Chương trình gửi Sở Tài chính thẩm tra theo quy định.

Quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục tiêu, đúng đối tượng và theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên quan.

đ) Chủ trì tham mưu cho UBND Thành phố tổ chức tổng kết việc thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (có xem xét khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức và thực hiện).

2. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn các đơn vị đầu tư xây dựng, quản lý các tòa nhà áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD trong hoạt động thiết kế và xây dựng công trình trên địa bàn theo quy định của pháp luật hiện hành.

b) Thẩm tra, thẩm định thiết kế, nghiệm thu công trình xây dựng được tiến hành theo quy định hiện hành, trong đó có nội dung về sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với công trình thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 15/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngay 26/09/2013.

3. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

a) Tổ chức vận hành hiệu quả các tổ máy bơm trong hệ thống thủy lợi. Xây dựng đề án đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng, kiểm toán năng lượng tại một số trạm bơm trong hệ thống thủy lợi.

b) Tiếp tục triển khai dự án khí sinh học ở các huyện ngoại thành, hỗ trợ xây dựng 1.200 hầm biogas.

4. Sở Giao thông vận tải

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải; Tổ chức các biện pháp trọng xây dựng, phân luồng giao thông nhằm hạn chế ùn tắc, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải.

5. Sở Khoa học và công nghệ

Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu quả, thiết thực; phối hợp tuyên truyền việc ứng dụng sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng vào thực tiễn đời sống.

6. Ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất.

Phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các đơn vị trong khu công nghiệp triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (tập huấn, kiểm toán năng lượng, báo cáo đầu tư, hỗ trợ tham gia dự thi, xây dựng mô hình quản lý...).

7. Sở Kế hoạch và đầu tư.

Tham mưu cho UBND Thành phố cân đối kế hoạch vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố.

8. Sở Tài chính

Thẩm tra dự toán kinh phí, hướng dẫn đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.

9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

Tổ chức thực hiện Kế hoạch Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2014 trên cơ sở Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2011-2015 đã được UBND các quận/huyện, thị xã ban hành. Tập trung nhiệm vụ tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình; tiết kiệm điện tại trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.

10. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố, các Hiệp hội nghề, Hội xã hội và các Tổ chức chính trị, các đoàn thể khác.

UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội, các Hiệp hội nghề, Hiệp hội xã hội và các Tổ chức chính trị, các đoàn thể khác: Phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cấp trực thuộc tham gia và tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố. Phối hợp triển khai chiến dịch Giờ trái đất Thành phố Hà Nội năm 2014.

11. Tổng Công ty điện lực Thành phố Hà Nội.

a) Tuyên truyền, vận động sử dụng điện tiết kiệm trong các trường học, tuyến phố thương mại tiết kiệm điện; Triển khai các Chương trình bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; Phối hợp với Sở Công Thương triển khai phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; Chiến dịch Giờ trái đất Thành phố Hà Nội năm 2014.

b) Yêu cầu các khách hàng có đăng ký biểu đồ phụ tải phải thực hiện đúng theo biểu đồ phụ tải đã đăng ký trong Hợp đồng mua bán điện. Thực hiện thống kê các hộ tiêu thụ (cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà, hộ gia đình...) sử dụng nhiều điện trên địa bàn Thành phố, báo cáo Sở Công Thương theo quy định. Phối hợp với Sở Công Thương thực hiện giám sát, kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho các hộ sử dụng năng lượng trên địa bàn Thành phố.

c) Tham gia triển lãm quốc tế chuyên ngành “Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội năm 2014” (ENTECH HANOI 2014).

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành và các tổ chức có liên quan căn cứ vào Kế hoạch này tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Thành phố năm 2014 đạt kết quả và định kỳ 6 tháng, năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh các đơn vị báo cáo gửi về Sở Công Thương để tổng hợp trình UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo kịp thời./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ SỬ DỤNG NĂNG LƯƠNG TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2014
(kèm theo Kế hoạch đính kèm Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 25/02/2014 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Danh mục đề xuất

Nội dung

Chỉ tiêu kế hoạch

Đơn vị thực hiện

Kinh phí thực hiện
(triệu đồng)

Thành phố

Trung ương

I

Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường

3.150

800

1

Tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng trên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo, khu tập trung đông dân cư, trường học, tòa nhà trụ sở ...

- Tuyên truyền chiến dịch Giờ Trái đất năm 2014.

- 50 chuyên mục tiết kiệm năng lượng phát trên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội.

- 20.000 poster tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

- 01 clip, phát tại 2 khu tập trung đông dân cư.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Cơ quan truyền thông; Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Các trường học, tòa nhà trụ sở; UBND 29 quận/huyện, thị xã.

750

 

2

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hồ sơ dự thi các cuộc thi do Bộ Công Thương tổ chức.

- Hỗ trợ xây dựng hồ sơ dự thi cho các cơ sở sử dụng năng lượng Hà Nội tham gia cuộc thi “Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà” và “Tòa nhà hiệu quả năng lượng” năm 2014.

- Tổ chức đoàn công tác.

- Phổ biến các mô hình tiết kiệm năng lượng điển hình.

- 15 hồ sơ dự thi.

- 01 đoàn công tác học tập phương pháp luận xây dựng hồ sơ dự thi tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- 01 clip về các mô hình tiết kiệm năng lượng điển hình để phổ biến.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Cơ quan truyền thông; Tổng Công ty điện lực Hà Nội; cơ sở sử dụng năng lượng Hà Nội.

280

250

3

Triển khai phong trào Hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Phổ biến kỹ năng tiết kiệm năng lượng, thiết bị gia dụng dán nhãn năng lượng.

- Nâng cao năng lực cho các tuyên truyền viên.

- Tuyên truyền trên báo chí.

- 25.000 cuốn cẩm nang về kỹ năng tiết kiệm năng lượng, thiết bị gia dụng dán nhãn năng lượng.

- Tổ chức 04 Hội nghị cho các tuyên truyền viên.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty điện lực; Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội; UBND 29 quận/huyện, thị xã.

400

250

4

Tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế năng lượng hiệu quả môi trường Hà Nội (ENTECH HANOI 2014).

- Tổ chức Hội chợ trưng bày các sản phẩm, công nghệ tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

- Tổ chức các sự kiện bên lề Hội chợ.

- Trên 150 gian hàng trưng bày các sản phẩm, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ “xanh” trong và ngoài nước.

- Tổ chức cuộc thi "Sản phẩm, công nghệ Xanh".

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Đơn vị tư vấn; Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam; Cơ quan truyền thông; Doanh nghiệp.

1.600

300

5

Hoạt động Ban chủ nhiệm chương trình năm 2014.

- Tham mưu xây dựng Kế hoạch.

- Hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trên địa bàn Thành phố thực hiện tiết kiệm năng lượng.

- Tổ chức 03 đoàn công tác tham dự hội nghị, hội chợ và học tập kinh nghiệm.

- Hội nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình.

- Hướng dẫn, giám sát 40 doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng trên địa bàn Thành phố thực hiện tiết kiệm năng lượng.

- 01 đoàn đi Thành phố HCM tham dự hội nghị, hội chợ về tiết kiệm năng lượng.

- 01 đoàn đi tham dự hội nghị giữa các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần thứ VII tại Tiền Giang.

- 01 đoàn đi học tập kinh nghiệm triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

- 01 hội nghị Ban Chủ nhiệm Chương trình.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Thành viên Ban chủ nhiệm và Tổ công tác giúp việc Ban chủ nhiệm chương trình; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.

120

 

II

Phát triển, phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp

1.100

 

6

Thúc đẩy việc sử dụng trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

- Điều tra, đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội.

- Kiểm toán năng lượng.

- Điều tra khảo sát 20 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Kiểm toán năng lượng 05 đơn vị.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

300

 

7

Phát triển trang thiết bị hiệu suất cao thông qua hỗ trợ kiểm toán năng lượng và xây dựng mô hình quản lý năng lượng tại doanh nghiệp thuộc nhóm ngành đồ uống - nước giải khát.

- Điều tra khảo sát các doanh nghiệp thuộc ngành đồ uống - nước giải khát.

- Kiểm toán năng lượng.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho nhóm ngành đồ uống - nước giải khát.

- Điều tra khảo sát 10 doanh nghiệp.

- Kiểm toán năng lượng 4 đơn vị.

- Xây dựng 01 mô hình quản lý năng lượng.

- Tổng hợp, phổ biến dữ liệu về công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho nhóm ngành đồ uống - nước giải khát.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Các doanh nghiệp thuộc ngành đồ uống - nước giải khát.

400

 

8

Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp thông qua kiểm toán năng lượng tại các cơ sở tiêu thụ năng lượng trên địa bàn huyện Gia Lâm.

- Điều tra khảo sát của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm

- Kiểm toán năng lượng.

- Tổ chức hội nghị phổ biến.

- Điều tra khảo sát 20 doanh nghiệp.

- Kiểm toán năng lượng 6 đơn vị.

- 01 hội nghị tuyên truyền các giải pháp tiết kiệm năng lượng điển hình cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm.

400

 

III

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà

1.000

 

9

Xây dựng thí điểm suất tiêu hao năng lượng cho tòa nhà tiêu thụ nhiều năng lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Điều tra khảo sát các tòa nhà.

- Kiểm toán năng lượng.

- Xây dựng suất tiêu hao năng lượng cho tòa nhà.

- Điều tra khảo sát 50 tòa nhà.

- Kiểm toán năng lượng 06 tòa nhà.

- Số liệu về suất tiêu hao năng lượng cho tòa nhà.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Các tòa nhà.

600

 

10

Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

- Hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho các tòa nhà.

- Xây dựng mô hình quản lý năng lượng.

- Tổ chức Hội nghị tuyên truyền.

- Kiểm toán năng lượng 05 tòa nhà.

- 01 mô hình quản lý năng lượng.

- 01 Hội nghị tuyên truyền.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Tổng Công ty điện lực Hà Nội; Các tòa nhà.

400

 

IV

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong ngành giao thông vận tải

250

 

11

Thúc đẩy ứng dụng, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận hành phương tiện giao thông vận tải công cộng.

- Kiểm toán năng lượng tuyến xe bus công cộng.

- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình vận hành phương tiện giao thông vận tải công cộng.

- Kiểm toán năng lượng 02 tuyên xe bus.

- Xây dựng, định mức kinh tế kỹ thuật trong quá trình vận hành phương tiện giao thông vận tải công cộng tại 02 tuyến.

- Đơn vị chủ trì: Sở Công thương.

- Đơn vị phối hợp: Các đơn vị hoạt động trong ngành giao thông vận tải công cộng.

250

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ghi chú:

- Đối với Chương trình, dự án đa mục tiêu trong đó có giải pháp thực hiện tiết kiệm năng lượng, Thành phố giao trực tiếp cho các đơn vị.

- Nguồn vốn huy động hợp pháp khác: Khuyến khích, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tư nhân và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật để thực hiện đầu tư, đổi mới các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng...