ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4769/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
Căn cứ Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 4351/QĐ-BCT ngày 29/8/2011 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 có xét đến 2020”;
Căn cứ Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 -2015;
Căn cứ Chương trình số 03-CTr/TU ngày 09/9/2011 của Thành ủy Hà Nội về việc tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững;
Căn cứ Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND ngày 13/5/2009 của UBND Thành phố về việc ban hành “Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009-2015”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 3374/TTr-SCT ngày 08/10/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2012 – 2015
(Kèm theo Quyết định số 4769/QĐ-UBND ngày 23/10/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
Năng lượng bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo. Tài nguyên năng lượng không tái tạo gồm than đá, khí than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, quặng urani và các tài nguyên năng lượng khác không có khả năng tái tạo. Tài nguyên năng lượng tái tạo gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo; các dạng năng lượng này có khả năng tái tạo, sử dụng lâu dài, thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của Thành phố và quốc gia. Việc ứng dụng năng lượng tái tạo phụ thuộc theo từng thời điểm trong năm, điều kiện địa lý ...; ứng dụng năng lượng tái tạo quy mô lớn đòi hỏi công nghệ phức tạp, giá thành công nghệ tương đối cao. Đối với các cơ sở công nghiệp hay tòa nhà, việc sử dụng năng lượng tái tạo ở quy mô vừa cần nghiên cứu ngay từ khâu thiết kế. Tiềm năng năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội chủ yếu là năng lượng mặt trời; gió tự nhiên; năng lượng sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp, rác thải ...
Nhằm nâng cao nhận thức, ứng dụng công nghệ tiên tiến để khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có quy mô phù hợp điều kiện tự nhiên và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012-2015 với các nội dung như sau:
1. Tăng cường các hoạt động về sử dụng năng lượng tái tạo, giai đoạn 2012 -2015 trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.
3. Thúc đẩy ứng dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và trong sinh hoạt có quy mô phù hợp với điều kiện địa lý, khí hậu và kinh tế - xã hội.
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sử dụng năng lượng tái tạo.
2. Xây dựng các mô hình trình diễn sử dụng năng lượng tái tạo; Phổ biến nhân rộng các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo quy mô vừa và nhỏ trong các đơn vị sử dụng năng lượng.
3. Giới thiệu, trưng bày các sản phẩm, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo tại Hội chợ triển lãm quốc tế Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội (ENTECH HANOI) và các hội chợ quốc tế khác.
4. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các hộ gia đình sử dụng trang thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo như: bình nước nóng năng lượng mặt trời, hầm biogas, sử dụng ánh sáng mặt trời, thông gió tự nhiên ...
5. Triển khai các hoạt động ứng dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà, xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp và các hộ gia đình.
6. Lồng ghép triển khai các nội dung năng lượng tái tạo trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo.
1. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo: Tổ chức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (xây dựng các chương trình, phóng sự, thông tin); Tổ chức hội thảo, tập huấn, sự kiện về ứng dụng năng lượng tái tạo.
- Hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo tại hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành “Năng lượng hiệu quả - môi trường Hà Nội” (ENTECH HANOI).
- Xây dựng các mô hình trình diễn, phổ biến trang thiết bị công nghệ năng lượng tái tạo trong các doanh nghiệp sử dụng năng lượng, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình.
2. Phát triển năng lượng tái tạo trong sản xuất công nghiệp
- Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiến trúc nhà xưởng sử dụng hiệu quả hệ thống thông gió, làm mát tự nhiên, sử dụng tối đa ánh sáng mặt trời.
- Thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ các cơ sở sử dụng năng lượng tái tạo thông qua thực hiện kiểm toán năng lượng, hỗ trợ đầu tư, phổ biến các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo.
3. Phát triển năng lượng tái tạo trong xây dựng và chiếu sáng công cộng
- Thực hiện quy hoạch và thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên của Thành phố nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm trong tòa nhà.
- Khuyến khích lắp đặt sử dụng thiết bị pin, bình nước nóng năng lượng mặt trời trong các công trình xây dựng và chiếu sáng công cộng.
- Vận hành, giám sát hệ thống chiếu sáng công cộng tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên theo đúng Quy định quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được ban hành tại Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 29/3/2011 của UBND Thành phố Hà Nội.
4. Phát triển năng lượng tái tạo trong giao thông vận tải
- Triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải.
- Thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng quy mô nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời trong các hoạt động di chuyển “Xanh” như: vận chuyển hành khách khu phố cổ, khu du lịch sinh thái, sân bay ...
5. Phát triển năng lượng tái tạo trong sản xuất nông nghiệp
- Ứng dụng thiết bị, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong sản xuất, gia công, chế biến, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp và phát triển ngành nghề.
- Khuyến khích sản xuất, sử dụng nguồn năng lượng tại chỗ bằng ánh sáng mặt trời, khí sinh học, phụ phẩm nông nghiệp và các nguồn năng lượng tái tạo khác.
- Tổ chức quy hoạch hệ thống thủy lợi hợp lý, tối ưu hóa hệ thống hồ chứa, kênh mương, tận dụng dòng chảy tự nhiên.
6. Phát triển năng lượng tái tạo trong hoạt động dịch vụ và hộ gia đình
- Hỗ trợ cung cấp thông tin, phổ biến vật liệu cách nhiệt, vật liệu lấy sáng; phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo cho các hộ gia đình, hoạt động dịch vụ; tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên trong công trình xây dựng.
- Thúc đẩy phong trào cuộc vận động Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; khuyến khích các hộ gia đình sử dụng: bình nước nóng năng lượng mặt trời, sử dụng biomas/biogas ...
Phối hợp các nguồn vốn cấp từ ngân sách Trung ương, Thành phố, tài trợ của các tổ chức quốc tế, các cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo và các tổ chức tư vấn. Phối hợp với mạng lưới của các Thành phố trong khu vực ASEAN, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế để triển khai chương trình phát triển năng lượng tái tạo.
a) Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành Thành phố xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành Chương trình phát triển năng lượng tái tạo, giai đoạn 2012 - 2015. Xây dựng nội dung kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo trong Kế hoạch thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội hằng năm.
b) Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương, chủ trì tham mưu cho Thành phố thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố.
c) Giám đốc Sở Công thương Hà Nội chủ trì, tham mưu cho UBND Thành phố điều phối các hoạt động để thực hiện Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2015 trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2009 - 2015 đã ban hành tại Quyết định số 68/2009/QĐ-UBND ngày 13/5/2009 của UBND Thành phố.
a) Vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, hợp lý theo mùa, đảm bảo tiết kiệm điện; ứng dụng, quảng bá mô hình chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho các tuyến phố và các tòa nhà xây dựng.
b) Khuyến khích sử dụng các loại đèn dùng năng lượng mặt trời cho chiếu sáng đường phố, công viên, đô thị...
Thúc đẩy ứng dụng các mô hình sử dụng phương tiện, thiết bị vận tải sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch.
Hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về sử dụng năng lượng tái tạo; nghiên cứu ứng dụng công nghệ, sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Triển khai nhiệm vụ môi trường có liên quan đến sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
b) Sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ môi trường Hà Nội để hỗ trợ các Chương trình, dự án về phát triển năng lượng tái tạo theo quy định.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống thủy lợi trên địa bàn Thành phố nhằm tối ưu hóa hệ thống hồ chứa, kênh mương, tận dụng dòng chảy tự nhiên.
b) Tiếp tục triển khai dự án khí sinh học ở các huyện ngoại thành, hỗ trợ xây dựng 2.000 hầm biogas/năm.
Chủ trì tham mưu cho UBND Thành phố Hà Nội cân đối kinh phí cho các nội dung Chương trình phát triển năng lượng tái tạo của Thành phố giai đoạn 2012- 2015 từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hàng năm.
a) Hướng dẫn các đơn vị quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển năng lượng tái tạo theo đúng quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản có liên quan.
b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND Thành phố bố trí kinh phí cho Chương trình phát triển năng lượng tái tạo của Thành phố trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Hà Nội hàng năm.
9. UBND các quận/huyện và thị xã
Tổ chức triển khai Chương trình phát triển năng lượng tái tạo, giai đoạn 2012-2015 trong Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn các quận/huyện, thị xã.
10. Sở Thông tin và Truyền thong
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các tổ chức liên quan thực hiện thông tin, truyền thông về năng lượng tái tạo trên địa bàn.
11. Tổng Công ty điện lực Thành phố Hà Nội
a) Phối hợp với Sở Công thương triển khai phong trào cuộc vận động hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; Tổ chức chương trình phát triển bình nước nóng năng lượng mặt trời.
b) Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cộng đồng tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống thông gió, làm mát tự nhiên, ánh sáng mặt trời.
Các Sở, Ban, Ngành; UBND các quận/huyện, thị xã thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, năm và báo cáo theo yêu cầu với UBND Thành phố, đồng thời gửi Sở Công thương để tổng hợp.
Sở Công thương thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo yêu cầu với UBND Thành phố, Bộ Công Thương về Chương trình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh các đơn vị có báo cáo gửi về cơ quan thường trực là Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố để xem xét, chỉ đạo kịp thời./.
- 1 Quyết định 2489/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 2 Quyết định 1467/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 3 Quyết định 1427/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 4351/QĐ-BCT năm 2011 phê duyệt "Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến 2020" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 5 Quyết định 13/2011/QĐ-UBND về Quy định quản lý chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 6 Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010
- 7 Quyết định 68/2009/QĐ-UBND về Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 – 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 8 Quyết định 1855/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 10 Luật Ngân sách Nhà nước 2002