Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11321/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 29 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BỔ SUNG, RÀ SOÁT QUY HOẠCH THỦY LỢI TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 33/2003/QĐ-TTg ngày 04/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2001-2010;

Nghị quyết số 62/2006/NQ-HĐND ngày 03/5/2006 của HĐND tỉnh Đồng Nai về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 5 năm 2006 - 2010;

Căn cứ Công văn số 3204/BNN-TL ngày 23 tháng 8 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ý kiến thỏa thuận "Rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020";

Căn cứ Quyết định số 4806/QĐ-CT-UBND ngày 08/12/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2006 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 597/SNN-PTNT/TL ngày 27/4/2006 về việc xin duyệt báo cáo rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng phát triển thủy lợi đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số: 547/TTr-SKHĐT ngày 06 tháng 7 năm 2006 về việc phê duyệt hồ sơ quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt bổ sung, rà soát quy hoạch thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phương hướng phát triển:

Quản lý, khai thác có hiệu quả, sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi hiện có. Đồng thời xây dựng mới các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, đặc biệt là xây dựng các hồ trữ nước ở địa bàn các huyện phía Bắc của tỉnh; xây dựng hệ thống chống xói lở bờ sông Đồng Nai và tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi phục vụ nông nghiệp.

2. Mục tiêu quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

a) Giai đoạn từ 2006 đến năm 2010

1. Mục tiêu:

Căn cứ phương hướng phát triển chung, mục tiêu đầu tư xây dựng thủy lợi trong giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

- Đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, những vùng không có làng nghề và khó phát triển công nghiệp.

- Thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi.

- Xây dựng công trình tiêu thoát nước ở các đô thị và khu công nghiệp.

- Xây dựng công trình tạo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

2. Các công trình dự kiến trong giai đoạn 2006 - 2010 (chi tiết xem phụ biểu 1).

- Tu sửa, nâng cấp các công trình đã xây dựng: Gồm 7 công trình, kinh phí là 13,3 tỷ đồng.

- Hoàn chỉnh kênh mương: Tổng chiều dài kênh cần phải tiếp tục đầu tư kiên cố hóa là 217,3 km với kinh phí là 98,166 tỷ đồng.

- Các công trình tiếp tục xây dựng: Công trình hồ Cầu Mới tưới 1810 ha, cấp nước 85.000 m3/ngày đêm.

- Các công trình xây dựng mới: Giai đoạn 2006 - 2010, ngoài các công trình được tu sửa, nâng cấp, kiên cố hóa kênh mương và công trình chuyển tiếp (hồ Cầu Mới); ưu tiên đầu tư xây dựng mới 27 công trình và 01 dự án phòng chống cháy rừng phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2010 là: 982,764 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động từ các nguồn: Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, huy động xã hội hóa, đầu tư theo hình thức B.O.T.

Đến năm 2010, diện tích tưới, tiêu và cấp nước là:

Diện tích tưới: 16.284 ha.

Diện tích tiêu và ngăn lũ: 18.960 ha.

Cấp nước: 124.800m3/ngày.

b) Định hướng phát triển giai đoạn 2010 đến 2020 (chi tiết phụ biểu 2).

- Tiếp tục xây dựng và nạo vét 8 công trình tiêu thoát nước ở các đô thị và ngoài hàng rào các khu công nghiệp đã xây dựng.

- Xây dựng 20 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.

- Xây dựng 47 hồ chứa và 46 đập dâng để tưới và cấp nước.

Kinh phí khái toán: 1.655.133 triệu đồng.

Nguồn vốn huy động từ các nguồn: Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, huy động xã hội hóa, đầu tư theo hình thức B.O.T.

Đến năm 2020, diện tích tưới, tiêu và cấp nước là:

Diện tích tưới: 49.140 ha.

Diện tích tiêu và ngăn lũ: 24.430 ha.

Cấp nước: 176.800m3/ngày.

3. Các giải pháp chủ yếu:

a) Giải pháp về cơ chế, chính sách:

Căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật, tỉnh tiếp tục nghiên cứu phân cấp quản lý đầu tư và khai thác cho địa phương một cách hợp lý. Việc phân cấp phải gắn liền với kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ thực hiện.

b) Giải pháp về nguồn vốn:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa tập trung huy động các nguồn vốn sau đây để đầu tư cho công trình thủy lợi:

- Đề nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư.

- Sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh, huyện.

- Huy động các nguồn xã hội hóa khác để đầu tư.

- Huy động vốn đóng góp của nhân dân để xây dựng kênh mương nội đồng nhằm góp phần phát huy hiệu quả các dự án thủy lợi.

- Tổ chức tốt việc thu thủy lợi phí để có nguồn chi cho các công trình thủy lợi, công tác quản lý, đồng thời góp phần vào việc tạo nguồn vốn duy tu, sửa chữa.

- Những công trình cấp nước cho các khu công nghiệp, dịch vụ tập trung; vận động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kể cả đầu tư theo hình thức BOT.

c) Giải pháp về tổ chức bộ máy quản lý:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xây dựng kế hoạch kiện toàn bộ máy quản lý, đặc biệt tăng cường cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thủy lợi để có thể thực hiện tốt công tác quản lý khai thác các công trình thủy lợi theo phân cấp.

- Quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, các ngành và các địa phương cần bám sát tình hình thực tế, diễn biến về đô thị hóa và nhu cầu nước tưới, việc sử dụng đất nông nghiệp của nông dân và tình hình thực tế khai thác sử dụng các công trình thủy lợi (đặc biệt là các trạm bơm) để xem xét điều chỉnh quy hoạch kịp thời và đề xuất chủ trương đầu tư phù hợp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa để triển khai thực hiện quy hoạch.

Các Sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa về các lĩnh vực chuyên môn do ngành mình phụ trách để thực hiện quy hoạch này.

UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa xây dựng chương trình phát triển thủy lợi trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tĩnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiêp và Phátt triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Mụi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh