Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1147/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 14 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TỈNH BẮC KẠN, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số: 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số: 196/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 102/2013/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2013 của liên Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội về việc quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Công văn số: 516/LĐTBXH-VL ngày 28 tháng 02 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Nghị định 196/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số: 658/TTr-LĐTBXH ngày 05 tháng 6 năm 2014 và của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số: 500/KHĐT-VX ngày 25 tháng 6 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015 - 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Thực trạng về tổ chức bộ máy

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có duy nhất 01 Trung tâm Giới thiệu việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trung tâm được thành lập tại Quyết định số: 501/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 1997 của UBND tỉnh với tên gọi là Trung tâm Dịch vụ việc làm; sau đó được đổi tên thành Trung tâm Giới thiệu việc làm tại Quyết định số: 1285/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh.

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp.

Về tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm có: Ban Giám đốc: 02 người; Văn phòng: 02 người; Phòng Thông tin - Tư vấn - Giới thiệu việc làm: 01 người; Phòng Dạy nghề: 01 người; Phòng Bảo hiểm thất nghiệp: 01 viên chức và 06 nhân viên hợp đồng.

Tổng số biên chế được giao năm 2013 là 08 người; 01 hợp đồng 68/CP; định suất bảo hiểm thất nghiệp 05 người.

2. Thực trạng về cơ sở hạ tầng

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Kạn được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo Quyết định số: 1337/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh Bắc Kạn với diện tích rộng 1.147m2 tại tổ 8, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Bắc Kạn gồm các hạng mục: Nhà 03 tầng với tổng diện tích mặt sàn 658m2, cổng + hàng rào, sân đường nội bộ, bồn hoa cây cảnh, hệ thống điện chiếu sáng trong nhà + ngoài nhà, hệ thống cấp thoát nước trong nhà + ngoài nhà, bể nước ngầm, hệ thống chống sét, phòng cháy chữa cháy với tổng mức đầu tư 8,2 tỷ đồng.

Trung tâm đã được khởi công xây dựng từ tháng 10 năm 2012 và hoàn thành vào tháng 10 năm 2013. Nguồn vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu về Dạy nghề và Việc làm (theo Quyết định số: 1201/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ) với tổng số vốn 5,681 tỷ đồng (năm 2012 có 02 tỷ đồng, năm 2013 có 3,681 tỷ đồng); kinh phí tỉnh Bắc Kạn đã chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng và tư vấn lập dự án đầu tư là 836 triệu đồng.

Trong các hạng mục được đầu tư theo Quyết định số: 1337/QĐ-UBND chưa có thiết bị như hệ thống máy tính, bàn ghế, tủ, hệ thống loa đài, phương tiện máy móc làm việc, dạy nghề,… phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề và xuất khẩu lao động, thu thập thông tin để phát triển thị trường lao động trên địa bàn toàn tỉnh, công tác bảo hiểm thất nghiệp, trang Website về việc làm tỉnh Bắc Kạn. Do vậy, ngày 21 tháng 8 năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư nâng cao năng lực cho Trung tâm Giới thiệu việc làm giai đoạn II (2013 - 2015) để mua sắm trang thiết bị, nâng cấp trang Website của Trung tâm với tổng mức đầu tư 4,22 tỷ đồng tuy nhiêu năm 2014 chưa bố trí được vốn để đầu tư.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tự mua sắm một số thiết bị để duy trì hoạt động thường xuyên gồm: Máy tính để bàn: 10 cái, máy phô tô: 01 cái, xe ô tô 04 chỗ (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội điều chuyển cho xe ô tô cũ đăng ký vào năm 1997).

3. Kết quả hoạt động từ năm 2010 đến năm 2013

Dân số của tỉnh Bắc Kạn có khoảng gần 300.000 dân, trong 03 năm có khoảng 70.000 lượt người truy cập trên website của Trung tâm qua địa chỉ: www.vieclambackan.vieclamvietnam.gov.vn. Cùng với việc đăng thông tin tuyển dụng trên website, nhân viên của Trung tâm đã đi tuyên truyền thông tin tuyển lao động tại các phiên chợ vùng cao, chợ các xã, các cụm xã hoặc các lễ hội xuân của các huyện.

Trong 03 năm có khoảng 60 nhà tuyển dụng lao động trong nước và ngoài nước đến đăng ký và trực tiếp tuyển. Số lao động được nhà tuyển dụng tư vấn trên 20.000 lượt người, trong đó số lao động được tuyển dụng khoảng 3.000 người.

Ngoài ra, từ thông tin tuyển dụng được công bố công khai trên website, hằng năm, Trung tâm đã phát hành trên 400 hồ sơ xin việc để người lao động nộp trực tiếp cho doanh nghiệp cũng như các đơn vị tuyển dụng.

4. Những tồn tại hạn chế

Do điều kiện đi lại và thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn khó khăn nên người lao động ở các huyện chưa có điều kiện tiếp xúc và khai thác các thông tin về tuyển dụng lao động, học nghề trên Website của Trung tâm cũng như nắm bắt thông tin của thị trường lao động trong và ngoài nước để họ có sự chọn lựa hợp lý cho công việc của mình.

Hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin ở các địa phương cấp huyện, cấp xã chưa phát triển. Tại các huyện chưa có các địa điểm để người lao động truy cập thông tin về lao động, việc làm; mặt khác, số người sử dụng được máy tính để truy cập Internet không nhiều, đặc biệt là lao động phổ thông. Từ thực tế trên cần phải bổ sung chức năng nhiệm vụ dịch vụ việc làm cho các cơ sở dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh (gồm tư vấn, giới thiệu việc làm, thiết lập các điểm truy cập, cung cấp thông tin về thị trường lao động tại các địa phương trong toàn tỉnh) để đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của người lao động.

II. DỰ BÁO VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

1. Dự báo nguồn cung lao động trong tỉnh

Theo số liệu điều tra rà soát Cung lao động năm 2013 dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn toàn tỉnh có 239.094 người (nam 118.946 người, nữ 120.148 người), trong đó:

- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên hoạt động kinh tế có 186.661 người, chiếm 78,07%, trong đó nam 94.777 người, nữ 91.883 người phân bổ theo khu vực thành thị 26.956 người, nông thôn 159.705 người.

- Số người không tham gia hoạt động kinh tế có 52.433, chiếm 21,92% (số người thất nghiệp là 735 người).

- Số người chuẩn bị bước vào độ tuổi lao động (từ 10 đến 14 tuổi) của tỉnh có 10.748 người, trong đó có khoảng 40% có nhu cầu học nghề hoặc tìm việc làm.

Bên cạnh đó, lao động thiếu việc làm ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao và có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp để có việc làm và thu nhập ổn định. Số lao động có việc làm ổn định trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, còn 40% là lao động mùa vụ. Đối với số lao động khác trong khu vực lao động tự do, tỉ lệ có việc làm ổn định còn thấp hơn chỉ chiếm khoảng 50%, lý do là người dân địa phương, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa vì thiếu thông tin về thị trường lao động nên vẫn chỉ sản xuất với tính chất tự cung, tự cấp, làm việc theo mùa vụ, manh mún nhỏ lẻ.

Như vậy, nguồn lao động của tỉnh có nhu cầu cần tư vấn tìm việc làm, học nghề khá cao. Mỗi năm tỉnh cần giải quyết việc làm mới cho khoảng 6.000 lao động và số lao động có nhu cầu được đào tạo nghề khoảng 4.000 người.

2. Dự báo nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh

Theo số liệu tổng hợp điều tra Cầu lao động năm 2012, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 352 doanh nghiệp. Do ảnh hưởng xấu từ suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp trong tỉnh đã cắt giảm lao động, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Năm 2013, trên địa bàn tỉnh còn 227 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và có sử dụng lao động, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do hoạt động khó khăn, thu nhập thấp không thường xuyên nên một số lao động đã thôi việc hoặc có nhu cầu đi tìm việc khác có mức thu nhập ổn định hơn, do vậy nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh mỗi năm trên 2.000 người, lao động thay thế trên 500 người.

Dự báo trong những năm tới, khi kinh tế thế giới và trong nước phục hồi, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh và sẽ có nhu cầu tuyển thêm số lượng lớn lao động vào làm việc. Dự báo giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh có nhu cầu tuyển thêm trên 3.000 người vào làm việc. Do đó việc cung cấp thông tin về Cung - Cầu lao động cho các doanh nghiệp trong tỉnh là rất cần thiết để hình thành và phát triển thị trường lao động tỉnh Bắc Kạn.

3. Dự báo sự phát triển của thị trường lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động

Ngoài nhu cầu tuyển dụng lao động trong tỉnh, các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất khan hiếm nguồn lao động có tay nghề. Từ khi sàn giao dịch việc làm và website của các Trung tâm Giới thiệu việc làm của các tỉnh, thành phố đi vào hoạt động, đã có hàng ngàn doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng và hàng triệu lao động đến giao dịch tìm việc làm; mỗi năm tạo việc làm từ 1,4 - 1,6 triệu lao động và đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 87.000 người. Dự báo giai đoạn 2015 -2020, mỗi năm có trên 50 doanh nghiệp đến tham gia tuyển dụng với trên 10.000 người để đưa đi làm việc ở tỉnh ngoài và xuất khẩu lao động.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH HỆ THỐNG TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Quy hoạch hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn nhằm đảm bảo các điều kiện cần và đủ để phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển hệ thống thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nói chung của cả nước; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI), tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Bắc Kạn.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Mỗi năm tư vấn trên 5.000 người; giới thiệu việc làm cho trên 2.000 người.

- Đảm bảo phân tích dự báo thị trường lao động phục vụ xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh về lao động, việc làm đến với người sử dụng lao động và người lao động.

- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

Căn cứ điều kiện thực tế của tỉnh Bắc Kạn và nhu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020 được quy hoạch trên cơ sở như sau:

1. Giữ nguyên Trung tâm Giới thiệu việc làm hiện nay thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ việc làm theo quy định tại Nghị định 196/NĐ-CP; có xét đến nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường thêm cán bộ viên chức của Trung tâm.

2. Bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ về tư vấn, giới thiệu việc làm cho các cơ sở dạy nghề gồm: Trường Trung cấp nghề Bắc Kạn, Trung tâm Dạy nghề của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn) và Trung tâm Dạy nghề do UBND các huyện quản lý (Pác Nặm, Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Bạch Thông, Ngân Sơn).

3. Kinh phí thực hiện theo Quy hoạch:

- Kinh phí đầu tư giai đoạn 2015 - 2020: 12,92 tỷ đồng.

- Kinh phí hoạt động: 1,924 tỷ đồng/năm.

* Nguồn kinh phí:

- Trung ương hỗ trợ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về Việc làm và Dạy nghề;

- Nguồn ngân sách địa phương;

- Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với ngành chức năng liên quan tham mưu việc đổi tên Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Kạn thành Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn và bổ sung chức năng, nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho các cơ sở dạy nghề theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

- Xây dựng dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn và đầu tư trang thiết bị cho đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm theo Quy hoạch được duyệt.

- Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát về công tác dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, chủ trì xây dựng dự toán kinh phí hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và các đơn vị thực hiện chức năng dịch vụ việc làm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan xem xét, cân đối nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định của pháp luật.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan cân đối nguồn kinh phí đầu tư cho các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định của pháp luật.

4. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp phối hợp với các ngành chức năng liên quan bổ sung biên chế sự nghiệp cho các đơn vị thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định của pháp luật.

5. Đề nghị Thủ trưởng các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho các trung tâm trực thuộc.

6. Chủ tịch UBND các huyện có trách nhiệm bổ sung chức năng, nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho các trung tâm dạy nghề của huyện quản lý.

7. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Triệu Đức Lân