Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 115/2004/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 04 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG KẸT XE NỘI THỊ NĂM 2004 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ ;
Căn cứ Quyết định số 90/2001/QĐ-UB ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố
Xét đề nghị của Sở Giao thông Công chánh (công văn số 364/GT-GT ngày 18 tháng 3 năm 2004) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Thủ trưởng các sở-ban-ngành thành phố, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình và nội dung kế hoạch nói tại điều 1 để xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể ở từng địa bàn, đơn vị nhằm thực hiện tốt kế hoạch Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 chung của thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở-ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.

Nơi nhận :
- Như điều 3
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND.TP
- TTUB : CT, các PCT
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố
- Các sở, ban, ngành thành phố
- UBND các quận-huyện
- Các Đoàn thể, các cơ quan Báo Đài
- VPHĐ-UB : Các PVP, các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT/Thg)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Đua

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG KẸT XE NỘI THỊ NĂM 2004
(Ban hành kèm theo Quyết định số 115 /2004/QĐ-UB ngày 27 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Thực hiện Quyết định số 90/2001/QĐ-UB ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị giai đoạn 2001-2005.

Ủy ban nhân dân thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 để tiếp tục làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố như sau :

I.- MỤC TIÊU NHIỆM VỤ :

Năm 2003, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố không những đã được kiềm chế gia tăng mà còn giảm đáng kể. Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực, nhưng đó mới là kết quả bước đầu và chưa bền vững, chưa đồng đều. Để tiếp tục đẩy mạnh bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra nhiệm vụ, mục tiêu và các biện pháp chủ yếu nhằm phấn đấu giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trong năm 2004 sau đây :

1. Phương hướng tổ chức thực hiện :

- Tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quyết định số 07/2003/ QĐ-UB ngày 08 tháng 01 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về chống kẹt xe nội thị năm 2003 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

- Tiếp tục giải quyết cấp bách tình trạng ùn tắc giao thông tại các đường chính, các giao lộ, tại các điểm tập trung đông người và phương tiện, bảo đảm tổ chức đi lại hợp lý, có trật tự và không để xảy ra ùn tắc.

- Hạn chế dần sự đi lại bằng các loại xe 02 bánh gắn máy, giảm bớt tình trạng vi phạm luật giao thông, giảm bớt tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người.

- Hạn chế các loại xe tải lưu thông trong nội đô thành phố. Chấm dứt tình trạng đậu xe dưới lòng đường trên các trục chính gây ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

- Tập trung chỉ đạo thi công-hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm và đẩy mạnh hoàn thiện qui hoạch và các nghiên cứu khác về tổ chức giao thông và an toàn giao thông.

2. Các chỉ tiêu phấn đấu :

Các chỉ tiêu chung có ý nghĩa then chốt là :

- Giảm ít nhất 40% về số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra trên địa bàn thành phố so với năm 2003.

- Giảm ít nhất 50% về số vụ ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố so với năm 2003 và có ít nhất 90% số vụ ùn tắc được giải tỏa trong vòng 20 phút.

- Không để xảy ra tụ tập đua xe trái phép. Không để tồn tại các tụ điểm xe khách và các bến đò ngang hoạt động trái phép.

- Có ít nhất 60% số tuyến đường có lòng đường rộng trên 7 mét ở khu vực nội thành và ít nhất 20% số phường giải tỏa triệt để các trường hợp lấn chiếm vỉa hè trái phép để làm dịch vụ và kinh doanh buôn bán.

Căn cứ nhiệm vụ chung nói trên, Giám đốc các sở-ban-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tùy chức năng nhiệm vụ để đề ra những chỉ tiêu cụ thể của ngành mình, địa phương mình trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

II.- CÁC GIẢI PHÁP VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC CỤ THỂ :

Giải pháp 1 : Tiếp tục hạn chế lưu hành các loại xe cá nhân.

- Thường xuyên tổ chức tổng kiểm tra Giấy phép lái xe 02 bánh gắn máy đối với học sinh tập trung tại các trường học.

- Tăng cường kiểm tra công tác đào tạo sát hạch và cấp Giấy phép lái xe. Kiên quyết xử lý thu hồi giấy phép đối với các cơ sở không đủ tiêu chuẩn hoạt động, quản lý lỏng lẻo hoặc có tiêu cực trong đào tạo sát hạch cấp Giấy phép lái xe.

- Tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp để hạn chế lưu hành các loại xe cá nhân.

- Tiếp tục nghiên cứu xây dựng phân tuyến các đường song hành cho xe 02 bánh lưu thông trên các trục giao thông trọng điểm.

- Xây dựng bổ sung các hành lang dành riêng cho người đi bộ trên địa bàn thành phố. Tập trung hoàn chỉnh khu phố đi bộ trên đường Đồng Khởi, đường Lưu Văn Lang, đường Nguyễn An Ninh.

- Nghiên cứu xây dựng dần hệ thống các bãi giữ xe 02 bánh và 04 bánh, đặc biệt ở địa bàn các quận 1, quận 3, quận 5 và quận Phú Nhuận, kể cả bãi đậu xe nhiều tầng.

Giải pháp 2 : Kết hợp chặt chẽ việc giáo dục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông với tăng cường xử phạt nghiêm các vi phạm luật lệ giao thông để phát huy hiệu quả của chương trình.

- Công an thành phố và Công an các quận-huyện phối hợp thực hiện :

Tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp xe 02 bánh lưu thông trên làn dành riêng cho xe ô tô.

Tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông công cộng như : đậu xe trên đường cấm, đậu xe ở các giao lộ và trong vòng xoay,v.v…

Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt các trường hợp đậu xe trái phép, lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán.

- Tăng cường lực lượng tổ chức và điều chỉnh phân luồng giao thông, cải tạo kích thước hình học ở các giao lộ mới được mở thông.

Giải pháp 3 : Cải tạo, giải tỏa nhanh các điểm ùn tắc giao thông và có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

- Nghiên cứu cải tạo một số nút giao thông (danh sách trong Phụ lục 1 đính kèm).

- Tăng cường các biện pháp điều tiết giao thông ngay trong quý II :

Lắp đặt dãy phân cách tại đầu các giao lộ trên những tuyến đường có bề rộng hơn 04 làn xe để hạn chế tình trạng xe chạy lấn tuyến.

Bổ sung biển báo “cấm rẽ trái” tại các giao lộ thường xuyên ùn tắc giao thông.

Bổ sung kẻ vạch “băng đường” dành riêng cho bộ hành tại các giao lộ.

Lắp đặt thay thế kịp thời hệ thống đèn tín hiệu giao thông cũ bằng hệ thống đèn mới theo mẫu mã thống nhất.

Khảo sát, kẻ vạch sơn “dừng 02 bước” tại các giao lộ có mật độ lưu thông cao, có lượng xe rẽ trái lớn.

Lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các giao lộ có mật độ lưu thông cao hoặc chưa có đèn (danh sách trong Phụ lục 2 đính kèm).

Lặp đặt biển báo “cấm đậu xe” trên một số tuyến đường (danh sách trong Phụ lục 3 đính kèm).

- Nghiên cứu xây dựng các công trình cầu vượt hoặc hầm chui dành cho người đi bộ (danh sách trong Phụ lục 4 đính kèm).

- lắp đặt dãy phân cách, xây dựng vỉa hè và hệ thống thoát nước dọc tuyến đường Xuyên á trên địa bàn thành phố trong quý II.

Giải pháp 4 : Tổ chức phân luồng và điều chỉnh giao thông tại các khu vực và trên các hành lang giao thông :

- Hành lang đường Phạm Viết Chánh-Nguyễn Thị Minh Khai-Cống Quỳnh (quận 1).

- Khu vực cầu Ông Lãnh-đường Khánh Hội-cầu Kênh Tẻ (quận 4).

- Hành lang đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Nguyễn Văn Trỗi và đường Phan Đình Phùng-Hai Bà Trưng-Lê Văn Sỹ (quận 3, phục vụ thi công hệ thống thoát nước Nhiêu Lộc-Thị Nghè).

- Hành lang đường Đinh Tiên Hoàng-Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh)

- Hành lang đường Lê Quang Định-Phan Văn Trị (Bình Thạnh).

- Hành lang đường 3 tháng 2 (đoạn từ đường Nguyễn Tri Phương đến vòng xoay Công trường Dân Chủ).

- Hành lang đường Võ Văn Tần-Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1-3).

- Hành lang đường Trần Hưng Đạo-Nguyễn Trãi (quận 1-5).

- Hành lang đường Lãnh Binh Thăng-Lê Đại Hành (quận 11)

- Khu vực cầu Nhị Thiên Đường.

- Khu vực hai đường dọc kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè.

Giải pháp 5 : Hạn chế xe tải lưu thông trong nội đô thành phố.

- Công bố danh mục các đường lân cận hành lang xe tải cho phép xe tải lưu thông ban ngày để giải quyết nhu cầu vận tải thực tế của các doanh nghiệp trú đóng trên các đường này ; thực hiện trước ngày 15 tháng 5 năm 2004.

- Tiếp tục theo dõi tình hình hoạt động của xe tải trong nội đô thành phố, tiến tới xem xét cấm xe tải nặng lưu thông xuyên tâm thành phố vào ban ngày trên các hành lang còn lại khi đã chuẩn bị tốt hành lang lưu thông bên ngoài (đường vành đai Quốc lộ 1A).

- Hoàn thành đưa vào sử dụng các bến bãi xe tải ở cửa ngõ thành phố.

Giải pháp 6 : Tập trung chỉ đạo thi công-hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm :

- Cầu Kênh Tẻ.

- Đường Bình Thuận-Hiệp Phước.

- Đường Trường Chinh.

- Cầu đường Bình Triệu 2.

- Cầu Tân Thuận 2.

- Cầu vượt đường Trường Chinh-Cộng Hòa.

- Đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

- Cầu Phú Mỹ.

Đẩy mạnh thực hiện các dự án nghiên cứu qui hoạch và đầu tư giao thông đô thị, trước mắt là các dự án :

- Nút giao vượt đường Lê Đại Hành-Lãnh Binh Thăng-3 tháng 2.

- Nút giao vượt vòng xoay ngã sáu Công trường Dân Chủ.

- Nút giao vượt ngã sáu Ngô Gia Tự.

- Nút giao vượt ngã bảy Lý Thái Tổ.

- Nút giao vượt bùng binh Cây Gõ.

- Nâng cấp tải trọng H.30 cầu Đinh Bộ Lĩnh.

Giải pháp 7 : Nghiên cứu đầu tư mở rộng các đường liên quận nhỏ hẹp và thường xuyên ùn tắc giao thông như : Lũy Bán Bích (Tân Bình), Hòa Bình, Âu Cơ, Lạc Long Quân (quận 11), Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)

Giải pháp 8 : Đầu tư phát triển nhanh loại hình phương tiện vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn (đường sắt nội đô) ; nghiên cứu đề xuất các giải pháp ưu tiên cho hoạt dộng xe buýt.

Giải pháp 9 : Tiếp tục chỉnh trang hệ thống vỉa hè và công viên cây xanh.

Giải pháp 10 : Tăng cường quản lý và kiểm soát giao thông bằng hệ thống biển báo và thiết bị quan sát.

Tập huấn, đào tạo chuyên viên quản lý và điều hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại trung tâm đã được xây dựng theo Tiểu dự án Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị thành phố.

III.- NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA TỪNG ĐƠN VỊ :

1. Thủ trưởng các Sở-ban-ngành thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các đoàn thể thành viên và Ủy ban nhân dân các quận-huyện, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm triển khai phối hợp thực hiện kế hoạch này.

2. Công an thành phố tập trung kiểm tra, cương quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm luật lệ giao thông (các giải pháp 1 và 2) và phối hợp với Sở Giao thông công chánh để tổ chức phân luồng giao thông (các giải pháp 3, 4, 5 và 11) ; thực hiện các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi biểu hiện tiêu cực nội bộ trong một bộ phận Cảnh sát giao thông.

3. Sở Giao thông Công chánh tập trung chỉ đạo các công trình cải tạo, tổ chức giao thông công cộng trên địa bàn thành phố. Kiểm tra chặt chẽ chất lượng sơn kẻ vạch, biển báo, dãy phân cách, hệ thống đèn tín hiệu giao thông ; chất lượng và tiến độ các dự án cầu, đường, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm ảnh hưởng chất lượng và tiến độ ; ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi biểu hiện tiêu cực trong thanh tra giao thông, cấp phép lái xe.

4. Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Sở Văn hóa và Thông tin và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung kế hoạch, giáo dục về luật lệ giao thông, về chủ trương chính sách của thành phố trong việc hạn chế lưu thông các loại xe cá nhân nhằm giảm bớt ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo vận động và tổ chức cho học sinh đi học bằng xe đưa đón tập thể, bằng phương tiện giao thông công cộng (hạn chế đi lại bằng xe cá nhân) ; chủ động phối hợp với Sở Giao thông Công chánh và Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã sở tại để giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường.

6. Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố phối hợp với Sở Giao thông Công chánh, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện thực hiện các biện pháp phòng tránh ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trước cổng các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông người và phương tiện lưu thông.

7. Sở Thương mại và Sở Y tế phối hợp với Chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giải quyết không để ùn tắc giao thông tại các chợ, siêu thị, bệnh viện,v.v…

8. Viện Kinh tế thành phố và Kiến trúc sư trưởng thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện nhanh các công trình nghiên cứu về qui hoạch đô thị, qui hoạch giao thông và quản lý trật tự đô thị thành phố.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Công chánh và Sở Tài chính chỉ đạo giải quyết nhanh các thủ tục và đề xuất bố trí đủ vốn cho những công trình, dự án có tính cấp bách để thực hiện tốt kế hoạch này.

10. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm chính về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự lòng lề đường trên địa bàn do mình phụ trách, đặc biệt ở các chợ, siêu thị, trường học, những nơi tập trung đông người và phương tiện lưu thông.

11. Ban chỉ đạo cải cách hành chính chủ trì phối hợp Ban An toàn giao thông thành phố và Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận nghiên cứu tổng kết thí điểm phân cấp quản lý trật tự an toàn giao thông, kịp thời nhân rộng nội dung phân cấp và kinh nghiệm thực hiện ở các quận-huyện.

12. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên theo dõi, giúp Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch này.

IV.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

1. Sở Giao thông Công chánh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố có kế hoạch phối hợp các Sở-ban-ngành khác của thành phố, với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, với các tổ chức, đoàn thể, với Ủy ban nhân dân các quận-huyện để triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 trên địa bàn thành phố. Thường xuyên kiểm tra, báo cáo định kỳ hàng tháng, đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị trong quá trình thực hiện.

2. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở-ban-ngành thành phố, các tổ chức đoàn thể, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình và nội dung kế hoạch này để xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm thực hiện tốt kế hoạch Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 chung của thành phố. Trên cơ sở kế hoạch cụ thể, lập dự toán chi tiết về các công việc của đơn vị mình, trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt cho thực hiện.

Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn vướng mắc cần báo cáo ngay với Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để được chỉ đạo giải quyết kịp thời.

3. Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì họp giao ban định kỳ với các đơn vị để kiểm điểm tình hình thực hiện, tổ chức sơ tổng kết hàng quý, năm, đề xuất báo cáo với Thường trực Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch thực hiện chương trình cho những năm tiếp theo./.

 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ