ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 72/2005/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 05 năm 2005 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ ;
Căn cứ Quyết định số 90/2001/QĐ-UB ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố Xét đề nghị của Sở Giao thông-Công chính (Công văn số 834/GT-GT ngày 21 tháng 4 năm 2005 và Công văn số 275/GT-GT ngày 03 tháng 02 năm 2005) ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2005 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Thủ trưởng các sở-ban-ngành thành phố, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình và nội dung kế hoạch nói tại Điều 1 để xây dựng kế hoạch và biện pháp cụ thể ở từng địa bàn, đơn vị nhằm thực hiện tốt kế hoạch Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2005 chung của thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở-ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị doanh nghiệp và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG KẸT XE NỘI THỊ NĂM 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72 /2005/QĐ-UB ngày 10 tháng 5 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Thực hiện Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng, tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Thực hiện Quyết định số 90/2001/QĐ-UB ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị giai đoạn 2001-2005.
Xét tình hình nhiệm vụ, kết quả đạt được và những tồn tại trong việc thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra Kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2005, tiếp tục phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố như sau :
Năm 2005 là năm thứ ba thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 24 tháng 02 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông", Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ "về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông" trong tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố tuy đã có những mặt tiến bộ nhưng chưa thật vững chắc. Để giữ vững kết quả đã đạt được, phấn đấu tiếp tục tạo ra những bước phát triển mới trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố đề ra chỉ tiêu và những biện pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình chống kẹt nội thị trên địa bàn trong năm 2005 như sau:
Chỉ tiêu phấn đấu:
- Giảm tối thiểu 25% về số vụ tai nạn giao thông, giảm 10% về số người chết và 25% về số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra so với năm 2004.
- Giảm tối thiểu 30% về số điểm và số vụ ùn tắc giao thông so với năm 2004. Có ít nhất 90% số vụ ùn tắc giao thông được giải tỏa trong vòng 20 phút và không để một vụ ùn tắc giao thông nào kéo dài trên 60 phút.
- Không để xảy ra đua xe trái phép.
- Mỗi quận-huyện có tối thiểu 80% số tuyến đường được sắp xếp trật tự theo quy định chung của thành phố.
- Có tối thiểu 90% số người đi xe mô tô, xe gắn máy trên các tuyến đường, các khu vực bắt buộc đội mũ bảo hiểm thực hiện nghiêm chỉnh quy định về đội mũ bảo hiểm.
II. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NỘI DUNG CÔNG TÁC CỤ THỂ:
Giải pháp 1: Các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tai nạn giao thông.
- Tiếp tục khảo sát, khắc phục các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên các quốc lộ và các tuyến đường nội thị trên địa bàn thành phố (xem chi tiết tại phụ lục 1 đính kèm).
- Lắp đặt dảy phân cách bằng thép trên các tuyến đường lưu thông hai chiều có bề rộng lớn hơn 04 làn xe, phòng chống lấn tuyến của các phương tiện (xem chi tiết tại phụ lục 2 đính kèm).
- Lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại những giao lộ có mật độ xe cao mà chưa có đèn (xem chi tiết tại phụ lục 3 đính kèm).
- Khảo sát, lắp đặt biển báo “cấm rẽ trái” tại các giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có mật độ phương tiện lưu thông lớn.
- Kiểm tra, thu hồi các biển báo lắp đặt chưa hợp lý hoặc không còn phù hợp với hiện trạng giao thông; nghiên cứu cách lắp đặt biển báo giao thông theo tiêu chí đơn giản, thông thoáng, với số lượng tối thiểu nhưng bảo đảm đầy đủ thông tin cho người tham gia giao thông.
- Vuốt nối các đường ngang giao cắt với tuyến đường Xuyên Á, tạo độ dốc hợp lý, tránh tình trạng xe trên đường ngang dừng trên đường Xuyên Á.
- Triển khai xây dựng tường rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn thành phố, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Công văn số 6763/UB-ĐT ngày 09 tháng 11 năm 2004.
- Tổ chức lại hệ thống bãi đậu xe tại các khu vực quận 3, quận 5, quận 10 và quận Phú Nhuận.
Giải pháp 2: Kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền giáo dục về pháp luật giao thông với tăng cường xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.
1. Công tác giáo dục và tuyên truyền:
- Trước hết là tuyên truyền giáo dục về Luật Giao thông đường bộ trong tất cả các trường phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
- Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền vận động toàn dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông thành một trong những nội dung quan trọng trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
- Phổ biến tuyên truyền pháp luật giao thông ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các nhà máy, xí nghiệp; phấn đấu đến cuối năm 2005 phải có 100% công nhân trong các cơ sở này được phổ biến, tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trước hết là trật tự an toàn giao thông đường bộ; khuyến khích đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng thay vì xe cá nhân.
- Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội hình Thanh niên tình nguyện vì trật tự an toàn giao thông, hỗ trợ đắc lực cho việc ngăn ngừa và giải quyết kịp thời các vụ ùn tắc giao thông; triển khai mạnh mẽ các phong trào hoạt động của thanh niên trong việc giữ gìn trật tự an toàn giao thông, làm cho tuổi trẻ thành phố thật sự là lực lượng xung kích hàng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thành phố.
- Triển khai thực hiện các chương trình hoặc chuyên trang, chuyên mục cho tuyên truyền giáo dục về pháp luật giao thông trên các báo, đài. Thành lập chuyên trang “An toàn giao thông” trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
- Vận động nhân dân tham gia chương trình “Người công dân gương mẫu” khi tham gia giao thông.
2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp tuần tra kiểm soát, xử phạt để kéo giảm nhanh về số vụ tai nạn giao thông, làm cho mọi người đều đề cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông khi tham gia giao thông.
- Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông; áp dụng các biện pháp xử phạt nặng như tịch thu phương tiện vi phạm, tạm giữ xe dài ngày đối với những trường hợp điều khiển xe môtô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe theo quy định, đối với những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông (lấn trái đường, chạy xe quá tốc độ cho phép, đổi hướng không đúng quy định ...).
- Tăng cường lực lượng để mở rộng phạm vi công tác ghi hình và xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hình ảnh thu được.
- Đầu tư trang bị thêm máy đo nồng độ cồn và tăng cường kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện giao thông trên tất cả các tuyến đường, ở mọi lúc mọi nơi trên địa bàn thành phố.
- Bổ sung danh sách các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy; đồng thời tiếp tục vận động người dân đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên những tuyến đường không cấm, chuẩn bị điều kiện để năm 2006 thực hiện quy định này trên tất cả các tuyến đường thành phố.
- Thực hiện việc kiểm tra tốc độ xe lưu thông bằng súng bắn tốc độ có ghi hình trên các trục đường chính, đặc biệt trên các tuyến đường cửa ngõ ra vào thành phố; Kiên quyết xử phạt nghiêm các lái xe vi phạm quy định về tốc độ lưu thông tối đa cho phép.
Giải pháp 3: Cải tạo các điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông và phân luồng điều chỉnh giao thông:
1. Nghiên cứu, cải tạo các nút giao thông (xem chi tiết tại phụ lục 4 đính kèm).
2. Nghiên cứu phân luồng điều chỉnh giao thông và tổ chức giao thông:
- Theo khu vực:
+ Khu vực cầu Ông Lãnh-đường Khánh Hội-cầu Kênh Tẻ (quận 1-quận 4);
+ Hành lang đường 3 tháng 2 (đoạn từ đường Nguyễn Tri Phương đến vòng xoay Công trường Dân Chủ);
+ Hành lang đường Võ Văn Tần-Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3);
+ Khu vực đường Bà Huyện Thanh Quan-Trương Định-Rạch Bùng Binh (quận 3);
+ Khu vực đường Võ Văn Ngân-Lê Văn Chí-Nguyễn Văn Bá-Lê Văn Việt (Ngã tư Thủ Đức);
+ Nghiên cứu tổ chức giao thông khu vực đường 3 tháng 2-Hàn Hải Nguyên-Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11), khu vực Ngã tư Tân Vạn, khu vực QL.52 - đường vào khu Lâm Viên (quận 9).
- Theo hướng lưu thông:
+ Theo hướng đường Bắc-Nam thành phố và các đường ngang;
+ Theo hướng trục đường Trường Chinh;
+ Theo hướng trục đường Tỉnh lộ 10-Bà Hom;
+ Theo hướng trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Hai Bà Trưng (quận 1) - Phan Đình Phùng (Phú Nhuận).
+ Theo hướng trục đường Lê Văn Sỹ-Cách Mạng Tháng Tám;
+ Theo hướng trục đường Nguyễn Kiệm;
+ Theo hướng trục đường Phan Văn Trị-Lê Quang Định (Bình Thạnh);
3. Nghiên cứu mở rộng một số đường hẻm thành đường phố, vận động nhân dân tham gia hiến đất xây dựng để bổ sung cho mạng lưới đường khu vực tại các quận 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và Bình Chánh.
4. Nghiên cứu vành đai cấm hẳn xe khách trên 9 chỗ lưu thông trong nội đô thành phố mỗi ngày từ 6 giờ 00 đến 21 giờ 00.
5. Nghiên cứu xây dựng đường dành riêng cho xe buýt, trước mắt thực hiện trên đường Hồng Bàng (là 01 trong 10 hành lang có khả năng tổ chức làn dành riêng) và tuyến xe buýt 02 tầng Sài Gòn-Thủ Đức.
6. Nghiên cứu biện pháp ngăn cấm người đi bộ, đi xe máy băng ngang dãy phân cách giữa đường không đúng vị trí quy định trên đường Xuyên Á, phòng tránh tai nạn giao thông.
Giải pháp 4: Xây dựng cơ bản mội số công trình hạ tầng giao thông:
1. Hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình Cải tạo, mở rộng đường Trường Chinh, Cầu Tân Thuận 2, Hầm chui khu chế xuất Tân Tạo.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình Xây dựng dãy phân cách trên đường Xuyên Á (giai đoạn 2), Xây dựng cầu Thủ Thiêm, Cầu đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, Cầu Phú Mỹ, Cầu Công Lý, Đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cầu Rạch Chiếc trên đường vành đai phía Đông thành phố, Đường nối từ đường vành đai phía Đông đến Bình Thái, Đường nối từ cầu Phú Mỹ đến nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, Hầm chui khu chế xuất Linh Trung.
Sử dụng vốn đảm bảo giao thông để triển khai xây dựng đường dành cho xe 02 bánh trên Xa lộ Hà Nội.
- Hoàn thiện lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông và camera quan sát giao thông thuộc dự án “Tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh”.
Giải pháp 5: Tiếp tục phát triển vận tải hành khách công cộng đồng thời hạn chế lưu hành các loại xe cá nhân:
- Hoàn thiện Đề án “Tổ chức lại các hình thức đáp ứng nhu cầu đi lại trên địa bàn thành phố”, trình Hội đồng nhân dân thành phố.
- Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật giao thông, áp dụng hình thức xử phạt tạm giữ phương tiện đối với người điều khiển phương tiện giao thông không có hoặc không mang theo Giấy phép lái xe; kiểm tra chặt chẽ để nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe.
- Triển khai thí điểm việc tổ chức trông giữ xe có thu phí tại những địa điểm phù hợp trên địa bàn quận 1 và nhân rộng ở các khu vực khác trong nội đô thành phố; nghiêm cấm đậu xe, trông giữ xe trên lòng, lề đường, trả lề đường cho người đi bộ và lòng đường cho giao thông công cộng; ban hành và quản lý chặt chẽ giá dịch vụ trông giữ xe ô tô.
- Nhân rộng mô hình sử dụng xe buýt để đi lại một ngày trong tuần ở các đơn vị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể và Sở Văn hóa-Thông tin; thủ trưởng cơ quan, đơn vị thành phố phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền, tổ chức vận động đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đi lại bằng xe buýt, giám sát việc nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt trên địa bàn thành phố.
- Tiến hành hạn chế lưu thông đối với các loại xe 2-3 bánh ở một số khu vực, trên một số đường phố hoặc trên các hành lang giao thông chính có mật độ giao thông quá cao và đã tổ chức tốt giao thông công cộng.
- Nghiêm cấm công dân dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xy lanh trên 50cm3. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường học trên địa bàn thành phố, tổ chức thực hiện nghiêm cấm không cho học sinh sử dụng xe mô tô có dung tích xy lanh trên 50cm3 đến trường. Trong các năm học tới, cùng với việc phát triển xe đưa rước, có thể cấm hẳn, không cho học sinh đi lại bằng xe mô tô.
- Tăng cường kiểm tra công tác đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Kiên quyết xử lý thu hồi giấy phép đối với các cơ sở không đủ tiêu chuẩn hoạt động, quản lý lỏng lẻo hoặc có tiêu cực trong đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe.
- Xây dựng bổ sung các hành lang dành riêng cho người đi bộ trên địa bàn thành phố. Tập trung hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động chính thức khu phố đi bộ trên đường Đồng Khởi.
- Nghiên cứu xây dựng dần hệ thống các bãi giữ xe 02 bánh và 04 bánh trên địa bàn các quận 3, quận 5, quận 10 và quận Phú Nhuận, kể cả bãi đậu xe nhiều tầng.
1. Thủ trưởng các Sở-ban-ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể triển khai thực hiện kế hoạch này đến tận cơ sở.
2. Công an thành phố tập trung công tác tuần tra kiểm soát, cương quyết xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật giao thông (các giải pháp 1, 2 và 5); phối hợp với Sở Giao thông-Công chính tổ chức phân luồng giao thông (các giải pháp 1, 2, 3 và 5); thực hiện các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với mọi biểu hiện tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông.
3. Sở Giao thông-Công chính tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, kiểm tra chặt chẽ chất lượng kẻ vạch sơn đường, lắp đặt biển báo, dãy phân cách, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tổ chức lại giao thông công cộng trên địa bàn thành phố (các giải pháp 1, 2, 3, 4 và 5); xử lý nghiêm và kịp thời các sai phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ xây dựng các công trình; ngăn ngừa và xử lý nghiêm mọi biểu hiện tiêu cực trong lực lượng thanh tra giao thông, đội ngũ đào tạo sát hạch và cấp phép lái xe.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo vận động và tổ chức cho học sinh đi học bằng xe đưa đón tập thể, bằng phương tiện giao thông công cộng (hạn chế đi lại bằng xe cá nhân); chủ động phối hợp với Sở Giao thông-Công chính và Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã sở tại để giải tỏa tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường (giải pháp 2 và 5).
5. Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp thành phố phối hợp với Sở Giao thông-Công chính, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện thực hiện các biện pháp phòng tránh ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trước cổng các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông người và phương tiện lưu thông (giải pháp 2 và 5).
6. Sở Thương mại và Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giải quyết không để ùn tắc giao thông tại các chợ, siêu thị, bệnh viện ...
7. Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp với Viện Kinh tế thành phố chỉ đạo thực hiện nhanh các công trình nghiên cứu về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông và quản lý trật tự đô thị thành phố.
8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông-Công chính và Sở Tài chính phối hợp giải quyết nhanh các thủ tục và đề xuất bố trí đủ vốn cho những công trình, dự án có tính cấp bách để thực hiện tốt kế hoạch này.
9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện chịu trách nhiệm chính về tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự lòng lề đường trên địa bàn do mình phụ trách, đặc biệt ở các chợ, siêu thị, trường học, ở những nơi tập trung đông người và phương tiện lưu thông.
10. Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể thành viên của Mặt trận, Sở Văn hóa-Thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, kế hoạch, giáo dục về pháp luật giao thông, về chủ trương, chính sách của thành phố trong việc hạn chế lưu thông các loại xe cá nhân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc các sở-ngành thành phố, các đơn vị trong quá trình thực hiện kế hoạch, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh nếu có.
1. Sở Giao thông-Công chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Công an thành phố có kế hoạch phối hợp với các sở-ban-ngành khác của thành phố, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức, đoàn thể, với Ủy ban nhân dân các quận-huyện triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2005 trên địa bàn thành phố, đồng thời thường xuyên kiểm tra, tổng hợp tình hình, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất các biện pháp, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của từng đơn vị trong quá trình thực hiện.
2. Thủ trưởng các sở-ban-ngành, các tổ chức, đoàn thể, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, phường-xã, thị trấn căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình và nội dung kế hoạch này, xây dựng chương trình, kế hoạch và biện pháp cụ thể để thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2005 của thành phố; lập dự toán chi phí cần thiết cho kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt. Đồng lập tiến độ chi tiết đối với việc thực hiện những dự án, công trình, công việc cụ thể trong năm 2005 gởi về Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Giao thông-Công chính để theo dõi việc thực hiện, phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.
3. Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì họp giao ban định kỳ với các đơn vị để kiểm điểm tình hình thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết, đề xuất báo cáo với Thành ủy và Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch thực hiện chương trình cho những năm tiếp theo ./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Công văn 3006/VP-ĐTMT năm 2014 tình hình xe ô tô tải nặng lưu thông khu vực cầu Sài Gòn do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 115/2004/QĐ-UB ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Chỉ thị 22-CT/TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5 Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 90/2001/QĐ-UB về Kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị giai đoạn 2001-2005 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Công văn 3006/VP-ĐTMT năm 2014 tình hình xe ô tô tải nặng lưu thông khu vực cầu Sài Gòn do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 115/2004/QĐ-UB ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình chống kẹt xe nội thị năm 2004 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành