Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1174/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 23 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 31/TTr-STP ngày 08/4/2020 và Công văn số 681/STP-BTTP ngày 20/4/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (b/c);
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công an, TAND, VKSND,
Cục THADS tỉnh;
- NHNN VN chi nhánh tỉnh;
- Kho bạc NN, Cục Thuế, BHXH tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, NC.
G:\TÂN\2020\Quyết định\ban hành Đề án Thừa phát lại.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tân

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2020 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 23 tháng 4 năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Nam)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020;

- Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014;

- Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;

- Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

- Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”;

- Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

- Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014 của Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn về việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng;

- Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội;

- Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự;

- Thông tư số 12/2014/TT-BTP ngày 26/04/2014 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu, nguyên tắc sử dụng trang phục, nguyên tắc cấp phát, sử dụng thẻ Thừa phát lại;

- Thông tư số 223/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại.

2. Cơ sở lý luận của việc xây dựng Đề án

Chế định Thừa phát lại đã được hình thành và phát triển từ khá lâu trên thế giới. Cái nôi cho sự phát triển, hành nghề Thừa phát lại bắt nguồn từ Cộng hòa Pháp. Ở Việt Nam, chế định này đã tồn tại từ thời kỳ phong kiến nhưng chính thức được thừa nhận từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, từ khi có Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 về cải cách bộ máy tư pháp, luật tố tụng và vì nhiều lý do khác nhau mà sau năm 1950 (ở miền Bắc) và sau năm 1975 (ở miền Nam), Nhà nước ta không tiếp tục duy trì chế định này. Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”; Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

Trên cơ sở Nghị quyết số 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 05-KH/CCTP ngày 22/02/2006, trong đó đã xác định rõ nhiệm vụ của công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thi hành án dân sự đó là “Nghiên cứu mô hình tổ chức Thừa phát lại, trước mắt tổ chức thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Ngày 01/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, đã yêu cầu Bộ Tư pháp hoàn thành việc xây dựng Đề án Thừa phát lại, báo cáo Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Chính phủ xem xét, thông qua.

Ngày 14/11/2008, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết đã khẳng định: “Để triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 01/7/2012”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/02/2009 phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh”. Có thể nói rằng, năm 2009 là mốc quan trọng đánh dấu chính thức việc khai sinh lại tổ chức Thừa phát lại ở Việt Nam. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/11/2012, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại và giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ nay đến hết năm 2015.

Ngày 18/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, chế định Thừa phát lại đã được thực hiện thí điểm tại 13 địa phương với 53 Văn phòng Thừa phát lại.

Từ kết quả triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (theo Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội), tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 về thực hiện chế định Thừa phát lại. Theo đó, Nghị quyết này cho phép chế định Thừa phát lại được thực hiện chính thức trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016. Ngày 14/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị Quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại. Ngày 08/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP.

Có thể nói rằng, việc tái thành lập tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại ở nước ta thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cải cách tư pháp, xã hội hóa một số hoạt động của cơ quan nhà nước; thể hiện nỗ lực của cơ quan chức năng từ Quốc hội, Chính phủ đến các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trong việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổ chức và hoạt động Thừa phát lại. Hiện nay, mô hình Thừa phát lại đang được hình thành và phát triển tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tích cực, hiệu quả trong việc chia sẻ trách nhiệm, công việc với Nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm xây dựng Đề án

- Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội; tăng cường năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động thi hành án dân sự và sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hoạt động Thừa phát lại nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu, yêu cầu của Đề án

2.1. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Đảm bảo tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình thực tiễn tại từng địa phương.

- Huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và thực hiện chế định Thừa phát lại nhằm giảm áp lực công việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp hiện nay.

- Hoạt động của Thừa phát lại phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung và thi hành án dân sự nói riêng; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong các quan hệ với cơ quan nhà nước và trong hoạt động tố tụng, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, đảm bảo an toàn cho các giao dịch dân sự, kinh tế.

b) Mục tiêu cụ thể

- Việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải theo lộ trình cụ thể; phân bố phù hợp với tình hình thực tiễn và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh; đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong hoạt động tố tụng.

- Góp phần giảm tải công việc của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự.

- Tạo điều kiện cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tổ chức thi hành án.

2.2. Yêu cầu của Đề án

Việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; phát huy vai trò, huy động nguồn lực và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động Thừa phát lại.

- Việc xây dựng Đề án phải có lộ trình cụ thể, định hướng việc phát triển số lượng Văn phòng Thừa phát lại theo từng giai đoạn, từng địa bàn cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý của tổ chức, cá nhân; đồng thời, đảm bảo các Văn phòng Thừa phát lại có thể tồn tại và phát triển bền vững.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt giữa Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và UBND cấp huyện, cấp xã trong hoạt động Thừa phát lại.

III. CÁC TIÊU CHÍ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Điều kiện về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh

Quảng Nam là tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Trung. Toàn tỉnh có 02 thành phố (Tam Kỳ và Hội An), 01 thị xã (Điện Bàn) và 15 huyện (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành và Phú Ninh). Tổng diện tích tự nhiên là 1.057.474 ha, dân số gần 1,5 triệu người.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 60.788 tỷ đồng, tăng 3,81% so với năm 2018. Ngành công nghiệp tăng trưởng chậm (tăng 3,01%), cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 12,62%, công nghiệp và xây dựng gần 33,96%; thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển (tăng khoảng 5,09%), tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hơn 55.600 tỷ đồng, đạt 101,35% kế hoạch và tăng 12,5% so với năm 2018. GDP bình quân đầu người hơn 66 triệu đồng/người, tăng hơn 4 triệu đồng/người so với năm 2018.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 3.160 triệu USD (tăng 20,24%). Tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên 7,6 triệu lượt, tăng 17,33%; doanh thu từ tham quan, lưu trú năm 2019 ước đạt 5.877 tỷ đồng, tăng 25,04%. Toàn tỉnh có 724 cơ sở lưu trú du lịch với 15.047 phòng hoạt động. Tổng nguồn vốn huy động ước đạt 56.702 tỷ đồng, tăng 15,11% so với đầu năm. Khu vực nông, lâm và thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tăng 1,7% so với năm 2018. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 115.000 tấn, vượt 1,76% kế hoạch năm 2019 và tăng 0,4% so với năm 2018.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 22.711 tỷ đồng, đạt 98,1%; trong đó thu nội địa 18.544 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, thu xuất nhập khẩu 4.167 tỷ đồng/4.600 tỷ đồng, đạt 90,6%. Một số nguồn thu đạt thấp như thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ đạt khoảng 645 tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, giảm 9,5% so với số thu năm 2018.

Tổng chi ngân sách địa phương HĐND tỉnh giao năm 2019 là 23.125 tỷ đồng, ước thực hiện 32.577 tỷ đồng, đạt 140,9% dự toán. Chi trong cân đối ngân sách địa phương 23.053 tỷ đồng, đạt 115%, trong đó, chi đầu tư phát triển 9.976 tỷ đồng, đạt 207%; chi thường xuyên 12.495 tỷ đồng, đạt 105%; chi chương trình mục tiêu 4.094 tỷ đồng, đạt 133% dự toán.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhiều nhiệm vụ, đồ án quy hoạch quan trọng đã được phê duyệt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến năm 2019

- Số liệu về tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu:

+ Tòa án nhân dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tống đạt khoảng 120.500 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu. Đối với các vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, Tòa án phải thực hiện tống đạt bình quân khoảng 9 - 10 loại giấy tờ, tài liệu; đối với các vụ án hình sự, Tòa án phải thực hiện tống đạt từ 3 - 4 loại giấy tờ, tài liệu.

+ Cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện đã tống đạt 50.414 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu. Bình quân một vụ việc phải thực hiện tống đạt 20 loại giấy tờ, tài liệu.

- Số lượng vụ việc thụ lý:

TT

Đơn vị

Tòa án nhân dân

Cơ quan THADS

2017

2018

2019

Tổng

Từ năm 2017 đến năm 2019

I.

Cấp tỉnh

660

807

764

2.231

1.044

II.

Cấp huyện

5.403

6.854

5.898

18.155

22.636

1

Tam Kỳ

699

988

854

2.541

2.672

2

Hội An

399

442

357

1.198

2.015

3

Điện Bàn

606

809

758

2.173

2.807

4

Duy Xuyên

391

487

412

1.290

1.839

5

Thăng Bình

496

605

516

1.617

2.230

6

Núi Thành

633

819

646

2.098

2.861

7

Phú Ninh

308

372

357

1.037

770

8

Đại Lộc

396

583

468

1.447

2.226

9

Quế Sơn

322

404

358

1.084

692

10

Nông Sơn

87

120

114

321

491

11

Hiệp Đức

370

409

385

1.164

1.029

12

Nam Giang

39

51

39

129

200

13

Phước Sơn

62

60

65

187

333

14

Đông Giang

95

67

37

199

406

15

Tây Giang

5

14

18

37

70

16

Tiên Phước

333

427

330

1.090

1.753

17

Nam Trà My

30

38

27

95

99

18

Bắc Trà My

132

159

157

448

143

Tổng cộng

6.063

7.661

6.662

20.386

23.680

3. Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh

TT

Đơn vị

Mật độ dân cư (người/km2)

Nhu cầu của người dân

(Tổng số vụ việc do Tòa án và cơ quan THADS thụ lý từ năm 2017 đến năm 2019)

I

Cấp tỉnh

141

3.275

II

Cấp huyện

 

40.791

1

Tam Kỳ

1.210

5.213

2

Hội An

1.487

3.213

3

Điện Bàn

967

4.980

4

Duy Xuyên

409

3.129

5

Thăng Bình

442

3.847

6

Núi Thành

260

4.959

7

Phú Ninh

316

1.807

8

Đại Lộc

265

3.673

9

Quế Sơn

330

1.776

10

Nông Sơn

68

812

11

Hiệp Đức

80

2.193

12

Nam Giang

13

329

13

Phước Sơn

21

520

14

Đông Giang

31

605

15

Tây Giang

20

107

16

Tiên Phước

158

2.843

17

Nam Trà My

34

194

18

Bắc Trà My

47

591

Ngoài ra, trong 03 năm (2017 - 2019), Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện đã thực hiện tống đạt 170.914 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; bình quân mỗi vụ việc thực hiện tống đạt 15 loại giấy tờ, tài liệu.

4. Số lượng các Văn phòng Thừa phát lại dự kiến phát triển trên địa bàn tỉnh

Thành lập không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại địa bàn thành phố Tam Kỳ, Hội An và thị xã Điện Bàn; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại các địa bàn huyện nếu có nhu cầu.

Từ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và căn cứ vào các tiêu chí nêu trên, việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, giảm tải công việc cho Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh.

IV. LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Việc phát triển các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh thực hiện theo 02 giai đoạn: Giai đoạn từ năm 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

1. Giai đoạn từ năm 2020 - 2025 1.1. Từ năm 2020 - 2023

- Tổ chức triển khai Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 sau khi UBND tỉnh phê duyệt.

- Phát triển từ 01 đến 04 Văn phòng Thừa phát lại ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; đồng thời, có tính đến nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự của các tổ chức, cá nhân tại từng địa bàn cấp huyện. Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại được phát triển ở các địa bàn sau:

+ Thành phố Tam Kỳ: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

+ Thành phố Hội An: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

+ Thị xã Điện Bàn: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

+ Huyện Núi Thành: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

1.2. Từ năm 2024 - 2025

- Tiếp tục duy trì, ổn định các Văn phòng Thừa phát lại hiện có; củng cố, phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên cơ sở nhu cầu thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng, thi hành án dân sự của các tổ chức, cá nhân tại từng địa bàn cấp huyện và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, Văn phòng Thừa phát lại được phát triển thêm ở các địa bàn sau:

+ Thành phố Tam Kỳ: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

+ Thành phố Hội An: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

+ Thị xã Điện Bàn: 01 Văn phòng Thừa phát lại.

Ngoài ra, xuất phát nhu cầu thực tiễn, sẽ phát triển thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện: Thăng Bình, Đại Lộc, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Tiên Phước; mỗi huyện 01 Văn phòng Thừa phát lại.

2. Định hướng đến năm 2030

- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2020 - 2025; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn tại địa phương (nếu có).

- Tiếp tục duy trì hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập trong giai đoạn 2020 - 2025; đồng thời, sẽ phát triển thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại các huyện: Phú Ninh, Quế Sơn và các huyện còn lại khi có nhu cầu; mỗi huyện 01 Văn phòng Thừa phát lại.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các Sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này; tổ chức sơ kết (định kỳ hàng năm) và tổng kết (năm cuối của mỗi giai đoạn) việc thực hiện Đề án, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp, UBND tỉnh theo quy định.

- Giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2, Điều 68, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bảo đảm kinh phí triển khai thực hiện Đề án này.

- Hướng dẫn Kho bạc Nhà nước, cơ quan Bảo hiểm xã hội, cơ quan Thuế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền, phổ biến chế định Thừa phát lại trên các phương tiện thông tin đại chúng.

4. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Công an cấp huyện thực hiện các yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên quan trong phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại để tổ chức triển khai thực hiện hoạt động xác minh điều kiện thi hành án dân sự và tổ chức thi hành án dân sự theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.

6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh kịp thời phối hợp với Sở Tư pháp trong thực hiện hoạt động Thừa phát lại và tổ chức triển khai thực hiện Đề án này trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Thừa phát lại và nội dung Đề án này cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn với các hình thức phù hợp, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động Thừa phát lại trong giai đoạn hiện nay.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự; thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; lập vi bằng; tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để được hướng dẫn, giải quyết./.