Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1178/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 11 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG MẪU TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2013-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Cắn cứ Thông tư liên tịch số 183/TTLT-BTC-BNN của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Công văn số 354/BNN-TT ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thí điểm xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” ở các tỉnh phía Bắc;

Theo các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 22/8/2007 về việc Ban hành định mức phân bổ dự toán kinh phí đối với đề tài, dự án khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 về việc ban hành quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị, chế độ chi tiếp khách đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2011 về việc Ban hành Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 tỉnh Hà Nam và các Quyết định điều chỉnh, bổ sung quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2011;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 136/TTr-SNN ngày 12 tháng 9 năm 2013; đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1038/TTr-SKH ngày 03 tháng 10 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2013-2020”.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để thực hiện Đề án đúng với quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ; các Sở, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu VT, NN.
C-NN/2013

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG CÁNH ĐỒNG MẪU TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1178 /QĐ-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh)

1. Tên Đề án: Xây dựng cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2013- 2020.

2. Mục tiêu của Đề án:

2.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng “Cánh đồng mẫu” nhằm chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch giao thông nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa; hình thành nhóm hộ sản xuất cùng áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ giống, canh tác, cơ giới hóa, quản lý đồng ruộng, cây trồng và dịch bệnh tạo một chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, là tiền đề phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2020 có 20% diện tích canh tác (khoảng 6.000 ha lúa và 1.200 ha cây màu) sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu.

- Hiệu quả kinh tế của các mô hình “Cánh đồng mẫu” giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cao hơn từ 7 - 10% so với phương thức sản xuất cũ.

3. Tiêu chí “cánh đồng mẫu” tỉnh Hà Nam:

- Tiêu chí mô hình “Cánh đồng mẫu” phải phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chủ trương, định hướng và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp của địa phương, tạo điều kiện cho nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật khi tham gia.

- “Cánh đồng mẫu” phải được quy hoạch gọn vùng, phát triển bền vững, có hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu phục vụ sản xuất 3 vụ/năm hợp lý theo hướng: Vụ xuân muộn - Vụ mùa sớm, mùa trung - Vụ đông hàng hoá.

+ Vụ xuân: Sử dụng lúa lai, lúa chất lượng, áp dụng gieo thẳng, biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hoá.

+ Vụ mùa: Sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng gieo thẳng, biện pháp canh tác tiên tiến, cơ giới hoá.

+ Vụ đông: Phát triển cây trồng hàng hoá gắn với hợp đồng tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp.

- Quy mô diện tích:

+ Đối với cây lúa: từ 30 ha trở lên/mô hình/xã;

+ Đối với cây màu vụ đông: từ 30 ha trở lên/mô hình/xã.

- Thực hiện 3 cùng: cùng giống, cùng thời vụ và cùng áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh.

- Mô hình có sự tham gia của các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và tiêu thụ sản phẩm nếu nông dân có nhu cầu.

- Nông dân được bàn bạc dân chủ, tự nguyện tham gia và chủ động thực hiện mô hình theo các yêu cầu về kỹ thuật.

- Tổ chức thực hiện các khâu dịch vụ cho nông dân theo hướng sản xuất tập trung và áp dụng cơ giới hóa: làm đất, làm mạ, cấy hoặc gieo thẳng, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm.

4. Kế hoạch thực hiện đề án:

4.1. Năm 2013: Tập trung nghiên cứu, khảo sát; tổ chức tập huấn, tuyên truyền nội dung, cơ chế chính sách, các biện pháp chỉ đạo và giải pháp thực hiện Đề án.

4.2. Năm 2014: Tổ chức xây dựng 06 mô hình điểm cánh đồng mẫu: mỗi huyện, thành phố là 01 mô hình điểm với 30 ha lúa/cánh đồng/xã.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nội dung, chủ trương chính sách, các biện pháp tổ chức chỉ đạo và giải pháp thực hiện Đề án cho cán bộ và nông dân trực tiếp tham gia xây dựng mô hình điểm.

- Triển khai tổ chức sản xuất 03 vụ liên tiếp (2 lúa + 1 màu vụ Đông) trên 06 cánh đồng mẫu. Diện tích trên cánh đồng mẫu luân canh 3 vụ/năm như sau:

* Cây lúa: 30 ha/mô hình/vụ/xã x 2 vụ (xuân + mùa) x 6 huyện, thành phố với tổng diện tích 360 ha.

- Lúa vụ xuân: 06 mô hình, diện tích 180 ha.

- Lúa vụ mùa: 06 mô hình, diện tích 180 ha.

* Cây màu vụ đông:

- 02 mô hình ngô, quy mô 30 ha/mô hình/xã, tổng diện tích 60 ha.

- 01 mô hình cây bí xanh, bí đỏ 30 ha/mô hình/xã, tổng diện tích 60ha.

- 03 mô hình cây đậu tương 30 ha/mô hình/xã, tổng diện tích 90 ha.

4.3. Năm 2015: Từ kết quả và kinh nghiệm tổ chức thực hiện năm 2014, Các địa phương chủ động nhân rộng mô hình. Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ về chỉ đạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đánh giá kết quả cuối năm.

4.4. Giai đoạn 2016 - 2020: Các địa phương chủ động nhân rộng mô hình.

5. Địa điểm xây dựng: Tổ chức xây dựng 06 mô hình điểm cánh đồng mẫu: mỗi huyện, thành phố là 01 mô hình điểm với 30 ha/cánh đồng/xã.

6. Tổng mức đầu t­ư của đề án:

6.1. Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 33.488.530.000 đồng, trong đó: - Kinh phí của dân: 25.663.380.000 đồng.

- Kinh phí hỗ trợ Nhà nước: 7.825.150.000 đồng.

Cụ thể:  

Đơn vị tính: Triệu đồng

TT

Nội dung

Tổng mức

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Tổng

Trong đó

Hỗ trợ từ Nhà nước

Nhân dân đóng góp

Hỗ trợ từ Nhà nước

Nhân dân đóng góp

Hỗ trợ từ Nhà nước

Nhân dân đóng góp

Hỗ trợ từ Nhà nước

Nhân dân đóng góp

1

Kinh phí triển khai, xây dựng đề án

101,70

101,70

 

101,70

 

 

 

 

 

2

Kinh phí quản lý và hỗ trợ tập huấn chuyển giao KHKT

771,85

771,85

 

 

 

437,35

 

334,5

 

3

Kinh phí hỗ trợ cơ giới hóa và xây dựng thương hiệu

3.763,20

1.101,60

2.661,60

 

 

1.101,60

2.661,60

 

 

4

Kinh phí hỗ trợ vật tư sản xuất

13.611,78

1.350,00

12.261,78

 

 

1.350,00

12.261,78

 

 

5

Kinh phí xây dựng hạ tầng cánh đồng mẫu

15.240,00

4.500,00

10.740,00

 

 

4.500,00

10.740,00

 

 

Tổng

33.488,53

7.825,15

25.663,38

101,70

 

7.388,95

25.663,38

334,5

0,00

6.2. Chi tiết các khoản chi đầu tư xây dựng cánh đồng mẫu ở Phụ lục 1 đến Phụ lục 6 kèm theo

6.3. Những hạng mục, công trình của các xã tham gia mô hình đã được hỗ trợ theo chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ không được hỗ trợ theo Đề án này.

6.4. Nguồn vốn đầu t­ư:

- Nguồn kinh phí bổ sung của Chính phủ theo Nghị định số 42/2012/CP-NĐ ngày 11/5/2012 của Chính Phủ về việc thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển đất trồng lúa phần giao cho cấp chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

- Nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020 và các nguồn khác.

7. Thời gian thực hiện đề án: Từ năm 2013 đến năm 2020.

8. Các cơ chế chính sách áp dụng thực hiện đề án:

- Hỗ trợ sau đầu tư, khi có kết quả nghiệm thu thực tế.

- Kinh phí hỗ trợ cho sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật: Thực hiện theo hướng dẫn của Liên bộ Tài chính và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010. Mức hỗ trợ 50% tiền giống lúa, ngô, bí xanh, bí đỏ, đậu tương (30% giống dưa chuột; 25% giống khoai tây) + hỗ trợ từ 25 - 30% tiền vật tư, phân bón + Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật + Công tác xúc tiến thương mại.

- Kinh phí xây dựng hạ tầng nội đồng cánh đồng mẫu, hỗ trợ cơ giới hóa, xây dựng thương hiệu thực hiện theo các Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 24/5/2011; Quyết đinh sô 04/2012/QĐ-UBND ngày 30/3/2012; Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013; Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 và Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 12/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành, điều chỉnh, bổ sung Quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các xã xây dựng nông thôn mới.

- Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng vật tư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hợp tác xây dựng cánh đồng mẫu.

9. Tổ chức thực hiện.

- Giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, tham mưu thành lập Ban điều hành thực hiện Đề án; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng năm; xây dựng cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, biện pháp thâm canh tổng hợp, triển khai cho các địa phương thực hiện; tổ chức tập huấn, cung cấp tài liệu cho nông dân. Hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện của các huyện, thành phố đề nghị hỗ trợ theo cơ chế sau đầu tư.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí hàng năm thực hiện Đề án, hướng dẫn lập các thủ tục thanh quyết toán, tổ chức cấp phát kinh phí hỗ trợ cho các dự án.

- Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam thường xuyên thông tin, tuyên truyền về các tập thể, cá nhân tổ chức sản xuất mô hình cánh đồng mẫu có hiệu quả.

- Đề nghị các tổ chức đoàn thể chính trị phối kết hợp vận động các thành viên, hội viên của mình tích cực tham gia thực hiện Đề án.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, chỉ đạo các xã, hợp tác xã lập dự án, tổ chức thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án.

- Đối với các doanh nghiệp: Có cơ chế hỗ trợ cho người sản xuất, thực hiện đúng cam kết, hợp đồng đã ký với nông dân, cung ứng các loại vật tư đảm bảo chất lượng theo quy định của Nhà nước, tổ chức thu mua tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua hợp đồng ngay từ đầu vụ sản xuất./.