ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2007/QĐ-UBND | Vinh, ngày 06 tháng 02 năm 2007 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 172/2006/NQ-HĐND ngày 15/12/2006, của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XV, kỳ họp thứ 8;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An tại Tờ trình số 66 TTr /LĐTBXH ngày 16 tháng 01 năm 2007 về việc xin phê duyệt đề án Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất để phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án: Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất để phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010, kèm theo quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động TB &XH, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGÀNH NGHỀ, GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG THUỘC DIỆN THU HỒI ĐẤT SẢN XUẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An
Những năm gần đây, cùng với quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, một số vùng, Nhà nước thu hồi đất sản xuất phục vụ cho việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, các khu công nghiệp, khu đô thị mới,... Điều đó đã dẫn đến tình trạng một bộ phận lao động nông, lâm, ngư nghiệp ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh mất đất sản xuất dẫn đến bị mất việc làm hoàn toàn hoặc thiếu việc làm, nguồn thu nhập chính có tính ổn định từ đất sản xuất giảm bớt, thậm chí không còn, đời sống trở nên khó khăn. Đây là một vấn đề có tính xu thế trong quá trình phát triển và đô thị hóa, và cũng là vấn đề xã hội có tính bức xúc đặt ra một khi các hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất không còn đất sản xuất, không có việc làm và đó cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh ra các tệ nạn xã hội, gây nên tình trạng bất ổn về trật tự và an toàn xã hội.
Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất để phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010 đề cập đến thực trạng và xu hướng thu hồi đất của Nhà nước phục vụ cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tình trạng việc làm của lao động trong các hộ gia đình thu hồi đất sản xuất và các giải pháp cũng như chính sách nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho lao động mất việc làm hoàn toàn hoặc thiếu việc làm thuộc diện thu hồi đất sản xuất để học nghề, chuyển đổi ngành nghề, có việc làm và thu nhập ổn định; khắc phục những vấn đề xã hội phức tạp có thể xảy ra.
Theo số liệu thống kê, báo cáo toàn tỉnh có 07 huyện, thành phố, thị xã có số diện tích đất thu hồi lớn để phục vụ cho việc xây dựng các khu công nghiệp, các công trình hạ tầng cơ sở, mở rộng và phát triển các khu đô thị mới, … có ảnh hưởng lớn đến tình trạng việc làm và đời sống của một bộ phận lao động, tập trung ở: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Đô Lương, Yên Thành. Việc thu hồi đất nói trên nằm trong địa bàn quản lý của 48 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích đất các loại lên tới 318, 3341 ha của 4.312 hộ; trong đó:
- Đất trồng cây lương thực, rau, màu: 184, 0271 ha chiếm 57,81%
- Đất vườn: 67, 2400 ha chiếm 21,12%
- Đất lâm nghiệp: 6, 5040 ha chiếm 2,04%
- Đất nuôi trồng thủy sản: 46, 2530 ha chiếm 14,53%
- Đất khác: 14, 3100 ha chiếm 4,50%
Như vậy, trong số diện tích đất thu hồi, đất dùng để sản xuất của các hộ gia đình chiếm tới 93%. Đây là nguồn tư liệu sản xuất chủ yếu, tạo thu nhập cơ bản đối với cuộc sống của các hộ gia đình bị thu hồi đất.
Tổng số đất thu hồi tại 48 xã, phường, thị trấn với mục đích xây dựng các khu công nghiệp, nhà máy 138,727 ha, phát triển và mở rộng khu đô thị mới 76,454 ha, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình công cộng khác 23,153 ha.
2. Thực trạng lao động việc làm của các vùng thu hồi đất sản xuất.
2.1. Lao động, việc làm, đời sống của lao động trước khi thu hồi đất sản xuất.
Tại 48 xã nằm trong vùng thu hồi đất có dân số 36 vạn người, với 19, 7 vạn lao động. Lao động nữ chiếm 53,4%; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chiếm 17,3%, với các nghề chủ yếu: xây dựng, mộc dân dụng, sửa chữa cơ khí…; lao động có độ tuổi từ 15 đến dưới 25 có 23,6%, từ 26 đến dưới 35 có 26,1%. Chính cơ cấu độ tuổi của lao động như vậy ảnh hưởng lớn đến việc tạo việc làm khi bị thu hồi đất.Việc làm và thu nhập của lao động chủ yếu từ nông nghiệp, trong đó số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 78,2%, công nghiệp xây dựng 7%, dịch vụ 14,8%. Trước khi thu hồi đất sản xuất tỷ lệ sử dụng thời gian lao động chỉ đạt 74,5% (toàn tỉnh 78,8%), tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 0,94% (toàn tỉnh 0,82%) và số lao động thiếu việc làm thường xuyên chiếm 37%. Như vậy, tình trạng việc làm nói chung của các xã này trước khi thu hồi đất sản xuất chưa đạt các chỉ số trung bình của tỉnh. Thực trạng việc làm không đảm bảo đó nên đời sống của các xã thu hồi đất không cao, tỷ lệ hộ nghèo (tính đến 31/12/2005, theo chuẩn mới) là 29,36%, trong khi tỷ lệ này chung toàn tỉnh là 27,14%.
Từ những số liệu trên đây cho thấy: Ngay cả khi chưa thu hồi đất sản xuất tình trạng việc làm và đời sống của các hộ gia đình ở các vùng này đã khó khăn, vì vậy sẽ khó khăn hơn khi một bộ phận các hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất sản xuất - tư liệu sản xuất chủ yếu để họ có việc làm và thu nhập từ trước đến nay.
2.2. Lao động, việc làm, đời sống của lao động sau khi thu hồi đất sản xuất.
a) Lao động bị mất việc làm hoàn toàn
Tổng số lao động mất việc làm hoàn toàn do thu hồi đất sản xuất tại 48 xã, phường là 3.822 người, chiếm 0,02% tổng số lao động.
Cơ cấu số lao động bị mất việc làm hoàn toàn và thiếu việc làm thể hiện như sau:
- Độ tuổi, giới tính:
+ Từ 15 - 24: 929 người, trong đó nữ 542 người;
+ Từ 25 - 34: 877 người, trong đó nữ 197 người;
+ Từ 35 - 44: 789 người, trong đó nữ 377 người;
+ Từ 45 trở lên: 6.195 người, trong đó nữ 3.491 người.
- Trình độ văn hóa:
+ Đã tốt nghiệp tiểu học: 462;
+ Tốt nghiệp phổ thông cơ sở: 1.573;
+ Tốt nghiệp phổ thông trung học: 1.787.
- Trình độ chuyên môn kỹ thuật:
+ Đại học, cao đẳng: 58;
+ Trung cấp: 169;
+ Công nhân kỹ thuật các loại có bằng và không có bằng: 327.
Nhìn vào cơ cấu của số lao động mất việc làm hoàn toàn nêu trên cho thấy số lao động có độ tuổi, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp là rất ít, do đó đào tạo nghề cho người lao động để chuyển đổi ngành nghề, tự tạo việc làm và có cơ hội tìm được việc làm mới trong các khu công nghiệp, các nhà máy trở nên rất cần thiết.
b) Lao động thiếu việc làm do thu hồi đất:
Bên cạnh số lao động mất việc làm hoàn toàn nói trên, số lao động thiếu việc làm do thu hồi đất sản xuất cũng tăng lên đáng kể. Nếu không tính 37% số lao động vốn dĩ đã thiếu việc làm thì sự tác động của việc thu hồi đất đã tiếp tục làm cho 4.968 người thiếu việc làm với những mức độ khác nhau; trong đó số thiếu việc làm dưới 30% so với thời gian chế độ chiếm 57,3% tổng số, từ 31% đến dưới 50% chiếm 29%, trên 51% chiếm 13,7%. Về cơ cấu của số lao động thiếu việc làm do bị thu hồi đất sản xuất: nữ chiếm 64,7%; độ tuổi từ 15 - 24 có 26%, từ 25 - 34 có 27%, từ 35 - 44 có 35,4%; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật 4,7%.
Xét về đời sống: Qua khảo sát 20% số hộ thu hồi đất sản xuất tại 02 xã nông thôn thuộc huyện Nghi Lộc và 02 phường ở thành phố Vinh thì sự thiếu hụt về thu nhập ở khu vực nông thôn diễn ra rõ nét hơn. Bình quân thu nhập một tháng của hộ nông thôn đã giảm 56.400 đồng so với trước khi thu hồi đất, trong khi đó ở thành thị là 35.200 đồng (chỉ so sánh 02 tháng sau và trước khi thu hồi đất, việc thu thập thông tin này mang tính tương đối bởi thời gian quá ít, lại phụ thuộc vào chu kỳ thu hoạch sản phẩm trên diện tích đất thu hồi). Từ thực tế trên phản ảnh rõ nét sự thiếu hụt về thu nhập của các hộ gia đình do diện tích đất sản xuất giảm đi, nhất là vùng nông thôn vốn dĩ đã khó khăn, nay sẽ khó khăn hơn.
2.3. Những vấn đề xã hội liên quan phát sinh tại các vùng thu hồi đất do lao động không có việc làm hoặc thiếu việc làm:
- Việc làm: Vấn đề việc làm cho lao động nói chung trên phạm vi toàn tỉnh đang là vấn đề bức xúc, nhất là khu vực nông thôn do lực lượng lao động tiếp tục tăng, việc mở mang phát triển ngành nghề phi nông nghiệp để tạo việc làm tại chỗ còn hạn chế, diện tích đất canh tác trên lao động liên tục bị giảm, không đủ để đảm bảo thời gian thực tế làm việc cho một lao động nông thôn; cho nên khi thu hồi đất sản xuất tình trạng lao động thất nghiệp và thiếu việc làm tại các vùng này càng trở nên bức xúc hơn. Một bộ phận không nhỏ lao động khi thu hồi đất sản xuất, không biết làm công việc gì để có thu nhập bởi tuổi cao, trình độ văn hóa thấp, không có chuyên môn kỹ thuật, chỉ quen với công việc ruộng đồng từ bao đời nay, khả năng chuyển đổi ngành nghề mới và vào làm việc trong các doanh nghiệp rất hạn chế. Số diện tích đất được giao quyền sử dụng lâu dài cho các hộ không những là tư liệu sản xuất chủ yếu để tạo công ăn việc làm của một thế hệ lao động trong hộ mà còn của nhiều thế hệ; do đó việc mất đất sản xuất đã ảnh hưởng đến việc làm không chỉ trước mắt mà diễn ra có tính lâu dài.
- Đời sống: Chính tình trạng mất việc làm và thiếu việc làm do thu hồi đất sản xuất là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đói nghèo do bị thiếu hụt về thu nhập. Tại các vùng thu hồi đất tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo cao hơn so với trước khi thu hồi đất, số hộ có mức sống trung bình rơi xuống diện hộ nghèo chiếm 1,86%, số hộ khá xuống hộ trung bình chiếm 1,2%.
- Tệ nạn xã hội: Đi đôi với tình trạng mất việc làm và đói nghèo, các tệ nạn xã hội cũng phát triển, nhất là số thanh niên học xong PTTH. Một số hộ gia đình nhận được tiền đền bù, tuy số tiền không lớn nhưng đã không đầu tư chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới cho con em mà đưa vào xây dựng sửa chữa nhà cửa, mua sắm phương tiện đi lại, nghe nhìn, trả nợ, cho con cái chi tiêu, … tạo thói quen hưởng thụ, đua đòi, mắc vào tệ nạn nghiện hút, đánh bạc, … khi hết tiền, không có việc làm đã sa vào tệ nạn xã hội và phạm pháp. Tại các vùng thu hồi đất, số đối tượng phạm tội hình sự như trộm cắp, gây mất trật tự công cộng tăng 4,2%, số người mắc tệ nạn xã hội như nghiện ma tuý, đánh bạc tăng 2,1% .
Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục nâng cấp và xây dựng Khu công nghiệp Bắc Vinh giai đoạn 2 với quy mô khoảng 80 ha; tiếp tục thu hồi khoảng 35 ha cho Khu công nghiệp Nam Cấm, Khu công nghiệp Cửa Lò 36 ha, Khu công nghiệp Hoàng Mai 354 ha, Khu công nghiệp Phủ Quỳ 182 ha; xây dựng nhà máy Xi măng Đô Lương, tiếp tục xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố (Tương Dương); xây dựng thêm một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (kể cả công lập và ngoài công lập) tại Vinh, Cửa Lò và một số huyện trọng điểm, xây dựng các khu đô thị mới Nam thành phố Vinh, xây dựng khu kinh tế Đông Nam Nghệ An với diện tích hơn 18.800 ha; sát nhập 02 xã của Hưng Nguyên và 04 xã của Nghi Lộc vào thành phố Vinh, phát triển các khu đô thị mới Phủ Quỳ, Hoàng Mai, Con Cuông, các thị trấn, thị tứ dọc đường Hồ Chí Minh, các cụm công nghiệp nhỏ ở các huyện,... Dự kiến tổng diện tích đất sản xuất thu hồi để xây dựng các công trình nói trên trong giai đoạn 2006 - 2010 khoảng 24.000 - 25.000 ha (một số khu công nghiệp đã giải phóng mặt bằng, một số đang quy hoạch cho giai đoạn sau). Số diện tích đất sản xuất thu hồi tập trung cơ bản ở các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, thành phố Vinh, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Diễn Châu và thị xã Cửa Lò. Qua khảo sát thực trạng của các vùng có quy hoạch thu hồi đất sản xuất, dự báo số lao động bị mất việc làm hoàn toàn khoảng 3.500 - 4.000 người, số lao động thiếu việc làm do diện tích đất sản xuất bị thu hẹp dự kiến khoảng 5.000 - 5.500 người.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
- Bằng mọi biện pháp đảm bảo cho những người còn có khả năng lao động trong vùng thu hồi đất sản xuất có điều kiện học nghề, chuyển đổi ngành nghề, có việc làm và thu nhập ổn định.
- Hỗ trợ chuyển nghề theo hướng đa dạng hóa và tập trung chủ yếu trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ. Ưu tiên tạo việc làm cho số lao động mất việc làm hoàn toàn. Trong năm 2007 tập trung nguồn lực giải quyết đủ việc làm cho số lao động mất việc do thu hồi đất tại các vùng trọng điểm; các năm tiếp theo giải quyết cho số phát sinh. Nâng hệ số sử dụng thời gian lao động ở các khu vực này ngang bằng với chỉ số trung bình chung của tỉnh.
- Trong hai năm 2007 và 2008 tập trung ưu tiên đào tạo nghề cho số lao động bị mất việc làm do thu hồi đất sản xuất đến cuối năm 2006 với số lượng 5.187 người. Từ năm 2009 đến 2010, hàng năm bố trí dạy nghề cho số phát sinh, đảm bảo 100% lao động bị mất việc làm do thu hồi đất được học nghề và giải quyết việc làm.
- Có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tiếp nhận lao động, kể cả lao động chưa qua đào tạo (lao động phổ thông) là đối tượng thuộc diện thu hồi đất để đào tạo và bố trí việc làm tại doanh nghiệp.
- Hàng năm giải quyết cho 1.200 - 1.500 hộ thuộc diện trên có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm từ nguồn vốn Chương trình giải quyết việc làm. Có chính sách hỗ trợ lao động trong diện thu hồi đất sản xuất có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động hoặc đi làm việc ở các tỉnh khác.
2. Đối tượng và nội dung hỗ trợ:
- Tất cả các hộ trong diện thu hồi từ 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được giao trở lên và diện tích đất sản xuất còn lại ít hơn diện tích đất sản xuất nông nghiệp/một lao động nông nghiệp trong độ tuổi của xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi. Lao động nông nghiệp đang trong độ tuổi theo quy định của pháp luật.
- Nội dung hỗ trợ gồm: dạy nghề, vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và đi làm việc ngoài tỉnh.
3.1. Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước và của tỉnh đã ban hành:
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ các chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP , ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quy định của UBND tỉnh.
- Rà soát lại các chính sách hiện hành của tỉnh đã ban hành liên quan đến đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất để có cơ chế bổ sung, điều chỉnh chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định, cải thiện đời sống.
3.2. Đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương thu hồi đất, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho lao động mất việc làm.
- Các xã, phường có diện tích đất thu hồi chủ động có kế hoạch và đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể hướng tới mục tiêu tạo nhiều việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lao động, trong đó chú trọng ưu tiên đối với các hộ mất từ 50% diện tích đất sản xuất trở lên và lao động mất việc làm hoàn toàn. Đối với vùng sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực đô thị tập trung chuyển dịch cơ cấu từ sản xuất cây lương thực sang trồng cây có giá trị cao trên diện tích đất còn lại và tích cực chuyển đổi sang các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phối hợp với các cơ sở dạy nghề, khuyến nông, khuyến công mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, tạo việc làm tại chỗ.
- Trên cơ sở phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo việc làm tại chỗ cho lao động mất việc làm, thiếu việc làm do Nhà nước thu hồi đất sản xuất của các địa phương, các cơ quan chức năng liên quan, trong phạm vi phụ trách phối hợp chỉ đạo thực hiện.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Sở Công nghiệp ưu tiên nguồn kinh phí được bố trí hàng năm trong Chương trình khuyến nông, khuyến công để tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình theo các nội dung phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặt ra của từng địa phương để chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm thay thế. Sở Lao động - TB&XH phối hợp với các ngành, các huyện, thành, thị chỉ đạo các trường và các trung tâm dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động mất việc làm, thiếu việc làm.
- Các xã, phường có diện tích đất thu hồi rà soát lại quỹ đất, lập phương án chuyển đổi và giao đất sản xuất mới (nếu còn đất dự phòng) hoặc cho các hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất thuê đất công ích để sản xuất - kinh doanh, phù hợp với quy hoạch của địa phương.
- Đối với các địa phương khi hình thành khu công nghiệp, khu đô thị mới hoặc có đường giao thông mới đi qua nếu có diện tích đất có thể mở các ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ thì trước hết phải ưu tiên giao hoặc cho các hộ gia đình thu hồi đất sản xuất thuê để tạo công ăn việc làm mới.
3.3. Đào tạo nghề cho lao động bị mất việc làm để tìm việc làm và tự tạo việc làm.
Để tạo cơ hội việc làm cho số lao động mất việc làm và thiếu việc làm tại các vùng thu hồi đất, đào tạo nghề là một giải pháp quan trọng. Việc tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho số lao động tại các vùng thu hồi đất có tính đặc thù, bởi đối tượng có cả những lao động tuổi cao, trình độ văn hóa thấp và không đồng đều, cho nên việc dạy nghề cho lao động mất việc làm và thiếu việc làm phải trên cơ sở phân loại và đăng ký nhu cầu phù hợp, đạt hiệu quả.
- Đối với số lao động trẻ, có trình độ văn hóa, căn cứ nguyện vọng học nghề dài hạn tại các trường dạy nghề của tỉnh quản lý được miễn học phí và tối đa không quá 18 tháng; số còn lại tổ chức cho học nghề ngắn hạn tập trung tại Trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện.
- Đối với số lao động được các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tuyển dụng vào làm việc, do các doanh nghiệp tổ chức theo các hình thức kèm cặp hoặc mở lớp riêng tại doanh nghiệp.
- Đối với số lao động tuổi cao (trên 35 tuổi), hạn chế việc xa nhà, để cho số lao động này có nghề, chuyển việc làm mới, việc dạy nghề cần được các cơ sở tổ chức ngay tại chỗ với nội dung phù hợp của việc chuyển nghề đặt ra.
Theo số liệu khảo sát của các huyện, đến cuối năm 2006 trong tổng số 8.790 lao động bị mất việc làm hoàn toàn và thiếu việc làm do bị thu hồi đất có 5.187 người (chiếm 63,3%) có nguyện vọng được học nghề, trong đó nguyện vọng học nghề tiểu thủ công nghiệp 1.527 người, công nhân kỹ thuật ngắn hạn 2.753 người, các ngành nghề dịch vụ 734 người, khác 173 người. Giai đoạn 2007 - 2010, dự kiến tiếp tục có thêm 8.500 - 9.500 lao động mất việc làm và thiếu việc làm thuộc diện thu hồi đất sản xuất, trong đó có khoảng 4.000 - 5.000 người có nguyện vọng học nghề để tìm việc làm mới.
- Định mức kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động bị mất đất sản xuất được thực hiện theo chính sách quy định tại Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg , ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 06/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - TB&XH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn.
- Hỗ trợ kinh phí đào tạo cho doanh nghiệp tiếp nhận lao động phổ thông thuộc các hộ thu hồi đất sản xuất vào làm việc tại doanh nghiệp theo quy định như sau:
+ Doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề bằng hình thức ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn tổ chức đào tạo nghề, bố trí việc làm lâu dài tại doanh nghiệp được Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo kèm cặp. Mức hỗ trợ mỗi lao động thuộc diện nói trên là 200.000 đồng/tháng, nhưng tối đa không quá 06 tháng.
3.4. Ưu tiên vay vốn giải quyết việc làm.
Những lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm do mất đất sản xuất khi chuyển đổi ngành nghề, đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tự tạo việc làm nếu có nhu cầu vay vốn sẽ được hỗ trợ cho vay ưu đãi từ vốn vay giải quyết việc làm địa phương; các xã, phường tổng hợp danh sách, lập dự án nhỏ theo quy định gửi về Phòng Nội vụ - Lao động TBXH để trình UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo và để thẩm định cho vay. Căn cứ nhu cầu vay của các huyện, Sở Lao động TB &XH và Ngân hàng Chính sách xã hội cân đối nguồn, trình UBND tỉnh quyết định riêng, phần vốn này không nằm trong kế hoạch phân bổ hàng năm của UBND tỉnh cho các huyện, thành phố và thị xã. Để đảm bảo đủ nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm, hàng năm căn cứ nhu cầu cụ thể, các Sở Lao động – TB &XH, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính lập dự toán trích ngân sách báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.
3.5. Tạo điều kiện để đi xuất khẩu lao động (nếu có nhu cầu).
- Qua tổng hợp số liệu khảo sát nhu cầu việc làm đến năm 2006, cho thấy số lao động có nhu cầu đi xuất khẩu chiếm 7,9% số lao động bị mất việc và thiếu việc làm, tương đương 650 người và ước từ 2006 - 2010 sẽ có thêm khoảng 800 - 900 lao động mất việc làm ở vùng thu hồi đất sản xuất có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động.
Để số lao động này sớm thực hiện được nguyện vọng có việc làm ngoài nước, Ban chỉ đạo XKLĐ của cấp huyện cần quan tâm, chỉ đạo các đơn vị làm công tác XKLĐ về các xã, phường, thị trấn thuộc vùng thu hồi đất để tuyển lao động xuất khẩu. Chính quyền các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phối hợp, liên kết chặt chẽ với các đơn vị xuất khẩu lao động, tuyên truyền, hướng dẫn cho người lao động về hồ sơ, thủ tục, quyền lợi, chế độ hợp đồng, các chi phí và vấn đề vay vốn để đi xuất khẩu lao động,... Các xã, phường, thị trấn thống kê, lập danh sách những lao động mất việc làm và thiếu việc làm do thu hồi đất sản xuất có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động gửi về Ban chỉ đạo XKLĐ huyện, thành phố, thị xã và Sở Lao động TB &XH để trực tiếp làm việc với các đơn vị xuất khẩu lao động trong việc tuyển lao động của những địa phương này. Các đơn vị làm công tác xuất khẩu lao động trực tiếp UBND các xã, phường, thị trấn bị thu hồi đất và phối hợp để xúc tiến tuyển số lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Ngân hàng thương mại khác theo chính sách quy định hiện hành tạo điều kiện để người lao động đi xuất khẩu được vay vốn thuận lợi.
- Những người mất việc làm hoàn toàn do thu hồi đất sản xuất khi đi xuất khẩu lao động được hỗ trợ 100% kinh phí giáo dục định hướng và học ngoại ngữ. Mức hỗ trợ cho một người là 450.000 đồng/khóa và mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần.
3.6. Nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp.
- Các doanh nghiệp được giao đất trong các khu công nghiệp phải có trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết việc làm cho số lao động mất việc làm và thiếu việc làm do thu hồi đất sản xuất để xây dựng khu công nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký dự án phải đồng thời đăng ký tiếp nhận, dạy nghề cho số lao động mất việc làm và thiếu việc làm của địa phương thu hồi đất vào làm việc lâu dài tại doanh nghiệp. Ban quản lý các khu công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tuyển lao động của các doanh nghiệp này.
- Khi đăng ký đầu tư vào các khu công nghiệp, các doanh nghiệp cần có phương án để tuyển lao động, và ký cam kết với chính quyền các địa phương thu hồi đất về việc giành ít nhất 30% chỉ tiêu lao động cần tuyển vào làm việc tại doanh nghiệp cho số lao động mất việc làm và thiếu việc làm trong diện thu hồi đất sản xuất của các địa phương.
- Có chính sách ưu đãi về tiêu chuẩn, điều kiện tuyển đối với số lao động này như giới tính, độ tuổi, trình độ văn hóa. Đồng thời tổ chức dạy nghề với các hình thức phù hợp để thu hút lao động tại chỗ vào làm công việc phù hợp trong doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tạo các điều kiện để lao động thuộc diện thu hồi đất tổ chức các hoạt động dịch vụ - giải quyết việc làm tại chỗ hoặc liên kết các dịch vụ với doanh nghiệp để phát triển sản xuất của doanh nghiệp và tạo việc làm cho lao động.
3.7. Giải pháp tuyên truyền, vận động.
- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội các cấp nhất là xã, phường, thị trấn trong việc giải quyết việc làm cho lao động bị mất việc làm tại các vùng thu hồi đất.
Giải quyết việc làm cho lao động bị mất việc làm và thiếu việc làm đối với các hộ gia đình thu hồi đất sản xuất là một công việc khó khăn, cấp ủy đảng và chính quyền các xã, phường phải nhận thức rõ vấn đề để có giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ gia đình này có việc làm và thu nhập ổn định. Giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn để lao động các hộ gia đình thu hồi đất có việc làm trước hết thuộc trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Các xã, phường căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng phạm vi khác nhau ở từng giai đoạn, chủ động có phương án, chính sách để giải quyết việc làm cho các hộ gia đình nằm trong vùng thu hồi đất sản xuất.
- Các huyện, thành phố, thị xã bên cạnh việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng và chính sách đền bù, nhất thiết phải tập trung chỉ đạo các biện pháp giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho các hộ gia đình có đất sản xuất thu hồi.
- Đối với bản thân các hộ gia đình và lao động bị mất việc làm cần nhận rõ vì lợi ích cộng đồng, khắc phục khó khăn, chia sẻ và hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các cấp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến việc thu hồi đất của Nhà nước, bằng nhiều cách tự tạo việc làm mới cho con em mình là chính, Nhà nước và địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ, giúp đỡ để chuyển đổi ngành nghề hoặc tìm việc làm mới phù hợp.
- Tranh thủ các dự án của các tổ chức Quốc tế và trong nước đầu tư cho hoạt động xoá đói giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm.
- Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tham gia vận động, giúp đỡ các hộ gia đình trong diện thu hồi đất sản xuất gặp khó khăn về việc làm và đời sống nhanh chóng ổn định về cuộc sống; đồng thời hướng dẫn hội viên, đoàn viên chuyển đổi ngành nghề, học nghề, tạo việc làm.
3.8. Nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện Đề án và cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí.
3.8.1. Hỗ trợ học nghề và tìm việc làm:
a) Hỗ trợ học nghề:
+ Học nghề ngắn hạn (thời gian học nghề dưới 12 tháng và hỗ trợ cho một người tối đa 03 tháng):
7.987 người x 300.000đ/người/tháng x 3 tháng/khóa = 7.188.300.000đ.
Dự kiến mỗi năm tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 1.900 người, kinh phí cần thiết là 1.797.000.000, đồng;
+ Học nghề dài hạn (thời gian học từ 12 tháng đến 36 tháng và hỗ trợ cho một người tối đa là 18 tháng):
1.000 người x 400.000 đ/ng/tháng x 18 tháng = 7.200.000.000 đồng;
Dự kiến mỗi năm tổ chức dạy nghề dài hạn cho 250 người dưới 35 tuổi thuộc diện thu hồi đất sản xuất; kinh phí cho mỗi năm là: 1.800.000.000, đồng.
+ Hỗ trợ dạy nghề cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào làm việc lâu dài:
1.200 người x 200.000 đồng/người x 6 = 1.440.000.000, đồng.
Dự kiến mỗi năm các doanh nghiệp dạy nghề cho 300 người, kinh phí hỗ trợ là: 360.000.000 đồng.
b) Hỗ trợ giáo dục định hướng và học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động:
Tổng số lao động thu hồi đất sản xuất có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đến năm 2006 là 672 người, giai đoạn 2007 - 2010 khoảng 700 người, dự kiến 70% sẽ đạt tiêu chuẩn. Kinh phí hỗ trợ là: 1.372 người x 70% x 450.000đ/người = 432.180.000 đồng. Kinh phí mỗi năm là 108.000.000 đồng.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ bình quân mỗi năm là: 5.045.000.000 đồng.
3.8.2. Vốn vay tín dụng ưu đãi:
Hàng năm, tùy thuộc vào khả năng thu ngân sách của tỉnh để trích bổ sung Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An để hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất vay vốn giải quyết việc làm tại chỗ hoặc đi xuất khẩu lao động theo lãi suất ưu đãi. Mức vay tối đa là 20.000.000 đồng/hộ.
3.8.3. Cơ chế quản lý kinh phí thực hiện Đề án:
- Kinh phí cấp hỗ trợ học nghề (kể cả đối với các doanh nghiệp), giáo dục định hướng và học ngoại ngữ (đối với lao động xuất khẩu), tìm việc làm trong nước được cân đối từ dự toán Ngân sách tỉnh hàng năm và chuyển cho Sở Lao động -TB&XH quản lý, thực hiện. Sở Lao động - TB&XH hướng dẫn thực hiện các chính sách liên quan trong Đề án này được UBND tỉnh phê duyệt để cấp cho các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp...; không cấp trực tiếp cho người lao động.
- Nguồn kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được chuyển qua Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để thực hiện theo quy định.
Để đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án này, Ủy ban nhân dân tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Sở Lao động Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, có trách nhiệm:
- Chủ trì cùng với Sở Tài chính hướng dẫn sử dụng và quản lý kinh phí hỗ trợ học nghề (kể cả đào tạo kèm cặp trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp tuyển lao động ở vùng thu hồi đất), giáo dục định hướng và học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động và tìm việc làm trong nước.
- Nghiên cứu, đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định các cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động các hộ trong diện thu hồi đất sản xuất.
- Chủ trì phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố, thị xã, Ban quản lý các khu công nghiệp chỉ đạo các doanh nghiệp được giao đất tại các khu công nghiệp, địa bàn có đất thu hồi thực hiện việc tiếp nhận lao động là đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, vào làm việc tại doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí dạy nghề, giải quyết việc làm do ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng năm theo đề xuất của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, bao gồm cả kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận lao động phổ thông vào đào tạo và bố trí việc làm; kinh phí giao chỉ tiêu dạy nghề dài hạn và ngắn hạn cho các cơ sở dạy nghề nhằm đảm bảo mục tiêu đào tạo nghề của Đề án này.
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngành liên quan xác định nhu cầu vốn ủy thác (bổ sung nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm địa phương) trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định bố trí vào dự toán chi ngân sách hàng năm để cấp qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, nhằm tạo đủ nguồn vốn cho đối tượng lao động trong diện thu hồi đất sản xuất vay để giải quyết việc làm.
4. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng quy chế quản lý, cơ chế cho vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động từ ngân sách tỉnh đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất.
- Có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương có thu hồi đất sản xuất, xây dựng và thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đưa lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm việc làm tại chỗ nhất là tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tăng thu nhập, chống tái nghèo cho các hộ gia đình thuộc diện thu hồi đất sản xuất.
- Chỉ đạo trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, khuyến công đẩy mạnh các chương trình khuyến nông, lâm, ngư; công, chuyển giao kỹ thuật, mở các lớp huấn luyện kỹ thuật dạy nghề ngắn hạn cho nông dân nơi thu hồi đất.
6. Ban quản lý các khu công nghiệp:
- Thực hiện chức năng quản lý về lĩnh vực lao động đối với các doanh nghiệp trong phạm vi của mình, có trách nhiệm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương có đất thu hồi, các doanh nghiệp, nhà đầu tư để chỉ đạo tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho lao động mất việc làm do thu hồi đất sản xuất.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp nhận lao động là đối tượng trong diện thu hồi đất tại địa phương vào làm việc. Là đầu mối trong việc lập kế hoạch và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo lao động phục vụ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để phối hợp và báo cáo về Sở lao động TB &XH để chỉ đạo thực hiện.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các xã, phường, thị trấn:
- Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò xây dựng phương án đền bù và giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các xã phường, thị trấn xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho số lao động mất việc làm do thu hồi đất sản xuất và thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến việc thu hồi đất đối với các hộ gia đình.
- Các xã, phường, thị trấn có diện tích đất sản xuất do Nhà nước thu hồi thống kê đầy đủ, chính xác danh sách các hộ và tình trạng mất đất sản xuất, mất việc làm hoàn toàn, thiếu việc làm của lao động từng hộ gia đình, nguyện vọng học nghề, đi làm việc ngoài tỉnh, vay vốn chuyển đổi ngành nghề tạo việc làm, đi xuất khẩu lao động,... theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng cấp trên để làm cơ sở cho việc giải quyết các chính sách; lập phương án giải quyết việc làm cho số lao động mất việc làm, thiếu việc làm do thu hồi đất. Tổ chức tốt việc phổ biến, tuyên truyền các chế độ chính sách của Nhà nước đối với các hộ thu hồi đất và thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ chính sách đó đối với các hộ được thụ hưởng.
8. Các doanh nghiệp được giao đất:
Các doanh nghiệp được giao đất trong các khu công nghiệp xây dựng phương án, kế hoạch đào tạo và tuyển lao động của địa phương thu hồi đất; báo cáo kết quả thực hiện về Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở Lao động TB &XH.
9. Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội làm vườn:
Đề nghị Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội làm vườn tham gia vận động, giúp đỡ các hộ gia đình trong diện thu hồi đất sản xuất gặp khó khăn trong việc làm và đời sống nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước, các ngành liên quan để tổ chức hướng dẫn đoàn viên, hội viên chuyển đổi ngành nghề, giúp đỡ truyền nghề, học nghề, tạo việc làm.
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, tổ chức triển khai thực hiện Đề án; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong quá trình thực hiện Đề án nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ảnh bằng văn bản gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 24/2011/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2 Quyết định 61/2007/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010
- 3 Nghị quyết 172/2006/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp thuộc diện thu hồi đất sản xuất để phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010
- 4 Thông tư liên tịch 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do Bộ Tài chính - Bội Nội vụ cùng ban hành
- 5 Quyết định 65/2005/QĐ-UB về đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 6 Quyết định 81/2005/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Nghị định 197/2004/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 24/2011/QĐ-UBND về Quy định chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành
- 2 Quyết định 61/2007/QĐ-UBND về một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp để phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2010
- 3 Quyết định 65/2005/QĐ-UB về đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với lao động bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành