Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1221/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 04 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 27/9/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 655/TNMT-CCMT ngày 27/3/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Phó VP.UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, NL2.
Gửi:
+ Bản Giấy (15b) TP: TW, LĐ tỉnh, Sở TN&TM;
+ Bản Điện tử: Thành phần còn lại.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1221/QĐ-UBND ngày 10/4/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

I- TÓM LƯỢC QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2010-2020

1. Nội dung quy hoạch

Quy hoạch BVMT đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 27/9/2010 đã phân vùng môi trường Hà Tĩnh thành 4 vùng và 15 tiểu vùng gồm:

Vùng môi trường

Tiểu vùng môi trường

I. Vùng cát ven biển và đới biển nông ven bờ

I.A. Tiểu vùng cửa sông Lam, dải cồn cát và biển nông ven bờ Nghi Xuân

I.B. Tiểu vùng cồn cát Cửa Sót và biển nông ven bờ Lộc Hà

I.C. Tiểu vùng cồn cát Cửa Nhượng và biển nông ven bờ Thạch Hà - Cẩm Xuyên

I.D. Tiểu vùng cồn cát Cửa Khẩu và biển nông ven bờ Kỳ Anh

II. Vùng đồng bằng ven biển

II.A. Tiểu vùng hạ lưu sông Lam (sông Cả, sông Lam)

II.B. Tiểu vùng đồng bằng thuộc lưu vực Cửa Sót

II.C. Tiểu vùng đồng bằng thuộc lưu vực Cửa Nhượng

II.D. Tiểu vùng lưu vực đồng bằng thuộc Cửa Khẩu

III. Vùng gò đồi xen thung lũng trung tâm

III.A. Tiểu vùng trung lưu sông Ngàn Phố

III.B. Tiểu vùng thung lũng sông Ngàn Sâu

III.C. Tiểu vùng lưu vực hồ Kẻ Gỗ

III.D. Tiểu vùng lưu vực sông Rào Trổ

IV. Vùng núi phía Tây

IV.A. Tiểu vùng thượng lưu sông Ngàn Phố

IV.B. Tiểu vùng thượng lưu sông Ngàn Trươi

IV.C. Tiểu vùng thượng lưu sông Ngàn Sâu

2. Nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ môi trường theo từng vùng

2.1. Quy hoạch BVMT Vùng 1: Vùng cát ven biển và đới biển nông ven bờ

Vùng cát ven biển và đới bờ Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 137km, đây là vùng nhạy cảm. Quy hoạch bảo vệ môi trường vùng này ưu tiên 4 lĩnh vực bao gồm quy hoạch BVMT đất, nước, biển và quy hoạch xử lý rác thải.

Các nội dung quy hoạch BVMT này liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội và khai thác tài nguyên sau: Khai thác cát Ilmenite, phát triển công nghiệp ven biển, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên cát, kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch, phát triển đô thị và kinh tế biển.

2.2. Quy hoạch BVMT Vùng 2 - Vùng đồng bằng ven biển

Đây là vùng đất thấp chạy dọc Quốc lộ 1, vùng phát triển mạnh về công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và đô thị. Quy hoạch bảo vệ môi trường vùng này ưu tiên 6 lĩnh vực gồm quy hoạch BVMT đất, nước, không khí, rừng ngập mặn vùng cửa sông, bảo vệ đa dạng sinh hoặc và hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường.

Liên quan đến các vấn đề quy hoạch BVMT của vùng 2 là các hoạt động trong phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sử dụng chế phẩm hóa học, các hoạt động phát triển khu công nghiệp, đô thị, hoạt động du lịch, phát triển giao thông và những vùng tập trung đông dân cư, BVMT sinh thái vùng cửa sông, ven biển. Ngoài ra, còn có các hoạt động về cấp nước, xử lý nước trong vùng cũng có ảnh hưởng lớn đến việc quy hoạch BVMT của vùng.

2.3. Quy hoạch BVMT Vùng 3: Vùng gò đồi xen thung lũng trung tâm

Đây là vùng bán sơn địa, vùng chuyển tiếp từ đồng bằng lên đồi núi. Là vùng có nhiều tiềm năng kết hợp nông, lâm, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Vùng này có nhiều hồ chứa nước như hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác, hồ Thượng Tuy, hồ Rào Trổ v.v... những hồ này có chức năng điều tiết nguồn nước rất quan trọng.

Nội dung ưu tiên trong quy hoạch BVMT vùng 3 gồm: Quy hoạch BVMT đất, nước, không khí, đa dạng sinh học, sự cố môi trường, quan trắc môi trường. Do đó các giải pháp quy hoạch BVMT chủ yếu của vùng tập trung vào các hoạt động sau:

- Hoạt động nông, lâm nghiệp (áp dụng các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi, quy hoạch sử dụng đất hợp lý trong việc chuyển đổi canh tác, tăng cường biện pháp trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, hạn chế sử dụng chế phẩm hóa học).

- Tăng cường công tác thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt.

- Tăng cường công tác quản lý BVMT trong hoạt động du lịch, dịch vụ.

- Tăng cường quan trắc, theo dõi sự biến đổi về đa dạng sinh học, tiến trình quy hoạch hệ thống các hồ chứa nước, giảm sức ép về xả lũ xuống lưu vực, điều hòa dòng chảy.

- Nghiên cứu các phương án tái định cư.

2.4. Quy hoạch BVMT Vùng 4 - Vùng núi phía Tây

Đây là vùng núi thuộc dãy Trường Sơn, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch dịch vụ. Trong vùng có vườn quốc gia Vũ Quang, khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, thác Vũ Môn, Thành Sơn Phòng - Hàm Nghi, Di tích Hải Thượng Lãn Ông, nước sốt Sơn Kim v.v... Đây cũng là vùng tập trung nước của các sườn dốc, núi cao dọc biên giới Việt Lào. Các nội dung ưu tiên trong quy hoạch BVMT bao gồm: quy hoạch BVMT đất, nước, rừng và đa dạng sinh học; quy hoạch ứng phó sự cố môi trường và sự cố thiên tai.

Liên quan đến các vấn đề quy hoạch BVMT của vùng 4 có những nội dung cơ bản sau:

- Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo: cần tuân thủ quy hoạch phát triển kinh tế của vùng cửa khẩu.

- Quan tâm đặc biệt đến các giải pháp kiểm soát các nguồn nước, xử lý nước thải (vùng kinh tế cửa khẩu).

- Đối với các khu công nghiệp mới như khu Đại Kim, Hà Tân cần yêu cầu nghiêm ngặt về đánh giá tác động môi trường trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xử lý các nguồn gây ô nhiễm.

- Tăng cường bảo vệ động vật hoang dã.

- Ưu tiên các biện pháp ứng phó sự cố, lũ quét, lũ ống.

- Đảm bảo độ che phủ rừng.

3. Kết quả thực hiện quy hoạch BVMT từ khi được phê duyệt đến nay

Quy hoạch BVMT tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2010 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 27/9/2010. Từ đó đến nay Hà Tĩnh đã triển khai nhiều nội dung để thực hiện quy hoạch và đã đạt được một số kết quả chính như sau:

- Triển khai thực hiện quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho các đô thị tỉnh Hà Tĩnh theo Quyết định số 3531/QĐ-UBND ngày 09/12/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh: trong đó đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Cẩm Quan - huyện Cẩm Xuyên với công suất 200 tấn/ngày, xây dựng và vận hành 04 bãi chôn lấp đảm bảo tiêu chuẩn TCXDVN 261:2001 . Tính đến tháng 10/2014, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 10 dự án đầu tư các khu xử lý chất thải rắn trong đó có: 01 dự án nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt tại Kỳ Tân, Kỳ Anh; đang triển khai dự án cải tạo nâng cấp bãi rác thị trấn Kỳ Anh; đang làm thủ tục đầu tư các dự án đầu tư xây mới tại huyện Hương Khê, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ. Xây dựng mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt Sankyo, công nghệ Nhật Bản, sản xuất tại Thái Lan, công suất 10 tấn/ngày tại Kỳ Anh, đang vận hành thử để nhân rộng mô hình tại các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Để phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh đã triển khai điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn cho các đô thị và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 04/2/2013.

- Phát triển mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường với số lượng tăng từ 34 đơn vị (năm 2010) đến nay đã có 157 đơn vị. Mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường đã góp phần đáng kể trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh.

- Quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới: Hầu hết các xã trong phê duyệt quy hoạch nông thôn mới đã quy hoạch địa điểm cho các trạm trung chuyển, hoặc bãi xử lý của xã. Đến nay toàn tỉnh bố trí được 304 trạm trung chuyển trong quy hoạch, tuy nhiên, việc triển khai xây dựng mới chỉ được 20 trạm, chiếm tỷ lệ 6,58%.

- Việc giám sát chất lượng môi trường thông qua mạng lưới quan trắc môi trường cũng đã được chú trọng. Ngày 26/10/2006, UBND tỉnh đã phê duyệt mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Hà Tĩnh tại Quyết định số 2506/QĐ-UBND. Từ năm 2010 đến nay, mạng lưới liên tục được điều chỉnh và tăng dày mật độ điểm quan trắc nhằm đáp ứng nhu cầu đánh giá chất lượng môi trường phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ngày 12/7/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1987/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án điều chỉnh bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường đến 2015 và ngày 06/01/2014 đã ban hành Quyết định số 36/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án bổ sung các điểm quan trắc môi trường trong các khu kinh tế vào mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2015. Kết quả quan trắc theo mạng lưới là cơ sở cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm, 5 năm và báo cáo chuyên đề tỉnh Hà Tĩnh.

- Công tác trồng và phục hồi rừng được quan tâm đẩy mạnh đặc biệt là rừng đầu nguồn, đến nay tổng diện tích rừng trong toàn tỉnh là 351.891ha, tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% năm 2010 lên 52,5% năm 2014. Thông qua việc triển khai dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hạn chế tối đa tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, tăng cường bảo vệ các khu vực vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng trái phép tài nguyên sinh vật nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học trên địa bàn; chú trọng bảo vệ các khu vực cửa sông, bãi triều, rừng ngập mặn là nơi có nguồn lợi hệ sinh thái đa dạng và động thực vật khá phong phú.

II. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUY HOẠCH BVMT GIAI ĐOẠN 2015 ĐẾN NĂM 2020

1. Mục tiêu kế hoạch:

- Kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020 nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

- Cụ thể hóa nhiệm vụ của các ngành, địa phương trong việc thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường của tỉnh đảm bảo nguyên tắc phân vùng quy hoạch (4 vùng chính, 15 tiểu vùng) và 9 nội dung cơ bản về quy hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

- Đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

2. Nội dung kế hoạch

2.1. Vùng 1: Vùng cát ven biển và đới biển nông ven bờ

Triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo vệ môi trường, cải tạo vùng cát ven biển và đới biển nông ven bờ, phát huy lợi thế vùng ven biển, cụ thể:

- Tổ chức thăm dò, khai thác Ilmenite; triển khai các giải pháp BVMT trong khai thác, chế biến Ilmenite, đặc biệt là xử lý nước thải sau tuyển quặng Ilmenite; tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong quá trình khai thác theo hình thức cuốn chiếu trong đó tập trung lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với địa hình đất cát ven biển để phục hồi môi trường.

- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho các vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển; áp dụng nuôi tôm công nghệ cao; hạn chế tối đa tác động đến môi trường nước mặt, nước ngầm, nước biển ven bờ và nhiễm mặn đất cát.

- Đầu tư phát triển du lịch ven biển, trước mặt tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật BVMT gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng và áp dụng thực hiện quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường tại các khu du lịch.

- Bảo vệ hệ sinh thái đặc thù vùng cát ven biển; tăng diện tích rừng ngập mặn ven biển; bảo vệ đa dạng sinh học tại tiểu vùng cửa sông Lam, dải cồn cát và biển nông ven bờ các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên.

- Thống kê và xác nhận những tác động có tính quy luật của các sự cố, thiên tai; đánh giá rủi ro do các sự cố thiên tai; xây dựng các kịch bản về sự cố thiên tai. Trên cơ sở đó xây dựng các biện pháp phòng chống sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu; sự cố tràn dầu, dầu loang...

- Giám sát chất lượng môi trường tại các vùng cửa sông, ven biển, các vùng nuôi trồng thủy sản trên cát và các khu du lịch; xem xét đánh giá mức độ tác động của các hoạt động nuôi trồng thủy sản, du lịch và diễn biến chất lượng môi trường.

2.2. Vùng 2. Vùng đồng bằng ven biển

- Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong lựa chọn giống cây trồng, phương pháp canh tác phù hợp với điều kiện vùng đồng bằng ven biển; nghiên cứu các chế phẩm vi sinh để thay thế hoặc hạn chế sử dụng chế phẩm hóa học trong nông nghiệp nhằm bảo vệ môi trường đất; ban hành chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, vùng cung cấp lương thực, thực phẩm, rau quả v.v...

- Thu gom, phân loại chất thải rắn nông nghiệp theo phương thức tái chế phụ phẩm, chất thải có thể phân hủy để làm phân bón; xây dựng các bể chứa chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật tại các đồng ruộng.

- Áp dụng các biện pháp công nghệ xử lý nước thải hữu hiệu, khuyến khích tái sử dụng nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản ven biển và tận dụng nước thải từ chăn nuôi phục vụ trồng trọt.

- Nâng cấp cơ sở hạ tầng, điện, đường giao thông, vỉa hè đô thị; tăng diện tích cây xanh đô thị; tăng cường kiểm soát chất lượng phương tiện giao thông và giám sát chất lượng không khí do hoạt động giao thông.

- Ứng phó với biến đổi khí hậu, sự cố môi trường khu vực đồng bằng ven biển

- Quan trắc biến động chất lượng nước của các sông (sông Lam, sông Rào Cái, sông Gia Hội và sông Rác, sông Quyền) và vùng đồng bằng ven biển

2.3. Vùng 3. Vùng gò đồi xen thung lũng trung tâm

- Bảo vệ môi trường đất tại vùng gò đồi xen lẫn thung lũng trung tâm; áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, biện pháp chống xói mòn, rửa trôi ở các vùng đất dốc; áp dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, chuyên canh quy mô trang trại lớn để hạn chế chai cứng đất và tránh lây lan các nguồn bệnh qua môi trường đất.

- Hạn chế sử dụng phân bón hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp; xử lý chất thải trong chăn nuôi quy mô trang trại nhằm hạn chế tác động tới nguồn nước vùng hạ du.

- Áp dụng kỹ thuật canh tác hợp lý kết hợp với các biện pháp quy hoạch sử dụng đất hợp lý chuyển đổi rừng có thứ tự, đảm bảo xen kẽ giữa các lô cao su với các lô rừng bảo vệ trước khi rừng cao su khép tán.

- Điều tra, thống kê đa dạng sinh học tại tiểu vùng gò đồi xen thung lũng để có kế hoạch bảo vệ đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng cây lâm nghiệp và cây ăn quả, cây hàng năm có giá trị kinh tế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; để hạn chế thiên tai và sự cố lũ quét, sạt lở đất.

- Xây dựng quy trình vận hành các hồ chứa ở Vùng 2 phục vụ an toàn cấp nước cho các vựa lúa, các đô thị của tỉnh ở hạ du; hình thành thêm các hồ chứa cấp 2 trên các sông, suối nhánh để giảm sức chịu tải của các hồ lớn và tham gia trữ nước mùa khô, cắt lũ mùa mưa, nhất là những vùng có mưa nhiều, mưa lớn.

- Tăng cường giám sát chất lượng môi trường đất, nước và theo dõi sự cố môi trường tại vùng gò đồi xen thung lũng để có kế hoạch bảo vệ; nghiên cứu đánh giá rủi ro sự cố do địa hình, địa chất tại các vùng tái định cư từ các dự án.

- Ban hành những cơ chế, chính sách cho việc chuyển đổi nghề nghiệp của các hộ gia đình bị ảnh hưởng song song với việc chuyển đổi diện tích sử dụng đất.

2.4. Vùng 4. Vùng núi phía Tây

- Bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ và khu vực rừng đầu nguồn của các con sông lớn; hạn chế xói mòn, rửa trôi đất tại Tiểu vùng thượng nguồn sông Ngàn Phố và sạt lở đất do hoạt động của các công trình thủy lợi thủy điện.

- Tăng cường giám sát chất lượng nước đầu ra, đầu vào; triển khai các công trình xử lý nước thải, chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động công nghiệp, hoạt động du lịch tại khu kinh tế Cửa khẩu;

- Nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã tại khu vực vùng núi phía Tây;

- Đánh giá rủi ro do sự cố lũ quét, sạt lở đất tại vùng 4, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch ứng phó tại tiểu vùng thượng nguồn sông Ngàn Phố, sông Ngàn Trươi và sông Ngàn Sâu và tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn.

- Xây dựng kế hoạch triển khai các công trình trọng điểm, làm động lực thúc đẩy các công trình khác hoàn thành nhanh; phát triển loại hình du lịch sinh thái vùng núi phía Tây và thượng nguồn sông Ngàn Phố; ứng dụng khoa học kỹ thuật sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) để thay thế cho các nguồn năng lượng không tái tạo.

3. Các chương trình, dự án ưu tiên triển khai để thực hiện quy hoạch BVMT

3.1. Các dự án ưu tiên trong phát triển dân cư đô thị

Dự án 1:

a) Tên dự án: Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa môi trường tỉnh Hà Tĩnh:

b) Mục tiêu dự án:

Đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa môi trường, nâng cao hiệu quả công tác BVMT gắn với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

c) Nội dung:

- Khảo sát, đánh giá hiện trạng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn Hà Tĩnh; vai trò của cộng đồng trong việc thu gom chất thải rắn tại khu vực thành thị và nông thôn.

- Đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý môi trường và cơ chế chính sách hỗ trợ mở rộng mạng lưới thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn khu đô thị, nông thôn;

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

d) Kinh phí thực hiện: 200 triệu đồng.

e) Cơ quan thực hiện: Sở TNMT chủ trì phối hợp sở NN&PTNT, Sở Xây dựng.

Dự án 2:

a) Tên dự án: Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải đô thị tại thành phố Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu của Dự án:

Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tại thành phố Hà Tĩnh; đảm bảo nước thải đô thị tại thành phố Hà Tĩnh được xử lý đạt quy chuẩn.

c) Nội dung dự án:

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đã có và xây dựng hệ thống thoát nước mới đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung;

- Xây dựng các trạm bơm nước thải.

- Xây dựng nhà máy xử lý nước thải bao gồm song chắn rác, hồ điều hòa, hồ sinh học, bể lắng, bể khử trùng và các công trình phụ trợ khác.

d) Kinh phí thực hiện: 400 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: UBND thành Phố Hà Tĩnh.

Dự án 3:

a) Tên dự án: Quy hoạch hệ thống thoát nước, thu gom nước thải đô thị tại các thị trấn.

b) Mục tiêu của Dự án:

Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống thoát nước tại 12 thị trấn trên địa bàn tỉnh.

c) Nội dung dự án:

Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa tách riêng với hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt tại 12 thị trấn huyện.

d) Kinh phí thực hiện: 2 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: UBND các huyện.

Dự án 4:

a) Tên dự án: Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại thị xã Hồng Lĩnh

b) Mục tiêu của Dự án:

Đến năm 2020, 95 ÷ 100% chất thải rắn đô thị phát sinh từ thị xã Hồng Lĩnh được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn.

c) Nội dung dự án:

- Đầu tư hệ thống phân loại, xử lý rác thải từ thị xã Hồng Lĩnh.

- Nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh.

d) Kinh phí thực hiện: 5 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: UBND thị xã Hồng Lĩnh.

Dự án 5:

a) Tên dự án: Đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các thị trấn thuộc huyện.

b) Mục tiêu của Dự án:

Đến năm 2020, 85÷90% khối lượng rác phát sinh từ các thị trấn thuộc huyện được thu gom và chôn lấp hợp vệ sinh.

c) Nội dung dự án:

- Đầu tư hệ thống xử lý rác thải của 12 thị trấn.

- Nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh.

d) Kinh phí thực hiện: 180 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: UBND các huyện.

3.2. Các dự án ưu tiên trong phát triển công nghiệp

Dự án 6:

a) Tên dự án: Điều tra, thống kê, phân loại và lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu của dự án:

- Điều tra được hiện trạng ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, TTCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Phân loại mức độ gây ô nhiễm và lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để có kế hoạch trong việc quản lý ô nhiễm công nghiệp.

c) Nội dung dự án:

- Triển khai điều tra diện rộng về tình hình thực hiện công tác BVMT tại các doanh nghiệp công nghiệp.

- Đánh giá, phân loại mức độ gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đề xuất kế hoạch xử lý.

d) Kinh phí thực hiện: 1,5 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

Dự án 7:

a) Tên dự án: Điều tra hiện trạng và xây dựng phương án thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu dự án

- Tăng cường thu hút đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại.

- Đề xuất các chính sách để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

c) Nội dung dự án

- Đánh giá hiện trạng phát sinh và tình hình thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải rắn công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại tại tỉnh Hà Tĩnh.

- Đánh giá năng lực của các đơn vị, doanh nghiệp đã và đang tiến hành thu gom chất thải rắn công nghiệp, chất thải trên địa bàn tỉnh.

- Đề xuất những giải pháp nhằm thu hút đầu tư đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại.

- Đề xuất các chính sách để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia thu gom và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

d) Kinh phí thực hiện: 1,5 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

Dự án 8:

a) Tên dự án: Xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sản xuất sạch hơn, đổi mới công nghệ hoặc xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường

b) Mục tiêu dự án

- Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

- Tăng cường, khuyến khích và đề ra phương án giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải.

c) Nội dung dự án

- Đánh giá hiện trạng áp dụng sản xuất suất sạch hơn đối với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.

- Đánh giá hiện trạng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải đối với các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ.

- Đề xuất những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sản xuất sạch hơn và xử lý chất thải.

d) Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Công thương và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Dự án 9:

a) Tên dự án: Xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các KKT, KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

b) Mục tiêu của Dự án:

- Đến năm 2020, tất cả các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; khoảng 95÷100% các dự án đầu tư trong KKT, KCN phải thực hiện nghiêm chỉnh việc đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KKT, KCN phải thực hiện các biện pháp xử lý khí thải, kiểm soát ồn, rung;

- Đến năm 2020, khoảng 50÷60% các cụm công nghiệp, làng nghề hiện hữu trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung; 50÷60% các cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp, làng nghề phải đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.

- Đến năm 2020, khoảng 95÷100% chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN được thu gom và xử lý đạt yêu cầu vệ sinh môi trường.

- Đến năm 2020, khoảng 80÷90% chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh từ các CCN, làng nghề được thu gom và xử lý đạt yêu cầu vệ sinh môi trường.

c) Nội dung dự án:

- Xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo các hệ thống thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ các KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu Cầu Treo; KCN Hạ Vàng, KCN Gia Lách trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư các công trình xử lý khí thải, kiểm soát ồn, rung tại các cơ sở sản xuất trong các KKT, KCN.

- Xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo các hệ thống thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ các CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh.

- Đầu tư các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn, lưu giữ chất thải nguy hại phát sinh từ các KCN, CCN, làng nghề.

d) Kinh phí thực hiện: 1.500 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Ban Quản lý các KKT, KCN, CCN, làng nghề và các chủ đầu tư theo phương thức xã hội hóa.

3.3. Các dự án ưu tiên trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn

Dự án 10:

a) Tên dự án: Nghiên cứu đề xuất các mô hình công nghệ xanh, thân thiện với môi trường phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu của Dự án:

- Tăng cường khả năng thu gom và tái sử dụng phế liệu nông nghiệp và chế biến nông sản.

- Đề xuất các mô hình phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả tái sử dụng phế liệu nông nghiệp và chế biến nông sản.

- Kiểm soát chặt chẽ an toàn hóa chất, đặc biệt là các hóa chất có mức độ độc hại cao; việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường được hạn chế tối đa; tăng cường sử dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp.

- Đến năm 2020, khoảng 95÷100% khối lượng các bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp được thu gom và xử lý đạt yêu cầu vệ sinh.

c) Nội dung dự án:

- Đánh giá tình hình thu gom và tái chế phế liệu nông nghiệp, xử lý chất thải rắn, CTNH khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Đề xuất những mô hình công nghệ xanh, thân thiện với môi trường nhằm phân loại, thu gom, tái chế và xử lý phế liệu nông nghiệp, CTNH các khu vực sản xuất nông nghiệp, dân cư nông thôn.

- Đề xuất những giải pháp nhằm thu hút đầu tư đối với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác thu gom và xử lý phế liệu nông nghiệp và chế biến nông sản.

- Đề xuất các chính sách để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia thu gom và xử lý phế liệu nông nghiệp và chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

d) Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ.

Dự án 11:

a) Tên dự án: Đánh giá thực trạng ô nhiễm từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất giải pháp.

b) Mục tiêu dự án

- Điều tra, đánh giá thực trạng các cơ sở chăn nuôi tập trung trên toàn tỉnh; đề xuất các giải pháp, phương án khắc phục ô nhiễm do nước thải, mùi hôi phát sinh từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa và lớn.

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với chất thải chăn nuôi.

c) Nội dung dự án

- Đánh giá hiện trạng ô nhiễm do phân, nước thải và mùi hôi phát sinh từ các trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn.

- Đề xuất những giải pháp ngắn hạn và lâu dài khắc phục tình trạng ô nhiễm do phân, nước thải và mùi hôi phát sinh từ các trại chăn nuôi.

- Đề xuất những biện pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước đối với chất thải từ các trại chăn nuôi.

- Đầu tư khắc phục ô nhiễm do phân, nước thải và mùi hôi phát sinh từ các trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn.

d) Kinh phí thực hiện: 100 triệu đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3.4. Các dự án ưu tiên trong lĩnh vực quy hoạch bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học

Dự án 12:

a) Tên dự án: Điều tra, khảo sát, xây dựng phương án bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái ven biển ở tỉnh Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu của dự án:

- Đánh giá hiện trạng quản lý, bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái ven biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Hà Tĩnh.

- Đề xuất các giải pháp ngăn chặn suy thoái tài nguyên và môi trường biển nhằm mục tiêu phát triển bền vững hệ sinh thái, tài nguyên và bảo vệ môi trường.

c) Nội dung dự án:

- Phối hợp với các địa phương trong vùng duyên hải ven biển Hà Tĩnh để điều tra hiện trạng quản lý, bảo vệ tài nguyên.

- Đẩy mạnh xây dựng các mô hình quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường ven biển tỉnh Hà Tĩnh.

d) Kinh phí thực hiện: 250 triệu đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

3.5. Các dự án ưu tiên trong lĩnh vực nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường

Dự án 13:

a) Tên dự án: Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu dự án

Đến năm 2020, khoảng 80÷90% đoàn viên thanh niên và nhân dân được tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức về môi trường.

c) Nội dung dự án:

- Triển khai các hoạt động truyền thông môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.

- In các pano, áp phích, tài liệu, sổ tay về Môi trường và pháp luật về BVMT.

- Thành lập các đội Thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện tham gia BVMT.

- Đẩy mạnh các hoạt động và phối hợp tuyên truyền hưởng ứng Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

- Xây dựng và cấp nhãn xanh môi trường cho các doanh nghiệp.

d) Kinh phí thực hiện: 500 triệu đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Sở Thông tin, Truyền thông

Dự án 14:

a) Tên dự án: Nâng cao năng lực quan trắc và quản lý các số liệu về môi trường của tỉnh Hà Tĩnh.

b) Mục tiêu dự án

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Nâng cao năng lực quan trắc các thành phần môi trường đất, nước, không khí, thủy sinh và đa dạng sinh học định kỳ.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường.

c) Nội dung dự án:

- Đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

- Đầu tư trang thiết bị lấy mẫu, phân tích các thành phần môi trường đất, nước, không khí, thủy sinh và đa dạng sinh học.

- Đầu tư một số trạm quan trắc không khí và nước tự động tại những khu vực nhậy cảm.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường.

d) Kinh phí thực hiện: 5 tỷ đồng.

e) Đơn vị thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung kế hoạch; chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và tổng hợp tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ, dự án theo Kế hoạch được duyệt vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Phối hợp với Sở Tài chính trong việc phân bổ và bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm lồng ghép các nhiệm vụ kế hoạch, các chương trình dự án theo từng lĩnh vực liên quan vào kế hoạch của ngành, địa phương mình và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch được duyệt.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, các địa phương, đơn vị có liên quan theo nhiệm vụ được phân công nghiêm túc thực hiện./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI ĐỂ THỰC HIỆN QUY HOẠCH BVMT
(Ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020)

TT

Tên dự án

Kinh phí thực hiện

Thời gian triển khai

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Bắt đầu

Kết thúc

1

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa môi trường tỉnh Hà Tĩnh

200 triệu đồng

2015

2016

Sở TNMT

Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng.

2

Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải đô thị tại thành phố Hà Tĩnh.

400 tỷ đồng.

2015

2016

UBND thành Phố Hà Tĩnh.

Sở Xây dựng

3

Quy hoạch hệ thống thoát nước, thu gom nước thải đô thị tại các thị trấn.

2 tỷ đồng

2017

2020

UBND các huyện

Sở Xây dựng

4

Đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại thị xã Hồng Lĩnh

5 tỷ đồng

2016

2016

UBND thị xã Hồng Lĩnh.

Sở TNMTvà Sở Xây dựng

5

Đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các thị trấn thuộc huyện

180 tỷ đồng

2016

2020

UBND các huyện

Sở TNMT và Sở Xây dựng

6

Điều tra, thống kê, phân loại và lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

1,5 tỷ đồng

2016

2016

Sở TNMT

UBND các huyện, thành phố, thị xã

7

Điều tra hiện trạng và xây dựng phương án thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

1,5 tỷ đồng

2016

2016

Sở TNMT

Sở Xây dựng

8

Xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng sản xuất sạch hơn, đổi mới công nghệ hoặc xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường

500 triệu đồng

2017

2018

Sở Công thương và Sở TNMT

Sở Khoa học và công nghệ

9

Xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các KKT, KCN, CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

1.500 tỷ đồng

2016

2020

BQL KKT, các KCN, CCN, làng nghề và các chủ đầu tư theo phương thức xã hội hóa

Sở TNMT và Sở Xây dựng

10

Nghiên cứu đề xuất các mô hình công nghệ xanh, thân thiện với môi trường phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Tĩnh

500 triệu đồng

2016

2016

Sở Khoa học và Công nghệ.

Sở TNMT Ban điều phối Chương trình MTQG XD Nông thôn mới

11

Đánh giá thực trạng ô nhiễm từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đề xuất giải pháp.

100 triệu đồng

2016

2016

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở TNMT

12

Điều tra, khảo sát, xây dựng phương án bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái ven biển ở tỉnh Hà Tĩnh

250 triệu đồng

2017

2017

Sở TNMT

 

13

Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

500 triệu đồng

2015

2020

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Sở Thông tin, Truyền thông

Sở TNMT

14

Nâng cao năng lực quan trắc và quản lý các số liệu về môi trường của tỉnh Hà Tĩnh.

5 tỷ đồng.

2016

2016

Sở TNMT