Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 124/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 06 năm 1987

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ THI HÀNH CHẾ ĐỘ BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-6-1983 ;
Căn cứ vào Quyết định số 201/CP ngày 30-8-1974 của Hội đồng Chính phủ; chỉ thị số 85/TTg ngày 12-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ, thông tư số 02/TT-LB ngày 10-01-1980 của Liên Bộ lao Động - Nội vụ hướng dẫn biện pháp xử lý đối với người trong độ tuổi lao động, có sức lao động, không chịu lao động ;
Để đưa công tác bắt buộc lao động, người có sức lao động nhưng không chịu lao động vào nề nếp, phù hợp với đặc điểm, tình hình của thành phố Hồ Chí Minh ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố và sau khi trao đổi với các cơ quan liên quan ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.-Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định tạm thời các biện pháp cụ thể thi hành chế độ bắt buộc giáo dục lao động tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh” .

Điều 2. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01-5-1987. Bãi bỏ quyết định số 38/QĐ-UB ngày 08-2-1980 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định về chế độ bắt buộc lao động tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ THI HÀNH CHẾ ĐỘ BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( Ban hành kèm theo quyết định số 124/QĐ-UB ngày 16-6-1987 của UBND TP.Hồ Chí Minh)

Thi hành Quyết định số 201/CP ngày 30-8-1974 của Hội đồng chính phú, Chỉ thị số 85/TTg ngày 12-3-1979 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 02/TT-LB ngày 10-01-1980 của Liên Bộ Lao động Nội vụ, nhằm bảo đảm việc xử lý người trong độ tuổi lao động,có sức lao động nhưng không chịu lao động đúng pháp luật, phù hợp với đặc điểm tình hình của thành phố trên cơ sở rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác này trong những năm qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tạm thời quy định chế độ bắt buộc giáo dục lao động tập trung tại thành phố như sau:

Chương I.

ĐỐI TƯỢNG BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG

Điều 1. Những người trong độ tuổi lao động (nam từ 18 đến 55 tuổi, nữ từ 18 đến 50 tuổi) có sức lao động mà không chịu lao động có ích cho xã hội, làm ăn không chính đáng, sống lêu lổng du đảng, gây rối trật tự công cộng, đã được chánh quyền phường xã; thị trấn giáo dục, xử phạt hành chánh nhưng không sửa chữa đều thuộc diện bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Cụ thể là :

1) Những đối tượng tệ nạn xã hội, những người không có nghề nghiệp làm ăn chính đáng, hoặc gây rối trật tự trị an đã được phường, xã giáo dục nhiều lần mà không sửa chữa :

- Người say rượu có hành vi gây rối trật tự công cộng đã được chánh quyền cảnh cáo giáo dục 3 lần trở lên vẫn tái phạm.

- Người chuyên hành nghề mê tín dị đoan, đã được chánh quyền cảnh cáo, giáo dục 2 lần trở lên vẫn tái phạm.

- Người không nơi cư trú nhất định, sống lang thang trên lề đường, góc chợ, trong công viên không có việc làm chính đáng.

2) Người có sức lao động, đã được chánh quyền sắp xếp việc làm nhưng không chịu lao động, tụ tập ăn chơi, gây rối trật tự trị an.

3) Người ở tỉnh hoặc thành phố khác không được phép cư trú chính thức ở thành phố, sau khi đã được chánh quyền phường, xã vận động giáo dục nhưng không chịu trở về quê quán.

4) Quân nhân bỏ ngũ bị xóa quân tịch, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ (Quyết định số 191/CP ngày 23-6-1980 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 156/QĐ-UB ngày 11-7-1985 của Ủy ban nhân dân thành phố).

Điều 2. Những đối tượng được nêu ở điều 1, nếu được cơ quan y tế của Nhà nước chứng nhận đang phải điều trị bệnh, phụ nữ có thai hoặc phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng, hay vì gia đình có nhiều khó khăn, neo đơn thì được tạm hoãn bắt buộc giáo dục lao động tập trung trong một thời hạn cần thiết. Trong thời gian tạm hoãn, nếu đương sự biết ăn năn, sửa chữa các thiếu sót, làm ăn chính đáng, được chánh quyền địa phương xác nhận và đề nghị thì cơ quan ra quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung xem xét xóa bỏ quyết định hoặc rút ngắn thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Chương II.

HÌNH THỨC, THỜI HẠN BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG

Điều 3. Người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung được đưa đến lao động, học tập và sinh hoạt tại Trường giáo dục lao động công nông nghiệp.

Điều 4. Tùy sự cần thiết phải giáo dục đối với từng đối tượng, thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung theo 4 mức : 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng do cấp ra quyết định quy định.

Tùy theo tinh thần và thái độ lao động của từng người, thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung nói trên được rút ngắn hoặc kéo dài thêm. Thời hạn kéo dài bắt buộc giáo dục lao động tập trung không quá 2 năm.

Chương III.

THỦ TỤC VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG

Điều 5. Việc xử lý bắt buộc giáo dục lao động tập trung phải theo đúng thủ tục quy định như sau :

1) Người có hộ khẩu thường trú ở thành phố, xét cần thiết phải bắt buộc giáo dục lao động tập trung thì Công an phường, xã lập hồ sơ từng đối tượng, Ủy ban nhân dân phường, xã xem xét và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định (qua Công an quận, huyện).

Công an quận, huyện có trách nhiệm xem xét hồ sơ do Ủy ban nhân dân phường xã đưa lên và đề xuất ý kiến cho Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định.

2) Người các địa phương khác đến thành phố vi phạm các quy định về trật tự công cộng, bị Công an thành phố và quận, huyện bắt giữ nhưng sau khi thẩm tra xét không cần thiết hoặc chưa đến mức phải truy tố trước pháp luật (có quyết định miễn tố của Viện kiểm sát nhân dân), cần áp dụng biện pháp bắt buộc giáo dục lao động tập trung thì Công an thành phố lập ngay hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định trong thời hạn 10 ngày sau khi có quyết định miễn tố của Viện kiểm sát nhân dân. Trường hợp này thời hạn bắt buộc lao động tập trung được tính từ ngày Công an bắt giữ.

Điều 6. Hồ sơ bắt buộc giáo dục lao động tập trung trình Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định gồm có :

1) Bản tóm tắt lý lịch của đương sự, có xác nhận của chánh quyền địa phương nếu đương sự thường trú tại thành phố.

2) Những tài liệu, văn bản chứng minh hành vi vi phạm của đương sự như: bản kiểm điểm tổ dân phố, biên bản phạm pháp v.v…

3) Văn bản kiến nghị về đối tượng bắt buộc lao động của đoàn thể quần chúng ở cơ sở (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận v.v…) nếu có.

4) Công văn của Ủy ban nhân dân phường xã hoặc của Công an thành phố (nếu trường hợp bắt buộc lao động do Ủy ban nhân dân thành phố ký) đề nghị bắt buộc giáo dục lao động tập trung, ghi rõ thời hạn bắt buộc lao động, kể từ ngày nào.

Điều 7. Cấm không được bắt đối tượng đưa đi bắt buộc giáo dục lao động tập trung khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền (điều 5).

Quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung phải ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú của đương sự, thời hạn bắt buộc lao động (ngày bắt đầu, ngày kết thúc) địa điểm bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Điều 8. Sau khi nhận được quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung, Công an phường xã có trách nhiệm truyền đạt trực tiếp cho gia đình đương sự, giao quyết định cho đương sự (có ký nhận) giúp cho đương sự nghiêm chỉnh thi hành quyết định.

Điều 9. Người phạm pháp hình sự phải đưa ra Tòa án xét xử theo Luật hình sự. Trường hợp không cần thiết truy tố, Viện kiểm sát nhân dân ra quyết định miễn tố phải trả tự do ngay theo luật định, trừ trường hợp nói ở điểm 2, điều 5.

Cấm tiếp tục giam giữ và chuyển những người được Viện kiểm sát nhân dân miễn tố sang xử lý bắt buộc giáo dục giáo dục lao động tập trung không qua thủ tục trên.

Điều 10. Người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung nếu thấy biện pháp xử lý không đúng theo quy định của Nhà nước có quyền khiếu nại lên Ủy ban nhân dân đã ra quyết định hoặc Ủy ban thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện hoặc thành phố.

Các cơ quan nhận đơn phải xem xét, giải quyết và trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn của đương sự.

Trong khi chờ đợi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đương sự vẫn phải chấp hành quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung, kết quả giải quyết đơn khiếu nại của đương sự phải được thông báo bằng văn bản cho đương sự và Hiệu trưởng Trường giáo dục lao động công nông nghiệp biết để thực hiện.

Chương IV.

VIỆC RÚT NGẮN VÀ KÉO DÀI THỜI HẠN BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG

Điều 11. Người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung khi hết thời hạn bắt buộc lao động được Ban Giám hiệu Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp cấp giấy công nhận và giới thiệu về địa phương đề tiếp tục làm ăn sanh sống bình thường.

Cấm kéo dài thời hạn bắt buộc lao động nếu không có quyết định của cơ quan đã ra quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung

Điều 12. Thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung được rút ngắn lại hoặc bị kéo dài thêm do quyết định của cấp đã ra quyết định theo đề nghị của Ban Giám hiệu Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp.

1) Thời hạn bắt buộc lao động được rút ngắn đối với các đối tượng sau đây :

- Người luôn hoàn thành tốt công việc được giao, chấp hành tốt nội quy của trường, có thành tích trong lao động học tập như : vượt định mức lao động, có sáng kiến mang lại giá trị kinh tế…

- Người có hoàn cảnh gia đình khó khăn cần chiếu cố (vợ hay chồng chết, con nhỏ không ai nuôi dưỡng…) theo đề nghị của chánh quyền địa phương.

2) Thời hạn bắt buộc lao động được kéo dài đối với :

- Người trong lao động không tiến bộ, vi phạm nội quy, kỷ luật của trường, trốn trường.

- Những người không hoàn thành nhiệm vụ được giao, chây lười lao động.

Cứ 3 tháng 1 lần, Ban Giám hiệu Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp tiến hành xét, đề nghị số người cho về trước thời hạn hoặc kéo dài thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

3) Trong thời gian bắt buộc giáo dục lao động tập trung nếu đương sự bị bệnh nặng, có gia đình bảo lãnh thì Ban Giám hiệu Trường giáo dục lao động công nông nghiệp cấp giấy giới thiệu cho đương sự về địa phương trị bệnh. Hết hạn trị bệnh đương sự phải trở lại trường tiếp tục thực hiện việc bắt buộc giáo dục lao động tập trung. Thời gian trị bệnh ở địa phương không kể vào thời gian bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Chương V.

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI BỊ BẮT BUỘC GIÁO DỤC LAO ĐỘNG TẬP TRUNG

Điều 13. Người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung có nhiệm vụ:

1) Nghiêm chỉnh chấp hành quyết định bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

2) Chấp hành tốt nội qui kỷ luật lao động, học tập, sinh hoạt và hoàn thành công việc được giao.

3) Đoàn kết, học tập rèn luyện, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Điều 14. Trong thời gian lao đồng tại Trường giáo dục lao động công nông nghiệp, người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung được hưởng chế độ như người đi làm hợp đồng có thời hạn cho Nhà nước, và chế độ quy định trong quyết định số 333/QĐ-UB ngày 14-12-1979, quyết định số 388/QĐ-UB ngày 26-6-1982 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 15. Người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung trốn khỏi trường 2 lần trở lên, hoặc những người đã hết hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung (kể cả thời gian kéo dài) nhưng không tiến bộ, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật nội qui của trường thì chuyển sang tập trung giáo dục cải tạo theo quyết định số 154/CP ngày 01-10-1973 và thông tư số 121/CP ngày 9-8-1961 của Hội đồng Chính phủ.

Trong trường hợp chống lại hoặc không chấp hành quyết định về bắt buộc giáo dục lao động tập trung của cơ quan có thẩm quyền, hoặc trong quá trình lao động có những hành vi phạm pháp như : cướp của, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân, hoặc có hành vi phạm pháp khác được quy định trong Bộ luật hình sự thì cơ quan Công an lập hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố ra Tòa án xét xử theo luật hình, không chuyển sang tập trung cải tạo.

Khi hết hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung, người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung, có hộ khẩu gốc thường trú thành phố được chánh quyền địa phương giúp đỡ, tạo công việc làm để ổn định đời sống. Nếu tự nguyện xin gia nhập lực lượng thanh niên xung phong hoặc lao động ở các công nông lâm trường sẽ được Trường và chánh quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ.

Đối với người không có hộ khẩu ở thành phố thì được giới thiệu về quê cũ hoặc giúp đỡ tìm việc làm ở các công nông, lâm trường hoặc định cư làm ăn sinh sống ở vùng kinh tế mới.

Chương VI.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16.

 1) Ủy ban nhân dân phường, xã có trách nhiệm :

a) Nắm chắc lực lượng lao động và bố trí, sắp xếp công việc làm cho người lao động ở địa phương.

Phát huy sức mạnh của đoàn thể, tổ dân phố để thường xuyên nhắc nhở giáo dục những người có sức lao động nhưng không chịu lao động.

Xem xét hồ sơ các đối tượng đã giáo dục nhắc nhở nhưng không tiếp thu sửa chữa để đề nghị lên Ủy ban nhân dân quận, huyện xét quyết định hình thức bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Giúp đỡ người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung về tìm việc làm, ổn định đời sống.

2) Ủy ban nhân dân quận, huyện xét và giải quyết kịp thời các trường hợp cần bắt buộc giáo dục lao động tập trung, giảm hoặc gia hạn thời gian bắt buộc giáo dục lao động tập trung đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền.

Điều 17. Công an thành phố hướng dẫn Công an quận, huyện, phường, xã thực hiện đúng quy định về chế độ bắt buộc giáo dục lao động tập trung. Thông qua công tác giữ gìn trật tự trị an, nắm tình hình và quản lý hộ khẩu, thực hiện các biện pháp quản lý hành chánh trật tự an toàn xã hội trong địa phương, phân loại, lập hồ sơ đề nghị các đối tượng cần phải bắt buộc giáo dục lao động tập trung theo quy định ở điều 1.

Điều 18.

1) Sở Lao động, Phòng Lao động và Ban kế hoạch quận, huyện, Ban tiểu thủ công nghiệp phường, xã thông qua việc đăng ký lao động điều động và sắp xếp việc làm cho người chưa có việc làm, cung cấp tài liệu và kiến nghị với Ủy ban nhân dân phường xã, hoặc quận, huyện số người cần bắt buộc giáo dục lao động tâp trung trở về địa phương.

2) Sở Thương binh xã hội và Sở Lao động thành phố có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất chỉ đạo, tổ chức, quản lý công tác bắt buộc giáo dục lao động tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh về các mặt quy định trong quyết định số 03/QĐ-UB ngày 04-01-1985 của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Thương binh xã hội thường xuyên theo dõi chỉ đạo các Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp về nội dung hoạt động, giúp các Trường giải quyết các khó khăn và thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Quận, huyện và các ngành quản lý các Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp chịu sự chỉ đạo, quản lý ngành của Sở Thương binh xã hội về các mặt công tác giáo dục bắt buộc lao động và có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra tạo điều kiện cho Trường hoạt động đúng theo quyết định số 03/QĐ-UB ngày 04-01-1985 của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 19. Ban Giám hiệu trường Giáo dục lao động công nông nghiệp có trách nhiệm :

1) Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh chế độ bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

2) Tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần cho người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

3) Hàng tháng tổ chức kiểm điểm nhận xét về kết quả lao động, sự tiến bộ của từng người. Thực hiện đúng thủ tục, kịp thời cho về đúng hạn, giảm thời hạn hoặc kéo dài thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung đã quy định ở điều 11, điều 12.

4) Tạo điều kiện cho người hết hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung dễ dàng trở về địa phương và giúp họ trong việc tìm việc làm thích hợp.

Điều 20. Những người có trách nhiệm thi hành quy định về bắt buộc giáo dục lao động tập trung, nếu vi phạm một trong các trường hợp sau đây tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật hành chánh theo Nghị định số 217/CP ngày 08-6-1979 hoặc truy tố ra Tòa án để xét xử về hình sự :

1) Vì cảm tình, nể nang hoặc nhận hối lộ, che chở cho các đối tượng ghi ở điều 1 không bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

2) Vì thành kiến cá nhân hoặc lợi dụng chức quyền cố ý đề nghị sai đối tượng bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung hoặc nhận xét sai kết quả lao động, hoặc tâm dẫn đến việc kéo dài thời hạn bắt buộc giáo dục lao động tập trung không đúng quy định.

3) Đưa đi bắt buộc giáo dục lao động tập trung mà không có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, giữ người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung quá thời hạn, hoặc dùng hình thức trù dập người bị bắt buộc giáo dục lao động tập trung, cắt xén các chế độ được hưởng của người bắt buộc giáo dục lao động tập trung.

Điều 21. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành quyết định này.