ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1284/QĐ-UBND | Thái Bình, ngày 23 tháng 5 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP (IPM) TRÊN CÂY TRỒNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
- Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
- Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 01/01/2015;
- Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014;
- Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 24/4/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015;
- Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;
- Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Căn cứ Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020;
- Căn cứ Quyết định số 3312/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Căn cứ Quyết định số 113/QĐ-BCĐTCCNN ngày 26/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Căn cứ Quyết định số 114/QĐ-BCĐTCCNN ngày 29/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 130/TTr- SNNPTNT ngày 18/5/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2017 - 2020 (sau đây viết tắt là Đề án), với những nội dung sau:
I. SỰ CẦN THIẾT
Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là hệ thống quản lý dịch hại dựa trên các nguyên tắc cơ bản, bao gồm: Gieo trồng và chăm sóc cây khỏe; kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để nắm được sinh trưởng, phát triển của cây trồng, thời tiết, dịch hại, thiên địch...; đào tạo nông dân hiểu biết kỹ thuật, có kỹ năng quản lý đồng ruộng và kỹ năng tuyên truyền để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho nhiều nông dân khác; bên cạnh đó, việc thực hiện IPM sẽ hạn chế tối đa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (thuốc BVTV), bảo vệ các loài sinh vật (thiên địch) có ích, nâng cao năng suất cây trồng, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Mặt khác, IPM xây dựng được các quy trình kỹ thuật cụ thể đối với từng cây trồng như lúa, rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp... để sản xuất theo tiêu chuẩn chuỗi an toàn thực phẩm, GAP/VietGAP.
Những năm gần đây, dịch hại trên các loại cây trồng phát triển mạnh và diễn ra khá phức tạp do ảnh hưởng của các hoạt động sản xuất như chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, thuốc BVTV, phân bón, đặc biệt là diễn biến bất thường của thời tiết do biến đổi khí hậu toàn cầu. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV ngày càng trở nên phổ biến, làm tăng khả năng kháng thuốc, suy giảm hệ ký sinh - thiên địch, để lại dư lượng độc tồn tại trên nông sản, đất, nước, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng, phá vỡ sự bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp.
IPM có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên do chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng nông dân lệ thuộc vào thuốc BVTV, phân bón hóa học đang có xu hướng ngày càng tăng dẫn đến các hệ lụy về sự bùng phát của dịch hại, tài nguyên đất đai suy thoái, lượng tồn dư thuốc BVTV trên nông sản cao, làm giảm giá trị hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường và đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Việc triển khai, thực hiện Đề án Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2017 - 2020 rất cần thiết, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Nâng cao nhận thức, kiến thức về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho nông dân và cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật cấp xã.
- Mở rộng ứng dụng IPM trên cây trồng nhằm góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả sản xuất và phát triển nông nghiệp bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
2.1. Trên 60% số xã, phường có đội ngũ nông dân nòng cốt hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả về IPM;
2.2. Trên cây lúa: Có 30% diện tích ứng dụng IPM đầy đủ; trên 50% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm 20 - 30%, lượng phân đạm giảm trên 10%, lượng giống giảm trên 20%, lượng nước tưới giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 10%.
2.3. Cây rau: Có 30% diện tích ứng dụng IPM; trên 30% số hộ nông dân sản xuất hiểu biết và áp dụng IPM; lượng thuốc hóa học trừ sâu, bệnh giảm trên 30%, lượng phân đạm giảm trên 20%, lượng giống giảm trên 20%, tăng hiệu quả sản xuất trên 20%.
2.4. Xây dựng 02 mô hình, mỗi mô hình 50ha áp dụng IPM để đánh giá hiệu quả và làm cơ sở nhân rộng mô hình ở những năm tiếp theo.
3. Nội dung và kế hoạch triển khai
3.1. Đào tạo giảng viên - TOT về IPM:
- Mục đích: Đào tạo nguồn lực tại chỗ cho các huyện, thành phố sản xuất lúa trong tỉnh để nâng cao trình độ, phương pháp hướng dẫn, giám sát và tổ chức ứng dụng IPM.
- Đối tượng đào tạo: Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình.
- Số lượng: 01 lớp (30 học viên/lớp).
- Giảng viên: 05 giảng viên/lớp huấn luyện TOT.
- Thời gian: Vụ Mùa 2017.
- Nội dung đào tạo:
+ Phương pháp huấn luyện nông dân.
+ Điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng.
+ Tiến hành các thực nghiệm đồng ruộng.
+ Sinh lý cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng.
+ Nuôi côn trùng.
+ Quản lý dịch hại tổng hợp (một số đối tượng sâu, bệnh hại chính).
+ Phương pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch.
+ Các chủ đề đặc biệt.
+ Trò chơi, văn nghệ IPM.
+ Thực hành huấn luyện nông dân tại 05 lớp trong suốt vụ lúa mùa năm 2017: 30 nông dân/lớp.
- Dự kiến kết quả đạt được: Đào tạo được 30 giảng viên có khả năng xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động IPM tại địa phương và nông dân được học về IPM.
3.2. Mở lớp huấn luyện nông dân về IPM: Từ năm 2018 đến năm 2020.
- Mục đích: Giúp cán bộ địa phương và nông dân nâng cao kỹ thuật thâm canh lúa, thay đổi quan điểm chỉ đạo, thay đổi tập quán sản xuất; tạo nguồn lực cho địa phương để tổ chức, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân thực hiện phòng, trừ dịch hại tổng hợp theo hướng bền vững.
- Đối tượng: Các hộ nông dân trực tiếp sản xuất lúa trong tỉnh.
- Số lượng: 180 lớp.
- Thời gian: 14 tuần/lớp/vụ (01 ngày/tuần).
- Phương pháp tổ chức: Thực hành trên đồng ruộng, trao đổi và thảo luận tập trung tại hội trường.
- Nội dung huấn luyện: Phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái đồng ruộng; tổ chức thực hiện thí nghiệm đồng ruộng; nuôi côn trùng; sinh lý cây lúa qua các giai đoạn sinh trưởng phát triển; sâu bệnh hại; phân bón; biện pháp canh tác; sử dụng an toàn thuốc BVTV; hạch toán kinh tế trong sản xuất lúa,...
- Dự kiến kết quả: Nông dân sau khi được học IPM sẽ nâng cao nhận thức về canh tác lúa, hiểu và thực hành về phòng, trừ dịch hại tổng hợp trên lúa, có khả năng tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân khác thực hiện.
3.3. Xây dựng mô hình IPM trên lúa:
- Địa điểm: Tại các xã đã tổ chức lớp huấn luyện nông dân IPM.
- Số lượng: 02 mô hình.
- Quy mô: 50 ha/01 mô hình.
- Số người tham gia: Dự kiến 250 nông dân/01 mô hình.
- Nội dung:
+ Triển khai kế hoạch với nông dân tham gia mô hình.
+ Điều tra tập quán sản xuất.
+ Tổ chức thực hiện mô hình.
+ Tập huấn cho nông dân tham gia mô hình: 06 ngày/vụ (Theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa).
+ Hỗ trợ 100% tiền giống, 30% phân bón hữu cơ sinh học, thuốc BVTV.
+ Hỗ trợ công kỹ thuật và theo dõi, chỉ đạo mô hình.
+ Tổ chức hội nghị, hội thảo đầu bờ.
- Triển khai, thực hiện:
+ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các huyện, thành phố chọn địa điểm, cử cán bộ tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn tổ chức thực hiện mô hình, hỗ trợ vật tư phục vụ thực hiện mô hình.
+ Địa phương (Xã, phường, thị trấn, Hợp tác xã...): Tổ chức nhóm nông dân, nông dân nòng cốt hướng dẫn, giám sát nông dân tham gia mô hình thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật, bố trí đồng ruộng, tổ chức các buổi tập huấn nông dân và cùng với cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật giải quyết những khó khăn phát sinh khi thực hiện mô hình.
+ Nông dân tham gia mô hình: Thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
4. Kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện
4.1. Kinh phí thực hiện: Dự kiến tổng kinh phí thực hiện 6.364.590.000 đồng (Sáu tỷ, ba trăm sáu mươi tư triệu, năm trăm chín mươi nghìn đồng), trong đó:
- Đào tạo giảng viên (TOT): 01 lớp x 281.715.000 đồng/lớp = 281.715.000 đồng.
- Lớp huấn luyện nông dân IPM: 180 lớp x 31.450.000 đồng/lớp = 5.661.000.000 đồng.
- Xây dựng mô hình: 02 mô hình x 210.937.500 đồng/MH = 421.875.000 đồng.
4.2. Phân kỳ thực hiện:
- Năm 2017 (từ tháng 6 đến tháng 11/2017, đào tạo 01 lớp Giảng viên IPM - TOT): 01 lớp x 281.715.000 đồng/lớp = 281.715.000 đồng.
- Năm 2018: 2.097.937.500 đồng:
+ Mở 60 lớp huấn luyện nông dân IPM: 60 lớp x 31.450.000 đồng/lớp = 1.887.000.000 đồng.
+ Xây dựng 01 mô hình IPM trên lúa: 01 mô hình x 210.937.500 đồng/MH = 210.937.500 đồng.
- Năm 2019: 2.097.937.500 đồng:
+ Mở 60 lớp huấn luyện nông dân IPM: 60 lớp x 31.450.000 đồng/lớp = 1.887.000.000 đồng.
+ Xây dựng 01 mô hình IPM trên lúa: 01 mô hình x 210.937.500 đồng/MH = 210.937.500 đồng.
- Năm 2020: Mở 60 lớp huấn luyện nông dân IPM: 60 lớp x 31.450.000 đồng/lớp = 1.887.000.000 đồng.
4.3. Nguồn kinh phí: Từ nguồn kinh phí khuyến nông hàng năm.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thành lập Ban chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh, gồm lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cùng các cấp, các ngành có liên quan;
- Giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan chỉ đạo, tổ chức, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, kế hoạch thực hiện Đề án. Xây dựng và chuẩn bị các tài liệu khung đào tạo, huấn luyện IPM; xây dựng, hoàn thiện quy trình phòng, trừ dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng nông nghiệp phù hợp với điều kiện tại địa phương. Xây dựng dự toán kinh phí cụ thể cho các nội dung, gửi Sở Tài chính thẩm định;
- Kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai, thực hiện Đề án, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án hàng quý, hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn để triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án.
3. Sở Tài chính: Thẩm định dự toán kinh phí cho từng nội dung thực hiện Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng; căn cứ Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cân đối, bố trí kinh phí, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ để thực hiện hàng năm.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền việc triển khai Đề án Quản lý dịch hại tổng hợp “IPM” giai đoạn 2017 - 2020 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, Thành phố:
- Chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện các nội dung Đề án;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, thực hiện Đề án trên địa bàn với mục tiêu kế hoạch đề ra.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc Sở: Nông nghiệp Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Kế hoạch 2146/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2018-2020 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 2 Quyết định 595/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên
- 3 Quyết định 3312/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 4 Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2015 về triển khai Đề án Đẩy mạnh áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 tại tỉnh Phú Yên
- 5 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6 Quyết định 2027/QĐ-BNN-BVTV năm 2015 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 8 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013
- 9 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Quyết định 429/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt danh mục, số lượng thuốc bảo vệ thực vật dự trữ phòng chống dịch hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 11 Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2012 Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015 do Chính phủ ban hành
- 12 Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13 Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 14 Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1 Quyết định 429/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt danh mục, số lượng thuốc bảo vệ thực vật dự trữ phòng chống dịch hại cây trồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 2 Kế hoạch 125/KH-UBND năm 2015 về triển khai Đề án Đẩy mạnh áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2015-2020 tại tỉnh Phú Yên
- 3 Quyết định 595/QĐ-UBND năm 2016 về Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên
- 4 Kế hoạch 2146/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng giai đoạn 2018-2020 do tỉnh Bình Dương ban hành
- 5 Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2021 triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2021-2023 do tỉnh Nam Định ban hành
- 6 Kế hoạch 03/KH-UBND năm 2021 triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025