Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2012/QĐ-UBND

 Đà Nẵng, ngày 26 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ số 43/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khoá VIII, nhiệm kỳ 2011-2016, kỳ họp thứ 3 về nhiệm vụ năm 2012;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 440/STC-QLNS ngày 20 tháng 3 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Điều 2. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 28/2006/QĐ-UBND ngày 03 tháng 4 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành Quy chế thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn phường, xã thuộc thành phố Đà Nẵng và Quyết định số 29/2009/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2009 về vận động đóng góp xây dựng Quỹ quốc phòng, an ninh trên địa bàn 10 phường thực hiện thí điểm tổ chức lực lượng Dân quân thường trực. Việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc Sở Tài chính; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; Giám đốc Công an thành phố; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đà Nẵng; Chủ tịch UBND các quận, huyện; Chủ tịch UBND các phường, xã; Các hộ gia đình, tổ chức và đơn vị có liên quan trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Văn Hữu Chiến

 

QUY CHẾ

THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 13 /2012/QĐ-UBND ngày 26 tháng 3 năm 2012 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quỹ quốc phòng - an ninh được lập ở phường, xã do cơ quan, tổ chức, hộ gia đình hoạt động, cư trú trên địa bàn thành phố tự nguyện đóng góp; Ngoài ra, Quỹ quốc phòng - an ninh còn tiếp nhận mọi khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ và các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở phường, xã.

Điều 2. Nguyên tắc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Quỹ quốc phòng - an ninh là loại quỹ chuyên dùng; Chủ tài khoản Quỹ quốc phòng - an ninh là Chủ tịch UBND phường, xã. Chủ tịch UBND phường, xã có trách nhiệm tổ chức thu, chi Quỹ theo quy định pháp luật.

2. UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp dịch vụ công mà người dân được hưởng.

3. Vận động đúng đối tượng.

4. Mức vận động đóng góp không vượt quá mức quy định tại Điều 4 Quy chế này. Trường hợp, có tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự nguyện tham gia đóng góp cao hơn mức quy định thì các phường, xã được phép tiếp nhận và nộp đầy đủ vào Quỹ quốc phòng - an ninh của phường, xã.

5. Việc vận động đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh phải tự nguyện, công khai, minh bạch và việc sử dụng Quỹ phải đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 3. Đối tượng

1. Đối tượng vận động đóng góp

Đối tượng vận động đóng góp

- Hộ gia đình hoạt động, cư trú trên địa bàn thành phố.

- Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố.

b) Tiếp nhận mọi khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Quỹ quốc phòng - an ninh.

2. Đối tượng miễn vận động đóng góp

a) Hộ gia đình mà chủ hộ là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh 1/4, hộ nghèo, hộ cứu tế thường xuyên.

b) Đồng bào dân tộc xã Hòa Phú và xã Hoà Bắc thuộc huyện Hòa Vang.

Điều 4. Mức đóng góp

1. Mức đóng góp đối với hộ gia đình

a) Phân vùng

- Vùng 1, gồm 16 phường: Hải Châu 1, Hải Châu 2, Phước Ninh, Hòa Thuận Đông, Nam Dương, Thanh Bình, Thạch Thang (thuộc quận Hải Châu); An Khê, Tân Chính, Xuân Hà, Hòa Khê, Thạc Gián, Vĩnh Trung, Chính Gián, Thanh Khê Đông (thuộc quận Thanh Khê); An Hải Bắc (thuộc quận Sơn Trà).

- Vùng 2, gồm 16 phường: Thuận Phước, Bình Thuận, Bình Hiên, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam (thuộc quận Hải Châu); Thanh Khê Tây, Tam Thuận (thuộc quận Thanh Khê); An Hải Đông, An Hải Tây, Phước Mỹ, Thọ Quang (thuộc quận Sơn Trà); Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh (thuộc quận Liên Chiểu), Khuê Trung, Hòa An, Hòa Thọ Đông (thuộc quận Cẩm Lệ).

- Vùng 3, gồm 20 phường, xã: Hòa Thuận Tây (thuộc quận Hải Châu); Mân Thái, Nại Hiên Đông (thuộc quận Sơn Trà); Hòa Quý, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Mỹ An (thuộc quận Ngũ Hành Sơn); Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Nam (thuộc quận Liên Chiểu); Hòa Thọ Tây, Hòa Xuân, Hòa Phát (thuộc quận Cẩm Lệ); Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Sơn (thuộc huyện Hòa Vang).

- Vùng 4, gồm 4 xã: Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Phú.

b) Mức vận động đóng góp

Đơn vị tính: Đồng/năm

STT

Đối tượng

Mức vận động đóng góp

Vùng 1

Vùng 2

Vùng 3

Vùng 4

1

Hộ gia đình không sản xuất kinh doanh

100.000

80.000

60.000

40.000

2

Hộ gia đình có sản xuất kinh doanh

700.000

500.000

300.000

100.000

2. Mức đóng góp đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp

a) Cơ quan cấp Trung ương, thành phố : 1.000.000 đồng/năm.

b) Cơ quan cấp quận, huyện, phường, xã : 600.000 đồng/năm.

3. Mức đóng góp đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh

a) Cơ sở có dưới 50 lao động : 1.000.000 đồng/năm.

b) Cơ sở có từ 50 lao động trở lên : 1.500.000 đồng/năm.

4. Mức đóng góp đối với các cơ sở kinh doanh khách sạn, vàng bạc, vũ trường, karaoke

a) Đối với các quận : 2.000.000 đồng/năm.

b) Đối với huyện Hoà Vang : 1.000.000 đồng/năm.

Chương III

PHƯƠNG THỨC THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG - AN NINH

Điều 5. Nguồn hình thành Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Từ nguồn thu đóng góp của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình hoạt động, cư trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo mức đóng góp quy định tại Điều 4 Quy chế này.

2. Từ sự đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho Quỹ.

Điều 6. Phương thức thu, nộp Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Cơ quan thực hiện thu: UBND các phường, xã.

2. Phương thức thu

a) Bằng chuyển khoản: Đơn vị, tổ chức, cá nhân chuyển vào tài khoản Quỹ.

b) Bằng tiền mặt: UBND phường, xã thu bằng biên lai thu tiền do Sở Tài chính phát hành theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 7. Quản lý nguồn thu Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Toàn bộ số thu đóng góp xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh được nộp vào tài khoản tiền gửi, mở tại Kho bạc Nhà nước quận, huyện. Quỹ do Chủ tịch UBND phường, xã làm chủ tài khoản.

2. Định kỳ hàng quý, Chủ tài khoản trích từ tài khoản tiền gửi nộp vào ngân sách phường, xã theo quy định. Trường hợp khi kết thúc năm ngân sách số dư trên tài khoản tiền gửi vẫn còn thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện.

Điều 8. Sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh

1. Chi cho công tác tổ chức thu với mức tối đa không quá 10% trên tổng số thực thu, gồm:

- Mua biên lai ấn chỉ;

- Văn phòng phẩm;

- Trả thù lao cho tổ chức, cá nhân trực tiếp làm công tác vận động đóng góp, trực tiếp thu.

2. Số còn lại trên tổng số thu đóng góp, cùng với số dự toán ngân sách bố trí cho công tác an ninh - quốc phòng tại địa phương hàng năm, được sử dụng để chi các nội dung: hỗ trợ cho xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, các hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại phường, xã và các khoản chi khác theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, cụ thể:

- Chi hỗ trợ cho lực lượng dân quân thường trực và dân quân trực thường xuyên phường, xã, cụ thể gồm: đảm bảo chế độ ăn, nhà ở, giường ngủ, bàn ghế làm việc, dụng cụ cấp dưỡng, dầu, đèn, điện, nước, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, huấn luyện và các nội dung khác;

- Chi trợ cấp hàng tháng cho lực lượng dân phòng;

- Hỗ trợ cho công tác huấn luyện dân quân tự vệ tại địa phương;

- Chi thăm viếng, động viên người thuộc lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng bị nạn khi tham gia giữ gìn an ninh - quốc phòng ở cơ sở;

- Chi khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất trong việc tham gia giữ gìn an ninh - quốc phòng ở cơ sở;

- Chi sơ kết, tổng kết hoạt động phối hợp bảo vệ an ninh trật tự ở phường, xã;

- Các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Điều 9. Công tác lập dự toán

Hàng năm, UBND phường, xã lập dự toán thu, chi Quỹ gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện để tổng hợp gửi Sở Tài chính làm cơ sở bố trí dự toán chi theo quy định.

Điều 10. Kế toán, báo cáo quyết toán và công khai Quỹ

1. Quỹ được hạch toán theo hệ thống mục lục ngân sách nhà nước và kế toán theo chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã do Bộ Tài chính quy định.

2. Hàng quý, đơn vị phải thực hiện nộp vào ngân sách theo chương 860 - tiểu mục 4504; Toàn bộ số thu Quỹ quốc phòng - an ninh được điều tiết 100% cho ngân sách xã, phường. Không được sử dụng kinh phí từ Quỹ quốc phòng - an ninh để chi cho các nội dung khác ngoài những nội dung nêu tại Điều 8 Quy chế này.

3. Định kỳ hàng quý (trước ngày 05 của tháng đầu quý sau), hàng năm (trước ngày 10 của tháng đầu năm sau), UBND phường, xã báo cáo kết quả thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn phường, xã gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện; Phòng Tài chính - Kế hoạch quận, huyện tổng hợp kết quả thực hiện thu, chi Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn quận, huyện, báo cáo UBND quận, huyện và gửi Sở Tài chính (trước ngày 10 của tháng đầu quý sau đối với báo cáo quý và trước ngày 15 của tháng đầu năm sau đối với báo cáo năm) để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.

2. UBND các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng cấp hướng dẫn UBND phường, xã triển khai thực hiện việc thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện tại các phường, xã nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm trong tổ chức vận động.

3. UBND các phường, xã có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến Quy chế này đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và các tổ chức có liên quan trên địa bàn để biết thực hiện.

4. Các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn thành phố tích cực đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh tại địa phương để xây dựng Quỹ quốc phòng - an ninh trên địa bàn phường, xã.

Điều 12. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng, quản lý và đóng góp Quỹ quốc phòng - an ninh được khen thưởng theo chế độ quy định của Nhà nước.

2. Người được giao nhiệm vụ vận động thu, quản lý và sử dụng Quỹ quốc phòng - an ninh địa phương mà vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 13. Điều khoản thi hành

Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vấn đề vướng mắc hoặc phát sinh, các địa phương, đơn vị cần phản ánh về UBND thành phố (thông qua Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và Sở Tài chính) để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.