ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2013/QĐ-UBND | Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 20 tháng 02 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 07 THÁNG 8 NĂM 2009 CỦA TỈNH UỶ BÀ RỊA - VŨNG TÀU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI THÀNH PHỐ VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2015, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vũng Tàu đến năm 2015, có tính đến năm 2020;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu tại Văn bản số 40/UBND-VP ngày 05 tháng 01 năm 2013 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 196/SKHĐT-QHĐP ngày 05 tháng 02 năm 2013 về việc ban hành Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vũng Tàu đến năm 2015, có tính đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vũng Tàu đến năm 2015, có tính đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký. Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TU NGÀY 07 THÁNG 8 NĂM 2009 CỦA TỈNH UỶ BÀ RỊA - VŨNG TÀU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI THÀNH PHỐ VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2015, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ngày 07 tháng 8 năm 2009, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vũng Tàu đến năm 2015, có tính đến năm 2020. Nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh uỷ, phấn đấu xây dựng Vũng Tàu là ''thành phố du lịch, dịch vụ văn minh, sạch đẹp, hiện đại, có vị trí ngày càng quan trọng đối với tỉnh và khu vực; trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2015 '', Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh uỷ, như sau:
A/ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
- Nhằm thực hiện thắng lợi quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vũng Tàu, đó là: Phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế so sánh, khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, làm cho thành phố Vũng Tàu có vị trí ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và khu vực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Xây dựng kết cấu hạ tầng của thành phố Vũng Tàu từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ, theo hướng hiện đại. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Vũng Tàu trở thành đô thị du lịch, dịch vụ, văn minh, hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu là đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2015.
B/ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
I/ Về phát triển kinh tế:
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu về phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vũng Tàu đến năm 2015, có tính đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định thành phố Vũng Tàu phải duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và cơ cấu kinh tế như sau:
- Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,5%. Trong đó, cơ cấu kinh tế là: dịch vụ: 64%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 27%; nông nghiệp (chủ yếu là hải sản): 9%.
- Giai đoạn 2, từ năm 2016 đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 14%. Trong đó, cơ cấu kinh tế là: dịch vụ: 65%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 28%; nông nghiệp (chủ yếu là hải sản): 7%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra, yêu cầu thành phố Vũng Tàu và các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Dịch vụ:
Dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Vũng Tàu; phát triển kinh tế dịch vụ với tốc độ tăng trưởng cao làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Về dịch vụ du lịch:
- Phấn đấu lượng khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố đến năm 2015 là 6 triệu lượt người, đến năm 2020 khoảng 10 triệu lượt người, tỷ lệ khách quốc tế khoảng từ 5 đến 7% so với tổng lượng khách tham quan, du lịch. Doanh thu dịch vụ du lịch tăng bình quân hàng năm khoảng 15%.
- Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch thành phố Vũng Tàu đến năm 2020;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung phát triển các loại hình du lịch kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao - giải trí, du lịch hội thảo - hội nghị, du lịch sinh thái và du lịch lịch sử, văn hóa.
- Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn cho du khách.
- Khảo sát thực trạng, nhu cầu và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, văn hoá ứng xử trong hoạt động du lịch.
b) Về thương mại:
- Phát triển dịch vụ thương mại đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp dân cư và nhu cầu mua sắm của khách du lịch;
- Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, theo phương châm kết hợp hài hoà giữa cơ sở kinh doanh thương mại truyền thống với cơ sở thương mại hiện đại.
- Phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở thương mại truyền thống như hệ thống chợ, của hàng tạp hoá và chuyển đổi mô hình quản lý chợ;
- Xây dựng nền thương mại văn minh như kinh doanh hàng hoá có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hạ tầng kinh doanh ngày càng hiện đại, phương thức thanh toán đa dạng, tiện lợi; đội ngũ kinh doanh thương mại chuyên nghiệp, lịch sự, ứng xử văn hoá; xoá bỏ chợ tạm, chợ tự phát trên toàn địa bàn.
- Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng bán hàng, văn hoá ứng xử cho đội ngũ kinh doanh thương mại.
2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của thành phố phụ thuộc nhiều vào việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án lớn của Trung ương trên địa bàn, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cụ thể như sau:
Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2015: Đảm bảo cơ cấu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong nền kinh tế thành phố là 27%/năm, với một số nhiệm vụ chủ yếu là hình thành khu công nghiệp hoá dầu Long Sơn và cụm tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng (TTCN).
- Giai đoạn 2, từ năm 2016 đến năm 2020: Phấn đấu cơ cấu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong nền kinh tế thành phố là 28%/năm.
3. Nông nghiệp:
a) Trồng trọt, chăn nuôi:
Thực hiện nguyên tắc, định hướng giảm dần diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong quá trình chuyển đổi cần tiếp tục duy trì sản xuất nông nghiệp ở những nơi còn điều kiện sản xuất với diện tích, quy mô phù hợp với các loại cây trồng như rau sạch, nhãn xuồng cơm vàng, hoa, cây cảnh. . ., chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Không khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn các phường nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
b) Thuỷ sản:
- Về khai thác thuỷ sản: Không khuyến khích phát triển thêm số lượng tàu thuyền khai thác thuỷ sản; giảm dần số lượng phương tiện khai thác nhỏ, ven bờ từ 2.000 chiếc xuống còn 1.600 chiếc vào năm 2015 và 1.100 chiếc vào năm 2020; khuyến khích đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy định vị, tầm ngư, thông tin liên lạc; cải tiến đội tàu hiện có đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ, dài ngày trên biển và nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác; khuyến khích phát triển đội tàu dịch vụ trên biển nhằm tăng khả năng cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua sản phẩm khai thác, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả khai thác thuỷ sản.
- Về nuôi trồng thủy sản: Duy trì diện tích nuôi trồng thuỷ sản hiện có; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao sản lượng, chất lượng thuỷ sản nuôi trồng, hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản vùng nuôi hiện hữu (phường 12, khu quy hoạch nuôi lồng bè sông Chà Và, xã Long Sơn) với những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao; phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ sản sinh thái bền vững kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn cảnh quan Phước Cơ; khảo sát, lập phương án sắp xếp, di dời các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản vào khu quy hoạch.
- Về chế biến hải sản: hình thành khu chế biến hải sản tập trung của thành phố vào năm 2015 tại khu vực gò Ông Sầm, phường 12 với diện tích 340 ha để di dời toàn bộ các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào khu chế biến; khuyến khích và tạo điều kiện các tổ chức, cá nhân phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao.
c) Về lâm nghiệp: Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan núi Lớn, núi Nhỏ theo quy hoạch; bảo vệ và phát triển diện tích rừng ngập mặn cảnh quan Phước Cơ; chú trọng phát triển mảng xanh công viên tạo cảnh quan đô thị.
II. Về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch xây dựng; phát triển giao thông và bảo vệ môi trường:
1. Lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành:
- Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vũng Tàu đến năm 2015, có tính đến năm 2020;
- Quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025;
2. Lập và điều chỉnh quy hoạch xây dựng; quy hoạch sử dụng đất và quản lý quy hoạch:
- Tổ chức nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng 1/10.000 thành phố Vũng Tàu;
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2.000 các khu dân cư: Nam Sân bay, Bắc Sân bay, Chí Linh - Cửa Lấp cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị Vũng Tàu hiện tại và đến năm 2020;
- Hoàn thành việc lập quy hoạch phân khu núi Lớn - núi Nhỏ, quy hoạch đảo Gò Găng; Nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu 1/2.000 hoặc 1/5.000 khu vực Phước Cơ - Bắc Phước Thắng, phường 12; Hoàn thành lập đề án khớp nối các quy hoạch 1/2.000 trên địa bàn.
- Lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011- 2015.
- Rà soát quỹ đất, lựa chọn các vị trí phù hợp, ưu tiên dành diện tích đất để bố trí các khu tái định cư cho các đối tượng bị thu hồi đất để triển khai thực hiện các dự án, các dự án phúc lợi công cộng đáp ứng yêu cầu của đô thị loại I.
- Thực hiện công tác nghiên cứu và thiết kế đô thị; xây dựng quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thành phố Vũng Tàu;
- Lập quy hoạch chi tiết cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu; triển khai kịp thời quy hoạch chi tiết 1/500 các khu chức năng của đô thị, đặc biệt là các khu vực cần chỉnh trang, cải tạo như khu vực ven kênh Bến Đình, khu vực Bãi Sau từ khách sạn Tháng Mười đến đường Phan Chu Trinh;
- Tăng cường rà soát các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm việc xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch; kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi những dự án đầu tư không hiệu quả, dự án chậm triển khai, không triển khai theo quy định;
- Xây dựng đề án nâng thành phố Vũng Tàu lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (GIS) trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai và các ngành khác.
3. Về phát triển hạ tầng giao thông:
- Tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông dọc như Quốc lộ 51A, Quốc lộ 51B, đường 30/4; phấn đấu mỗi năm đầu tư từ 1 đến 2 đường thuộc hệ thống đường trục ngang, trước mắt ưu tiên đầu tư các con đường: Nguyễn Hữu Cảnh, Cầu Cháy, Hàng Điều, Biệt Chính, Công Chánh, Lê Phước Từ, Tiền Cảng. . .nhằm hoàn thiện mối liên kết, đảm bảo phát triển hài hòa toàn địa bàn; đầu tư, nâng cấp hoàn thiện mạng lưới đường hẻm, bao gồm hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, thoát nước trong các khu dân cư trung tâm thành phố;
- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương di dời sân bay Vũng Tàu về Gò Găng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng bến xe mới của thành phố Vũng Tàu, tại phường 12; cải tạo nâng cấp các bến tàu khách Cầu Đá, Cầu Quan;
- Khuyến khích phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá bằng đường bộ, đường thuỷ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách. Trong đó ưu tiên phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường;
- Phát triển mạng lưới giao thông công cộng; rà soát quy hoạch các điểm dừng, đỗ xe, bãi đậu xe công cộng.
4. Về bảo vệ môi trường:
- Xây dựng đề án tổng thể bảo vệ môi trường đến năm 2020, có tính đến năm 2030; phấn đấu xây dựng thành phố Vũng Tàu trở thành đô thị văn minh, sạch đẹp, là địa điểm an toàn về môi trường cho dân cư và du khách;
- Khảo sát, lập phương án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư về cụm tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng; không cấp phép các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, các điểm kinh doanh du lịch và các khu dân cư.
- Khuyến khích đầu tư trang thiết bị cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải; từng bước xóa bỏ các điểm trung chuyển rác, tiến tới năm 2020 xoá bỏ hoàn toàn các điểm trung chuyển rác trên địa bàn;
- Đầu tư các dự án bảo vệ môi trường như: dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố Vũng Tàu (vốn ODA), dự án bảo vệ môi trường kênh Bến Đình, hồ Rạch Bà, nạo vét, khơi thông các kênh thoát nước, khôi phục rừng cảnh quan ngập mặn Phước Cơ; tiếp tục đầu tư bảo vệ môi trường, cảnh quan các hồ điều hoà tại trung tâm thành phố.
III/ Về phát triển văn hoá - xã hội:
1. Văn hoá, thể thao:
- Nâng cao chất lượng cuộc vận động ''Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá'', tăng cường đầu tư phát triển phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng và xây dựng nếp sống văn minh đô thị;
- Trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, di tích văn hoá; nghiên cứu trùng tu, tôn tạo khu di tích Trận địa pháo cổ trên núi Nhỏ, Cầu Đá nhằm phát huy giá trị di tích và thu hút khách du lịch;
- Phấn đấu đến năm 2015, 100% phường, xã có Trung tâm Văn hoá học tập cộng đồng; trên 50% phường, xã đạt tiêu chuẩn văn hoá; 85% khu phố đạt tiêu chuẩn khu phố văn hoá; trên 97% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tiếp tục nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho nhân dân. Đến năm 2020 90% khu phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 98% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá.
- Hưởng ứng phong trào ''Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại giai đoạn 2011-2015''; khuyến khích người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ;
- Hình thành một số đội tuyển thể thao tiêu biểu của thành phố gồm các môn: võ thuật, cờ, bơi lội; Đầu tư xây dựng một sân vận động đủ tiêu chuẩn để phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.
- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 40% dân số thành phố; đến năm 2020 tỷ lệ này là 60%.
2. Y tế:
- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
- Hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa Vũng Tàu và 5 trạm y tế; phấn đấu đến năm 2015 100% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 6,5%; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em đạt 98%; tiếp tục hạ thấp mức giảm sinh hàng năm; đến năm 2020 đạt tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 6%; tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em trên 99%.
- Chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Giáo dục, đào tạo:
- Quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống trường lớp, thiết bị dạy và học. Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh các cấp, bao gồm cả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
- Chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục đạo đức, nhân cách, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.
- Phát động và mở rộng phong trào xã hội học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông trước năm 2015; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013; duy trì và nâng cao tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp.
4. Các vấn đề xã hội khác:
Đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo, chống tái nghèo; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh xuống dưới 1,3% và năm 2015, dưới 1,0% vào năm 2020.
- Tăng cường khả năng, quy mô đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm; liên kết với một số trường đào tạo nghề, trường đại học có uy tín trong nước và khu vực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm cung ứng cho địa phương, tiến tới cung cấp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70%, năm 2020 là 80%.
- Kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, làm trong sạch và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực tiễn, kiến thức ngoại ngữ và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, cộng chức, kết hợp với việc thường xuyên rèn luyện, giáo dục phẩm chất đạo đức cán bộ công chức.
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, phòng lãng phí. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và luân chuyển giấy tờ, giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước.
IV/ Quốc phòng - an ninh:
1. Quốc phòng:
Đảm bảo quốc phòng. Tiếp tục củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Vũng Tàu vững chắc, trong đó có đầu tư tu bổ và nâng cấp các công trình quân sự cũ như hầm, hào, lô cốt do Pháp để lại. Trong quy hoạch không làm ảnh hưởng đến diện tích đất và các công trình quốc phòng. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân hàng năm; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên đảm bảo đủ biên chế theo tỷ lệ so với dân số và tỷ lệ đảng viên, đoàn viên trong dân quân tự vệ, dự bị động viên; tiếp tục thực hiện kế hoạch xây dựng Ban Chỉ huy quân sự phường, xã vững mạnh toàn diện, phúc tra, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng đầy đủ theo quy định. Hoàn thành việc đầu tư xây mới, nâng cấp trụ sở Ban chỉ huy quân sự phường, xã và nơi ăn nghỉ của lực lượng dân quân thường trực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
2. An ninh:
- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi phá hoại của phần tử xấu; đảm bảo trật tự công cộng; bảo vệ an toàn các cao điểm lễ, tết.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị và các chương trình, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kiềm chế, hạn chế tai nạn giao thông. Tiếp tục củng cố và phát huy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm. Hoàn thành việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc công an phường, xã theo yêu cầu.
V/ Về nhiệm vụ, giải pháp huy động vốn:
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết đã đề ra, từ nay đến năm 2020, thành phố Vũng Tàu cần huy động nguồn vốn khoảng 100.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển. Cơ cấu nguồn vốn dự kiến như sau:
- Nguồn ngân sách để tập trung đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội khoảng 9% (tương đương 9.000 tỷ đồng). Trong đó:
+ Phân bổ trực tiếp cho ngân sách thành phố khoảng 1,5% (tương đương 1.500 tỷ đồng);
+ Cho phép thành phố được sử dụng 100% tiền từ nguồn bán đấu giá một số công sở do Thành phố quản lý sau khi di dời về Trung tâm hành chính mới, khoảng 0,5% (tương đương 500 tỷ đồng);
+ Cho phép Thành phố được giữ lại 100% số thu ngân sách vượt chỉ tiêu tỉnh giao đề đầu tư công trình phục lợi và hạ tầng kỹ thuật.
+ Phân bổ trực tiếp cho các sở, ngành đầu tư trên địa bàn thành phố khoảng 7% (tương đương 7.000 tỷ đồng).
- Vốn đầu tư huy động từ các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển kinh tế và an sinh xã hội theo hướng xã hội hoá khoảng 30% (tương đương 30.000 tỷ đồng).
- Vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế khoảng 61% (tương đương 61.000 tỷ đồng).
C/ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ:
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, giải pháp chương trình hành động đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị như sau:
1. Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, cụ thể:
a) Về quy hoạch và quản lý quy hoạch:
- Nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Vũng Tàu trong năm 2012-2013;
- Hoàn thành việc lập, trình duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 trong năm 2012, trong đó ưu tiên dành quỹ đất bố trí tái định cư và các công trình theo yêu cầu của đô thị loại I;
- Lập, phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế dịch vụ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch phát triển du lịch thành phố Vũng Tàu đến năm 2020;
- Hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu 1/2.000 cho phù hợp tình hình thực tế và yêu cầu phát triển, đảm bảo phủ kín quy hoạch phân khu 1/2.000 trên toàn địa bàn thành phố trước năm 2015;
- Hoàn thành thiết kế đô thị, lập phương án bảo tồn một số tuyến phố, công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử; phương án quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang lại một số khu dân cư hiện hữu như: khu dân cư phường Thắng Nhất, khu dân cư đường Lưu Chí Hiếu, khu dân cư đường Nơ Trang Long, khu dân cư phía bắc Lữ đoàn 171, khu dân cư phía Đông đường Bạch Đằng; quy hoạch 1/500 khu vực Bãi Dâu (phía biển) từ đèn xanh đến Sao Mai nhằm cải thiện môi trường sống cho nhân dân và đảm bảo các yêu cầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy chậm nhất năm 2013;
- Hoàn thành cải tạo, nâng cấp toàn bộ đường hẻm, bao gồm cả thoát nước, chiếu sáng công cộng trong các khu dân cư trung tâm trước năm 2015;
- Phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hành chính - Chính trị của thành phố trước tháng 6 năm 2015;
- Lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thành phố Vũng Tàu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong năm 2012.
- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan hoàn thành đề án nâng thành phố Vũng Tàu lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước năm 2015;
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin (GIS) trong công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai và các ngành khác;
- Tăng cường chỉ đạo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội các dự án, hiệu quả sử dụng đất.
b) Về lĩnh vực kinh tế:
- Triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; cơ bản xóa bỏ chợ tự phát, chợ tạm trên địa bàn vào năm 2020; tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh;
- Phối hợp với chủ đầu tư hoàn thành đầu tư hạ tầng cụm tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng; khảo sát, lập phương án triển khai di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào cụm tiểu thủ công nghiệp Phước Thắng trước năm 2015;
- Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, lập phương án sắp xếp các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn vào khu quy hoạch; khuyến khích chủ phương tiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tiến tàu thuyền để khai thác xa bờ; khuyến khích đầu tư tàu dịch vụ; hình thành khu chế biến hải sản khu vực gò Ông Sầm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thuỷ sản phát triển sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao;
- Làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng; lập và triển khai dự án đầu tư, cải tạo rừng cảnh quan trên núi Lớn, núi Nhỏ vào năm 2014; đầu tư bảo vệ và phát triển rừng cảnh quan ngập mặn Phước Cơ;
- Triển khai các biện pháp thực hiện vượt thu dự toán ngân sách hàng năm và tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển;
c) Về văn hoá - xã hội:
- Phát triển văn hoá, nâng cao mức hưởng thụ văn hoá; đẩy mạnh các phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị; tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá và dịch vụ văn hoá; công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá;
- Phát triển phong trào thể dục thể thao, nâng cao tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực thể dục thể thao; xây dựng, hình thành một số đội tuyển thể thao tiêu biểu của thành phố ở các môn võ thuật, cờ, bơi lội;
- Làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế;
- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy và học;
- Khảo sát nhu cầu việc làm, yêu cầu nghề nghiệp đối với người lao động để phối hợp tổ chức đào tạo, dạy nghề cho người lao động;
- Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, chống tái nghèo; huy động mọi nguồn lực của xã hội cùng tham gia công tác giảm nghèo;
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan trình cấp có thẩm quyền kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của thành phố Vũng Tàu.
- Đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn. d) Về bảo vệ môi trường:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong nhân dân; hạn chế cấp phép các dự án mới có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
- Khuyến khích đầu tư trang thiết bị cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, từng bước xóa bỏ các điểm trung chuyển rác; xoá bỏ hoàn toàn các điểm trung chuyển rác trên địa bàn vào năm 2020;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thành xây dựng đề án tổng thể về bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2020, có tính đến năm 2030.
2. Sở Công thương:
- Chủ trì, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống chợ trung tâm thương mại, siêu thị theo quy hoạch trong năm 2012 -2013; phối hợp hỗ trợ Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức bồi dưỡng kỹ năng bán hàng cho các hộ kinh doanh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ghi kế hoạch vốn ngân sách đầu tư hàng năm trên địa bàn thành phố Vũng Tàu.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: khuyến khích chủ phương tiện đầu tư trang thiết bị hiện đại, cải tiến tàu thuyền để khai thác xa bờ, đầu tư tàu dịch vụ hậu cần và thu mua hải sản trên biển.
5. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư hệ thống đường trục ngang, trước mắt ưu tiên đầu tư các con đường: Nguyễn Hữu Cảnh, Cầu Cháy, Hàng Điều, Biệt Chính, Công Chánh, Lê Phước Từ, Tiền Cảng;
- Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu xây dựng đề án phát triển mạng lưới giao thông công cộng; quy hoạch các điểm dừng xe, đỗ xe, bãi đậu xe công cộng, hoàn thành chậm nhất năm 2013;
- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương di dời sân bay Vũng Tàu về Gờ Găng theo quy hoạch; xây dựng Bến xe mới của thành phố Vũng Tàu; cải tạo nâng cấp bến tàu khách Cầu Đá, cầu Quan.
6. Sở Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố hoàn thành lập quy hoạch các khu vực núi Lớn, núi Nhỏ, khu đô thị mới Gò Găng, trong năm 2012.
- Chủ trì thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc thành phố Vũng Tàu trong năm 2012.
- Phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu xây dựng và trình phê duyệt đề án nâng cấp thành phố Vũng Tàu lên đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
- Hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa Vũng Tàu trước năm 2015.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu các sở, ban, ngành có liên quan thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) của thành phố Vũng Tàu.
8. Giao Sở Tài chính:
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành phố Vũng Tàu được giữ lại 100% số thu ngân sách vượt dự toán tỉnh giao hàng năm cho thành phố;
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành phố Vũng Tàu được bán đấu giá một số công sở do thành phố quản lý sau khi di dời về trung tâm hành chính mới và sử dụng 100% tiền bán đấu giá để đầu tư cho thành phố Vũng Tàu;
- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu rà soát, thống kê, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giao một số công sở các cơ quan của tỉnh khi di dời về Trung tâm hành chính - Chính trị của tỉnh tại thành phố
Bà Rịa cho thành phố Vũng Tàu sử dụng làm trường học, trạm y tế, trụ sở khu phố.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư dự án cải tạo kênh Bến Đình, hồ chứa nước Rạch Bà và các dự án khác.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu xây dựng đề án liên kết với một số tổ chức đào tạo nghề, trường đại học có uy tín trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong năm 2013, đảm bảo đến năm 2015 tại thành phố Vũng Tàu có ít nhất 02 cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu rà soát, quy hoạch hệ thống các trường học đảm bảo nhu cầu chỗ học cho học sinh các cấp.
10. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu nghiên cứu đầu tư, tôn tạo khu di tích lịch sử Trận địa pháo cổ trên núi Nhỏ, Cầu Đá.
11. Sở Y tế: Thực hiện việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm Y tế thành phố đáp ứng yêu cầu, chậm nhất năm 2013; phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư bệnh viện đa khoa Vũng Tàu và khuyến khích đầu tư về y tế theo phương thức xã hội hoá.
12. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu xây dựng kế hoạch và đào tạo, dạy nghề theo nhu cầu xã hội trên địa bàn thành phố.
13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Rà soát đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng quân sự từ cấp thành phố đến phường, xã đáp ứng yêu cầu; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng lực lượng vững mạnh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Vũng Tàu vững chắc.
14. Công an tỉnh: đảm bảo cơ sở vật chất cho lực lượng công an từ cấp thành phố đến phường, xã; chỉ đạo, hướng đẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng công an thành phố; xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
VIII/ Tổ chức thực hiện:
1. Yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của ngành, cơ quan, đơn vị mình triển khai thực hiện Chương trình hành động này.
2. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện Chương trình hành động này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh những vướng mắc, phải kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.
- 1 Quyết định 850/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Tập tài liệu giảng dạy lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cấp xã do tỉnh Sơn La ban hành
- 2 Nghị quyết 110/2014/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015 do Tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 3 Quyết định 795/QĐ-UBND năm 2011 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng 5 năm 2011-2015 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 4 Nghị quyết 13/2007/NQ-HĐND nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của tỉnh Thái Nguyên
- 5 Nghị quyết 66/2007/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 6 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 7 Nghị quyết 07/2004/NQ-HĐT về nhiệm vụ kinh tế – xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 6 tháng cuối năm 2004
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Nghị quyết 07/2004/NQ-HĐT về nhiệm vụ kinh tế – xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 6 tháng cuối năm 2004
- 2 Quyết định 795/QĐ-UBND năm 2011 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng 5 năm 2011-2015 do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 3 Nghị quyết 13/2007/NQ-HĐND nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của tỉnh Thái Nguyên
- 4 Nghị quyết 66/2007/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 5 Nghị quyết 110/2014/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015 do Tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6 Quyết định 850/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Tập tài liệu giảng dạy lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cấp xã do tỉnh Sơn La ban hành