ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 130/2004/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH RAU RAN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;
Căn cứ Quyết định số 67/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/4/1998 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành “Quy định tạm thời về sản xuất rau ran toàn”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 85/TTr-SNN-KC ngày 15/6/2004 về việc ban hành “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh rau an toàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND Thành phố trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Thương mại; Y tế; Tài nguyên Môi trường và Nhà đất; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Công nghiệp; Tư pháp, Giám đốc Công an Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan và Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT, KINH DOANH RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 130/2004/QĐ-UB ngày 20/8/2004 của UBND Thành phố)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Rau an toàn (RAT) là các loại rau bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đạt các chỉ tiêu chất lượng, do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành (gồm các chỉ tiêu: hàm lượng kim loại nặng, hàn lượng nitơrat, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại vi sinh vật gây bệnh hại cho người không vượt quá mức cho phép, không dập nát, héo úa, không dấm ủ bằng hóa chất độc hại, sạch đất cát và các tạp chất khác).
Điều 2: Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản, kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội (gọi chung là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh RAT), phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định. Sau khi được công nhận, phải công bố tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời thực hiện đúng chất lượng đã đăng ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chương 2:
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3: Điều kiện sản xuất RAT
1/ Nơi sản xuất RAT phải có đủ điều kiện theo “Quy định tạm thời về sản xuất RAT” tại Quyết định số 67/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/4/1998 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cụ thể như sau:
a. Đất trồng: Khu vực đất để trồng (sản xuất) RAT, không chịu tác động và ảnh hưởng xấu của các khu công nghiệp, dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang ... và không bị nhiễm các loại hóa chất độc hại cho người sử dụng.
b. Phân bón: chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ hoại mục, tuyệt đối không sử dụng phân hữu cơ tươi. Sử dụng hợp lý, cân đối tỉ lệ các loại phân (vô cơ, hữu cơ). Số lượng phân bón dựa trên tiêu chuẩn cụ thể tại Quy trình sản xuất cho từng loại RAT, đối với các loại rau ăn lá, phải kết thúc bón phân trước khi thu hoạch sản phẩm từ 15-20 ngày; có thể bổ sung phân bón lá đúng quy định (vô cơ, hữu cơ). Số lượng phân bón dựa trên tiêu chuẩn cụ thể tại Quy trình sản xuất cho từng loại RAT, đối với các loại rau ăn lá, phải kết thúc bón phân trước khi thu hoạch sản phẩm từ 15-20 ngày; có thể bổ sung phân bón lá đúng quy định (theo danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam); hạn chế sử dụng chất kích thích sinh trưởng cây trồng.
c. Nước tưới: sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho RAT (nước phù sa hoặc nước giếng khoan đã qua xử lý), tuyệt đối không sử dụng nước ao tù, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt dân sinh, nước thải bệnh viện...
d. Phòng trữ sâu bệnh: sử dụng biện pháp quản lý dịch hạii tổng hợp (IPM) theo nguyên tắc: hạn chế cao nhất sự thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ít độc hại cho người sử dụng và vệ sinh môi trường, cần chú ý một số biện pháp chính như sau:
- Giống: chọn giống tốt, các cây giống phải được xử lý sâu bệnh hại trước khi xuất khỏi vườn ươm.
- Biện pháp canh tác: tùy theo loại rau và thời vụ để tiến hành các biện pháp canh tác phù hợp, góp phần hạn chế phát sinh bệnh hại; chú ý thực hiện chế độ sản xuất luân canh lúa – rau hoặc xen canh giữa các loại rau với nhau.
- Dùng thuốc: sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học khi cần thiết, theo kết quả điều tra dịch hại; tuyệt đối không dùng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục và thuốc hạn chế sử dụng ở Việt Nam. Tăng cường sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc ít độc hại, thuốc phân hủy nhanh và bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác bao bì của từng loại thuốc.
2/ Người sản xuất RAT phải có giấy chứng nhận đã tham gia lớp tập huấn kỹ thuật về sản xuất RAT do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy trình kỹ thuật gieo trồng các loại RAT.
3/ Tổ chức, cá nhân công bố tiêu chuẩn, chất lượng RAT, phải có giấy cam kết không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục và thuốc hạn chế sử dụng; đồng thời thực hiện đúng quy định theo quy trình kỹ thuật của cấp có thẩm quyền ban hành.
4/ Kết qủa kiểm tra chất lượng RAT, gồm: hàm lượng kim loại nặng, nitơrat, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây bệnh hại không vượt quá giới hạn cho phép và phải có giấy kiểm nghiệm hoặc phiếu phân tích chất lượng RAT của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Các tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp: “Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất RAT” khi đã thỏa mãn các điều kiện theo quy định.
Điều 4: Điều kiện công nhận cơ sở sơ chế RAT (thu mua, đóng gói, bảo quản và vận chuyển):
1/ Có Hợp đồng thu mua với cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT.
2/ Vị trí, thiết kế, điều kiện vệ sinh phải thực hiện đúng quy định theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3/ Có đủ thiết bị, dụng cụ phù hợp với yêu cầu sơ chế RAT và tính chất của từng sản phẩm.
4/ Người lao động tham gia thực hiện công việc sơ chế RAT, không mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da...
5/ Người lao động tham gia vận chuyển RAT trên đường, phải:
- Có phương tiện vận chuyển hợp vệ sinh.
- Sản phẩm được kiểm tra bảo đảm chất lượng theo quy định của các cơ sở sản xuất RAT, kèm theo hợp đồng và phiếu xuất trong ngày.
- Có bao bì, nhãn mác ghi rõ địa chỉ sản xuất của từng loại rau.
Điều 5: Điều kiện để công nhận cửa hàng quầy kinh doanh RAT:
1/ Có đủ trang, thiết bị và dụng cụ phù hợp, đảm bảo hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm.
2/ Có nguồn cung ứng RAT ổn định, thường xuyên và có xác nhận tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
3/ Niêm yết giá bán rõ ràng và thực hiện bán theo giá niêm yết.
4/ Có bao bì, nhãn mác hàng hóa ghi rõ tiêu chuẩn chất lượng, nơi sản xuất đối với từng lô hàng.
5/ Nhân viên bán hàng không mắc các bệnh truyền nhiễm và bệnh ngoài Đông Anh.
Điều 6: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cấp giấy xác nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng RAT cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện kinh doanh RAT.
1/ Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan Nhà nước chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Thương mại và các ngành liên quan: hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định điều kiện sản xuất, kinh doanh, xác nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng RAT cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội.
2/ Sở Thương mại chủ động phối hợp với các ngành liên quan: hướng dẫn, kiểm tra và xác nhận các cửa hàng, quầy kinh doanh đủ điều kiện kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội.
Chương 3:
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 7: Thanh tra, kiểm tra.
1/ Sở Nông nghiệp và PTNT: hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy trình kỹ thuật về sản xuất, sơ chế RAT theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2/ Sở Thương mại: hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh của các cửa hàng, quầy hàng kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội.
3/ Sở Y tế: chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh RAT trên địa bàn Hà Nội và xử lý vi phạm theo pháp luật.
Điều 8: Xử lý vi phạm.
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh RAT trên địa bàn Thành phố Hà Nội” sẽ bị xử lý theo các hình thức sau:
- Vi phạm lần đầu: lập Biên bản nhắc nhở.
- Vi phạm lần 2: lập Biên bản xử lý hoặc đề nghị xử lý hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
- Vi phạm lần 3: Lập Biên bản đình chỉ họat động sản xuất, kinh doanh RAT thu hồi giấy chứng nhận hoặc giấy phép kinh doanh nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định hiện hành của pháp luật.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9: Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân tại địa phương và chịu trách nhiệm về các vi phạm trong tổ chức thực hiện “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh RAT trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
- Hàng năm, trích kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ cho tổ chức tập huấn công tác sản xuất, kinh doanh RAT theo quy định.
Điều 10: Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành liên quan: tiếp tục nghiên cứu, thực nghiệm và bổ sung hoàn chỉnh các Quy trình kỹ thuật về sản xuất, kinh doanh và tiêu chuẩn RAT đối với các loại rau chưa có quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất kinh doanh.
Điều 11: Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở: Thương mại; Y tế; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Công nghiệp; Tư pháp; Công an Thành phố cùng các ngành liên quan:
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh RAt trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
- Hàng năm, lập dự toán kinh phí phục vụ công tác tổ chức thực hiện “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh RAT trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt.
- Tổng hợp tình hình, kết quả và những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo UBND Thành phố để kịp thời xem xét, giải quyết ./.
- 1 Quyết định 104/2009/QĐ-UBND về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 1 Quyết định 104/2009/QĐ-UBND về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành