THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1316/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2015 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;
Cán cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 09 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 134/TTr-BVHTTDL ngày 09 tháng 7 năm 2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. PHẠM VI, QUY MÔ, MỤC TIÊU QUY HOẠCH
1. Phạm vi lập quy hoạch:
Xác định theo ranh giới di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, bao gồm khu vực di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận thuộc ranh giới hành chính các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc, thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được xác định:
- Phía Bắc giáp chân núi bên kia núi Thổ Tượng;
- Phía Nam giáp bờ bên kia sông Mã và sông Bưởi;
- Phía Đông giáp chân núi Hắc Khuyển;
- Phía Tây giáp chân núi Ngưu Ngọa.
2. Quy mô
Quy hoạch tổng thể có quy mô 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Vùng lõi rộng 155,5 ha, gồm 03 hợp phần của khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là: Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Vùng đệm rộng 4.923 ha, gồm:
- Di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng (gồm khu vực bảo vệ I và II) rộng 54,87 ha (trong đó Ly Cung chiếm diện tích 4,03ha);
- Khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ; khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch; thị trấn Vĩnh Lộc; làng xã và đồng ruộng, tổng diện tích 4.868,13ha.
3. Mục tiêu quy hoạch
- Bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản.
- Kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của khu vực Bắc Trung bộ.
- Xác định chức năng và diện tích đất sử dụng cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng trong từng giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
- Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ.
- Tạo căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể khu di tích theo đồ án Quy hoạch được duyệt. Xây dựng quy định quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu di tích, các biện pháp khuyến khích bảo vệ di tích, kiểm soát sự thay đổi dân số.
II. NỘI DUNG QUY HOẠCH CHỦ YẾU
1. Quy hoạch không gian bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch.
a) Phân vùng chức năng
- Vùng lõi: Bao gồm 03 hợp phần của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là: Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao;
- Vùng đệm: Bao gồm các khu: Khu di tích tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh quan liên quan đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; khu cánh đồng cổ Xuân Giai và Nam Giao; khu cánh đồng mẫu lớn; làng truyền thống Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn và các làng xã khác; thị trấn Vĩnh Lộc; khu quản lý, đón tiếp, trưng bày, tổ chức lễ hội và khu lưu trú - dịch vụ du lịch;
- Vùng không gian, kiến trúc cảnh quan di tích Ly Cung, Hà Trung liên quan trực tiếp đến giá trị lịch sử của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.
b) Quy hoạch không gian, kiến trúc cảnh quan
- Hình thành 02 trục di sản quan trọng:
+ Trục dọc, nối Thành Nhà Hồ từ cửa Nam đến núi Đún và di tích Đàn Tế Nam Giao: Căn cứ sử liệu và kết quả khai quật khảo cổ để xác định đường Hòe Nhai. Đồng thời trên trục này tại ngã ba đi Kim Tân sẽ xây dựng khu vực đón tiếp, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội, trưng bày và quản lý di sản. Tuyến đến núi Đún tổ chức không gian lưu trú, dịch vụ du lịch, văn hóa truyền thống.
+ Trục ngang, nối sông Mã với khu quảng trường (khu vực đón tiếp, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội, trưng bày và quản lý di sản). Trục này đồng thời kết nối với La Thành phía Tây.
- Đối với không gian vùng lõi:
+ Thành Nội:
Đối với cổng và tường thành: Bảo tồn nguyên trạng các đoạn thành, cổng thành còn tốt, tu bổ các đoạn thành, công bị hư hỏng theo nguyên gốc.
Đối với hào nước: Phục hồi phần hào nước chạy xung quanh thành dựa trên dấu vết hào nước hiện còn và kết quả khai quật khảo cổ.
Đối với khu vực bên trong tường thành (Thành Nội): Tiến hành khai quật khảo cổ một cách toàn diện để phát hiện vị trí, quy mô và chức năng phế tích các công trình kiến trúc đã mất. Phục dựng Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu và các công trình khác khi có đủ cơ sở khoa học nhằm giới thiệu Thành Nội. Các công trình chưa đủ cơ sở khoa học để phục dựng thì sử dụng giải pháp trồng cây cắt tỉa để đánh dấu vị trí, hoặc tổ chức trưng bày khảo cổ nhằm giúp cho khách tham quan hình dung không gian lịch sử của di tích.
Đối với sân, đường nội bộ: Tôn tạo hệ thống đường đi trên cơ sở kết quả khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. Khôi phục cốt đường ban đầu cho đoạn đường xung quanh thành dựa vào phần chân thành băng đá đã bị vùi lấp. Mặt đường là lớp bê tông giả đất.
+ La Thành: Bảo tồn các đoạn La Thành hiện còn và trồng tre gai bên ngoài La Thành. Khôi phục đoạn đê (La Thành) nối từ La Thành hiện nay đến khúc đê vòng ra theo bờ sông Bưởi.
+ Đàn tế Nam Giao: Tiến hành khai quật khảo cổ các khu còn lại của Đàn Nam Giao. Xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ tái hiện lễ tế. Tôn tạo khu vực nền 1 (Viên đàn), xây dựng hàng rào có hình thức phù hợp với cảnh quan di tích và trồng bổ sung các loại cây rừng để tạo cảnh quan cho khu vực tế lễ. Xây dựng Nhà quản lý di tích khu vực trung tâm phía trước Đàn Nam Giao.
Bảo vệ nghiêm ngặt, nghiêm cấm bất cứ hoạt động khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng làm biến dạng cảnh quan tự nhiên núi Thổ Tượng, núi Đún, núi Hắc Khuyển, núi Ngưu Ngọa, sông Mã, sông Bưởi bao quanh Thành Nhà Hồ và núi Đún, núi Tụng, núi Dọc, núi Liều... xung quanh Đàn tế Nam Giao.
Đối với không gian vùng đệm:
+ Thị trấn Vĩnh Lộc:
Cấu trúc không gian lấy di tích làm tâm; di tích liên thông qua không gian xanh làm trục bố cục.
Bổ sung thêm tuyến đường dọc (song song đường Hòe Nhai, về phía Đông) nhằm giảm bớt lưu lượng giao thông trên trục dọc, đặc biệt khi tổ chức hành lễ từ Cung điện đến Đàn tế Nam Giao.
Bổ sung các tuyến đường ngang, bên cạnh di tích hiện có, theo hướng Đông - Tây để kết nối sông Mã với thị trấn và trục di sản (đường Hòe Nhai). Chỉ giới xây dựng thay đổi chiều ngang và chiều cao (từ 3m - 6m) tạo ra những không gian đóng, mở cho di tích hiện có. Trong những không gian này, cây xanh được bố cục thành hàng, dãy, cụm, mảng….
Không xây dựng công trình với mật độ cao (mật độ xây dựng 30% - 45%), nhiều tầng (không quá 03 tầng) và hiện đại ở thị trấn Vĩnh Lộc.
Hạn chế xây dựng trên tuyến đường Hòe Nhai, khống chế mật độ xây dựng (tối đa 35%), chiều cao công trình từ khu vực Trung tâm quản lý đón tiếp đến núi Đún (không quá 12m). Phong cách kiến trúc phải trên cơ sở khai thác yếu tố truyền thống.
Tạo nét đặc trưng đô thị cổ ven sông: Khu trung tâm thị trấn bố trí theo dạng phân tán. Các công trình hành chính sẽ được bố trí tại vị trí như hiện nay, bố trí khu đô thị hướng ra sông và dải đất ven bờ sông Mã được cải tạo thành một không gian xanh.
+ Tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan làng truyền thống:
Làng Xuân Giai: Lấy không gian, kiến trúc cảnh quan của công trình tôn giáo, tín ngưỡng làm hạt nhân bố cục. Hai bên đường Hòe Nhai được cải tạo, chỉnh trang mặt đứng (không có vỉa hè) tạo phong cách kiến trúc truyền thống. Mặt đường Hòe Nhai lát đá trên cơ sở kết quả khảo cổ học, một số chỗ trên mặt đường được xây dựng các hố trưng bày khảo cổ;
Làng Đông Môn và làng Tây Giai: Lấy đình Đông Môn, đình Tây Giai và nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng (làng Tây Giai) làm hạt nhân;
Bảo tồn kiến trúc nhà ở trong làng theo hình thức nhà ở truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc Trung bộ; với bố cục chung có cổng, nhà trên, nhà dưới, sân, giếng nước, tường rào xây gạch hoặc trồng cây, chiều cao nhà không quá 7m, mái dốc. Không gian đường làng, xóm hình tự do với giới hạn dưới là mặt đường lát gạch chỉ nghiêng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp thoát nước, thông tin, internet...) được đặt ngầm dưới mặt đường.
Cánh đồng Xuân Giai và cánh đồng Nam Giao: Bảo tồn nguyên trạng là cánh đồng trồng lúa truyền thống, khai thác phục vụ du lịch.
c) Giải pháp phát triển du lịch
- Phát triển cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ du lịch: Xây dựng khu lưu trú, khu dịch vụ du lịch hai bên đường Hòe Nhai.
- Các sản phẩm du lịch chính: thăm quan di tích lịch sử - văn hóa; trải nghiệm các hoạt động văn hóa tâm linh, trò chơi dân gian; dã ngoại - thể thao leo núi, cắm trại; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng.
- Tuyến du lịch:
+ Tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các kinh đô cổ: Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long (Hà Nội);
+ Tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các di sản thế giới, như: Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Tràng An (Ninh Bình), Khu trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long (Hà Nội), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)
+ Lấy trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc làm điểm xuất phát, hình thành tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các điểm, cụm điểm tham quan du lịch trong tỉnh, như: sông Mã; núi Tứ Linh, núi Đún; động Hồ Công; Đa Bút - động Tiên Sơn; Phủ Trịnh - động Kim Sơn; chùa Giáng; đền Trần Khát Chân - Phủ Trịnh - Nghè Vẹt.
Hình thành các tuyến du lịch chuyên đề: du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng (thăm các ngôi làng truyền thống Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn...); du lịch dã ngoại kết hợp leo núi (núi Tứ Linh, núi Đún, núi Voi...); du lịch đường sông dọc theo Sông Mã...
2. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật
a) Về giao thông:
- Giao thông đối ngoại: Chuyển tuyến quốc lộ 45 và 217 (hiện đi qua thị trấn Vĩnh Lộc và khu vực di sản) bằng tuyến đường bên trong đê sông Bưởi nối sang huyện Cẩm Thủy (chạy ngoài La Thành, vòng xung quanh toàn bộ khu vực di sản và di tích và cảnh quan di tích). Nơi tiếp cận điểm dân cư được ngăn cách bằng dải, mảng cây mang nét thảm thực vật thường xanh, nhiều tầng vùng nhiệt đới Thanh Hóa.
- Giao thông đối nội: Hướng phát triển thị trấn được lựa chọn là hướng nhìn ra sông Mã, với 03 trục không gian chính gồm:
+ Trục thứ 1: Trục nối Thành Nhà Hồ với núi Đún, trồng cây Sao Đen hai bên đường;
+ Trục thứ 2: Trục nối Đàn tế Nam Giao với quần thể núi Tụng, núi Dọc và núi Liều - núi Án, trồng 03 hàng cây Móng Bò ở giữa, hai bên là 03 hàng Gội;
+ Trục thứ 3: Trục trung tâm công cộng, hành chính cấp huyện, các công trình công cộng cấp huyện được bố trí dọc trục chính này với công trình điểm nhấn là Ủy ban nhân dân huyện. Các tuyến đường trong khu vực trung tâm thị trấn đều được bố trí hướng ra bờ sông Mã. Các công trình cấp thị trấn có thể tận dụng các công trình cấp huyện hiện có. Dọc tuyến đường chính là các công trình thương mại - dịch vụ phục vụ du lịch. Các điểm dân cư mới bố trí tiếp giáp với các điểm dân cư hiện trạng để tận dụng cơ sở hạ tầng và thuận tiện trong việc bố trí các điểm công cộng mới.
Tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đúng theo tiêu chuẩn. Mạng lưới đơn giản, phân cấp đường chính, đường phụ rõ ràng tạo an toàn, thông suốt trong công tác tổ chức giao thông đô thị. Bố trí mạng lưới đường nội bộ hợp lý, thuận tiện trong việc liên hệ, đi lại của người dân trong khu Quy hoạch cũng như khách du lịch đến thăm Thành Nhà Hồ.
- Giao thông tĩnh:
+ Chuyển bến xe đối ngoại của huyện Vĩnh Lộc về đoạn giao nhau của hai tuyến giao thông đối ngoại, thuộc xã Vĩnh Ninh;
+ Xây dựng hai bến thuyền phục vụ du lịch tại xã Vĩnh Thành và xã Vĩnh Tiến. Sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện môi trường như: xe điện, xe ngựa, xe đạp... để kết nối bến thuyền với các điểm di tích.
b) Về chuẩn bị kỹ thuật:
- Về chuẩn bị kỹ thuật san nền: Nguyên tắc là tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, bảo đảm thoát nước mặt, không bị ngập úng cục bộ, không gây sói lở, hài hòa với kiến trúc cảnh quan khu vực. Độ dốc nền thuận tiện cho giao thông trong khu du lịch bảo đảm nước mặt tự chảy, tránh tình trạng ngập úng.
- Về chuẩn bị kỹ thuật thoát nước mưa: Hệ thống thoát nước mưa được chia thành 2 loại, loại 1 thoát theo địa hình tự nhiên, loại 2 thoát theo hệ thống mương hở, mương có nắp đan, cống tràn.
c) Về cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường:
- Về cấp nước: Nâng công suất cấp nước của nhà máy nước Vĩnh Thành lên 6.000m3/ngày đêm; xây dựng thêm 01 nhà máy nước mới tại xã Vĩnh Yên công suất 4.000m3/ngày đêm; bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu về nước sinh hoạt và kinh doanh.
- Về thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
+ Thoát nước thải: Xây dựng trạm bơm tiêu úng cho khu vực ở phía Nam Thành Nhà Hồ. Xây dựng hệ thống thoát nước bẩn và nước mặt riêng. Nước bẩn cần được xử lý sơ bộ trước khi thoát ra hệ thống cống thoát nước chung.
+ Vệ sinh môi trường: Chất thải rắn được phân loại tại nguồn. Bố trí hệ thống thùng chứa chất thải rắn công cộng trong các khu vực Di sản thế giới, khu vực di tích, khu vực các công trình dịch vụ công cộng và trên các trục đường phù hợp với cảnh quan di sản.
d) Về cấp điện và thông tin liên lạc:
- Về cấp điện:
+ Đối với khu vực vùng lõi, cải tạo lưới điện từ đi nổi sang đi chìm để giảm thiểu ảnh hưởng đến di sản. Đối với vùng đệm và phụ cận, khuyến khích xây dựng hoặc cải tạo hệ thống điện hiện có thành hệ thống điện ngầm.
+ Cải tạo hình thức trạm điện: Dùng trạm biến áp dạng trạm xây hoặc trạm treo, có rào cây xanh bao quanh, để bảo đảm mỹ quan môi trường di sản.
+ Đối với các di tích chưa có hệ thống cấp điện: Sau khi tu bổ cần xây dựng mới hệ thống cấp điện.
+ Lưới điện chiếu sáng: Bảo đảm tất cả các tuyến đường trong khu di sản đều được chiếu sáng; sử dụng đèn trang trí phù hợp với cảnh quan di sản.
- Về thông tin liên lạc: Bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống cáp thông tin liên lạc khu vực thị trấn và vùng phụ cận với tuyến cáp quốc gia hiện có. Lắp đặt mạng internet không dây tốc độ cao trong khu vực quy hoạch.
3. Các nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư
a) Các nhóm dự án thành phần:
- Nhóm dự án số 1: Đền bù và giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích (bao gồm cả vùng đệm).
- Nhóm dự án số 2: Khai quật khảo cổ bổ sung và tiếp tục nghiên cứu các giá trị của di tích Thành Nhà Hồ và các khu vực có liên quan; nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và tư liệu về di tích.
- Nhóm dự án số 3: Tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi, trưng bày khảo cổ trong thành, phục hồi Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu.
- Nhóm dự án số 4: Bảo tồn các làng truyền thống Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn.
- Nhóm dự án số 5: Nâng cao năng lực bảo vệ và quản lý di tích.
- Nhóm dự án số 6: Bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, cảnh quan khu vực vùng đệm và di tích Ly Cung.
- Nhóm dự án số 7: Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong khu di sản; tôn tạo các công trình phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch.
Kinh phí thực hiện dự án được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng nhóm dự án.
b) Phân kỳ đầu tư: Thời gian thực hiện Quy hoạch: Từ năm 2015 đến năm 2030, cụ thể:
- Giai đoạn 2015 - 2020: Triển khai nhóm dự án số 1, số 2 và số 3. Trong đó ngân sách Trung ương đầu tư cho di tích cấp quốc gia đặc biệt và quốc gia (nhóm dự án số 3), ngân sách địa phương bố trí cho nhóm dự án số 1 và số 2.
- Giai đoạn 2021 - 2025: Triển khai nhóm dự án số 4, số 6 và số 7. Trong đó vốn huy động đầu tư cho nhóm dự án số 4, ngân sách Trung ương đầu tư cho di tích cấp quốc gia của nhóm dự án số 6 và số 7, ngân sách địa phương đầu tư cho di tích cấp tỉnh thuộc nhóm dự án số 6 và số 7, huy động nguồn vốn khác cho các công trình còn lại của nhóm dự án số 6 và số 7.
- Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai các dự án còn lại; sử dụng ngân sách địa phương.
Việc xác định thứ tự ưu tiên và nguồn vốn trên có thể thay đổi, bổ sung tùy theo nhu cầu bảo tồn và phát triển theo thực tế từng năm của Trung ương và địa phương.
c) Vốn đầu tư: vốn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định, trong đó:
- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành;
- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã có di tích liên quan trong phạm vi Quy hoạch này);
- Vốn thu từ hoạt động du lịch;
- Vốn huy động từ sự đóng góp các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước, nguồn đóng góp của nhân dân;
- Các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
4. Giải pháp thực hiện quy hoạch:
a) Giải pháp về quản lý: Quản lý theo phân vùng Quy hoạch; quản lý theo Quy hoạch tổng thể và Quy định quản lý trong Hồ sơ quy hoạch tổng thể được duyệt. Các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành khác có liên quan cần thực hiện theo Quy hoạch này.
b) Giải pháp về đầu tư: Sớm đầu tư một số loại hình du lịch độc đáo; kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm du lịch tại Thành Nhà Hồ nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; xây dựng chương trình đầu tư cho di tích Thành Nhà Hồ, các quy định chi tiết, phương pháp tiếp cận và hỗ trợ của Chính phủ đối với bất kỳ đầu tư du lịch tại đây; xây dựng trang thông tin điện tử...
c) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực bảo vệ và quản lý di tích: Hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di sản; hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp địa phương; thực hiện ưu đãi cho du lịch địa phương và các doanh nghiệp để cung cấp các kỹ năng cho các cư dân địa phương; khuyến khích phát triển Công nghiệp để bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững. Thực hiện các chương trình giáo dục tuyên truyền về tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động nông nghiệp bền vững như một nguồn tài nguyên tái tạo, làm phong phú các loại hình du lịch cho khu di tích.
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa:
a) Công bố công khai Quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích (diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất thổ cư được xác định cụ thể trong hồ sơ Quy hoạch tổng thể).
Lộ trình thu hồi đất để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư sẽ thực hiện từng phần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế và xã hội của địa phương.
b) Phê duyệt các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Quản lý hoạt động bảo tồn và xây dựng theo Điều lệ quản lý Quy hoạch được duyệt.
c) Chỉ đạo Chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, khai quật khảo cổ học bổ sung để xác định, hoàn chỉnh các cứ liệu khoa học cho việc lập, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
d) Cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương, tổ chức tuyên truyền vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bố trí thực hiện Quy hoạch theo đúng kế hoạch.
đ) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng thị trấn và làng xã trong phạm vi vùng đệm của di sản thế giới theo Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch ngành khác trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch bảo tồn được phê duyệt tại Quyết định này.
2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Tổ chức thẩm định nội dung chuyên môn các dự án thành phần liên quan đến di sản thế giới, di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia.
b) Giám sát, kiểm tra tiến độ việc triển khai thực hiện Quy hoạch, đảm bảo thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra và đúng kế hoạch được phê duyệt.
3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xem xét cân đối vốn thuộc ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhóm dự án đầu tư được duyệt liên quan đến di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
4. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để triển khai thực hiện quy hoạch.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 1558/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 2714/QĐ-BVHTTDL năm 2016 phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 3 Quyết định 2169/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu Lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Chương trình 4079/CTPH-BVHTTDL-BGTVT năm 2015 phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Giao thông vận tải phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020
- 5 Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 6 Luật Xây dựng 2014
- 7 Quyết định 1495/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị định 70/2012/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
- 9 Công văn 2431/VPCP-KGVX lập Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và di tích phụ cận, tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 11 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 12 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 13 Luật di sản văn hóa 2001
- 1 Công văn 8814/VPCP-KGVX về lập quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2 Công văn 2431/VPCP-KGVX lập Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và di tích phụ cận, tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 1495/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Chương trình 4079/CTPH-BVHTTDL-BGTVT năm 2015 phối hợp công tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Giao thông vận tải phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020
- 5 Quyết định 2169/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu Lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Quyết định 1558/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Quyết định 2714/QĐ-BVHTTDL năm 2016 phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành