Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2169/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO KHU LƯU NIỆM NGUYỄN DU, HUYỆN NGHI XUÂN, TỈNH HÀ TĨNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 09 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 09 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (Tờ trình số 523/TTr-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2015) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tờ trình số 242/TTr-BVHTTDL ngày 24 tháng 11 năm 2015),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu Lưu niệm Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với những nội dung chủ yếu sau:

I. PHẠM VI, QUY MÔ, MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm: xã Tiên Điền, một phần xã Xuân Giang và thị trấn Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Ranh giới nghiên cứu được xác định: Phía Bắc giáp sông Lam; phía Nam giáp xã Xuân Mỹ; phía Tây giáp xã Xuân Giang và thị trấn Nghi Xuân và phía Đông giáp xã Xuân Hải và xã Xuân Yên.

2. Quy mô, phạm vi lập quy hoạch

- Quy hoạch tổng thể có quy mô nghiên cứu là 339,75 ha; bao gồm: Vùng bảo tồn và phát huy giá trị di tích Khu Lưu niệm Nguyễn Du (Vùng 1) rộng 43,65 ha và Vùng bảo tồn cảnh quan (Vùng 2) rộng 296,10 ha.

- Phạm vi lập Quy hoạch: Lập quy hoạch vùng bảo tồn, phát huy giá trị di tích Khu Lưu niệm Nguyễn Du (Vùng 1) có diện tích 43,65 ha, gồm:

+ Khu vực 1: Khu vực bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hóa rộng 3,50ha, bao gồm: Khu vực bảo vệ I của di tích rộng 2,28 ha và khu vực bảo vệ II của di tích rộng 1,22 ha.

+ Khu vực 2: Khu Trung tâm dự án phát triển du lịch lịch sử văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích có diện tích 40,15 ha.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của Khu Lưu niệm Nguyễn Du.

- Xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du trở thành địa chỉ văn hóa và du lịch của quốc gia gắn với các giá trị thi ca của Đại thi hào Nguyễn Du và các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

- Hình thành các tuyến du lịch liên kết di tích, tạo không gian tôn vinh các giá trị lịch sử - văn hóa và truyền thống của xã Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du.

- Nâng cao và phát huy vai trò cộng đồng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích của Khu Lưu niệm với việc phát triển đô thị mới mang tính chất của một đô thị văn hóa - du lịch - sinh thái.

- Tạo căn cứ pháp lý cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể không gian Khu Lưu niệm Nguyễn Du theo đồ án Quy hoạch được duyệt.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH CHỦ YẾU

1. Định hướng quy hoạch không gian bảo tồn và phát huy giá trị di tích

- Bảo tồn cấu trúc không gian theo trục của các di tích gốc, gắn với các yếu tố cảnh quan thiên nhiên xung quanh, bao gồm nhóm các di tích liên quan đến dòng họ Nguyễn Tiên Điền theo hướng Tây và nhóm các công trình văn hóa truyền thống làng Tiên Điền theo hướng Nam.

- Tôn tạo và phát huy đặc trưng địa hình vùng trũng (các ngòi đầm, bàu nước, hồ sen...) của vùng bãi triều mở ra phía sông Lam theo trục Bắc - Nam, gắn với cảnh quan gốc của di tích.

- Tổ chức các không gian công cộng mới, là điểm tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống làng Tiên Điền tại phía Nam khu vực Quy hoạch.

- Tổ chức phát triển không gian du lịch văn hóa theo trục Bắc - Nam và theo hai trục đường giao thông chính dọc khu vực quy hoạch.

2. Phân vùng chức năng

a) Vùng bảo tồn, phát huy giá trị di tích (Vùng 1):

- Khu vực bảo vệ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa rộng 3,50 ha, bao gồm: toàn bộ Khu vực bảo vệ I và II của Di tích quốc gia đặc biệt Khu Lưu niệm Nguyễn Du và khu vực kiến nghị mở rộng theo Quy hoạch. Tổ chức nghiên cứu, đánh giá xác định giá trị đặc trưng và tiêu biểu, thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phục hồi các di tích. Cụ thể:

+ Rà soát, cắm mốc giới các Khu vực bảo vệ di tích.

+ Đối với Khu Lưu niệm Nguyễn Du: Tu bổ, tôn tạo khu mộ dòng họ Nguyễn - Tiên Điền (Lăng Văn Sự); phục hồi Nhà thờ dòng họ Nguyễn - Tiên Điền và chùa Trường Ninh; di chuyển đình Chợ Trổ về vị trí Đình xã và tu bổ, tôn tạo đình; tôn tạo cảnh quan theo trục của các di tích gốc và kết nối với không gian phát huy giá trị di tích; chỉnh trang, nâng cấp Nhà trưng bày hiện có thành Trung tâm diễn giải đa phương tiện phục vụ việc giới thiệu Khu Lưu niệm và cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du; bảo tồn hệ thống cây xanh có giá trị, chỉnh trang sân vườn, đường dạo.

+ Đối với các điểm di tích mộ Đại thi hào Nguyễn Du, đền thờ và mộ Nguyễn Nghiễm, mộ và đền thờ Nguyễn Trọng, khu vườn cũ nhà Nguyễn Du: thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích gốc; bổ sung hệ thống biển báo và đèn chiếu sáng; bảo vệ và quản lý cảnh quan môi trường khu vực lân cận.

- Khu trung tâm dự án phát triển du lịch lịch sử văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích rộng 40,15 ha, bao gồm: khu vực phía Tây và phía Nam của Khu Lưu niệm Nguyễn Du hiện nay, kéo dài tới khu mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Bảo tồn cấu trúc không gian cảnh quan truyền thống của các di tích.

Xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Tiên Điền, Nghi Xuân gắn với phát triển du lịch. Các khu vực chức năng chính gồm: Quảng trường, không gian thơ ca Nguyễn Du; Không gian văn hóa Tiên Điền - Nghi Xuân; Khu vui chơi giải trí khai thác trò chơi gắn với tác phẩm và con người Nguyễn Du; Không gian lễ hội Đạp Thanh...

b) Vùng bảo tồn cảnh quan (Vùng 2): Là vùng cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống của vùng văn hóa Tiên Điền xưa, diện tích 296,10 ha; bao gồm: xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân và một phần xã Xuân Giang.

Đây là khu vực bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, cảnh quan, môi trường sinh thái của làng xã gắn với các di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Tiên Điền, Nghi Xuân. Cụ thể là:

- Bảo tồn nguyên trạng các đặc trưng cảnh quan, môi trường sinh thái, đặc điểm cấu trúc dân cư và các di tích văn hóa truyền thống.

- Hình thành các tuyến tham quan kết nối Khu Lưu niệm Nguyễn Du với các không gian phát huy giá trị di tích theo các chủ đề gắn với giá trị thơ ca của Nguyễn Du và truyền thống văn hóa vùng đất Tiên Điền.

3. Giải pháp phát triển du lịch

a) Xây dựng các tour du lịch thăm di tích (liên kết với các điểm như di tích Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Đền Chợ Củi...), khám phá văn hóa gắn với các trung tâm nghỉ dưỡng và giải trí thể thao biển Xuân Thành, khu du lịch quốc gia Thiên Cầm và các tour du lịch trong Vùng Bắc Trung bộ. Cụ thể là:

- Tour du lịch truyền thống tới các địa điểm nổi tiếng, các sự kiện văn hóa tại địa phương...

- Các tuyến tham quan theo chủ đề gắn với cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du.

- Các chương trình du lịch trải nghiệm tại các không gian diễn xướng truyền thống như nhà nghệ nhân (dân ca Ví Giặm, trò Kiều, ca trù...), nhà tư văn...

b) Tổ chức các hoạt động liên hoan văn hóa - nghệ thuật quốc tế với quy mô phong phú, đa dạng tại Khu Lưu niệm Nguyễn Du dựa trên các không gian diễn xướng truyền thống kết hợp với các không gian phát huy giá trị di tích tại Vùng bảo tồn và phát huy giá trị di tích; hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật gắn với chủ đề lịch sử, văn hóa vùng đất Tiên Điền...

4. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật

a) Về giao thông:

- Giao thông đối ngoại: Lấy quốc lộ 8B làm hướng chính tiếp cận di tích. Bố trí các trục đường chính song song và vuông góc với quốc lộ 8B thành mạng lưới đường trong khu vực Quy hoạch. Tận dụng, cải tạo mạng lưới giao thông đã có, khớp nối với các khu vực xung quanh, tạo mối liên kết giao thông với các xã Xuân Giang, Xuân Yên và Xuân Hải, từ đó đi ra các vùng khác thông qua quốc lộ 8B và đường đi Xuân Thành.

- Đường giao thông trong Khu vực bảo vệ I và II của di tích có các mặt cắt chủ yếu: Đường phân khu vực có mặt cắt ngang 20,5m; đường nhánh có mặt cắt ngang 13,5m; đường nội bộ có các mặt cắt ngang là 10m và 6m. Các tuyến đường phân khu vực và đường nhánh sử dụng kết cấu cấp A1.

- Tôn tạo các tuyến đường nội bộ khu di tích, đường dạo, mặt sân quảng trường, vỉa hè... bằng các loại vật liệu truyền thống của địa phương, thân thiện môi trường kết hợp bố trí đèn chiếu sáng có chất liệu và hình dáng phù hợp với cảnh quan, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác quanh di tích.

- Giao thông tĩnh: Bố trí các bãi đỗ xe phân tán trong khu vực di tích, tại các điểm đầu mối giao thông và khu vực quảng trường.

b) Về san nền: Giữ nguyên hiện trạng địa hình khu vực xây dựng. Hạn chế tối đa việc san lấp nhằm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và độ ổn định của nền đất.

c) Về cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường:

- Cấp nước: Nước cấp cho các di tích từ hệ thống cấp nước tập trung của đô thị hoặc từ trạm cấp nước địa phương; từ các điểm cấp nước tập trung (theo dự án cấp nước nông thôn) và sử dụng giếng khoan tại chỗ. Quy hoạch hệ thống cấp nước mạng vòng kết hợp nhánh cụt. Trên hệ thống bố trí các trụ chữa cháy.

- Thoát nước mưa: Cải tạo các đường cống cũ, xây dựng hệ thống cống thoát nước riêng. Bố trí 03 lưu vực thoát nước mưa chính theo các kênh vuông góc với đê, đổ vào hồ điều hòa rồi qua các cống hoặc trạm bơm đổ ra sông Lam.

- Thoát nước thải: Xây dựng mới hệ thống thoát nước trong các di tích, bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống thoát nước thải tập trung của khu vực, thoát ra kênh tiêu Xuân Hải. Trạm xử lý đặt ở phía Đông Bắc khu Quy hoạch.

- Về quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường: Chất thải rắn được phân loại tại nguồn. Bố trí hệ thống thùng chứa chất thải rắn dọc đường giao thông chính, tại các điểm di tích... phù hợp với cảnh quan khu di tích.

d) Về cấp điện và thông tin liên lạc:

- Về cấp điện: Xây dựng, cải tạo hệ thống điện hiện có thành hệ thống điện ngầm; thiết kế, bố trí mạng lưới điện bảo đảm mỹ quan cho di tích. Hệ thống điện được đấu nối từ đường dây trung thế 35KV trên quốc lộ 8B. Nghiên cứu, thiết kế 02 trạm biến áp công suất từ 400KVA - 500KVA.

- Về thông tin liên lạc: Thiết kế, lắp đặt mạng internet có dây và không dây trong khu vực di tích. Bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống thông tin liên lạc trong vùng.

5. Các nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư

a) Các nhóm dự án thành phần:

- Nhóm dự án số 1: Đền bù giải phóng mặt bằng và cắm mốc giới bảo vệ di tích.

- Nhóm dự án số 2: Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.

- Nhóm dự án số 3: Sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật; bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa phi vật thể.

- Nhóm dự án số 4: Đào tạo nguồn nhân lực.

- Nhóm dự án số 5: Xây dựng công trình hỗ trợ, phát huy giá trị di tích và hạ tầng kỹ thuật.

- Nhóm dự án số 6: Bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường.

- Nhóm dự án số 7: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch văn hóa lịch sử; xây dựng hạ tầng du lịch gắn kết với di tích.

Kinh phí thực hiện dự án được xác định cụ thể theo tổng mức đầu tư của từng nhóm dự án.

b) Phân kỳ đầu tư: Thời gian thực hiện Quy hoạch: Từ năm 2016 đến năm 2030, cụ thể:

- Giai đoạn 2016 - 2020: Triển khai nhóm dự án số 1, số 2, số 3 và số 4.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Nhóm dự án số 5 và Nhóm dự án số 6.

- Giai đoạn 2026 - 2030: Nhóm dự án số 7.

Việc xác định thứ tự ưu tiên và nguồn vốn trên có thể thay đổi, bổ sung tùy theo nhu cầu bảo tồn và phát triển theo thực tế từng năm của Trung ương và địa phương.

c) Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành.

- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã có di tích liên quan trong phạm vi Quy hoạch này).

- Các nguồn vốn hợp pháp khác:

+ Vốn thu từ khai thác các hoạt động du lịch;

+ Vốn huy động từ sự đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, nguồn vốn đóng góp của nhân dân;

+ Các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Giải pháp và cơ chế thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp thực hiện

- Giải pháp về quản lý:

+ Quản lý xây dựng, sử dụng các công trình theo đúng đồ án Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu Lưu niệm Nguyễn Du được phê duyệt về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và chiều cao tối đa, tối thiểu, cốt xây dựng; chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng và các yêu cầu cụ thể từng tuyến đường; phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn công trình hạ tầng kỹ thuật.

Việc quản lý xây dựng trong khu vực lập Quy hoạch còn phải tuân theo các quy định hiện hành, pháp luật khác của Nhà nước có liên quan về quản lý Quy hoạch và xây dựng đô thị.

+ Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực của Ban quản lý di tích Nguyễn Du.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trên địa bàn làm tốt công tác an ninh trật tự, vệ sinh, môi trường, xây dựng cảnh quan khu di tích xanh, sạch, đẹp.

- Giải pháp về liên kết và đầu tư:

+ Kêu gọi đầu tư vào các sản phẩm du lịch tại khu di tích nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; lựa chọn ưu tiên đầu tư một số công trình điểm nhấn quan trọng tại Khu trung tâm dự án phát triển du lịch văn hóa lịch sử gắn với phát huy giá trị di tích để hình thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách; xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư tổng thể cho khu di tích, các quy định chi tiết, phương pháp tiếp cận và hỗ trợ của Chính phủ đối với bất kỳ đầu tư du lịch tại đây; xây dựng trang thông tin điện tử...

+ Đối với các dự án thành phần liên quan đến khai thác dịch vụ du lịch tại các công trình thuộc Khu trung tâm các dự án phát triển du lịch lịch sử văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích: Căn cứ cụ thể từng dự án riêng có thể giao cho nhà đầu tư là các doanh nghiệp hợp tác đầu tư khai thác (hình thức hợp tác công - tư).

+ Kết hợp các chương trình dự án có liên quan và phù hợp được triển khai trên địa bàn như: Các chương trình, dự án về Chiến lược quốc gia về du lịch trong tiểu Vùng sông Mê Kông, Chương trình nông thôn mới...

+ Phát huy mối liên kết giữa người dân, dòng họ Nguyễn - Tiên Điền, chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản với các cơ quan liên quan nhằm tạo sự thống nhất trong việc tổ chức triển khai các hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của địa phương.

- Giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ và quản lý di tích:

+ Hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di sản; Hướng dẫn cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản; Xây dựng chương trình đào tạo về dịch vụ khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp địa phương;

+ Thực hiện ưu đãi cho du lịch địa phương và các doanh nghiệp để cung cấp các kỹ năng cho các cư dân địa phương; Khuyến khích phát triển các nghề truyền thống tại địa phương;

+ Thực hiện các chương trình giáo dục tuyên truyền về tầm quan trọng của việc duy trì bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như một nguồn tài nguyên tái tạo, làm phong phú các loại hình du lịch cho khu di tích.

b) Cơ chế thực hiện:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo, quản lý, điều hành chung; chỉ đạo việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi, xây dựng và thực hiện cơ chế phối kết hợp giữa các lực lượng tham gia công tác bảo vệ di tích.

- Ban Quản lý Khu Lưu niệm Nguyễn Du, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích và môi trường cảnh quan, trong đó có việc quản lý theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt, chống lấn chiếm khu vực quy hoạch. Các cơ quan chức năng như lực lượng thanh tra, công an nghiên cứu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và xử phạt các hành vi vi phạm di tích.

- Thành lập các tổ công tác liên ngành giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành, lực lượng nghiệp vụ chuyên môn để đảm bảo trật tự, cảnh quan xung quanh di tích.

- Tổ chức các đợt bảo vệ môi trường cảnh quan di tích trên địa bàn từng xã, thị trấn. Tiến hành các đợt vận động quần chúng nhằm huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân, các ban ngành tham gia việc bảo vệ môi trường cảnh quan di tích, giáo dục tinh thần tự giác chấp hành tốt các quy định về quản lý bảo tồn, xây dựng, bảo vệ môi trường cảnh quan trong nhân dân.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh:

a) Công bố công khai Quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong khu vực di tích (diện tích đất sản xuất nông nghiệp và đất thổ cư được xác định cụ thể trong hồ sơ Quy hoạch tổng thể).

Lộ trình thu hồi đất để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư sẽ thực hiện từng phần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế và xã hội của địa phương.

b) Phê duyệt các dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu Lưu niệm Nguyễn Du được duyệt; trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho các dự án xây dựng cơ bản giai đoạn trung hạn 2016 - 2020. Quản lý hoạt động bảo tồn và xây dựng theo Điều lệ quản lý Quy hoạch được duyệt.

c) Chỉ đạo các đơn vị chức năng và chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu bổ sung để xác định, hoàn chỉnh các cứ liệu khoa học cho việc lập, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.

d) Cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương, tổ chức tuyên truyền vận động, huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bố trí thực hiện Quy hoạch theo đúng kế hoạch.

đ) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng thị trấn và làng xã trong phạm vi Vùng đệm của di tích theo Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch ngành khác trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của Quy hoạch bảo tồn được phê duyệt trong Quyết định này.

2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: thẩm định về chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến di tích Khu Lưu niệm Nguyễn Du. Theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện Quy hoạch, bảo đảm thực hiện theo đúng nội dung, kế hoạch đã được phê duyệt.

3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: xem xét cân đối vốn thuộc ngân sách Trung ương để thực hiện các nhóm dự án đầu tư được phê duyệt phù hợp với nội dung Quy hoạch. Kiểm tra việc thực hiện theo thẩm quyền.

4. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ để triển khai thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh;
- Cục DSVH, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng DSVH quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, V.III;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam