ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1322/QĐ-UBND | Quảng Trị, ngày 15 tháng 6 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL;
Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017;
Căn cứ Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017;
Căn cứ Kế hoạch số 84-KH/TU ngày 27 tháng 4 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
Căn cứ Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số: 126/TTr-SNV ngày 09 tháng 5 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã; thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (kèm theo Đề án).
Điều 2. Giao các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ; THÔN, BẢN, KHU PHỐ; CƠ QUAN HÀNH CHÍNH VÀ ĐVSNCL THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, UBND tỉnh xây dựng Đề án Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố; các cơ quan hành chính, các ĐVSNCL như sau:
1. Về đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, bản, khu phố:
1.1. Cấp huyện:
Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện: 10, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện (trong đó có 01 huyện đảo), đối chiếu với tiêu chuẩn đơn vị hành chính cấp huyện theo Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có:
- 03 đơn vị có quy mô diện tích đạt dưới 50% so với quy định, gồm: Thành phố Đông Hà 73,26 km2/150 km2 (đạt 48,84%), thị xã Quảng Trị 72,72 km2/200 km2 (đạt 36,36%) và huyện đảo Cồn Cỏ;
- 03 đơn vị có quy mô dân số đạt dưới 50% so với quy định, gồm: Thị xã Quảng Trị 25.925 người/100.000 người (đạt 25,93%); huyện Cam Lộ 54.004 người/120.000 người (45,00%) và huyện đảo Cồn Cỏ;
- 05 đơn vị có số đơn vị cấp xã trực thuộc chưa đạt so với quy định, gồm: Thành phố Đông Hà (9/10), thị xã Quảng Trị (5/10), huyện Cam Lộ (9/16), huyện Đakrông (14/16), huyện đảo Cồn Cỏ;
- 02 đơn vị chưa đạt cả 3 tiêu chí (diện tích, dân số và số đơn vị cấp xã trực thuộc): thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ.
1.2. Cấp xã:
- Tổng số đơn vị hành chính cấp xã: 141 đơn vị (117 xã, 13 phường, 11 thị trấn);
- Số đơn vị hành chính cấp xã loại 1: 23; loại 2: 67; loại 3: 51 đơn vị.
Đối chiếu với tiêu chuẩn đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Xã miền núi, vùng cao diện tích 50 km2, dân số 5.000 người; xã vùng còn lại diện tích 30 km2, dân số 8.000 người; phường thuộc thành phố diện tích 5,5 km , dân số 7.000 người; phường thuộc thị xã diện tích 5,5 km2, dân số 5.000 người; thị trấn diện tích 14 km2, dân số 8.000 người) toàn tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp xã đạt 100% cả hai tiêu chí diện tích và dân số; 30 đơn vị đạt 100% tiêu chí diện tích nhưng chưa đạt 100% tiêu chí dân số; 09 đơn vị đạt 100% tiêu chí dân số nhưng chưa đạt 100% tiêu chí diện tích. Đặc biệt, toàn tỉnh có 64 đơn vị (chiếm 45,39%) có quy mô diện tích và 37 đơn vị (chiếm 26,24%) có quy mô dân số dưới 50% so với quy định; 01 đơn vị có dân số dưới 1.000 người (xã Hải Phúc huyện Đakrông có dân số 659 người); 01 đơn vị có diện tích dưới 03 km2 (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong có diện tích 2,49 km2); xã có 22 đơn vị dưới 50% so với quy định ở cả hai tiêu chí diện tích và dân số.
(Chi tiết tại Phụ lục số I kèm theo).
Về bố trí cán bộ, công chức cấp xã loại I: 25 cán bộ công chức (CBCC), loại II: 23 CBCC, loại III: 21 CBCC; về bố trí số người hoạt động không chuyên trách: mỗi đơn vị cấp xã được bố trí 18 chức danh người hoạt động không chuyên trách.
Tổng số CBCC cấp xã được giao trong toàn tỉnh là 3.165 người, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 2.635 người, ở thôn, khu phố là 3.383 người.
1.3. Thôn, khu phố:
Tổng số thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh có 1.082 thôn, khu phố, với 858 thôn, 224 khu phố, trong đó: Thôn, khu phố loại 1: 340 thôn, khu phố; thôn, khu phố loại 2: 535 thôn, khu phố; thôn, khu phố loại 3: 207 thôn, khu phố (theo tiêu chuẩn phân loại thôn, khu phố ban hành kèm theo Quyết định số 32/2013/QĐ-UBND ngày 02/12/2013 của UBND tỉnh).
Quy mô số hộ gia đình của thôn, khu phố không đồng đều, một số thôn, khu phố có quy mô số hộ gia đình lớn, như thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh có 930 hộ, 3.640 nhân khẩu; thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có 853 hộ, 2.997 nhân khẩu..., bên cạnh đó cũng có nhiều thôn có quy mô số hộ gia đình rất thấp như thôn Tràng Sòi, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong có 06 hộ, 17 nhân khẩu; thôn Lương Chánh, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng có 06 hộ, 13 nhân khẩu; thôn Đồng Giám, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong có 09 hộ, 47 nhân khẩu...
Đối chiếu với tiêu chuẩn theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV (Thôn vùng đồng bằng 400 hộ trở lên, vùng miền núi 200 hộ trở lên; Khu phố vùng đồng bằng 500 hộ trở lên, vùng miền núi, hải đảo 300 hộ trở lên) toàn tỉnh có 84 thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn quy mô số hộ gia đình (trong đó 57 thôn, 27 khu phố); 998 thôn, khu phố chưa đạt quy mô số hộ gia đình (trong đó 801 thôn, 197 khu phố); số thôn, khu phố chưa đạt 50% số hộ gia đình so với tiêu chuẩn là 730 (trong đó có 585 thôn, 145 khu phố).
(Chi tiết tại Phụ lục số II kèm theo)
2. Về tổ chức cơ quan hành chính:
2.1. Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh:
Thực hiện Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/04/2014 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh đã thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bên trong các Sở, Ban ngành theo quy định.
Hiện nay, đến thời điểm 03/2018, toàn tỉnh có 19 Sở, ngành thuộc UBND tỉnh và 02 cơ quan (Văn phòng HĐND tỉnh và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh) với tổng số biên chế là 1.034 chỉ tiêu (kể cả biên chế tại Văn phòng HĐND tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh).
Tổ chức bên trong 21 cơ quan gồm có:
- Phòng chuyên môn và tương đương: Có 143 phòng, trong đó có 93 phòng dưới 05 biên chế;
- Ban, chi cục: Có 16 ban, chi cục, trong đó có 09 ban, chi cục dưới 12 biên chế hành chính (không tính số biên chế làm sự nghiệp và hợp đồng 68 trong chi cục).
Đối với các ban, chi cục, căn cứ tính chất quản lý được chia thành 03 loại:
a) Ban, chi cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước: Có 07 ban, chi cục, gồm:
1. Ban Tôn giáo (cơ quan đặc thù).
2. Ban Thi đua - Khen thưởng.
3. Chi cục Văn thư - Lưu trữ (bao gồm cả sự nghiệp).
4. Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn.
5. Chi cục Bảo vệ môi trường.
6. Chi cục Phát triển nông thôn (bao gồm cả nông thôn mới).
7. Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
b) Ban, chi cục vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, vừa thực hiện chức năng thừa hành, thực thi pháp luật: Có 04 ban, chi cục, gồm:
1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
2. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (bao gồm cả sự nghiệp thú y).
3. Chi cục Thủy sản (bao gồm cả bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự nghiệp bảo tồn biển đảo).
4. Chi cục Thủy lợi (bao gồm cả quản lý đê điều và sự nghiệp phòng, chống thiên tai).
c) Ban, chi cục chỉ thực hiện chức năng thừa hành, thực thi pháp luật:
1. Chi cục Quản lý thị trường.
2. Chi cục Kiểm lâm.
3. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản.
4. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm.
5. Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (có đơn vị sự nghiệp trực thuộc).
Tổ chức bên trong ban, chi cục có 72 phòng (trong đó có 48 phòng có dưới 05 biên chế). Một số ban, chi cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng Trung ương giao biên chế sự nghiệp, một số chi cục có bộ phận sự nghiệp hoặc có đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ : 07 chỉ tiêu sự nghiệp (của Trung tâm Lưu trữ);
- Chi cục Thủy lợi: 01 chỉ tiêu sự nghiệp (bố trí cho Trung tâm phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn);
- Chi cục Thủy sản: 17 chỉ tiêu sự nghiệp (có 07 chỉ tiêu được tổ chức thành Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên biển đảo Cồn Cỏ, 10 biên chế sự nghiệp còn lại đang thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước của chi cục);
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: 24 chỉ tiêu sự nghiệp (các Trạm Bảo vệ thực vật cấp huyện trước đây là biên chế quản lý nhà nước nhưng sau đó Bộ Nội vụ điều chỉnh sang biên chế sự nghiệp nhưng thực chất là thực hiện chức năng quản lý nhà nước);
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y: 33 chỉ tiêu sự nghiệp (các Trạm Thú y cấp huyện trước đây là biên chế quản lý nhà nước nhưng sau đó Bộ Nội vụ điều chỉnh sang biên chế sự nghiệp nhưng thực chất là thực hiện chức năng quản lý nhà nước);
- Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng: 18 chỉ tiêu (Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng).
2.2. Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp huyện:
Thực hiện Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 05/5/2014 quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố có 10 cơ quan chuyên môn thống nhất, với tổng số biên chế là 861 chỉ tiêu (gồm Văn phòng HĐND và UBND, Thanh tra, Tư pháp, Tài chính- Kế hoạch, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thông tin) và 03 phòng tổ chức theo đặc thù địa bàn: Phòng Quản lý Đô thị và Phòng Kinh tế ở các thị xã, thành phố; Phòng Kinh tế và hạ tầng và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các huyện và Phòng Dân tộc ở 2 huyện miền núi).
Tổng cộng tại cấp huyện có 112 phòng chuyên môn. Mỗi huyện, thị xã, thành phố có 12 phòng, riêng hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có 13 phòng (thêm Phòng Dân tộc).
Riêng huyện đảo Cồn Cỏ do đặc thù có dân số ít được tổ chức thành 02 phòng gồm Văn phòng HĐND và UBND huyện và Phòng Kinh tế - Xã hội.
3. Về các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL):
Tổng số các ĐVSNCL thuộc tỉnh hiện nay là 644 đơn vị, trong đó: sự nghiệp giáo dục: 470 đơn vị, chiếm 73,0%; sự nghiệp y tế: 32 đơn vị, chiếm 5,0%; sự nghiệp văn hóa: 29 đơn vị, chiếm 4,5%; sự nghiệp khác: 113 đơn vị, chiếm 17,5%.
3.1. Phân theo thẩm quyền quản lý:
a) Thẩm quyền quản lý của Tỉnh ủy: 07 đơn vị;
b) Thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh: 04 đơn vị;
c) Thẩm quyền quản lý của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh: 116 đơn vị, trong đó:
- Sở Giáo dục và Đào tạo: 37 đơn vị (hạng I: 20, hạng II: 08, hạng III: 06, hạng IV: 01, khác: 02 (không xếp hạng); trường dưới 10 lớp: 03 (Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, Phổ thông dân tộc nội trú Đakrông và Hướng Hóa);
- Sở Y tế: 23 đơn vị;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 13 đơn vị;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 08 đơn vị;
- Sở Tài nguyên và Môi trường: 05 đơn vị;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 08 đơn vị;
- Sở Giao thông vận tải: 07 đơn vị;
- Sở Tư pháp: 04 đơn vị;
- Ban Quản lý Khu kinh tế: 03 đơn vị.
- Văn phòng UBND tỉnh: 02 đơn vị;
- Sở Khoa học và Công nghệ: 02 đơn vị;
- Sở Xây dựng: 01 đơn vị;
- Sở Thông tin và Truyền thông: 01 đơn vị;
- Sở Công Thương: 01 đơn vị;
- Sở Ngoại vụ: 01 đơn vị.
d) Thẩm quyền quản lý của chi cục trực thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh: 03 đơn vị.
- Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai trực thuộc Chi cục Thủy lợi;
- Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên biển đảo Cồn Cỏ trực thuộc Chi cục Thủy sản;
- Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;
đ) Thẩm quyền quản lý của UBND các huyện, thành phố, thị xã: 514 đơn vị, cụ thể:
Huyện, thành phố, thị xã | Số ĐVSNCL trực thuộc | Chia ra | |||
Sự nghiệp Giáo dục | Sự nghiệp Y tế | Sự nghiệp Văn hóa | Sự nghiệp khác | ||
Vĩnh Linh | 75 | 66 | 1 | 2 | 6 |
Gio Linh | 69 | 60 | 1 | 2 | 6 |
Cam Lộ | 42 | 34 | 1 | 2 | 5 |
Đông Hà | 43 | 35 | 1 | 2 | 5 |
Triệu Phong | 72 | 64 | 1 | 2 | 5 |
Thị xã Quảng Trị | 24 | 15 | 1 | 2 | 5 |
Hải Lăng | 68 | 60 | 1 | 2 | 5 |
Đakrông | 48 | 38 | 1 | 2 | 7 |
Hướng Hóa | 73 | 63 | 1 | 2 | 7 |
Huyện đảo Cồn Cỏ | 1 |
|
|
| 1 |
Cộng | 514 | 435 | 9 | 18 | 52 |
Trong số 435 đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND cấp huyện quản lý, gồm có:
- Trường mầm non: 153 trường (hạng 1: 96 trường, hạng 2: 57 trường);
- Trường tiểu học: 154 trường (hạng 1: 18 trường, hạng 2: 26 trường, hạng 3: 110 trường), trong đó trường dưới 10 lớp: 25 trường.
- Trường trung học cơ sở: 110 trường (hạng 1: 02 trường, hạng 2: 12 trường, hạng 3: 96 trường), trong đó trường dưới 10 lớp: 78 trường.
- Trường tiểu học và trung học cơ sở: 18 trường (hạng 1: 06 trường, hạng 2: 02 trường, hạng 3: 10 trường).
3.2. Phân theo mức độ tự chủ về tài chính:
a) ĐVSNCL tự đảm bảo về chi thường xuyên và chi đầu tư: không;
b) ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên: 47 (chiếm 7,3%, cả cấp tỉnh và cấp huyện):
- Trực thuộc UBND tỉnh: 01 đơn vị;
- Trực thuộc Sở, ngành: 25 đơn vị;
- Trực thuộc UBND cấp huyện: 21 đơn vị;
c) ĐVSNCL tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: 107 đơn vị (chiếm 16,6%):
- Trực thuộc Tỉnh ủy: 06 đơn vị;
- Trực thuộc UBND tỉnh: 03 đơn vị;
- Trực thuộc Sở, ngành: 58 đơn vị;
- Trực thuộc Chi cục: 01 đơn vị;
- Trực thuộc UBND cấp huyện: 39 đơn vị;
d) ĐVSNCL Nhà nước đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên: 490 đơn vị (chiếm 76,1%):
- Trực thuộc Tỉnh ủy: 01 đơn vị;
- Trực thuộc Sở, ngành: 33 đơn vị;
- Trực thuộc Chi cục: 02 đơn vị;
- Trực thuộc UBND cấp huyện: 454 đơn vị;
(Chi tiết tại Phụ lục số III kèm theo)
4. Đánh giá tổ chức và hoạt động:
4.1. Ưu điểm:
Tổ chức và hoạt động của các đơn vị hành chính các cấp, của thôn, bản, khu phố đã được hình thành lâu đời qua các thời kỳ gắn liền với lịch sử truyền thống của từng vùng miền nên cơ bản ổn định, hoạt động có nền nếp và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương và của tỉnh.
Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện đã được kiện toàn, sắp xếp qua nhiều lần nên cơ bản tinh gọn, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, bám sát vào Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan và tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo phân công quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương, khắc phục cơ bản tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ.
Việc xây dựng vị trí việc làm, giao biên chế, số người làm việc theo vị trí việc làm và quy định rõ số lượng cấp phó đến từng phòng chuyên môn, ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở, Ban ngành, phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện đã khắc phục tình trạng thừa, thiếu biên chế, thừa cấp phó trong từng cơ quan, đơn vị.
Các ĐVSNCL thuộc tỉnh được thành lập theo đúng các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương. Các đơn vị đều được cơ quan chủ quản ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động nên vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu cung cấp các dịch vụ công đến người dân, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của cơ quan chuyên ngành và địa phương.
Về cơ bản các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh giao đủ chỉ tiêu người làm việc và các nguồn lực khác để đảm bảo hoạt động, một số đơn vị sự nghiệp đã tự chủ hoàn toàn về biên chế và kinh phí hoạt động.
4.2. Hạn chế:
Đa số các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh có diện tích nhỏ, dân số thấp nhưng vẫn được bố trí đầy đủ các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách nên làm tăng tỷ lệ số người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp. Mặt khác, do quy mô diện tích nhỏ nên không gian phát triển của các xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thu hút một số dự án cần diện tích lớn để sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tổ chức và hoạt động của thôn, khu phố đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều thôn, khu phố có quy mô quá nhỏ, số hộ dân quá ít. Việc tổ chức cấp xã, thôn, khu phố manh mún dẫn đến tăng ngân sách Nhà nước chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ xã, phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách và ngân sách khoán quỹ phụ cấp kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, khu phố.
Tổ chức bộ máy của các Sở, Ban ngành tuy đã được kiện toàn, sắp xếp lại nhưng vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhiều đầu mối, tổ chức bên trong của nhiều Sở, ngành chưa tinh gọn, nhiều phòng chuyên môn, nhiều ban, chi cục; chưa tách bạch rõ ràng chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ sự nghiệp trong một số cơ quan, đơn vị.
Trong điều kiện biên chế được giao ít và phải thực hiện tinh giản, một số cơ quan có 06 đến 08 phòng nên có nơi phòng chỉ có 02 đến 03 biên chế, làm cho tổ chức bộ máy trở nên manh mún, mất cân đối, không đảm bảo tính khoa học của một tổ chức hành chính để thực thi công vụ.
Nhiều ban, chi cục được thành lập theo quy định của Chính phủ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, tuy nhiên quy mô tổ chức không lớn (chỉ từ 08 đến 09 biên chế), khối lượng công việc không quá nhiều. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ ràng, còn chồng chéo, trùng lắp.
Công tác quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công của một số ngành chưa thực sự sâu sát, còn lúng túng, kém hiệu quả. Việc phân bổ kinh phí hoạt động thường xuyên (đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí và đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động) còn mang tính bình quân, chưa xây dựng được tiêu chuẩn dịch vụ và các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công để kiểm định chất lượng cung ứng dịch vụ làm cơ sở cấp kinh phí hoạt động cho đơn vị sự nghiệp công.
Công tác quy hoạch phát triển mạng lưới ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế, chưa khoa học, ngại đổi mới; mới chủ yếu quy hoạch theo đơn vị hành chính mà chưa chú ý đúng mức đến địa bàn dân cư, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế.
Vẫn còn có nhiều ĐVSNCL trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động, còn nhiều đơn vị hoạt động trên các lĩnh vực dịch vụ công mà tổ chức xã hội, doanh nghiệp có thể cung ứng tốt, Nhà nước không cần phải thực hiện.
Một số ĐVSNCL được nhà nước đầu tư kinh phí khá lớn, mặc dù đã được giao tự chủ về chi thường xuyên nhưng chủ yếu chỉ trả lương cho người lao động của đơn vị. Việc cung cấp dịch vụ công, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất được đầu tư, nộp ngân sách nhà nước rất hạn chế. Một số đơn vị được nhà nước bao cấp nhưng hiệu quả công việc không rõ ràng.
Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công chưa hợp lý, còn nhiều đầu mối, còn nhiều đơn vị sự nghiệp công có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nhất là lĩnh vực giáo dục; làm lãng phí trong sử dụng cơ sở vật chất, nhân lực, làm phân tán, dàn trải các nguồn lực Nhà nước đầu tư.
Một số ĐVSNCL chưa nhận thức được xu hướng tất yếu của tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp nên chưa chủ động trong quá trình thực hiện các văn bản về đổi mới cơ chế quản lý, điều hành.
Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hầu hết các ĐVSNCL còn mang tính hình thức, ngại đổi mới, kết quả không cao, còn tâm lý trong chờ, ỷ lại vào Nhà nước;
Cơ cấu đội ngũ viên chức vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; tỷ lệ đội ngũ viên chức làm công tác phục vụ còn chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, đội ngũ viên chức vừa thừa lại vừa thiếu, thừa người làm công tác thừa hành, phục vụ, thiếu người làm chuyên môn nghiệp vụ.
Một số ĐVSNCL chưa được sắp xếp, kiện toàn lại theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của bộ, ngành chức năng ở Trung ương; một số ĐVSNCL hoạt động mang tính chất loại hình doanh nghiệp song chưa chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; một số đơn vị có thể tự chủ hoàn toàn về tổ chức, biên chế và kinh phí thường xuyên nhưng chưa mạnh dạn đề xuất chuyển đổi cơ chế tài chính phù hợp.
- Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
- Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW;
- Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;
- Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL;
- Nghị quyết số 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
- Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”;
- Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
- Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII;
- Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của liên bộ: Nội vụ, Tài chính hướng dẫn Nghị định số 108/2014/NĐ-CP;
- Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác;
- Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ Về việc chuyển ĐVSNCL thành công ty cổ phần; Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần;
- Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
- Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
- Kế hoạch số 84-KH/TU ngày 27/4/2018 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW;
- Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 07/5/2018 của Tỉnh ủy Quảng Trị về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Trong thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cải cách tiền lương: Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Kế hoạch số 56-KH/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị ngày 17/12/2013 thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Hoạt động của bộ máy hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã cơ bản khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc quản lý, sử dụng biên chế, số người làm việc và thực hiện tinh giản biên chế được tập trung thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Những kết quả trong việc kiện toàn, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tinh giản biên chế đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Tuy nhiên đến nay, các đơn vị hành chính của địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp xã, thôn, bản, khu phố. Tổ chức bộ máy cơ quan hành chính vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước ở nhiều nơi còn hạn chế.
Hệ thống các ĐVSNCL cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo, hoạt động của các ĐVSNCL còn hạn chế, quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL quá lớn. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức. Việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá chưa kịp thời, thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa hợp lý về số lượng, ngạch bậc, chức danh nghề nghiệp. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, nhiều nơi chưa tách bạch rõ giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung ứng dịch vụ của ĐVSNCL. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động của ĐVSNCL nhiều nơi còn bỏ ngỏ.
Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là:
Chưa tiến hành đồng bộ giữa đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy với sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức,viên chức. Cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp với từng cơ quan chưa được làm rõ.
Việc tinh giản biên chế chưa gắn với việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy nên thực hiện không hiệu quả.
Xã hội hóa các dịch vụ công triển khai thực hiện chậm.
Việc chuyển cán bộ cấp xã thành công chức với diện quá rộng. Cơ chế, chính sách chưa tạo thành động lực cho cán bộ, công chức toàn tâm toàn ý với công việc và thu hút người giỏi về công tác ở các cơ quan trong hệ thống chính trị. Chưa có cơ chế kịp thời thay thế những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18/-NQ/TW và Nghị quyết số 19/-NQ/TW, yêu cầu:
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các ĐVSNCL, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.
Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức trong ĐVSNCL. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu cấp thiết.
MỤC TIỂU, NỘI DUNG SẮP XẾP VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.1. Mục tiêu chung:
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của ĐVSNCL, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố:
- Sáp nhập 23 xã, thị trấn (trong đó 21 xã thị trấn không đạt 50% cả hai tiêu chí diện tích và dân số, 01 xã có dân số dưới 1.000 người, 01 xã có diện tích dưới 3 km2); tương ứng giảm 19 đơn vị cấp xã. Đồng thời nghiên cứu thành lập thêm một phường thuộc thành phố Đông Hà để đảm bảo tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc thành phố. Sau khi thành lập, sắp xếp, tổ chức lại giảm 378 người, đạt 11,9% so với tổng số cán bộ, công chức cấp xã được giao;
- Sáp nhập các thôn, khu phố có quy mô số hộ gia đình đạt dưới 50% theo tiêu chuẩn quy định, tương ứng giảm khoảng 300 đến 400 thôn, bản, khu phố.
Về lâu dài tiếp tục tổ chức, sắp xếp để đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp xã; thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn theo quy định;
- Đối với đơn vị hành chính cấp huyện: Sau khi sáp nhập xong đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố, sẽ nghiên cứu xem xét tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện theo đúng tiêu chuẩn quy định trong giai đoạn 2021 - 2030.
b) Các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện:
- Kiện toàn tổ chức và đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó;
- Giảm số lượng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của Chính phủ:
Cấp tỉnh: Không quá 17 sở (tỉnh loại III).
Cấp huyện:
+ Huyện, thị xã, thành phố loại II: Không quá 11 phòng (thành phố Đông Hà, các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh và Hướng Hóa);
+ Huyện, thị xã loại III: Không quá 10 phòng (thị xã Quảng Trị và các huyện: Cam Lộ, Đakrông);
+ Riêng huyện đảo Cồn Cỏ: Không quá 02 phòng;
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại cấp huyện còn 93 phòng, giảm 19 phòng.
- Chỉ thành lập những ban, chi cục đối với cơ quan có chức năng thừa hành, thực thi pháp luật và được pháp luật quy định xử lý các vi phạm hành chính, hoặc đối với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước có tính chất đặc thù, lĩnh vực trọng yếu, những chi cục còn lại thì chuyển thành phòng chuyên môn, thuộc sở, tách chức năng sự nghiệp chuyển về các trung tâm có nhiệm vụ tương đồng. Sau khi sắp xếp toàn tỉnh còn 11 chi cục (giảm 05 chi cục);
- Chỉ thành lập phòng chuyên môn cấp tỉnh có từ 05 biên chế trở lên. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn 104 phòng chuyên môn thuộc Sở, Ban ngành, giảm 39 phòng;
- Giảm tối thiểu 201 biên chế so với năm 2015, tương ứng 10%.
c) Đối với các ĐVSNCL từ nay đến năm 2030:
* Giai đoạn đến năm 2021:
- Giảm 181 ĐVSNCL, tương ứng 27,2%, trong đó: sự nghiệp giáo dục: 116 đơn vị, chiếm 64,3%, sự nghiệp y tế: 21 đơn vị, chiếm 11,5%, sự nghiệp văn hóa: 11 đơn vị, chiếm 6,1%, sự nghiệp khác: 33 đơn vị, chiếm 18,1% (Giai đoạn 2015 - 2018 đã thực hiện 22 đơn vị, còn 159 đơn vị phải thực hiện đến 2021);
- Giảm tối thiểu 1.786, chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015, tương ứng 10%;
- Có tối thiểu 54 đơn vị tự chủ tài chính, tương ứng 11,1%, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2011 - 2015;
- Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học);
- Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp;
* Giai đoạn đến năm 2025:
- Giảm thêm 07 đơn vị sự nghiệp khác do cổ phần hóa và chuyển ra ngoài công lập. Còn 478 ĐVSNCL;
- Giảm 1.607 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, tương ứng 10%;
- Có tối thiểu 98 đơn vị tự chủ tài chính, tương ứng 20,5%;
- 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần;
- Giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2016 - 2020.
* Giai đoạn đến năm 2030:
- Giữ nguyên 478 ĐVSNCL như giai đoạn 2021 - 2025;
- Giảm 1.447 chỉ tiêu biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025, tương ứng 10%;
- Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL so với giai đoạn 2021 - 2025.
II. NỘI DUNG SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI
1. Đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố:
1.1. Nguyên tắc sáp nhập:
a) Đơn vị hành chính cấp xã:
- Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã được tiến hành theo nguyên tắc, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện, không làm thay đổi đường địa giới hành chính cấp huyện;
- Các đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập với nhau phải có vị trí liền kề nhau, sáp nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập với nhau hoặc sáp nhập một đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập với một đơn vị hành chính cấp xã liền kề, không nhất thiết phải nhập nguyên đơn vị hành chính cấp xã này với đơn vị hành chính cấp xã khác, mà tùy điều kiện cụ thể có thể tách một số thôn của xã này để sáp nhập vào xã khác để đảm bảo diện tích, dân số và phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán; có địa giới hành chính phù hợp, dễ quản lý, thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân;
- Quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã gắn với việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh ở những nơi có điều kiện.
b) Thôn, khu phố:
Sáp nhập thôn, khu phố trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã và có vị trí liền kề nhau, địa hình không chia cắt phức tạp, không làm thay đổi địa giới hành chính cấp xã, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
1.2. Tiêu chí sáp nhập:
a) Đơn vị hành chính cấp xã:
- Các đơn vị hành chính cấp xã có cả 02 tiêu chí (diện tích, dân số) đạt dưới 50% so với quy định;
- Đối với đơn vị hành chính có tiêu chí diện tích hoặc tiêu chí dân số đạt quá thấp (diện tích dưới 03 km2 đối với xã, dưới 1,5 km2 đối với phường, thị trấn; dân số dưới 1.000 người) cũng đề nghị sáp nhập với đơn vị hành chính cấp xã liền kề.
b) Thôn, khu phố:
+ Sáp nhập các thôn, khu phố có nguồn gốc từ một làng trước đây; thôn mới thành lập và thôn có nguồn gốc lâu đời;
+ Sáp nhập các thôn, khu phố có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo tiêu chuẩn quy định, cụ thể:
- Thôn thuộc vùng đồng bằng: dưới 200 hộ; thôn thuộc vùng miền núi dưới: 100 hộ;
- Khu phố thuộc đồng bằng dưới: 250 hộ; khu phố thuộc miền núi dưới: 150 hộ:
+ Đối với thôn, khu phố có quy mô số hộ gia đình chưa đạt 50% so với quy định nhưng nằm cách xa các thôn, khu phố khác (vùng đồng bằng trên 02 km, miền núi trên 03 km) hoặc thôn, khu phố là một làng trước đây thì trước mắt giữ nguyên, sẽ xem xét sáp nhập trong giai đoạn 2021 - 2030, nhưng tối thiểu phải có quy mô số hộ gia đình trên 70 hộ đối với miền núi, trên 100 đối với đồng bằng. Riêng đối với các thôn thuộc vùng biên giới, UBND các huyện phải báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến đối với từng trường hợp cụ thể.
1.3. Phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã; thôn, khu phố:
a) Đơn vị hành chính cấp xã:
Trong 141 xã, phường, thị trấn, có 23 xã, thị trấn phải tiến hành sáp nhập (trong đó 21 xã, thị trấn có 02 tiêu chí diện tích và dân số đạt dưới 50%, 01 xã có dân số dưới 1.000 người và 01 xã có diện tích dưới 03 km2), gồm: thị trấn Hải Lăng, xã Hải Thành, xã Hải Thiện và xã Hải Khê, huyện Hải Lăng; Xã Triệu Vân, xã Triệu Thành huyện Triệu Phong; Xã Cam Thanh huyện Cam Lộ; Xã Hải Phúc huyện Đakrông; Xã Xy và xã A Xing, huyện Hướng Hóa; Các xã: Gio Hòa, Gio Sơn, Vĩnh Trường, Gio Bình và Gio Thành huyện Gio Linh; các Xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Trung, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Nam, Vĩnh Hiền, Vĩnh Tân và Vĩnh Khê huyện Vĩnh Linh.
(Chi tiết Phương án dự kiến sáp nhập xã có Phụ lục số IV kèm theo)
Đối với thành phố Đông Hà:
Nghiên cứu thành lập một phường mới thuộc thành phố Đông Hà trên cơ sở tách một phần diện tích, dân số của các phường: Đông Lễ, Đông Lương và Phường 5. Dự kiến phường mới có diện tích khoảng 5,5 đến 06 km2 đạt khoảng 100 đến 110% so với tiêu chuẩn, dân số khoảng 7.000 đến 8.000 người đạt khoảng 100 đến 115% so với tiêu chuẩn.
Sau khi thành lập thêm phường mới, thành phố Đông Hà có 10 phường, đạt tiêu chuẩn số đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố.
Như vậy đối với toàn tỉnh, tổng số đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập giảm 18 đơn vị (giảm 19 xã, tăng thêm 01 phường), còn lại 122 đơn vị hành chính cấp xã.
b) Thôn, khu phố:
Việc sáp nhập thôn, khu phố thực hiện theo nguyên tắc và tiêu chí nêu tại Điểm b, Khoản 2 và Điểm b, Khoản 3 Mục này. Tổng số thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh phải xem xét sáp nhập là 730 thôn, khu phố, phương án sáp nhập thôn, khu phố do UBND xã, phường, thị trấn xây dựng Đề án trình UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND trình HĐND quyết định theo quy định. Theo dự kiến sơ bộ sau sáp nhập sẽ còn khoảng 600 đến 750 thôn, khu phố, giảm khoảng 300 đến 400 thôn, khu phố.
2. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn:
Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18/-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, theo đó, yêu cầu các địa phương rà soát sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định khung của Chính phủ.
Theo định hướng của Chính phủ về số lượng các sở (không quá 17 sở đối với tỉnh loại III) và điều kiện để thành lập chi cục (có tối thiểu 12 biên chế) và phòng chuyên môn (có tối thiểu 05 biên chế), phương án sắp xếp các cơ quan hành chính như sau:
2.1. Đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh:
a) Hiện có 19 Sở, Ban ngành. Theo định hướng của Chính phủ, tỉnh loại III được tổ chức không quá 17 sở, đề xuất hướng sắp xếp như sau:
- Sáp nhập để giảm tối thiểu 02 sở theo khung định hướng của Chính phủ đối với tỉnh loại III có 17 sở và cơ quan tương đương sở như sau:
+ Thành lập Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch trên cơ sở sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
+ Chuyển Ban Dân tộc về Sở Nội vụ và tổ chức lại thành Ban Dân tộc và Tôn giáo.
b) Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐNĐ tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.
2.2. Đối với các chi cục:
Hiện nay toàn tỉnh có 16 ban, chi cục trực thuộc các Sở, Ban ngành. Trong đó có 09 ban, chi cục có dưới 12 biên chế (không bao gồm bộ phận sự nghiệp và hợp đồng 68).
Sắp xếp như sau:
a) Đối với Ban Tôn giáo: Chuyển Ban Dân tộc về Sở Nội vụ và sáp nhập vào Ban Tôn giáo thành Ban Dân tộc và Tôn giáo, trực thuộc Sở Nội vụ;
b) Đối với những ban, chi cục chỉ thực hiện chức năng thừa hành, thực thi pháp luật thì giữ nguyên, gồm 05 chi cục, cụ thể:
- Chi cục Quản lý thị trường;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Chi cục Quản lý Chất lượng nông - lâm sản và thủy sản;
- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (điều chỉnh hợp lý biên chế quản lý nhà nước);
- Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (có đơn vị sự nghiệp trực thuộc).
c) Đối với những ban, chi cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước, có trên 12 biên chế và ban, chi cục có tính đặc thù thì giữ nguyên, gồm 02 chi cục, cụ thể:
- Chi cục Phát triển nông thôn (bao gồm cả nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới);
- Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
d) Đối với những ban, chi cục thực hiện chức năng quản lý nhà nước, có dưới 12 biên chế thì chuyển thành phòng chuyên môn thuộc sở (hoặc giao cho phòng chuyên môn thuộc Sở có nhiệm vụ tương đồng), gồm 04 ban, chi cục, cụ thể:
- Ban Thi đua - Khen thưởng: Chuyển thành phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ;
- Chi cục Văn thư - lưu trữ: Chuyển chức năng quản lý nhà nước về thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ, đồng thời thành lập Trung tâm Lưu trữ để thực hiện chức năng lưu trữ;
- Chi cục Biển, Hải đảo và Khí tượng thủy văn: Chuyển thành phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Chi cục Bảo vệ môi trường: Chuyển thành phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
đ) Đối với những ban, chi cục vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng thừa hành, thực thi pháp luật thì tổ chức lại như sau:
- Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Hợp nhất thành một chi cục với tên gọi là Chi cục Bảo vệ thực vật và Thú y, để thực hiện chức năng thừa hành thực thi pháp luật về bảo vệ thực vật và thú y; còn chức năng quản lý nhà nước về trồng trọt và chăn nuôi thì chuyển về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở;
- Đối với Chi cục Thủy lợi: Do bao gồm cả nhiệm vụ quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai nên giữ nguyên, điều chỉnh hợp lý biên chế quản lý nhà nước để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao;
- Đối với Chi cục Thủy sản: Do có bộ phận thực hiện chức năng thừa hành thực thi pháp luật về Kiểm ngư nên giữ nguyên và điều chỉnh hợp lý biên chế quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
e) Đối với các chi cục có bộ phận sự nghiệp thì chuyển nhiệm vụ về đơn vị sự nghiệp tương đồng, hoặc hình thành đơn vị sự nghiệp phù hợp để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước.
Dự kiến sau khi tổ chức, sắp xếp lại, toàn tỉnh còn 11 chi cục, giảm 05 chi cục so với hiện nay.
(Chi tiết tại Phụ lục số V kèm theo)
2.3. Đối với các phòng chuyên môn thuộc cơ quan cấp tỉnh:
Hiện nay, toàn tỉnh có 143 phòng chuyên môn (và tương đương) thuộc các cơ quan thuộc UBND tỉnh. Theo định hướng của Chính phủ chỉ thành lập phòng chuyên môn từ 05 biên chế trở lên (trừ thanh tra các Sở), đề xuất sắp xếp lại các phòng theo nguyên tắc ghép các phòng tương đồng về chức năng, nhiệm vụ hoặc phòng có khối lượng công việc ít, có dưới 05 biên chế. Sau khi tổ chức, sắp xếp lại, toàn tỉnh dự kiến sẽ còn 104 phòng, giảm 39 phòng chuyên môn cấp tỉnh so với hiện nay, số lượng lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở dự kiến giảm 79 người theo quy định và giảm 72 người so với số thực tế hiện có.
(Chi tiết tại Phụ lục số VI kèm theo)
2.4. Đối với các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện:
Hiện nay, mỗi huyện có 12 phòng chuyên môn, riêng huyện Hướng Hóa và huyện Đakrông có 13 phòng và huyện đảo Cồn Cỏ có 02 phòng. Theo định hướng của Chính phủ, đối với huyện loại III có 10 phòng, đối với huyện loại II có 11 phòng, đề xuất sắp xếp như sau:
- Đối với các huyện, thị xã, thành phố: Không tổ chức Phòng Y tế, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước của phòng này về Văn phòng HĐND và UBND huyện;
- Đối với hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa: Không tổ chức Phòng Dân tộc, chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước của phòng này về Phòng Nội vụ;
- Để giảm số phòng chuyên môn trong số các phòng còn lại của các đơn vị hành chính cấp huyện loại III (thị xã Quảng Trị, huyện Cam Lộ và huyện Đakrông), đề xuất thực hiện như sau:
+ Đối với thị xã Quảng Trị: Hợp nhất Phòng Kinh tế với Phòng Quản lý Đô thị;
+ Đối với huyện Cam Lộ và huyện Đakrông: Hợp nhất Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Phòng Kinh tế - Hạ tầng;
- Chuyển chức năng quản lý nhà nước về thú y của Trạm Thú y và chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật của Trạm Bảo vệ thực vật về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc Phòng Kinh tế). Tuy nhiên, hiện nay các trạm được giao biên chế sự nghiệp nên sẽ khó khăn khi chuyển giao.
Sau khi sắp xếp, tổ chức lại:
- Thành phố Đông Hà và 05 huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh và Hướng Hóa có 11 phòng (đơn vị hành chính loại II);
- Thị xã Quảng Trị và 02 huyện: Cam Lộ, Đakrông có 10 phòng (đơn vị hành chính loại III);
- Riêng huyện đảo Cồn Cỏ: Giữ nguyên 02 phòng.
2.5. Về tinh giản biên chế:
Đến năm 2021 thực hiện tinh giản 201 chỉ tiêu biên chế hành chính so với năm 2015 (tương ứng 10%), trung bình mỗi năm giảm 1.43%, tương ứng mỗi năm giảm 29 chỉ tiêu.
Đến năm 2018, đã thực hiện tinh giản được 95 chỉ tiêu còn 106 chỉ tiêu, trung bình mỗi năm còn lại giảm 27 chỉ tiêu/năm.
3. Sắp xếp, tổ chức lại, thực hiện tự chủ về tài chính, cổ phần hóa các ĐVSNCL:
3.1. Sắp xếp, tổ chức lại:
3.1.1. Giai đoạn 2015 - 2021: Giảm 181 đơn vị, đạt: 27,2%, cụ thể như sau:
a) Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo:
* Định hướng sắp xếp:
- Đối với các xã chỉ có 01 trường (tiểu học hoặc trung học cơ sở) thì giữ nguyên trường hiện có và có chính sách phù hợp;
- Hợp nhất, sáp nhập, hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hoặc có cùng cấp học theo nguyên tắc: Các trường sau khi tổ chức lại có đủ số giáo viên từng bộ môn; dạy đủ số tiết tối thiểu theo định mức quy định, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, đảm bảo không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học. Cụ thể như sau:
+ Trường tiểu học: tối thiểu 23 lớp;
+ Trường trung học cơ sở: tối thiểu 12 lớp;
+ Trường tiểu học và trung học cơ sở: tối thiểu 19 lớp;
+ Trường Trung học phổ thông: tối thiểu 19 lớp;
+ Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông: tối thiểu 19 lớp;
+ Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông: tối thiểu 27 lớp.
(Đối với đồng bằng, đô thị: Hạng 3: dưới 19 lớp; Hạng 2: từ 19-27 lớp; Hạng 1: từ 28 lớp trở lên.
Đối với miền núi: Hạng 3: dưới 10 lớp; Hạng 2: từ 10 -18 lớp; Hạng 1: từ 19 lớp trở lên).
- Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố sáp nhập các trường có quy mô lớn hơn số lớp nêu trên;
- Đối với các trường thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, tùy vào tình hình thực tế, số lớp có thể thấp hơn so với định mức ở trên nhưng tối thiểu cấp trung học cơ sở phải có 08 lớp và cấp tiểu học phải có 15 lớp trở lên;
- Phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh phải gắn với việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trong đề án này;
- Xã, phường, thị trấn có tối thiểu 01 trường mầm non. Đối với các xã, phường, thị trấn có 02 trường mầm non thì tổng số lớp tối thiểu của 02 trường phải là 15 lớp đối với vùng đồng bằng, đô thị và 11 lớp đối với vùng miền núi; có 03 trường mầm non thì tổng số lớp tối thiểu của 03 trường phải là 24 lớp đối với vùng đồng bằng, đô thị và 17 lớp đối với vùng miền núi;
- Trường sau khi sáp nhập có chung bộ máy quản lý, phục vụ và có 01 điểm trường chính, các điểm trường khác vẫn cơ bản giữ nguyên để đảm bảo khoảng cách đến trường theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đội ngũ giáo viên được sắp xếp bố trí lại hợp lý, đảm bảo dạy đúng chuyên môn được đào tạo và đủ số tiết theo quy định;
- Đối với các Trường Phổ thông dân tộc nội trú: Tổ chức lại phù hợp với sự phát triển của học sinh dân tộc nội trú, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường và đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định.
* Phương án sắp xếp:
- Sáp nhập các trường mầm non, phổ thông, đơn vị sự nghiệp giáo dục khác: 206 đơn vị, cụ thể như sau:
+ Sáp nhập trường mầm non với trường mầm non trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã: 10 trường (Vĩnh Linh: 06, Gio Linh: 02, Hải Lăng: 02);
+ Sáp nhập trường tiểu học với trường tiểu học trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã: 25 trường (Đông Hà: 02, Vĩnh Linh: 06, Gio Linh: 06, Triệu Phong: 06, Cam Lộ: 05);
+ Sáp nhập trường tiểu học với trường trung học cơ sở trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã: 140 trường (thành phố Đông Hà: 06, thị xã Quảng Trị: 06, Vĩnh Linh: 20, Gio Linh: 22, Triệu Phong: 29, Hải Lăng: 32, Cam Lộ: 10, Đakrông: 05, Hướng Hóa: 10);
+ Sáp nhập trường trung học cơ sở với trường trung học cơ sở trong cùng một đơn vị hành chính cấp xã và liên xã: 06 trường (Vĩnh Linh: 04, Hải Lăng: 02);
+ Sáp nhập trường trung học cơ sở với trường trung học phổ thông: 18 trường (Vĩnh Linh: 02, Gio Linh: 04, Triệu Phong: 02, Hải Lăng: 04, Cam Lộ: 04, Hướng Hóa: 02);
+ Chuyển Trường Mầm non Sao mai trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo về UBND thành phố Đông Hà quản lý;
+ Chuyển Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đakrông và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo về UBND huyện Đakrông và UBND huyện Hướng Hóa quản lý;
+ Chuyển Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo về UBND thành phố Đông Hà quản lý và sáp nhập vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Đông Hà;
+ Sáp nhập Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học vào Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (trường hợp không sáp nhập 02 Trung tâm này vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị).
(Chi tiết tại Phụ lục số VIII và Phụ lục số IX kèm theo)
Trên cơ sở định hướng và phương án nêu trên, sau khi sắp xếp, tổ chức lại, số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập: Giảm 106 đơn vị, chiếm 22,5%, gồm:
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Giảm 05 đơn vị (Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đakrông, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa, Trường Mầm non Sao Mai, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học);
- Thành phố Đông Hà: Giảm 03 đơn vị (mầm non: tăng 01, tiểu học: giảm 04);
- Thị xã Quảng Trị: Giảm 03 đơn vị (tiểu học: 03);
- Huyện Vĩnh Linh: Giảm 20 đơn vị (mầm non: 03, tiểu học: 14, THCS: 03);
- Huyện Gio Linh: Giảm 17 đơn vị (mầm non: 01, tiểu học: 14, THCS: 02);
- Huyện Triệu Phong: Giảm 20 đơn vị (tiểu học: 19, THCS: 01);
- Huyện Hải Lăng: Giảm 20 đơn vị (mầm non: 01, tiểu học: 16, THCS: 03);
- Huyện Cam Lộ: Giảm 11 đơn vị (tiểu học: 09, THCS: 02);
- Huyện Đakrông: Giảm 02 đơn vị (tiểu học: giảm 03, THCS: tăng 01);
- Huyện Hướng Hóa: Giảm 05 đơn vị (tiểu học: giảm 05; THCS: 0 (tăng 01, giảm 01))
Như vậy, sau khi tổ chức lại còn 366 đơn vị, trong đó: giữ nguyên: 266 đơn vị; sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại: 206 đơn vị thành 100 đơn vị, giảm 106 đơn vị (mầm non sáp nhập với mầm non: 05, tiểu học sáp nhập với tiểu học: 14, tiểu học sáp nhập với trung học cơ sở: 73, trung học cơ sở sáp nhập với trung học cơ sở: 03, trung học cơ sở sáp nhập với trung học phổ thông: 09, đơn vị khác: 02).
Trong 366 đơn vị còn lại có: 149 trường mầm non, 68 tiểu học, 39 trường trung học cơ sở (đã bao gồm 04 trường dân tộc nội trú huyện), 78 trường tiểu học và trung học cơ sở, 10 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, 20 trường trung học phổ thông, 02 đơn vị khác (Trường Chính trị Lê Duẩn và Trường Trẻ em khuyết tật).
* Lộ trình thực hiện:
- Năm học 2017 - 2018: Giảm 63 trường, cụ thể như sau:
+ Giảm 05 trường mầm non do sáp nhập 05 trường mầm non với 05 trường mầm non;
+ Giảm 14 trường tiểu học do sáp nhập 14 trường tiểu học với 13 trường tiểu học;
+ Giảm 31 trường tiểu học do sáp nhập 31 trường tiểu học có dưới 10 lớp với 23 trường trung học cơ sở có dưới 08 lớp;
+ Giảm 03 trường trung học cơ sở do sáp nhập 03 trường trung học cơ sở với 03 trường trung học cơ sở;
+ Giảm 09 trường trung học cơ sở do sáp nhập 09 trường trung học cơ sở với 09 trường trung học phổ thông;
+ Giảm Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo do sáp nhập với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thành phố Đông Hà.
- Năm học 2018 - 2019: Giảm 43 đơn vị, cụ thể như sau:
+ Giảm 42 trường do sáp nhập 42 trường tiểu học với 42 trường trung học cơ sở có quy nhỏ để đảm bảo các trường sau khi tổ chức lại có đủ số giáo viên từng bộ môn; dạy đủ số tiết tối thiểu theo định mức quy định;
+ Giảm 01 đơn vị do sáp nhập Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học với Trung tâm giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (trường hợp không sáp nhập với Trường Cao đẳng Sư phạm).
Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất các trường hoàn thành trong năm học 2017 - 2018.
b) Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Giảm 04 đơn vị (giảm 05, tăng 01), cụ thể:
- Đối với Trường Cao đẳng Sư phạm:
+ Phương án 1: Sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vào Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị để trở thành trường Đại học đào tạo đa ngành trực thuộc Đại học Huế hoặc tổ chức lại thành trường Đại học cộng đồng, đào tạo đa ngành trực thuộc UBND tỉnh;
+ Phương án 2: Sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị và bổ sung chức năng về đào tạo thực hành cấp mầm non, phổ thông chất lượng cao.
(Sẽ có Đề án và lựa chọn phương án trình UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy riêng).
- Thành lập Trường Cao đẳng nghề, trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất 04 đơn vị:
Trường Trung cấp nghề trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải trực thuộc Sở Giao thông vận tải; Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn;
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực thuộc Hội Nông dân tỉnh.
- Đối với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị là trường hoạt động mang tính đặc thù riêng, do đó tạm thời giữ nguyên vì hiện nay trường đang làm tốt việc đào tạo, đạo tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao đẳng phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, các nước trong khu vực và xuất khẩu lao động. Việc sáp nhập Trường Cao đẳng Y tế Quảng Trị vào Trường Cao đẳng nghề sẽ xem xét theo lộ trình sau năm 2020 để phù hợp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo quy định;
- Sáp nhập 03 Trung tâm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề tổng hợp) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện (đã thực hiện giảm 17 đơn vị).
Như vậy, sau khi tổ chức lại còn 12 đơn vị, trong đó: Giữ nguyên: 01 đơn vị; sáp nhập, hợp nhất: 31 đơn vị thành 11 đơn vị, giảm 20 đơn vị (đã giảm giai đoạn 2015 - 2018: 17 đơn vị).
c) Lĩnh vực y tế: Giảm 12 đơn vị, cụ thể:
* Cấp tỉnh: Giảm 03 đơn vị, gồm:
- Hợp nhất 04 đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật;
- Tổ chức lại Phòng khám Đa khoa khu vực Bồ Bản và Phòng khám Đa khoa khu vực Tà Rụt thành đơn nguyên điều trị nội trú thuộc Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong và Trung tâm Y tế huyện Đakrông.
* Cấp huyện: Giảm 09 đơn vị, gồm:
Sáp nhập Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố (09 đơn vị) vào Trung tâm Y tế cấp huyện (trực thuộc Sở Y tế hoặc trực thuộc UBND cấp huyện) thành 01 Trung tâm Y tế đa chức năng, bao gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác.
Như vậy, sau khi tổ chức lại còn 20 đơn vị, trong đó: Giữ nguyên: 08 đơn vị; sáp nhập, hợp nhất: 33 đơn vị thành 12 đơn vị, giảm 21 đơn vị (đã giảm 09 đơn vị, còn 12 đơn vị phải thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2021).
d) Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Giảm 01 đơn vị, cụ thể:
Hợp nhất: Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ thành Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ.
đ) Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tăng 08 đơn vị, cụ thể:
* Cấp tỉnh: Giảm 01 đơn vị
- Chuyển dịch vụ bảo vệ thực vật và dịch vụ thú y từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật và Chi cục Chăn nuôi và thú y về Trung tâm Khuyến nông tỉnh;
- Cổ phần hóa Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi.
* Cấp huyện: Tăng 09 đơn vị, gồm:
Thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở tổ chức lại Trạm Khuyến nông, khuyến ngư, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật.
e) Lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao: Giảm 11 đơn vị, cụ thể:
* Cấp tỉnh: Giảm 02 đơn vị, gồm:
- Hợp nhất 02 Trung tâm: Trung tâm Văn hóa tỉnh với Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng thành 01 đơn vị có tên là Trung tâm Văn hóa và Phát hành phim chiếu bóng;
- Hợp nhất 02 đơn vị: Ban Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh thành 01 đơn vị có tên là Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh;
- Tổ chức lại Đoàn Nghệ thuật tỉnh thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh, để thực hiện chức năng bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của tỉnh.
* Cấp huyện: Giảm 09 đơn vị, gồm:
Thành lập Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan, đơn vị: Sáp nhập Đài Truyền thanh hoặc Đài Phát thanh - Truyền hình cấp huyện (09 đơn vị), Trung tâm Thể dục thể thao hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao (09 đơn vị) và bộ phận sự nghiệp văn hóa của Phòng Văn hóa và Thông tin (nơi không thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao).
Như vậy, sau khi tổ chức lại còn 18 đơn vị, trong đó: Giữ nguyên: 07 đơn vị; sáp nhập, hợp nhất: 22 đơn vị thành 11 đơn vị, giảm 11 đơn vị. f) Lĩnh vực sự nghiệp khác: Giảm 33 đơn vị, cụ thể:
* Cấp tỉnh: Giảm 10 đơn vị (tăng 01, giảm 11), gồm:
- Trực thuộc UBND tỉnh: Tăng 01 đơn vị:
Thành lập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (tăng 01 đơn vị) trực thuộc UBND tỉnh, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (thuộc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch), tiếp nhận bộ phận xúc tiến thương mại của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương, bộ phận sự nghiệp xúc tiến đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Giảm 02 đơn vị
+ Hợp nhất 03 đơn vị: Nhà Đón tiếp thân nhân liệt sỹ, Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 và Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn thành 01 đơn vị: Ban Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sỹ;
- Trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Giảm 01 đơn vị:
+ Sáp nhập Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch vào Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư trực thuộc UBND tỉnh (Dự kiến thành lập mới);
- Trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường: Giảm 01 đơn vị:
Chuyển chức năng lưu trữ thông tin tài nguyên và môi trường của Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường về Văn phòng Đăng ký đất đai. Các chức năng dịch vụ còn lại chuyển về Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (giải thể Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường);
- Trực thuộc Sở Giao thông vận tải: Giảm 04 đơn vị:
Cổ phần hóa 04 đơn vị: Đoạn Quản lý đường thủy nội địa; Trung tâm Quản lý bến xe khách; Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy, bộ; Trung tâm Sát hạch xe cơ giới;
- Trực thuộc Sở Tư pháp: Giảm 01 đơn vị:
Chuyển thành Công ty hợp danh 01 đơn vị: Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản.
- Trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh: Giảm 01 đơn vị:
Tổ chức Phòng Công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của UBND tỉnh (bao gồm cả Cổng Thông tin điện tử và duy trì dữ liệu Công báo); chuyển Trung tâm Tin học về Sở Thông tin và truyền thông và hợp nhất vào Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, do đó Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có Công văn số 31-CV/BCSĐ ngày 25/5/2018 đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy ‘‘Thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công (là đơn vị hành chính đặc thù) thuộc Văn phòng UBND tỉnh, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Tin học tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh theo Nghị định số 61. Ngoài chức năng, nhiệm vụ theo Nghị định số 61, Trung tâm Phục vụ hành chính công còn thực hiện chức năng làm đầu mối Cổng Thông tin điện tử tỉnh, kết nối hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và Công báo”. Vì vậy, nội dung này sẽ thực hiện khi có chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
- Tỉnh đoàn: Giảm 01 đơn vị:
Chấm dứt hoạt động của Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh trực thuộc Tỉnh đoàn.
Như vậy, sau khi tổ chức lại còn 25 đơn vị, trong đó: Giữ nguyên 22 đơn vị; sáp nhập, hợp nhất: 08 đơn vị thành 03 đơn vị, giảm 05 đơn vị; giảm 05 đơn vị do cổ phần hóa và chuyển thành công ty hợp danh, giảm 01 đơn vị do giải thể và tăng 01 đơn vị do thành lập mới.
* Cấp huyện: Giảm 23 đơn vị, gồm:
- Giữ nguyên Trung tâm Phát triển quỹ đất và Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng trực thuộc UBND thành phố Đông Hà. Đối với các huyện, thị xã còn lại: Hợp nhất Trung tâm Phát triển quỹ đất (08 đơn vị), Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng (08 đơn vị) thành Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất (08 đơn vị). (Giảm 08 đơn vị);
- Sáp nhập sự nghiệp khuyến công của Phòng Kinh tế - Hạ tầng hoặc Phòng Kinh tế với Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp hoặc Ban Quản lý Cụm công nghiệp, làng nghề hoặc Trung tâm Quản lý và Phát triển Cụm công nghiệp và Dịch vụ công ích (thành phố Đông Hà) thành Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp và Khuyến công hoặc Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp - Khuyến công và Dịch vụ công ích (thành phố Đông Hà);
- Cổ phần hóa: Trung tâm Môi trường - Đô thị (06 đơn vị), Ban Quản lý bãi tắm Cửa Tùng. (Giảm 07 đơn vị);
- Cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp: Ban Quản lý chợ (06 đơn vị), Ban Quản lý trung tâm thương mại Lao Bảo. (Giảm 07 đơn vị);
- Ban Quản lý Giảm nghèo nhanh và bền vững (đã giảm);
- Ban Quản lý Cảng cá huyện đảo Cồn Cỏ (giữ nguyên);
Như vậy, sau khi tổ chức lại còn 20 đơn vị, trong đó: Giữ nguyên 03 đơn vị; sáp nhập, hợp nhất: 26 đơn vị thành 17 đơn vị, giảm 09 đơn vị; giảm 14 đơn vị do cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.
Tổng số ĐVSNCL sau khi sắp xếp, tổ chức lại giảm 181 đơn vị (giảm 192 đơn vị, tăng 11 đơn vị), đạt 27,2%, trong đó giai đoạn 2015 - 2018 đã thực hiện: 22 đơn vị, còn 159 đơn vị phải thực hiện đến năm 2021.
3.1.2. Giai đoạn 2021 - 2025:
Đã thực hiện đạt mục tiêu trong giai đoạn 2015 - 2021 là 27,2%.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, giảm thêm 07 đơn vị, cụ thể:
- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Cổ phần hóa đối với 02 đơn vị (Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Giống thủy sản);
- Lĩnh vực sự nghiệp khác: 05 đơn vị.
+ Cổ phần hóa đối với 03 đơn vị (Trung tâm Dịch vụ việc làm; Trung tâm Quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; Trung tâm Quy hoạch và kiểm định chất lượng xây dựng);
+ Chuyển ra ngoài công lập đối với 02 đơn vị (Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2).
Như vậy, đến năm 2025, tổng số đơn vị giảm 188 đơn vị, đạt 28,2%. So với quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW vượt 8,2%.
Tổng số ĐVSNCL còn lại: 478 đơn vị, trong đó: Sự nghiệp giáo dục: 366 đơn vị, chiếm 76,5%; sự nghiệp y tế: 20 đơn vị, chiếm 4,2%; sự nghiệp văn hóa: 18 đơn vị, chiếm 3,8%; sự nghiệp khác: 74 đơn vị, chiếm 15,5%.
(Chi tiết về phương án sáp nhập tại Phụ lục số VII, Phụ lục số VIII và Phụ lục số IX kèm theo)
3.2. Về giao quyền tự chủ về tài chính và cổ phần hóa ĐVSNCL:
- Giao quyền tự chủ về tài chính (tự chủ về chi thường xuyên) đối với các ĐVSNCL có điều kiện;
- Thực hiện cổ phần hóa đối với các đơn vị tự chủ về tài chính, thuộc danh mục được Chính phủ quy định theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg. Đối với các ĐVSNCL không thuộc danh mục nêu trên hoặc những đơn vị mà khu vực tư nhân có khả năng cung cấp dịch vụ công thì trình Chính phủ xem xét quyết định.
Trên cơ sở định hướng, giao quyền tự chủ tài chính và cổ phần hóa ĐVSNCL trong các giai đoạn như sau:
3.2.1. Giai đoạn 2015 - 2021: 54/485 đơn vị, đạt 11,1%:
- Giao tự chủ tài chính theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên đối với 34 đơn vị, cụ thể:
+ Lĩnh vực sự nghiệp y tế: 03 đơn vị;
+ Lĩnh vực sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn: 03 đơn vị;
+ Lĩnh vực sự nghiệp khác: 28 đơn vị;
- Chuyển sang công ty cổ phần đối với 19 đơn vị, cụ thể:
+ Lĩnh vực sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn: 01 đơn vị;
+ Lĩnh vực sự nghiệp khác: 18 đơn vị;
- Chuyển thành công ty hợp danh đối với 01 đơn vị (Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản).
(Chi tiết tại Phụ lục số X kèm theo)
3.2.2. Giai đoạn 2021 - 2025: 98/478 đơn vị, đạt 20,5%:
- Giao tự chủ tài chính theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên đối với 86 đơn vị, cụ thể:
+ Lĩnh vực sự nghiệp giáo dục: 55 đơn vị;
+ Lĩnh vực sự nghiệp y tế: 04 đơn vị (tăng 01);
+ Lĩnh vực sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn: 04 đơn vị (tăng 01);
+ Lĩnh vực sự nghiệp khoa học và công nghệ: 01 đơn vị (giữ nguyên);
+ Lĩnh vực sự nghiệp văn hóa: 02 đơn vị (tăng 02);
+ Lĩnh vực sự nghiệp khác: 20 đơn vị (giảm 07, trong đó: 05 đơn vị chuyển sang công ty cổ phần và 02 đơn vị chuyển sang tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư);
- Chuyển tự chủ tài chính theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đối với 05 đơn vị (Nhà khách Tỉnh ủy trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Trung tâm Dịch vụ Hội nghị trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND thành phố Đông Hà);
- Chuyển thành công ty cổ phần đối với 05 đơn vị;
- Chuyển ra ngoài công lập đối với 02 đơn vị (Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2 thuộc Sở Tư pháp) và một số đơn vị thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục công lập đủ điều kiện.
(Chi tiết tại Phụ lục số X kèm theo)
3.2.3. Giai đoạn 2025 - 2030: 96/478 đơn vị, đạt 20,1%:
- Giao tự chủ tài chính theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên đối với 86 đơn vị, cụ thể:
+ Lĩnh vực sự nghiệp giáo dục: 55 đơn vị (giữ nguyên);
+ Lĩnh vực sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp: 02 đơn vị (tăng 02);
+ Lĩnh vực sự nghiệp y tế: 04 đơn vị (giữ nguyên);
+ Lĩnh vực sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn: 04 đơn vị (giữ nguyên);
+ Lĩnh vực sự nghiệp khoa học và công nghệ: 02 đơn vị (tăng 01);
+ Lĩnh vực sự nghiệp văn hóa: 04 đơn vị (tăng 02);
+ Lĩnh vực sự nghiệp khác: 15 đơn vị (giảm 05 do chuyển sang đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư);
- Chuyển tự chủ tài chính theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư đối với 10 đơn vị (tăng 05);
- Chuyển ra ngoài công lập đối với một số đơn vị thuộc lĩnh vực sự nghiệp giáo dục công lập đủ điều kiện.
(Chi tiết tại Phụ lục X kèm theo)
3.3. Về tinh giản biên chế ĐVSNCL:
3.3.1. Giai đoạn 2015 - 2021: Giảm 1.786:
Tổng chỉ tiêu sự nghiệp năm 2015 là: 17.860, đến năm 2021 giảm 10% tương ứng 1.786 chỉ tiêu. Như vậy đến năm 2021 còn lại 16.074 chỉ tiêu (17.860 - 1.786 = 16.074).
Trong giai đoạn 2015 - 2018 đã giảm được 658 chỉ tiêu, còn 1.128 chỉ tiêu chưa cắt giảm của giai đoạn 2019 - 2021, như vậy mỗi năm còn lại bình quân phải giảm 376 chi tiêu/năm.
Dự kiến:
- Giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy: 283 chỉ tiêu (tổng số chỉ tiêu dự kiến giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy của giai đoạn này là 554 chỉ tiêu, còn 271 chỉ tiêu sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025);
- Giảm do chuyển đổi cơ chế tài chính: 845 chỉ tiêu.
3.3.2. Giai đoạn 2021 - 2025: Giảm 1.607:
Năm 2021 còn 16.074 chỉ tiêu, giảm 10%, tương ứng 1.607 chỉ tiêu, đến năm 2025 còn 14.467 chỉ tiêu (16.074 - 1.607 = 14.467), trung bình giảm 401 chỉ tiêu/năm.
Dự kiến:
- Giảm do sắp xếp tổ chức bộ máy: 271 chỉ tiêu của giai đoạn 2019 - 2021 chuyển sang;
- Giảm do chuyển đổi cơ chế tài chính: 1.336 chỉ tiêu.
3.3.3. Giai đoạn 2025 - 2030: Giảm 1.447:
Năm 2025 còn 14.467 biên chế sự nghiệp, giảm 10%, tương ứng 1.447 chỉ tiêu. Đến năm 2030 còn 13.020 chỉ tiêu (14.467 - 1.447 = 13.020), trung bình giảm 290 chỉ tiêu/năm.
Dự kiến: Giảm do chuyển đổi cơ chế tài chính: 1.447 chỉ tiêu.
Như vậy, sau khi thực hiện tinh giản biên chế, đến năm 2030 tổng số người làm việc còn lại trong các ĐVSNCL là 13.020 chỉ tiêu sự nghiệp, giảm 4.840 chỉ tiêu, trong đó: Giai đoạn 2015 - 2017 đã giảm 658 chỉ tiêu, còn lại phải thực hiện 4.182 chỉ tiêu (554 chỉ tiêu do sắp xếp tổ chức bộ máy và 3.628 chỉ tiêu do chuyển đổi cơ chế tài chính).
IV. HIỆU QUẢ VÀ MỘT SỐ HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Hiệu quả của Đề án:
- Việc sắp xếp, tổ chức lại quy mô đơn vị hành chính cấp xã và thôn, bản khu phố đã làm cho tổ chức bộ máy tinh gọn hơn, giảm được số lượng CBCC cấp xã: 378 người, đạt 11,9% so với tổng số CBCC cấp xã; giảm số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khoảng 432 người và ở thôn, khu phố khoảng 950 người, từ đó giảm ngân sách chi trả lương, phụ cấp cho đội ngũ này, tiết kiện được nguồn kinh phí cho đầu tư phát triển;
- Các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện giảm nhiều đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm cấp phó (sau khi sắp xếp: Giảm 02 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, giảm 05 chi cục, 39 phòng chuyên môn cấp tỉnh, 14 phòng chuyên môn cấp huyện, dự kiến số lãnh đạo quản lý cấp phòng giảm 117 người);
- Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được phân định rõ ràng, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Các chi cục chỉ thực hiện chức năng thừa hành thực thi pháp luật, còn chức năng quản lý nhà nước cơ bản giao cho cơ quan chủ quản là các Sở, Ban ngành đảm nhận; các phòng chuyên môn được tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực tổ chức bộ máy không còn manh mún, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và thực hiện cung cấp dịch vụ công;
- Các ĐVSNCL được tổ chức lại có quy mô hợp lý, giảm số lượng (giảm 188 đơn vị, trong đó giảm do sắp xếp, tổ chức bộ máy: 161 đơn vị; giảm do cổ phần hóa hoặc chuyển ra ngoài công lập: 27 đơn vị), một đơn vị có thể cung cấp nhiều dịch vụ công, giảm chi ngân sách nhà nước, thuận lợi cho việc đảm bảo các nguồn lực để hoạt động có hiệu quả và đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đến năm 2030 là: Giảm 5.419 chỉ tiêu so với năm 2015, trong đó: Biên chế hành chính cấp tỉnh và cấp huyện: Giảm 201 chỉ tiêu; công chức cấp xã: Giảm 378 chỉ tiêu; biên chế sự nghiệp: Giảm 4.840 chỉ tiêu.
Đạt chỉ tiêu cả 3 giai đoạn nghị quyết đề ra: Giảm kinh phí ngân sách nhà nước chi cho hoạt động các ĐVSNCL do sắp xếp, tổ chức lại hoặc chuyển đổi cơ chế tài chính theo hướng tăng mức độ tự chủ hoặc chuyển sang cổ phần hóa của 188 ĐVSNCL. Giảm ngân sách nhà nước cấp để chi cho 5.419 người;
- Khắc phục từng bước và tiến đến giải quyết dứt điểm tình trạng hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu số người làm việc được giao kéo dài, do không đủ định mức để bố trí giáo viên đứng lớp.
2. Một số hạn chế, khó khăn khi thực hiện Đề án:
a) Đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn, khu phố:
- Đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến tất cả các mặt của đời sống xã hội ở địa phương, liên quan đến quá trình lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán... nhất là một số thôn, khu phố mặc dù là quy mô nhỏ nhưng đó là một làng đã có từ lâu đời, nay phải sáp nhập thì sẽ ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, nên việc tuyên truyền, vận động, tạo ra sự đồng tình ủng hộ của người dân sẽ rất khó khăn;
- Khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách rất lớn, đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, nhạy cảm khi tiến hành sáp nhập xã.
b) Đối với việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, các ĐVSNCL:
Lộ trình thực hiện đã được phân định rõ, mục tiêu cụ thể đã được xác định. Song thực trạng hiện nay của bộ máy đang tạo nên những thách thức lớn, quá trình triển khai thực hiện sẽ gặp phải một số khó khăn, trở ngại cơ bản sau:
- Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện;
- Sắp xếp hoàn thiện bộ máy và tinh giản biên chế là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi của nhiều tổ chức và con người, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến;
- Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp quá trình đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; một số văn bản pháp luật về tổ chức còn nội dung chưa phù hợp, gây cản trở quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Vì vậy, để thực hiện Đề án thành công cần sự phối hợp đồng bộ, quyết tâm và trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là vai trò người đứng đầu. Các nội dung phải được giải quyết một cách khách quan, công tâm, dựa trên luận cứ khoa học, mới mang lại kết quả như mong muốn.
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và nhân dân trong toàn xã hội về chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCC, VC và những người hoạt động không chuyên trách của Đảng và Nhà nước.
2. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, đề án (nếu có) triển khai thực hiện Đề án này. Lấy kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế làm tiêu chí chính để đánh giá, xác định vị trí công tác của người đứng đầu cấp uỷ địa phương, cơ quan, đơn vị. Kiên quyết thay thế, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, cố tình né tránh hoặc không thực hiện nhiệm vụ được giao đối với việc thực hiện Đề án thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách.
3. Về sắp xếp tổ chức, bộ máy:
a) Những tổ chức đã có phương án sáp nhập, có cơ sở pháp lý đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của ngành thì tiến hành ngay để sớm ổn định tổ chức, đi vào hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm và số người làm việc quy định.
Đối với những tổ chức có phương án sáp nhập nhưng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ thì nghiên cứu thực hiện thí điểm trước khi triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ;
b) Đối với việc sáp nhập các trường trong cùng một xã phải thực hiện đồng bộ, hoàn thành trước khi vào năm học mới để đảm bảo công tác dạy và học. Đối với các trường sáp nhập có liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã thì có thể tiến hành chậm hơn cùng với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã;
c) Đối với các đơn vị chuyển sang tự chủ hoặc cổ phần hóa thì đẩy nhanh tiến độ nhưng phải có lộ trình hợp lý, để đơn vị thực hiện đầy đủ các quyền lợi, lợi ích cho người lao động và nghĩa vụ đối với Nhà nước.
4. Về sắp xếp đội ngũ CBCC, VC, tinh giản biên chế và chính sách cán bộ:
a) Thực hiện rà soát biên chế hành chính, số người làm việc toàn tỉnh để cân đối, điều chỉnh, bổ sung hợp lý giữa các Sở, Ban ngành, huyện, thành phố, thị xã, ĐVSNCL. Đồng thời thực hiện điều động số người làm việc từ nơi thừa sang nơi thiếu (kể cả từ huyện này sang huyện khác) hoặc bố trí vào các vị trí tương đương khác phù hợp với trình độ, năng lực, đảm bảo giải quyết số người làm việc dôi dư;
b) Xây dựng Đề án vị trí việc làm sau khi sắp xếp, tổ chức lại để làm cơ sở cho việc bố trí biên chế, số người làm việc trong các cơ quan, đơn vị khoa học, chính xác;
c) Đối với những cơ quan, đơn vị dôi dư số lượng cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy thì thực hiện theo các hướng sau:
- Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đối với các trường hợp đủ điều kiện tiêu chuẩn về hưu trước tuổi;
- Những người thuộc diện dôi dư nhưng chưa đủ điều kiện để về hưu trước tuổi theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP thì thực hiện sắp xếp, bố trí lại như sau: Xem xét bố trí vị trí việc làm khác phù hợp (nếu còn vị trí việc làm) hoặc đào tạo lại phù hợp trình độ chuyên môn của vị trí việc làm còn thiếu người làm việc;
- Trường hợp không thể sắp xếp, bố trí lại hoặc không chấp hành thực hiện sắp xếp, bố trí lại thì giải quyết cho thôi việc ngay hoặc thôi việc ngay sau khi học nghề theo Điều 10 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP;
- Trường hợp thuộc diện dôi dư nhưng chưa đủ tuổi để về hưu trước tuổi theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến thời điểm thực hiện sắp xếp đến năm 2021 còn thiếu từ 03 năm trở xuống mới đủ tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi, thì giải quyết cho nghỉ công tác (hưởng nguyên hệ số lương và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) hiện hưởng) đến khi đủ tuổi thực hiện chính sách về hưu trước tuổi.
Đối với đội ngũ giáo viên dôi dư nhưng thời gian công tác còn dài, được đào tạo đại học chính quy, có năng lực, phẩm chất tốt, được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 03 năm liền kề, mà xác định đến trước năm 2025 có vị trí việc làm phù hợp để bố trí thì tạm thời phân công phụ trách công việc khác, chưa có người đảm nhiệm (thư viện, thiết bị, văn phòng...);
- Thực hiện chính sách bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định tại Quyết định số 140/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý dôi dư, cụ thể:
+ Đối với chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các chức danh tương đương thuộc Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ, kể từ ngày thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ cho đến hết thời gian giữ chức vụ lãnh đạo đã được bổ nhiệm trước khi sắp xếp tổ chức;
+ Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm còn dưới 06 tháng, thì được hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ cũ đủ 06 tháng, kể từ ngày thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ;
+ Được giữ nguyên quy hoạch các chức danh lãnh đạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
d) Thực hiện thí điểm thuê lãnh đạo quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp hoạt động không hiệu quả, có người đứng đầu không đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, điều hành;
đ) Đối với cán bộ không chuyên trách dôi dư sau khi sáp nhập xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố được hưởng phụ cấp đến hết nhiệm kỳ của trưởng thôn, khu phố.
5. Về cơ sở vật chất:
a) Có phương án sắp xếp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị gián đoạn trong và sau khi tiến hành sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bộ máy, biên chế, nhất là đối với hệ thống trường, lớp:
- Đối với các xã, phường, thị trấn, các đơn vị sự nghiệp sau khi tiến hành sáp nhập, tổ chức lại, trước mắt, sử dụng, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, tận dụng, quản lý, khai thác hiệu quả những trang thiết bị đang sử dụng, chọn trụ sở xã, trụ sở chính của đơn vị có địa điểm thuận lợi cho việc đi lại của người dân trong địa bàn, thuận lợi cho quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Về lâu dài có thể xây trụ sở mới để đảm bảo hiệu quả hoạt động. Đối với những trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện dôi dư thì giao cho chính quyền địa phương có phương án chuyển mục đích sử dụng để tránh lãng phí;
- Đối với các trường học, sau khi sáp nhập, lựa chọn điểm trường chính thuận lợi cho việc đến trường của học sinh trong địa bàn, nhà trường cần rà soát lại thiết bị hiện có, chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học; việc đảm bảo về cơ sở vật chất cần phải hoàn thành trước khi vào năm học mới. Về lâu dài, cần bố trí ngân sách để mua sắm đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện đạt chuẩn để đảm bảo cho hoạt động dạy và học. Việc mua sắm phải tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ;
b) Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó đảm bảo quỹ đất để xây dựng các trụ sở đơn vị, cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp, đảm bảo hiệu quả đầu tư lâu dài;
c) Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng trường lớp theo các quy định của Nhà nước;
d) Ưu tiên ngân sách địa phương, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất. Dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt cho giáo dục; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.
6. Về việc chuyển đổi cơ chế tài chính và thực hiện cổ phần hóa:
a) Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL theo hướng tách việc quản lý nhà nước đối với ĐVSNCL với việc cung ứng dịch vụ công; cơ quan chủ quản không can thiệp sau vào hoạt động nội bộ của ĐVSNCL;
b) Kiên quyết chuyển sang cơ chế tự đảm bảo hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các ĐVSNCL cung cấp các dịch vụ công có khả năng xã hội hóa cao trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình đảm bảo kinh phí hoạt động có thời hạn; tăng dần mức độ tự chủ về tài chính đối với các ĐVSNCL hàng năm, có lộ trình cụ thể;
c) Chuyển các ĐVSNCL tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên sang công ty cổ phần. Riêng đối với các ĐVSNCL hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo thì đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp và chuyển sang xã hội hóa.
7. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin gắn liền với việc tinh giản bộ máy, biên chế trong thực hiện nhiệm vụ, cung cấp các dịch vụ công góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có thể tiếp cận được các dịch vụ công.
8. Cấp ủy, UBND các cấp, Sở, Ban ngành tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ đạo kịp thời, sâu sát nhằm giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện
1. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã:
1.1. Xây dựng các Đề án tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã:
Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố, thị xã;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các Sở, Ban ngành liên quan;
Thời gian thực hiện: Quý III, IV năm 2018.
1.2. Lấy ý kiến tham gia của nhân dân, HĐND các xã, thị trấn liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã:
Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố, thị xã; Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ;
Thời gian thực hiện: Quý I năm 2019.
1.3. Tổng hợp ý kiến tham gia của nhân dân và HĐND cấp xã, lấy ý kiến của HĐND cấp huyện về Đề án tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã:
Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố, thị xã;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ;
Thời gian thực hiện: Quý II năm 2019.
1.4. Tổng hợp, hoàn chỉnh Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua:
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ;
Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Sở, Ban ngành liên quan;
Thời gian thực hiện: Quý III năm 2019.
1.5. Hoàn chỉnh hồ sơ, Đề án tổ chức, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trình Bộ Nội vụ, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ;
Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thành phố, thị xã và các Sở, Ban ngành liên quan;
Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2019.
1.6. Triển khai thực hiện sáp nhập xã, thị trấn:
Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố, thị xã;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các Sở, Ban ngành liên quan;
Thời gian thực hiện: Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết (hoàn thành chậm nhất quý I năm 2020 để kịp đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025).
2. Sáp nhập thôn, khu phố:
2.1. Xây dựng các Đề án sáp nhập thôn, khu phố có quy mô số hộ gia đình thấp trên địa bàn trình cấp có thẩm quyền theo quy định:
- UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng các Đề án sáp nhập thôn, khu phố lấy ý kiến cử tri và trình HĐND cấp xã thông qua;
Thời gian thực hiện: Quý III năm 2018;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Nội vụ thẩm định báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định;
Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2018, quý I năm 2019.
2.2. Triển khai sáp nhập các thôn, khu phố theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh:
Cơ quan thực hiện: UBND xã, phường, thị trấn;
Thời gian thực hiện: Quý I, II năm 2019.
3. Đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện:
3.1. UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (giảm 02 sở):
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ (tham mưu UBND tỉnh);
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh liên quan;
Thời gian thực hiện: Thực hiện khi có nghị định khung của Chính phủ.
3.2. Sắp xếp các chi cục và các phòng chuyên môn cấp tỉnh:
Cơ quan chủ trì: Các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2018.
3.3. Sắp xếp các phòng chuyên môn cấp huyện:
Cơ quan chủ trì: UBND huyện, thị xã, thành phố;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ;
Thời gian thực hiện: Thực hiện khi có nghị định khung của Chính phủ.
4. Đối với các ĐVSNCL:
4.1. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo:
a) Cấp tỉnh:
- Xây dựng Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm vào Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị để trở thành trường Đại học đào tạo đa ngành trực thuộc Đại học Huế hoặc tổ chức lại thành trường Đại học cộng đồng đào tạo đa ngành trực thuộc UBND tỉnh hoặc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ vào Trường Cao đẳng Sư phạm và bổ sung chức năng về đào tạo thực hành cấp mầm non, phổ thông (tiểu học và trung học cơ sở) chất lượng cao.
Cơ quan chủ trì: Trường Cao đẳng Sư phạm;
Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong năm 2018 - 2019;
- Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo:
Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý III/2018 (trước 30/8/2018).
b) Cấp huyện: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực giáo dục trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan.
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý III/2018 (trước 30/8/2018) và quý III/2019 (trước 30/7/2019).
4.2. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Xây dựng Đề án thành lập Trường Cao đẳng nghề, trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất:
Trường Trung cấp Nghề trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải trực thuộc Sở Giao thông vận tải;
Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực thuộc Hội Nông dân tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
Cơ quan phối hợp: Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý III/2019 (trước 30/7/2019).
4.3. Lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao:
a) Cấp tỉnh: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao:
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
b) Cấp huyện: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao:
Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố;
Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
4.4. Lĩnh vực y tế: Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh:
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý III, IV/2018.
4.5. Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh:
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong Quý III, IV/2018.
4.6. Sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác:
a) Cấp tỉnh:
4.6.1. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, UBND huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan.
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước trong quý IV/2018.
4.6.2. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường:
Cơ quan chủ trì: Sở Tài nguyên và Môi trường;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
4.6.3. Lĩnh vực bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội và chăm sóc người có công:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
4.6.4. Lĩnh vực Tư pháp: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực Tư pháp:
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
4.6.5. Các lĩnh vực Nội vụ, Văn phòng, Xây dựng, Công thương, Thông tin và truyền thông (và các lĩnh vực do Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đang quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp)
a) Cấp tỉnh: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực quản lý:
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Thông tin và truyền thông và Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh;
Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
b) Cấp huyện: Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác thuộc và trực thuộc UBND huyện thị xã, thành phố quản lý:
Cơ quan chủ trì: UBND huyện, thị xã, thành phố;
Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan;
Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong quý IV/2018.
4.7. Đối với các đơn vị sự nghiệp được giao tự chủ về chi thường xuyên, thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển ra ngoài công lập, thì cơ quan chủ quản xây dựng phương án thực hiện theo lộ trình từng giai đoạn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
1. Sở Nội vụ:
a) Tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án.
b) Hướng dẫn các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, đề án (nếu có) thực hiện Đề án này;
c) Thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, HĐND tỉnh trình cấp có quyền quyết định;
d) Thực hiện điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức thừa từ các Sở, Ban ngành, huyện, thị xã, thành phố sang các Sở, Ban ngành, huyện, thị xã, thành phố còn thiếu có cùng vị trí việc làm phù hợp;
đ) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án này của các Sở, ngành, địa phương. Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án với UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2. Sở Tài chính:
a) Tham mưu với UBND tỉnh các nội dung liên quan đến tài chính trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này;
b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng phương án tự chủ tài chính, kinh phí hoạt động của các ĐVSNCL theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Nghị định số 141/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19/-NQ/TW; chủ trì thẩm định các phương án nêu trên trình UBND tỉnh xem xét, quyết định;
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định giá trị tài sản nhà nước trong các ĐVSNCL để tham mưu UBND tỉnh quyết định giao ĐVSNCL quản lý theo cơ chế giao vốn cho các doanh nghiệp;
d) Hướng dẫn các ĐVSNCL (đủ điều kiện) xây dựng Đề án vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, đồng thời thẩm định trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt theo quy định;
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Đề án trong việc thay đổi hình thức tự chủ cho các ĐVSNCL phù hợp tình hình thực tế;
e) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các ĐVSNCL chuyển thành công ty cổ phần theo quy định;
g) Bố trí kinh phí giải quyết kịp thời các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức;
h) Hướng dẫn việc quản lý tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, đơn vị sau khi được sắp xếp lại.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu UBND tỉnh lập danh mục các ĐVSNCL thuộc tỉnh có thể chuyển thành công ty cổ phần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh lộ trình đầu tư, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị cho một số đơn vị thuộc diện tổ chức, sắp xếp lại để đảm bảo được hoạt động của bộ máy;
c) Phối hợp Sở Tài Chính cân đối kinh phí hàng năm để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất đối với các đơn vị được tổ chức, sắp xếp lại;
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn phương án sáp nhập các trường thuộc phạm vi quản lý; đồng thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch hệ thống trường lớp phù hợp.
5. Thủ trưởng các Sở, Ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án này đối với những nội dung thuộc ngành, địa phương quản lý. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền thì trình UBND tỉnh xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
- Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới đội ngũ CBCC ,VC và người lao động trong cơ quan, đơn vị để hiểu rõ mục đích, yêu cầu của việc sắp xếp, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, ĐVSNCL thuộc tỉnh, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện, đảm bảo hiệu quả, thông suốt và thống nhất hành động;
- Sắp xếp bố trí hợp lý đội ngũ CBCC ,VC; giải quyết kịp thời chế độ chính sách; quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất, tài sản, tài chính của các tổ chức sáp nhập.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã, xây dựng thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư; tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan, đơn vị, địa phương; sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL theo ngành, theo lĩnh vực và nhu cầu của thị trường, xã hội, thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ đối với các ĐVSNCL đã trở thành nhu cầu cấp thiết và đã được Nghị quyết số 18- NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xác định phải tiến hành.
Qua nghiên cứu thực trạng, tình hình tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính, thôn, bản, khu phố, các cơ quan hành chính và các ĐVSNCL của tỉnh, trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Trung ương, UBND tỉnh xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, bản, khu phố; cơ quan hành chính và ĐVSNCL.
Quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được xem xét, hướng dẫn./.
DANH SÁCH CÁC XÃ CÓ 02 TIÊU CHÍ (DIỆN TÍCH VÀ DÂN SỐ) ĐẠT DƯỚI 50%
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | Đơn vị | Quy mô về diện tích (km2) | Quy mô về dân số (người) | Ghi chú | ||||
Hiện trạng | Tiêu chuẩn | Tỷ lệ đạt (%) | Hiện trạng | Tiêu chuẩn | Tỷ lệ đạt (%) | |||
| Vĩnh Linh | 14.48 | 30 | 48.27 | 3,461 | 8,000 | 43.26 |
|
1 | Xã Vĩnh Thái | 13.70 | 30 | 45.67 | 2,875 | 8,000 | 35.94 |
|
2 | Xã Vĩnh Trung | 12.35 | 30 | 41.17 | 3,055 | 8,000 | 38.19 |
|
3 | Xã Vĩnh Kim | 10.47 | 30 | 34.90 | 3,695 | 8,000 | 46.19 |
|
4 | Xã Vĩnh Thạch | 9.36 | 30 | 31.20 | 3,434 | 8,000 | 42.93 |
|
5 | Xã Vĩnh Nam | 24.26 | 50 | 48.52 | 1,067 | 5,000 | 21.34 |
|
6 | Xã Vĩnh Khê | 6.76 | 30 | 22.53 | 2,174 | 8,000 | 27.18 | Miền núi |
7 | Xã Vĩnh Hiền | 5.56 | 30 | 18.53 | 2,716 | 8,000 | 33.95 |
|
8 | Xã Vĩnh Tân | 14.48 | 30 | 48.27 | 3,461 | 8,000 | 43.26 |
|
| Gio Linh |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Vĩnh Trường | 8.71 | 50 | 17.42 | 681 | 5,000 | 13.62 | Miền núi |
2 | Xã Gio Bình | 10.93 | 30 | 36.43 | 2,624 | 8,000 | 32.80 |
|
3 | Xã Gio Thành | 13.09 | 30 | 43.63 | 2,985 | 8,000 | 37.31 |
|
4 | Xã Gio Sơn | 7.30 | 30 | 24.33 | 3,215 | 8,000 | 40.19 |
|
5 | Xã Gio Hòa | 6.75 | 30 | 22.50 | 1,856 | 8,000 | 23.20 |
|
| Hải Lăng |
|
|
|
|
|
|
|
1 | TT Hải Lăng | 2.70 | 14 | 19.29 | 3,697 | 8,000 | 46.21 |
|
2 | Xã Hải Thiện | 12.79 | 30 | 42.63 | 3,999 | 8,000 | 49.99 |
|
3 | Xã Hải Thành | 5.89 | 30 | 19.63 | 1,995 | 8,000 | 24.94 |
|
4 | Xã Hải Khê | 8.42 | 30 | 28.07 | 3,920 | 8,000 | 49.00 |
|
| Hướng Hóa |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã A Xing | 16.01 | 50 | 32.02 | 2,405 | 5,000 | 48.10 | Miền núi |
2 | Xã Xy | 21.29 | 50 | 42.58 | 2,167 | 5,000 | 43.34 | Miền núi |
| Triệu Phong |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Triệu Vân | 10.65 | 30 | 35.50 | 2,955 | 8,000 | 36.94 |
|
| Cam Lộ |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Cam Thanh | 13.24 | 30 | 44.13 | 2,809 | 8,000 | 35.11 |
|
| Xị xã Quảng Trị |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Phường An Đôn | 2.66 | 5.5 | 48.36 | 1,675 | 5,000 | 33.50 |
|
BẢNG TỔNG HỢP SỐ LIỆU THÔN - KHU PHỐ ĐẠT QUY MÔ SỐ HỘ GIA ĐÌNH THEO THÔNG TƯ SỐ 09/TT-BNV NGÀY 29/12/2017 CỦA BỘ NỘI VỤ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | Đơn vị | Tổng số | Đạt tiêu chuẩn | Chưa đạt tiêu chuẩn | Đạt dưới 50% tiêu chuẩn |
1 | Huyện Hướng Hóa | 192 | 18 | 174 | 127 |
- | Thôn | 172 | 9 | 163 | 123 |
- | Khu phố | 20 | 9 | 11 | 4 |
2 | Huyện Đakrông | 103 | 2 | 101 | 69 |
- | Thôn | 98 | 2 | 96 | 67 |
- | Khu phố | 5 | 0 | 5 | 2 |
3 | Huyện Cam Lộ | 105 | 7 | 98 | 64 |
- | Thôn | 91 | 7 | 84 | 53 |
- | Khu phố | 14 | 0 | 14 | 11 |
4 | Huyện Vĩnh Linh | 195 | 4 | 191 | 157 |
- | Thôn | 146 | 4 | 142 | 113 |
- | Khu phố | 49 | 0 | 49 | 44 |
5 | Huyện Gio Linh | 133 | 3 | 130 | 98 |
- | Thôn | 114 | 3 | 111 | 80 |
- | Khu phố | 19 | 0 | 19 | 18 |
6 | Huyện Triệu Phong | 146 | 9 | 137 | 104 |
- | Thôn | 140 | 9 | 131 | 98 |
- | Khu phố | 6 | 0 | 6 | 6 |
7 | Huyện Hải Lăng | 98 | 21 | 77 | 53 |
- | Thôn | 92 | 21 | 71 | 48 |
- | Khu phố | 6 | 0 | 6 | 5 |
8 | Thị xã Quảng Trị | 27 | 2 | 25 | 15 |
- | Thôn | 5 | 2 | 3 | 3 |
- | Khu phố | 22 | 0 | 22 | 12 |
9 | Thành phố Đông Hà | 83 | 18 | 65 | 43 |
- | Khu phố | 83 | 18 | 65 | 43 |
10 | Toàn tỉnh | 1082 | 84 | 998 | 730 |
- | Thôn | 858 | 57 | 801 | 585 |
- | Khu phố | 224 | 27 | 197 | 145 |
BẢNG TỔNG HỢP ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | Tên đơn vị SN | Cơ chế tài chính | Số người làm việc được giao năm 2018 | |||||
NSNN đảm bảo 100% | Tự đảm bảo một phần | Tự đảm bảo | SN hưởng lương từ ngân sách | Hợp đồng 68 | Hợp đồng khác | SN hưởng lương từ nguồn thu | ||
A | CẤP TỈNH | 35 | 62 | 26 | 5823 | 104 | 42 | 1390 |
I | Trực thuộc UBND tỉnh | 0 | 3 | 1 | 230 | 5 | 0 | 50 |
1 | Trường Cao đẳng Sư phạm |
| x |
| 124 | 4 |
| 5 |
2 | Trường Cao đẳng Y tế |
| x |
| 47 |
|
|
|
3 | Đài Phát thanh và Truyền hình |
| x |
| 59 | 1 |
| 45 |
4 | BQL Dự án Đtư xây dựng các công trình dân dụng và Công nghiệp |
|
| x |
|
|
|
|
I | Trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ | 0 | 3 | 0 | 26 | 0 | 0 | 33 |
1 | Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ |
| x |
| 9 |
|
| 9 |
2 | Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ |
| x |
| 10 |
|
| 13 |
3 | Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Trực thuộc Chi cục TCĐLCL) |
| x |
| 7 |
|
| 11 |
II | Trực thuộc Sở LĐ-TB&XH | 6 | 2 | 0 | 111 | 19 | 0 | 26 |
1 | Trung tâm Dịch vụ việc làm |
| x |
| 11 |
|
| 20 |
2 | Trường Trung cấp nghề |
| x |
| 36 |
|
| 4 |
3 | Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Bảo trợ xã hội | x |
|
| 12 | 4 |
|
|
4 | Nhà Đón tiếp thân nhân liệt sỹ | x |
|
| 10 | 4 |
| 2 |
5 | BQL Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 | x |
|
| 11 | 4 |
|
|
6 | BQL Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn | x |
|
| 15 | 5 |
|
|
7 | Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 | x |
|
| 15 | 2 |
|
|
8 | Quỹ Bảo trợ trẻ em | x |
|
| 1 |
|
|
|
III | Trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông | 0 | 1 | 0 | 3 | 0 | 0 | 9 |
1 | Trung tâm Công nghệ thông tin và TT |
| x |
| 3 |
|
| 9 |
IV | Trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 10 | 2 | 3 | 234 | 7 | 42 | 138 |
1 | Trung tâm Khuyến nông | x |
|
| 56 | 1 |
|
|
2 | Trung tâm Điều tra, Quy hoạch và Thiết kế nông - lâm |
|
| x |
|
|
| 25 |
3 | Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn | x |
|
| 7 | 1 |
|
|
4 | Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi |
|
| x |
|
|
| 37 |
5 | Trung tâm Giống thủy sản | x |
|
| 4 |
|
| 28 |
6 | BQL Cảng cá Quảng Trị |
| x |
| 5 |
|
| 16 |
7 | BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông | x |
|
| 13 |
| 12 |
|
8 | BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn | x |
|
| 8 |
| 4 |
|
9 | BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải | x |
|
| 13 | 1 | 13 |
|
10 | BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông | x |
|
| 8 | 2 | 7 |
|
11 | BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa | x |
|
| 7 |
| 6 |
|
12 | BQL Khu Bảo tồn Biển đảo Cồn Cỏ (trực thuộc CCTS) | x |
|
| 5 |
|
|
|
13 | Trung tâm Phòng tránh thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (trực thuộc CCTL) | x |
|
|
|
|
|
|
14 | Trường Trung học Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
| x |
| 38 | 2 |
|
|
15 | Sự nghiệp khác thuộc chi cục |
|
|
| 70 |
|
| 32 |
16 | BQL Dự án ĐTXD các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
|
| x |
|
|
|
|
V | Trực thuộc Sở Y tế | 3 | 17 | 3 | 2935 | 38 | 0 | 505 |
1 | Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh |
| x |
| 93 | 4 |
|
|
2 | Trung tâm Mắt |
|
| x | 25 |
|
| 11 |
3 | Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế |
| x |
| 28 |
|
|
|
4 | Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản | x |
|
| 24 |
|
|
|
5 | Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe | x |
|
| 11 | 3 |
|
|
6 | Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
|
| x | 502 | 10 |
| 198 |
7 | Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải |
|
| x | 162 | 2 |
| 88 |
8 | Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi |
| x |
| 60 | 1 |
| 7 |
9 | Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh |
| x |
| 56 | 1 |
| 3 |
10 | Phòng Quản lý sức khỏe cán bộ |
| x |
| 21 |
|
| 2 |
11 | Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Linh |
| x |
| 333 | 1 |
| 71 |
12 | Trung tâm Y tế huyện Gio Linh |
| x |
| 232 | 2 |
| 15 |
13 | Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong |
| x |
| 229 | 2 |
| 25 |
14 | Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ |
| x |
| 155 | 3 |
| 23 |
15 | Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa |
| x |
| 292 |
|
| 6 |
16 | Trung tâm Y tế huyện Đakrông |
| x |
| 193 | 2 |
| 25 |
17 | Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng |
| x |
| 230 | 2 |
| 8 |
18 | Trung tâm Y tế TX Quảng Trị |
| x |
| 73 |
|
| 5 |
19 | Trung tâm Y tế TP Đông Hà |
| x |
| 156 | 3 |
| 18 |
20 | Trung tâm Y tế quân - dân y huyện đảo Cồn Cỏ |
| x |
| 6 |
|
|
|
21 | Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Thực phẩm - Mỹ phẩm | x |
|
| 23 | 2 |
|
|
22 | Trung tâm Pháp y |
| x |
| 11 |
|
|
|
23 | Trung tâm Giám định y khoa |
| x |
| 12 |
|
|
|
24 | Sự nghiệp thuộc đơn vị khác |
|
|
| 8 |
|
|
|
25 | Trạm Y tế xã trực thuộc TTYT (141 trạm) |
|
|
|
|
|
|
|
VI | Trực thuộc Sở Văn hóa, TT và DL | 4 | 4 | 0 | 143 | 20 | 0 | 94 |
1 | Trung tâm Văn hóa tỉnh |
| x |
| 17 | 4 |
| 4 |
2 | Ban Quản lý Di tích |
| x |
| 23 |
|
| 52 |
3 | Thư viện tỉnh | x |
|
| 13 | 4 |
|
|
4 | Bảo tàng tỉnh | x |
|
| 18 | 3 |
|
|
5 | Đoàn Nghệ thuật tỉnh |
| x |
| 28 | 3 |
| 16 |
6 | Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT |
| x |
| 20 | 3 |
| 18 |
7 | Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng | x |
|
| 15 | 1 |
| 1 |
8 | Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch | x |
|
| 9 | 2 |
| 3 |
VII | Trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường | 0 | 2 | 3 | 58 | 3 | 0 | 188 |
1 | Trung tâm Công nghệ TT Tài nguyên và Môi trường |
| x |
| 8 | 1 |
| 12 |
2 | Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường |
|
| x |
|
|
| 51 |
3 | Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường |
|
| x |
|
|
| 41 |
4 | Văn phòng Đăng ký đất đai |
| x |
| 50 | 2 |
| 57 |
5 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
|
| x |
|
|
| 27 |
VIII | Trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo | 9 | 26 | 2 | 1955 | 2 | 0 | 24 |
1 | THPT Vĩnh Linh |
| x |
| 82 |
|
|
|
2 | THPT Cửa Tùng |
| x |
| 61 |
|
|
|
3 | THCS & THPT Bến Quan |
| x |
| 39 |
|
|
|
4 | THPT Gio Linh |
| x |
| 85 |
|
|
|
5 | THPT Lao Bảo |
| x |
| 46 |
|
|
|
6 | THPT ĐakRông | x |
|
| 57 |
|
|
|
7 | THPT Cam Lộ |
| x |
| 72 |
|
|
|
8 | THPT Lê Thế Hiếu |
| x |
| 34 |
|
|
|
9 | THPT Lê Lợi |
| x |
| 88 |
|
|
|
10 | THPT Chu Văn An |
| x |
| 66 |
|
|
|
11 | THPT Vĩnh Định |
| x |
| 77 |
|
|
|
12 | THPT TX Quảng Trị |
| x |
| 84 |
|
|
|
13 | THPT Hải Lăng |
| x |
| 78 |
|
|
|
14 | THPT Bùi Dục Tài |
| x |
| 70 |
|
|
|
15 | THPT Trần Thị Tâm |
| x |
| 42 |
|
|
|
16 | THPT Hướng Phùng | x |
|
| 29 |
|
|
|
17 | THPT A Túc | x |
|
| 29 |
|
|
|
18 | THCS&THPT số 2 ĐakRông | x |
|
| 64 |
|
|
|
19 | THPT Nguyễn Hữu Thận |
| x |
| 40 |
|
|
|
20 | THPT Cồn Tiên |
| x |
| 41 |
|
|
|
21 | THPT Hướng Hóa |
| x |
| 72 |
|
|
|
22 | THCS&THPT Tân Lâm | x |
|
| 32 |
|
|
|
23 | THPT Đông Hà |
| x |
| 88 |
|
|
|
24 | THPT Triệu Phong |
| x |
| 77 |
|
|
|
25 | THPT chuyên Lê Quý Đôn |
| x |
| 89 |
|
|
|
26 | THPT Chế Lan Viên |
| x |
| 83 |
|
|
|
27 | THPT Bến Hải |
| x |
| 33 |
|
|
|
28 | THPT Nguyễn Du |
| x |
| 39 |
|
|
|
29 | THPT Nguyễn Huệ |
| x |
| 62 |
|
|
|
30 | THPT DTNT Tỉnh | x |
|
| 34 |
|
|
|
31 | TT KTTH-HN Tỉnh |
| x |
| 26 |
|
|
|
32 | PT DTNT Hướng Hóa | x |
|
| 32 |
|
|
|
33 | PT DTNT ĐakRông | x |
|
| 31 |
|
|
|
34 | Trường Trẻ em Khuyết Tật | x |
|
| 41 |
|
|
|
35 | Trường Mầm non Sao Mai |
| x |
| 32 |
|
|
|
36 | Trung tâm GDTX tỉnh |
|
| x |
|
|
| 18 |
37 | Trung tâm CNTT và Ngoại ngữ |
|
| x |
|
|
| 6 |
IX | Trực thuộc Sở Ngoại vụ | 0 | 0 | 1 |
|
|
|
|
1 | Trung tâm Phục vụ đối ngoại |
|
| x |
|
|
|
|
VI | Trực thuộc Sở Công Thương | 1 | 0 | 0 | 10 | 2 | 0 | 0 |
1 | Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại | x |
|
| 10 | 2 |
|
|
VI | Trực thuộc Sở Xây dựng | 0 | 1 | 0 | 3 | 0 | 0 | 32 |
1 | Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng |
| x |
| 3 |
|
| 32 |
VII | Trực thuộc Sở Giao thông vận tải | 1 | 0 | 6 | 8 | 0 | 0 | 171 |
1 | Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải |
|
| x |
|
|
| 50 |
2 | Đoạn Quản lý Đường thủy nội địa |
|
| x |
|
|
| 33 |
3 | Trung tâm Quản lý bến xe khách |
|
| x |
|
|
| 57 |
4 | Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thủy, bộ |
|
| x |
|
|
| 25 |
5 | Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động | x |
|
| 8 |
|
|
|
6 | Trung tâm Sát hạch xe cơ giới |
|
| x |
|
|
| 6 |
7 | BQL DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông |
|
| x |
|
|
|
|
VIII | Trực thuộc Sở Tư pháp | 1 | 0 | 3 | 16 | 1 | 0 | 20 |
1 | Phòng Công chứng số 1 |
|
| x |
|
|
| 6 |
2 | Phòng Công chứng số 2 |
|
| x |
|
|
| 5 |
3 | Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản |
|
| x |
|
|
| 9 |
4 | Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước | x |
|
| 16 | 1 |
|
|
IX | Trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh | 0 | 1 | 1 | 14 | 0 | 0 | 36 |
1 | Trung tâm Tin học - VP UBND tỉnh |
| x |
| 14 |
|
| 3 |
2 | Trung tâm Dịch vụ - Hội nghị |
|
| x |
|
|
| 33 |
X | Trực thuộc BQL Khu kinh tế tỉnh | 0 | 0 | 3 | 0 | 0 | 0 | 64 |
1 | Trung tâm Quản lý cửa khẩu |
|
| x |
|
|
| 27 |
2 | BQL DA Đầu tư xây dựng Khu kinh tế |
|
| x |
|
|
| 17 |
3 | Trung tâm Quản lý và Khai thác CSHT Khu kinh tế, Khu công nghiệp |
|
| x |
|
|
| 20 |
XI | Các tổ chức hội |
|
|
| 51 | 3 |
|
|
XII | Sự nghiệp thuộc các đơn vị khác |
|
|
| 26 | 4 |
|
|
B | CẤP HUYỆN | 455 | 39 | 21 | 11372 | 10 | 0 | 160 |
I | Trực thuộc UBND huyện Hải Lăng | 62 | 4 | 2 | 1459 | 1 |
|
|
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 4 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 13 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 8 |
|
|
|
3.1 | Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Trung tâm Môi trường - Đô thị Hải Lăng |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | BQL Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1434 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (19 trường) | x |
|
| 458 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (21 trường) | x |
|
| 526 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (20 trường) | x |
|
| 421 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 29 |
|
|
|
II | Trực thuộc UBND huyện Triệu Phong | 66 | 4 | 2 | 1588 |
|
| 18 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 17 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 9 |
|
|
|
3.1 | Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Trung tâm Môi trường - Đô thị (bao gồm Quản lý chợ) |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | BQL Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1557 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (17 THCS + 02 TH&THCS) | x |
|
| 497 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (25 trường) | x |
|
| 632 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (20 trường) | x |
|
| 399 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 29 |
|
|
|
III | Trực thuộc UBND huyện Vĩnh Linh | 68 | 5 | 2 | 1481 | 2 |
| 18 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 13 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 9 |
|
|
|
3.1 | Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Ban Quản lý Bãi tắm Cửa Tùng |
| x |
|
|
|
|
|
3.5 | Trung tâm Môi trường và Đô thị |
|
| x |
|
|
|
|
3.6 | BQL Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1454 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (14 THCS + 02 TH&THCS + 01 DTNT) | x |
|
| 360 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (24 trường) | x |
|
| 546 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (25 trường) | x |
|
| 510 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 38 |
|
|
|
IV | Trực thuộc UBND huyện Gio Linh | 62 | 4 | 3 | 1408 | 1 |
| 11 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 13 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 8 |
|
|
|
3.1 | Ban Quản lý Cụm công nghiệp, làng nghề |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Trung tâm Môi trường và Đô thị |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | BQL Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
3.6 | Ban Quản lý chợ Cầu |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1382 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (15 THCS + 01 TH&THCS + 01 DTNT) | x |
|
| 404 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (21 trường) | x |
|
| 498 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (22 trường) | x |
|
| 448 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 32 |
|
|
|
V | Trực thuộc UBND huyện Hướng Hóa | 65 | 5 | 3 | 1936 |
|
| 50 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 24 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 10 |
|
|
|
3.1 | Ban Quản lý cụm công nghiệp, làng nghề |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Trung tâm Môi trường và Đô thị |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | BQL Trung tâm Thương mại Lao Bảo |
| x |
|
|
|
|
|
3.6 | BQL Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
3.7 | Ban Quản lý chợ Khe Sanh |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1897 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (15 THCS + 07 TH&THCS) | x |
|
| 535 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (17 trường) | x |
|
| 743 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (24 trường) | x |
|
| 590 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 29 |
|
|
|
VI | Trực thuộc UBND huyện Đakrông | 40 | 5 | 3 | 1144 | 0 | 0 | 10 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 24 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 8 |
|
|
|
3.1 | Ban Quản lý cụm công nghiệp, làng nghề |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Trung tâm Môi trường và Đô thị |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | BQL Giảm nghèo nhanh và bền vững |
| x |
|
|
|
|
|
3.6 | BQL Chợ trung tân huyện |
|
| x |
|
|
|
|
3.7 | BQL Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1107 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (7 THCS + 05 TH&THCS) | x |
|
| 290 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (11 TH+01 MN&TH) | x |
|
| 505 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (14 trường) | x |
|
| 286 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 26 |
|
|
|
VII | Trực thuộc UBND huyện Cam Lộ | 36 | 4 | 2 | 861 |
|
| 10 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 13 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Sự nghiệp văn hóa thông tin (Phòng VHTT) |
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 7 |
|
|
|
3.1 | Ban Quản lý cụm công nghiệp, làng nghề |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ huyện |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Ban Quản lý chợ Cam Lộ |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 836 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (08 trường) | x |
|
| 224 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (15 trường) | x |
|
| 339 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (11 trường) | x |
|
| 251 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 22 |
|
|
|
VIII | Trực thuộc UBND TX Quảng Trị | 18 | 4 | 2 | 429 | 5 |
| 9 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 13 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Văn hóa -Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 7 |
|
|
|
3.1 | Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Ban Quản lý Chợ |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 404 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (05 THCS + 01 TH&THCS) | x |
|
| 133 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (05 trường) | x |
|
| 147 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (05 trường) | x |
|
| 91 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 33 |
|
|
|
IX | Trực thuộc UBND TP Đông Hà | 37 | 4 | 2 | 1048 |
|
| 34 |
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 5 |
|
|
|
1.1 | Trung tâm Dân số và Kế hoạch hóa gia đình | x |
|
|
|
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 19 |
|
|
|
2.1 | Trung tâm Văn hóa -Thể dục thể thao |
| x |
|
|
|
|
|
2.2 | Đài Truyền thanh |
| x |
|
|
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 9 |
|
|
|
3.1 | Trung tâm Quản lý và Phát triển Cụm công nghiệp và Dịch vụ công ích |
| x |
|
|
|
|
|
3.2 | Quản lý kho lưu trữ |
|
|
|
|
|
|
|
3.3 | Trung tâm Phát triển quỹ đất |
| x |
|
|
|
|
|
3.4 | Ban Quản lý Chợ Đông Hà |
|
| x |
|
|
|
|
3.5 | Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng |
|
| x |
|
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 1015 |
|
|
|
4.1 | Trường Trung học cơ sở (09 trường) | x |
|
| 320 |
|
|
|
4.2 | Trường Tiểu học (15 trường) | x |
|
| 429 |
|
|
|
4.3 | Trường Mầm non (11 trường) | x |
|
| 239 |
|
|
|
4.4 | Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên | x |
|
| 27 |
|
|
|
X | Trực thuộc UBND huyện đảo Cồn Cỏ | 1 | 0 | 0 | 13 | 1 |
|
|
1 | Sự nghiệp y tế |
|
|
| 1 |
|
|
|
2 | Sự nghiệp văn hóa |
|
|
| 1 |
|
|
|
3 | Sự nghiệp khác |
|
|
| 9 |
|
|
|
3.1 | Ban Quản lý Cảng cá | x |
|
| 9 |
|
|
|
4 | Sự nghiệp giáo dục |
|
|
| 2 |
|
|
|
XI | Dự phòng do tinh giản biên chế |
|
|
| 5 |
|
|
|
CỘNG | 490 | 101 | 47 | 17195 | 114 | 42 | 1550 |
- Cơ chế tài chính (ĐVT: đơn vị) |
|
Cấp tỉnh | 123 |
+ NSNN đảm bảo 100%: | 35 |
+ Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: | 62 |
+ Tự đảm bảo chi thường xuyên: | 26 |
Cấp huyện | 515 |
+ NSNN đảm bảo 100%: | 455 |
+ Tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: | 39 |
+ Tự đảm bảo chi thường xuyên: | 21 |
Tổng cộng | 638 |
- Số người làm việc được giao (ĐVT: chỉ tiêu) |
|
+ Sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách: | 17195 |
+ HĐ 68: | 114 |
+ Hợp đồng khác: | 42 |
+ Sự nghiệp hưởng lương từ nguồn thu SN: | 1550 |
Tổng cộng | 18901 |
PHƯƠNG ÁN SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | Phương án sáp nhập | Hiện trạng | Diện tích, dân số đơn vị hành chính mới | |||||||
Đơn vị hành chính sáp nhập | Diện tích (km2) | Tỷ lệ đạt so với tiêu chuẩn (%) | Dân số (người) | Tỷ lệ đạt so với tiêu chuẩn (%) | Diện tích (km2) | Tỷ lệ so với tiêu chuẩn (%) | Dân số (người) | Tỷ lệ so với tiêu chuẩn (%) | ||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
I | Huyện Hải Lăng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Thị trấn Hải Lăng với xã Hải Thọ | TT Hải Lăng | 2.70 | 19.29 | 3.697 | 46.21 | 24.59 | 175.64 | 9.880 | 123.50 |
Xã Hải Thọ | 21.89 | 72.97 | 6.183 | 77.29 | ||||||
2 | Xã Hải Thiện với xã Hải Thành | Hải Thiện | 12.79 | 42.63 | 3.999 | 49.99 | 18.68 | 62.27 | 5.994 | 74.93 |
Hải Thành | 5.89 | 19.63 | 1.995 | 24.94 | ||||||
3 | Xã Hải Khê với xã Hải An | Xã Hải Khê | 8.42 | 28.07 | 3.920 | 49.00 | 19.62 | 65.40 | 9.630 | 120.38 |
Xã Hải An | 11.20 | 37.33 | 5.710 | 71.38 | ||||||
II | Huyện Triệu Phong |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Thành lập thị trấn mới gồm xã Triệu An, thôn 9, xã Triệu Vân, thôn Lệ Xuyên xã Triệu Trạch |
|
|
|
|
| 23.68 | 169.14 | 10.317 | 128.96 |
2 | Các thôn còn lại của xã Triệu Vân và xã Triệu Trạch |
|
|
|
|
| 34.69 | 115.63 | 6.949 | 86.86 |
3 | Xã Triệu Thành với xã Triệu Đông | Xã Triệu Thành | 2.49 | 8.30 | 4.358 | 54.48 | 8.46 | 28.20 | 8.749 | 109.36 |
Xã Triệu Đông | 5.97 | 19.90 | 4.391 | 54.89 | ||||||
III | Huyện Cam Lộ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Cam Thanh và xã Cam An | Xã Cam Thanh | 13.24 | 44.13 | 2.809 | 35.11 | 27.54 | 91.80 | 9.332 | 116.65 |
Xã Cam An | 14.30 | 47.67 | 6.523 | 81.54 | ||||||
IV | Huyện Đakrông |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Hải Phúc với xã Ba Lòng | Xã Hải Phúc | 84.30 | 168.60 | 659 | 13.18 | 157.47 | 314.94 | 3.551 | 71.02 |
Xã Ba Lòng | 73.17 | 146.34 | 2.892 | 57.84 |
|
|
|
| ||
V | Huyện Hướng Hóa |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã A Xing với xã A Túc | Xã A Xing | 16.01 | 32.02 | 2.405 | 48.10 | 28.35 | 56.70 | 4.963 | 99.26 |
Xã A Túc | 12.34 | 24.68 | 2.558 | 51.16 | ||||||
2 | Xã Xy với xã A Dơi | Xã Xy | 21.29 | 42.58 | 2.167 | 43.34 | 50.67 | 101.34 | 5.289 | 105.78 |
Xã A Dơi | 29.38 | 58.76 | 3.122 | 62.44 | ||||||
VI | Huyện Gio Linh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Vĩnh Trường với xã Linh Thượng | Xã Vĩnh Trường | 8.71 | 17.42 | 681 | 13.62 | 182.23 | 364.46 | 2.729 | 54.58 |
Xã Linh Thượng | 173.52 | 347.04 | 2.048 | 40.96 | ||||||
2 | Xã Gio Sơn với xã Gio Hòa | Xã Gio Sơn | 7.30 | 24.33 | 3.215 | 40.19 | 14.05 | 46.83 | 5.071 | 63.39 |
Xã Gio Hòa | 6.75 | 22.50 | 1.856 | 23.20 | ||||||
3 | Xã Gio Bình |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3.1 | Sáp nhập thôn Tân Lịch, xã Gio Bình vào xã Gio Phong |
|
|
|
|
| 16.66 | 55.53 | 4.565 | 57.06 |
3.2 | Sáp nhập 05 thôn: Bình Hải, Xuân Mai, Tiến kim, Bình Long, Bình Minh xã Gio Bình vào xã Gio An |
|
|
|
|
| 33.61 | 112.03 | 6.552 | 81.90 |
4 | Xã Gio Thành |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4.1 | Sáp nhập thôn Tân Minh xã Gio Thành vào xã Gio Mai |
|
|
|
|
| 20.76 | 69.20 | 6.246 | 78.08 |
4.2 | Đối với 02 thôn: Nhĩ Hạ, Nhĩ Trung, xã Gio Thành |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Phương án 1: Nhĩ hạ, Nhĩ Trung vào xã Gio Hải |
|
|
|
|
| 19.61 | 65.37 | 6.571 | 82.14 |
- | Phương án 2: Nhĩ hạ, Nhĩ Trung vào xã Gio Mỹ |
|
|
|
|
| 39.56 | 131.87 | 8.522 | 106.53 |
VII | Huyện Vĩnh Linh |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xã Vĩnh Tân với thị trấn Cửa Tùng | Xã Vĩnh Tân | 5.56 | 18.53 | 2.716 | 33.95 | 10.47 | 74.79 | 9.452 | 118.15 |
TT Cửa Tùng | 4.91 | 35.07 | 6.736 | 84.20 | ||||||
2 | Xã Vĩnh Thạch với xã Vĩnh Kim | Vĩnh Thạch | 10.47 | 34.90 | 3.695 | 46.19 | 22.82 | 76.07 | 6.750 | 84.38 |
Vĩnh Kim | 12.35 | 41.17 | 3.055 | 38.19 | ||||||
3 | Xã Vĩnh Hiền với xã Vĩnh Hòa | Vĩnh Hiền | 6.76 | 22.53 | 2.174 | 27.18 | 21.83 | 72.77 | 6.625 | 82.81 |
Vĩnh Hòa | 15.07 | 50.23 | 4.451 | 55.64 | ||||||
4 | Xã Vĩnh Khê với thị trấn Bến Quan | Xã Vĩnh Khê | 24.26 | 48.52 | 1.067 | 21.34 | 28.47 | 203.36 | 5.118 | 63.98 |
TT Bến Quan | 4.21 | 30.07 | 4.051 | 50.64 | ||||||
5 | Các xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Nam, Vĩnh Trung |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5.1 | Phương án 1: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Xã Vĩnh Thái với xã Vĩnh Trung | Xã Vĩnh Thái | 14.48 | 48.27 | 3.461 | 43.26 | 28.18 | 93.93 | 6.336 | 79.20 |
Vĩnh Trung | 13.70 | 45.67 | 2.875 | 35.94 | ||||||
- | Xã Vĩnh Nam với thị trấn Hồ Xá | Xã Vĩnh Nam | 9.36 | 31.20 | 3.434 | 42.93 | 16.73 | 119.50 | 16.389 | 204.86 |
Thị trấn Hồ Xá | 7.37 | 52.64 | 12.955 | 161.94 | ||||||
5.2 | Phương án 2: |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- | Sáp nhập các thôn: Mạch nước, Thái Lai, Tân Mạch, xã Vĩnh Thái vào xã Vĩnh Tú |
|
|
|
|
| 40.74 | 135.80 | 5.046 | 63.08 |
- | Sáp nhập các thôn: Thử Luật, Đông Luật, Tân Hòa, Tân Thuận xã Vĩnh Thái và thôn Nam Hùng, xã Vĩnh Nam vào xã Vĩnh Trung |
|
|
|
|
| 24.48 | 81.60 | 5.605 | 70.06 |
- | Sáp nhập các thôn: Nam Cường, Nam Phú, xã Vĩnh Nam vào thị trấn Hồ Xá |
|
|
|
|
| 14.23 | 101.64 | 15579 | 194.74 |
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP CÁC BAN, CHI CỤC THUỘC SỞ, BAN NGÀNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | Tên ban, chi cục hiện có | Biên chế được giao năm 2018 | Phương án sắp xếp | |||
Tổng | HC | SN | HĐ 68 | |||
I | Ban, chi cục thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước | |||||
1 | Ban Tôn giáo | 11 | 10 |
| 1 | Chuyển Ban Dân tộc về Sở Nội vụ và sáp nhập vào Ban Tôn giáo thành Ban Dân tộc và Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ |
2 | Ban Thi đua - Khen thưởng | 10 | 8 |
| 2 | Chuyển thành phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ |
3 | Chi cục Văn thư - Lưu trữ | 18 | 8 | 7 | 3 | Chuyển chức năng QLNN về phòng thuộc Sở, thành lập TT Văn thư - Lưu trữ để thực hiện chức năng sự nghiệp |
4 | Chi cục Biển, Hải đảo và KTTV | 9 | 8 |
| 1 | Chuyển thành phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường |
5 | Chi cục Bảo vệ môi trường | 12 | 11 |
| 1 | Chuyển thành phòng chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường |
6 | Chi cục Phát triển nông thôn | 20 | 19 |
| 1 | Giữ nguyên |
7 | Chi cục Dân số KHHGĐ | 16 | 14 |
| 2 | Giữ nguyên |
II | Chi cục vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng thừa thực thi pháp luật | |||||
1 | Chi cục Thủy lợi (bao gồm cả QL đê điều và Phòng, chống thiên tai) | 14 | 13 | 1 |
| Giữ nguyên, điều chỉnh lại biên chế phù hợp |
2 | Chi cục Thủy sản | 29 | 11 | 17 | 1 | Chi cục Thủy sản do có bộ phận thực hiện chức năng thừa hành thực thi pháp luật về Kiểm ngư nên giữ nguyên và điều chỉnh lại biên chế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ |
3 | Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật | 39 | 14 | 24 | 1 | Hợp nhất thành một chi cục với tên gọi là Chi cục Bảo vệ thực vật và Thú y, để thực hiện chức năng thừa hành thực thi pháp luật về bảo vệ thực vật và thú y; còn chức năng quản lý nhà nước về trồng trọt và chăn nuôi chuyển về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở |
4 | Chi cục Chăn nuôi và Thú y | 46 | 11 | 33 | 2 | |
III | Chi cục thực hiện chức năng thực thi pháp luật | |||||
1 | Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm | 15 | 9 | 5 | 1 | Tổ chức lại, điều chỉnh lại biên chế phù hợp |
2 | Chi cục Tiêu chuẩn ĐLCL | 30 | 11 | 18 | 1 | Tổ chức lại, điều chỉnh lại biên chế phù hợp |
3 | Chi cục Quản lý thị trường | 64 | 55 |
| 9 | Giữ nguyên |
4 | Chi cục Kiểm lâm | 166 | 149 |
| 17 | Giữ nguyên |
5 | Chi cục QL Chất lượng NL và TS | 13 | 12 |
| 1 | Giữ nguyên |
THỐNG KÊ THỰC TRẠNG SỐ PHÒNG CHUYÊN MÔN THUỘC SỞ, BAN NGÀNH VÀ SỐ LƯỢNG LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ DỰ KIẾN GIẢM SAU KHI SẮP XẾP LẠI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | Tên cơ quan chuyên môn, cơ quan thuộc UBND tỉnh | Số biên chế được giao (2018) | Số lượng LĐ, QL cấp phòng thuộc Sở hiện có | Số phòng CM thuộc Sở, Ban ngành | Số phòng thuộc Sở dự kiến sau khi sắp xếp | Số phòng thuộc Sở dự kiến giảm | Số lượng LĐ, QL cấp phòng dự kiến giảm theo quy định | Số lượng LĐ, QL cấp phòng hiện có dự kiến giảm | ||
HC | HĐ 68 | Hiện có | <05 biên chế | |||||||
| Tổng số | 1034 | 114 | 279 | 143 | 92 | 104 | 39 | 79 | 72 |
1 | Sở Nội vụ | 57 | 6 | 9 | 6 | 3 | 5 | 1 | 2 | 2 |
2 | Sở Giao thông vận tải | 37 | 3 | 12 | 7 | 3 | 6 | 1 | 2 | 2 |
3 | Sở Xây dựng | 30 | 3 | 12 | 6 | 4 | 5 | 1 | 3 | 2 |
4 | Sở Tài nguyên và Môi trường | 49 | 4 | 9 | 5 | 2 | 4 | 1 | 2 | 1 |
5 | Sở Tài chính | 45 | 2 | 17 | 8 | 4 | 7 | 1 | 2 | 2 |
6 | Sở Y tế | 53 | 5 | 13 | 5 | 2 | 4 | 1 | 2 | 3 |
7 | Sở Tư pháp | 25 | 2 | 11 | 6 | 4 | 5 | 1 | 2 | 2 |
8 | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 261 | 24 | 10 | 5 | 3 | 4 | 1 | 2 | 2 |
9 | Sở Lao động Thương binh và Xã hội | 40 | 3 | 15 | 10 | 8 | 6 | 4 | 8 | 4 |
10 | Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch | 36 | 4 | 15 | 8 | 6 | 6 | 2 | 4 | 4 |
11 | Sở Thông tin và Truyền thông | 22 | 3 | 10 | 6 | 5 | 4 | 2 | 4 | 4 |
12 | Thanh tra tỉnh | 28 | 3 | 16 | 6 | 2 | 3 | 3 | 7 | 7 |
13 | Sở Kế hoạch và Đầu tư | 43 | 3 | 20 | 9 | 5 | 7 | 2 | 5 | 5 |
14 | Sở Ngoại vụ | 22 | 2 | 9 | 5 | 3 | 4 | 1 | 2 | 2 |
16 | Sở Công Thương | 85 | 12 | 14 | 7 | 6 | 5 | 2 | 4 | 4 |
17 | Sở Giáo dục và Đào tạo | 47 | 2 | 19 | 10 | 7 | 7 | 3 | 6 | 6 |
18 | Văn phòng UBND tỉnh | 44 | 14 | 23 | 11 | 9 | 5 | 6 | 10 | 10 |
19 | Ban Dân tộc | 25 | 3 | 9 | 5 | 4 | 4 | 1 | 2 | 1 |
20 | Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh | 27 | 6 | 14 | 7 | 6 | 5 | 2 | 4 | 4 |
21 | Văn phòng HĐND tỉnh | 25 | 7 | 8 | 4 | 0 | 4 | 0 | 0 | 0 |
ĐỊNH HƯỚNG SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC ĐVSNCL TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | NĂM 2018 | ĐẾN 2021 | ĐẾN 2025 | ĐẾN 2030 | |||||||||||||
Tên đơn vị | Cơ quan chủ quản | Cơ chế tài chính 2018 | Tên đơn vị | Cơ quan chủ quản | Cơ chế tài chính 2021 | Tên đơn vị | Cơ quan chủ quản | Cơ chế tài chính đến 2025 | Tên đơn vị | Cơ quan chủ quản | Cơ chế tài chính đến 2030 | ||||||
| TRỰC THUỘC TỈNH | ||||||||||||||||
1 | Trường Cao đẳng Sư phạm | UBND tỉnh | Tự đảm bảo 1 phần CTX | - Phương án 1: Sáp nhập Trường CĐSP Quảng Trị vào PH Đại học Huế tại Quảng Trị để trở thành trường Đại học đào tạo đa ngành trực thuộc Đại học Huế hoặc tổ chức lại thành Trường ĐH cộng đồng, đào tạo đa ngành trực thuộc UBND tỉnh - Phương án 2: Sáp nhập TT Giáo dục TX tỉnh và TT Tin học - Ngoại ngữ trực thuộc Sở GD&ĐT vào Trường CĐSP Quảng Trị và bổ sung chức năng về ĐT thực hành cấp mầm non, phổ thông chất lượng cao | (Giảm hoặc giữ nguyên) | (Giảm hoặc giữ nguyên) | |||||||||||
2 | Trường CĐ Y tế | UBND tỉnh | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế tự chủ (TC) theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên (CTX) | |||||||||||
3 | Đài Phát thanh và Truyền hình | UBND tỉnh | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Đài Phát thanh và Truyền hình | UBND tỉnh | Tự đảm bảo CTX (Nhà nước đặt hàng+gia o nhiệm vụ+giao KP) | Giữ nguyên | |||||||||
4 | BQL DA ĐTXD các công trình DD&CN | UBND tỉnh | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | |||||||||||
5 | TT Nghiên cứu Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (tự đảm bảo 1 phần CTX) - Thành lập mới | Giữ nguyên | Giữ nguyên | ||||||||||||||
6 | Thành lập Trường Cao đẳng Nghề trên cơ sở hợp nhất 04 đơn vị: - Trường Trung cấp Nghề trực thuộc Sở Lao động - TB&XH; - Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải trực thuộc Sở Giao thông VT; - Trường Trung cấp NN&PTNT trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; - TT Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh trực thuộc Hội Nông dân tỉnh (tự đảm bảo một phần CTX) | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | ||||||||||||||
| TRỰC THUỘC SỞ |
|
| ||||||||||||||
I | Trực thuộc Sở Tư Pháp | ||||||||||||||||
1 | Phòng Công chứng số 1 | Sở Tư pháp | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Chuyển ra ngoài công lập |
| |||||||||||
2 | Phòng Công chứng số 2 | Sở Tư pháp | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Chuyển ra ngoài công lập |
| |||||||||||
3 | TT DV bán đấu giá tài sản | Sở Tư pháp | Tự đảm bảo CTX | Chuyển thành Công ty hợp danh | Công ty hợp danh | Công ty hợp danh | |||||||||||
4 | TT Trợ giúp pháp lý NN | Sở Tư pháp | Nhà nước đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
II | Trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh | ||||||||||||||||
1 | TT Tin học - VP UBND tỉnh | VP UBND tỉnh | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Tổ chức Phòng Công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của UBND tỉnh (bao gồm cả Cổng thông tin điện tử và duy trì dữ liệu công báo); chuyển TT Tin học về Sở Thông tin và truyền thông và hợp nhất vào TT Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Nội dung này, BCS Đảng UBND tỉnh đã có báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, do đó sẽ thực hiện khi có chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy | (Giảm) | (Giảm) | |||||||||||
2 | TT dịch vụ Hội nghị | VP UBND tỉnh | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | Giữ nguyên | |||||||||||
III | Trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ | ||||||||||||||||
1 | TT Thông tin và Thống kê KH&CN | Sở KH&CN | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Hợp nhất 02 đơn vị thành 01 đơn vị có tên là TT Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng tiến bộ KH và CN | Sở KH&CN | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | |||||||||
2 | TT Ứng dụng tiến bộ KH&CN | Sở KH&CN | Tự đảm bảo 1 phần CTX | ||||||||||||||
3 | TT Kỹ thuật Tiêu chuẩn ĐL- CL | Chi cục TCĐLCL | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
IV | Trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội | ||||||||||||||||
1 | TT Dịch vụ việc làm | Sở LĐ- TB&XH | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
2 | Trường Trung cấp nghề | Sở LĐ- TB&XH | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Thành lập Trường Cao đẳng Nghề trên cơ sở hợp nhất các Trường trung cấp nghề (tự đảm bảo một phần CTX) | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | |||||||||||
3 | TT ĐD Người có công và BTXH | Sở LĐ- TB&XH | 100% NSNN | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
4 | TT Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 | Sở LĐ- TB&XH | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
5 | Nhà Đón tiếp thân nhân LS | Sở LĐ- TB&XH | 100% NSNN |
| Sở LĐ- TB&XH | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
6 | BQL NTLS Đường 9 | Sở LĐ- TB&XH | 100% NSNN | Hợp nhất 3 đơn vị thành 01 đơn vị: BQL Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân LS |
|
| Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
7 | BQL NTLS Trường Sơn | Sở LĐ- TB&XH | 100% NSNN |
|
|
|
|
| |||||||||
V | Trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông | ||||||||||||||||
1 | TT Công nghệ thông tin và TT | Sở TT&TT | Tự đảm bảo một phần CTX | TT CNTT và TT | Sở TT&TT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
VI | Trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | ||||||||||||||||
1 | TT Khuyến nông | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển dịch vụ bảo vệ thực vật và dịch vụ thú y từ Chi cục Trồng trọt và BVTV và Chi cục Chăn nuôi và Thú ý về TT Khuyến nông tỉnh | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | |||||||||||
2 | TT Điều tra, Quy hoạch và TKNL | Sở NN&PTNT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
3 | TT Nước sạch và Vệ sinh MTNT | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
4 | TT Giống cây trồng, vật nuôi | Sở NN&PTNT | Tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
5 | TT Giống thủy sản | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
6 | BQL Cảng cá Quảng Trị | Sở NN&PTNT | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
7 | BQL RPH Hướng Hóa - Đakrông | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
8 | BQL RPH LV sông Thạch Hãn | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
9 | BQL RPH LV sông Bến Hải | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
10 | BQL Khu bảo tồn TN Đakrông | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
11 | BQL Khu bảo tồn TN Bắc Hướng Hóa | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
12 | BQL Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ | Chi cục Thủy sản | NSNN đảm bảo 100% | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
13 | Trường Trung cấp NN&PTNT | Sở NN&PTNT | NSNN đảm bảo 100% | Sáp nhập với Trường Trung cấp Nghề GTVT trực thuộc Sở GTVT và Trường Trung cấp Nghề trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề | (Giảm) | (Giảm) | |||||||||||
14 | TT Phòng tránh thiên tai và TKCN | Chi cục Thủy lợi | NSNN đảm bảo 100% | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
15 | BQL Dự án ĐTXD các công trình NN&PTNT | Sở NN&PTNT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | |||||||||||
VII | Trực thuộc Sở Y tế | ||||||||||||||||
1 | TT Y tế dự phòng tỉnh | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Hợp nhất 4 TT thành TT Kiểm soát bệnh tật (TT CDC) | Sở Y tế | Tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
2 | TT Kiểm dịch y tế quốc tế | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | ||||||||||||||
3 | TT Chăm sóc SKSS | Sở Y tế | NSNN đảm bảo 100% | ||||||||||||||
4 | TT Truyền thông GDSK | Sở Y tế | NSNN đảm bảo 100% | ||||||||||||||
5 | TT Mắt | Sở Y tế | Tự đảm bảo CTX | Nghiên cứu tổ chức lại TT Mắt | Sở Y tế | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
6 | Bệnh viện Đa khoa tỉnh | Sở Y tế | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
7 | Bệnh viện ĐK Khu vực Triệu Hải | Sở Y tế | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
8 | Bệnh viện CK Lao và bệnh Phổi | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
9 | Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Bổ sung chức năng về Y học cổ truyền và đổi tên thành Bệnh viện PHCN và YHCT | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Chuyển sang tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||
10 | Phòng Quản lý sức khỏe cán bộ | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
11 | TT Y tế H.Vĩnh Linh | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1cphần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
12 | TT Y tế H.Gio Linh | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
13 | TT Y tế H.Triệu Phong | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
14 | TT Y tế H.Cam Lộ | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
15 | TT Y tế H. Hướng Hóa | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
16 | TT Y tế H.Đakrông | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
17 | TT Y tế H.Hải Lăng | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
18 | TT Y tế TX QT | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
19 | TT Y tế TP Đông Hà | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
20 | TT Y tế quân-dân y H.đảo Cồn Cỏ | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
21 | TT Kiểm nghiệm thuốc TPMP | Sở Y tế | NSNN đảm bảo 100% | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
22 | TT Pháp y | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
23 | TT Giám định Y khoa | Sở Y tế | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
VIII | Trực thuộc Sở Công Thương | ||||||||||||||||
1 | TT Khuyến công và XTTM | Sở Công Thương | NSNN đảm bảo 100% | TT Khuyến công (chuyển bộ phận xúc tiến thương mại sang TT Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư) | Sở Công Thương | NSNN đảm bảo 100% | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | |||||||||
IX | Trực thuộc Sở Xây dựng | ||||||||||||||||
1 | TT Quy hoạch và KĐCL | Sở Xây dựng | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
X | Trực thuộc Sở Giao thông vận tải | ||||||||||||||||
1 | Trường TC Nghề GTVT | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Sáp nhập với Trường TC Nghề trực thuộc Sở LĐ-TB&XH và Trường Trung cấp NN&PTNT trực thuộc Sở NN&PTNT | (Giảm) | (Giảm) | |||||||||||
2 | Đoạn QL Đường thủy nội địa | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
3 | TT QL bến xe khách | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
4 | TT Đăng kiểm PTCG TB | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
5 | Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động | Sở GTVT | NSNN đảm bảo 100% | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
6 | TT Sát hạch xe cơ giới | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Chuyển thành Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
7 | BQL Bảo trì công trình đường bộ | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Hợp nhất 02 BQL thành BQL DA ĐTXD giao thông và bảo trì CTĐB | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | |||||||||
BQLDA ĐTXD giao thông | Sở GTVT | Tự đảm bảo CTX | |||||||||||||||
XI | Trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | ||||||||||||||||
1 | TT Văn hóa tỉnh | Sở VH, TT&DL | Nhà nước đảm bảo CTX | Hợp nhất 02 đơn vị thành TT Văn hóa và Phát hành phim chiếu bóng | Sở VH, TT&DL | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
2 | TT Phát hành phim và Chiếu bóng | Sở VH, TT&DL | Nhà nước đảm bảo CTX | ||||||||||||||
3 | Đoàn Nghệ thuật tỉnh | Sở VH, TT&DL | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Tổ chức lại thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh | Sở VH, TT&DL | Tự đảm bảo 1t phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
4 | Ban Quản lý Di tích | Sở VH, TT&DL | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Hợp nhất 02 đơn vị thành TT Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh | Sở VH, TT&DL | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | |||||||||
5 | Bảo tàng tỉnh | Sở VH, TT&DL | Nhà nước đảm bảo CTX | ||||||||||||||
6 | Thư viện tỉnh | Sở VH, TT&DL | Nhà nước đảm bảo 100% | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
7 | TT Huấn luyện và Thi đấu TDTT | Sở VH, TT&DL | Nhà nước đảm bảo 100% | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo một phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
8 | TT Thông tin XTDL | Sở VH, TT&DL | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Sáp nhập vào TT Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (dự kiến thành lập mới) | Giảm | Giảm | |||||||||||
XII | Trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường | ||||||||||||||||
1 | TT Công nghệ Thông tin TN&MT | Sở TN&MT | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Chuyển chức năng lưu trữ thông tin TN&MT của TT CNTT TN&MT về VP Đăng ký đất đai. Các chức năng dịch vụ còn lại chuyển về TT Kỹ thuật TN&MT (giải thể TT CNTT TN&MT) | Giảm | Giảm | |||||||||||
2 | VP Đăng ký đất đai | Sở TN&MT | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Tiếp nhận chức năng lưu trữ thông TN&MT của TT CNTT TN&MT | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
3 | TT Kỹ thuật TN&MT | Sở TN&MT | Tự đảm bảo CTX | Tiếp nhận các chức năng dịch vụ còn lại của TT CNTT TN&MT | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
4 | TT Quan trắc TN&MT | Sở TN&MT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | |||||||||||
5 | TT Phát triển quỹ đất | Sở TN&MT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | Giữ nguyên | |||||||||||
XIII | Trực thuộc BQL Khu kinh tế | ||||||||||||||||
1 | TT Quản lý cửa khẩu | BQL KKT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
2 | BQL DA Đầu tư XD KKT | BQL KKT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư | |||||||||||
3 | TT QL và KT cơ sở hạ tầng KKT, KCN | BQL KKT | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Chuyển thành công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
XIV | Trực thuộc Sở Ngoại vụ | ||||||||||||||||
1 | TT Phục vụ đối ngoại | Sở Ngoại vụ | Tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
CẤP HUYỆN | |||||||||||||||||
I | Lĩnh vực sự nghiệp văn hóa, thông tin và thể dục thể thao | ||||||||||||||||
1 | TT Thể dục thể thao hoặc TT VH-TDTT | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Hợp nhất thành TT Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||
2 | SN VHTT (Phòng VHTT) | UBND huyện | Nhà nước đảm bảo 100% | ||||||||||||||
3 | Đài Truyền thanh | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | ||||||||||||||
II | Lĩnh vực sự nghiệp khác | ||||||||||||||||
1 | TT Phát triển quỹ đất | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | - Giữ nguyên TT Phát triển quỹ đất và BQL DA đầu tư và Xây dựng trực thuộc UBND thành phố Đông Hà - Đối với các huyện, thị xã còn lại: Hợp nhất hành TT Phát triển quỹ đất và QLDA án đầu tư xây dựng hoặc BQLDA đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất. (cơ chế TC của các đơn vị: Tự đảm bảo CTX) | - Thành phố Đông Hà: Chuyển TT Phát triển quỹ đất và BQL Dự án ĐT&XD sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX và chi đầu tư - Các huyện, thị xã còn lại: Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
2 | BQL DA Đầu tư và Xây dựng | UBND huyện | Tự đảm bảo CTX | ||||||||||||||
3 | BQL Giảm nghèo nhanh và bền vững H.Đakrông | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | ||||||||||||||
4 | BQL chợ | UBND huyện | Tự đảm bảo CTX | Cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp | Công ty cổ phần hoặc HTX hoặc DN | Công ty cổ phần hoặc HTX hoặc DN | |||||||||||
5 | TT Phát triển CCN hoặc BQL CCN làng nghề hoặc TT Quản lý và Phát triển CCN và DV công ích (TP Đông Hà) | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Sáp nhập sự nghiệp khuyến công của Phòng Kinh tế - Hạ tầng hoặc Phòng Kinh tế với TT Phát triển CCN hoặc Ban Quản lý CCN, làng nghề hoặc TT Quản lý và phát triển CCN và DVCI (TP Đông Hà) thành TT Phát triển CCN và Khuyến công hoặc TT Phát triển CCN - Khuyến công và DVCI (TP Đông Hà) (tự đảm bảo một phần CTX) | Giữ nguyên | Giữ nguyên | |||||||||||
6 | TT Môi trường và Đô thị | UBND huyện | Tự đảm bảo CTX | Cổ phần hóa | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
7 | BQL Bải tắm Cửa Tùng (Vĩnh Linh) | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Cổ phần hóa | Công ty cổ phần | Công ty cổ phần | |||||||||||
8 | BQL TT TM Lao Bảo (H. Hóa) | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp | Công ty cổ phần hoặc HTX hoặc DN | Công ty cổ phần hoặc HTX hoặc DN | |||||||||||
9 | BQL Cảng cá Cồn Cỏ | UBND huyện | Tự đảm bảo 1 phần CTX | Giữ nguyên | Chuyển sang cơ chế TC theo hình thức tự đảm bảo CTX | Giữ nguyên | |||||||||||
10 | Thành lập TT Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện (trên cơ sở tổ chức lại Trạm Khuyến nông, khuyến ngư, Trạm Thú y và Trạm Bảo vệ thực vật), thực hiện TC về CTX (09 đơn vị) | ||||||||||||||||
III | Lĩnh vực sự nghiệp Y tế | ||||||||||||||||
1 | TT Dân số và KHHGĐ | UBND huyện | Nhà nước đảm bảo CTX | Sáp nhập vào TT Y tế cấp huyện | (Giảm) | (Giảm) | |||||||||||
IV | Lĩnh vực sự nghiệp Giáo dục | ||||||||||||||||
1 | Các mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các đơn vị sự nghiệp giáo dục khác | UBND huyện | Nhà nước đảm bảo CTX | Theo Phụ lục số VIII, Phụ lục số IX | |||||||||||||
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Tổng số trường toàn tỉnh trước sắp xếp, tổ chức lại là: 472 đơn vị, trong đó: MN: 154 trường (đã gồm MN Sao mai thuộc Sở GD), Tiểu học 154 trường, THCS: 112 trường (đã bao gồm 02 nội trú thuộc sở GD), TH&THCS: 18, THPT: 27 (bao gồm Trường PT DTNT tỉnh), THCS&THPT: 03, Khác: 04 (trường trẻ em khuyết tật, TT KTTH-HN, TT Ngoại ngữ - Tin học, Trường Chính trị Lê Duẩn):
- Sau khi tổ chức lại giảm 106 trường, trong đó: MN: 05 trường, TH: 87 trường, THCS: 12 trường, khác: 02 (TT KTTHHN, TT NN-TH);
- Số trường còn lại sau khi tổ chức lại là: 366 đơn vị, trong đó: MN 149 trường, TH: 68 trường, THCS: 39 trường (đã bao gồm 04 trường DTNT cấp THCS), TH&THCS: 78 trường, THPT: 20 trường (đã bao gồm DTNT tỉnh), THCS&THPT: 10 trường, khác: 02 trường (Trường Trẻ em khuyết tật, Trường Chính trị Lê Duẩn)
TT | Tên phường | Số trường, số lớp | Phương án sáp nhập | Số lượng trường giảm | Ghi chú | ||||||||||
Năm học 2017 - 2018 | Năm học 2018 - 2019 | ||||||||||||||
THPT | THCS | Tiểu học | MN | Tổng | MN | TH | TH CS | Tổng | MN | TH | TH CS | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 24 |
Tổng cộng | 30 | 128 | 154 | 154 |
| 62 | 5 | 45 | 12 | 42 | 0 | 42 | 0 |
| |
1. THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 9 | 15 | 12 |
| 1 | 0 | 1 | 0 | 3 | 0 | 3 | 0 |
| |
1 | Phường 3 |
| 8 | 14 |
| Sáp nhập trường TH&THCS (14+8 lớp) = 22 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
2 | Phường 4 |
| 8 | 14 |
| Sáp nhập trường TH&THCS (14+8 lớp) = 22 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
3 | Phường Đông Giang |
| 12 | 6+5 |
| Sáp nhập 2 trường Tiểu học (6+7 lớp) = 13 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
4 | Phường 2 |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (15+8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
Giữ nguyên |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
5 | Phường 1 | 35 | 23+23 | 33+19+18+11 | 8+8+8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Đề nghị phân bổ lại khu vực tuyển sinh phù hợp để tăng quy mô trường nhỏ và giảm áp lực cho trường lớn |
6 | Phường 5 | 21 | 22 | 29+16+11 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 | Phường Đông Thanh |
|
| 11 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8 | Phường Đông Lễ | 35 | 25 | 10 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9 | Phường Đông Lương |
| 15 | 22 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. THỊ XÃ QUẢNG TRỊ |
| ||||||||||||||
Tổng | 2 | 5 | 5 | 5 |
| 2 | 0 | 2 | 0 | 1 | 0 | 1 | 0 |
| |
01 | Hải Lệ (THCS MĐC -TH Kim Đồng) |
| 5 | 14 |
| Sáp nhập TH (14 lớp) + THCS (5 lớp) = 19 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
02 | Phường 1 (THCS LTV- TH Ng.Du) |
| 8 | 8 |
| Sáp nhập TH (8 lớp) + THCS (8 lớp) = 16 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
03 | Phường 2 (THCS LTTrong - TH LQĐ) |
| 8 | 15 |
| PA1: Sáp nhập TH Lê Qúy Đôn (15 lớp) + THCS Lý Tự Trọng (8 lớp), Phường 2 = 23 lớp, hạng 2 PA2: Sáp nhập THCS Lý Tự Trọng (08 lớp), Phường 2 + THCS Thành Cổ (20 lớp), Phường 3 = 28 lớp, hạng 1 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
04 | Phường 3 (Th.cổ - TQ Toản- Nguyễn Trải) | 35 (TXQT) | 20 | 15+19 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| |
Giữ nguyên | 0 |
|
|
| 0 |
|
|
|
| ||||||
05 | An Đôn (TH&THCS Ng.Tất Thành) |
| 6+ | 5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| Đã sáp nhập |
3. HUYỆN VĨNH LINH |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 17 | 24 | 25 |
| 16 | 3 | 10 | 3 | 4 | 0 | 4 | 0 |
| |
01 | Xã Vĩnh Thành |
| 8 | 10 |
| Sáp nhập TH Vĩnh Thành (10 lớp)+ THCS Đinh Tiên Hoàng (8 lớp) = 18 lớp, hạng 2. | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
02 | Xã Vĩnh Long |
| 8 | 10+10 | 4+8 | Sáp nhập 2 trường MN (4+8 lớp)= 12 lớp, hạng 1 Sáp nhập 03 trường: 02 trường TH (10+10 lớp) + THCS (08 lớp) = 28 lớp, hạng 1 | 2 | 1 | 1 |
| 1 |
| 1 |
|
|
03 | Thị trấn Hồ xá | 32 | 15+8+ 8 | 10+10+21 | 6+9+11 | Sáp nhập 2 trường THCS (15+8) = 23 lớp, hạng 2 Sáp nhập 2 trường TH (10+10 lớp) = 20 lớp, hạng 2 | 2 |
| 1 | 1 | 0 |
|
|
|
|
04 | Xã Vĩnh Nam |
| 5 | 10 | 8 | Sáp nhập TH&THCS (10+5) = 15 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
05 | Xã Vĩnh Lâm | 12 | 6 | 10+10 |
| Sáp nhập THCS Lý Thường Kiệt (6) + THPT Bến Hải (12) = 18 lớp, hạng 3 Sáp nhập 02 trường TH (10+10) = 20 lớp, hạng 2 | 2 |
| 1 | 1 | 0 |
|
|
|
|
06 | Xã Vĩnh Chấp |
| 8 | 13 |
| Sáp nhập TH (13 lớp) + THCS (8 lớp) = 21 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
07 | Xã Vĩnh Sơn |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
08 | Xã Vĩnh Tú |
| 4 | 8 | 8 | Sáp nhập TH&THCS (8+4) = 12 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
09 | Xã Vĩnh Thái |
| 7 | 12 | 9 | Sáp nhập TH&THCS (12+7) = 19 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
| |
10 | TT Cửa Tùng |
| 10 | 20 | 9 | Sáp nhập THCS Cửa Tùng (10 lớp) + THCS Hùng Vương (11 lớp), xã Vĩnh Tân = 21 lớp, hạng 2 Sáp nhập Tiểu học Cửa Tùng (20 lớp) + TH Vĩnh Tân (9 lớp) = 29 lớp, hạng 1 Sáp nhập MN Cửa Tùng (9 lớp) + MN Vĩnh Tân (5 lớp) = 14 lớp, hạng 1 | 3 | 1 | 1 | 1 | 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
11 | Xã Vĩnh Tân | 24 | 11 | 9 | 5 | ||||||||||
12 | Xã Vĩnh Thạch |
| 8 | 10 | 10 | Sáp nhập TH Vĩnh Thạch (10 lớp) + TH Vĩnh Kim (6 lớp) + THCS Thạch (8 lớp) = 24 lớp, hạng 2 | 2 |
| 2 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
13 | Xã Vĩnh Kim |
|
| 6 | 6 | ||||||||||
14 | Xã Vĩnh Hiền |
|
| 5 | 5 | Sáp nhập TH Vĩnh Hiền (5 lớp) + TH&THCS Vĩnh Hòa (20 lớp) = 25 lớp, hạng 2 Sáp nhập MN Vĩnh Hiên (5 lớp) + MN Vĩnh Hòa (9 lớp) = 14 lớp, hạng 1 | 2 | 1 | 1 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
15 | Xã Vĩnh Hòa (THCS+TH) |
| 7 | 13 | 9 | ||||||||||
Giữ nguyên |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
16 | Xã Vĩnh Khê |
|
| 9 | 8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
| Xây dựng tiểu học bán trú |
17 | TT Bến Quan | 12 |
| 16 | 11 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18 | Xã Vĩnh Giang |
|
| 10 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
19 | Xã Vĩnh Thủy |
| 12 | 18 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
20 | Xã Vĩnh Ô |
|
| 12 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
21 | Xã Vĩnh Hà |
|
| 5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Đã sáp nhập thành trường TH&THCS |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
22 | Xã Vĩnh Trung (THCS+TH) |
| 4 | 10 | 8 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4. HUYỆN GIO LINH |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 17 | 21 | 22 |
| 11 | 1 | 8 | 2 | 6 | 0 | 6 | 0 |
| |
01 | Xã Trung Giang |
| 8 | 14 |
| Sáp nhập TH (14 lớp) + THCS (8 lớp) = 22 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
02 | Xã Trung Sơn |
| 8 | 17 |
| Sáp nhập TH (17 lớp) + THCS (8 lớp) = 25 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
03 | Xã Gio Quang |
| 4 | 9 |
| Sáp nhập TH (9 lớp) + THCS (4 lớp) = 13 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
04 | TT Cửa Việt |
| 9 | 14 |
| - PA1: Sáp nhập Trường THCS Cửa Việt vào Trường THPT Cửa Việt (dự kiến thành lập mới) - PA2: Sáp nhập TH (14 lớp) + THCS (09 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Dự kiến thành lập trường THPT Cửa Việt; Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
05 | Xã Gio Việt |
| 9 | 17 |
| Sáp nhập TH (17 lớp) + THCS (9 lớp) = 26 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
06 | Xã Hải Thái | 14 | 8 | 9+10 |
| Sáp nhập THPT Cồn Tiên (14) + THCS Hải Thái (8) = 22 lớp, hạng 2 Sáp nhập TH Hải Thái số1 (9) + TH Hải Thái số 2 (10) = 19 lớp, hạng 2 | 2 |
| 1 | 1 | 0 |
|
|
|
|
07 | Xã Trung Hải |
| 6 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (6 lớp) = 21 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
08 | Gio Mai |
| 10 | 18 |
| Sáp nhập TH (18 lớp) + THCS (10 lớp) = 28 lớp, hạng 1 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
09 | Xã Gio Phong |
| 8 | 11 | 9 | Sáp nhập TH (11 lớp) + THCS (8 lớp) = 19 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
10 | Xã Gio Hải |
| 8 | 10 | 8 | Sáp nhập TH (10 lớp) + THCS (08 lớp) = 21 lớp, hạng 3 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
11 | Xã Gio Thành |
| 8 | 9 |
| Sáp nhập TH (9 lớp) + THCS (08 lớp) = 17 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
12 | Xã Gio Mỹ |
| 7 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (07 lớp) = 22 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
13 | Xã Gio An |
| 10 | 10 |
| Sáp nhập Tiểu học Gio An (10 lớp) + Tiểu học Gio Bình (11 lớp) = 21 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
14 | Xã Gio Bình |
|
| 11 | 6 | ||||||||||
15 | Xã Gio Sơn |
| 11 | 11 | 7 | Sáp nhập TH Gio Hòa (5 lớp) + TH Gio Sơn (11 lớp) = 16 lớp, hạng 3 Sáp nhập MN Gio Sơn (7 lớp) + MN Gio Hòa (5 lớp) = 12 lớp, hạng 1 | 2 | 1 | 1 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
16 | Xã Gio Hòa |
|
| 5 | 5 | ||||||||||
17 | Xã Vĩnh Trường |
|
| 6 | 6 | Sáp nhập TH Vĩnh Trường (6 lớp) + TH&THCS Linh Thượng (13 lớp) = 19 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
18 | Xã Linh Thượng (TH & THCS) |
| 3 | 10 | 8 | ||||||||||
Giữ nguyên |
|
|
|
| 0 |
|
|
|
| ||||||
19 | Xã Gio Châu |
|
| 13 |
|
| 0 |
|
|
| 0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
20 | Xã Linh Hải |
|
| 10 |
|
| 0 |
|
|
| 0 |
|
|
|
|
21 | Thị trấn Gio Linh | 15+35 | 22 +8 | 27 | 7+9 |
| 0 |
|
|
| 0 |
|
|
|
|
5. HUYỆN TRIỆU PHONG |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 19 | 25 | 20 |
| 10 | 0 | 9 | 1 | 10 | 0 | 10 | 0 |
| |
01 | Triệu Độ |
| 9 | 12+7 |
| Sáp nhập 3 trường: 02 tiểu học (12+7 lớp)+ 01 THCS (09 lớp) = 28 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 1 |
| 1 |
|
|
02 | Triệu Phước |
| 12 | 10+8 |
| Sáp nhập 02 trường tiểu học (10+8 lớp) = 18 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
03 | Triệu Hòa |
| 10 | 9+10 |
| Sáp nhập 3 trường: 02 tiểu học (9+10 lớp) + THCS (10 lớp) = 29 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 1 |
| 1 |
|
|
04 | Triệu Thuận |
| 9 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (9 lớp) = 24 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
05 | Triệu Thành |
| 6 | 10 |
| Sáp nhập TH (10 lớp) + THCS(6) = 16 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
06 | Triệu Tài |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
07 | Triệu Sơn |
| 8 | 13 |
| Sáp nhập TH (13 lớp) THCS (8 lớp) = 21 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
08 | Triệu Giang |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) THCS (8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
09 | Triệu Thượng TH&THCS - TH số 1 |
| (3 + | 6) - 12 |
| Sáp nhập trường TH số 1 Triệu Thượng (12) vào trường TH&THCS Triệu Thượng (9) = 21 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
10 | Triệu Long |
| 10 | 14+8 |
| Sáp nhập 02 trường TH (14+8 lớp) vào trường THCS (10 lớp)= 32 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 1 |
| 1 |
|
|
11 | Triệu Đại | 15 | 11 | 13 |
| - PA 1: Sáp nhập THCS Triệu Đại (11) + THPT Nguyễn Hữu Thận (15 lớp) = 26 lớp, hạng 2 - PA 2: Sáp nhập TH (13 lớp) + THCS (11 lớp) = 24 lớp, hạng 2 - PA3: Sáp nhập THPT Nguyễn Hữu Thận + THPT Triệu Phong, đồng thời điều chỉnh lại khu vực tuyển sinh giữ các trường THPT trên địa bàn huyện Triệu Phong | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
12 | Triệu Trung | 30 | 11 | 19 |
| Sáp nhập TH (19) + THCS (11 lớp) = 30 lớp, hạng 1 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
13 | Triệu Đông |
| 11 | 18 |
| Sáp nhập TH (18) + THCS (11 lớp) = 29 lớp, hạng 1 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
14 | Triệu Trạch | 30 | 12 | 12+6 |
| Sáp nhập 02 trường tiểu học (12+6 lớp) = 18 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
15 | Triệu Vân |
| 5 | 11 |
| Sáp nhập TH (11) + THCS (05 lớp) = 16 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
16 | Triệu An |
| 12 | 12+12 |
| Sáp nhập 02 trường TH (12+12 lớp) = 24 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
17 | Triệu Lăng |
| 8 | 18 |
| Sáp nhập TH (18 lớp) + THCS (8 lớp) = 26 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
Đã sáp nhập thành trường TH&THCS | 0 |
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
18 | Trấm TH&THCS |
| 4 + | 7 = 13 |
|
| 0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
Giữ nguyên | 0 |
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
19 | TT Ái Tử (C2 có Tr.Ái) | 24 | 16 | 19 |
|
| 0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
20 | Triệu Ái (Cấp THCS chung TT) |
|
| 12 |
|
| 0 |
|
|
|
|
|
|
|
|
6. HUYỆN HẢI LĂNG |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 19 | 21 | 20 |
| 7 | 1 | 3 | 3 | 13 | 0 | 13 | 0 |
| |
01 | Hội Yên - Hải Quế | 17 | 8 | 10 |
| - PA1: Sáp nhập THCS Hội Yên (8 lớp) vào THPT Trần Thị Tâm (17 lớp) = 25 lớp, hạng 2 - PA2: Sáp nhập TH (10 lớp) + THCS (8 lớp) = 18 lớp, hạng 3 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
02 | Hải Sơn | 25 | 8 | 15 |
| - PA1: Sáp nhập THCS Hải Sơn (08 lớp) + THPT Bùi Dục Tài (25 lớp) = 33 lớp, hạng 1 - PA2: Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
03 | Hải Hòa |
| 8 | 14 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (14+8 lớp) = 22 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
04 | Hải Tân |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (15+8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
05 | Hải Xuân |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (15+8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
06 | Hải Quy |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (15+8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
07 | Hải Thượng |
| 8 | 11 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (11+8 lớp) = 19 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
08 | Hải Phú |
| 9 | 17 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (17+9 lớp) = 26 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
09 | Hải Lâm |
| 8 | 14 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (14+8 lớp) = 22 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
10 | Hải Chánh |
| 12 | 12+13 |
| Tách 06 lớp của Trường THCS Hải Chánh sáp nhập với Tiểu học số 1 Hải Chánh (12 lớp) = 18 lớp, hạng 3 Tách 06 lớp của Trường THCS Hải Chánh sáp nhập với Tiểu học số 2 Hải Chánh (13 lớp) = 19 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
| Huyện đề xuất do địa bàn quá rộng, học sinh khá đông |
11 | Hải Vĩnh |
| 9 | 13 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (13+9 lớp) = 22 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
12 | Hải Dương |
| 8 | 16 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (16+8 lớp) = 24 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
13 | Hải Ba |
| 9 | 17 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (17+9 lớp) =26 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
14 | Hải Trường |
| 11 | 15 |
| Sáp nhập thành trường TH&THCS (15+11 lớp) =26 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
15 | TT Hải Lăng | 31 | 10 | 16 |
| Sáp nhập THCS TT Hải Lăng (10 lớp) + THCS Hải Thọ (8 lớp) = 18 lớp, hạng 3 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 TT |
16 | Hải Thọ |
| 8 | 17 |
| ||||||||||
17 | Hải Thiện |
| 9 | 7 | 8 | Sáp nhập TH Hải Thành (9 lớp) + TH Hải Thiện (07 lớp) + THCS Hải Thiện (9 lớp) = 25 lớp, hạng 2 Sáp nhập MN Hải Thiện (8 lớp) + MN Hải Thành (6 lớp) = 14 lớp, hạng 1 | 2 | 1 | 1 |
| 1 |
| 1 |
| Sáp nhập thành 1 xã |
18 | Hải Thành |
|
| 9 | 6 | ||||||||||
19 | Hải Khê |
| 5 | 12 | 7 | Sáp nhập TH+THCS (12+5 lớp) = 17 lớp, hạng 3 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
20 | Hải An |
| 9 | 19 | 10 | Sáp nhập TH+THCS (19+05 lớp) = 24 lớp, hạng 2 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
| |
7. HUYỆN CAM LỘ |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 8 | 15 | 11 |
| 8 | 0 | 6 | 2 | 3 | 0 | 3 | 0 |
| |
01 | TT Cam Lộ | 27 | 16 | 15+10 | 7+10 | Sáp nhập TH Nguyễn Thị Minh Khai (15) + TH Hồ Chơn Nhơn(10) = 25 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
02 | Cam Thành | 9 | 8 | 13+10 | 12+10 | - PA1: Sáp nhập THCS Khóa Bảo (08 lớp) + THCS&THPT Tân Lâm (9 lớp) = 17 lớp, hạng 3 - PA2: Sáp nhập Trường TH Lê Thế Tiết (10 lớp) + Trường THCS Khóa Bảo (08 lớp) = 18 lớp, hạng 2 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
03 | Cam Tuyền |
| 8 | 10+12 |
| Sáp nhập Trường TH Trần Quốc Toản (12 lớp) + Trường THCS Lê Hồng Phong (08 lớp) = 20 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
04 | Cam Nghĩa |
| 8 | 9+10 |
| Sáp nhập 03 trường: 02 Tiểu học (9+10 lớp) + THCS (08 lớp) = 27 lớp, hạng 2 | 1 |
| 1 |
| 1 |
| 1 |
|
|
05 | Cam Chính | 11 | 8 | 15 |
| - PA1: Sáp nhập trường THCS (Lê Thế Hiếu (8) + trường THPT Lê Thế Hiếu (11) = 19 lớp, hạng 2; - PA2: Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (8 lớp) = 23 lớp, hạng 2 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
06 | Cam Hiếu |
| 10 | 10+9 |
| Sáp nhập 02 trường tiểu học (10+9 lớp) + THCS (10 lớp)= 29 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 1 |
| 1 |
|
|
07 | Cam Thủy |
| 8 | 15 |
| Sáp nhập THCS Lê Lợi (8) + TH Nguyễn Bá Ngọc (15) = 23 lớp, hạng 2. | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
08 | Cam An | 30 | 14 | 10+10 | 11 | Sáp nhập TH Lê văn Tám (10) + TH Võ Thị Sáu (10) xã Cam An + TH Trần Văn Ơn (8 lớp), xã Cam Thanh = 28 lớp, hạng 1 | 2 |
| 2 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
09 | Cam Thanh |
|
| 8 | 5 | ||||||||||
8. HUYỆN ĐAKRÔNG |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 12 | 11 | 15 |
| 3 | 0 | 3 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
| |
1 | Ba Lòng |
| 6 | 10 | 9 | Sáp nhập TH Ba Lòng (10 lớp) + TH Hải Phúc (6 lớp) + THCS Ba Lòng (6 lớp) = 22 lớp, hạng 1 | 2 |
| 2 |
| 0 |
|
|
| Sáp nhập thành 1 xã |
2 | Hải Phúc |
|
| 6 | 4 | ||||||||||
3 | A Bung |
| 6 | 15 |
| Sáp nhập TH (15 lớp) + THCS (6 lớp) = 21 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
Giữ nguyên |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
4 | Thị Trấn KrôngKlang | 22 | 8 | 22 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 | Hướng Hiệp |
| 9 | 17+12 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
6 | Đakrông |
| 16 | 21+25 | 12+13 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
7 | Pa Nang |
| 11 | 39 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8 | Tà Rụt | 18 |
| 22 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9 | Tà Long |
| 10 | 35 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Đã sáp nhập thành trường TH&THCS |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
10 | TH&THCS A Vao |
| 10 | 29 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
11 | TH&THCS A Ngo |
| 11 | 19 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
12 | TH&THCS Húc Nghì |
| 7 | 18 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
13 | TH&THCS Mò Ó |
| 4 | 11 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
14 | TH&THCS Triệu nguyên |
| 4 | 5 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9. HUYỆN HƯỚNG HÓA |
| ||||||||||||||
Tổng |
| 22 | 17 | 24 |
| 4 | 0 | 3 | 1 | 2 | 0 | 2 | 0 |
| |
1 | Tân Hợp |
| 8 | 17 |
| Sáp nhập TH & THCS Tân Hợp (17+8 lớp) = 25 lớp, hạng 1 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
2 | Tân Liên |
| 8 | 17 |
| Sáp nhập TH & THCS Tân Liên (17+8 lớp) = 25 lớp, hạng 1 | 0 |
|
|
| 1 |
| 1 |
|
|
3 | Tân Thành |
| 7 | 15 |
| Sáp nhập TH & THCS Tân Thành (15+7 lớp) = 22 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
4 | Hướng Linh |
| 7 | 20 |
| Sáp nhập TH & THCS Hướng Linh (20+7 lớp) = 27 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
5 | A Túc | 10 | 8 | 10 |
| - PA1: Sáp nhập THCS A Túc (08 lớp) + THPT A Túc (10 lớp) = 18 lớp, hạng 2 ' - PA2: Sáp nhập TH&THCS A Túc (10 + 8 lớp) = 18 lớp, hạng 2 | 1 |
|
| 1 | 0 |
|
|
| Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện xem xét, quyết định |
6 | Xy |
| 7 | 13 |
| Sáp nhập TH & THCS Xy (13+07 lớp) = 20 lớp, hạng 1 | 1 |
| 1 |
| 0 |
|
|
|
|
Giữ nguyên |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
7 | TT Khe Sanh | 29 | 19 | 27+13 | 12+10 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8 | Thanh |
| 11 | 28 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9 | Hướng Phùng | 9 | 12 | 30 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
10 | TT Lao Bảo | 17 | 22 | 22+23 | 10+15 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
11 | Tân Long |
| 10 | 17 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
12 | Húc |
| 8 | 30 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
13 | Hướng Tân |
| 8 | 19 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
14 | Tân Lập |
| 9 | 23 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
15 | Thuận |
| 8 | 21 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Đã Sáp nhập thành trường TH&THCS |
|
|
|
|
|
|
|
|
| ||||||
16 | Pa Tầng |
| 10 | 30 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
17 | Hướng Lộc |
| 8 | 25 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
18 | Hướng Lập |
| 5 | 18 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
19 | Hướng Sơn |
| 5 | 19 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
20 | Hướng Việt |
| 4 | 9 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
21 | A Xing |
| 7 | 13 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
22 | A Dơi |
| 8 | 15 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Sở GD&ĐT giảm 05 đơn vị:
+ Chuyển trường Mầm non Sao Mai về UBND thành phố Đông Hà quản lý;
+ Chuyển Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đakrông và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo về UBND huyện Đakrông và UBND huyện Hướng Hóa quản lý;
+ TT Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp chuyển về cho UBND phố Đông Hà quản lý và sáp nhập vào TT GDNN-GDTX Đông Hà;
+ Sáp nhập TT Ngoại ngữ - Tin học và TT Giáo dục TX trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị hoặc Sáp nhập TT Ngoại ngữ - Tin học vào TT Giáo dục TX (trường hợp không sáp nhập 02 Trung tâm này vào Trường Cao đẳng Sư phạm).
PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, TỔ CHỨC LẠI CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬP TRỰC THUỘC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Số TT | TÊN TRƯỜNG | Số lớp | Số học sinh | Phương án tổ chức lại |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
Phương án sáp nhập | ||||
1 | THPT Bến Hải | 12 | 429 | Theo phương án tại Phụ lục số VIII |
2 | THPT Cồn Tiên | 15 | 481 | |
3 | THPT Nguyễn Hữu Thận | 15 | 536 | |
4 | THPT Triệu Phong | 30 | 1188 | |
5 | THPT Trần Thị Tâm | 17 | 647 | |
6 | THPT Lê Thế Hiếu | 11 | 359 | |
7 | THPT THCS và THPT Tân Lâm | 4 + 6 = 10 | 99 + 16 6 = 265 | |
8 | THPT Nguyễn Du | 14 | 487 | |
9 | THPT Bùi Dục Tài | 26 | 889 | |
10 | THPT A Túc | 10 | 295 | |
11 | Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học |
|
| Theo phương án tại Điểm 3.1, Khoản 3, Mục II, Phần 2 của Đề án |
12 | Trung tâm GDTX tỉnh |
|
| |
13 | Trung tâm KTTH-HN tỉnh |
|
| Sáp nhập vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đông Hà và giao cho thành phố Đông Hà quản lý |
14 | Phổ thông DTNT Hướng Hóa | 8 | 273 | Chuyển về UBND huyện Hướng Hóa quản lý |
15 | Phổ thông DTNT Đakrông | 8 | 280 | Chuyển về UBND huyện Đakrông quản lý |
16 | Mầm non Sao Mai | 10 | 375 | Chuyển cho thành phố Đông Hà quản lý |
17 | DTNT Tỉnh | 9 | 301 | Giữ nguyên |
18 | THPT Chuyên Lê Quý Đôn | 25 | 685 | |
19 | THPT Đông Hà | 35 | 1358 | |
20 | THPT Lê Lợi | 35 | 1318 | |
21 | THPT Vĩnh Linh | 32 | 1214 | Giữ nguyên |
22 | THPT Cửa Tùng | 22 | 813 | |
23 | THPT Gio Linh | 34 | 1303 | |
24 | THPT Vĩnh Định | 30 | 1020 | |
25 | THPT Chu Văn An | 24 | 797 | |
26 | THPT Thị Xã Quảng Trị | 33 | 1300 | |
27 | THPT Nguyễn Huệ | 24 | 845 | |
28 | THPT Hải Lăng | 31 | 1213 | |
29 | THPT Cam Lộ | 28 | 962 | |
30 | THPT Chế Lan Viên | 28 | 970 | |
31 | THPT ĐaKrông | 22 | 788 | |
32 | THPT Hướng Hóa | 29 | 1113 | |
33 | THPT Lao Bảo | 18 | 601 | |
34 | THPT Hướng Phùng | 10 | 294 | |
35 | THCS và THPT Bến Quan | 11 + 5 = 16 | 331 + 187 = 518 | |
36 | THCS và THPT Số 2 Đakrông | 11 + 14 = 25 | 366 + 473 = 839 | |
37 | Trẻ em khuyết tật | 18 | 125 |
TỔNG HỢP ĐƠN VỊ TỰ CHỦ VÀ CÔNG TY CỔ PHẦN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Giai đoạn 2015 - 2021: 54 đơn vị | |
I | ĐVSNCL tự chủ tài chính (34 đơn vị) |
1 | BQL Dự án ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp |
2 | BQL Dự án ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông tôn |
3 | BQL Dự án ĐTXD giao thông và Bảo trì công trình đường bộ |
4 | BQL Dự án ĐTXD khu kinh tế |
5 | Phòng Công chứng số 1 |
6 | Phòng Công chứng số 2 |
7 | Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông |
8 | Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn |
9 | Trung tâm giống thủy sản |
10 | BQL Cảng cá tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
11 | Trung tâm Mắt |
12 | Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
13 | Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải |
14 | Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường) |
15 | Trung tâm Quan trắc Tài nguyên môi trường |
16 | Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh |
17 | Trung tâm Quản lý cửa khẩu |
18 | Trung tâm Phục vụ đối ngoại |
19 | Trung tâm Dịch vụ việc làm |
20 | Trung tâm Điều tra, Quy hoạch và Tthiết kê nông - lâm |
21 | Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định chất lượng xây dựng |
22 | Trung tâm Quản lý và Kỹ thuật cơ sở hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp |
23 | Nhà khách Tỉnh ủy |
24 | Trung tâm Dịch vụ hội nghị |
25 | 08 Trung tâm Phát triển quỹ đất và Quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất |
26 | Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Đông Hà |
27 | Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng thành phố Đông Hà |
II | Chuyển thành công ty cổ phần (19 đơn vị) |
1 | Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi |
2 | Đoạn quản lý đường thủy nội địa |
3 | Trung tâm Quản lý bến xe khách |
4 | Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông thủy, bộ |
5 | Trung tâm Sát hạch xe cơ giới |
6 | 06 Trung tâm Môi trường và Đô thị |
7 | 06 Ban Quản lý chợ |
8 | Ban Quản lý bãi tắm Cửa Tùng |
9 | Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Lao Bảo |
II | Chuyển thành Công ty hợp danh (01 đơn vị) |
1 | Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản |
Giai đoạn 2021 - 2025: 98 đơn vị | |
I | ĐVSNCL tự chủ tài chính (91 đơn vị) |
I.1 | Tự chủ theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (05 đơn vị) |
1 | Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2015 - 2021) |
2 | Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đông Hà |
3 | Ban Quản lý dự án đầu tư và Xây dựng thành phố Đông Hà |
4 | Nhà khách Tỉnh ủy |
5 | Trung tâm Dịch vụ hội nghị |
I.2 | Tự chủ theo hình thức tự đảm bảo chi thường xuyên (86 đơn vị) |
a) | Có 22 ĐVSNCL tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2015 - 2021 |
b) | Thêm 64 ĐVSNCL tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2022 - 2025 |
1 | Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh |
2 | Bệnh viện Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền |
3 | BQL Rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông |
4 | BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn |
5 | BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải |
6 | Văn phòng Đăng ký đất đai |
7 | Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) |
8 | BQL Cảng cá Cồn Cỏ (trực thuộc UBND huyện đảo Cồn Cỏ) |
9 | Trung tâm Hoạt động Thanh Thiếu niên |
10 | Sự nghiệp giáo dục: 55 đơn vị, gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo: 05, Đông Hà: 10, Vĩnh Linh: 06, Gio Linh: 06, Triệu Phong: 06, Hải Lăng: 06, Cam Lộ: 05, thị xã Quảng Trị: 06, Hướng Hóa: 04, Đakrông: 01 |
II | Chuyển thành công ty cổ phần (05 đơn vị) |
1 | Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn |
2 | Trung tâm Giống thủy sản |
3 | Trung tâm Dịch vụ việc làm |
4 | Trung tâm Quản lý và Kỹ thuật cơ sở hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp |
5 | Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định chất lượng xây dựng |
III | Chuyển ra ngoài công lập (02 đơn vị) |
1 | Phòng Công chứng số 1 |
2 | Phòng Công chứng số 2 |
Giai đoạn 2025 - 2030: 96 đơn vị | |
I | Đơn vị tự chủ tài chính (96 đơn vị) |
I.1 | Tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (10 đơn vị) |
a) | Có 05 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 |
b) | Thêm 05 ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ chi thường xuyên giai đoạn 2015 - 2021) |
1 | BQL Dự án ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp |
2 | BQL Dự án ĐTXD các công trình NN&PTNT |
3 | BQL Dự án ĐTXD giao thông và Bảo trì công trình đường bộ |
4 | BQL Dự án ĐTXD Khu kinh tế |
5 | Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường |
I.2 | Tự đảm bảo chi thường xuyên (86 đơn vị) |
a) | Có 81 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên giai đoạn 2021 - 2025 |
b) | Thêm 05 ĐNVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên |
1 | Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (trên cơ sở hợp nhất 02 ĐVSNCL trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) |
2 | Trường Cao đẳng Y tế |
3 | Trường Cao đẳng Nghề (mới) |
4 | BQL Di tích và Bảo tàng tỉnh |
5 | Nhà Thiếu nhi trực thuộc Tỉnh đoàn |
- 1 Kế hoạch 81/KH-UBND về sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, trực thuộc các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong năm 2020 và 2021
- 2 Kế hoạch 318/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Nghị quyết 866/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lai Châu
- 3 Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2019 về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2021
- 4 Kế hoạch 275/KH-UBND năm 2019 thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh An Giang
- 5 Quyết định 15/2019/QĐ-UBND quy định về chế độ hỗ trợ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã theo Đề án 02-ĐA/TU và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Long An
- 6 Kế hoạch 104/KH-UBND về thực hiện sắp xếp, nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2018 đến năm 2021
- 7 Quyết định 12/2018/QĐ-UBND quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc, trực thuộc các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 8 Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
- 9 Quyết định 1459/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hà Nội
- 10 Nghị quyết 10/NQ-CP năm 2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch 07-KH/TW thực hiện Nghị quyết 18-NQTW; 56/2017/QH14 do Chính phủ ban hành
- 11 Nghị quyết 08/NQ-CP năm 2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ ban hành
- 12 Thông tư 09/2017/TT-BNV về sửa đổi Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 13 Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 14 Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 15 Quyết định 31/2017/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Nghị định 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác
- 17 Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 18 Quyết định 45/2015/QĐ-UBND quy định phân cấp thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể, phân loại, xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 19 Quyết định 2218/QĐ-TTg năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công, viên chức do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 20 Quyết định 22/2015/QĐ-TTg về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 21 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 22 Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015 tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 23 Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế do Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành
- 24 Nghị định 16/2015/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập
- 25 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế
- 26 Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
- 27 Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- 28 Quyết định 32/2013/QĐ-UBND Quy định tiêu chí phân loại thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 29 Kết luận 64-KL/TW năm 2013 tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 30 Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 31 Nghị quyết 40/NQ-CP năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án "Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa loại hình dịch vụ sự nghiệp công" do Chính phủ ban hành
- 32 Quyết định 140/2009/QĐ-TTg về bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 45/2015/QĐ-UBND quy định phân cấp thẩm quyền thành lập, tổ chức lại, giải thể, phân loại, xếp hạng đối với đơn vị sự nghiệp công lập; cơ cấu tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 2 Quyết định 1459/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố Hà Nội
- 3 Quyết định 12/2018/QĐ-UBND quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc, trực thuộc các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 4 Kế hoạch 104/KH-UBND về thực hiện sắp xếp, nhập các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số hoặc diện tích tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2018 đến năm 2021
- 5 Quyết định 15/2019/QĐ-UBND quy định về chế độ hỗ trợ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã theo Đề án 02-ĐA/TU và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Long An
- 6 Kế hoạch 275/KH-UBND năm 2019 thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh An Giang
- 7 Nghị quyết 22/NQ-HĐND năm 2019 về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2019-2021
- 8 Kế hoạch 318/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Nghị quyết 866/NQ-UBTVQH14 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lai Châu
- 9 Kế hoạch 81/KH-UBND về sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, trực thuộc các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong năm 2020 và 2021