UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 20 tháng 02 năm 2012 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011 – 2015.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 32/2005/QĐ-BGDĐT ngày 24/10/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT ngày 26/02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia;
Căn cứ Nghị quyết số 43/2011/NQ-HĐND ngày 21 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân tỉnh Yên Bái khóa XVII kỳ họp thứ 3 về việc phê duyệt Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 08/TTr- SGDĐT, ngày 08 tháng 02 năm 2012;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2015.
Điều 2. Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 133/QĐ – UBND ngày 20 tháng 02 năm 2012 của UBND tỉnh Yên Bái)
SỰ CẦN THIẾT VÀ NHỮNG CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những giải pháp tổng thể, nhằm hướng tới xây dựng hệ thống các trường học có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản về giáo dục và đào tạo.
Xây dựng Đề án trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 nhằm phát huy kết quả đạt được của Đề án giai đoạn 2006-2010. Chủ động tập trung đầu tư có trọng điểm, kết hợp các nguồn vốn của nhà nước với sự đóng góp của nhân dân và các tổ chức xã hội, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Đến 2010 toàn tỉnh có 105 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 19%, trong khi toàn quốc tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 23,4 %. Đề án trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 nhằm duy trì tỷ lệ sát với tỷ lệ chung của cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
II. NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
- Luật Giáo dục ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25/11/2009;
- Quyết định số: 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quychế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia;
- Quyết định số:32/2005/QĐ-BGDĐT ngày 24/10/2005 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia;
- Thông tư số: 06/2010/TT-BGD ĐT ngày 26/02/2010 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia;
- Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII;
- Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 14/4/2011 của UBND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái thời kỳ 2010-2020.
THỰC TRẠNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
I. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
1. Mạng lưới trường lớp
Hệ thống mạng lưới trường, lớp và qui mô giáo dục - đào tạo từ giáo dục mầm non đến cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. Toàn tỉnh có 588 cơ sở giáo dục, trong đó: trường mầm non: 184; trường tiểu học: 169; trường trung học cơ sở: 149; trường tiểu học và trung học cơ sở: 38; trường trung học phổ thông: 25; trường Liên cấp 2+3: 01; trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp dạy nghề : 09; trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: 01; trung tâm Tin học và Ngoại ngữ: 01; trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp: 01; trường cao đẳng: 04 ; trường trung cấp: 05.
2. Xây dựng các điều kiện phục vụ phát triển giáo dục
2.1. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên
Tổng lao động toàn ngành trên 15.000 người, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các ngành học, cấp học đạt 98,8%; trên chuẩn đạt 43,1 %. Tỷ lệ giáo viên có trình độ thạc sỹ đạt 12,5 %.
Tỉnh đã đạt chuẩn CMC-PCGDTH, PCGDTH ĐĐT, PCGD THCS; hiện đang tích cực chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng PCGD và triển khai PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng mũi nhọn được quan tâm; số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi HSG cấp khu vực và quốc gia luôn đạt ở mức cao so với khu vực; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng năm 2009 đạt 23%, năm 2010 đạt 27,4%.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên còn thiếu, nhất là giáo viên ngành học mầm non; việc mất cân đối giáo viên tại các vùng thuận lợi và vùng khó khăn ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang được khắc phục nhưng thiếu tính bền vững. Tình trạng mất cân đối cơ cấu môn, ban đang được giải quyết từng bước theo tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
2.2. Xây dựng cơ sở vật chất
Ngành Giáo dục và Đào tạo đang tích cực tham mưu với tỉnh, phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố tập trung huy động các nguồn kinh phí để xây dựng phòng học, phòng bộ môn, phòng thư viện đảm bảo cho phát triển giáo dục và đào tạo một cách bền vững theo hướng đồng bộ.
Sách thiết bị trường học đảm bảo các nhu cầu tối thiểu cho dạy và học; trong đó các trường dân tộc nội trú, các trường chuẩn quốc gia từng bước được ưu tiên quan tâm đầu tư.
2.3. Ngân sách giáo dục
Công tác tài chính đã được quan tâm, chỉ đạo từ khâu xây dựng kế hoạch đến phối hợp tổ chức thực hiện; tất cả các đơn vị trong tỉnh đều đã tách tài khoản, thực hiện tự chủ, đảm bảo chi đúng, chi đủ và có hiệu quả nguồn lực được đầu tư. Tuy nhiên, tỷ lệ chi khác tại các đơn vị quá thấp (8%) đã ảnh hưởng tới quá trình tổ chức dạy và học của các đơn vị, nhà trường đòng thời cũng là một vấn đề khó khăn cho nhà trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
II. KẾT QUẢ XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA 2006 - 2010
1. Kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Đề án giai đoạn 2006 - 2010
Xuất phát điểm của đề án trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2006- 2010 toàn tỉnh có 23 trường đạt chuẩn, trong đó có 06 trường mầm non; 15 trường tiểu học; 02 trường trung học cơ sở. Đề án đã đề ra mục tiêu cụ thể là: phấn đấu xây dựng mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1đến 2 trường mầm non; 20% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia với kế hoạch cụ thể: xây dựng 15 trường mầm non; 67 trường tiểu học; 20 trường trung học cơ sở; 3 trường trung học phổ thông.
1.1.Tổng hợp số lượng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2006 – 2010
Đến tháng 12 năm 2010 toàn tỉnh đã xây dựng được 105 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT). Thực tế những năm qua cho thấy, chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường đạt chuẩn quốc gia bền vững và cao hơn hẳn so với các trường chưa đạt chuẩn.
Kết quả xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh như sau:
TT | Đơn vị | Trường đạt | Mầm non | Tiểu học | THCS | THPT | |
1 | TP Yên Bái | 25 | 7 | 12 | 4 | 2 |
|
2 | TX Nghĩa Lộ | 7 | 1 | 4 | 2 | 0 |
|
3 | Văn Chấn | 16 | 4 | 9 | 3 | 0 |
|
4 | Trấn Yên | 10 | 2 | 5 | 3 | 0 |
|
5 | Văn Yên | 16 | 4 | 8 | 4 | 0 |
|
6 | Yên Bình | 11 | 1 | 7 | 3 | 0 |
|
7 | Lục Yên | 13 | 2 | 8 | 3 | 0 |
|
8 | Trạm Tấu | 4 | 1 | 3 | 0 | 0 |
|
9 | Mù Cang Chải | 3 | 1 | 2 | 0 | 0 |
|
Cộng toàn tỉnh | 105 | 23 | 58 | 22 | 2 |
| |
Tỷ lệ % | 19 | 13 | 34 | 12 | 8 |
| |
Tỷ lệ chung toàn quốc | 23,4 | 15,8 | 36,6 | 17,7 | 9,5 |
|
1.2. Kết quả huy động các nguồn vốn:
Tổng kinh phí đã đầu tư cho việc xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2006-2010 là 223,2 tỷ đồng. Trong đó:
Kinh phí mua sắm sách thiết bị là: 35,2 tỷ đồng
- Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT: 8,4 tỷ đồng
- Từ nguồn vốn chi sự nghiệp ngành: 26,8 tỷ đồng
Kinh phí xây dựng cơ bản: 188 tỷ đồng
- Từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung: 19,5 tỷ đồng.
- Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: 68,5 tỷ đồng.
- Từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình dự án của tỉnh và trung ương: 90,4 tỷ đồng.
- Từ nguồn vốn xã hội hoá giáo dục: 9,6 tỷ đồng.
2. Đánh giá kết quả đạt được
Chủ trương xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quán triệt trong cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, có sự thống nhất chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các sở, ban, ngành của tỉnh.
Kết quả thực hiện đề án đã tạo ra hệ thống các trường đạt chuẩn quốc gia ở các ngành học, bậc học được phân bố ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện được mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2009, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007 của tỉnh, góp phần tích cực vào việc phát triển giáo dục đào tạo theo hướng bền vững.
Tập trung được các nguồn lực, đầu tư có trọng điểm làm thay đổi về căn bản bộ mặt của các trường. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng, có nhiều chuyển biến về trách nhiệm, được bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn.
Thông qua phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia, bước đầu có tác dụng tích cực đến nhận thức của nhân dân, công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều chuyển biến.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh đến năm 2010 gần đạt tỷ lệ chung của cả nước.
3. Khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án giai đoạn 2006 – 2010
- Do việc sử dụng nguồn vốn chủ yếu là của chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình chỉ cho phép xây dựng các phòng học, không cho phép xây các phòng chức năng, công trình vệ sinh; vì vậy hầu như nguồn vốn huy động cho xây phòng chức năng, phòng học bộ môn gặp nhiều khó khăn.
- Do thiếu sự kiểm tra rà soát khi lựa chọn trường, vì vậy một số trường đưa vào đề án có quy mô nhỏ (trường trung học cơ sở chỉ có 4 lớp, số lượng học sinh ít, xu thế không phát triển về số lượng) đầu tư xây dựng lớn nhưng hiệu suất sử dụng không cao gây lãng phí.
- Loại hình giáo viên đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, tin học, ngoại ngữ còn thiếu; cán bộ phụ trách thí nghiệm, thư viện trường học thiếu và không được đào tạo chính quy tạo ra sự mất cân đối về số lượng và loại hình giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện.
- Kinh phí đầu tư cho phát triển giáo dục hàng năm đã được quan tâm nhưng còn hạn hẹp.
- Nhận thức về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia của một số cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương và một số cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế; chưa có chính sách, giải pháp quyết liệt để chỉ đạo.
- Công tác xã hội hóa giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được cơ chế huy động sự đóng góp của nhân dân nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học, một số nơi còn có biểu hiện trông chờ vào nhà nước.
1. Kết quả thực hiện các tiêu chuẩn
- Tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý: 71/96 trường đã đạt, chiếm 74 %;
- Tiêu chuẩn: Đội ngũ giáo viên: 47/96 trường đã đạt, chiếm 49 %;
- Tiêu chuẩn : Cơ sở vật chất: 19/96trường đã đạt, chiếm 20 %;
- Tiêu chuẩn: XHH giáo dục : 93/96 trường đã đạt, chiếm 97 %;
- Tiêu chuẩn : Chất lượng giáo dục: 79/96 trường đã đạt, chiếm 82 %.
2. Những khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chuẩn
- Đội ngũ cán bộ quản lý về cơ bản đã đủ về số lượng song năng lực tham mưu cho các cấp quản lý xây dựng kế hoạch phát triển còn hạn chế. Hiệu trưởng chưa thể hiện được vai trò của người đứng đầu, thiếu chủ động sáng tạo trong việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
- Chưa khắc phục được tình trạng mất cân đối về loại hình giáo viên, chưa có biện pháp tháo gỡ khó khăn giữa yêu cầu chuyên môn với cơ cấu biên chế hiện có.
- Công tác xã hội hóa giáo dục tuy đã có chuyển biến song còn gặp nhiều khó khăn, cơ chế huy động sự đóng góp của nhân dân nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường học vẫn chưa được xây dựng, biểu hiện trông chờ vào đầu tư của Nhà nước còn phổ biến ở hầu hết các địa phương.
KẾ HOẠCH XÂY DỰNG TRƯỜNG ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2011-2015
1. Mục tiêu tổng quát.
Xây dựng hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo hướng "chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa", nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2011 – 2015
2.1. Xây dựng 96 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến năm 2015 là 201 trường đạt tỷ lệ 35 %. Tạo điều kiện thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
2.2. Đối với giáo dục mầm non: xây dựng 42 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia đến 2015 là 65 trường đạt 35,1 %. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
2.3. Đối với giáo dục phổ thông: xây dựng 54 trường chuẩn quốc gia, đưa tổng số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia đến 2015 lên 136 trường, đạt 35 %, trong đó:
- Tiểu học: xây dựng 28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đưa tổng số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia lên 86 trường, đạt 49 %. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
- Trung học cơ sở : xây dựng 20 trường, đưa tổng số trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia lên 42 trường, đạt 22 %
- Trung học phổ thông: xây dựng 06 trường, đưa tổng số trường Trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia lên 8 trường, đạt 29 %
3. Phương hướng.
- Đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng đồng bộ: đầu tư xây dựng phòng học, các phòng chức năng với xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, gắn trách nhiệm cụ thể của các cấp quản lý với trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội thông qua công tác xã hội hóa giáo dục.
- Kết hợp các nguồn vốn: ngân sách của tỉnh, ngân sách của các huyện, kiên cố hóa trường lớp, các chương trình mục tiêu, các đề án của tỉnh và trung ương và các nguồn vốn khác.
- Số lượng các trường trong đề án cập với chỉ tiêu về trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
- Lựa chọn trường đưa vào đề án phù hợp với kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 của các huyện, thị xã, thành phố. Ưu tiên các trường đã cận chuẩn, có quy mô phù hợp để đảm bảo tính khả thi, phát huy được hiệu quả đầu tư không chia bình quân chỉ tiêu cho các huyện. (Danh sách các trường có phụ lục số 1.2 kèm theo)
1. Kế hoạch thực hiện các tiêu chuẩn chưa đạt
TT | Tên tiêu chuẩn | Trường chưa đạt | Kế hoạch thực hiện đạt tiêu chuẩn | ||||
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | |||
1 | Tổ chức và quản lý | 25 | 2 | 5 | 5 | 9 | 4 |
2 | Đội ngũ giáo viên | 50 | 1 | 12 | 7 | 21 | 9 |
3 | Cơ sở vật chất | 77 | 6 | 18 | 15 | 27 | 11 |
4 | Công tác Xã hội hóa giáo dục | 3 | 0 | 0 | 1 | 1 | 1 |
5 | Chất lượng giáo dục | 17 | 0 | 3 | 4 | 7 | 3 |
(Chi tiết có phụ lục số 2 kèm theo)
2. Kế hoạch đầu tư thực hiện tiêu chuẩn về cơ sở vật chất
Tổng số trường đầu tư: 85/96 trường, trong đó:
- Mầm non: 36 trường
- Tiểu học: 26 trường
- Trung học cơ sở: 17 trường
- Trung học phổ thông: 06 trường
Tiến độ thực hiện từng năm có phụ lục số (1.3; 1.4; 1.5; 1.6)
3. Nội dung đầu tư về cơ sở vật chất
3.1. Xây dựng mới, cải tạo sửa chữa phòng học, các phòng chức năng:
- Các trường mầm non: ưu tiên xây dựng mới và cải tạo: phòng học, phòng giáo dục thể chất và nghệ thuật, bếp ăn một chiều, văn phòng trường, phòng hiệu trưởng, phòng hiệu phó, phòng hành chính quản trị, phòng y tế.
- Các trường tiểu học: ưu tiên xây dựng mới và cải tạo: Phòng học văn hóa, phòng thư viện, phòng hiệu trưởng, Phòng hiệu phó, phòng chờ dành cho giáo viên, phòng đoàn đội, phòng y tế.
- Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông: ưu tiên xây dựng mới và cải tạo: phòng học văn hóa, phòng thư viện, phòng vật lý - công nghệ và phòng Hóa - sinh, phòng tin, phòng thiết bị chung cho các môn còn lại, phòng đoàn đội, phòng y tế, phòng truyền thống.
3.2. Trang thiết bị dạy học
Ưu tiên đầu tư thiết bị cơ bản, bao gồm:
- Các trường mầm non: đầu tư thiết bị trong lớp, đồ chơi trong lớp, thiết bị ngoài trời;
- Các trường tiểu học: đầu tư thiết bị phòng học văn hoá, phòng thiết bị phòng thư viện;
- Các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông: đầu tư thiết bị phòng học văn hoá, phòng thiết bị các phòng học bộ môn, phòng thư viện, phòng thiết bị.
Chưa đầu tư các thiết bị hiện đại khác (máy chiếu đa năng, thiết bị phòng học ngoại ngữ, thiết bị màn hình thông minh, thiết bị phòng Kidsmart, thiết bị dạy học tương tác, thiết bị phòng âm nhạc, thiết bị phòng giáo dục nghệ thuật); các đơn vị nhà trường chủ động tham mưu với các cơ quan quản lý giáo dục thực hiện đầu tư các thiết bị trên khi có điều kiện.
(Chi tiết có phụ lục 3 kèm theo)
4. Nguồn lực đầu tư
4.1. Dự toán kinh phí đầu tư
Kinh phí đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2015 dự kiến khoảng 209,16 tỷ đồng (giá xây lắp và thiết bị tính tại thời điểm 7/2011, chưa tính trượt giá)
(Chi tiết có phụ lục 4 kèm theo)
4.2. Phân kỳ đầu tư và tỷ lệ cơ cấu nguồn vốn
Tổng vốn đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2011- 2015 dự kiến là 209,16 tỷ đồng, chia ra:
- Năm 2011 là 30,36 tỷ đồng;
- Năm 2012 là 44,2 tỷ đồng;
- Năm 2013 là 46,4 tỷ đồng;
- Năm 2014 là 45,5 tỷ đồng;
- Năm 2015 là 42,7 tỷ đồng;
Trong đó:
- Vốn ngân sách tập trung của tỉnh : 26,7 tỷ đồng, chiếm 12,8 %
- Lồng ghép các chương trình dự án khác của TW: 82,9 tỷ đồng, chiếm 39,6 %
- Vốn CTMT Quốc gia: 42,6 tỷ đồng, chiếm 20,4 %
- Nguồn vốn khác (huyện, xã, xã hội hóa): 56,96 tỷ đồng, chiếm 27,2 %
(Chi tiết có phụ lục 5, 6 kèm theo)
Hàng năm sẽ được bố trí nguồn vốn để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đề ra.
(Đề án được thực hiện khi có các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương)
5. Thời gian triển khai đề án
Thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2011-2015).
CÁC GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các giải pháp về tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp quản lý, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và các ban ngành đoàn thể có liên quan.
- Nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia được quán triệt sâu sắc đến các cấp uỷ, chính quyền, các đơn vị, nhà trường và toàn thể nhân dân; thể hiện trên các Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII; Nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ, nghị quyết Hội đồng nhân dân, kế hoạch Uỷ ban nhân dân các cấp; được đánh giá, kiểm điểm hàng quí, hàng năm.
- Tăng cường phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về việc xây dựng trường chuẩn quốc gia của tỉnh, của các địa phương
- Giao trách nhiệm hoàn thành các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia theo chức năng, quyền hạn của các cấp quản lý
2. Các giải pháp đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo
2.1. Về số lượng và cơ cấu đội ngũ nhà giáo
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng nguồn giáo viên theo cơ cấu bộ môn.
- Rà soát, điều chuyển hợp lý đội ngũ giáo viên hiện có trong phạm vị huyện, thị xã, thành phố để cân đối tỷ lệ giáo viên giữa các trường, ưu tiên cho các trường trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
- Tuyển dụng bổ sung giáo viên dạy các bộ môn còn thiếu, ưu tiên bố trí dạy trong các trường trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
2.2. Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên
- Tổ chức khảo sát cán bộ quản lý trường học. Thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức nhà giáo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục cho hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng.
- Lựa chọn hiệu trưởng có năng lực quản lý, năng động, sáng tạo bố trí vào các trường trong kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp của từng ngành học, bậc học, có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Bồi dưỡng giáo viên dạy môn kiêm nhiệm nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối giáo viên dạy các môn đặc thù.
3. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục
- Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng trường học, tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, kiểm tra và thanh tra chuyên môn.
- Thực hiện giảm tải theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức dạy học 2 buổi trên ngày cho học sinh trường tiểu học, trung học cơ sở. Tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia. Xây dựng mô hình trường, lớp chất lượng cao trong trường chuẩn quốc gia.
- Tiếp tục thực hiện tốt phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ GD&ĐT phát động.
4. Các giải pháp về cơ chế, chính sách
- Có chính sách tích cực đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện thu hút giáo viên có trình độ, năng lực công tác tại các trường đạt chuẩn;
- Tiếp tục phát huy công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng cơ chế hợp lý nhằm huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất trường học.
5. Các giải pháp về công tác quản lý, chỉ đạo, cơ chế phối hợp thực hiện
- Tăng cường công tác tham mưu của các cơ quan quản lý giáo dục với cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đảm bảo cân đối nguồn lực để thực hiện mục tiêu;
- Tăng cường kiểm tra nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia;
- Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục phải gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đánh giá các trường học theo 5 tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia; đúc rút kinh nghiệm, phấn đấu thực hiện từng bước theo các tiêu chuẩn làm cơ sở cho công tác phát triển trường chuẩn quốc gia giai đoạn tiếp theo.
6. Các giải pháp về nguồn lực
- Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư xây dựng cơ bản phải đảm bảo đúng nhu cầu hạng mục còn thiếu, tránh lãng phí;
- Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, các chương trình dự án, tăng cường sự phối hợp cụ thể giữa ngành giáo dục với các ngành có liên quan trong việc ưu tiên đầu tư cho xây dựng trường chuẩn quốc gia theo kế hoạch.
7. Một số giải pháp khác
- Tổ chức tham quan, học tập trường, đơn vị đã làm tốt trong tỉnh
- Xây dựng phong trào thi đua xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đưa chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia là chỉ tiêu quan trọng để xét thi đua khen thưởng nhà trường, đơn vị và ngành; biểu dương, khen thưởng những đơn vị, nhà trường có tỷ lệ huy động nguồn lực xã hội hoá cao cho xây dựng trường chuẩn;
- Hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành và các địa phương tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong việc triển khai đề án.
1. Quy trình thực hiện đề án
- Thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện;
- Tổ chức triển khai nội dung đề án đến các sở, ban, ngành có liên quan, các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường thị trấn, các trường học trong tỉnh;
- Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề án từng quí và hàng năm.
2. Phân công tổ chức thực hiện
2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện thị xã thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án.
- Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND các huyện, thị xã thành phố xây dựng kế hoạch giao biên chế đảm bảo điều kiện về số lượng đội ngũ giáo viên;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, tập trung nguồn lực đầu tư các hạng mục công trình cơ bản gồm: phòng học, các phòng chức năng theo kế hoạch, đúng địa chỉ nhằm hoàn thành tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học;
- Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố các ngành chức năng quy hoạch tổng thể xây dựng các trường đáp ứng nhu cầu phát triển GD&ĐT;
- Hướng dẫn và phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường triển khai các giải pháp đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn về tổ chức quản lý, đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục.
2.2. Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình vốn, cân đối các nguồn lực, hàng năm xây dựng nhu cầu nguồn lực thực hiện đề án theo kế hoạch.
2.3. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã thành phố xây dựng kế hoạch giao biên chế đảm bảo điều kiện về số lượng đội ngũ giáo viên.
2.4. Sở Xây dựng
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và thẩm định việc thiết kế xây dựng trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, đảm bảo nhu cầu sử dụng, không gây lãng phí.
2.5. Sở Tài nguyên - Môi trường
Chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch sử dụng đất, trong đó có xét đến nhu cầu mở rộng hoặc xây dựng mới các điểm trường đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn của trường đạt chuẩn quốc gia. Thẩm định nhu cầu sử dụng đất do Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố đăng ký. Trình UBND tỉnh giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
2.6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đề án;
- Chỉ đạo phòng GD&ĐT, Chủ tịch UBND xã, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương, Hiệu trưởng các trường lập kế hoạch hoàn thành từng tiêu chuẩn theo năm học và cả giai đoạn;
- Huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các hạng mục công trình: Cổng trường, phòng bảo vệ, khu vệ sinh, khu để xe, sân trường ; kho thiết bị, công trình nước hợp vệ sinh, bãi tập thể dục, tường rào hoặc hàng rào cây xanh quanh trường...
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường rà soát về số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên, xây dựng kế hoạch điều chỉnh đội ngũ giáo viên trên địa bàn, bổ sung đội ngũ giáo viên cho các trường trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu đội ngũ đáp ứng tiêu chuản về tổ chức và đội ngũ;
- Kiểm tra đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tổ chức kiểm tra lập hồ sơ đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo tiến độ kế hoạch hàng năm.
2.7. Các tổ chức chính trị xã hội (Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Khuyến học)
Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên của mình tích cực thực hiện xã hội hoá giáo dục hướng vào mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia; tham gia giám sát quá trình thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở địa phương.
2.8. Báo Yên Bái; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, tiêu chuẩn và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Nêu gương người tốt việc tốt, các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia./.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1 Quyết định 1725/QĐ-CTUBND năm 2014 công nhận Trường Mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 2 Quyết định 2374/QĐ-UBND năm 2013 cấp bằng công nhận Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 do tỉnh Trà Vinh ban hành
- 3 Quyết định 1795/QĐ-UBND năm 2013 thành lập Đoàn kiểm tra, thẩm định trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tỉnh Bắc Kạn
- 4 Nghị quyết 43/2011/NQ-HĐND phê duyệt Đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2015
- 5 Quyết định 508/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo thời kỳ 2010 - 2020 do tỉnh Yên Bái ban hành
- 6 Thông tư 06/2010/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công nhận trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7 Luật giáo dục sửa đổi năm 2009
- 8 Quyết định 36/2008/QĐ-BGDĐT về Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 9 Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 10 Quyết định 32/2005/QĐ-BGD&ĐT về Quy chế công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 11 Luật Giáo dục 2005
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 2374/QĐ-UBND năm 2013 cấp bằng công nhận Trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 do tỉnh Trà Vinh ban hành
- 2 Quyết định 1795/QĐ-UBND năm 2013 thành lập Đoàn kiểm tra, thẩm định trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia tỉnh Bắc Kạn
- 3 Quyết định 1725/QĐ-CTUBND năm 2014 công nhận Trường Mầm non Hoa Hồng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 do tỉnh Khánh Hòa ban hành