Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 134/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 18 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài;

Căn cứ Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế phối hợp trong công tác vận động, quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Sơn

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1. Quy chế này quy định việc phối hợp trong công tác vận động, quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

2. Viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) đề cập trong Quy chế này bao gồm:

- Các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 15 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ).

- Các chương trình, dự án sử dụng viện trợ PCPNN hoặc các khoản viện trợ phi dự án do thành phố thụ hưởng từ các chương trình, dự án, viện trợ phi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Quy chế này không áp dụng đối với việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn vốn hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước.

4. Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện việc quản lý nhà nước đối với công tác vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng mọi nguồn vốn viện trợ của tổ chức PCPNN trên địa bàn thành phố theo chức năng, lĩnh vực được giao.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ

Điều 2. Hoạt động thu hút, vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN trên địa bàn thành phố thực hiện theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

Điều 3. Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý nhà nước mọi nguồn viện trợ PCPNN từ vận động đến đàm phán và ký kết viện trợ với các bên tài trợ theo thẩm quyền được giao; tổ chức theo dõi, giám sát quá trình thực hiện và đánh giá kết quả, hiệu quả sử dụng các khoản viện trợ PCPNN trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Điều 4. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối về quản lý và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN trên địa bàn thành phố; chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định, quản lý các chương trình, dự án, phi dự án sử dụng viện trợ PCPNN và tổng hợp chung tình hình sử dụng viện trợ PCPNN theo định kỳ để báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan, cụ thể gồm các nhiệm vụ như sau:

1. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các đơn vị, tổ chức xây dựng chương trình, dự án, phi dự án để tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ PCPNN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

2. Thẩm định và tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố:

- Xem xét, phê duyệt các chương trình, dự án, phi dự án thuộc thẩm quyền được quy định tại Khoản 1, Điều 15 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN.

- Xem xét, phê duyệt việc bổ sung, điều chỉnh các chương trình, dự án được quy định tại Khoản 2, Điều 22 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN.

3. Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, các sở, ban ngành, các quận, huyện và các tổ chức xây dựng đề xuất danh mục các chương trình, dự án làm cơ sở cho việc vận động viện trợ PCPNN.

4. Tham gia ý kiến với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố trong việc quan hệ và vận động viện trợ PCPNN.

5. Trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch, vốn đầu tư xây dựng cơ bản các nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm cho các đơn vị thuộc đối tượng được cấp ngân sách để thực hiện chương trình, dự án đã cam kết với bên tài trợ theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ, Công an thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức việc giám sát, kiểm tra tình hình tiếp nhận, quản lý và thực hiện dự án; tổng hợp, phân tích và đánh giá hiệu quả các khoản viện trợ PCPNN theo đúng các quy định hiện hành và thực hiện đúng cam kết với bên tài trợ; xử lý những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền và kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền.

7. Phối hợp với Công an thành phố, Sở Ngoại vụ, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố, các cơ quan đơn vị trên địa bàn thành phố và đơn vị tiếp nhận dự án (nếu dự án đang hoạt động) đánh giá hoạt động của tổ chức phi chính phủ cũng như tác động và hiệu quả của dự án, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố làm cơ sở đóng góp ý kiến đối với việc cấp phép, gia hạn hoặc bổ sung lĩnh vực hoạt động… của các tổ chức phi chính phủ khi có yêu cầu của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc các yêu cầu khác từ Trung ương.

8. Tổng hợp các báo cáo định kỳ, kết thúc và đột xuất (nếu có) trình Ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban Công tác về các Tổ chức PCPNN về kết quả thực hiện viện trợ PCPNN của địa phương.

Điều 5. Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm chính trong việc kêu gọi cứu trợ khẩn cấp, tranh thủ vận động viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể các nhiệm vụ như sau:

1. Tham gia ý kiến thẩm định thuộc thẩm quyền quản lý với Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với các chương trình, dự án, phi dự án, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức, kiểm tra tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN.

3. Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác vận động và tranh thủ viện trợ PCPNN.

Điều 6. Sở Tài chính chịu trách nhiệm quản lý tài chính Nhà nước về viện trợ PCPNN, cụ thể các nhiệm vụ như sau:

1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ quản lý tài chính đối với các khoản viện trợ PCPNN theo quy định và tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị với cấp có thẩm quyền các vấn đề, nội dung chưa phù hợp với thực tế tại địa phương.

2. Trình Ủy ban nhân dân thành phố hoặc gửi thẩm định từ Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch vốn sự nghiệp các nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm.

3. Theo dõi, kiểm tra tình hình tiếp nhận, sử dụng, quản lý và thực hiện các khoản viện trợ PCPNN trong lĩnh vực chuyên môn của ngành.

4. Tổng hợp quyết toán tài chính đối với các khoản viện trợ PCPNN; tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung tình hình viện trợ PCPNN theo định kỳ 6 tháng, hàng năm để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

5. Tham gia thẩm định các chương trình, dự án, các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 7. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố là đơn vị làm đầu mối trong công tác quan hệ và vận động viện trợ đối với các tổ chức PCPNN, các tổ chức và cá nhân người nước ngoài (bên tài trợ). Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố có nhiệm vụ:

1. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công tác vận động viện trợ PCPNN trên cơ sở các lĩnh vực, định hướng ưu tiên và chính sách đối ngoại chung.

2. Hướng dẫn và hỗ trợ bên tài trợ trong quá trình tìm hiểu thông tin, tiếp cận các cơ quan địa phương để hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tham gia thẩm định (chủ yếu là cung cấp thông tin và nhận xét về các mặt hoạt động của bên tài trợ...) các chương trình, dự án; tham gia theo dõi hoạt động của các chương trình, dự án viện trợ PCPNN.

4. Thông báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư về tình hình vận động viện trợ PCPNN theo định kỳ để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan theo quy định.

5. Phối hợp với Sở Ngoại vụ kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về chủ trương vận động cứu trợ khẩn cấp.

Điều 8. Công an thành phố có nhiệm vụ:

1. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam thực hiện các quy định về bảo vệ an ninh trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN.

2. Phối hợp tham gia ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính thẩm định các chương trình, dự án và viện trợ phi dự án, đánh giá hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc hiệu quả dự án đối với địa phương trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

3. Tham gia giám sát, kiểm tra tình hình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN, đặc biệt chú trọng tới khía cạnh tác động đến an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của việc tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ phi chính phủ.

Điều 9. Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có nhiệm vụ:

1. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.

2. Tham gia thẩm định và đề xuất kiến nghị về cơ chế chính sách đối với các chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi dự án trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 10. Sở Tư pháp thẩm định về nội dung các chương trình, dự án, phi dự án viện trợ PCPNN trong lĩnh vực pháp luật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 11. Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo của Nhà nước trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN.

Điều 12. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố có nhiệm vụ phê duyệt, chủ trì tổ chức tiếp nhận, phân phối sử dụng các khoản viện trợ khẩn cấp không có địa chỉ cụ thể và thông báo tới Ủy ban nhân dân thành phố kết quả thực hiện.

Điều 13. Cục Hải quan Cần Thơ có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định về tiếp nhận các khoản viện trợ phi dự án, cung cấp viện trợ dưới dạng hiện vật, hàng hóa, vật tư, thiết bị... cho các mục đích nhân đạo, từ thiện.

Điều 14. Cục Thuế thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ các chủ khoản viện trợ, các tổ chức, cá nhân viện trợ phi Chính phủ nước ngoài thực hiện các quy định về thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động của các chương trình, dự án, các khoản viện trợ phi dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Chương III

THỰC HIỆN CÁC KHOẢN VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI

Điều 15 Trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc thẩm định dự án PCPNN:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch UBND thành phố;

2. Thẩm định dự án thông qua tổng hợp ý kiến thẩm định:

Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Công an thành phố Cần Thơ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các Sở ban ngành khác có liên quan phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc đóng góp ý kiến dự án PCPNN đề nghị phê duyệt trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn yêu cầu đóng góp ý kiến. Trong trường hợp cơ quan được yêu cầu đóng góp ý kiến không có công văn phúc đáp trong thời hạn quy định thì được xem như là đồng ý, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.

3. Tổ chức hội nghị thẩm định: Trường hợp không áp dụng được hình thức quy định tại khoản 2 điều này, Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ định chủ tọa, thư ký và tổ chức hội nghị thẩm định. Thành phần được tham dự Hội nghị thẩm định bao gồm đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị được lấy ý kiến, chủ khoản viện trợ và các đơn vị có liên quan. Các cơ quan đơn vị tham dự họp, đóng góp ý kiến trực tiếp tại cuộc họp và gửi phiếu đóng góp ý kiến về dự án thẩm định có liên quan.

4. Báo cáo kết quả thẩm định: Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ quan có liên quan báo cáo trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt dự án PCPNN.

Điều 16. Kiểm tra, thanh tra việc tiếp nhận sử dụng viện trợ PCPNN:

1. Công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm sẽ do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Công an thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện.

2. Kiểm tra, giám sát đột xuất sẽ do từng cơ quan chức năng liên quan đề xuất và tổ chức thực hiện theo yêu cầu cụ thể và báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này đến các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác vận động, quản lý, sử dụng, và tiếp nhận viện trợ PCPNN trên địa bàn thành phố.

Điều 18. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành cấp thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan đến hoạt động viện trợ PCPNN có trách nhiệm theo dõi thực hiện Quy chế này.

Điều 19. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức cần phản ánh kịp thời về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.