Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/2013/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 25 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ KINH PHÍ NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN VÀ MUA SẮM TRANG THIẾT BỊ ĐỒ DÙNG DẠY HỌC ĐỒNG BỘ THEO HƯỚNG CHUẨN HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ TRANG BỊ CHO CÁC TRƯỜNG MẦM NON, TIỂU HỌC, TRUNG HỌC CƠ SỞ, TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CÔNG LẬP THUỘC TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2013 - 2017.

UỶ BAN NHÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;

Căn cứ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Văn bản số 855/KH-BGD&ĐT ngày 03/12/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”;

Căn cứ Quyết định số 36/2008/QĐ-BGD&ĐT ngày 16/7/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia”; Quyết định số 32/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/10/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia’’; Thông tư số 06/2010/TT-BGD&ĐT ngày 26/02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế công nhận trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia”;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVIII;

Căn cứ Chương trình số 40-CTr/TU ngày 26/02/2013 của Tỉnh ủy Bắc Ninh về việc thực hiện Kết luận số 51-TB/TW ngày 29/10/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về Đề án “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nghập quốc tế”;

Căn cứ Nghị quyết số 173/2010/NQ-HÐND16 ngày 12/9/2010 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015);

Căn cứ Quyết định số 55/2011/QĐ-UBND ngày 14/4/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Chương trình Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015;

Căn cứ Quyết định Số 69/2011/QĐ-UBND ngày 01/6/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Kế hoạch dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2011 - 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án tăng cường đầu tư kinh phí nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học đồng bộ theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá trang bị cho các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập thuộc tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2017”, với những nội dung sau:

1. Tên đề án: “Đề án tăng cường đầu tư kinh phí nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và mua sắm trang thiết bị đồ dùng dạy học đồng bộ theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá trang bị cho các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập thuộc tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2017”.

2. Cơ quan chủ trì thực hiện đề án: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh.

3. Mục tiêu của đề án

Phấn đấu giai đoạn 2013 - 2017 và những năm tiếp theo giáo dục và đào tạo Bắc Ninh đạt được các mục tiêu cơ bản sau:

- Học sinh tốt nghiệp lớp 12 có những phẩm chất và kiến thức, kỹ năng cơ bản theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trên chuẩn chung ở hai lĩnh vực là ngoại ngữ và tin học.

- Nội dung, tài liệu giảng dạy và học tập thay đổi theo hướng đa dạng, hiện đại, phát huy sự tìm tòi sáng tạo của học sinh và tạo điều kiện cho học sinh được học và tiếp xúc với các bài giảng tốt và người thầy có chuyên môn giỏi ở Việt Nam và thế giới: Không chỉ là sách giáo khoa bản cứng như hiện nay, mà trang bị thêm kiến thức sách giáo khoa điện tử (ebook), các phần mềm, các băng video, các tài liệu trên mạng, các bài giảng trực tuyến trong và ngoài nước…

- Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học mới theo hướng đồng bộ, hiện đại, tương tác, khai thác được các nguồn dữ liệu phong phú cả trong và ngoài nước, kiểm tra đánh giá được quá trình dạy và học, thực sự làm thay đổi phương pháp dạy và học so với hiện nay (Thầy chỉ dạy theo sách và trò chỉ học theo thầy; không quản lý và đánh giá được quá trình dạy và tự học của học sinh).

- Thầy cô giáo được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình mới về nội dung và phương pháp dạy học đồi thời với việc sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và thiết bị dạy học hiện đại, tương tác, đặc biệt là đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, trên chuẩn của Bộ và một bộ phận giáo viên tự nhiên có trình độ ngoại ngữ để khai thác tài liệu và hướng dẫn học sinh khai thác tài liệu từ các thiết bị hiện đại.

- Cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo để có tầm nhìn, hiểu biết công tác quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và có kỹ năng quản lý giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, đánh giá quá trình dạy và học.

- Đảm bảo quy mô phát triển trường, lớp giai đoạn 2013 - 2015; 2016 - 2017.

4. Nhiệm vụ

- Tiếp tục đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuẩn, trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên, đồng thời với việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng và giáo viên thuộc các môn tự nhiên (toán, lý, hoá, sinh) và tin học, ngoại ngữ về phương pháp dạy học, năng lực quản lý kết hợp với khả năng ứng dụng thực tiễn, kỹ năng thực hành, kỹ năng tiếp cận, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phương tiện kỹ thuật công nghệ hiện đại, tiên tiến thông qua các hình thức bồi dưỡng như: Cử đi bồi dưỡng tại nước ngoài và bồi dưỡng trong nước.

- Đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tương tác, thông minh, đặc biệt là: Các trang thiết bị dạy học công nghệ thông tin và ngoại ngữ.

5. Giải pháp (theo 4 nhóm)

5.1. Nhóm 1: Giải pháp về đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên

- Khảo sát, điều tra tình hình thực tế, kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh cũng như mong muốn của giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, khả năng tài chính,…

- Đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh để sử dụng thành thạo các trang thiết bị, phát huy tối đa hiệu quả sự đầu tư.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên để nâng cao chất lượng đội ngũ ở trong nước và nước ngoài (dự kiến đưa đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài từ 10-20%, số còn lại đào tạo bồi dưỡng ở trong nước). Nội dung đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:

+ Năng lực quản lý;

+ Nghiệp vụ sư phạm;

+ Trình độ chuyên môn;

+ Trình độ ngoại ngữ;

+ Công nghệ thông tin;

+ Tham quan các mô hình trường học thành công ở nước ngoài.

- Đưa giáo viên người nước ngoài đặc biệt là giáo viên tiếng Anh về dạy ở Bắc Ninh cho cán bộ, giáo viên và học sinh để nâng cao chất lượng dạy và học.

- Mời chuyên gia hàng đầu về giáo dục - đào tạo và giáo viên có chuyên môn giỏi trong nước về Bắc Ninh để trao đổi kinh nghiệm và dạy cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong tỉnh.

5.2. Nhóm 2: Giải pháp về mua sắm trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy

- Triển khai đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo cho tất cả các trường học của tỉnh có đường truyền băng thông rộng truy cập internet và mạng không dây để có thể triển khai dạy và học theo phương pháp mới, thiết bị mới, hiện đại, khai thác các nguồn dữ liệu trên mạng, tham gia dạy, học, họp trực tuyến,…

- Xây dựng các nội dung dạy và học phong phú, đa dạng, sinh động, như sách giáo khoa điện tử, các phần mềm dạy học hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp thu để giúp giáo viên và học sinh có hứng thú trong dạy và học. Trước hết là môn tiếng Anh và các môn khoa học tự nhiên.

- Trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, tương tác giữa giáo viên và học sinh, sử dụng được sách giáo khoa điện tử, các phần mềm, các chương trình kiểm tra đánh giá…

- Trang bị các chương trình quản lý (thiết bị và phần mềm quản lý) tiên tiến để kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng dạy và học, dạy và học, họp trực tuyến.

5.3. Nhóm 3: Giải pháp về tài chính và nguồn vốn đầu tư

5.3.1. Khảo sát và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

- Khảo sát đánh giá đội ngũ giáo viên ngoại ngữ:

Tổ chức triển khai khảo sát trình độ 838 giáo viên dạy tiếng Anh trong các bậc học (TH, THCS, THPT) theo khung tham chiếu năng lực ngôn ngữ chung Châu Âu A1, A2, B1, B2, C1, C2:

838 giáo viên x 2 triệu đồng/GV = 1.676 triệu đồng.

- Đào tạo cán bộ giáo viên sử dụng trang thiết bị đồ dùng dạy học môn tiếng Anh, môn tin học, các môn tự nhiên với tổng kinh phí dự kiến: 50.000 triệu đồng trong 5 năm.

- Đào tạo và bồi dưỡng ở nước ngoài:

+ Đưa 100 giáo viên dạy môn tiếng Anh (Tiểu học 40 giáo viên; THCS 30 giáo viên; THPT 30 giáo viên) đi học tập nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp dạy học ở ngước ngoài:

210 triệu đồng x 100 người = 21.000 triệu đồng.

+ Đưa 10% cán bộ quản lý tiêu biểu (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) của 459 trường ở các bậc học MN, TH, THCS, THPT đi bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến về năng lực quản lý, bằng 110/1.105 người:

63 triệu đồng x 110 người = 6.930 triệu đồng.

+ Đưa 15 % giáo viên dạy các môn tự nhiên (toán, lý, hoá, sinh) ở trường THPT Chuyên và 8 trường THCS trọng điểm đi bồi dưỡng học tập ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến về: Nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp giảng dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh: 25/162 người:

210 triệu đồng x 25 giáo viên = 5.250 triệu đồng.

- Đào tạo và bồi dưỡng ở trong nước:

+ Tổ chức đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh trong nước cho 738 giáo viên dạy tiếng Anh để đạt trình độ chuẩn theo khung tham chiếu Châu Âu:

42 triệu đồng x 738 người = 30.996 triệu đồng.

+ Đào tạo cán bộ quản lý (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) của 459 trường ở các bậc học MN, TH, THCS, THPT đi bồi dưỡng, học tập kinh nghiệm về quản lý giáo dục trong nước:

11 triệu đồng x 975 người = 10.725 triệu đồng.

+ Đào tạo giáo viên nòng cốt trong nước theo các chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (khoảng 20% GV= 3.000 người):

5 triệu đồng x 3.000 người = 15.000 triệu đồng.

- Mời 50 giáo viên nước ngoài dạy môn tiếng Anh về dạy tại Bắc Ninh (các trường TH, THCS và THPT) thời gian 3 năm:

50 người x 3 năm x 504 triệu đồng = 75.600 triệu đồng.

- Mời các chuyên gia, giáo viên hàng đầu trong nước về đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ chuyên môn về dạy tại các trường trong địa bàn tỉnh (Xã hội hoá và các doanh nghiệp tài trợ):

2.000 triệu đồng/năm x 5 năm = 10.000 triệu đồng.

- Xây dựng hệ thống phần mềm các chương trình quản lý, kiểm tra, giám sát: Với tổng kinh phí dự kiến 50.000 triệu đồng trong 5 năm (Xã hội hoá và các doanh nghiệp tài trợ).

5.3.2. Đầu tư mua sắm trang thiết bị

- Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho 150 trường MN; 152 trường TH; 134 trường THCS; 23 trường THPT (Xã hội hoá và các doanh nghiệp tài trợ): 10.000 triệu đồng x 5 năm = 50.000 triệu đồng.

- Xây dựng các chương trình dạy và học (ebook, phần mềm,..): Mua sắm chương trình phần mềm hỗ trợ dạy và học sách giáo khoa điện tử trang bị cho các trường TH, THCS, THPT với kinh phí dự kiến đầu tư: 60.000 triệu đồng trong 5 năm (Xã hội hoá và các doanh nghiệp tài trợ).

- Mua sắm bổ sung 4.075 máy vi tính, trang bị cho 75 trường Tiểu học, 65 trường THCS, 23 trường THPT (mỗi trường 1 phòng 25 máy) để dạy tin học cho học sinh: 4.075 bộ máy x 10 triệu đồng = 40.750 triệu đồng.

- Mua sắm thiết bị dạy học trang bị cho các trường thuộc các bậc học:

+ Mầm non: Mua sắm trang bị cho 152 trường Mầm non thiết bị Montesori:

152 trường x 600 triệu đồng = 91.200 triệu đồng.

+ Tiểu học: Mua sắm trang bị cho 152 trường Tiểu học thiết bị dùng chung đặc biệt dành cho môn ngoại ngữ:

152 trường x 03 bộ x 250 triệu đồng = 114.000 triệu đồng.

+ Trung học cơ sở: Mua sắm trang bị cho 134 trường THCS thiết bị dùng chung đặc biệt dành cho môn ngoại ngữ:

134 trường x 03 bộ x 250 triệu đồng = 100.500 triệu đồng.

+ Trung học phổ thông: Mua sắm trang bị cho 23 trường THPT thiết bị dùng chung đặc biệt dành cho môn ngoại ngữ:

23 trường x 06 bộ x 250 triệu đồng = 34.500 triệu đồng.

- Mua sắm hệ thống các thiết bị và chương trình phần mềm quản lý dạy và học trang bị cho 152 trường Tiểu học, 134 trường THCS, 23 trường THPT và Sở Giáo dục và Đào tạo:

310 trường x 300 triệu đồng = 93.000 triệu đồng.

- Triển khai thực hiện hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo (Xã hội hoá và các doanh nghiệp tài trợ):

3.000 triệu đồng x 5 năm = 15.000 triệu đồng.

- Tổng kết, đánh giá, khen thưởng (Xã hội hoá và các doanh nghiệp tài trợ):

1.000 triệu đồng x 5 năm = 5.000 triệu đồng.

5.4. Nhóm 4: Giải pháp về tổ chức thực hiện

- Thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng trong việc triển khai công việc; từ đó đưa ra các giải pháp tốt hơn trong việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

- Phát triển các mối quan hệ trong nước và quốc tế để thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm, học tập lẫn nhau.

6. Địa điểm thực hiện đề án

Các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (công lập) trên địa bàn tỉnh.

7. Tổng mức đầu tư: 881.127 triệu đồng (Tám trăm tám mươi mốt tỷ một trăm hai mươi bảy triệu đồng chẵn).

Phân kỳ theo giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Ba năm 2013, 2014, 2015: 476.600 triệu đồng.

- Giai đoạn 2: Hai năm 2016, 2017: 404.527 triệu đồng.

8. Nguồn kinh phí thực hiện đề án

Tổng số: 881.127 triệu đồng.

- Vốn xã hội hoá và các tổ chức xã hội tài trợ: 190.000 triệu đồng.

- Vốn địa phương: 691.127 triệu đồng.

+ Chương trình mục tiêu quốc gia.

+ Vốn ngân sách.

+ Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2: Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án trên, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh;
- TT Công báo, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VX, KTTH, LĐVP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tử Quỳnh