Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1373/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG KHAI SỐ LIỆU VÀ THUYẾT MINH QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022 ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÊ CHUẨN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách đối với các cấp ngân sách;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại văn bản số 4347/STC-QLNS ngày 19 tháng 12 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công bố công khai số liệu và thuyết minh quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 đã được Hội đồng nhân dân Tỉnh phê chuẩn theo các Biểu và Phụ lục đính kèm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính; (báo cáo)
- Kiểm toán Nhà nước khu vực IX; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND Tỉnh; (báo cáo)
- Các PCT/UBND Tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh;
- Tòa án nhân dân Tỉnh;
- Cơ quan của các đoàn thể ở Tỉnh;
- Công báo Tỉnh;
- Lưu: VT, P.KT/HSĩ.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa

 

PHỤ LỤC

THUYẾT MINH TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 1373/QĐ-UBND-HC ngày 29/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

PHẦN 1: QUYẾT TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

A. Tổng thu ngân sách nhà nước (viết tắt là NSNN) trên địa bàn: 8.044 tỷ đồng, đạt 117,97% dự toán trung ương giao, đạt 117,97% dự toán HĐND Tỉnh giao và bằng 104,67% so với năm trước, trong đó:

I. Thu nội địa: 7.487 tỷ đồng, đạt 111,61% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 106,71% so với năm trước; (nếu không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết (viết tắt là XSKT) là 4.714 tỷ đồng, đạt 106,93% dự toán). Ngân sách địa phương (viết tắt là NSĐP) hưởng theo phân cấp (không kể tiền sử dụng đất, XSKT) tăng 622 tỷ đồng (4.093 tỷ đồng – 3.471 tỷ đồng); trong đó, ngân sách cấp tỉnh tăng 74 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố tăng 548 tỷ đồng.

Có 13 khoản thu vượt dự toán và có 03 khoản thu không đạt dự toán, chi tiết (đính kèm Mẫu biểu số 61.1).

Riêng đối với tiền cho thuê đất, thuê mặt nước là 237 tỷ đồng, đạt 197,6% dự toán; bằng 93,63% so với cùng kỳ năm trước (đính kèm biểu chi tiết thu tiền thuê đất, thuê mặt nước) báo cáo theo Công văn số 9700/BTC-NSNN ngày 23/9/2022 của Bộ Tài chính; trong đó, thành phố Cao Lãnh thu khá cao: 124 tỷ đồng, do Thành phố tổ chức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất có thu tiền một lần cho cả thời gian thuê đối với 03 dự án do Thành phố quản lý để đầu tư chợ Cao Lãnh.

II. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK): 390 tỷ đồng, đạt 354,35% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 198,01% so với cùng kỳ năm trước.

(Chi tiết từng khoản thu đính kèm theo Mẫu biểu số 61)

B. Thu vay Ngân sách nhà nước: 72,374 tỷ đồng (địa phương vay từ nguồn cho vay lại của Chính phủ: 39,927 tỷ đồng, Vay ngoài nước ODA: 32,447 tỷ đồng).

C. Thu chuyển giao ngân sách giữa các cấp ngân sách địa phương: 17.004 tỷ đồng.

D. Thu chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022: 4.896 tỷ đồng.

E. Thu kết dư ngân sách năm 2021 sang năm 2022: 959 tỷ đồng.

Tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2022: 30.975 tỷ đồng, gồm:

- Tổng quyết toán thu ngân sách trung ương hưởng: 1.508 tỷ đồng.

- Tổng quyết toán thu ngân sách địa phương hưởng: 29.466 tỷ đồng, gồm:

+ Thu ngân sách cấp tỉnh là: 14.479 tỷ đồng.

+ Thu ngân sách cấp huyện là: 12.937 tỷ đồng.

+ Thu ngân sách cấp xã là: 2.051 tỷ đồng.

(Đính kèm biểu số 61)

PHẦN 2: QUYẾT TOÁN CHI NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022

I. Chi đầu tư phát triển: 5.906 tỷ đồng, đạt 179,49% dự toán trung ương giao và đạt 174,99% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 132,41% so với năm trước.

(Chi tiết đính kèm bảng quyết toán tổng hợp chi xây dựng cơ bản năm 2022)

Nguyên nhân tăng là do các khoản chi năm trước, vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi đến hết năm quyết toán chuyển sang các năm sau quyết toán, như: nguồn chi xây dựng cơ bản (XDCB) tập trung là 21,874 tỷ đồng và XSKT là 109,109 tỷ đồng. Nguồn tăng thu XSKT năm 2020: 445,965 tỷ đồng; số dư dự toán năm 2020: 69,999 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân trong năm so với dự toán giao đạt khá cao 92% đó là do sự nỗ lực của các ngành, các cấp và các đơn vị Chủ đầu tư 6trong công tác giám sát, chỉ đạo điều hành, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc và có giải pháp phù hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Chi cấp lại tiền sử dụng đất, chi đầu tư phát triển khác (chính sách hỗ trợ phát triển du lịch theo Nghị quyết số 210/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 và Nghị quyết số 393/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND Tỉnh).

II. Chi thường xuyên: 9.183 tỷ đồng, đạt 101,51% dự toán trung ương giao và đạt 100,46% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 95,52% so với năm trước, tương ứng tăng 42 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do chi công tác phòng, chống dịch Covid-19 phát sinh trong năm 2021 chưa đủ hồ sơ quyết toán chuyển sang, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, trong đó định mức chi hỗ trợ thay đổi tăng so với định mức cũ.

1. Chi quốc phòng: 286 tỷ đồng, đạt 155,82% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 84,87% so với năm trước, tăng 102,422 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh tăng: 13 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh năm 2022: 2 tỷ đồng; điều chỉnh giảm nguồn chi khác: 6 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn người nước ngoài từ Campuchia xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua sông Tiền và phòng, chống dịch: 3 tỷ đồng, kinh phí phát triển hệ thống truyền hình giao ban trực: 3 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi năm 2021 do tác động của dịch Covid-19: 1 tỷ đồng; số còn hủy dự toán và hoàn trả ngân sách: 3 tỷ đồng.

- Cấp huyện, xã tăng: 89 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do kinh phí diễn tập phòng thủ, tuyển quân, trang bị mua sắm các tài sản phục vụ dân quân cơ động và tổ chức họp mặt kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội: 82 tỷ đồng; số còn lại là kinh phí chuyển nguồn năm 2021 chuyển sang năm 2022 để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19: 7 tỷ đồng.

2. Chi an ninh: 199 tỷ đồng, đạt 148,43% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 100,03% so với năm trước, tương ứng tăng 65 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh tăng: 37 tỷ đồng, nguyên nhân tăng là do điều chỉnh giảm nguồn chi khác 16,251 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí tổ chức vòng loại Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ: 0,5 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi số theo Kế hoạch số 97/KH-UBND của Công an tỉnh: 2 tỷ đồng; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp: 5 tỷ đồng, kinh phí mua thiết bị phục vụ công tác đăng ký xe cho Công an cấp huyện, cấp xã: 8 tỷ đồng, số còn lại hỗ trợ thực hiện tổ kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản (cát) trên địa bàn Tỉnh theo Quyết định số 116/QĐ-UBND-TL ngày 09/8/2022 và công tác xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm: 0,6 tỷ đồng. Kinh phí an toàn giao thông của Công an tỉnh năm 2022: 16 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung mục tiêu đầu năm 2022; kinh phí xây dựng nông thôn mới năm 2022: 1 tỷ đồng, số chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 để mua sắm máy giám định tài liệu: 3 tỷ đồng; số còn lại hủy dự toán, nộp trả ngân sách.

- Cấp huyện, xã tăng: 28 tỷ đồng: Nguyên nhân tăng là do thực hiện chương trình đảm bảo an toàn giao thông từ nguồn ngân sách trung ương: 18 tỷ đồng, số còn lại: 10 tỷ đồng là chi mua sắm thiết bị dụng cụ đo nồng độ cồn, mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự Tết nguyên đán Nhâm dần năm 2022, kinh phí cấp tài khoản định danh điện tử thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn và kinh phí tập huấn nghiệp vụ cho công tác lực lượng nòng cốt làm công tác giữ An ninh trật tự, điều lệnh cho Công an xã, thị trấn bán chuyên trách của các xã, thị trấn.

3. Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề: 3.604 tỷ đồng, đạt 88,12% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 103,38% so với năm trước; giảm 485 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 237 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là do điều chỉnh giảm dự toán của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung có mục tiêu cho huyện, thành phố thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp: 3 tỷ đồng; ủy thác qua Ngân hàng CSXH để hỗ trợ học sinh tham gia chương trình học và thực hành tại doanh nghiệp: 15 tỷ đồng; điều chỉnh giảm dự toán do giảm biên chế 3 tỷ đồng (Quyết định số 1242/QĐ-UBND-HC); điều chỉnh giảm dự toán do rà soát các nhiệm vụ chi không thực hiện: 39 tỷ đồng (24 tỷ đồng theo Quyết định số 1243/QĐ-UBND-HC, 15 tỷ đồng theo Quyết định số 1434/QĐ-UBND-HC); chuyển nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên: 8 tỷ đồng; chuyển nguồn khác theo Luật NSNN: 3 tỷ đồng; số còn lại hủy dự toán kinh phí đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức do đối tượng chưa hoàn thành khóa học trong năm 2023 và một số nhiệm vụ chi thực tế phát sinh thấp hơn dự toán, gồm: đào tạo nhân lực nước ngoài, các hội thi ngành giáo dục, miễn giảm học phí, không chi học bổng 02 trường chuyên do đơn vị thực hiện chi trả từ nguồn học phí, kinh phí trang bị tài khoản online, tiền ăn của học sinh còn thừa do học sinh còn nghỉ dịch các lớp tuyên truyền, tập huấn và một số nhiệm vụ chi không thực hiện kịp trong năm.

- Cấp huyện, xã giảm: 248 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là do thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, số còn lại hủy dự toán do số lượng biên chế có mặt tại các đơn vị thấp hơn số lượng biên chế được giao.

4. Chi sự nghiệp khoa học - công nghệ: 24 tỷ đồng, 77,37% dự toán HĐND Tỉnh giao, giảm 7 tỷ đồng so với dự toán, bằng 168,57% so với thực hiện năm trước. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 7 tỷ đồng, Nguyên nhân do một số đề tài năm 2021 chuyển sang năm 2022: 7 tỷ đồng, dự án KHCN trong năm 2022 triển khai trễ so với hợp đồng nên không thực hiện kịp trong năm, do đó, phải chuyển nguồn theo Luật NSNN sang năm 2023: 9 tỷ đồng; điều chỉnh giảm dự toán: 4 tỷ đồng do giảm biên chế (Quyết định số 1242/QĐ-UBND-HC) và một số nhiệm vụ chi không thực hiện.

- Cấp huyện, xã tăng: 0,23 tỷ đồng. Nguyên nhân do thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự chi hội thi sáng tạo khoa học công nghệ, chi tập huấn công nghệ thông tin cho các đơn vị.

5. Chi y tế, dân số và gia đình: 860 tỷ đồng, đạt 111,70% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 69,83% so với năm trước; tăng 90 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh tăng: 88 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do trong năm bổ sung nguồn tồn quỹ mua thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên và người cao tuổi, dự phòng ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi năm 2021 do tác động của dịch Covid-19; kinh phí phòng, chống dịch Covid-19; kinh phí sửa chữa, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế.

- Cấp huyện, xã tăng: 2 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do trong năm bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và kinh phí truyền thông dân số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

6. Chi sự nghiệp văn hóa: 98 tỷ đồng, đạt 125,43% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 113,28% so với năm trước; tăng 20 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 5 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là do điều chỉnh giảm kinh phí thực hiện các hoạt động mừng xuân nhâm dần năm 2022 để hỗ trợ TP.Cao Lãnh: 1 tỷ đồng; rà soát điều chỉnh giảm dự toán do giảm biên chế và một số nhiệm vụ chi không thực hiện: 3 tỷ đồng (Quyết định số 1242/QĐ-UBND-HC; Quyết định số 1243/QĐ-UBND-HC), chuyển nguồn theo Luật NSNN: 1 tỷ đồng, số còn lại hủy dự toán đối với các nhiệm vụ không thực hiện hoặc không thực hiện kịp trong năm.

- Cấp huyện, xã tăng: 25 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do hỗ trợ kinh phí tổ chức nhiều lễ hội trong năm như: Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường, Lễ hội Xoài, các hội thi về thể dục thể thao, Lễ hội Cá Tra,...: 21 tỷ đồng, số còn lại: 4 tỷ đồng nhằm hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động văn hóa thông tin phục vụ các nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.

7. Chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn: 28 tỷ đồng, đạt 67,23% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 104,32% so với năm trước; giảm 14 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 2 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là do hạch toán bổ sung từ nguồn chi khác để thực hiện đặt hàng các chương trình truyền hình.

- Cấp huyện, xã giảm: 12 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là do thực hiện cắt giảm, tiết kiệm theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ và tiết kiệm kinh phí sửa chữa loa phát thanh tại các xã trên đại bàn huyện thành phố.

8. Chi thể dục, thể thao: 51 tỷ đồng, đạt 133,74% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 236,08% so với năm trước; tăng 13 tỷ đồng. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 14 tỷ đồng, Nguyên nhân là do điều chỉnh sang nguồn sự nghiệp đào tạo để đào tạo cầu thủ bóng đá: 9 tỷ đồng; hủy dự toán: 2 tỷ đồng do một số nội dung thực hiện thực tế thấp hơn dự toán giao; còn lại là số dư các khoản đã giao lĩnh vực chi nhưng chưa giao cho đơn vị cụ thể.

- Cấp huyện, xã tăng: 27 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng là do tổ chức Đại hội thể dục thể thao các giải thể thao thường kỳ và thực hiện định mức chi thể dục thể thao theo Nghị quyết 66/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021.

9. Chi bảo vệ môi trường: 125 tỷ đồng, đạt 93,76% dự toán HĐND Tỉnh giao, bằng 95,24% so với năm trước, giảm 8 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

- Cấp tỉnh giảm: 16 tỷ đồng, Nguyên nhân là do điều chỉnh giảm dự toán do rà soát các nhiệm vụ chi không thực hiện: 6 tỷ đồng (4 tỷ đồng QĐ 1243/QĐ-UBND-HC, 2 tỷ đồng QĐ 1434/QĐ-UBND-HC); chuyển nguồn theo Luật NSNN: 3 tỷ đồng (HĐ mua sắm thiết bị quan trắc), số còn lại là số dư các khoản đã giao lĩnh vực chi nhưng chưa giao cho đơn vị cụ thể.

- Cấp huyện tăng: 8 tỷ đồng. Nguyên tăng là do ngân sách tỉnh bổ sung mục tiêu cho huyện Châu Thành: 5,149 tỷ đồng để thực hiện công tác khắc phục môi trường tại Khu xử lý rác thải xã Phú Hựu và số còn lại thực hiện thu gom vận chuyển xử lý rác thải y tế, chi giám sát môi trường, thu gom vận chuyển rác thải y tế bị Covid-19,...

10. Chi hoạt động kinh tế: 1.622 tỷ đồng, đạt 95,04% dự toán HĐND Tỉnh giao, giảm 85 tỷ đồng so với dự toán, bằng 119,27% so với năm trước. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 17 tỷ đồng, nguyên nhân giảm chủ yếu từ nguồn Thủy lợi phí và vốn Phát triển đất trồng lúa năm 2022 theo Quyết định số 709/QĐ-UBND-HC ngày 07/6/22 và Quyết định số 1234/QĐ-UBND-HC ngày 14/11/2022.

- Cấp huyện, xã giảm: 68 tỷ đồng, nguyên nhân giảm là do điều chỉnh nguồn sang lĩnh vực y tế để hỗ trợ các nhiệm vụ chi của năm 2021 do tác động của dịch Covid-19 và điều chỉnh tăng quản lý hành chính nhà nước để thực hiện các chính sách theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

11. Chi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: 1.594 tỷ đồng, đạt 118,61% dự toán HĐND Tỉnh giao, tăng 250 tỷ đồng so với dự toán, bằng 93,55% so với năm trước. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 0,482 tỷ đồng, nguyên nhân giảm là do thực hiện cắt giảm, tiết kiệm theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ và hủy dự toán do một số nhiệm vụ phát sinh thực tế thấp hơn dự toán.

- Cấp huyện tăng: 250,614 tỷ đồng, nguyên nhân tăng là do kinh phí sử dụng cho dự án giảm nghèo bền vững bổ sung mục tiêu trong năm 2022: 19 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới năm 2022: 18 tỷ đồng (trong đó, năm trước chuyển sang: 7 tỷ đồng); số còn lại điều chỉnh giảm nguồn sự nghiệp kinh tế sang để thực hiện các lĩnh vực hành chính như thực hiện các chính sách theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

12. Chi đảm bảo xã hội: 625 tỷ đồng, đạt 120,94% dự toán HĐND Tỉnh giao, tăng 108 tỷ đồng so với dự toán, bằng 71,27% so với năm trước. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 28 tỷ đồng, nguyên nhân giảm là do kinh phí hỗ trợ cho người lao động vay vốn khi tham gia đi làm việc nước ngoài, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Tỉnh và thực hiện Chương trình việc làm giảm: 24 tỷ đồng; số còn lại hủy dự toán do đối tượng tham gia điều trị nghiện và đối tượng bảo trợ xã hội thấp hơn dự toán.

- Cấp huyện, xã tăng: 136 tỷ đồng, nguyên nhân tăng là do chi công tác phòng, chống dịch Covid-19 phát sinh trong năm 2021 chưa đủ hồ sơ quyết toán chuyển sang, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, hộ nghèo: 58 tỷ. Số còn lại tăng do Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, trong đó định mức chi hỗ trợ thay đổi tăng so với định mức cũ; do chi bảo trợ thuê nhà ở cho lao động ảnh hưởng dịch Covid-19, chi hỏa táng cho đối tượng Covid-19 còn lại của năm 2021 chuyển sang.

13. Chi khác ngân sách: 66 tỷ đồng, đạt 90,24% dự toán HĐND Tỉnh giao, giảm 7 tỷ đồng, bằng 48,12% so với năm trước. Trong đó:

- Cấp tỉnh giảm: 31 tỷ đồng, nguyên nhân giảm là do điều chỉnh hạch toán tăng nguồn an ninh: 16 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí tổ chức vòng loại Hội thi thể thao nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ toàn quốc lần thứ: 0,5 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi số theo Kế hoạch số 97/KH-UBND của Công an tỉnh: 2 tỷ đồng; mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ công tác giám định tư pháp: 5 tỷ đồng, kinh phí mua thiết bị phục vụ công tác đăng ký xe cho Công an cấp huyện, cấp xã: 8 tỷ đồng, số còn lại hỗ trợ thực hiện tổ kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản (cát) trên địa bàn Tỉnh theo Quyết định số 116/QĐ-UBND-TL ngày 09/8/2022 và công tác xử phạt vi phạm pháp luật về môi trường, an toàn thực phẩm: 0,6 tỷ đồng. Điều chỉnh hạch toán tăng nguồn quốc phòng: 6 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn người nước ngoài từ Campuchia xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua sông Tiền và phòng, chống dịch: 3 tỷ đồng, kinh phí phát triển hệ thống truyền hình giao ban trực: 3 tỷ đồng và hạch toán tăng nguồn sự nghiệp kinh tế: 6 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi số theo Kế hoạch số 97/KH-UBND: 2 tỷ đồng, kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp hạng mục Nhà lồng chim phục vụ nuôi chim bán hoang dã tại Vườn Quốc gia Tràm Chim: 3 tỷ đồng và Bồi thường hỗ trợ thiệt hại do trưng dụng tài sản: 1 tỷ đồng. Số còn lại cắt giảm, tiết kiệm theo Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ và hủy dự toán.

- Cấp huyện, thành phố tăng: 24 tỷ đồng, nguyên nhân tăng là do ngân sách cấp tỉnh bổ sung mục tiêu để thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ thuộc dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cao Lãnh: 7 tỷ đồng; còn lại tăng đột biến từ nguồn hoàn trả kinh phí đầu tư khu 2, cụm Công nghiệp - Dịch vụ Thương Mại Trường Xuân.

III. Chi trả lãi, phí tiền vay (nợ vay lại từ vốn vay ODA của Chính phủ) là 1,775 tỷ đồng, đạt 88,74% dự toán HĐND tỉnh giao.

IV. Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính: 02 tỷ đồng, đạt 100% dự toán.

V. Chi chuyển nguồn ngân sách năm 2022 sang năm 2023: 5.361 tỷ đồng, tăng 465 tỷ đồng so với năm 2021 (năm 2021 là 4.896 tỷ đồng). Trong đó: (1) Ngân sách tỉnh 1.527 tỷ đồng, chiếm 28% tổng chi chuyển nguồn, giảm 478 tỷ đồng so với năm trước; (2) Ngân sách huyện, xã: 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng chi chuyển nguồn, tăng 943 tỷ đồng so với năm trước.

VI. Chi bổ sung ngân sách cấp dưới: 7.913 tỷ đồng.

VII. Chi nộp ngân sách cấp trên: 905 tỷ đồng (ngân sách sách cấp tỉnh: 465 tỷ đồng, nộp ngân sách huyện: 412 tỷ đồng, xã: 27 tỷ đồng).

Trong đó, Nộp ngân sách trung ương: 465 tỷ đồng, gồm:

- Ngân sách trung ương thu hồi kinh phí bổ sung có mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội và nguồn cải cách tiền lương năm 2021 là 434,926 tỷ đồng tại Công văn số 4405/BTC-NSNN ngày 05/5/2023 của Bộ Tài chính.

- Ngân sách trung ương thu hồi kinh phí còn dư từ nguồn dự phòng NSTW năm 2019 được kéo dài sang năm 2021 là 11,5 tỷ đồng tại Công văn số 3700/BTC-KBNN ngày 14/4/2023 của Bộ Tài chính.

- Ngân sách trung ương thu hồi kinh phí còn dư từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020 là 11,14 tỷ đồng tại văn bản số 539/BTC-KBNN ngày 04/5/2023 của Bộ Tài chính.

- Nộp trả kinh phí NSTW (vốn trong nước) các năm trước kéo dài sang năm 2022 đến hết ngày 31/12/2022 chưa giải ngân hết là 7,09 tỷ đồng tại văn bản số 4782/BTC-ĐT ngày 12/5/2023 của Bộ Tài chính.

VIII. Chi trả nợ gốc: 78,6 tỷ đồng, trong đó:

- Trả nợ vay chương trình cụm, tuyến dân cư vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long: 66,4 tỷ đồng (giai đoạn 1: 0 đồng; giai đoạn 2: 66,4 tỷ đồng).

- Trả nợ vay lại từ vốn vay ODA của Chính phủ Tổng số tiền nợ gốc đã chuyển trả về Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) là 506.820,6 USD, tương đương khoảng 12,155 tỷ đồng[1].

IX. Chi các nhiệm vụ khác: 0,14 tỷ đồng.

Như vậy, tổng quyết toán chi ngân sách địa phương 2022 là: 29.350 tỷ đồng, đạt 142,09% dự toán Trung ương giao và đạt 140,71% dự toán HĐND tỉnh giao, cụ thể như sau:

- Quyết toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022 là: 14.478 tỷ đồng.

- Quyết toán chi ngân sách cấp huyện năm 2022 là: 12.884 tỷ đồng.

- Quyết toán chi ngân sách cấp xã năm 2022 là: 1.988 tỷ đồng.

(Đính kèm biểu số 62)

X. Kết dư ngân sách địa phương năm 2022

Kết dư ngân sách địa phương năm 2022 là: 116,546 tỷ đồng, bao gồm:

1. Ngân sách cấp Tỉnh: 0,136 tỷ đồng.

2. Ngân sách huyện: 116,410 tỷ đồng, trong đó:

 - Ngân sách cấp huyện: 53,088 tỷ đồng.

 - Ngân sách cấp xã: 63,322 tỷ đồng.

(Chi tiết số liệu đính kèm Mẫu biểu số 60)

PHẦN 3: THU DỊCH VỤ CỦA ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ BÁO CÁO QUYẾT TOÁN VỐN VAY CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

Thực hiện theo văn bản số 14957/BTC-NSNN ngày 04/12/2020 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn địa phương trong công tác quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019.

1. Thu dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công lập: Tổng số thu trong năm 2022 là 1.792 tỷ đồng, đạt 135% kế hoạch (1.326 tỷ đồng).

(Chi tiết đính kèm Mẫu biểu 64 Nghị định 31 của Thủ tướng Chính phủ)

2. Báo cáo quyết toán vốn vay của ngân sách địa phương

- Tổng dư nợ đầu năm 2022 là: 406,3 tỷ đồng[2].

- Tổng số vay trong năm 2022: 39,9 tỷ đồng[3].

- Tổng số chi trả nợ gốc trong năm 2022: 78,6 tỷ đồng.

- Tổng dư nợ vay cuối năm 2022: 367,7 tỷ đồng[4].

(Chi tiết tại Biểu 01, 02 đính kèm)

PHẦN 4: TỔNG HỢP CHI CHUYỂN NGUỒN NĂM 2022 SANG NĂM 2023

Tổng chi chuyển nguồn năm 2022: 5.361 tỷ đồng, tăng 465 tỷ so năm 2021 (5.361 - 4.896 tỷ đồng), Trong đó:

- Ngân sách cấp tỉnh: 1.527 tỷ đồng, giảm 478 tỷ đồng so với năm 2021 (1.527 - 2.005 tỷ đồng).

- Ngân sách cấp huyện: 3.834 tỷ đồng, tăng 943 tỷ đồng so với năm 2021 (3.834 tỷ đồng - 2.891 tỷ đồng).

(Chi tiết tại Biểu 70 đính kèm)

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 



[1](1) Ngày 10/05/2022, tỉnh đã chuyển trả nợ gốc của dự án (trả nợ nhanh 2022) về Bộ Tài chính, với số tiền: 253.410,3 USD, tương đương khoảng 5.852.510.879 đồng, (theo tỷ giá bán ra USD ngày 29/ ngày 10/5/2022 của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Tháp công bố là 23.095 đồng); (2) Ngày 03/11/2022, tỉnh đã chuyển trả nợ gốc của dự án (trả nợ nhanh đợt 2 năm 2022) về Bộ Tài chính, với số tiền: 253.410,3 USD, tương đương khoảng  6.302.567.571 đồng, (theo tỷ giá bán ra USD ngày 29/ ngày 03/11/2022 của Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Đồng Tháp công bố là 24.871 đồng);

[2] Gồm: (1). Dư nợ vay Ngân hàng phát triển Việt Nam: 411,7 tỷ đồng. (trong đó: dư nợ vay theo Chương trình kiên cố hoá kênh mương: 6,250 tỷ đồng, dư  nợ vay Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân: 405,5 tỷ đồng (Giai đoạn 1 là: 225,2  tỷ đồng, Giai đoạn 2: 180,2 tỷ đồng); (2) Dư nợ vay lại từ vốn vay ODA của Chính phủ: 26,568 tỷ đồng;

[3] Vay lại từ vốn vay ODA của Chính phủ (một dự án để thực hiện Tiểu dự án 3: biến đổi khí hậu): 46,5 tỷ đồng;

[4] Gồm: Dư nợ vay Ngân hàng phát triển Việt Nam: 339 tỷ đồng; Dư nợ vay lại từ vốn vay ODA của Chính phủ: 67,2 tỷ đồng.