THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1375/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2020 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn năm 2020 - 2025 (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
Ngành Công Thương đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết. Trong những năm qua, ngành Công Thương đã nỗ lực trong việc xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, các “điểm nóng” về môi trường và từng bước kiểm soát các nguồn thải. Tuy nhiên, trình độ công nghệ, thiết bị của nhiều lĩnh vực công nghiệp được đầu tư qua nhiều giai đoạn còn lạc hậu, cũ và chiếm tỷ lệ cao trong các ngành công nghiệp, cùng với đó là hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường còn nhiều điểm chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu ổn định cũng là những vướng mắc cần giải quyết.
Việc nhận diện, xác định các thách thức, vấn đề về môi trường, cũng như thống kê, kiểm soát các nguồn thải từ các hoạt động công nghiệp (như điện mặt trời, điện gió, điện rác, từ trường, bức xạ, chất thải điện tử,...) và thương mại (dịch chuyển các loại công nghệ cũ, lạc hậu, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...) trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết nhằm giúp cơ quan quản lý Nhà nước có các giải pháp cụ thể, tránh bị động trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với các sự cố môi trường.
Triển khai thực hiện Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2018 - 2025.
Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương được xây dựng nhằm đưa ra lộ trình và các ưu tiên thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường của ngành, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương; ngăn ngừa, kiểm soát các nguồn thải, hạn chế các rủi ro, sự cố môi trường; xử lý các vấn đề môi trường cấp bách trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; nhận diện các vấn đề môi trường trong giai đoạn tới và phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững, bám sát các: mục tiêu phát triển bền vững và các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.
1. Mục tiêu tổng quát
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường ngành Công Thương đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, đặc biệt tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Ngăn chặn, kiểm soát các nguồn chất thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ và chất thải, hướng tới xây dựng, phát triển và đảm bảo mục tiêu cơ cấu lại ngành Công Thương theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Hoàn thiện và ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý khí thải, chất thải rắn và nước thải theo hướng tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên và bảo vệ môi trường phù hợp với thực tiễn trong một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường(1) và một số hoạt động thương mại(2).
- 70% - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát.
- 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
- 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đẩy mạnh sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy.
- Xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời) và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương
a) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu và đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.
b) Sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
c) Xây dựng quy định về tái chế, tái sử dụng chất thải, thu gom, phân loại chất thải công nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn phế liệu và chất thải công nghiệp có thể tái chế, tái sử dụng.
d) Rà soát, xây dựng chính sách thương mại phù hợp, đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất các loại phế liệu; quy định về quản lý và tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
đ) Xây dựng các quy định nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon, chất thải khó phân hủy từ các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.
e) Hoàn thiện hệ thống quản lý Cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương, trong đó tập trung vào một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (gồm dữ liệu về khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại) nhằm tăng cường quản lý môi trường ngành Công Thương.
2. Phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong ngành Công Thương.
b) Đánh giá hiện trạng công nghệ sản xuất, nguồn phát thải, rủi ro, sự cố môi trường của một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; rà soát, đánh giá môi trường tổng hợp đối với một số khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như: Các trung tâm năng lượng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, v.v. để xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp.
c) Kiểm kê, đánh giá việc sử dụng, phát thải các hợp chất POP, UPOP trong một số ngành công nghiệp, đề xuất các biện pháp giảm thiểu, thay thế; Đánh giá việc phát sinh thủy ngân (Hg), bụi mịn (PM10, PM2.5) từ các nguồn thải công nghiệp.
d) Đẩy mạnh quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép và chất thải công nghiệp khác; quản lý an toàn bãi thải, cải tạo phục hồi môi trường, xử lý chất thải, an toàn đập thải của hồ chứa quặng đuôi trong khai thác và chế biến khoáng sản.
đ) Đánh giá, nhận diện các tác động môi trường (ô nhiễm tiếng ồn, âm thanh, sóng tần số thấp, các loại sóng điện từ, sóng nhiệt, v.v.) của các dạng năng lượng mới (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời).
e) Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, thay thế túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; thực hiện đánh giá vòng đời và áp dụng thí điểm mô hình thu gom, tái chế, tái sử dụng đối với một số sản phẩm bao bì có nguồn gốc từ nhựa.
g) Tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường theo Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025 và tổ chức thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025.
3. Đào tạo nhân lực, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường
a) Tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trường lĩnh vực công nghiệp và thương mại; tăng cường năng lực giám sát thực thi pháp luật.
b) Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương thông qua các ấn phẩm truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các lớp tập huấn.
c) Tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương. Xây dựng và phổ biến các mô hình doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
d) Xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn quản lý môi trường các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
4. Thúc đẩy thí điểm các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp
a) Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường.
b) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường
1. Vốn ngân sách nhà nước bao gồm: Chi sự nghiệp môi trường, kinh tế, đầu tư phát triển, sự nghiệp khoa học - công nghệ, vốn ODA;
2. Vốn vay từ các tổ chức tín dụng, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường địa phương.
3. Vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.
4. Các nguồn tài trợ, đầu tư của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
5. Các nguồn vốn hợp pháp khác.
1. Bộ Công Thương
- Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Kế hoạch và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
- Trực tiếp chỉ đạo, thực hiện các chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương.
- Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Chủ trì thực hiện các chương trình, đề án ưu tiên được giao tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này.
3. Bộ Xây dựng
Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật để tăng cường sử dụng chất thải công nghiệp thông thường làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng
4. Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, tổng hợp và bố trí nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, tổng hợp dự toán, bố trí các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
- Chủ trì thực hiện các chương trình, đề án ưu tiên được giao tại Phụ lục của Kế hoạch.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch trên phạm vi địa bàn quản lý./.
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN NĂM 2020 - 2025
(Kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | Tên chương trình, dự án, đề án | Thời hạn hoàn thành | Cơ quan chủ trì thực hiện | Cơ quan phối hợp thực hiện | Sản phẩm |
Nhóm 1: Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương | |||||
1 | Sửa đổi, bổ sung và xây dựng các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải trong một số loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Văn bản quy phạm pháp luật, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật |
2 | Xây dựng quy định về tái chế, tái sử dụng chất thải, thu gom, phân loại chất thải công nghiệp | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn kỹ thuật |
3 | Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn phế liệu và chất thải công nghiệp có thể tái chế, tái sử dụng | 2022- 2024 | Bộ Công Thương | Các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan | Cơ sở dữ liệu được vận hành |
4 | Rà soát và xây dựng chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất các loại phế liệu, xuất khẩu chất thải | 2020-2021 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật, sổ tay |
5 | Rà soát và xây dựng chính sách, quy định về quản lý, tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, phù hợp với các cam kết quốc tế | 2020 - 2022 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật |
6 | Xây dựng quy định hạn chế rác thải nhựa, túi nilon, chất thải khó phân hủy từ các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối | 2020 - 2022 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Văn bản quy phạm pháp luật, quy định, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật |
7 | Hoàn thiện và phát triển cơ sở dữ liệu môi trường ngành Công Thương trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn | 2020 - 2024 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan | Thông tư Bộ Công Thương, cơ sở dữ liệu hoàn thiện được vận hành |
Nhóm 2: Phòng ngừa, kiểm soát, xử lý và loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm môi trường | |||||
Đối với nhóm ngành công nghiệp nhẹ: | |||||
8 | Đánh giá nguồn phát sinh chất thải, rủi ro, sự cố môi trường trong ngành công nghiệp dệt nhuộm, thuộc da và giấy | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu nguồn thải |
9 | Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn về sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nhựa bền vững | 2020 - 2022 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan | Hướng dẫn kỹ thuật được ban hành |
Đối với nhóm ngành công nghiệp nặng: | |||||
10 | Đánh giá nguồn phát sinh chất thải, rủi ro, sự cố môi trường của các ngành công nghiệp luyện kim, phân bón, hóa chất | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu nguồn thải |
11 | Kiểm kê, đánh giá việc sử dụng, phát thải các hợp chất POP, UPOP từ một số ngành công nghiệp và đề xuất biện pháp quản lý | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu nguồn thải |
12 | Xây dựng chính sách quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng thạch cao của các nhà máy hóa chất, phân bón, xỉ thép trong sản xuất thép | 2020 - 2021 | Bộ Công Thương | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp liên quan | Thông tư/Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia |
Đối với ngành công nghiệp điện: | |||||
13 | Đánh giá môi trường tổng hợp và đề xuất quy định bảo vệ môi trường tại các trung tâm điện lực | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
14 | Đánh giá, nhận diện tác động môi trường từ các dự án sản xuất năng lượng (như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời, chuỗi dự án điện khí) và đề xuất chính sách quản lý | 2021 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
15 | Xây dựng chính sách quản lý, xử lý, tái chế, tái sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện | 2020 - 2021 | Bộ Công Thương | Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp liên quan | Thông tư/Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia |
16 | Đánh giá việc phát sinh thủy ngân (Hg), bụi mịn (PM10, PM2.5) từ nguồn thải nhiệt điện | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nhà máy điện | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu nguồn thải |
17 | Đánh giá và hoàn thiện mô hình thí điểm xử lý dầu và các vật liệu, thiết bị điện nhiễm PCB | 2020 - 2022 | Bộ Công Thương | Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp liên quan | Quy trình kỹ thuật được ban hành |
18 | Xây dựng Đề án quan trắc, giám sát môi trường tại các trung tâm điện lực và một số khu vực tập trung các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường | 2020 - 2022 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp liên quan | Đồ án được Bộ Công Thương phê duyệt |
Đối với ngành khai thác tài nguyên và khoáng sản: | |||||
19 | Đánh giá nguồn phát sinh chất thải, rủi ro môi trường và khả năng tái chế, tái sử dụng chất thải của ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản | 2020 - 2023 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cơ sở dữ liệu nguồn thải |
20 | Xây dựng chính sách quản lý an toàn và bảo vệ môi trường các hồ/đập chứa quặng đuôi trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản | 2020-2021 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản | Thông tư Bộ Công Thương/Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia |
21 | Nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đặc thù về bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến dầu khí | 2021 - 2022 | Bộ Công Thương, Bộ nguyên và Môi trường | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp khai thác, chế biến dầu khí | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
22 | Đánh giá và hoàn thiện mô hình thí điểm thu hồi hơi xăng, dầu tại các cửa hàng, kho xăng dầu | 2021 -2023 | Bộ Công Thương | Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp liên quan | Quy trình kỹ thuật thu hồi hơi xăng, dầu được ban hành |
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: | |||||
23 | Rà soát, đánh giá môi trường tổng hợp đối với một số cụm công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao và xây dựng chính sách quản lý, kiểm soát phù hợp | 2020-2021 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp liên quan | Báo cáo Thủ tướng Chính phủ |
24 | Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường | 2020 - 2024 | Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố | Các mô hình thí điểm được triển khai |
25 | Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thân thiện môi trường | 2020 - 2024 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố | Các mô hình thí điểm được triển khai |
Đối với các hoạt động thương mại: | |||||
26 | Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối | 2022 - 2024 | Bộ Công Thương | Các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan | Mô hình thí điểm được triển khai |
27 | Thực hiện đánh giá vòng đời và áp dụng thí điểm mô hình thu gom, tái chế, tái sử dụng đối với một số sản phẩm bao bì có nguồn gốc từ nhựa PP, PE | 2021 -2023 | Bộ Công Thương | Các Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan | Mô hình thí điểm được triển khai |
28 | Xây dựng Đề án truyền thông bảo vệ môi trường ngành Công Thương | 2020 - 2021 | Bộ Công Thương | Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông | Đề án truyền thông được Bộ Công Thương ban hành |
29 | Tập huấn, phổ biến chính sách pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ngành Công Thương | 2020 - 2025 | Bộ Công Thương | Các doanh nghiệp ngành Công Thương | Chương trình tập huấn và các lớp tập huấn được tổ chức |
(1) Chi tiết bao gồm các ngành: Khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, giấy, hóa chất, phân bón, dệt nhuộm, thuộc da, dầu khí, điện.
(2) Chi tiết bao gồm: Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh các mặt hàng phế liệu; hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
- 1 Thông tư 23/2018/TT-BCT quy định về quản lý, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Quyết định 598/QĐ-TTg năm 2018 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị định 98/2017/NĐ-CP về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương
- 4 Quyết định 192/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 11/CT-BCT năm 2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ Công thương ban hành
- 6 Thông tư 35/2015/TT-BCT Quy định về bảo vệ môi trường ngành Công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 7 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 8 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 9 Luật bảo vệ môi trường 2014
- 1 Thông tư 23/2018/TT-BCT quy định về quản lý, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Chỉ thị 11/CT-BCT năm 2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương do Bộ Công thương ban hành
- 3 Thông tư 35/2015/TT-BCT Quy định về bảo vệ môi trường ngành Công thương do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành