Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1394/QĐ-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT THỦY SẢN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2015 – 2016

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 535/QĐ-UBND ngày 27/3/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch kinh phí hoạt động Ban điều hành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 02/7/2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 16/TTr-BĐHNNCNC của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ ngày 09/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2016, bao gồm các nội dung cụ thể như sau:

1. Mục tiêu thực hiện:

- Phát triển sản xuất thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, giá trị, đạt hiệu quả cao. Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành thủy sản; đặc biệt ứng dụng chuyển giao, hợp tác nghiên cứu các công nghệ cao trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Đến năm 2020 tăng giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích nuôi thủy sản trong 01 năm có ứng dụng công nghệ cao tăng ít nhất từ 30% so với thời điểm năm 2012.

- Mục tiêu cụ thể đến năm 2016 có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao là 331 ha, trong đó:

+ Cá tra khoảng 170 ha tương ứng với sản lượng đạt khoảng 76.500 tấn.

+ Tôm càng xanh khoảng 100 ha tương ứng với sản lượng 250 tấn.

+ Cá lóc khoảng 27 ha tương ứng với sản lượng 5.400 tấn.

+ Cá sặc rằn khoảng 5 ha tương ứng với sản lượng 150 tấn.

+ Cá điêu hồng, lươn khoảng 9 ha tương ứng với sản lượng 3.600 tấn.

+ Sản xuất giống: 20 ha.

+ Tổng kim ngạch xuất khẩu cho nhóm sản phẩm thủy sản ứng dụng theo hướng công nghệ cao đến năm 2016 đạt khoảng 35 triệu USD.

2. Nội dung thực hiện:

a) Xây dựng tổ chuyên trách và triển khai Kế hoạch thực hiện quy hoạch cho sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2015 - 2016.

- Kiện toàn nhân sự tổ chuyên trách phụ trách về xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai kế hoạch, kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện và đánh giá hiệu quả của Chương trình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2015 - 2016 và giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2030; giúp Ban điều hành thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh về việc điều chỉnh, hoàn chỉnh nội dung các Quy hoạch, Kế hoạch phát triển vùng thủy sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên cơ sở tham vấn, lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đoàn thể, người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn.

- Xây dựng kinh phí triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch và kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch.

b) Khảo sát hiện trạng vùng quy hoạch ứng dụng công nghệ cao, đánh giá tiềm năng lợi thế của từng vùng, hoạch định kế hoạch và lộ trình cụ thể cho các vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao.

- Xây dựng bộ phiếu phỏng vấn thu thập thông tin đảm bảo các thông tin theo yêu cầu của Kế hoạch triển khai thực quy hoạch (576 phiếu): Thực hiện tại 08 huyện, bình quân mỗi huyện là 72 phiếu.

c) Tổ chức Hội thảo khoa học (70 đại biểu): Nhằm trưng cầu ý kiến của các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học về các định hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao cho một số đối tượng thủy sản chủ lực như: cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh và cá lóc.

d) Công tác hỗ trợ đẩy mạnh chương trình gắn kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015 - 2016.

- Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả (02 chuyến/30 người): Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ kỹ thuật, và nông dân tiên tiến có điều kiện tham quan học tập, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm các mô hình sản xuất thủy sản hiệu quả, ứng dụng công nghệ.

- Tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại: Nhằm tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu thụ (60 người).

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức về sản phẩm thủy sản ứng dụng công nghệ cao: Lắp đặt 04 Pa- nô tuyên truyền và 800 tờ rơi.

đ) Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hộ nuôi thủy sản, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất, các biện pháp kỹ thuật tác động khâu quản lý thức ăn nhằm giảm hệ số chuyển hoá thức ăn, giảm giá thành, giảm tỉ lệ hao hụt trong nuôi thủy sản thương phẩm, nuôi thủy sản theo các tiêu chuẩn chất lượng.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ nồng cốt, giảng viên nguồn. Số lớp: 01 lớp; 03 ngày/lớp; 30 học viên/lớp.

- Tập huấn chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học. Số lớp: 10 lớp; 02 ngày/lớp; 30 học viên /lớp).

e) Tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện: Nhằm tổng kết rút kinh nghiệm kết quả thực hiện Kế hoạch triển khai quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2015 - 2016 và đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch cho giai đoạn 2016 - 2020.

3. Tổ chức thực hiện:

a) Đơn vị chủ trì:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ quản, chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến trình triển khai thực hiện các hoạt động trong Kế hoạch này; xây dựng các dự án cụ thể gởi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Thủy sản là đơn vị chủ trì trực tiếp phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố liên quan thực hiện các hoạt động trong kế hoạch.

- Hàng năm có trách nhiệm rà soát, xem xét các nội dung kế hoạch để có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời.

b) Tổ chuyên trách: Có 10 thành viên, gồm các ông/bà sau

- Ông Trần Anh Dũng - Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng nhóm.

- Ông Phạm Thành Quang - Q. Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, Phó nhóm.

- Ông Trần Châu Phương Tuấn - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, Thành viên.

- Ông Trần Hoàng Hùng - Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản, Thành viên.

- Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản, Thành viên.

- Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Trưởng phòng Khoa học Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành viên.

- Mời Ths. Phan Phương Loan - Giảng viên Bộ môn Thủy sản - Khoa Nông nghiệp và TNTN - Trường Đại học An Giang, Thành viên.

- Ông Phạm Đăng Phương - Sở Khoa học và Công nghệ, Thành viên.

- Ông Lê Đức Duy - Viên chức Trung tâm Công nghệ sinh học, Thành viên.

- Ông Tiêu Quốc Sang - Viên chức Trung tâm Công nghệ sinh học, Thành viên.

Tổ chuyên trách có nhiệm vụ:

- Tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch và lập dự toán nhu cầu kinh phí triển khai Kế hoạch theo các định mức kỹ thuật.

- Hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, tổ chức giám sát việc thực hiện các mô hình theo hướng công nghệ cao trong quá trình thực hiện kế hoạch.

- Thực hiện tốt vai trò tham mưu điều chỉnh nội dung kế hoạch trên cơ sở tham vấn, lấy ý kiến các nhà khoa học, sở, ban, ngành, đoàn thể, người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo nội dung kế hoạch phù hợp yêu cầu thực tiễn.

- Tham mưu, đề xuất các đề tài, dự án liên quan lĩnh vực sản xuất thủy sản theo hướng công nghệ cao, đảm bảo thực hiện mục tiêu của quy hoạch.

- Tham gia thực hiện các hoạt động có liên quan trong quá trình thực hiện kế hoạch.

c) Các sở, ban, ngành, Trường Đại học An Giang và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

d) Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 đến năm 2016.

4. Dự toán kinh phí thực hiện: 334.598.000 đồng (Ba trăm, ba mươi bốn triệu, năm trăm, chín mươi tám ngàn đồng), từ nguồn sự nghiệp KHCN. Trong đó:

+ Năm 2015: 150.818.000 đồng

+ Năm 2016: 183.780.000đồng

Bao gồm:

- Công tác phí tổ chức sản xuất tại các vùng = 21,76 triệu đồng;

- Khảo sát, điều tra đánh giá hiện trạng vùng sản xuất = 52,368 triệu đồng;

- Hội thảo khoa học = 26,82 triệu đồng;

- Khảo sát học tập mô hình = 48,2 triệu đồng;

- Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực = 125,1 triệu đồng;

- Hội nghị XTTM, kết nối tiêu thụ = 10,5 triệu đồng;

- In ấn vật liệu truyền thông = 33,2 triệu đồng;

- Hội nghị sơ kết, tổng kết = 16,65 triệu đồng.

Điều 2. Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành địa phương có liên quan giám sát việc triển khai thực hiện Kế hoạch này theo đúng quy định hiện hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng