Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 31 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE TRẺ EM TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2008 - 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 08C-NQ/TU ngày 16/11/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân đến năm 2010 và những năm tiếp theo;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An tại Công văn số 1701X/SYT-KH ngày 22 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em tỉnh Nghệ An. giai đoạn 2008 - 2015 và những năm tiếp theo (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;

Các Ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thông tin; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Đường

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ TRẺ EM TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2008 - 2015 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2007/QĐ.UBND ngày 31 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh Nghệ An)

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong nhiều năm qua thực hiện tốt các chương trình y tế Quốc gia. nền kinh tế ngày càng phát triển nên tỷ lệ bệnh tật và tử vong do một số bệnh đặc thù như: Các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ em suy dinh dưỡng nặng ở nước ta đã giảm rõ rệt. Thế nhưng, các loại tai nạn, bệnh ung thư, bệnh tim mạch, dị tật bẩm sinh.... ngày càng nhiều. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi chưa giảm đáng kể, tỷ lệ tử vong chu sinh và sơ sinh còn cao.

Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, đa dạng. dân số trên 3 triệu người. trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm 16%. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế còn nhiều khó khăn. nhận thức của người dân ở nhiều vùng còn hạn chế. Khả năng tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ còn nhiều bất cập. Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ nhi khoa chưa được củng cố, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở xã, phường, thị trấn, vùng sâu vùng xa.

Cơ sở xây dựng Đề án:

- Luật Bảo vệ. chăm sóc và Giáo dục Trẻ em (1991, sửa đổi năm 2005).

- Chiến lược Bảo vệ và Chăm sóc sức khoẻ nhân dân (2001 - 2010), Chiến lược đề cập đến việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu, triển khai xử lý lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI);

- Nghị Quyết số 08/2006/NQ-TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và CSSK nhân dân đến 2010 và những năm tiếp theo. Quyết định số 81/2007/QĐ-UBND về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08/2006/NQ-TU.

- Chính phủ Nhật Bản và Cộng hoà Phần Lan đã có 2 chu kỳ Dự án ODA không hoàn lại nhằm nâng cao năng lực và cơ sở vật chất các đơn vị hưởng lợi từ xã đến tỉnh cho công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em Nghệ An.

Để chủ động và có hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trẻ em. việc xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ trẻ em tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2008 - 2015 và những năm tiếp theo” là rất cần thiết.

Phần I

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ SỨC KHỎE TRẺ EM TẠI NGHỆ AN

1. Công tác Y tế Dự phòng:

Trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xẩy ra các bệnh dịch lớn liên quan đến sức khoẻ trẻ em. Chương trình tiêm chủng mở rộng 6 bệnh cho trẻ dưới 1 tuổi được thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ TCMR hàng năm đạt từ 93 - 95%. Chương trình tiêm chủng Viêm não Nhật Bản B thực hiện từ năm 2000 đến nay đã triển khai ở 8 huyện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em hiện nay là 25 %, tỷ lệ bướu cổ trẻ em tuổi học đường được giảm từ 8% xuống 2,01% chưa có kế hoạch chủ động để theo dõi chăm sóc SKTE từ tỉnh đến cơ sở.

2. Hệ thống khám chữa bệnh: Nghệ An là một trong những tỉnh có Bệnh viện chuyên khoa Nhi sớm trong cả nước (từ năm 1985), chất lượng hoạt động từng bước được củng cố và nâng cao, uy tín chuyên môn ngày càng phát triển, có ảnh hưởng tốt đến các vùng phụ cận.

Tuy nhiên, hệ bệnh viện tuyến huyện chưa có hệ thống cấp cứu nhi riêng. Đặc biệt cấp cứu sơ sinh chưa được quan tâm đúng mức. Trang thiết bị về cấp cứu nhi khoa ở huyện và xã còn thiếu thốn, không đồng bộ, cán bộ y tế làm công tác khám chữa bệnh nhi (KCB) trên địa bàn còn ít, chất lượng KCB nhi khoa còn nhiều yếu kém. Tỷ lệ tử vong sơ sinh và dưới 1 tuổi còn cao hơn mức trung bình cả nước (Trung bình chung cả nước là 30 %o).

a/ Về tổ chức bộ máy:

- Tuyến tỉnh: Có một bệnh viện chuyên khoa Nhi quy mô 220 giường bệnh. với 230 biên chế, trong đó có: 56 bác sỹ và dược sỹ đại học, 7 Bác sỹ CK cấp 2, 30 thạc sỹ và bác sỹ CK cấp I và một đội ngũ điều dưỡng viên được đào tạo chuyên khoa nhi và thực hành thông thạo các kỹ năng nhi khoa.

Bệnh viện có 22 khoa, phòng, trong đó có 14 khoa lâm sàng, 2 khoa cận lâm sàng và 6 phòng chức năng.

- Tuyến huyện, thành. thị xã

+ Tổ chức mạng lưới hiện nay:

. Bệnh viện đa khoa huyện có khoa Nhi riêng: 2/19 (Nghĩa Đàn và Nghi Lộc) chiếm tỷ lệ 10,6%.

. Bệnh viện đa khoa không có khoa Nhi riêng mà nằm chung trong các khoa khác: 17/19 (chiếm tỷ lệ 89,4%).

Như vậy hầu hết khoa Nhi nằm trong khối Nội - Nhi - Lây của BVĐK, số giường bệnh nội trú dành cho Nhi 495 giường /4.130 tổng số giường bệnh chung chiếm tỷ lệ gần 12%.

+ Về nhân lực: Cán bộ ngành nhi trong toàn tỉnh đang thiếu về số lượng. bất cập về chất lượng:

. Số Bệnh viện đa khoa huyện có bác sỹ chuyên khoa Nhi: 13/19 (chiếm 68.42%).

Có 23 bác sỹ chuyên khoa Nhi, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số bác sỹ chung của bệnh viện, 6 huyện còn lại không có bác sỹ chuyên khoa Nhi, trẻ em được KCB nhờ các bác sỹ thuộc chuyên khoa khác kiêm nhiệm. Số điều dưỡng viên làm công tác chăm sóc Nhi khoa có 65 người, trong đó có 6 người (9,2%) được cấp Chứng chỉ chuyên khoa Nhi.

. Tại các Phòng khám Đa khoa khu vực, Trạm Y tế xã: Chưa có bác sỹ chuyên khoa Nhi.

. Tại tuyến xã: Triển khai chiến lược lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI). hiện tại có 7 huyện: Diễn Châu, Tương Dương, Thanh chương. Hưng Nguyên, Nam Đàn. Quỳnh Lưu và thị xã Cửa Lò, gồm 197 xã, phường, thị trấn được thụ hưởng dự án Chăm sóc sức khỏe trẻ em do Chính phủ Phần Lan, dự án phòng chống các bệnh truyền nhiễm tiểu vùng sông Mê Công. nên 100% số cán bộ y tế xã. phường. thị trấn của 7 huyện, thị xã trên được đào tạo, tập huấn theo chương trình. Qua giám sát thì kiến thức. kỹ năng Chăm sóc SKTE của số cán bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt, phát hiện dấu hiệu bệnh ở trẻ em sớm hơn, tư vấn và điều trị ban đầu kịp thời, đúng phác đồ, phân loại bệnh và chuyển tuyến phù hợp.

Nghệ An là một trong những tỉnh có đội ngũ hướng dẫn viên, giám sát viên được Chương trình IMCI Trung ương đánh giá đủ năng lực đào tạo, giám sát duy trì kết quả Chương trình chăm sóc trẻ bệnh, cần được nhân rộng mô hình IMCI trong toàn tỉnh. Đó là điều kiện tốt để chăm sóc SKTE chủ động ngay từ cơ sở. b/ Về cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành Nhi:

Tại Bệnh viện Nhi. công trình được xây dựng từ năm 1997 (khi quy mô bệnh viện đang 150 giường). Hiện tại. có thời điểm đã quá tải về lưu lượng bệnh nhân. cơ sở vật chất đang xuống cấp chưa đáp ứng với chức năng và sự phát triển của Bệnh viện.

Trang thiết bị ngành Nhi còn nhiều thiếu thốn, chưa đồng bộ, mới chỉ đáp ứng cấp cứu và điều trị thông thường phổ cập. Chưa đủ thiết bị hiện đại để phát triển chuyên khoa sâu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến còn chậm (xem Mục d Phụ lục I).

Tuy vậy trong những năm qua, cán bộ ngành nhi nói chung và cán bộ Bệnh viện Nhi nói riêng đã đoàn kết, phấn đấu để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị bệnh nhi trong tỉnh và tỉnh bạn. Công suất sử dụng giường bệnh hàng năm đạt từ 120 – 130%, đã cấp cứu nhiều ca bệnh hiểm nghèo, chỉ đạo và chi viện tuyến dưới, số bệnh nhân chuyển tuyến trên giảm xuống rõ rệt (năm 2000: 461 bệnh nhân; năm 2007 giảm còn: 286 bệnh nhân).

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU VÀ CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Củng cố hệ thống chăm sóc sức khoẻ trẻ em từ tỉnh đến cơ sở, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trẻ em theo hướng dự phòng là chính. Khi trẻ bị bệnh, được tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế có chất lượng nhằm hạ thấp tỷ lệ tử vong và các di chứng, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.

2. Chỉ tiêu cụ thể: (đến năm 2015)

- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95%.

- Giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi dưới 1,5/100.000 dân; bệnh bạch hầu dưới 0,05/100.000 dân; bệnh ho gà dưới 0,5/100.000 dân.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống từ 25% dưới 20% đến năm 2010.

- Giảm tỉ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi từ 32%o xuống còn 16%o.

- Giảm tỉ lệ tử vong trẻ dưới 5 tuổi từ 35%o xuống còn 25%o.

- Giảm tỉ lệ trẻ đẻ nhẹ cân (dưới 2.500 gram) từ 8% xuống dưới 5%.

- Giảm tỉ lệ tử vong chu sinh từ 20%o xuống còn dưới 18%o.

- Giảm tỉ lệ trẻ bướu cổ từ 2,01% xuống 1,5%.

- 70% số Trạm y tế xã thực hành KCB cho trẻ dưới 5 tuổi theo IMCI.

- Cơ cấu giường bệnh Nhi:

+ Bố trí từ 15% - 20% giường bệnh nhi /tổng số GB chung tại các bệnh viện đa khoa huyện.

+ Bệnh viện có quy 150 giường mô  cần phải có khoa nhi. các bệnh viện còn lại phải thành lập đơn nguyên Nhi, nằm trong khoa Nội – Nhi, hoặc khoa Cấp cứu.

+ Xây dựng bệnh viện Nhi Nghệ An trở thành Bệnh viện Đa khoa Nhi hoàn chỉnh. hiện đại với 250 giường bệnh vào năm 2010; 300 giường năm 2015, là trung tâm nhi khoa kỹ thuật cao, và là địa chỉ có uy tín về Chăm sóc SKTE trong khu vực.

+ Xây dựng Bệnh viện Phụ sản tỉnh (sau 2010) với quy mô từ 250 đến 300 giường bệnh, có khoa chăm sóc sơ sinh.

II. NHIỆM VỤ:

1. Tăng cường công tác y tế dự phòng:

- Về tiêm chủng: Dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hàng năm các Trung tâm Y tế dự phòng huyện lập kế hoạch triển khai và giám sát tình hình tiêm chủng theo hướng duy trì tỷ lệ tiêm chủng các bệnh thường gặp, tiêm phòng uốn ván rốn cho bà mẹ có thai và mở rộng tiêm chủng các loại vắc xin để phòng các bệnh mới như Viêm não Nhật Bản B, viêm gan....

- Về dinh dưỡng :

+ Ban Chỉ đạo chiến lược Quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng tỉnh: các thành viên Ban, ngành cần tăng cường chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành mình liên quan đến chỉ tiêu phòng chống suy dinh dưỡng, đồng thời phối kết hợp tốt với các địa phương, ban, ngành để tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh ta được giảm như mong muốn.

+ Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Nghệ An là đầu mối thực hiện chương trình, hàng năm bám sát kế hoạch của chương trình quốc gia để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, kế hoạch kinh phí đối ứng và triển khai xuống cơ sở thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu đã đề ra. Mặt khác Bệnh viện Nhi phải từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên khoa về dinh dưỡng để thực hiện tư vấn, khám chữa bệnh về dinh dưỡng, lưu ý xu hướng thừa cân và béo phì ở trẻ em.

2. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhi khoa:

a) Thực hiện tốt Đề án Nâng cao y đức tại các cơ sở khám chữa bệnh.

b) Củng cố tổ chức bộ máy ngành nhi, tạo thành mạng lưới chăm sóc nhi khoa trong toàn tỉnh.

- Tại Bệnh viện Nhi:

+ Bố trí đủ biên chế 1, 3 cán bộ/1 giường bệnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước.

+ Có kế hoạch đào tạo cán bộ nhi (cả bác sỹ và điều dưỡng) cho bệnh viện Nhi và y tế cơ sở huyện. xã để đảm bảo cấp cứu và chất lượng điều trị bệnh lý nhi khoa thông thường. Đồng thời phát triển một số kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên khoa sâu mang tầm khu vực.

- Tại tuyến huyện :

+ Thành lập Khoa Nhi và đơn nguyên KCB nhi tại các bệnh viện theo mục tiêu được duyệt. Số giường nhi chiếm khoảng 15 - 20% tổng số giường bệnh trong bệnh viện và có 1 - 2 giường cho sơ sinh với các thiết bị thiết yếu.

+ Tại các khoa sản bệnh viện huyện cần có bác sỹ chuyên khoa nhi. Nữ hộ sinh và điều dưỡng phải có hiểu biết về bệnh lý sơ sinh, biết xử lý ban đầu và chuyển tuyến kịp thời.

+ Đội ngũ điều dưỡng làm công tác nhi khoa phải được đào tạo, tập huấn kiến thức chăm sóc nhi khoa.

- Tại tuyến xã, phường, thị trấn:

+ Duy trì có hiệu quả chương trình lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) ở 7 huyện đã triển khai Dự án. Tiếp tục triển khai Chương trình IMCI ở 12 huyện còn lại với tổng số 279 xã, phường, thị trấn. Đảm bảo mỗi Trạm y tế có từ 2 – 3 cán bộ đào tạo IMCI, cấp cứu nhi khoa cơ bản, chăm sóc thiết yếu sơ sinh.

+ Tổ chức lại mạng lưới chăm sóc và điều trị sơ sinh: phải được củng cố từ các trạm y tế đến Bệnh viện Nhi tỉnh.

- Sở Y tế xây dựng kế hoạch về chuyên môn để chỉ đạo các Phòng Y tế phối hợp với các đơn vị y tế khác trên địa bàn huyện thực hiện giám sát định kỳ ở các xã đã triển khai IMCI, coi thực hành KCB theo IMCI là một tiêu chí thi đua của Trạm y tế xã. Hàng năm bố trí kinh phí cho hoạt động này.

c) Từng bước phát triển một số kỹ thuật cao chuyên ngành nhi:

- Phát triển khoa Sơ sinh: Đảm bảo điều trị bệnh lý trẻ sơ sinh, đồng thời mở thêm 2 đơn nguyên hồi sức sơ sinh và trẻ nhẹ cân non tháng trong khoa sơ sinh. Thực hiện các kỹ thuật điều trị Sơ sinh tương đương bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay để bệnh nhân sơ sinh không phải chuyển đi Hà Nội, kể cả thay máu cho sơ sinh vàng da nhân.

- Về ngoại khoa: Tập trung nâng chất lượng các phẫu thuật bệnh lý bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, hồi sức bỏng, phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật các dị tật.

- Về bệnh tim bẩm sinh: Hoàn thiện chẩn đoán các bệnh tim bẩm sinh, chuẩn bị điều kiện cần và đủ cho can thiệp các bệnh tim bẩm sinh như sau:

+ Mổ tim kín vào năm 2008.

+ Can thiệp bằng đặt dù các lỗ thông vào cuối năm 2008 và phát triển mạnh kỹ thuật này trước năm 2010.

+ Sau 2010 sẽ mổ tim hở.

- Về hồi sức cấp cứu: Hoàn thiện và cập nhật các kỹ thuật hồi sức, thành lập đơn vị hồi sức tích cực tập trung. Phấn đấu vào cuối năm 2008 không phải chuyển bệnh nhân đi tuyến trên trong khi đang cần hồi sức tích cực.

- Các chuyên khoa khác về nội nhi: Điều trị hoá chất các bệnh ung thư, trước hết là ung thư máu.

III. GIẢI PHÁP:

1. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ chủ trì, chủ động phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An xây dựng các chương trình truyền thông về Chăm sóc SKTE. Phối hợp với Bệnh viện Nhi và các đơn vị khác xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo kỹ năng truyền thông cho CBYT xã và các đối tượng khác có liên quan đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trọng tâm của truyền thông nâng cao nhận thức là những vấn đề liên quan đến sức khoẻ trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi, đến mọi người dân.

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

- Bố trí. tiếp nhận, đào tạo cán bộ làm chuyên khoa Nhi: 3 BSCK nhi cho các huyện có khoa Nhi riêng; 1 - 2 BSCK nhi cho các huyện còn lại.

- Đào tạo BSCK nhi các chuyên ngành sâu tại Bệnh viện Nhi, bảo đảm mỗi chuyên ngành sâu có tối thiểu 2 BS.

- Đào tạo IMCI, đào tạo cấp cứu nhi khoa cơ bản và chăm sóc thiết yếu sơ sinh cho cán bộ y tế xã, huyện.

- Đào tạo cho các Điều dưỡng viên làm công tác nhi khoa có Chứng chỉ chăm sóc nhi sơ bộ, đặc biệt quan tâm số cán bộ có trình độ Cao đẳng và đại học cho Bệnh viện Nhi và các Bệnh viện Đa khoa khu vực.

- Bổ sung đủ số lượng y sỹ Sản nhi và nữ hộ sinh trung học cho các Trạm y tế xã.

- Phát huy vai trò Chi hội Nhi khoa.

3. Nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế:

a) Tại Bệnh viện Nhi Nghệ An:

- Cơ sở hạ tầng:

+ Xây dựng mới một nhà khoảng 6.000m2 với quy mô 5 - 7 tầng theo quy hoạch được duyệt năm 2008 - 2009.

+ Cải tạo và nâng cấp khu nhà 3 tầng hình chữ U được xây dựng từ năm 1997 trong thời gian 2009 - 2010.

+ Xây dựng một số nhà khác theo quy hoạch để đảm bảo hoạt động liên hoàn, thuận tiện, Các phòng có lắp đặt máy móc, thiết bị cần có hệ thống điều hòa nhiệt độ, thông khí, máy hút ẩm.

- Trang thiết bị y tế (xem Phụ lục II)

- Một số thiết bị chủ yếu để phát triển kỹ thuật chuyên khoa sâu:

+ Máy siêu âm màu có các đầu dò tim trẻ em

+ Máy X - quang tăng sáng truyền hình

+ Dụng cụ phẫu thuật tim và khu vực can thiệp tim mạch

+ Bàn mổ và đèn mổ hệ thống Camera

b) Tuyến y tế cơ sở:

Đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của khoa nhi hoặc tổ điều trị nhi tại các Bệnh viện huyện và cung cấp trang thiết bị thiết yếu (xem Phụ lục III)

4. Giải pháp về nguồn kinh phí:

a) Kinh phí cho tuyến xã: Thực hiện theo Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND ngày 25/3/2005 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án chuẩn Quốc gia y tế xã và Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn. giai đoạn 2008 – 2015.

b) Kinh phí cho tuyến huyện: Thực hiện theo Quyết định số 3583/QĐ-UBND ngày 25 tháng 9 năm 2006 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Nâng cấp bệnh viện huyện và bệnh viện đa khoa khu vực.

c) Kinh phí đầu tư cho Bệnh viện Nhi: 81 tỷ, huy động từ Ngân sách Nhà nước hàng năm, nguồn xã hội hoá và các dự án đầu tư nước ngoài.

d) Kinh phí duy trì IMCI tại 7 huyện của các dự án đã triển khai và đào tạo cho cán bộ y tế xã các huyện còn lại.

Kế hoạch ngân sách cho Đề án, tổng kinh phí là: 84.926.000.000. d, trong đó:

- Tuyến tỉnh là 81.000 triệu, dự kiến trong đó:

+ Ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch năm là: 31.000 triệu

+ Vay vốn ODA; xã hội hoá theo NQ 05/2005-CP; vay tín dụng ưu đãi đầu tư (trái phiếu Chính phủ): 50.000 triệu.

- Tuyến cơ sở: 3.970 triệu, chia ra:

Nguồn ngân sách tỉnh: 1.500 triệu dùng cho duy trì các hoạt động đã triển khai và đào tạo cán bộ ngành nhi. Số kinh phí còn lại khai thác từ các dự án đầu tư nước ngoài.

(Phần tính toán cụ thể, xem Phụ lục 2).

5. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác Chăm sóc SKTE:

Tại Sở Y tế có cán bộ chuyên trách theo dõi về công tác Chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Bệnh viện Nhi là đơn vị tham mưu về kỹ thuật và tổ chức mạng lưới Nhi khoa trong toàn tỉnh. Hàng năm cần có kế hoạch mở các lớp đào tạo tăng cường kỹ năng cho cán bộ tuyến trước về cấp cứu nhi khoa cơ bản, chăm sóc thiết yếu sơ sinh. Kinh phí cho các lớp đào tạo do ngân sách cấp theo kế hoạch năm. Các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng, theo nhiệm vụ được phân công có báo cáo định kỳ về Sở Y tế để tổng hợp và đề xuất những giải pháp bổ sung nhằm làm tốt hơn công tác Chăm sóc SKTE. Đưa công tác chăm sóc SKTE vào tiêu chuẩn thi đua của các đơn vị.

6. Tăng cường thực hiện xã hội hoá và hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh và thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá huy động nội lực từ cộng đồng và các đối tượng tham gia hoạt động vì sức khỏe trẻ em. Tăng cường liên doanh, liên kết lắp đặt các trang thiết bị đắt tiền theo chủ trương xã hội hoá đã được UBND tỉnh cho phép; kêu gọi cổ phần hóa. Thu hút các nhà tài trợ, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để tạo nguồn lực cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và đào tạo cán bộ.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Lộ trình thực hiện Đề án.

1.1. Giai đoạn 2008 - 2010.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình y tế dự phòng đối với trẻ em, mở rộng phạm vi tiêm chủng Viêm gan B, Viêm não Nhật Bản.

- Duy trì kết quả Dự án JICA ở tất cả đơn vị đã triển khai, duy trì IMCI ở 3 huyện: Thanh Chương, Tương Dương và Diễn Châu.

- Đào tạo cập nhật kiến thức cấp cứu Nhi và chăm sóc thiết yếu sơ sinh cho tất cả các cán bộ y tế khám, chữa bệnh nhi khoa tại tuyến huyện, tối thiểu 1 cán bộ cho mỗi Trạm y tế xã. Đào tạo chuyên ngành sâu cho một số cán bộ tại Bệnh viện Nhi, nhất là cán bộ để hoàn thiện 1 một số kỹ thuật cao.

- Trang bị các TTB y tế thiết yếu cho các Trạm y tế xã, Khoa nhi/Tổ Nhi của bệnh viện đa khoa huyện và một số TTB cần thiết cho Bệnh viện Nhi.

- Hoàn thiện mạng lưới Nhi khoa tuyến cơ sở: Trạm y tế xã, thành lập khoa nhi và đơn nguyên nhi tại các Bệnh viện huyện, thành, thị xã .

- Xây dựng nhà điều trị cao tầng Bệnh viện (Quyết định số 81/2007/QĐ-UBND ngày 5/7/2007 của UBND tỉnh).

- Cải tạo khối nhà chữ U 3 tầng tại Bệnh viện Nhi; nâng số giường bệnh của Bệnh viện Nhi lên 250 giường.

1.2. Giai đoạn 2011 - 2015.

- Tiếp tục các chương trình y tế dự phòng.

- Tại Bệnh viện Nhi: Xây dựng các công trình còn lại theo quy hoạch tổng thể đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nâng số giường bệnh lên 300 giường (Theo Quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển y tế Nghệ An). Bổ sung các TTB y tế, hoàn thiện các kỹ thuật theo hướng Trung tâm y tế kỹ thuật cao về Nhi khoa của khu vực.

- Thành lập Bệnh viện Phụ sản, quy mô 200 - 300 giường bệnh.

- Tiếp tục mở rộng IMCI đến các huyện khác nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu 70% số TYT xã thực hành KCB trẻ em theo IMCI.

- Tiếp tục các chương trình đào tạo cập nhật cấp cứu nhi khoa và chăm sóc thiết yếu sơ sinh cho tuyến y tế cơ sở.

1.3. Giai đoạn sau năm 2015

- Tiếp tục củng cố về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và nâng cao chất lượng các hoạt động Chăm sóc sức khoẻ trẻ em tại cộng đồng.

- Phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, chuyên ngành, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác khám chữa bệnh cho trẻ em.

2. Trách nhiệm của các ngành và địa phương.

Sau khi Đề án được phê duyệt, giao cho Giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án:

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tiếp nhận đào tạo cán bộ chuyên ngành nhi để hoàn thiện mạng lưới theo Đề án. Đồng thời quan tâm đào tạo cán bộ chuyên sâu tuyến tỉnh để đảm bảo năng lực về chuyên môn là Trung tâm Nhi khoa kỹ thuật cao của khu vực.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch đảm bảo tính bền vững của các Chương trình /dự án liên quan đến sức khoẻ trẻ em đã được triển khai.

- Sở Y tế chủ trì. phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí nguồn ngân sách hàng năm cho công tác Chăm sóc SKTE và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thực hiện Đề án theo lộ trình và có sự ưu tiên trọng điểm trong từng giai đoạn.

- Sở Y tế chủ trì. phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương xây dựng quy hoạch các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở (lưu ý bố trí khoa Nhi).

- Sở Y tế chủ trì. phối hợp với ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. /.

 

PHỤ LỤC I: MỘT SỐ THÔNG TIN BỔ SUNG

a) Số liệu chuyên môn qua các năm tại Bệnh viện Nhi Nghệ An:

Số liệu

1985

1990

1995

2000

2005

2006

2007

Số lần khám bệnh

6389

28016

41086

40584

41748

47539

66030

Bệnh nhân nội trú

3057

4707

3551

6610

10346

13330

18167

Bệnh nhân phẫu thuật

700

1285

Không có K.Ngoại

875

2166

3199

3798

Tiêu bản xét nghiệm

25.927

112.776

83.860

150.415

238.466

336.367

372.867

b) Cơ sở vật chất tại Bệnh viện Nhi Nghệ An:

TT

Tên công trình

Số tầng

Cấp

Diện tích tầng 1 (m2)

Diện tích sàn xây dựng (m2)

1

Nhà đa khoa

3

2

1562

4688

2

Nhà mổ mới

2

2

338

700

3

Nhà mổ cũ (Khoa SS hiện nay)

2

2

261

522

4

Nhà Khoa Dược

1

4

370

570

5

Nhà Khoa Lây

1

4a

351

351

6

Nhà Khoa Chống Nhiễm khuẩn

1

4

191

191

7

Nhà chuyên gia

2

2

99

200

8

Nhà Khám và tư vấn sức khoẻ

1

4a

270

270

9

Nhà Tiết chế dinh dưỡng

1

4

117

117

Tổng Diện tích nhà T

3761

7610

c) Kết quả đào tạo IMCI do Dự án CSSK -TE và Bệnh viện Nhi thực hiện:

Đội ngũ Hướng dẫn viên và giám sát viên IMCI:

TT

Đơn vị

Hướng dẫn viên IMCI

Giám sát viên

Hướng dẫn viên NT

1

Bệnh viện Nhi

17

8

7

2

Cao đẳng Y tế

8

4

2

3

Diễn Châu

6

22

0

4

Thanh Chương

3

18

2

5

Tương Dương

2

20

0

6

TT. SKSS

2

0

0

7

TT. YTDP

1

1

0

8

Các huyện khác

10

1

0

 

Tổng

49

74

11

Các lớp học đã tổ chức:

TT

Tên lớp

Số lớp

Số học viên

1

Lớp Hướng dẫn viên

4

64

2

Lớp 11 ngày

27

440

3

Lớp 18 ngày

6

111

4

Lớp quản lý y tế

4

63

5

Lớp quản lý dược

9

144

6

Lớp giám sát viên

3

74

 

Tổng

53

896

d) Tình hình trang thiết bị cấp cứu trong tỉnh:

-

Máy thở:

6/19 (31,57%)

-

Máy tạo Oxy:

8/19 (42,1%)

-

Bình Oxy:

15/19 (78,94%)

-

Máy Khí dung:

14/19 (73,68%)

-

Máy hút đờm rãi:

14/19 (73,68%)

-

Bóp bóng:

15/19 (78,94%)

-

Bóp hút mũi:

10/19 (52,63%)

-

Máy đo HA trẻ em:

8/19 (42,1%)

e) Biên chế chuyên khoa nhi cần bổ sung cho tuyến huyện:

Bác sỹ chuyên khoa nhi mỗi huyện cần từ 2-3 người:

- 19 huyện x 2 = 38 Bs. Hiện đã có 23. còn thiếu 15 BS, 10 huyện đông dân cần 3 Bs. Như vậy tổng BS Nhi còn thiếu theo Đề án này là 25.

- Điều dưỡng Nhi hiện đã có đủ theo biên chế của B.V đa khoa huyện. Trong tương lai sẽ có đào tạo bổ sung chứng chỉ điều dưỡng nhi khoa.

f) Nhân lực cần thiết cho các TYT xã.

Bác sỹ

Y sỹ đa khoa

Y sỹ sản nhi / Nữ hộ sinh

Y sỹ YHDT

Điều dưỡng

Tổng

1

1

1

1

1

5

Hiện tại 476 xã (chưa kể các xã mới tách) đã có đủ Nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ Sản nhi, còn thiếu Bác sỹ và ác chức danh khác, tuy nhiên không thuộc phạm vi đề cập của Đề án này.

 

PHỤ LỤC II: NGÂN SÁCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN

Tuyến tỉnh (Bệnh viện Nhi Nghệ An):

TT

Nội dung

Ngân sách

Ghi chú

Giai đoạn 1: Tập trung vào TTB phẫu thuật đến năm 2010:

1.

Máy siêu âm màu với các đầu dò tim trẻ em

1.800.000.000

 

2.

Máy XQ Tăng sáng truyền hình

1.600.000.000

 

3.

Máy gây mê giúp thở

900.000.000

 

4.

Máy tim phổi nhân tạo

2.500.000.000

 

5.

Dụng cụ phẫu thuật tim (đợt 1)

500.000.000

 

6.

Bàn mổ và đèn mổ hệ thống camera

1.800.000.000

 

7.

Khu hồi sức sau mổ thang máy

2.000.000.000

 

8.

Đầu tư dụng cụ phẫu thuật 3 chuyên khoa, sơ sinh và Nội soi phẫu thuật và điều trị tích cực

15.000.000.000

 

9.

Hệ thống khí y tế

4.000.000.000

 

 

Cộng giai đoạn 1

30.100.000.000đ

 

Giai đoạn 2: Từ năm 2010.

1.

Hệ thống chụp mạch tại khu vực can thiệp tim mạch

7.000.000.000

 

2.

Đầu tư mua thiết bị cho khoa cấp cứu và bỏng

3.000.000.000

 

3.

Đầu tư mua máy xét nghiệm sinh hoá và huyết học

3.000.000.000

 

4.

Dụng cụ phẫu thuật tim (đợt 2)

1.200.000.000

 

5.

Nâng cấp trung tâm chống nhiễm khuẩn

4.000.000.000

 

6.

Dụng cụ 3 chuyên khoa và PHCN

1.000.000.000

 

7.

Cộng giai đoạn 2:

19.200.000.000đ

 

Kinh phí nâng cấp CSHT:

1.

Nhu cầu cải tạo khu nhà 3 tầng hiện có

5.000.000.000

 

2.

Nhu cầu xây dựng mới nhà cao tầng 6000m2

22.000.000.000

 

3.

Xây dựng một số nhà khác theo quy hoạch

3.000.000.000

 

 

Tổng nhu cầu xây dựng

30.000.000.000đ

 

Kinh phí đào tạo:

1.700.000.000

 

Tổng ngân sách đề xuất cho tuyến tỉnh

81.000.000.000đ

 

Tổng chi cho tuyến tỉnh (Bệnh viện Nhi) theo đề án này là 81 tỷ. Cơ cấu nguồn như sau:

+ Ngân sách tỉnh: 31 tỷ.

+ Vay ODA, theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ về ban hành quy chế, quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức: 40 tỷ

+ Xã hội hoá theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP và vay ưu đãi đầu tư (Trái phiếu Chính phủ) theo NĐ số 151/2006/NĐ-CP (Công văn số 7120/VPCP ngày 7 tháng 12 năm 2007): 10 tỷ

Tuyến cơ sở:

Danh mục kinh phí

Chi phí

Đơn vị

Số tiền

Trang thiết bị y tế

(Tổng (1) + (2): 40.710.000.000đ)

(đã có trong Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND và 3585/QĐ-UBND)

Trạm y tế xã (1)

70.000.000

473

33.110.000.000

Bệnh viện huyện (2)

400.000.000

19

7.600.000.000

Kinh phí duy trì kết quả IMCI tại 7 huyện đã triển khai (Tổng (4)+ (5)+(6): 352.600.000 đồng

3 huyện/1 đợt/năm (4)

27.600.000

3 huyện

82.800.000

4 huyện/2 đợt/năm (5)

27.600.000

4 huyện

220.800.000

Kinh phí in phiếu ghi và sổ sách 7 triệu/huyện/năm (6)

7.000.000

7 huyện

49.000.000

Kinh phí đào tạo IMCI cho các huyện còn lại (12) (Tổng (7)+(8): 1.867.152.000đ)

Huyện miền núi cao (7)

33.936.000

15 lớp

509.040.000

Huyện đồng bằng (8)

28.896.000

47 lớp

1.358.112.000

Kinh phí đào tạo Chăm sóc Thiết yếu Sơ sinh (Tổng (11): 930.600.000đ)

Tổng số (9)

15.510.000

60 lớp

930.600.000

Kinh phí đào tạo Cấp cứu Nhi khoa cơ bản (Tổng (12): 820.200.000đ)

Tổng số (10)

13.670.000

60 lớp

820.200.000

 

Ngân sách đề xuất cho tuyến cơ sở trong Đề án này

3.970.552.000đ

Trong số 3 tỷ 970 triệu nói trên dự kiến nguồn như sau:

+ Nguồn từ các dự án viện trợ: 2.5 tỷ.

+ Nguồn từ ngân sách tỉnh: 1.5 tỷ dùng cho duy trì các hoạt động đã triển khai và phát sinh khi kết thúc chương trình của nhà tài trợ trước mà chưa khai thác nhà tài trợ tiếp theo.

 

PHỤ LỤC III: CHI TIẾT DANH MỤC TRANG THIẾT BỊ THIẾT YẾU

Tên thiết bị

Tuyến

Huyện

Tỉnh

Cấp cứu đường thở

 

 

 

Đè lưỡi

+

+

+

ống thông để hút cỡ 6; 8; 10; 14 kiểu Fr (2 chiếc cho mỗi cỡ)

+

+

+

ống hút kiểu Yakauer

+

+

+

Cặp gắp Magill

+

+

+

Canuyn miệng họng (0-5) (1 - 2 chiếc cho mỗi cỡ)

+

+

+

Canuyn miệng họng (13; 16; 20; 24; 28; 30 kiểu Fr) (1- 2/loại)

+

+

+

Bình làm ẩm ô xy

 

+

+

Máy hút

+

+

+

Kim chọc dò qua màng bụng nhãn giáp

 

 

+

Bộ khám tai - mũi - họng

+

+

+

Bộ mở khí quản

 

 

+

Cấp cứu suy thở

 

 

 

Nguồn ô xy:       - Bình

+

+

+

                       - Máy tạo ô xy

 

+

 

                       - Hệ thống ô xy

 

 

+

Mặt nạ thở ô xy

 

+

ống thông mũi (thở ô xy)

 

+

+

Bóng tự phồng với túi dự trữ ô xy (cho trẻ sơ sinh,bú mẹ, trẻ nhỏ, trẻ lớn)

+

+

+

Bộ đặt ống nội khí quản (đèn đặt nội khí quản với các lưỡi đèn các kiểu (cong, thẳng) và các cỡ (dùng cho trẻ sơ sinh,bú mẹ, trẻ nhỏ, trẻ lớn)

 

+

+

ống nội khí quản - ống không có bóng chèn cỡ từ 2,5- 8,5 (2 chiếc cho mỗi cỡ)

 

+

+

ống thông hút dịch nội khí quản

 

+

+

Máy khí dung

 

+

+

Bộ kim chọc dò màng phổi (Kim chọc dò có nòng, bơm tiêm 20ml)

 

+

+

Bộ mở dãn lưu màng phổi (Bao gồm cả ống thông dẫn lưu)

 

+

+

Bộ máy nội soi khí phế quản (Có kim gắp dị vật)

 

 

+

Hệ thống CPAP

 

+

+

Máy thở

 

 

+

Kim tiêm truyền (Kim bướm, kim luồn các cỡ)

+

+

+

Bộ dây truyền tĩnh mạch

+

+

+

Bộ đặt và đo áp lực tĩnh mạch trung ương và các cỡ kim chọc 5; 10; 11 (2 chiếc cho mỗi cỡ)

 

 

+

Bộ bộc lộ tĩnh mạch

 

+

+

Bộ đặt tĩnh mạch rốn

 

+

+

Kim chọc trong xương

+

+

+

Bộ đặt kim luồn động mạch

 

 

+

Bộ dây truyền với các bộ phận kéo dài với hệ thống chạc 3

 

±

+

Bơm tiêm các loại

+

+

+

Máy tiêm

 

±

+

Máy truyền

 

 

+

ống nghe

+

+

+

Nhiệt kế

+

+

+

Máy đo huyết áp (các cỡ cho trẻ sơ sinh, bú mẹ, trẻnhỏ, trẻ lớn)

+

+

+

Máy sốc điện

 

+

+

Máy đo độ bão hoà ô xy, mạch (Pulse oximeter)

 

±

+

Máy monitor đa chỉ số (mạch, nhiệt độ, huyết áp, độbão hoà ô xy)

 

 

+

Ván cứng đề ép tim ngoài lồng ngực

+

+

+

Máy điện tâm đồ

 

+

+

Máy siêu âm

 

+

+

Băng các loại

+

+

+

Cấp cứu hệ thần kinh

 

 

 

Kim chọc dò ống sống các loại (có ống nòng)

 

+

+

Đèn soi đáy mắt

 

+

+

Búa phản xạ

+

+

+

cấp cứu đường tiêu hoá

 

 

 

ống thông để hút miệng - họng

+

+

+

ống thông dạ dày các cỡ

+

+

+

Bộ rửa dạ dày (bơm tiêm 50ml. bình đựng có chia vạch, ống thông kiểu Faucher và phễu)

+

+

+

ống thông Balkemore

 

 

+

Cấp cứu đường tiết niệu

 

 

 

ống thông niệu đạo - bàng quang

 

+

+

Túi đựng nước tiểu

 

+

+

Dụng cụ chọc dò bàng quang kiểu Cystocath

 

+

+

Cấp cứu chấn thương

 

 

 

Nẹp cố định các cỡ

+

+

+

Túi cát (có định đầu, cổ cho các lứa tuổi)

+

+

+

Nẹp cố định chân tay các cỡ

+

+

+

Băng quấn, băng chun giãn

+

+

+

Phương tiện lấy bệnh phẩm xét nghiệm cấp

 

 

 

Bơm, kim tiêm các cỡ

+

+

+

Bông, gạc sạch vô khuẩn

 

+

+

Công 70, Betadin

 

+

+

ống cấy vi khuẩn

 

 

+

ống lấy khí máu động mạch

 

 

+

Máy định lượng Glucoza và giấy thấm (Glucometer và test trip)

 

±

+

Các trang thiết bị khác

 

 

 

Phương tiện bảo hộ (mũ, khẩu trang, kính. túi bọc, giày dép, găng tay vô khuẩn)

+

+

+

Khăn mổ vô khuẩn có lỗ, không có lỗ

 

+

+

Hoá chất sát khuẩn (Cồn 70; Betadin)

+

+

+

Bông, gạc vô khuẩn

+

+

+

Đèn chiếu sáng

+

+

+

Phương tiện sưởi ấm (ðèn, túi chườm, điều hoà)

+

+

+

Phương tiện vận chuyển

+

+

+

Điện thoại

+

+

+