UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2018/QĐ-UBND | Quảng Bình, ngày 30 tháng 5 năm 2018 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 64/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ về quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;
Theo đề nghị của Sở Ngoại vụ tại Công văn số 351/SNgV-LS-NVNONN ngày 24 tháng 4 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục quyết định việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng khác sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phối hợp quản lý các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10/6/2018 và thay thế Quyết định số 24/2012/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý đoàn ra, đoàn vào tỉnh Quảng Bình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH VIỆC RA NƯỚC NGOÀI CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC; CƠ CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI ĐẾN THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14 /2018/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
Quy định này quy định thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh trong quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, việc ra nước ngoài của các đối tượng khác sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phối hợp quản lý các tổ chức, cá nhân nước ngoài đến thăm và làm việc trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
1. Các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Cán bộ, công chức, viên chức, những người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc tại các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Các đối tượng không thuộc Khoản 2 Điều này đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài và cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đến thăm và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến công tác quản lý và thực hiện việc cử đoàn ra, cho phép đi nước ngoài vì việc riêng và tổ chức đón đoàn vào thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các từ ngữ và khái niệm trong Quy định này được hiểu như sau:
“Các cơ quan khối Đảng” bao gồm các ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; các đảng ủy khối; Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
“Các cơ quan thuộc hệ thống Hội đồng nhân dân tỉnh” bao gồm các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh.
“Các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh” bao gồm các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương cấp tỉnh đóng trên địa bàn.
“Các tổ chức nhân dân cấp tỉnh” bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức quần chúng cấp tỉnh ngoài các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.
“Các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh” bao gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh.
“Đoàn ra” là các đoàn, cá nhân cán bộ, công chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc tại các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh được cử đi nước ngoài và các đối tượng khác được cử đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước hoặc tham gia đoàn do UBND tỉnh tổ chức.
“Đi nước ngoài vì việc riêng” là việc cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc tại các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh đi nước ngoài vì mục đích cá nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước.
“Đoàn vào” là các đoàn cơ quan, tổ chức nước ngoài và cá nhân mang quốc tịch nước ngoài đến thăm và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh.
THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH ĐOÀN RA, CHO PHÉP ĐI NƯỚC NGOÀI VÌ VIỆC RIÊNG VÀ ĐOÀN VÀO
Điều 4. Thẩm quyền quyết định đoàn ra và cho phép đi nước ngoài vì việc riêng
1. Trên cơ sở Kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) đã được phê duyệt và các trường hợp phát sinh thuộc thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định:
a) Cử đi công tác, đào tạo ở nước ngoài và cho phép đi nước ngoài vì việc riêng đối với các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên công tác tại các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh; thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh; các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Thường trực Tỉnh ủy quản lý tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.
b) Cử đi công tác, đào tạo ở nước ngoài đối với các đối tượng là cấp phó các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý và các đối tượng được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 2, trừ các trường hợp nêu tại điểm a Khoản 1 Điều này và các đối tượng làm việc tại các cơ quan Trung ương cấp tỉnh đóng trên địa bàn. Trường hợp đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.
c) Cử đi công tác nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác trong các cơ quan khối Đảng, cơ quan thuộc hệ thống Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia đoàn do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy hoặc Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh.
d) Cử các đoàn đi công tác nước ngoài mang danh nghĩa chung của tỉnh sau khi có ý kiến của các cấp có thẩm quyền liên quan.
đ) Cử đi nước ngoài đối với các đồng chí đã nghỉ hưu nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đối tượng khác có sử dụng ngân sách nhà nước.
e) Cho phép đi nước ngoài vì việc riêng đối với cấp phó các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh, trừ các cơ quan Trung ương cấp tỉnh đóng trên địa bàn, sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.
g) Cho phép đi nước ngoài vì việc riêng đối với các đối tượng thuộc diện Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc đi nước ngoài vì việc riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác thuộc diện cấp mình quản lý.
Điều 5. Thẩm quyền quyết định đoàn vào
1. Trên cơ sở Kế hoạch đã được phê duyệt và các trường hợp phát sinh thuộc thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định:
a) Mời các đoàn cấp Tỉnh trưởng của tỉnh Khăm Muộn, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt và các tỉnh của Lào, Thái Lan trong Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12 đến thăm và làm việc tại tỉnh sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy.
b) Mời các đoàn cấp Bộ trưởng, Tỉnh trưởng hoặc tương đương trở lên của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế, trừ các trường hợp nêu tại điểm a Khoản 1 Điều này đến thăm và làm việc tại tỉnh sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy và Thủ tướng Chính phủ.
c) Mời các đoàn cấp Thứ trưởng, Phó Tỉnh trưởng và tương đương của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc.
d) Cho chủ trương để thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh mời các đoàn cấp tương đương đơn vị, địa phương mình trở xuống của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc.
đ) Cho phép đoàn vào tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, khảo sát, nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học trên địa bàn tỉnh; chuyên gia, người nước ngoài vào làm việc với các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Ngoại vụ quyết định cho phép đoàn vào của các tổ chức phi chính phủ, đoàn vào hoạt động liên quan đến các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trường hợp cần thiết, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định mời đoàn cấp tương đương trở xuống trong Kế hoạch; cho phép đoàn vào liên quan đến chương trình, dự án ODA, FDI và các chương trình hợp tác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trường hợp cần thiết, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho ý kiến.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC QUYẾT ĐỊNH ĐOÀN RA, CHO PHÉP ĐI NƯỚC NGOÀI VÌ VIỆC RIÊNG VÀ ĐOÀN VÀO
Điều 6. Trình tự quyết định đoàn ra
1. Cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh có đối tượng đi nước ngoài gửi hồ sơ đến Sở Ngoại vụ, Sở Ngoại vụ thẩm định và có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét:
a) Quyết định cử đi nước ngoài đối với những đoàn thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Cho ý kiến để Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy đối với các đoàn phải xin ý kiến. Sau khi có ý kiến đồng ý, Sở Ngoại vụ tham mưu quyết định cử cán bộ đi nước ngoài trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đi công tác nước ngoài, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy; sau khi có ý kiến đồng ý, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Sở Ngoại vụ tham mưu quyết định cử đi công tác nước ngoài trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Trường hợp cấp có thẩm quyền không đồng ý cử đoàn ra, Sở Ngoại vụ thông báo bằng văn bản cho cơ quan đề nghị biết.
Điều 7. Hồ sơ đoàn ra và thời hạn giải quyết
1. Các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Ngoại vụ 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cử đoàn ra gồm:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan, nội dung nêu rõ mục đích, chương trình, thành phần, thời gian, nước đến, nguồn kinh phí và các nội dung liên quan khác theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo. Trường hợp sử dụng kinh phí từ ngân sách tỉnh thì phải có dự toán kèm theo.
b) Danh sách trích ngang của người được cử đi nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo.
c) Tài liệu chứng minh mục đích xuất cảnh như giấy mời, hợp đồng, biên bản thỏa thuận, các giấy tờ liên quan khác.
d) Văn bản của Sở Nội vụ đối với người được cử đi đào tạo sau đại học hoặc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài trên 03 (ba) tháng.
2. Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết tối đa 15 (mười lăm) ngày, cụ thể: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Ngoại vụ có văn bản gửi cơ quan liên quan xin ý kiến hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định (trường hợp phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan khác, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Sở Ngoại vụ, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, quá thời hạn nêu trên, nếu không có văn bản trả lời thì xem như đồng ý). Trong vòng 06 (sáu) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Đối với trường hợp phải xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy hoặc Bí thư Tỉnh ủy hoặc Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thời hạn xem xét, cho ý kiến là 03 (ba) ngày.
Điều 8. Trình tự cho phép đi nước ngoài vì việc riêng
1. Đối với các đối tượng được quy định tại điểm a và điểm e Khoản 1 Điều 4, cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh gửi hồ sơ đến Sở Ngoại vụ thẩm định để xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ tham mưu xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Sở Ngoại vụ tham mưu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Đối với các đối tượng được quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 4, cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh gửi hồ sơ đến Sở Ngoại vụ thẩm định để xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về chủ trương. Sau khi có ý kiến đồng ý, Sở Ngoại vụ thông báo bằng văn bản đến cơ quan đề nghị.
3. Đối với các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 4: Thủ trưởng cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi giải quyết cho đi nước ngoài vì việc riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác thuộc diện cấp mình quản lý, thông báo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ để theo dõi, quản lý.
Điều 9. Hồ sơ xin phép đi nước ngoài vì việc riêng và thời hạn giải quyết
1. Hồ sơ
a) Đối với các đối tượng được quy định tại điểm a, e và g Khoản 1 Điều 4, các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Ngoại vụ 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định cho phép đi nước ngoài vì việc riêng, gồm:
- Văn bản đề nghị của cơ quan nêu rõ mục đích, thời gian, nước đến, nguồn kinh phí và các nội dung liên quan khác theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo.
- Đơn xin phép đi nước ngoài vì việc riêng.
b) Đối với các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 4:
Đơn xin phép đi nước ngoài vì việc riêng.
2. Thời hạn giải quyết
a) Đối với các đối tượng được quy định tại điểm a và điểm e Khoản 1 Điều 4, thời hạn giải quyết tối đa 06 (sáu) ngày, cụ thể: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Ngoại vụ tham mưu văn bản báo cáo xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Đối với trường hợp phải xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, thời hạn xem xét, cho ý kiến thực hiện theo quy chế làm việc của đơn vị.
b) Đối với các đối tượng được quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 4, thời hạn giải quyết tối đa là 06 (sáu) ngày, cụ thể: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Ngoại vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
c) Đối với các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 4, thời hạn giải quyết tối đa là 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đơn xin phép đi nước ngoài vì việc riêng.
Điều 10. Trình tự quyết định đoàn vào
1. Đối với đoàn cấp Tỉnh trưởng các tỉnh của Lào, Thái Lan trong Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8 và đường 12, Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện.
2. Đối với đoàn cấp Bộ trưởng, Tỉnh trưởng hoặc tương đương trở lên của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế (trừ các trường hợp nêu tại Khoản 1 Điều này), Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy. Sau khi có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện.
3. Đối với đoàn cấp Thứ trưởng, Phó Tỉnh trưởng và tương đương của các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh, Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo, xin ý kiến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để triển khai thực hiện.
4. Đối với đoàn cấp tương đương cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh trở xuống ngoài Kế hoạch, cơ quan mời đoàn vào gửi hồ sơ đến Sở Ngoại vụ, Sở Ngoại vụ có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp đoàn vào liên quan đến nhiều đơn vị, không có đơn vị chủ trì đón tiếp, Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Đối với các cơ quan Trung ương cấp tỉnh đóng trên địa bàn, sau khi có quyết định của cơ quan cấp trên cho phép đón đoàn vào, báo cáo kế hoạch làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng gửi thông báo Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh để theo dõi, quản lý.
5. Đối với đoàn vào của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đoàn vào hoạt động liên quan đến các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài tài trợ hoặc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh gửi hồ sơ đến Sở Ngoại vụ, Sở Ngoại vụ có văn bản trả lời. Trường hợp cần thiết, Sở Ngoại vụ có văn bản lấy ý kiến của các cơ quan liên quan để xem xét, quyết định hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 11. Hồ sơ đoàn vào và thời hạn giải quyết
1. Các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Ngoại vụ 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định việc mời đoàn đến thăm và làm việc, gồm:
a) Văn bản đề nghị của các cơ quan nội dung nêu rõ mục đích, thành phần, thông tin về tổ chức, cá nhân người nước ngoài, chương trình hoạt động tại tỉnh và các nội dung liên quan khác theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo. Trường hợp sử dụng kinh phí từ ngân sách tỉnh thì phải có dự toán kinh phí kèm theo.
b) Các thỏa thuận, biên bản, văn bản, giấy tờ liên quan đến chuyến thăm và làm việc của đoàn.
c) Đối với đoàn đề nghị hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực nhập cảnh, cơ quan đón đoàn vào cung cấp thông tin xin cấp thị thực theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo.
2. Thời hạn giải quyết
Thời hạn giải quyết tối đa 15 (mười lăm) ngày, cụ thể: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Ngoại vụ có văn bản gửi cơ quan liên quan xin ý kiến hoặc trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Trường hợp phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan khác, trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Sở Ngoại vụ, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; quá thời hạn nêu trên, nếu không có văn bản trả lời thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong vòng 06 (sáu) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Đối với trường hợp phải xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, thời hạn xem xét, cho ý kiến là 03 (ba) ngày.
CƠ CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ ĐOÀN RA, CHO PHÉP ĐI NƯỚC NGOÀI VÌ VIỆC RIÊNG VÀ ĐOÀN VÀO
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Ngoại vụ
1. Là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị cử đoàn ra và đón đoàn vào.
2. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý đoàn ra, đoàn vào đúng mục đích, có hiệu quả nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế của tỉnh, phù hợp với chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Kịp thời báo cáo, xin ý kiến Bộ Ngoại giao và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp nảy sinh trong quá trình tổ chức đoàn ra và đón đoàn vào.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các đoàn ra thông tin cơ bản về tình hình kinh tế, xã hội, phong tục tập quán, lễ nghi của nước đến; hướng dẫn thủ tục cấp hộ chiếu và thị thực cho đoàn.
4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp tình hình và tranh thủ ý kiến các vấn đề liên quan đến nhân sự (nếu có) nhằm làm tốt công tác tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc cử đoàn ra và đón đoàn vào.
5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng trình cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề về lãnh sự phát sinh liên quan đến đoàn vào.
6. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đón tiếp đoàn vào đúng quy định về lễ tân ngoại giao; trao đổi về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế để chủ động trong đón tiếp và làm việc; hướng dẫn thủ tục xin cấp thị thực cho đoàn vào.
7. Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị chương trình, nội dung, các thủ tục xuất cảnh cho các đoàn ra do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức. Liên hệ, thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Ngoại giao về nội dung, chương trình hoạt động của các đoàn lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài.
8. Phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương, đơn vị liên quan quản lý, tạo điều kiện cho người nước ngoài trong thời gian cư trú và làm việc tại tỉnh.
9. Theo dõi, đôn đốc thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh và các trưởng đoàn đi công tác nước ngoài báo cáo nội dung, kết quả đoàn ra, đoàn vào; tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan.
Điều 13. Trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
1. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ đoàn ra, đoàn vào trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
2. Báo cáo, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết hồ sơ đi nước ngoài vì việc riêng đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 14. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý đoàn ra, đoàn vào.
2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan đón đoàn vào, Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo pháp luật và thông lệ quốc tế khi phát hiện trường hợp đoàn vào có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
3. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và cơ quan đón đoàn vào trong việc quản lý hoạt động của các đoàn vào. Xem xét, giải quyết việc gia hạn, bổ sung, sửa đổi thị thực, chứng nhận tạm trú, cấp giấy phép vào khu vực biên giới của người nước ngoài.
Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu trong việc quản lý đoàn ra, đoàn vào; làm thủ tục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu cho đoàn ra, đoàn vào đảm bảo chặt chẽ, nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định của pháp luật.
Điều 16. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự toán kinh phí hàng năm phục vụ hoạt động đối ngoại trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại của tỉnh.
2. Căn cứ các quy định của Bộ Tài chính về tiêu chuẩn và chế độ chi tiêu, xem xét trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí cho các đơn vị để tổ chức đoàn ra và tiếp đón đoàn vào.
3. Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách của các cơ quan, đơn vị phục vụ tổ chức đoàn ra và đón tiếp đoàn vào đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
4. Tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh phí đoàn ra, đoàn vào.
Điều 17. Trách nhiệm của Sở Nội vụ
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, thẩm định hồ sơ, có ý kiến bằng văn bản về việc đề nghị cử cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác có sử dụng ngân sách nhà nước đi đào tạo sau đại học hoặc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài trên 03 (ba) tháng.
1. Chủ động lập Kế hoạch hoạt động đối ngoại gửi Sở Ngoại vụ trước ngày 10 tháng 9 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
2. Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và các nội dung liên quan đến đoàn ra, đoàn vào trình cấp có thẩm quyền quyết định.
3. Thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy tổ chức cơ sở đảng cơ quan mình chọn, cử người đi nước ngoài đúng tiêu chuẩn, yêu cầu nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép đi nước ngoài hoặc cho phép đi nước ngoài thuộc thẩm quyền. Thông báo cho Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh việc cho phép cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác đi nước ngoài thuộc thẩm quyền.
4. Thông báo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan danh sách, chương trình, nội dung, thời gian, địa điểm làm việc của đoàn vào; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức cho người nước ngoài thực hiện các thủ tục về nhập, xuất cảnh, làm việc, cư trú tại Việt Nam và quản lý người nước ngoài trong thời gian hoạt động tại tỉnh theo quy định của pháp luật, đảm bảo yêu cầu đối ngoại, lợi ích quốc gia. Trước, trong quá trình đón tiếp và làm việc, nếu phát hiện có vấn đề phức tạp nảy sinh phải kịp thời thông báo cho Sở Ngoại vụ và Công an tỉnh biết để phối hợp xử lý.
5. Trường hợp đoàn vào có các hoạt động ngoài chương trình, phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và chỉ được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền đã đồng ý, đồng thời thông báo cho Công an tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan biết để quản lý và phối hợp thực hiện. Đối với những đoàn vào đột xuất cần phải giải quyết gấp, cơ quan đón tiếp không kịp báo cáo xin ý kiến theo quy định, phải báo cáo bằng văn bản cho Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh biết trong thời gian sớm nhất; chịu trách nhiệm về việc triển khai hoạt động và báo cáo kết quả về Sở Ngoại vụ.
6. Theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch cử đoàn ra và đón tiếp đoàn vào.
7. Sau khi kết thúc chuyến công tác ở nước ngoài hoặc làm việc với khách nước ngoài, trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc, trưởng đoàn đi công tác nước ngoài hoặc cá nhân (nếu đi riêng lẻ), thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có khách đến thăm và làm việc báo cáo kết quả làm việc cho Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Ngoại vụ để theo dõi, quản lý.
Điều 19. Trách nhiệm của người được cử hoặc cho phép đi nước ngoài
1. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và nước đến. Đối với đảng viên phải chấp hành các quy định về nhiệm vụ của đảng viên khi ra nước ngoài; báo cáo cấp ủy quản lý trực tiếp của mình về mục đích, nhiệm vụ, nội dung, thời gian ra nước ngoài trước chuyến đi, khi về nước phải báo cáo kết quả chuyến đi.
2. Cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng khác được cấp giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, của tỉnh về việc quản lý và sử dụng các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh.
Điều 20. Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 21. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh bổ sung./.
- 1 Quyết định 14/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2 Quyết định 31/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 3 Quyết định 39/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4 Nghị định 94/2015/NĐ-CP sửa đổi một số điều về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kèm theo Nghị định 136/2007/NĐ-CP
- 5 Nghị định 64/2015/NĐ-CP quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
- 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8 Quyết định 70/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công, viên chức trong cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế
- 9 Nghị định 136/2007/NĐ-CP Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam
- 1 Quyết định 24/2012/QĐ-UBND về Quy chế quản lý đoàn ra, vào tỉnh Quảng Bình
- 2 Quyết định 70/2014/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công, viên chức trong cơ quan, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế
- 3 Quyết định 39/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4 Quyết định 31/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 5 Quyết định 14/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
- 6 Quyết định 40/2020/QĐ-UBND về Quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn