Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2023/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 3 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 18615/TTr-SXD-QLCLXD ngày 30 tháng 12 năm 2022, Báo cáo kết quả thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp tại Văn bản số 6561/BC-STP-VB ngày 23 tháng 12 năm 2022 và Công văn bổ sung số 1832/SXD-QLCLXD ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Sở Xây dựng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định

Quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong sử dụng công trình, nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 3 năm 2023.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- BCĐ Phòng thủ dân sự Quốc gia;
- BCĐ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai;
- UBQG Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN;
- Bộ Xây dựng;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Vụ Pháp chế Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục KTVB QPPL (Bộ Tư pháp);
- Tổng cục Phòng, chống thiên tai;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- UB MTTQVN Thành phố và các Đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các Ban Hội đồng nhân dân Thành phố;
- Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân Thành phố;
- Bộ Tư lệnh Thành phố;
- Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố;
- Đài Truyền hình Thành phố;
- Sở Tư pháp (Phòng kiểm tra văn bản);
- VPUB: các PCVP;
- Phòng ĐT;
- Trung tâm công báo;
- Lưu: VT, (ĐT-B).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Xuân Cường

 

QUY ĐỊNH

CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND ngày 13 tháng 3 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai của hộ gia đình, cá nhân trong việc sử dụng công trình, nhà ở trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở; các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

2. Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.

3. Chủ sở hữu công trình, nhà ở là cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu công trình theo quy định của pháp luật.

4. Người quản lý, sử dụng công trình là chủ sở hữu trong trường hợp chủ sở hữu trực tiếp quản lý, sử dụng công trình hoặc là người được chủ sở hữu công trình ủy quyền quản lý, sử dụng công trình trong trường hợp chủ sở hữu không trực tiếp quản lý, sử dụng công trình hoặc là người quản lý, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với công trình, nhà ở là những công việc nhằm bảo đảm, duy trì tính ổn định của công trình, nhà ở trước, trong và sau thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và không làm gia tăng nguy cơ rủi ro khi có thiên tai mới.

Điều 3. Nguyên tắc sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai

1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định hiện hành về công tác phòng, chống thiên tai.

2. Trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành công trình, nhà ở không làm gia tăng rủi ro thiên tai và xuất hiện rủi ro thiên tai mới.

3. Phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả sự cố công trình, nhà ở và các hoạt động gia tăng rủi ro thiên tai.

4. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiên tai phù hợp để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

5. Đảm bảo an toàn về người, trang thiết bị, an toàn công trình và khu vực lân cận do tác động của việc quản lý, sử dụng công trình, nhà ở.

Chương II

TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở

Điều 4. Tiêu chí chung về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai của công trình, nhà ở

1. Yêu cầu đảm bảo phòng, chống thiên tai của công trình, nhà ở khi xây dựng mới trong các vùng ảnh hưởng thiên tai

a) Đối với vùng ảnh hưởng bão, lũ lụt, dông lốc, sạt lở đất: công trình, nhà ở phải được thiết kế chịu được lực gây ra do gió mạnh, lốc xoáy, có thể chịu được các lực nhất định do dòng chảy hoặc áp lực nước gây ra, kết cấu hệ thống sàn nhà làm bằng khung bê tông cốt thép hoặc khung thép tiền chế, có bao che kín đáo bằng xây gạch hoặc bằng vật liệu kiên cố có sẵn tại chỗ, mái bê tông, lợp ngói hoặc các loại vật liệu phù hợp với địa phương, đảm bảo an toàn hoạt động bình thường trong các tình huống thiên tai (bão, lũ lụt, dông lốc và thiên tai khác) xảy ra.

b) Đối với vùng ven biển: chịu ảnh hưởng bão, triều cường, nước biển dâng, sóng lớn phải đảm bảo yêu cầu công trình chống được ngập lụt khi mực nước triều dâng theo các kịch bản quốc gia quy định.

c) Đối với khu vực bị sạt lở bờ sông, bờ biển: cần có dải kè bờ sông, bờ biển, trồng cây xanh để tránh sạt lở đất.

d) Đối với khu vực chịu ảnh hưởng lũ, ngập lụt: công trình có cao độ tôn nền khống chế tối thiểu khu vực xây dựng công trình phải cao hơn mực nước ngập lụt cao nhất (hmax).

e) Đối với khu vực có nguy cơ xảy ra động đất: công trình từ cấp 2 trở lên phải thiết kế kháng chấn với cấp động đất cực đại ở địa điểm xây dựng được xác định theo bản đồ phân vùng động đất (Phụ lục 2.3 trong QCXDVN tập 3) và hiệu chỉnh theo điều kiện nền đất tại địa điểm đó.

2. Yêu cầu trong thiết kế, xây dựng công trình, nhà ở bị ảnh hưởng cao trong vùng bão

a) Cần xây kiên cố theo các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành.

b) Yêu cầu chung: giải pháp ưu tiên thiết kế nhà khung, sàn, trần bằng bê tông cốt thép, mái tôn (nên có tường chắn mái); đảm bảo liên kết vì kèo với hệ kết cấu chịu lực (hệ khung, cột, tường chịu lực), xà gồ với vì kèo và vật liệu mái với xà gồ.

c) Về kiến trúc: khuyến cáo thiết kế mặt bằng nhà đơn giản, chiều dài nhà lớn không quá 3 lần chiều rộng, trong nhà nên có một gian kiên cố có thể làm nơi trú ẩn khi bão xảy ra, làm mái hiên ngắn, trần nhà để giảm tốc mái.

d) Về lựa chọn địa hình xây dựng: lợi dụng địa hình sau các gò đồi, cồn cát, sau các hàng cây để giảm tác động của gió bão cho nhà và công trình; nhà nên bố trí thành cụm, so le nhau, trồng thêm cây cản gió.

e) Các thiết bị lắp đặt trên mái, trên tường công trình, nhà ở (bồn nước, máy điều hòa nhiệt độ ...) được lắp đặt theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo chắc chắn, an toàn và ổn định. Vị trí lắp đặt không quá gần mép lan can, mép mái, phía dưới không có nhiều người qua lại. Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà khi triển khai lắp đặt phải tuân thủ theo những quy định của pháp luật hiện hành.

f) Khuôn viên xung quanh công trình, nhà ở không trồng cây quá cao sát nhà; những cây có khả năng gãy đổ ảnh hưởng đến nhà ở, công trình phải được chặt hạ, tỉa cành.

g) Dây dẫn điện bên ngoài hoặc bên trong công trình, nhà ở phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn và cách điện.

h) Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn.

i) Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong ngôi nhà.

Điều 5. Tiêu chí về công tác chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện phòng, chống thiên tai công trình, nhà ở khi có nguy cơ thiên tai

1. Các đồ dùng cần thiết như đèn pin, điện thoại, đài radio, pin, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không bị hư hỏng.

2. Chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm và nước uống sạch (đựng vào các chai có nắp đậy kín), thuốc chữa bệnh, đồ dùng thiết yếu đủ dùng cho gia đình trong thời gian từ 03 đến 07 ngày để phòng khi phải di dời tránh bão, lũ thì có thể mang theo hoặc khi bị mưa, bão, lũ, sạt lở gây chia cắt, cô lập có thể tạm sử dụng trong khi chờ ứng cứu.

3. Chủ động bảo quản, sơ tán các thiết bị, tài sản, cất giữ vào nơi khô ráo, an toàn. Kê mọi thứ trong nhà lên cao, nhất là các vật dụng có điện để nước không ngấm vào trong nếu nước lụt tràn vào nhà; lắp đặt thiết bị đóng ngắt tự động cho nguồn điện chính của công trình đảm bảo an toàn điện khi có sự cố thiên tai xảy ra.

4. Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi, gia cố công trình, nhà ở, làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà.

5. Bếp gas, bình gas phải được kiểm tra để tránh nguy cơ chập, cháy, rò rỉ khí gas trong và sau thiên tai (bão, lũ lụt và thiên tai khác).

Điều 6. Tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong xây dựng, vận hành và sử dụng công trình, nhà ở

1. Đối với công trình, nhà ở trong giai đoạn đầu tư xây dựng

a) Các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, động đất (khu vực lòng, ven sông, suối; khu vực có địa hình, địa chất không an toàn đã được cơ quan có thẩm quyền xác định, khuyến cáo): không được xây dựng công trình, nhà ở.

b) Các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt: công trình, nhà ở phải được thiết kế xây dựng theo tiêu chí nhà kiên cố hoặc bán kiên cố, có thể chịu được các lực nhất định do dòng chảy hoặc áp lực nước gây ra. Bảo đảm sàn nhà sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng (theo quan trắc hoặc theo dõi trong vòng từ 05 năm trở lên).

c) Đối với công trình, nhà ở đang thi công xây dựng: phải lập và thực hiện biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình và các công trình lân cận (đặc biệt là đối với các công trình xây dựng có sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trên công trình xây dựng như cần trục tháp, vận thăng, xe cẩu, giàn giáo và các thiết bị làm việc trên cao trong mùa mưa bão).

d) Các khu vực thường xuyên xảy ra sét: công trình, nhà ở phải lắp đặt hệ thống chống sét theo đúng các quy định hiện hành.

2. Đối với công trình, nhà ở hiện hữu

a) Các tiêu chí áp dụng trước khi xảy ra thiên tai:

Thường xuyên kiểm tra biến dạng kết cấu chịu lực chính của công trình, nhà ở (đặc biệt đối với công trình dân dụng như nhà, kết cấu dạng nhà; công trình nhiều tầng có sàn; công trình có kết cấu nhịp lớn dạng khung) có cấp công trình là cấp I trở lên phải tổ chức quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 15/2021/TT-BXD ngày 25 tháng 8 năm 2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ; kiểm tra hệ thống điện và đánh giá chất lượng kết cấu, mức độ chịu lực của mái, mức độ an toàn của công trình, bộ phận công trình, nhà ở để kịp thời sửa chữa, khắc phục, có biện pháp gia cố, chằng chống, đồng thời cắt, tỉa cây xanh để bảo đảm an toàn khi xảy ra các loại hình thiên tai như bão, lốc, sét ... (đặc biệt là nhà ở, công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, mái lá, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn pano, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao).

Hệ thống tiêu thoát nước của công trình, nhà ở: định kỳ tổ chức nạo vét, xử lý tắc nghẽn, khơi thông hệ thống thoát nước xung quanh khu vực nhà ở, công trình, đảm bảo chức năng chống ngập úng khi mưa, lũ.

Có phương án sơ tán người, tài sản khi xảy ra thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương án “4 tại chỗ”, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Công trình, nhà ở tại khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra thiên tai cao phải có nơi cất giữ các vật dụng dự phòng cần thiết như lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống, đèn pin, sạc dự phòng, điện thoại, radio, giấy tờ tùy thân để đề phòng thiên tai có quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài.

Kiểm tra việc đóng khóa cửa chính và cửa sổ, bảo đảm không bị gió giật.

Kiểm tra khung cửa sổ và kính cửa, đảm bảo không bị hư hỏng hoặc hở, không có khe hở cho gió lùa vào.

Đối với công trình nhà ở có lắp đặt tháp (trụ) viễn thông: lập kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình theo chu kỳ nhằm sớm phát hiện các hư hỏng, nguy cơ gây sụp đổ ảnh hưởng đến công trình nhà ở và các công trình lân cận; để có biện pháp tổ chức sửa chữa, cải tạo, gia cố và khắc phục hư hỏng đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão; có kế hoạch tháo dỡ hoặc di dời công trình khi kết quả kiểm định chất lượng công trình xác định công trình không đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng.

b) Các tiêu chí áp dụng khi có thiên tai xảy ra:

Tuyệt đối tuân thủ và thực hiện nghiêm các yêu cầu liên quan đến phòng, chống thiên tai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Không sử dụng các thiết bị có nguồn năng lượng từ gas hoặc điện; tuyệt đối tránh xa nguồn điện khi thiên tai đang diễn ra. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được sử dụng các thiết bị điện có nguồn năng lượng từ nguồn điện sạc dự phòng hoặc pin.

Di chuyển trang thiết bị, máy móc, lương thực, hàng hóa và các vật dụng cần thiết khác tới nơi cao, an toàn.

Hạn chế ra ngoài và không để người cao tuổi, trẻ em hoặc người tàn tật đi ra bên ngoài công trình, nhà ở hoặc nơi trú ẩn để phòng tránh các tai nạn nguy hiểm do thiên tai gây ra.

c) Các tiêu chí áp dụng sau khi thiên tai xảy ra:

Chỉ được ra khỏi nhà và di chuyển đến địa điểm khác hoặc ra khỏi nơi trú ẩn và trở về nhà sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo và xác nhận tình hình đã an toàn và cho phép di chuyển.

Kiểm tra mức độ đảm bảo an toàn, chắc chắn để tránh khả năng bị đổ sập của công trình, nhà ở.

Chỉ sử dụng lại các thiết bị điện và bếp gas sau khi đã kiểm tra và bảo đảm van ga, cầu dao điện, đường dây điện trong công trình, nhà ở đều an toàn, không bị hở, rò rỉ.

Kiểm tra mức độ an toàn, đảm bảo sử dụng của nước máy hoặc nguồn nước ăn uống dự trữ có tại công trình, nhà ở trước khi sử dụng.

Khẩn trương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh các khu vực xung quanh và bên trong nhà ở, công trình để tránh ô nhiễm môi trường.

Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng, sở hữu công trình, nhà ở; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình, nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố

a) Tổ chức thực hiện các nội dung áp dụng theo Quy định này.

b) Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn về cách phòng, chống trước, trong và sau thiên tai và biện pháp gia cố nhà ở an toàn khi có bão, lũ được đăng tải và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Xây dựng công trình tuân thủ theo quy chuẩn, quy định về xây dựng nhà ở, công trình phòng, chống thiên tai theo quy định.

d) Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai và biện pháp hướng dẫn phòng, chống, ứng phó trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh, ...), trên các ứng dụng của điện thoại di động, qua tin nhắn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các trang web của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (địa chỉ: http://www.kttv-nb.org.vn) và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố (địa chỉ: e) Thường xuyên kiểm tra công trình, nhà ở đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong phạm vi trách nhiệm của mình. Đối với các công trình, nhà ở bán kiên cố, xuống cấp, nguy hiểm, hộ gia đình, cá nhân, người quản lý, sử dụng phải định kỳ kiểm tra, có phương án và kế hoạch sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cho người sử dụng; xây dựng phương án sơ tán thành viên hộ gia đình ra khỏi công trình, nhà ở có nguy cơ sụp đổ do mưa bão đến nơi an toàn khi cần thiết.

f) Chuẩn bị sẵn sàng phương án dự phòng thiên tai, cụ thể như xác định nơi tránh, trú ẩn, phương án di chuyển thuận lợi, đảm bảo an toàn cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Đồng thời cần đảm bảo tất cả thành viên trong gia đình được biết về phương án. Ưu tiên tránh, trú ẩn tại các khu vực lực lượng cứu hộ dễ tiếp cận, thuận lợi cho việc chi viện, cứu hộ khi cần thiết; nắm bắt thông tin về số điện thoại và địa chỉ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bạn bè, người thân ở khu vực khác để có thể liên lạc nhờ hỗ trợ khi cần trợ giúp hoặc trong trường hợp bị chia cắt do thiên tai.

g) Chủ động học tập, nghiên cứu, nắm vững các tiêu chí trong Quy định này, các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai để đảm bảo an toàn về người và tài sản, cách thoát nạn khi có sự cố xảy ra.

h) Chủ động phổ biến các tiêu chí trong Quy định này cho thành viên trong gia đình để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra. Chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương để được hướng dẫn thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

i) Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.

2. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn

a) Tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn.

b) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình, cá nhân quản lý, vận hành và sử dụng công trình, nhà ở thực hiện nội dung đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành và sử dụng thuộc phạm vi quản lý.

c) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện theo quy định về an toàn công trình, nhà ở về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý.

3. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức

a) Tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trên địa bàn.

b) Kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai của công trình, nhà ở khi cấp phép xây dựng; kiểm tra việc chấp hành quy định về thiết kế hoặc điều chỉnh thiết kế theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn trong quá trình thi công, xây dựng công trình.

c) Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra, khảo sát, thống kê, lập danh sách, phân loại đánh giá các công trình, nhà ở không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

d) Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp gia cố nhà ở, công trình có phương án đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra.

e) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các trường hợp không thực hiện theo quy định về an toàn nhà ở, công trình khi có yêu cầu và xử lý các hành vi vi phạm về đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố)

a) Thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin tình hình thời tiết nguy hiểm bão, lũ lụt và các thiên tai khác, kịp thời thông báo đến các cấp, ngành để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai hiệu quả.

b) Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước khác có liên quan về bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

5. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ xây dựng và các cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo, tập huấn nhằm tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao kiến thức về các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong sử dụng công trình, nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân cho các đơn vị, cá nhân chuyên trách, kiêm nhiệm phụ trách phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tuyên truyền, phổ biến Quy định này trên địa bàn thành phố.

6. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí thành phố: cung cấp thông tin, cảnh báo, dự báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác; tăng thời lượng phát sóng các chương trình tuyên truyền quy định về các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong sử dụng công trình, nhà ở đối với hộ gia đình, cá nhân và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai để Nhân dân biết và tự chủ động phòng, tránh, ứng phó an toàn.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông đóng trên địa bàn thành phố kiểm tra các trạm tiếp sóng viễn thông, có phương án bảo đảm cho mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng, chống thiên tai thông suốt trong mọi tình huống.

b) Chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố và các doanh nghiệp viễn thông tổ chức thực hiện quy định tại Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ công tác cứu nạn - cứu hộ và nhắn tin cảnh báo thiên tai qua mạng thông tin di động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

8. Bộ Tư lệnh thành phố (Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự và tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố)

a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo, kiểm tra theo dõi việc triển khai thực hiện Quy định này của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị khác có liên quan.

b) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các đơn vị có liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai việc thực hiện Quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc, bất cập, các địa phương, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư lệnh thành phố (Cơ quan Thường trực phòng thủ dân sự và tìm kiếm cứu nạn của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố) trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.