Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1400/QĐ-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 5 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC TRONG NÔNG NGHIỆP TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2017-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác;

Căn cứ Quyết định số 710/QĐ-BNN-KTHT ngày 10/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê duyệt Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 77/TTr-SNN&PTNT ngày 28/4/2017 về việc Phê duyệt Đề án Đổi mới phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Đổi mới phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020 với các nội dung cụ thể sau:

1. Tên Đề án: Đề án Đổi mới phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020

2. Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang

3. Thời gian thực hiện: Năm 2017 - 2020

4. Địa điểm thực hiện: Tỉnh An Giang

5. Mục tiêu đề án

a. Mục tiêu chung

Đổi mới toàn diện, phát triển đa dạng, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác trong nông nghiệp. Đưa kinh tế hợp tác thoát khỏi tình trạng yếu kém hiện nay; đủ năng lực nội tại để vừa phục vụ tốt cho thành viên vừà tham gia và đứng vững trên thị trường trong tiến trình hội nhập một cách độc lập.

b. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành việc sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, xóa tên, giải thể các hợp tác xã yếu kém, các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động không đúng Luật Hợp tác xã.

- Thành lập mới 4 - 6 hợp tác xã/năm, có 100% hợp tác xã được chuyển đổi và hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.

- Có 25 % số hợp tác xã có tham gia liên kết với doanh nghiệp thực hiện cánh đồng lớn, hoặc các liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị khác.

- Bộ máy quản lý điều hành hợp tác xã: 15% có trình độ đại học cao đẳng; 20% có trình độ sơ cấp, trung cấp.

- Đến 2020 có 29% hợp tác xã hoạt động mạnh và 37,5% hợp tác xã hoạt động khá.

- Đến 2020 có hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã hoạt động quy mô liên huyện.

6. Nội dung, giải pháp thực hiện Đề án:

Định hướng phát triển hợp tác xã kiểu mới gắn với liên kết thực hiện chuỗi giá trị, phát triển bền vững dựa trên 05 tiền đề: 1/ nguồn nhân lực, 2/ vốn, 3/ kỹ thuật, 4/ quản lý điều hành, 5/ hành lang pháp lý. Trong đó chú trọng mạnh đến yếu tố phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư; chính sách đặc thù và tập trung; đầu tư phát triển hợp tác xã, nâng chất tổ hợp tác. Cụ thể cần thực hiện tốt các nội dung, giải pháp sau:

a. Tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác

- Chỉ đạo điều hành và quản lý nhà nước cấp tỉnh

Điều chỉnh, bổ sung thành viên, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, Tiểu Ban Tổ chức lại sản xuất và Tổ Điều phối thực hiện thêm nhiệm vụ về phát triển kinh tế hợp tác theo Quyết định số 3661/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh An Giang.

Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối quản lý nhà nước chung về kinh tế hợp tác và triển khai kế hoạch phát triển kinh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối quản lý nhà nước và triển khai kế hoạch phát triển kinh hợp tác trong nông nghiệp.

- Chỉ đạo điều hành và quản lý nhà nước cấp huyện

Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện thêm nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác, phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách về kinh tế hợp tác. Phân công cụ thể một số thành viên trong Ban để chỉ đạo thực hiện. Điều chỉnh bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cho phù hợp.

Phòng Tài chính Kế hoạch làm đầu mối quản lý nhà nước chung về kinh tế hợp tác. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thị xã, thành phố phối hợp quản lý, tư vấn, hướng dẫn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

Điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thực hiện thêm nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp (như Tổ Điều phối phát triển kinh tế hợp tác cấp huyện), do Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hay Trưởng phòng Kinh tế) phụ trách chính.

- Tiểu Ban Tổ chức lại sản xuất (cấp tỉnh) và Tổ giúp việc, Tổ Điều phối (cấp tỉnh và huyện) xây dựng kế hoạch công tác hàng năm. Thường xuyên kiểm tra thực hiện, đánh giá kết quả, báo cáo định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ tư vấn về kinh tế hợp tác

Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế hợp tác cho cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ chủ chốt của các tổ chức đoàn thể các cấp, nhất là cấp xã.

Tổ chức các hội nghị quán triệt chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước về kinh tế hợp tác, cho cán bộ Đảng viên liên quan.

Quán triệt, cập nhật, phổ biến các quy định mới, các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Đào tạo và hình thành đội ngũ cán bộ tư vấn, cán bộ hỗ trợ, giảng viên, báo cáo viên về kinh tế hợp tác, hợp tác xã.

Củng cố lại đội ngũ giảng viên, tư vấn hợp tác xã mà tỉnh đã đào tạo các năm qua từ các chương trình dự án, mặt khác bổ sung và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng này. Nhiệm vụ của những người tham gia là giảng dạy các lớp bồi dưỡng tập huấn cho hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân; tư vấn cho hợp tác xã về các vấn đề liên quan đến hoạt động của hợp tác xã; tham gia công tác tuyên truyền vận động về kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn, xây dựng nông thôn mới....

- Tổ chức hội nghị, hội thảo; sơ kết, tổng kết đánh giá: Hàng năm tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; rút kinh nghiệm, nhân rộng các điển hình; xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp thực hiện cho giai đoạn sau.

b. Tư vấn hoạt động, củng cố phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác

- Tuyên truyền vận động nhân dân về kinh tế hợp tác

Tổ Điều phối cấp tỉnh, huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế hợp tác.

Việc thông tin tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng thông qua các kênh nghe, thấy, nói, đọc, viết, internet ... Nội dung tuyên truyền gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổ chức lại sản xuất theo các mô hình hiệu quả, mô hình Cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ...

Xây dựng chuyên mục, cung cấp thông tin về kinh tế hợp tác trên cổng thông tin điện tử tỉnh, huyện. Đẩy mạnh công tác truyền thông về Phát triển nông thôn, kinh tế hợp tác, xây dựng nông thôn mới trên internet.

- Củng cố hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có.

Tổ chức các cuộc khảo sát, rà soát lại hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; đánh giá thực trạng và xác định nhu cầu hợp tác.

Thực hiện việc sáp nhập, hợp nhất, xóa tên, giải thể các hợp tác xã yếu kém, hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động không đúng Luật. Nhiệm vụ này hoàn tất vào cuối năm 2017.

Rà soát lại các tổ hợp tác đang hoạt động, đánh giá nhu cầu hợp tác, thực hiện hợp tác đúng theo tinh thần Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác.

- Huy động nguồn lực xây dựng mô hình điểm, hợp tác xã kiểu mới.

Phát triển, thành lập mới các hợp tác xã khi có đủ điều kiện về: 1/ Nhu cầu hợp tác, 2/ Nhân sự quản lý điều hành, 3/ Phương án hoạt động hiệu quả và 4/ Đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động.

Hợp tác xã kiểu mới phải phát triển được lợi ích của các thành viên tham gia, hợp tác xã gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị hoặc liên kết hợp tác từng khâu trong chuỗi giá trị liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghệp.

Xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới làm điểm cụ thể trong các lĩnh vực nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, ứng dụng công nghệ cao. Đối với mô hình điểm về lúa gạo thì gắn với thực hiện mô hình theo tiêu chí cánh đồng lớn.

Huy động các nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển hợp tác xã.

Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, viện, trường, doanh nghiệp hỗ trợ các chương trình ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, ứng dụng công nghệ cao cho hợp tác xã.

Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế phát triển hợp tác xã

Nghiên cứu xây dựng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã điểm có quy mô lớn, quy mô hoạt động toàn huyện, tiến tới xây dựng liên hiệp hợp tác xã có quy mô hoạt động toàn tỉnh.

c. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý điều hành và thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Bồi dưỡng tập huấn hợp tác xã, tổ hợp tác: Đối tượng là cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn và thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Đào tạo cán bộ quản lý, điều hành và kiểm soát hợp tác xã.

Tổ chức lớp đào tạo Giám đốc điều hành, Kiểm soát hợp tác xã.

Đối tượng đào tạo là những người đang và chuẩn bị tham gia quản lý điều hành hợp tác xã. Các cán bộ tham gia quản lý, tư vấn cho hợp tác xã.

Thời gian đào tạo khoảng 200 tiết/khóa.

- Tham quan học tập kinh nghiệm: Hàng năm tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình, dự án, cách làm hay, hiệu quả ở các địa phương.

d. Đầu tư phát triển, cơ chế chính sách

- Chính sách về phát triển nguồn nhân lực

Đưa cán bộ quản lý, cán bộ kế thừa trong hợp tác xã đi đào tạo cơ bản, chính quy, dài hạn về chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo, trường đại học, cao đẳng, trung cấp...

Ngân sách nhà nước hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã các chuyên đề nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành và cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ với chuyên ngành phù hợp.

Ngoài các lớp bồi dưỡng tập huấn do các tổ chức thực hiện, hợp tác xã tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn cho nông dân và cán bộ quản lý của hợp tác xã mình theo nhu cầu thì được hưởng chính sách theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về Chính sách thực hiện cánh đồng lớn.

Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ đưa cán bộ có trình độ về làm việc trong hợp tác xã. Chính sách hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã thuê giám đốc điều hành.

- Chính sách hỗ trợ củng cố hoạt động, thành lập mới hợp tác xã

Ngân sách nhà nước hỗ trợ hợp tác xã một phần kinh phí để thực hiện việc thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Ngoài ra hợp tác xã, tổ hợp tác còn được hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật hợp tác xã; Tư vấn xây dựng Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh; Hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của hợp tác xã. Tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển

Trong các vùng điểm, nhà nước đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các công trình hạ tầng sản xuất về thủy lợi, giao thông nội đồng, điện sản xuất, nước sinh hoạt; ...để hỗ trợ sản xuất.

Hợp tác xã có các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhằm mục đích phục vụ sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã. Dự án phải được thực hiện đúng các thủ tục về đầu tư và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 80% tổng mức đầu tư của dự án (theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg) để hợp tác xã xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã như: trụ sở; sân phơi; nhà kho; nhà xưởng sơ chế, chế biến; nhà lưới; điện, nước sinh hoạt; chợ; công trình thủy lợi; giao thông nội đồng; cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản; cửa hàng vật tư nông nghiệp;... Hợp tác xã đóng góp tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án.

Ngoài ra hợp tác xã còn được hưởng chính sách hỗ trợ giảm thất thoát sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Được hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh.

Nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hợp tác xã trong mô hình điểm của tỉnh để hợp tác xã xây dựng nhà xưởng, nhà sơ chế, nhà kho, nhà lưới, nhà vệ sinh; dây chuyền vận chuyển; hệ thống sấy, chế biến; hệ thống xử lý rác, chất thải... Tùy theo mô hình mà hợp tác xã còn được hỗ trợ chi phí đánh giá chứng nhận; chi phí kiểm định; chi phí chứng nhận vùng nuôi, vùng sản xuất an toàn.

- Chính sách về tín dụng

Củng cố, nâng cấp, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Quỹ Đầu tư phát triển để thực hiện cho hợp tác xã vay theo dự án và bảo lãnh tín dụng cho hợp tác xã theo Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã           .

Triển khai tốt chính sách tín dụng cho hợp tác xã, thành viên hợp tác xã vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ưu tiên cho vay tín dụng từ quỹ tài chính địa phương đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia thực hiện liên kết sản xuất gắn tiêu thụ với doanh nghiệp.

- Chính sách về đất đai

UBND các huyện, thị, thành phố rà soát lại quỹ đất công tại địa phương, giao đất không thu tiền cho các hợp tác xã xây dựng trụ sở, mở rộng sản xuất, ưu tiên cho những hợp tác xã thực hiện tốt và đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước.

Hợp tác xã được ưu tiên mua nền nhà trả chậm với giá ưu đãi thấp nhất trong các khu dân cư, hoặc các khu đất đã được quy hoạch để xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng đại diện.

Hợp tác xã được miễn tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê đất để làm mặt bằng xây dựng trụ sở hợp tác xã theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; được miễn, giảm tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê để thực hiện cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho dự án cánh đồng lớn quy định tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2103/BTC-NSNN ngày 10/02/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho hợp tác xã để:

Tham gia hội chợ triển lãm trong nước. Nội dung hỗ trợ là chi phí vận chuyển, thuê gian hàng, trang trí, trưng bày sản phẩm.

Xây dựng, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Xây dựng website quảng bá hình ảnh

Hỗ trợ xây dựng các mô hình có ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, công nghệ cao.

7. Dự toán kinh phí thực hiện đề án:

Nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện Đề án 68.352 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương 40.461 triệu đồng: Thực hiện hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Ngân sách tỉnh 27.891 triệu đồng (trong đó Vốn sự nghiệp: 7.891 triệu đồng; Vốn đầu tư phát triển 20.000 triệu đồng): Thực hiện hỗ trợ tuyên truyền, thành lập mới, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã; Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý, Giám đốc điều hành, Kiểm soát và Kế toán hợp tác xã; Hỗ trợ đào tạo cơ bản (Đại học, Cao đẳng). Tùy theo khả năng cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ chính sách đặc thù của tỉnh, hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Vốn đối ứng của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp theo quy định để thực hiện Chương trình, Kế hoạch được duyệt.

- Vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân.

- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án của trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân khác, cụ thể:

+ Vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016.

+ Vốn thực hiện Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn lúa, nếp tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 945/QĐ-UBND ngày 05/4/2016 của UBND tỉnh An Giang: để thực hiện bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý của các hợp tác xã tham gia thực hiện thí điểm; thực hiện công tác tuyên truyền, vận động xây dựng mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới.

+ Vốn Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại An Giang: hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng nhằm ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

+ Vốn thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp.

+ Vốn các Chương trình, Đề án Xúc tiến thương mại: Hỗ trợ kinh phí tham gia xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.

+ Vốn từ các chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực khác, các tổ chức, cá nhân khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương để triển khai thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương và đơn vị thực hiện; Tổng hợp, nghiên cứu đề xuất các chính sách đặc thù nhằm phát triển hợp tác xã; Tổng hợp nhu cầu kinh phí, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách thực hiện hàng năm. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp Sở Tài chính và sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp theo lộ trình được phê duyệt.

3. Sở Tài chính: Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án.

4. Liên minh hợp tác xã tỉnh: tăng cường hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong hoạt động và phát triển.

5. Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh: tăng cường tuyên truyền vận động nông dân tham gia chuỗi liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chí Cánh đồng lớn. Vận động, hướng dẫn nông dân tham gia và hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã

6. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Phối hợp với các địa phương và sở, ngành liên quan thực hiện đề án theo chức năng nhiệm vụ của mình.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố: chỉ đạo các phòng ban xây dựng kế hoạch (hoặc điều chỉnh kế hoạch) 5 năm về phát triển hợp tác xã của địa phương mình. Xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi