Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1409/QĐ-UBND

Đồng Xoài, ngày 17 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HUYỆN HỚN QUẢN GIAI ĐOẠN 2011-2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 874/TTg ngày 20/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 459/TTr-SNV ngày 03/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức huyện Hớn Quản giai đoạn 2011-2015.

Điều 2. Giao Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- CT, PCT;
- Như Điều 3;
- Sở Nội vụ (2 bản);
- UBND huyện Hớn Quản;
- LĐVP, Phòng NC;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HUYỆN HỚN QUẢN GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 17/6/2010 của UBND tỉnh)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008;

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/8/2009 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Chơn Thành, huyện Bình Long, huyện Phước Long; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bình Long, huyện Phước Long để thành lập thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, thành lập các phường thuộc thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước;

Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;

Quyết định số 132-QĐ/TU ngày 16/5/2006 của Tỉnh ủy Bình Phước về ban hành quy định tiêu chuẩn, chức danh cán bộ thuộc diện quy hoạch lãnh đạo, quản lý thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Quyết định số 108/2006/QĐ-UBND ngày 01/11/2006 của UBND tỉnh quy định về trình tự, thủ tục mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức;

Quyết định số 159/2005/QĐ-UBND ngày 21/12/2005 của UBND tỉnh ban hành quy định về chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực;

Tình hình thực tế về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện Hớn Quản.

II. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

1. Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính cấp huyện:

Tổng số cán bộ, công chức huyện là 49 người.

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo ngạch như sau:

+ Chuyên viên cao cấp và tương đương: 01 người;

+ Chuyên viên chính và tương đương: 03 người;

+ Chuyên viên và tương đương: 40 người;

+ Cán sự và tương đương: 05 người;

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo trình độ chuyên môn:

+ Đại học: 39 người;

+ Cao đẳng: 03 người;

+ Trung cấp: 06 người;

+ Còn lại: 01 người;

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo trình độ lý luận chính trị:

+ Cao cấp: 09 người;

+ Trung cấp: 17 người;

+ Còn lại: 23 người.

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo trình độ quản lý nhà nước:

+ Đại học: 06 người;

+ Chứng chỉ: 08 người;

+ Còn lại: 35 người.

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo trình độ tin học:

+ Đại học: 01 người;

+ Chứng chỉ: 47 người;

+ Còn lại: 01 người.

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo trình độ ngoại ngữ:

+ Chứng chỉ: 48 người;

+ Còn lại: 01 người.

2. Đội ngũ cán bộ, viên chức cấp huyện:

Tổng số cán bộ, viên chức huyện là 1.266 người.

- Số lượng cán bộ, viên chức chia theo ngạch như sau:

+ Chuyên viên và tương đương:  596 người;

+ Cán sự và tương đương: 657 người;

+ Còn lại: 14 người.

- Số lượng cán bộ, viên chức chia theo trình độ chuyên môn:

+ Trên Đại học: 01 người;

+ Đại học: 236 người;

+ Cao đẳng: 359 người;

+ Trung cấp: 655 người;

+ Còn lại: 15 người.

- Số lượng cán bộ, viên chức chia theo trình độ lý luận chính trị:

+ Cao cấp: 02 người;

+ Trung cấp: 48 người;

- Số lượng cán bộ, viên chức chia theo trình độ tin học:

+ Đại học: 01 người;

+ Chứng chỉ: 466 người;

- Số lượng cán bộ, công chức chia theo trình độ ngoại ngữ:

+ Đại học: 0 người;

+ Chứng chỉ: 137 người;

3. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã:

Tổng số cán bộ chuyên trách, công chức là 261 người

- Về ngạch công chức: 05 chuyên viên, 122 cán sự, còn lại 139.

- Về chuyên môn nghiệp vụ: 05 đại học, 122 trung cấp, còn lại 139.

- Về lý luận chính trị: 99 trung cấp.

- Về quản lý nhà nước: 02 đại học, còn lại 54.

- Về ngoại ngữ: 43 chứng chỉ Anh văn.

- Về tin học: 78 chứng chỉ.

III. ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng:

a) Cán bộ, công chức, (kể cả công chức dự bị) trong các cơ quan hành chính, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện.

b) Cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách cấp xã, cán bộ thôn, ấp, khu phố.

c) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Mục tiêu:

Phấn đấu đến năm 2015, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của huyện phải đạt được các mục tiêu sau:

a) Đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, chuyên nghiệp, hiện đại.

b) Đại đa số cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất tốt và đủ trình độ, năng lực thi hành công vụ, nhiệm vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước và phục vụ nhân dân.

c) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực tổ chức, điều hành, công tâm, thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao trách nhiệm công tác, ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức trong thực thi công vụ.

3. Mục tiêu cụ thể:

a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện:

- Về lý luận chính tri: đào tạo trình độ trung cấp, cao cấp cho cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch của các ngành, các cấp; cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên và cán bộ, công chức, viên chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên.

- Về quản lý hành chính nhà nước: đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo và công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ các ngành, cấp xã; bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính, chuyên viên và tương đương cho cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn của ngạch.

- Về chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo đạt đủ trình độ theo tiêu chuẩn của từng chức danh, chức vụ và ngạch công chức, viên chức; đào tạo trình độ thạc sỹ ở trong nước và ở nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch và tạo nguồn ở địa phương.

- Về ngoại ngữ: đào tạo chứng chỉ A, B, C theo tiêu chuẩn của ngạch và các trình độ cao hơn cho cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch hoặc tạo nguồn, đảm bảo đủ khả năng ngoại ngữ để đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài. Đào tạo tiếng Stiêng, Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức công tác tại địa bàn một số xã thuộc huyện có liên quan.

- Về tin học: đào tạo chứng chỉ A, B, kỹ thuật viên, đại học theo tiêu chuẩn của ngạch, đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng trong chuyên môn.

- Về một số lĩnh vực khác: đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ; bồi dưỡng kiến thức về đạo đức công vụ; kỹ năng lãnh đạo cho CBCCVC đương chức và trước khi đề bạt, bổ nhiệm; đào tạo tiền công vụ cho công chức dự bị và những người sau khi trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển công chức; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh,...

b) Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

- Về lý luận chính trị: đào tạo theo tiêu chuẩn quy định của từng chức danh và cán bộ, công chức trong quy hoạch. Đào tạo trình độ trung cấp, cao cấp cho cán bộ chuyên trách Đảng, chính quyền.

- Về quản lý hành chính nhà nước: đào tạo trình độ trung cấp, đại học cho cán bộ chuyên trách Đảng, chính quyền, công chức văn phòng - thống kê; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên cho công chức theo tiêu chuẩn của ngạch.

- Về chuyên môn nghiệp vụ: đào tạo trình độ trung cấp và đại học cho cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách theo tiêu chuẩn của từng chức danh và ngạch công chức. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND-UBND cấp xã.

- Về tin học: đào tạo chứng chỉ A, B và kỹ thuật viên cho cán bộ chuyên trách Đảng, chính quyền và công chức, đặc biệt là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND-UBND cấp xã, đảm bảo có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.

- Về ngoại ngữ: đào tạo chứng chỉ A, B cho cán bộ chuyên trách Đảng, chính quyền và công chức theo tiêu chuẩn chức danh và ngạch công chức. Đào tạo tiếng Stiêng, Khmer cho cán bộ, công chức một số xã thuộc huyện.

- Đào tạo trình độ văn hóa phổ thông theo quy định tiêu chuẩn của từng chức danh, ngạch công chức.

- Bồi dưỡng một số lĩnh vực khác: kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức về đạo đức cán bộ, công chức, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật, tôn trọng và tận tụy với nhân dân; kỹ năng nghiệp vụ lãnh đạo cho Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh,...

c) Đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn, ấp, khu phố:

Bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, pháp luật, chức năng, nhiệm vụ và kỹ năng nghiệp vụ hoạt động, kiến thức về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, xóa đói giảm nghèo, tôn giáo, hòa giải tranh chấp ở cơ sở, khuyến nông, bảo vệ môi trường, Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.

4. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng

a) Đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước:

* Đối với công chức, viên chức việc đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này tập trung vào các nội dung:

- Đăng ký đào tạo tiền công vụ cho công chức dự bị. Những người sau khi trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển công chức phải được đào tạo trang bị kiến thức về nền hành chính nhà nước, pháp luật, kỳ năng hoạt động công vụ và đạo đức công chức ngay sau khi trúng tuyển;

- Đăng ký đào tạo, bồi dưỡng trang bị các loại kiến thức theo tiêu chuẩn quy định về trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, ngoại ngữ và tin học cho công chức, viên chức ở các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương; tổ chức đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức công tác tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống.

- Đăng ký các lớp bồi dưỡng trang bị kỹ năng nghiệp vụ cho công chức, viên chức các ngạch;

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý trước khi đề bạt, bổ nhiệm và cho các đối tượng cán bộ lãnh đạo các cấp đương chức. Trong giai đoạn 2010 - 2012 ưu tiên đào tạo trước cho cán bộ lãnh đạo cấp huyện;

- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ để hình thành đội ngũ cán bộ nguồn về các lĩnh vực quản lý nhà nước, có trình độ, năng lực tham mưu và đề xuất các chủ trương, chính sách lớn, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của ngành, các đề án tổng hợp về kinh tế - xã hội của huyện.

* Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

- Đăng ký đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức quy định theo tiêu chuẩn cho cán bộ chuyên trách, bao gồm: trình độ học vấn, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước và trình độ chuyên môn nghiệp vụ;

- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND-UBND cấp xã;

- Đăng ký và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trang bị kiến thức tin học cho các đối tượng là cán bộ chuyên trách cấp xã, đặc biệt ưu tiên các đối tượng lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, công chức cấp xã; thực hiện đào tạo tiếng dân tộc cho cán bộ chuyên trách cấp xã công tác tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số tập trung sinh sống;

- Đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức cán bộ, công chức cho cán bộ chuyên trách và không chuyên trách; xây dựng tinh thần sống và làm việc theo pháp luật, thái độ tôn trọng và phục vụ nhân dân.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015.

b) Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài:

Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài tập trung vào đội ngũ công chức hành chính ở các ngạch chuyên viên chính trở lên, trong đó chủ yếu là công chức lãnh đạo, quản lý và công chức nguồn.

Nội dung đào tạo bao gồm: kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực; xây dựng, hoạch định chính sách; tổ chức, điều hành nền hành chính và hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu đưa được khoảng 50 lượt người đào tạo, bồi dưỡng tại các nước phát triển và đang phát triển theo quy định của tỉnh.

IV. MỘT SỐ CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2015

a) Đối với cán bộ, công chức hành chính:

- Về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ: 100% cán bộ, công chức đạt đủ tiêu chuẩn quy định cho chức danh và ngạch công chức; ở các ngành chủ yếu, phấn đấu mỗi ngành có tối thiểu từ 01 đến 03 người đạt trình độ thạc sỹ.

- Về tin học: 100% cán bộ, công chức chuyên môn biết sử dụng máy vi tính và các phần mềm ứng dụng trong công tác.

- Về ngoại ngữ: 70% cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định.

b) Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

- Về lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ: 80% cán bộ chuyên trách và công chức chuyên môn có trình độ từ trung cấp trở lên và được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kỹ năng hành chính theo chức danh và ngạch công chức.

- Về tin học: mỗi xã có ít nhất 01 kỹ thuật viên, 80% cán bộ chuyên trách Đảng, chính quyền và công chức chuyên môn biết sử dụng tin học và các phần mềm ứng dụng trong quản lý và chuyên môn.

V. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Đối với cán bộ công chức, viên chức cấp huyện

a) Về chuyên môn nghiệp vụ: 746 người

- Năm 2011: 152 người (Thạc sỹ 02 người, đại học 65 người, cao đẳng 35 người, trung cấp 50 người).

- Năm 2012: 156 người (Thạc sỹ 02 người, đại học 52 người, cao đẳng 63 người, trung cấp 39 người).

- Năm 2013: 138 người (Thạc sỹ 02 người, đại học 46 người, cao đẳng 55 người, trung cấp 35 người).

- Năm 2014: 154 người (Thạc sỹ 02 người, đại học 47 người, cao đẳng 73 người, trung cấp 32 người).

- Năm 2015: 146 người (Thạc sỹ 02 người, đại học 47 người, cao đẳng 70 người, trung cấp 27 người).

b) Về lý luận chính trị: 213 người.

- Năm 2011: 56 người (Cao cấp 05 người, đại học 05 người, 36 trung cấp, sơ cấp 10 người).

- Năm 2012: 36 người (Cao cấp 05 người, đại học 05 người, 26 trung cấp).

- Năm 2013: 48 người (Cao cấp 06 người, đại học 04 người, 38 trung cấp).

- Năm 2014: 42 người (Cao cấp 05 người, đại học 04 người, 33 trung cấp).

- Năm 2015: 31 người (Cao cấp 05 người, đại học 03 người, 23 trung cấp).

c) Về quản lý nhà nước: 142 người.

- Năm 2011: 25 người (CVCC và tương đương 02 người, CVC và tương đương 03 người, CV và tương đương 20 người).

- Năm 2012: 26 người (CVCC và tương đương 02 người, CVC và tương đương 03 người, CV và tương đương 21 người).

- Năm 2013: 35 người (CVCC và tương đương 02 người, CVC và tương đương 05 người, CV và tương đương 28 người).

- Năm 2014: 29 người (CVCC và tương đương 02 người, CVC và tương đương 07 người, CV và tương đương 20 người).

- Năm 2015: 27 người (CVCC và tương đương 02 người, CVC và tương đương 10 người, CV và tương đương 15 người).

d) Về ngoại ngữ: 296 người.

Học để đáp ứng yêu cầu và điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, dự kiến:

- Năm 2011: 56 lượt người

- Năm 2012: 58 lượt người

- Năm 2013: 58 lượt người

- Năm 2014: 62 lượt người

- Năm 2015: 62 lượt người

e) Về tin học: 296 người.

Học để đáp ứng yêu cầu và điều kiện, tiêu chuẩn của ngạch công chức, viên chức, dự kiến:

- Năm 2011: 56 lượt người

- Năm 2012: 58 lượt người

- Năm 2013: 58 lượt người

- Năm 2014: 62 lượt người

- Năm 2015: 62 lượt người

f) Bồi dưỡng ngắn hạn: 307 lượt người.

Bồi dưỡng theo chương trình, kế hoạch chiêu sinh và mở lớp của Sở Nội vụ và Trường Chính trị tỉnh, dự kiến như sau:

- Năm 2011: 84 lượt người

- Năm 2012: 58 lượt người

- Năm 2013: 56 lượt người

- Năm 2014: 52 lượt người

- Năm 2015: 57 lượt người

2. Đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn, ấp, khu phố:

100% được bồi dưỡng theo quy định.

3. Đối với đại biểu HĐND các cấp:

100% đại biểu HĐND các cấp được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của đại biểu, kiến thức về nhà nước pháp luật, hội nhập quốc tế, ...

VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ban hành kèm theo Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt việc thực hiện phân cấp về đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định của UBND tỉnh.

2. Đảm bảo được công tác quy hoạch trong đào tạo, bồi dưỡng. Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã phải gắn liền với quy hoạch sử dụng, đặc biệt là các khóa đào tạo dài hạn và đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

3. Đảm bảo chất lượng, đánh giá chất lượng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng.

4. Tăng cường năng lực hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên; đảm bảo cho những cơ sở này có đủ điều kiện thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo được giao theo phương pháp giảng dạy hiện đại.

5. Mở rộng mạng lưới các cơ sở liên doanh, liên kết tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại huyện thông qua việc thu hút các học viện, viện, trường đại học, các công ty trong và ngoài nước tham gia vào việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí để thực hiện Đề án được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước; nguồn đóng góp của các cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo; của học viên và các nguồn kinh phí khác.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Nội vụ

a) Hướng dẫn triển khai, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Đề án này; theo dõi, tổng hợp việc lập kế hoạch và tiến độ thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện; định kỳ báo cáo UBND huyện;

b) Tổ chức đánh giá chất lượng về đào tạo, bồi dưỡng của huyện;

c) Chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của huyện. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức sơ kết thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vào năm 2013.

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Chịu trách nhiệm cân đối kinh phí và giám sát, kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện Đề án này.

3. Phòng Giáo dục và Đào tạo

- Tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của ngành Giáo dục & Đào tạo huyện, giai đoạn 2011 - 2015 gửi Phòng Nội vụ thẩm tra, tổng hợp; đảm bảo số lượng, chất lượng giáo viên theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ văn hóa cho cán bộ, công chức cấp xã.

4. Phòng Y tế có trách nhiệm:

Tổng hợp nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của ngành Y tế huyện, giai đoạn 2011 - 2015 gửi Phòng Nội vụ thẩm tra, tổng hợp; đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức ngành Y tế theo quy định.

5. Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động trên địa bàn huyện

Chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp và phát huy mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chất lượng và hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 của huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Các cơ quan, đơn vị thuộc huyện:

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể của cơ quan, đơn vị gửi Phòng Nội vụ thẩm tra, tổng hợp và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.

- Rà soát việc quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để làm cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ rất quan trọng, quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy hành chính nhà nước. Các ngành, các cấp phải tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ đến từng cán bộ, công chức, viên chức về mục tiêu, nội dung của Đề án đào tạo, bồi dưỡng của huyện nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu cụ thể từ năm 2011-2015./.