BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1410/QĐ-BTNMT | Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2008 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 05 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổ trưởng Tổ Thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hàng rào kỹ thuật trong thương mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổ trưởng và các Tổ viên Tổ Thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP VỀ HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1410 /QĐ-BTNMT ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về nhiệm vụ của Tổ Thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (sau đây gọi tắt là Tổ TBT-BTNMT) và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động thông báo và hỏi đáp; chế độ làm việc và quan hệ công tác của Tổ TBT-BTNMT; quy trình thực hiện thông báo và hỏi đáp.
2. Quy chế này áp dụng đối với Tổ TBT-BTNMT, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Tổ TBT-BTNMT nằm trong mạng lưới cơ quan thông báo và điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
2. Tổ chức và nhiệm vụ của Tổ TBT-BTNMT theo quy định tại Quyết định số 1779/QĐ-BTNMT ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Tổ Thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
3. Tổ TBT-BTNMT chịu sự điều phối về chuyên môn, nghiệp vụ của Cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về hàng rào kỹ thuật trong thương mại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn phòng TBT Việt Nam) theo quy định tại Quyết định số 114/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 05 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động thông báo và hỏi đáp
Hoạt động thông báo và hỏi đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (sau đây gọi tắt là hoạt động TBT) được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Tuân thủ đúng quy trình và bảo đảm tính chính xác, kịp thời trong hoạt động thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
2. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trên cơ sở có sự phân công trách nhiệm cụ thể giữa các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức, cá nhân có liên quan với Tổ TBT-BTNMT trong hoạt động thông báo và hỏi đáp.
Điều 4. Kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động thông báo và hỏi đáp
1. Kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật và hoạt động thông báo và hỏi đáp được cân đối trong kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ.
2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động thông báo và hỏi đáp theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
3. Vụ Pháp chế chủ trì cùng với Tổ TBT-BTNMT phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch lập dự toán kinh phí bảo đảm thực hiện kế hoạch hoạt động hàng năm; phối hợp với Vụ Tài chính để thẩm định dự toán kinh phí; phối hợp với Văn phòng Bộ quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
NHIỆM VỤ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP
Điều 5. Tổ trưởng Tổ TBT-BTNMT
Tổ trưởng Tổ TBT-BTNMT chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp, có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ TBT-BTNMT theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Quy chế này.
2. Xây dựng kế hoạch công tác của Tổ TBT-BTNMT; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Tổ viên và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Tổ viên.
3. Ký thừa lệnh Bộ trưởng các văn bản thuộc phạm vi giải quyết của Tổ TBT-BTNMT; đại diện cho Bộ trong quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động TBT.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Bộ giao.
Tổ viên Tổ TBT-BTNMT hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự phân công nhiệm vụ trực tiếp của Tổ trưởng Tổ TBT-BTNMT, giữ vai trò đầu mối liên hệ giữa Tổ TBT-BTNMT với đơn vị của mình, có trách nhiệm:
1. Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo phân công của Tổ trưởng.
2. Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của Tổ; tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ.
3. Chủ động báo cáo, đề xuất Lãnh đạo đơn vị chỉ đạo triển khai những công việc đã được phân công; giúp Lãnh đạo đơn vị chuẩn bị hồ sơ thông báo các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy được Bộ giao nhiệm vụ soạn thảo mà theo quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (sau đây gọi tắt là Hiệp định TBT) phải thông báo; giúp Lãnh đạo đơn vị và theo phân công của Tổ trưởng chuẩn bị văn bản hỏi đáp; góp ý kiến cho văn bản hỏi đáp trong các lĩnh vực khác.
4. Chủ động tham mưu, kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo đơn vị và Tổ trưởng Tổ TBT-BTNMT về các nội dung liên quan đến việc triển khai Hiệp định TBT trong lĩnh vực được phân công; theo dõi, phát hiện và báo cáo kịp thời về những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về TBT.
Vụ Pháp chế có nhiệm vụ làm đầu mối thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, có trách nhiệm:
1. Chỉ đạo Tổ TBT-BTNMT xây dựng kế hoạch hoạt động và tổ chức triển khai kế hoạch được phê duyệt.
2. Xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử về hoạt động TBT của Bộ; xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động TBT; định kỳ biên soạn Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
3. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kiến thức về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác có liên quan đến hoạt động TBT; tham gia nghiên cứu, hợp tác về các hoạt động liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
4. Quản lý, kiểm tra hoạt động của Tổ TBT-BTNMT theo ủy quyền của Bộ trưởng.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 8. Các đơn vị trực thuộc Bộ
1. Các đơn vị trực thuộc Bộ có nhiệm vụ:
a) Thông báo cho Tổ TBT-BTNMT kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy trong lĩnh vực mà đơn vị được Bộ phân công phụ trách sau khi được phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 hàng năm;
b) Chuẩn bị hồ sơ thông báo các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy được Bộ giao xây dựng mà theo quy định của Hiệp định TBT phải thông báo;
c) Chuẩn bị văn bản trả lời các câu hỏi của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá hợp quy và các tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền công bố, ban hành hoặc đang trong quá trình soạn thảo và các vấn đề khác liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong lĩnh vực mà đơn vị được Bộ phân công phụ trách;
d) Phối hợp với Tổ TBT-BTNMT chuẩn bị hồ sơ thông báo và chuẩn bị văn bản trả lời các câu hỏi có liên quan đến lĩnh vực mà đơn vị được Bộ phân công phụ trách theo yêu cầu của Tổ TBT-BTNMT;
đ) Thường xuyên thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá hợp quy và soát xét các tiêu chuẩn trong lĩnh vực mà đơn vị được Bộ phân công phụ trách; phát hiện những vấn đề có khả năng tạo ra rào cản trong thương mại giữa Việt Nam với các nước Thành viên WTO và đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung;
e) Cung cấp các tài liệu thông tin cần thiết cho Tổ TBT-BTNMT về các vấn đề có liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong lĩnh vực mà đơn vị được Bộ phân công phụ trách.
2. Vụ Khoa học và Công nghệ ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế, Tổ TBT-BTNMT xây dựng kế hoạch hoạt động và kinh phí hàng năm cho hoạt động TBT.
3. Vụ Hợp tác quốc tế ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm:
a) Chủ động thu thập, kịp thời cung cấp cho Tổ TBT-BTNMT các thông tin, tài liệu, văn bản pháp quy, kỹ thuật của các nước Thành viên WTO; các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương, đa phương do Bộ ký liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp thuộc phạm vi quản lý của Bộ;
b) Phối hợp với Tổ TBT-BTNMT trong việc giúp Bộ thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động TBT.
Điều 9. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Thông báo cho Tổ TBT-BTNMT kế hoạch xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.
2. Cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết cho Tổ TBT-BTNMT về các vấn đề có liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở địa phương theo yêu cầu của Tổ TBT-BTNMT. Khi phát hiện những vấn đề có khả năng tạo ra rào cản trong thương mại giữa Việt Nam và các nước Thành viên WTO phải kịp thời đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường việc sửa đổi, bổ sung.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA TỔ TBT-BTNMT
Điều 10. Nguyên tắc làm việc và chế độ phối hợp công tác
1. Tổ trưởng Tổ TBT-BTNMT phân công công việc cho từng Tổ viên.
2. Trong hoạt động thông báo và hỏi đáp, từng Tổ viên chịu trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách.
3. Tổ TBT-BTNMT duy trì chế độ họp toàn Tổ mỗi quý một lần để đánh giá và triển khai công tác. Trong trường hợp cần thiết, Tổ trưởng có thể triệu tập họp đột xuất. Tổ viên vắng mặt phải báo cáo với Tổ trưởng.
4. Các Tổ viên có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau và giữ mối liên hệ thường xuyên giữa Tổ TBT-BTNMT với đơn vị của mình để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 11. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Tổ viên có trách nhiệm thường xuyên báo cáo công tác trước Tổ trưởng và Thủ trưởng đơn vị mình về tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết công việc và kết quả triển khai những công việc được phân công.
2. Tổ trưởng có trách nhiệm thông tin thường xuyên cho các Tổ viên về những công việc chung của Tổ; định kỳ báo cáo Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế về thực hiện nhiệm vụ và hoạt động của Tổ.
3. Tổ TBT-BTNMT có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng TBT Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền khác về việc thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
4. Việc cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ cho những đối tượng có liên quan phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 12. Chế độ quản lý văn bản và hồ sơ, tài liệu
1. Tổ TBT-BTNMT quản lý công tác văn thư của hoạt động TBT theo quy định, có trách nhiệm tiếp nhận các thông báo, câu hỏi, yêu cầu liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại; thực hiện việc phát hành các thông báo, trả lời các kiến nghị, câu hỏi liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
2. Công văn đến (thông báo, câu hỏi, yêu cầu và các tài liệu khác) do cán bộ được giao nhiệm vụ phụ trách công tác văn thư của Tổ TBT-BTNMT vào sổ Công văn đến và báo cáo Tổ trưởng; sau khi đã có ý kiến của Tổ trưởng, phải chuyển kịp thời công văn đến cho các Tổ viên hoặc các đơn vị có liên quan giải quyết, đồng thời có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện, báo cáo Tổ trưởng khi có yêu cầu.
3. Tất cả công văn của Tổ TBT-BTNMT trước khi gửi đi phải có chữ ký của Tổ trưởng và phải được đánh số, đóng dấu, vào sổ Công văn đi. Trong trường hợp Tổ trưởng vắng mặt, để bảo đảm thời hạn thông báo hoặc trả lời hỏi đáp thì Lãnh đạo Vụ Pháp chế ký công văn đi.
Quan hệ giữa Tổ TBT-BTNMT với các đơn vị trực thuộc Bộ là quan hệ phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
QUY TRÌNH THỰC HIỆN THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP
1. Trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thông báo
Khi được Bộ giao xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy có khả năng ảnh hưởng đến thương mại của các nước Thành viên WTO, sau khi hoàn chỉnh dự thảo và chuẩn bị trình Lãnh đạo Bộ, đơn vị được giao xây dựng có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thông báo gửi về Tổ TBT-BTNMT. Đơn vị phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chuyên môn trong lĩnh vực của mình khi thực hiện việc chuẩn bị hồ sơ thông báo.
2. Hồ sơ thông báo bao gồm:
a) Dự thảo bản Thông báo theo mẫu quy định tại Biểu mẫu 1 của Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này;
b) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá hợp quy.
3. Thời hạn chuẩn bị hồ sơ thông báo:
Hồ sơ thông báo phải gửi về Tổ TBT-BTNMT trước thời điểm trình Bộ trưởng ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá hợp quy là 70 (bảy mươi) ngày.
4. Thông báo:
Tổ TBT-BTNMT xem xét, chỉnh lý (nếu cần) dự thảo bản Thông báo, dịch ra tiếng Anh và gửi bản Thông báo đến Văn phòng TBT Việt Nam.
5. Tiếp nhận và xử lý các đề nghị:
a) Khi nhận được đề nghị gia hạn thời gian góp ý kiến của thành viên WTO, trước thời điểm hết hạn góp ý kiến ghi trong bản Thông báo từ Văn phòng TBT Việt Nam, cơ quan nhận được đề nghị (Tổ TBT-BTNMT hoặc đơn vị được giao soạn thảo văn bản) xem xét và thông báo cho Văn phòng TBT Việt Nam về việc đồng ý hay không đồng ý gia hạn; trong trường hợp trực tiếp nhận được đề nghị gia hạn thì thông báo cho Thành viên WTO đề nghị gia hạn về việc đồng ý hay không đồng ý gia hạn, đồng thời thông tin cho Văn phòng TBT Việt Nam và Tổ TBT-BTNMT;
b) Trường hợp Thành viên WTO đề nghị cung cấp tài liệu liên quan nêu trong bản Thông báo, cơ quan nhận được đề nghị (Tổ TBT-BTNMT hoặc đơn vị được giao soạn thảo văn bản) có trách nhiệm cung cấp các tài liệu này trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị. Nếu không thể cung cấp tài liệu trong thời hạn nêu trên, thì cũng trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị cung cấp tài liệu, cơ quan nhận được đề nghị cần phải thông tin và đưa ra thời hạn dự kiến sẽ gửi tài liệu cho Thành viên WTO đó. Tất cả các tài liệu đã cung cấp đều phải ghi mã số của bản Thông báo có liên quan;
c) Khi nhận từ Văn phòng TBT Việt Nam góp ý của các Thành viên WTO, cơ quan tiếp nhận góp ý (Tổ TBT-BTNMT hoặc đơn vị được giao soạn thảo văn bản) phải xác nhận qua thư điện tử (E-mail) đã nhận được văn bản góp ý. Trường hợp nhận trực tiếp văn bản góp ý kiến từ Thành viên WTO thì cơ quan tiếp nhận góp ý phải thông tin cho Thành viên WTO đó biết đã nhận được và đang xử lý ý kiến góp ý, đồng thời thông tin cho Văn phòng TBT Việt Nam và Tổ TBT-BTNMT;
d) Khi Thành viên WTO đề nghị cung cấp các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá hợp quy đã ban hành, Tổ TBT-BTNMT gửi bản sao văn bản đã ban hành cho Thành viên đó hoặc nếu văn bản không được thông qua thì cũng phải thông tin cho Thành viên đó biết.
1. Trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ thông báo
Sau khi Chính phủ hoặc Bộ được ủy quyền ký và được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định hoặc thỏa thuận song phương, đa phương liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá hợp quy, tiêu chuẩn có liên quan đến biện pháp TBT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan phối hợp với Tổ TBT-BTNMT chuẩn bị hồ sơ thông báo.
2. Hồ sơ thông báo bao gồm:
a) Dự thảo bản Thông báo theo mẫu quy định tại Biểu mẫu 2 của Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này;
b) Bản hiệp định hoặc thỏa thuận song phương, đa phương.
3. Thông báo:
Tổ TBT-BTNMT xem xét, chỉnh lý (nếu cần) dự thảo bản Thông báo, dịch ra tiếng Anh và gửi bản Thông báo đến Văn phòng TBT Việt Nam.
4. Tiếp nhận và xử lý các yêu cầu:
Khi tiếp nhận yêu cầu của các nước Thành viên WTO về các vấn đề liên quan đến các nội dung đề cập trong bản Thông báo, Tổ TBT-BTNMT phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan nghiên cứu và trả lời yêu cầu theo từng trường hợp cụ thể, đồng thời thông tin cho Văn phòng TBT Việt Nam biết về nội dung yêu cầu và trả lời yêu cầu đó.
1. 02 (hai) lần trong năm, các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cung cấp cho Tổ TBT-BTNMT kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường dự kiến xây dựng theo quy định sau:
a) Lần thứ nhất: kế hoạch 6 tháng đầu năm, việc thông báo phải thực hiện chậm nhất trước ngày 15 tháng 12 của năm trước;
b) Lần thứ hai: kế hoạch 6 tháng cuối năm, việc thông báo phải thực hiện chậm nhất là trước ngày 15 tháng 5 của năm.
2. Đơn vị thuộc Bộ khi xây dựng hoặc công bố tiêu chuẩn cơ sở có trách nhiệm gửi cho Văn phòng TBT Việt Nam hoặc Trung tâm Thông tin của ISO/IEC ở Geneva và Tổ TBT-BTNMT:
a) Thông báo chấp thuận hoặc huỷ bỏ việc đã chấp thuận Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn theo mẫu quy định tại Biểu mẫu 3 và Biểu mẫu 4 của Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này;
b) Thông báo kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn của đơn vị với các nội dung được quy định tại Biểu mẫu 5 của Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.
3. Các Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ có trách nhiệm theo dõi thông tin về việc các tổ chức tiêu chuẩn hóa của Việt Nam (cấp quốc gia, ngành, hiệp hội được thừa nhận) chấp nhận hoặc hủy bỏ việc đã chấp nhận Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn trong lĩnh vực được Bộ giao quản lý và thông báo cho Tổ TBT-BTNMT.
4. Sau khi tiếp nhận thông tin về việc chấp thuận và huỷ bỏ việc đã chấp thuận Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn, Tổ TBT-BTNMT trao đổi với các tổ chức tiêu chuẩn hóa có liên quan về những thông tin quy định trong Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn và các quy định có liên quan của WTO hoặc của ISO.
5. Tổ TBT-BTNMT có trách nhiệm giúp các tổ chức tiêu chuẩn hoá trong việc soạn thảo Thông báo chấp thuận hoặc huỷ bỏ việc đã chấp thuận Quy chế theo khả năng của mình.
Điều 17. Quy trình xử lý thông báo của các nước thành viên WTO
1. Khi nhận được các bản Thông báo có tác động đến thương mại của Việt Nam từ Văn phòng TBT Việt Nam, Tổ TBT-BTNMT gửi các bản Thông báo đến các tổ chức liên quan trong nước (các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành... ) để xem xét và góp ý kiến khi cần thiết.
2. Các tổ chức trong nước khi cần cung cấp tài liệu liên quan đến các bản Thông báo do Tổ TBT-BTNMT phát hành có thể gửi yêu cầu đến Tổ TBT-BTNMT. Tên hoặc nội dung tài liệu cần cung cấp phải rõ ràng, chính xác và nêu rõ liên quan đến bản Thông báo nào. Khi nhận được yêu cầu, Tổ TBT-BTNMT có trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến các bản Thông báo cho các tổ chức đã yêu cầu.
3. Các tổ chức trong nước khi có ý kiến liên quan đến các bản Thông báo hoặc có đề nghị gia hạn thời gian góp ý có thể thông qua Tổ TBT-BTNMT. Đề nghị gia hạn phải nêu rõ số hiệu của bản Thông báo có liên quan và thời hạn trả lời, nhưng không ít hơn 05 (năm) ngày làm việc.
4. Khi nhận được đề nghị hoặc ý kiến góp ý của các tổ chức trong nước, Tổ TBT-BTNMT có trách nhiệm gửi công văn góp ý kiến đến Thành viên WTO thay mặt cho tổ chức trong nước. Trong trường hợp các tổ chức trong nước đề nghị hoặc góp ý kiến trực tiếp đến các Thành viên WTO thì phải thông tin cho Tổ TBT-BTNMT biết.
5. Khi nhận được thông tin xử lý ý kiến góp ý từ Thành viên WTO ra Thông báo, Tổ TBT-BTNMT phải chuyển ngay đến tổ chức trong nước có góp ý; đồng thời, tổ chức trong nước đã góp ý kiến khi nhận được ý kiến xử lý cũng phải chuyển cho Tổ TBT-BTNMT biết.
6. Tổ TBT-BTNMT là đầu mối có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển các thông báo về TBT của các nước thành viên WTO đến các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn xuất khẩu nhiều hàng hóa trong trường hợp đang có khả năng bị kiện về TBT thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ bằng Fax hoặc thư điện tử (E-mail) trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo từ Văn phòng TBT Việt Nam.
MỤC II - QUY TRÌNH TIẾP NHẬN CÂU HỎI, YÊU CẦU, ĐỀ NGHỊ VÀ TRẢ LỜI
Điều 18. Tiếp nhận và chuyển câu hỏi, yêu cầu, đề nghị
1. Tổ TBT-BTNMT là đầu mối có trách nhiệm tiếp nhận các câu hỏi, yêu cầu, đề nghị từ Văn phòng TBT Việt Nam, các tổ chức trong mạng lưới TBT Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến việc ban hành và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Đối với các câu hỏi không phải được chuyển đến từ Văn phòng TBT Việt Nam thì sau khi tiếp nhận, Tổ TBT-BTNMT phải gửi câu hỏi, yêu cầu, đề nghị đến Văn phòng TBT Việt Nam để biết.
2. Tổ TBT-BTNMT là đầu mối có trách nhiệm tiếp nhận và gửi về Văn phòng TBT Việt Nam các câu hỏi, yêu cầu, đề nghị cung cấp tài liệu của các cơ quan, tổ chức về các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá sự phù hợp của các nước Thành viên WTO có liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
3. Khi tiếp nhận các câu hỏi, yêu cầu, đề nghị, Tổ TBT-BTNMT có trách nhiệm sắp xếp thứ tự, lĩnh vực và tính cấp bách của các câu hỏi, yêu cầu, đề nghị để xem xét, xử lý theo quy định sau:
a) Nếu xét thấy các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ có khả năng trả lời được thì trong vòng 03 (ba) ngày làm việc, Tổ TBT-BTNMT chuyển câu hỏi đến các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ để chuẩn bị trả lời;
b) Nếu xét thấy các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ không có khả năng trả lời, Tổ TBT-BTNMT xác định cơ quan, tổ chức có chức năng và có khả năng trả lời các câu hỏi đó để chuyển câu hỏi.
Điều 19. Chuẩn bị trả lời các câu hỏi, yêu cầu
Trong phạm vi lĩnh vực của mình, các đơn vị quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Quy chế này khi nhận được câu hỏi, yêu cầu từ Tổ TBT-BTNMT có trách nhiệm nghiên cứu, dự thảo văn bản trả lời trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được câu hỏi. Dự thảo văn bản trả lời gửi về Tổ TBT-BTNMT, đồng thời gửi tệp dữ liệu văn bản (file văn bản) qua thư điện tử (E-mail) của Tổ TBT-BTNMT.
Điều 20. Trả lời các câu hỏi, yêu cầu
Sau khi nhận được dự thảo văn bản trả lời, Tổ TBT-BTNMT xem xét, chỉnh sửa (nếu cần) hoặc trao đổi trực tiếp với đơn vị dự thảo văn bản để hoàn thiện văn bản trả lời và gửi cho Bên yêu cầu, đồng thời gửi cho Văn phòng TBT Việt Nam để biết.
Điều 21. Chuyển câu hỏi và trả lời
1. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 18 của Quy chế này, Tổ TBT-BTNMT soạn công văn chuyển câu hỏi đến cơ quan, tổ chức có chức năng và có khả năng trả lời và theo dõi việc trả lời theo yêu cầu trong công văn (về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trả lời, thời hạn trả lời).
2. Trong trường hợp Tổ TBT-BTNMT là cơ quan có chức năng trả lời thì khi tiếp nhận được câu trả lời từ cơ quan, tổ chức có khả năng trả lời, Tổ TBT-BTNMT soạn văn bản trả lời gửi đến Bên có yêu cầu.
1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Tổ trưởng Tổ TBT-BTNMT tổ chức thực hiện Quy chế này tại cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những quy định trong Quy chế này chưa phù hợp, các đơn vị cần kịp thời báo cáo và đề xuất hướng giải quyết gửi về Tổ TBT-BTNMT để tổng hợp trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.
CÁC BIỂU MẪU ÁP DỤNG TRONG QUY TRÌNH THÔNG BÁO VÀ HỎI ĐÁP
(Ban hành kèm theo Quy chế Thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường)
1 | Biểu mẫu 1 | MẪU BẢN THÔNG BÁO |
2 | Biểu mẫu 2 | MẪU THÔNG BÁO Hiệp định ký kết giữa một hoặc nhiều Thành viên WTO về các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp |
3 | Biểu mẫu 3 | MẪU THÔNG BÁO CHẤP THUẬN Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn |
4 | Biểu mẫu 4 | MẪU THÔNG BÁO HỦY BỎ VIỆC CHẤP THUẬN Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn |
5 | Biểu mẫu 5 | MẪU THÔNG BÁO KẾ HOẠCH XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN (Theo điểm J của Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn) |
TỔ CHỨC | G/TBT/N/Ký hiệu quốc gia/Số thứ tự bản TB Ngày/tháng/năm | |
| (00-0000) (Hai số cuối của năm - Bốn số thứ tự theo dõi của WTO) | |
Uỷ ban Hàng rào kỹ thuật trong thương mại |
| |
| | |
THÔNG BÁO
Thông báo sau được đưa ra phù hợp với Điều 10.6
1. Thành viên tham gia vào Hiệp định thông báo: nếu cần thiết, nêu tên các cơ quan Chính phủ địa phương liên quan (điều 3.2 và 7.2) |
2. Cơ quan chịu trách nhiệm: tên và địa chỉ (bao gồm số điện thoại, số fax, địa chỉ e -mail và website, nếu có) của tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý ý kiến góp ý đối với Thông báo, nêu khác với Cơ quan nêu ở mục trên. |
3. Thông báo theo Điều 2.9.2{}, 2.10.1{}, 5.6.2{}, 5.7.1{}, và các điều khác |
4. Các sản phẩm được đề cập (ghi mã số HS hay CCCNg, hoặc mã số thuế quốc gia. Ngoài ra, có thể ghi mã số ICS, nếu có) |
5. Tiêu đề, số lượng trang và ngôn ngữ của các tài liệu được thông báo |
6. Mô tả nội dung |
7. Mục tiêu và lý do, kể cả bản chất của những biện pháp khẩn cấp, khi cần áp dụng |
8. Các tài liệu liên quan |
9. Thời hạn dự kiến thông qua: Thời hạn dự kiến có hiệu lực: |
10. Thời hạn góp ý |
11. Nơi cung cấp toàn văn văn bản: Điểm hỏi đáp quốc gia { } hay địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ e -mail, web site, của các cơ quan khác, nếu có. |
Yêu cầu soạn thảo bản Thông báo TBT
(a) Thông tin chứa đựng trong bản thông báo nên càng đầy đủ càng tốt và không nên để trống phần nào. Khi cần thiết, cần sử dụng các cụm từ “chưa xác định”, “chưa công bố”.
(b) Các thông báo có thể được chuyển qua đường thư điện tử tới Văn phòng TBT Việt Nam: tbtvn@tcvn.gov.vn, sau đó Văn phòng TBT Việt Nam sẽ chuyển tới Cơ quan Đăng ký Thông báo của WTO (CRN): crn@wto.org
(c) Các mục của bản Thông báo:
Nội dung các mục | Giải thích |
1. Thành viên thông báo tham gia Hiệp định | Chính phủ, kể cả cơ quan có thẩm quyền của Cộng đồng Châu Âu, đã gia nhập vào Hiệp định và ra thông báo; nếu có thể, nêu tên các các cơ quan địa phương liên quan đến Điều 3.2 và 7.2 |
2. Cơ quan chịu trách nhiệm | Cơ quan soạn thảo dự thảo hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá hợp quy. Cần nêu tên cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền được chỉ định xử lý các ý kiến góp ý đối với bản thông báo cụ thể, nếu cơ quan hoặc tổ chức này không phải là cơ quan soạn thảo nói trên. |
3. Thông báo dựa theo | Điều khoản có liên quan của Hiệp định: Điều 2.9.2: Văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Chính phủ Trung ương ban hành Điều 2.10.1: Văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật về các vấn đề khẩn cấp do cơ quan Chính phủ Trung ương ban hành Điều 3.2: Văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật về các vấn đề khẩn cấp do cơ quan chính quyền địa phương (chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan Chính phủ Trung ương) ban hành Điều 5.6.2: Các quy trình đánh giá hợp quy do cơ quan Chính phủ Trung ương đưa ra Điều 5.7.1: Các quy trình đánh giá hợp quy về các vấn đề khẩn cấp do các cơ quan Chính phủ Trung ương đưa ra Điều 7.2: Quy trình đánh giá hợp quy của sản phẩm về các vấn đề khẩn cấp được cơ quan địa phương (chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan thuộc Trung ương) đưa ra Các Điều khác, dựa vào đó có thể ra thông báo trong các trường hợp khẩn cấp: Điều 8.1: Các quy trình đánh giá hợp quy do tổ chức phi chính phủ đưa ra Điều 9.2: Các quy trình đánh giá hợp quy do tổ chức khu vực hoặc quốc tế đưa ra |
4. Các sản phẩm được đề cập | Theo mã số HS hay CCCN (Chương hay Mục và Mã số). Mã số thuế quốc gia nếu mã số này khác với mã số HS hay CCCN. Ngoài ra ghi thêm mã số ICS, nếu có thể. Việc mô tả cụ thể về sản phẩm là rất quan trọng cho các nước Thành viên và những người phiên dịch hiểu được thông báo. Tránh viết tắt. |
5. Tiêu đề và số lượng trang | Tiêu đề của dự thảo hoặc văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hay các quy trình đánh giá hợp quy đã ban hành phải được thông báo đầy đủ. Số lượng trang của tài liệu đã thông báo. Ngôn ngữ đang sử dụng của tài liệu đã thông báo. Nếu dự kiến dịch tài liệu nào đó cần phải ghi rõ trong thông báo. Nếu có sẵn bản dịch tóm tắt nội dung tài liệu thì điều này cũng cần đề cập trong bản thông báo. |
6. Mô tả nội dung | Tóm lược nội dung của dự thảo hoặc văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá hợp quy đã được ban hành. Việc trình bày đầy đủ về vấn đề chính của dự thảo hoặc văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá hợp quy đã được ban hành là rất quan trọng giúp các nước Thành viên hoặc người phiên dịch hiểu rõ về các vấn đề đó. Tránh viết tắt. |
7. Mục tiêu và lý do, kể cả bản chất của những biện pháp khẩn cấp, khi cần áp dụng | Ví dụ: Sức khoẻ, an toàn, an ninh quốc gia... |
8. Các tài liệu liên quan | (1) Tên ấn phẩm, cần ghi ngày phát hành và số hiệu của ấn phẩm; (2) Những tài liệu khác mà trong quá trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hoặc dự thảo quy trình đánh giá hợp quy có tham chiếu (4) Cần nêu tên tiêu chuẩn quốc tế tham khảo có liên quan, nếu có thể. Nếu cần thu phí đối với việc cung cấp tài liệu, thì cần nói rõ điều này trong thông báo. |
9. Thời gian dự kiến thông qua và hiệu lực thi hành | Thời gian dự kiến thông qua là thời điểm văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá hợp quy mong muốn được chấp thuận; Hiệu lực thi hành là khoảng thời gian từ khi các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật hay quy trình đánh giá hợp quy được thông qua hoặc ban hành cho tới khi có hiệu lực, có xem xét các quy định tại Điều 2.12 của Hiệp định TBT. |
10. Thời hạn góp ý | Thời hạn mà các Thành viên có thể gửi ý kiến góp ý theo quy định tại Điều 2.9.4, 2.10.3 và 3.1 (liên quan tới Điều 5.6.4 và 5.7.3) của Hiệp định TBT. Một thời hạn cụ thể nên được xác định rõ. Uỷ ban TBT khuyến nghị thời hạn góp ý cho các thông báo thông thường là 60 ngày. Khuyến khích các Thành viên đưa ra thời hạn dài hơn 60 ngày. Các Thành viên cần thông tin về việc gia hạn thời hạn góp ý cho Thành viên góp ý biết, khi có đề nghị gia hạn. |
11. Nơi cung cấp toàn văn văn bản | - Nếu điểm hỏi đáp quốc gia có sẵn văn bản dạng toàn văn, thì gạch chéo vào ô cho sẵn trong bản thông báo. - Nếu cơ quan khác có văn bản, thì ghi rõ địa chỉ, e-mail, số điện thoại và số fax của cơ quan đó trong bản thông báo. - Nếu văn bản có trên Website, thì cung cấp địa chỉ của Website đó. Những chỉ dẫn này không làm giảm trách nhiệm của điểm hỏi đáp theo quy định của Điều 10 của Hiệp định TBT, |
Hiệp định ký kết giữa một hoặc nhiều Thành viên WTO |
THÔNG BÁO
Theo Điều 10.7 của Hiệp định TBT: "Khi một Thành viên đạt được một hiệp định với một hoặc nhiều nước khác về các vấn đề liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn hoặc các quy trình đánh giá sự phù hợp có thể có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại, ít nhất một Thành viên tham gia Hiệp định này phải thông báo thông qua Ban Thư ký cho tất cả các Thành viên khác về các sản phẩm đề cập trong Hiệp định này và gửi kèm nội dung tóm tắt của Hiệp định này."
Xin thông báo về Hiệp định này theo quy định tại Điều 10.7 của Hiệp định TBT như sau:
1. Thành viên thông báo: |
2. Tiêu đề của Hiệp định song phương hoặc đa phương: |
3. Các bên tham gia Hiệp định: |
4. Ngày có hiệu lực của Hiệp định: |
5. Các sản phẩm được đề cập trong Hiệp định (mã số HS hoặc CCCN hoặc mã số thuế quốc gia): |
6. Vấn đề điều chỉnh của Hiệp định (các văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp): |
7. Bản mô tả tóm tắt nội dung của Hiệp định: |
8. Các thông tin chi tiết có thể tham khảo tại: |
Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn |
…….., ngày tháng năm
Tên quốc gia: |
Tên của cơ quan tiêu chuẩn hóa: |
Địa chỉ: |
Điện thoại: Fax: Email: |
Loại hình cơ quan tiêu chuẩn hóa: |
Phạm vi hoạt động hiện tại và dự kiến:
|
Các hoạt động về tiêu chuẩn hóa dự kiến tham gia:
Chúng tôi thông báo sẽ chấp thuận việc tuân thủ Quy chế Thực hành tốt trong việc xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn trong Phụ lục 3 của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO. |
(Họ và tên, chức vụ, dấu và chữ ký của người có thẩm quyền) |
Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn |
………, ngày tháng năm
Tên quốc gia: |
Tên của cơ quan tiêu chuẩn hóa: |
Địa chỉ: |
Điện thoại: Fax: Email: |
Chúng tôi thông báo hủy bỏ việc chấp thuận tuân thủ Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn trong Phụ lục 3 của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của WTO |
Lý do hủy bỏ:
|
(Họ và tên, chức vụ, dấu và chữ ký của người có thẩm quyền) |
(Theo điểm J của Quy chế thực hành tốt trong xây dựng, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn) |
……, ngày tháng năm
Tên quốc gia: |
Tên của cơ quan tiêu chuẩn hóa: |
Địa chỉ: |
Điện thoại: Fax: Email: |
1. Tên ấn phẩm và cơ quan xuất bản ấn phẩm đăng tải kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn đã ban hành: ........................................................................................................................................ 2. Tiến độ của kế hoạch: ........................................................................................................................................ 3. Giá cả của ấn phẩm (nếu có): ........................................................................................................................................ 4. Có thể nhận được ấn phẩm này bằng cách nào và ở đâu: ........................................................................................................................................ |
(Họ và tên, chức vụ, dấu và chữ ký của người có thẩm quyền) |
- 1 Báo cáo 9718/BC-BKHĐT năm 2013 tình hình triển khai Quyết định 419/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2 Nghị định 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 3 Quyết định 1779/QĐ-BTNMT năm 2005 thành lập tổ Thông báo và Điểm hỏi đáp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hàng rào kỹ thuật trong thương mại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4 Quyết định 114/2005/QĐ-TTg thành lập và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới cơ quan Thông báo và Điểm hỏi đáp của Việt Nam về hàng rào kỹ thuật trong thương mại do Thủ tướng Chính phủ ban hành