ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1415/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 06 tháng 8 năm 2018 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 210/TTr-SNN ngày 17 tháng 7 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 1415/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020; để triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2018 - 2020, với những nội dung sau:
I. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Về xây dựng các đề án, quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế chính sách:
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20 tháng 6 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch và Chương trình: Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; về xây dựng nông thôn mới; các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực; về quy hoạch ngành, lĩnh vực và các cơ chế, chính sách,... (chi tiết Phụ lục kèm theo).
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu đã xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu hoặc Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
2. Kết quả thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp 05 năm qua (2013 - 2017):
2.1. Về thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành:
- Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
- Từng bước thực hiện chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao như: Mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hải Nguyên; Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Trúc Anh; Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu nuôi tôm theo quy trình khép kín trong nhà kính, năng suất trung bình đạt 25 - 40 tấn/ha/vụ, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm) được xác định là điểm nhấn, tạo bước đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh; thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP; GlobalGAP, ASC, Organic); ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm (công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Úc; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm, ...).
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ: Năm 2012 tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 47,84% thì đến năm 2017 giảm còn 42,40%; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn giảm từ 72,74% năm 2012 xuống còn 70,63% năm 2017.
- Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài (bình quân lương thực đầu người năm 2017 đạt 1.206 kg/người, tăng 79 kg/người/năm so vốn năm 2012); góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (năm 2012 là 14,21% thì đến năm 2017 giảm còn 8,73%); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 27,04 triệu đồng/người/năm (tăng 21,04% so với năm 2012); số xã nông thôn mới năm 2017 là 16 xã, chiếm 32,65% tổng số xã.
- Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên; giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường do việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường; nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm (duy trì ổn định ở mức 11,36% diện tích tự nhiên).
2.2. Về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, nội dung tái cơ cấu ngành:
- Kết quả sản xuất các sản phẩm chủ lực (thủy sản, lúa, muối): Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác hải sản năm 2017 đạt 322.650 tấn (tăng 24,37% so với năm 2012) trong đó sản lượng tôm 129.745 tấn (tăng 40,06% so với năm 2012), cá và thủy sản khác 192.905 tấn (tăng 15,65% so với năm 2012); tổng sản lượng lúa 1.077.848 tấn (tăng 9,23% so với năm 2012); sản lượng muối 36.096 tấn (giảm 51,02% so với năm 2012).
- Nâng cao chất lượng các quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các quy hoạch đã được phê duyệt; hạn chế tình trạng sản xuất tự phát của nông dân.
- Xây dựng và hình thành vùng sản xuất chuyên canh, đa canh phát triển các ngành hàng chủ lực gồm: Vùng chuyên canh lúa nước (sản xuất 2-3 vụ/năm với các giống lúa chất lượng cao ngắn ngày và lúa đặc sản địa phương phục vụ xuất khẩu) tập trung ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh, diện tích 58.818 ha và vùng trồng lúa khác (trồng lúa trên đất tôm - lúa ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, diện tích 33.747 ha; vùng sản xuất lúa 01 vụ ở phía Nam Quốc lộ 1A, diện tích 2.199 ha); vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 138.114 ha (trong đó tiểu vùng nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh 21.182 ha; nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 33.747 ha; tôm - rừng 4.726 ha và nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 78.459 ha); nuôi nghêu, sò trên đất bãi bồi ven biển 820 ha và phát triển nghề nuôi cá chình, cá bống tượng ở những nơi có điều kiện; diện tích sản xuất muối 1.694 ha (trong đó muối trải bạt 78 ha), gắn với nhu cầu thị trường và kết hợp với nuôi trồng thủy sản trên đất muối, nuôi Artemia.
- Các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực: Nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ, cua biển, nhuyễn thể); khai thác hải sản (tôm, mực, bạch tuộc, cá thu, cá đù, nhóm cá nổi lớn, ...); trồng trọt (lúa thơm, lúa chất lượng cao ngắn ngày, lúa đặc sản địa phương); diêm nghiệp (muối thực phẩm chất lượng cao).
- Về thực hiện nội dung tái cơ cấu đối với các sản phẩm chủ lực:
+ Về nuôi trồng thủy sản: Xác định đối tượng (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể); xác định vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh; vùng nuôi sinh thái; vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; xác định phương thức nuôi (nuôi luân canh, nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên diện rộng và quy mô nhỏ); ứng dụng rộng rãi quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC, Organic) và đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi; thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản (từ ao, đầm nuôi trồng thủy sản đến bàn ăn), truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản (từ năm 2014 - 2017 triển khai được 1.369 ha và bao tiêu gần 130 tấn tôm); toàn tỉnh có 188 cơ sở sản xuất tôm giống (trong đó có 159 cơ sở sản xuất tôm sú, 29 cơ sở sản xuất tôm thẻ chân trắng; công suất thiết kế trên 35 tỷ post/năm); 108 cơ sở ương dưỡng tôm giống và 40 cơ sở sản xuất của giống (công suất thiết kế 500 triệu con/năm); 03 cơ sở sản xuất giống tôm càng xanh (công suất thiết kế 120 triệu post/năm), sản lượng sản xuất 21 - 29,5 tỷ post tôm giống/năm (về cơ bản giải quyết được nhu cầu nuôi trồng thủy sản trong tỉnh và xuất đi các tỉnh khác 2,1 - 2,4 tỷ post/năm) và là tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số công ty, doanh nghiệp có công suất lớn, sản xuất giống thủy sản có chất lượng cao như: Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, Doanh nghiệp tư nhân Kim Sa, Doanh nghiệp tư nhân Dương Hùng, Doanh nghiệp tư nhân tôm giống Khánh Hồng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn số 1; Tập đoàn Việt Úc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tôm giống, là đơn vị duy nhất hiện này trên địa bàn cả nước được phép sản xuất tôm giống bố, mẹ (sản lượng tôm giống chiếm 22% tổng thị phần tôm giống cả nước, trong đó tại tỉnh Bạc Liêu đã chiếm hơn 55% thị phần) góp phần quan trọng đưa lĩnh vực sản xuất tôm giống thành thế mạnh của tỉnh.
+ Về khai thác thủy, hải sản: Năm 2017 số tàu đánh bắt xa bờ tăng lên 556 chiếc (tăng 105 tàu so với năm 2012), giảm số tàu khai thác gần bờ xuống còn 592 tàu (giảm 143 tàu so năm 2012); sản lượng thủy sản khai thác năm 2017 đạt 111.871 tấn (tăng 12,35% so với năm 2012); cùng với việc chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác hải sản xa bờ, khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; áp dụng khoa học công nghệ trong bảo quản sản phẩm để giảm tổn thất trong và sau thu hoạch trong khai thác thủy sản từ 22% năm 2012 xuống còn 20% năm 2017; hàng năm, tổ chức thả vào môi trường tự nhiên từ 06 - 10 triệu tôm sú giống, 20 - 30 nghìn của giống và 50 - 100 nghìn cá giống các loại để tái tạo nguồn lợi thủy sản gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt đối với các hoạt động khai thác mang tính hủy diệt (sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc và các ngư cụ bị cấm khai thác); hoạt động khai thác các đối tượng bị cấm khai thác; các hành vi khai thác gây hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh.
+ Về sản xuất lúa, gạo và rau, củ, quả: Xây dựng được 14 cánh đồng lớn, tổng diện tích canh tác 7.503 ha; diện tích sử dụng lúa giống cấp nguyên chủng, xác nhận 1 và xác nhận 2 ngày càng tăng (năm 2017 đạt 116.409 ha chiếm 63,60% diện tích gieo trồng lúa, tăng 23,04% so với năm 2012); ứng dụng 3 giảm, 3 tăng và 1 phải, 5 giảm, xuống giống né rầy tăng lên hàng năm (từ 120.000 ha năm 2012 lên 160.000 ha năm 2017, đạt 87,42%) diện tích gieo trồng); nông dân đã từng bước giảm lượng giống gieo sạ (có 38.850 ha sử dụng từ 80 - 110 kg/ha để gieo sạ, chiếm 21,23% diện tích gieo trồng, tăng 100% so với năm 2012); đẩy mạnh thực hiện mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp (từ năm 2013 - 2017 thực hiện 51.706 ha; sản lượng bao tiêu 275.909 tấn lúa); khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các tiểu vùng hoặc vùng có mùa vụ sản xuất lúa khó khăn, kém hiệu quả sang trồng màu (đưa màu xuống ruộng); bổ sung vào cơ cấu cây trồng cây Măng Tây, Thanh Nhãn Bạc Liêu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng đối với các mặt hàng lương thực và rau quả của tỉnh.
+ Về chăn nuôi: Xác định đối tượng vật nuôi chủ lực (heo, gia cầm và bò); từng bước chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại ngoài khu dân cư; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị (mô hình liên kết giữa Công ty CP và mô hình chăn nuôi gà trứng thương phẩm trang trại, an toàn dịch bệnh gắn với các cơ sở kinh doanh, chế biến).
+ Về lâm nghiệp: Tổng diện tích đất lâm phần năm 2017 là 6.173,25 ha (giảm 32,55 ha so với năm 2012 do thay đổi hệ tọa độ đo nên kết quả đo đạc có sự chênh lệch), trong đó diện tích có rừng 3.328,07 ha (rừng phòng hộ ven biển 3.055,15 ha; rừng đặc dụng 217,55 ha; rừng sản xuất 55,37 ha); diện tích nuôi trồng thủy sản và đất chuyên dùng 985,11 ha (trong đó rừng phòng hộ 953,78 ha, rừng đặc dụng 31,33 ha); đất vùng đệm rừng đặc dụng 500 ha; đất bãi bồi khoanh nuôi phát triển rừng 1.360,07 ha; diện tích rừng ngoài 3 loại rừng (mô hình tôm - rừng) 4.726 ha (trong đó diện tích có rừng 1.417,62 ha); độ che phủ của rừng, cây phân tán và cây lâu năm 11,36% diện tích tự nhiên (trong đó độ che phủ rừng tập trung và cây phân tán 7,4% diện tích tự nhiên); toàn tỉnh hiện có 68 cơ sở mua bán, kinh doanh và chế biến lâm sản (20 cơ sở kinh doanh gỗ, 24 cơ sở kinh doanh đồ mộc và 24 cơ sở chế biến lâm sản); trong 05 năm qua, thực hiện trồng rừng tập trung và cây phân tán 809 ha; tỉa thưa và làm giàu rừng 154,66 ha
+ Về sản xuất muối thực phẩm: Thực hiện chuyển dịch từ sản xuất muối đen sang sản xuất muối trắng, chất lượng cao (diện tích sản xuất muối trải bạt trên nền sân kết tinh từ 62,64 ha năm 2013 tăng lên 78 ha năm 2017).
- Về phát triển nguồn nhân lực để thực hiện chuyển dịch lao động trong nông nghiệp, nông thôn và nâng cao kỹ năng sản xuất: Qua 05 năm thực hiện tái cơ cấu ngành đã đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được 5.130 người (chiếm 28,17% số lao động qua đào tạo toàn tỉnh), tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 95%; việc tập huấn kỹ thuật cho nông, ngư dân đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông, ngư nghiệp.
- Về tổ chức sản xuất: Toàn tỉnh có 72 Hợp tác xã đang hoạt động (29 Hợp tác xã trồng trọt, 06 Hợp tác xã chăn nuôi; 22 Hợp tác xã thủy sản, 01 hợp tác xã sản xuất muối, 14 hợp tác xã dịch vụ tổng hợp), với 3.577 xã viên, vốn điều lệ 45,8 tỷ đồng; có 599 Tổ hợp tác (196 Tổ hợp tác trồng trọt, 50 Tổ hợp tác chăn nuôi, 288 Tổ hợp tác thủy sản, 45 Tổ hợp tác tưới tiêu, 20 Tổ hợp tác tổng hợp) hoạt động theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác, với 13.818 thành viên; có 505 trang trại (127 trang trại trồng trọt, 42 trang trại chăn nuôi, 336 trang trại nuôi trồng thủy sản), trong đó có 201 trang trại được cấp giấy chứng nhận; tổng diện tích sử dụng đất 5.205,04 ha (đất nuôi trồng thủy sản 3.709,82 ha, đất nông nghiệp 1.493,92 ha, đất khác 1,3 ha); nhìn chung, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác hoạt động đúng luật, tạo sự liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, vốn điều lệ tăng.
- Về lĩnh vực khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, tiềm lực khoa học và công nghệ được nâng lên; qua 05 năm ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện 75 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, phần lớn kết quả nghiên cứu của các đề tài được ứng dụng vào thực tế sản xuất, tạo nên những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao năng suất và khả năng chống chịu với dịch bệnh của một số cây trồng, vật nuôi chủ lực; chất lượng và năng lực cạnh tranh của một số nông, thủy sản hàng hóa chủ lực (tôm sú, thẻ, cua biển, nhuyễn thể, lúa, gạo, rau quả, muối, ...) từng bước được cải thiện; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
- Về xây dựng và bảo vệ các thương hiệu cho những sản phẩm chủ lực, phát triển thị trường: Có 02 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (muối ăn Bạc Liêu và gạo Một bụi đỏ Hồng Dân); 04 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tập thể (Hội sản xuất gạo Tài nguyên Vĩnh Lợi; Hợp tác xã tôm, cua giống Gành Hào; Hợp tác xã Ngò rí Bạc Liêu; Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu) và 03 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường (Khô, mắm Tứ Hải; Thanh Nhãn Bạc Liêu và Trang trại tôm sú sạch Sáu Ngoãn Việt Nam); giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc; phát triển thị trường tiềm năng, thị trường mới như: Hồng Kông, Trung Đông, Đông Âu, Asean, Liên minh kinh tế Á - Âu; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; đồng thời, coi trọng phát triển thị trường nội địa với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, tiêu thụ nông, thủy sản ở các đô thị, địa bàn nông thôn, khu công nghiệp và thực hiện các giải pháp khuyến khích tiêu dùng.
- Về xây dựng hệ thống công trình thủy lợi: Được sự đầu tư của Nhà nước và công sức của nhân dân đã tạo nên hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm: 01 công trình đê biển dài 52,426 km (hiện còn 8 km để chưa được nhựa hóa); hệ thống đê sông dài 379 km và bờ bao ngăn mặn dài 2.940 km; 102 cống tưới, tiêu, trong đó có 83 cống tham gia điều tiết nước (trong đó hệ thống cống dọc theo Quốc lộ 1A có 23 cống, hệ thống phân rãnh mặn, ngọt Bạc Liêu - Sóc Trăng có 55 cống và hệ thống Đông Nàng Rền có 05 cống), 06 công trình kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông và khu dân cư, trung tâm thị trấn; 33 kênh trục và kênh cấp 1 dài 720 km; 304 kênh cấp 2 dài 1.616 km, 753 kênh cấp 3 vượt cấp dài 2.736 km và 3.141 kênh cấp 3, kênh nội đồng dài 3.402 km; xây dựng 31 trạm bơm điện; xây dựng được 269 ô thủy lợi khép kín, diện tích mỗi ô 30 - 70 ha; nhìn chung, hệ thống công trình thủy lợi đã cơ bản hoàn thành kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2 đối với Tiểu vùng giữ ngọt ổn định và Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, riêng đối với vùng phía Nam Quốc lộ 1A thì còn hạn chế; các công trình thủy nông nội đồng mới đáp ứng khoảng 80 - 85% đối với Tiểu vùng giữ ngọt ổn định, khoảng 75 - 80% đối với Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất và khoảng 70 - 75% đối với vùng Nam Quốc lộ 1A; hệ thống đê biển, đê cửa sông đảm bảo mức tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%.
- Về nâng cao năng lực phòng chống thiên tai:
+ Thực hiện tốt công tác thông tin cho các tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh các đợt áp thấp nhiệt đới, bão và thực hiện tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đối với các trường hợp tai nạn trên biển; tiếp tục khai thác 03 trạm đèn tín hiệu báo bão ven biển tại cửa biển Nhà Mát, Cái Cùng và Gành Hào, phục vụ tốt cho tàu đánh bắt gần bờ khi có áp thấp nhiệt đới hay gió bão xuất hiện; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu tổ chức 47 lớp tập huấn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, với trên 2.115 người tham dự; tổ chức 06 lớp tập huấn thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo Quyết định số 2070/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh, với 1.275 người tham dự.
+ Thi công hoàn thành Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu; hoàn thành sửa chữa lớn bờ kè khu du lịch Nhà Mát; Kè chống sạt lở khu vực cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu với chiều dài 522 m; Kè chống sạt lở cửa sông, ven biển thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (đưa vào sử dụng đoạn G0 dài 1.020 m, đoạn G1 dài 803 m, đoạn G2 dài 190 m, đoạn G3 dài 617 m, đoạn G5 dài 610 m, tiếp tục thi công đoạn G4 dài 1.212 m và 02 bến 150 m, đạt 84% khối lượng); đang triển khai thực hiện các Dự án thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, gồm: Dự án xây dựng hệ thống công trình ngăn triều, chống ngập cho thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận; Dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát; Dự án chống xói lở gây bồi, trồng rừng ngập mặn, chống xói lở bảo vệ đê biển Gành Hào; Dự án gây bồi tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ ven biển tỉnh Bạc Liêu; Tiểu dự án tuyến đê biển đoạn từ kênh Huyện Kệ đến Nhà Mồ và đập trụ đỡ (cống kết hợp cầu giao thông) bắt qua kênh Huyện Kệ; đang thực hiện đầu tư Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết hợp với cảng cá Nhà Mát; Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Gành Hào; Dự án đầu tư công trình kè đoạn từ ngã ba Mũi Tàu đến đoạn G0; Kè chống sạt lở cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu (phía bờ Tây kênh 30/4); Dự án cấp bách khắc phục sự cố sạt lở tại kè Gành Hào, huyện Đông Hải; kè Nhà Mát và cầu Chiến Túp 1, thành phố Bạc Liêu,... đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tiết nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa, chống xói lở, xâm thực bờ biển; gây bồi tạo bãi để khoanh nuôi phát triển rừng phòng hộ ven biển; ngăn triều chống ngập bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh khu vực thành phố Bạc Liêu.
- Sử dụng hợp lý nguồn lực đầu tư công phục vụ phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, trong 05 năm tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp 13.095,95 tỷ đồng; đồng thời, mở rộng tối đa đầu tư tư nhân (thông qua mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến nông sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; dịch vụ cơ khí sửa chữa tàu thuyền,...).
- Về thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn: Toàn tỉnh hiện có 22 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế 125.000 tấn/năm; 49 nhà máy xay xát và lau bóng gạo xuất khẩu, tổng công suất xay xát 3.376 tấn/ngày và lau bóng 96 tấn/ngày; 01 nhà máy chế biến gạo Vĩnh Lộc, công suất chế biến 200.000 tấn/năm; 02 nhà máy chế biến muối, công suất chế biến thiết kế 36.750 tấn/năm; 68 cơ sở mua bán, kinh doanh và chế biến lâm sản; về cơ giới hóa: Toàn tỉnh có 2.598 máy cày, 789 dàn cày, 2.685 dàn bừa, 87 máy gieo sạ, 24.546 bình phun thuốc có động cơ, 257 máy gặt (trong đó có 250 máy gặt đập liên hợp), 78 máy suốt lúa, 50 lò, máy sấy nông, lâm, thủy sản, 59 máy chế biến thức ăn gia súc, 36 máy ấp trứng gia cầm, 408 máy chế biến thức ăn thủy sản; 877 máy phát điện (trong đó 277 máy phục vụ sản xuất nông, lâm và thủy sản), 31 trạm bơm điện, 10 cơ sở sản xuất thiết bị quạt nước, bơm nước phục vụ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh,...; đối với sản xuất lúa mức độ cơ giới hóa 100% khâu làm đất, bơm nước, 84% khâu thu hoạch lúa, 90% sản lượng lúa được sấy và 85% khâu phun thuốc bảo vệ thực vật; đối với nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh thực hiện cơ giới hóa 100% khâu xây dựng và cải tạo ao đầm, sục khí, bơm nước; đối với mô hình quảng canh cải tiến thực hiện cơ giới hóa 100% khâu xây dựng ao đầm, bơm nước phục vụ sản xuất; từng bước thực hiện công nghiệp hóa khâu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng.
- Công tác cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành có liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư tiếp tục được thực hiện, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
- Việc cụ thể hóa các chính sách, pháp luật được triển khai thực hiện nghiêm túc, làm cho môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh trở nên minh bạch và có tính cạnh tranh cao hơn; thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách theo thẩm quyền.
II. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Những hạn chế, tồn tại:
- Vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn thấp, kéo dài nhiều năm dẫn đến điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu, bất cập, khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; năng lực phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn hạn chế.
- Một số lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành còn bất cập, nhất là lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản hàng hóa; tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn thường xuyên xảy ra, gây nguy hại cho người tiêu dùng và gây thiệt hại đối với sản xuất của nông, ngư dân; việc hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo còn bất cập.
- Quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm; phương pháp, quy mô, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản, thực phẩm chưa cao, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; hoạt động khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, một số đề tài nghiên cứu khoa học chậm được ứng dụng vào thực tế sản xuất; trình độ dân trí của nông, ngư dân và khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tế sản xuất còn thấp; nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường còn hạn chế.
- Các yếu tố đầu vào của sản xuất luôn biến động theo chiều hướng tăng, chất lượng chưa đảm bảo; công tác dự báo thị trường, định hướng cho người sản xuất còn bất cập; giá cả thị trường các mặt hàng nông sản và dịch vụ nông thôn vẫn chưa có chính sách điều tiết hợp lý của Nhà nước.
- Việc thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từng bước được triển khai nhân rộng, nhưng tiến độ còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững, vẫn còn trường hợp phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân; các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên việc thực hiện mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn hạn chế.
- Nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay để phát triển mô hình nuôi siêu thâm canh do thiếu tài sản thế chấp tương ứng với suất đầu tư.
- Ngư dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nâng cấp tàu, thay máy, thiết bị, ngư cụ, ... nên làm chậm quá trình chuyển đổi nghề để khai thác có hiệu quả hơn.
- Đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn; tỷ lệ nợ xấu, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở các Ngân hàng thương mại còn cao, khả năng tái sản xuất còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo trong nông nghiệp, nông thôn vẫn còn ở mức cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer.
2. Nguyên nhân hạn chế, tồn tại:
- Tác động của tình hình suy giảm kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh gặp nhiều khó khăn; ngành nông nghiệp của tỉnh có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững; sản xuất nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan (nắng nóng; hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, gió lốc, ...) và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản thường xuyên xảy ra và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch.
- Một bộ phận cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và người dân nhận thức chưa đầy đủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; một số người còn cho rằng việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp là trách nhiệm của riêng ngành nông nghiệp; vị trí, vai trò và sự phối hợp của các ngành có liên quan trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn bất cập và chưa có sự quan tâm đúng mức.
- Công tác kiểm tra, phát hiện xử lý những vấn đề vướng mắc và mới nảy sinh đôi lúc chưa thường xuyên và kịp thời; công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức; nguồn vốn tín dụng hạn hẹp, gây ảnh hưởng xấu đến các ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản.
- Nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp rất lớn, trong khi nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước có giới hạn; nhưng việc huy động các nguồn lực của nhân dân và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang gặp nhiều khó khăn; một số cơ sở, Hợp tác xã vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, coi nhẹ huy động sức dân nên việc thực hiện các mục tiêu còn chậm.
- Một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành khá đồng bộ, kịp thời, hợp lòng dân nhưng lại chậm được triển khai thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị; trong quá trình thực hiện thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa cao.
- Thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp; công tác giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn chưa bền vững.
III. KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020
1.1. Mục tiêu chung:
Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cải thiện nhanh hơn đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; góp phần thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
- Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng.
- Sản lượng thủy sản đạt 410.400 tấn (trong đó tôm 198.800 tấn, cá và thủy sản khác 211.600 tấn); sản lượng lúa đạt 1.100.000 tấn; sản lượng muối đạt 50.000 tấn (trong đó muối trắng 30.000 tấn); nâng tỷ lệ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm đạt 11,36% diện tích tự nhiên.
- Có 25 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; thành phố Bạc Liêu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Vĩnh Lợi hoàn thành cơ bản tiêu chí huyện nông thôn mới; hoàn chỉnh nâng cao chất lượng tiêu chí 25 xã đạt 19 tiêu chí.
2. Định hướng cơ cấu lại trong từng ngành, lĩnh vực:
2.1.1. Về nuôi trồng thủy sản:
a) Các chỉ tiêu phát triển: Tổng diện tích canh tác nuôi trồng thủy sản 138.309 ha (diện tích canh tác phần đất nội địa 136.009 ha và khu vực bãi bồi ven biển 2.300 ha); diện tích nuôi trồng thủy sản 144.159 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 138.709 ha (nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2.000 ha; nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 23.850 ha; nuôi quảng canh cải tiến 300 ha; nuôi quảng canh cải tiến kết hợp 74.559 ha, nuôi thủy sản trên đất tôm - lúa 38.000 ha) và diện tích nuôi cua, cá, thủy sản khác 5.450 ha (nuôi cá nước ngọt 1.894 ha, nuôi cua, cá nước mặn, lợ 756 ha; nuôi nghêu, sò 2.300 ha và nuôi Artemia 500 ha); tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 290.400 tấn (trong đó tôm 186.800 tấn, cá và thủy sản khác 103.600 tấn).
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Tập trung phát triển các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể) trên địa bàn tỉnh; phát triển mở rộng quy mô diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A; phát triển mở rộng diện tích tôm - lúa, tôm - rừng, rừng - tôm khi hội đủ các điều kiện cho phép để sản xuất có hiệu quả; đưa nhanh tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, GlobalGAP, BMP, CoC, ASC, ...) vào trong các vùng nuôi trông thủy sản tập trung để nâng cao năng suất, sản lượng, kích cỡ tôm, cua, cá và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các vùng nuôi và các mô hình nuôi; đồng thời, phát triển bền vững mô hình nuôi tôm sạch tại các vùng sinh thái đặc trưng như: Mô hình tôm - rừng, rừng - tôm ở vùng phía Nam Quốc lộ 1A; mô hình tôm - lúa, tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A nhằm giữ lợi thế cạnh tranh về sản phẩm tôm sạch trên thị trường thế giới.
- Sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm tiếp tục được xác định là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và yêu cầu của Úc để có thể xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con sang Úc.
- Tổ chức lại sản xuất các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn, phấn đấu đạt 35.000 ha; tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 20%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản sản xuất theo VietGAP (hoặc tương đương) chiếm trên 10%; chú trọng đến phát triển Hợp tác xã kiểu mới, tạo mối liên kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản; đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi, đa dạng hóa đối tượng nuôi và phương pháp nuôi (nuôi luân canh, nuôi chuyên, nuôi kết hợp nhiều đối tượng trên diện rộng và quy mô nhỏ); khuyến khích áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic), áp dụng công nghệ cao, từng bước đưa ngành nuôi tôm của tỉnh đi theo hướng thâm canh, siêu thâm canh và thực hiện quản lý vùng nuôi thông qua việc cấp mã số nhận diện nhằm tạo ra các vùng nuôi có sản lượng hàng hóa lớn, có chất lượng cao và ổn định, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc; chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất (theo nhóm hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, hiệp hội nuôi trồng thủy sản) để vừa đảm bảo phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu có sản lượng hàng hóa lớn, vừa có điều kiện áp dụng các chương trình nuôi tiên tiến và bảo vệ môi trường vùng nuôi; nhân rộng mô hình đồng quản lý trong nuôi trồng thủy sản gắn với xây dựng và bảo vệ các thương hiệu sản phẩm thủy sản chủ lực của tỉnh (tôm sú sạch bệnh, tôm sinh thái, cá kèo, cua biển, ...); khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng chia sẻ lợi ích và rủi ro với người nuôi trồng thủy sản; đồng thời, thực hiện tốt công tác dự báo thông tin thị trường, giá cả; giảm bớt các tầng nấc trung gian trong thu mua nguyên liệu thủy sản; mở rộng hình thức ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu thủy sản giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản.
- Tập trung đầu tư xây dựng cơ bản để từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi trồng, nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, các vùng nuôi tôm siêu thâm canh theo quy trình khép kín trong nhà kính, nuôi tôm bán thâm canh, nuôi trong nhà lưới, nhà màng,...
- Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách của nhà nước đã ban hành, nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản; gây nuôi các đối tượng thủy sản khác để đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản khác, nhất là khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh.
- Tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, các yếu tố đầu vào khác trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ chất lượng thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; đình chỉ hoạt động và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở cung cấp con giống kém chất lượng theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở, hộ nuôi thủy sản về thực hiện các quy định trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường.
2.1.2. Lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản:
a) Các chỉ tiêu phát triển:
Số phương tiện tàu cá 1.180 phương tiện, tổng công suất 300.000 CV (trong đó tàu đánh bắt xa bờ 800 phương tiện, công suất 280.000 CV), tổng sản lượng thủy sản khai thác 120.000 tấn (trong đó tôm 12.000 tấn, cá và thủy sản khác 108.000 tấn).
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác, đánh bắt thủy hải sản của Việt Nam và các nước lân cận cho ngư dân, hạn chế tình trạng tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ xử phạt; tuân thủ các quy định quốc tế về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, để có thể khai thác dài ngày trên biển và nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên các vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
- Tiếp tục triển khai chương trình hiện đại hóa tàu cá phù hợp với từng loại nghề đảm bảo tính khả thi và hiệu quả; thực hiện chuyển đổi đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các loài hải sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm khai thác, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu có sản lượng ổn định và được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng giá trị và chất lượng sản phẩm khai thác thủy sản trên cơ sở đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch (bảo quản bằng nước biển lạnh tuần hoàn, hầm bảo quản bằng polyurethane, lót hầm tàu bằng vật liệu inox thay cho gỗ, composite,...) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Phối hợp với các viện, trường điều tra, khảo sát, nghiên cứu, xác lập và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường biển để cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học phục vụ công tác quy hoạch và hoạch định chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước về biển.
- Tiếp tục tổ chức thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ; Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, để vừa gia tăng sản lượng khai thác thủy sản, vừa tham gia thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.
- Sắp xếp lại tàu thuyền và cơ cấu nghề khai thác tại vùng bờ, vùng lộng phù hợp với khả năng nguồn lợi cho phép khai thác; ngăn chặn đà suy giảm nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp hành chính và kinh tế để cắt giảm số tàu khai thác ven bờ xuống dưới 20% tổng số tàu cá toàn tỉnh (tập trung cắt giảm đội tàu lưới kéo đơn và các nghề khai thác không hiệu quả tại vùng bờ và vùng lộng; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ cho các tàu khai thác ven bờ chuyển sang nghề khai thác cá nổi nhỏ hoặc làm dịch vụ, du lịch); tăng số lượng tàu làm dịch vụ trên biển chiếm 15% tổng số tàu khai thác xa bờ toàn tỉnh; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp hành chính và kinh tế để cắt giảm số tàu khai thác ven bờ; đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp, đảm bảo tăng thu nhập, ổn định đời sống để hạn chế đánh bắt lạm sát nguồn lợi; khẩn trương đề xuất chủ trương đầu tư và thực hiện “Dự án chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản vùng biển ven bờ tỉnh Bạc Liêu”.
- Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản (thành lập các tổ, đội) và các hình thức liên doanh, liên kết, các mô hình dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm trên biển phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường và từng vùng biển; nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất Hợp tác xã, tổ đoàn kết, mô hình liên kết giữa ngư dân với các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản.
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên vùng đặc quyền kinh tế biển và ở các thủy vực trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản trái phép như: Đánh bắt thủy sản bằng hóa chất, xung điện, đánh bắt các loại thủy sản còn non chưa trưởng thành, hủy hoại nguồn lợi và môi trường sinh thái; tự ý đặt nò, đó, vó, lú, đóng đáy, chất chà, ... trên sông, kênh, rạch gây cản trở dòng chảy, sự di chuyển của các loài thủy sản và phương tiện giao thông trên các sông, kênh, rạch.
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển để vừa tham gia sản xuất, đánh bắt hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm phạm lợi ích, chủ quyền quốc gia trên biển; thực hiện việc cấp giấy phép khai thác hải sản vùng khơi theo hạn ngạch đối với từng tàu và nhóm nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác; gắn khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi.
- Kết hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ biển, lực lượng kiểm ngư; các Sở, Ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu đảm bảo các điều kiện về dịch vụ hậu cần, thông tin liên lạc hiện đại; cứu hộ, cứu nạn trên biển theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 nguyên tắc” (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả), đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân an tâm bám biển, giữ vững an ninh, trật tự vùng biển của tỉnh và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
a) Các chỉ tiêu phát triển:
- Diện tích gieo trồng lúa 187.324 ha; sản lượng 1.100.000 tấn.
- Diện tích gieo trồng rau các loại là 14.700 ha, sản lượng 149.000 tấn; diện tích cây ăn trái 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn.
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực: Lúa gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả công nghệ cao.
- Giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa nước 58.800 ha ở Tiểu vùng giữ ngọt ổn định phía Bắc Quốc lộ 1A; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất tôm - lúa đạt 38.000 ha ở Tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A, gắn với đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống công trình thủy lợi phân ranh mặn, ngọt; nạo vét hệ thống kênh mương bị bồi lắng; phát triển hệ thống trạm bơm điện vừa và nhỏ; từng bước thực hiện kiên cố hóa kênh mương (gia cố bờ kênh, xây dựng cống, đập, trạm bơm); phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa chịu mặn mang thương hiệu Bạc Liêu (lúa chất lượng cao, Tài nguyên, Một bụi đỏ, ...), bao gồm vùng lúa chất lượng cao 70.000 ha và giống lúa thơm 85.000 ha được bố trí sản xuất trên toàn vùng ngọt ổn định; lúa đặc sản địa phương 25.000 ha, bao gồm giống lúa Tài nguyên 10.000 ha (tập trung chủ yếu ở huyện Vĩnh Lợi) và giống lúa Một bụi đỏ 15.000 ha, trong đó sản xuất lúa hữu cơ 10.000 ha (tập trung chủ yếu ở huyện Hồng Dân và Phước Long).
- Tập trung xây dựng cánh đồng lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, phát triển bền vững, hiệu quả và thực hiện liên kết bao tiêu lúa gạo đạt 100.000 ha gieo trồng lúa vào năm 2020; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; xây dựng vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, sạch bệnh (quy mô 4.000 ha), đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
- Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư nông nghiệp và xử lý chất thải nông nghiệp, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (Măng Tây, ngò rí, ...) trên cơ sở áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất, phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (Hazard Analysis and Critical Control Point System - viết tắt là HACCP) trong tất cả các khâu của quá trình “từ trang trại đến bàn ăn” để đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình trồng nấm, mô hình đưa màu xuống ruộng; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị.
- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn vườn cây nhãn cổ 150 ha tại xã Hiệp Thành và cây xoài cổ tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu; nhân rộng giống Thanh nhãn Bạc Liêu trên đất cát giồng ven biển.
- Hỗ trợ tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho nông dân.
a) Các chỉ tiêu phát triển:
Đàn gia cầm 2,8 triệu con (trong đó đàn gà 1,11 triệu con, đàn vịt 1,69 triệu con); đàn heo 250.000 con; đàn trâu 1.200 con; đàn bò 2.400 con; đàn cá sấu 320.000 con và các loại động vật hoang dã khác 140.000 con.
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, gây nuôi động vật hoang dã theo hướng trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp (chiếm khoảng khoảng 30 - 40% tổng đàn heo vào năm 2020) phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng sinh thái, gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và xử lý chất thải, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; từng bước chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình trong các khu dân cư tập trung sang phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại an toàn sinh học ngoài khu dân cư.
- Nâng cao chất lượng con giống, hướng dẫn nông dân chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí giá thành chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hàng năm; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan; quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Áp dụng an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, quản lý vùng nuôi an toàn về môi trường; phát triển công nghiệp chế biến đa dạng sản phẩm; cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn; áp dụng hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm đất và nước từ chất thải chăn nuôi và phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ các phụ phẩm của ngành chăn nuôi.
- Tiếp tục rà soát tất cả các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh, đình chỉ ngưng hoạt động những cơ sở giết mổ không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đảm bảo theo quy chuẩn quy định, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, về phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung và chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
a) Các chỉ tiêu phát triển:
- Giữ ổn định diện tích lâm phần đến năm 2020 đạt 6.173,25 ha (trong đó có rừng 3.328,07 ha); mô hình tôm rừng (ngoài 03 loại rừng) 4.726 ha (trong đó có rừng 1.417,62 ha); tỷ lệ che phủ rừng, cây phân tán và cây lâu năm 11,36% diện tích tự nhiên.
- Trồng rừng phòng hộ môi trường, bảo vệ cơ sở hạ tầng, trồng cây phân tán 10 triệu cây/năm, với các loài cây: Phi lao, Sao đen, Dầu rái, Xà cừ, Phượng vĩ, Bằng lăng, Sưa vàng, Me, ... góp phần nâng cao độ che phủ, tạo cảnh quan môi trường sinh thái, làm cho nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp.
- Nuôi dưỡng nâng cao chất lượng rừng đối với diện tích rừng sản xuất lâm - ngư kết hợp đã đến tuổi tỉa thưa, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng phòng hộ.
- Việc phát triển rừng phòng hộ môi trường (trồng cây xanh) mỗi năm cung cấp cho thị trường 7.540 - 11.310 m3 gỗ xây dựng và 45.000 m3 củi.
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân thực hiện tốt Luật Bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao trách nhiệm và năng lực bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm và chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở; xây dựng Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm) với chính quyền địa phương, các tập thể nhận khoán để bảo vệ và phát triển tốt rừng phòng hộ ven biển; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
- Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng; tiếp tục thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về việc giao doanh nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển Đông kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng thêm một số khu du lịch sinh thái (nhưng không làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên) trên chân rừng phòng hộ ven biển từ Nhà Mát đến Gành Hào (kể cả đầu tư khai thác các khu rừng đã trồng của các tổ chức và cá nhân) để phục vụ du lịch, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho nông, ngư dân; tăng cường công tác bảo tồn và phát triển bền vững các Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu và ấp Canh Điền đến năm 2020; bảo vệ hệ sinh thái các vườn chim tư nhân để phục vụ du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh thực hiện việc trồng rừng trên đất bãi bồi ven biển (trồng rừng không có giải pháp công trình) và trồng rừng trên các khu vực bị sạt lở (trồng rừng có giải pháp công trình gây bồi tạo bãi), trồng các loại cây đa tác dụng, đa mục tiêu, tạo điều kiện thu nhập cho người làm nghề rừng; tăng cường công tác quản lý, giám sát kỹ thuật trong việc đầu tư trồng và chăm sóc cây xanh đô thị.
- Thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người làm nghề rừng và thực hiện di dời những hộ đang sinh sống ở khu vực ven rừng, đầu kênh ngoài đê biển và hộ dân cư trú bất hợp pháp trong lâm phần vào định cư phía trong đê biển, có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp để người dân ổn định cuộc sống.
- Chủ động thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống không để xảy ra cháy rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực Vườn chim Bạc Liêu.
- Kiểm tra, xác định rõ nguồn gốc, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
- Thực hiện khen thưởng cho người dân phát hiện và trình báo kịp thời những vụ việc chặt phá rừng, sai phạm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
a) Các chỉ tiêu phát triển: Diện tích sản xuất 1.500 ha (trong đó diện tích trải bạt 100 ha), sản lượng muối 50.000 tấn (trong đó muối trắng 30.000 tấn).
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
- Thực hiện chuyển đổi sản xuất muối đen kém hiệu quả (huyện Đông Hải và Hòa Bình) sang nuôi Artemia và nuôi trồng thủy sản; đồng thời, chuyển đổi nhanh từ phương thức sản xuất muối đen sang phương thức sản xuất muối trắng trải bạt; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất muối, nhất là mô hình sản xuất muối sạch, chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh; đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, giảm giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
- Tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng muối, ưu tiên đầu tư xây dựng vùng sản xuất muối ứng dụng công nghệ cao (tại xã Long Điền Đông và xã Điền Hải, huyện Đông Hải) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
- Nhân rộng mô hình hợp tác, liên kết giữa diêm dân và doanh nghiệp trong sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất muối chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu, áp dụng khoa học, công nghệ tận dụng triệt để phụ phẩm từ đồng muối (nước ót) phục vụ nuôi trồng thủy sản; giữ vững chỉ dẫn địa lý “muối ăn Bạc Liêu” và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu muối Bạc Liêu trong và ngoài nước.
- Khai thác tối đa công suất của 02 nhà máy chế biến muối hiện có và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối gắn với xây dựng vùng nguyên liệu muối ứng dụng công nghệ cao, sản xuất công nghiệp để chủ động nguồn nguyên liệu và hạn chế rủi ro trong sản xuất muối, thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn:
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư chế biến các sản phẩm nông nghiệp, sản xuất, cung ứng các yếu tố đầu vào của sản xuất và các loại máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn.
- Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị, cải tạo nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn quốc tế.
- Kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để thu hút lao động và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện “Bảo tồn và phát triển làng nghề", tạo việc làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, đảm bảo môi trường bền vững và vệ sinh an toàn thực phẩm; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất ở các làng nghề; hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề; yêu cầu các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn phải đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải, bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đã được ban hành để phát triển các làng nghề đã được công nhận (làng nghề đan đát ở Phước Long, làng nghề mộc ở huyện Hồng Dân và các làng nghề muối ở huyện Đông Hải) và phát triển thêm một số làng nghề mới,...; đồng thời, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn tỉnh.
4. Về thủy lợi và phòng chống thiên tai:
- Tích hợp Quy hoạch thủy lợi tỉnh Bạc Liêu phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh; việc xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phải theo quy hoạch, phù hợp với đặc điểm từng tiểu vùng, kết hợp chặt chẽ với phát triển giao thông nông thôn và tính đến tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; đối với các công trình thủy nông nội đồng cần thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.
- Thực hiện chương trình đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và vận hành các công trình thủy lợi; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống công trình theo đúng quy trình bảo trì và vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra sự cố công trình do chủ quan, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo toàn hệ thống công trình vận hành an toàn, ổn định.
- Xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án, công trình trọng tâm thích ứng với biến đổi khí hậu (hệ thống đê biển; các dự án kè chống sạt lở, các công trình ngăn triều, chống ngập, gây bồi tạo bãi, ...); ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp; vùng sản xuất tôm - lúa; dự án các trạm bơm điện; các công trình thủy nông nội đồng theo quy hoạch, nạo vét kênh mương bị bồi lắng đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai (Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão), Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao những mô hình canh tác sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để giảm chi phí và làm giảm áp lực về nhu cầu nước trong các mô hình sản xuất hiện nay trên địa bàn tỉnh; quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 nguyên tắc (phòng ngừa chủ động; ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
5. Về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp:
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; xét công nhận và công bố xã, huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định; gắn việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung ưu tiên và có bước đi phù hợp; ưu tiên chỉ đạo thực hiện các tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; thu hút các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng nông thôn; mỗi xã căn cứ vào điều kiện cụ thể lựa chọn 01 - 03 sản phẩm hàng hóa chủ lực xây dựng mô hình, hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa.
- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt về các cơ chế, chính sách mới, cách làm hay, mô hình tốt và các điển hình tiên tiến nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng học tập và làm theo của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sự nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hàng năm, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
- Đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhóm người nghèo và cận nghèo ở nông thôn, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Khmer tham gia vào quá trình tăng trưởng nông, lâm, ngư, diêm nghiệp thông qua hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ duy trì sản xuất và thu nhập, tăng khả năng tiếp cận thị trường phi nông nghiệp, đa dạng hóa sinh kế cho cư dân nông thôn.
- Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới; huy động mọi nguồn lực để đầu tư, cải tạo làm chuyển biến hạ tầng cơ bản ở ấp, xã gắn với phát triển sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; nâng cấp, phát triển cả về quy mô và chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở, nhất là cấp huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền, thuyết phục để khôi phục niềm tin của người dân vào chất lượng các dịch vụ y tế tuyến cơ sở bằng các kết quả thiết thực; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hình thức sản xuất thủ công truyền thống, công nghệ thấp ở các làng nghề, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, chất thải do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi ở khu vực nông thôn và tăng cường đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.
- Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố Bạc Liêu để được Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Vĩnh Lợi hoàn thành cơ bản tiêu chí huyện nông thôn mới; tiến hành xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; riêng huyện Phước Long, mỗi xã chọn 01 đến 02 tiêu chí thế mạnh để xây dựng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu cấp xã hoặc chọn 01 đến 02 ấp xây dựng khu dân cư xóm, ấp kiểu mẫu; quan tâm chỉ đạo nâng dần chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp cơ sở.
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và nhân dân về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp.
Thực hiện đầy đủ và vận dụng các cơ chế, chính sách do Nhà nước ban hành về nông nghiệp, nông thôn và nông dân (Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp và Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 4 năm 2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về Chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ; Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định mức chi thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chi tiết thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, ...); rà soát, cập nhật, bổ sung và hoàn chỉnh cơ chế, chính sách theo thẩm quyền; tạo mọi điều kiện để thu hút vốn đầu tư theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư và nhân dân, nhất là các dự án có vốn đầu tư quy mô lớn và những ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang khuyến khích, thu hút đầu tư; có cơ chế, chính sách đặc biệt về tín dụng (lãi suất ưu đãi theo cơ chế thị trường thấp nhất), đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (điện, đường, nước sạch,...), chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo nghề, hỗ trợ tham quan trong và ngoài nước như đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đối với các mô hình sản xuất có hiệu quả cao, đòi hỏi đầu tư vốn lớn (trong thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, ...) để tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
3. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, đề án và công tác quản lý nhà nước đối với các quy hoạch, đề án:
- Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, tích hợp nội dung các quy hoạch ngành, lĩnh vực vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch hành động có liên quan tới chức năng quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt.
- Kết hợp việc tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, hạn chế việc sản xuất tự phát của nông dân.
4. Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất:
- Tổ chức thực hiện Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020; Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020" trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 15/2016/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, ...
- Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản hàng hóa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; gắn kết nông dân với thị trường và doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chương trình hợp tác với Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cần Thơ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản.
- Tạo điều kiện cho kinh tế hộ gia đình phát triển trên nguyên tắc khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trang trại; đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ khó khăn sản xuất xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
- Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
- Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất và cơ cấu lao động; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
5. Phát triển khoa học và công nghệ:
- Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
- Xác định khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.
- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám vào thực tế sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tăng cường sự kết nối, hợp tác giữa nghiên cứu với chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào điều kiện thực tế sản xuất; giữa cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp; thực hiện chính sách đặt hàng cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề quan trọng bức xúc của ngành (về cải tiến giống cây trồng, vật nuôi, quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng chống dịch bệnh, công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, ...) nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức.
- Khuyến khích mạnh mẽ mọi tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.
- Tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, nhằm hỗ trợ, tác động, dẫn dắt nền nông nghiệp của tỉnh, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tư vấn, chuyển giao công nghệ, phổ biến nhân rộng mô hình; huấn luyện, đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao; ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, ... xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch; xem xét thẩm định, quyết định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các quy định tại Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học, công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.
6. Về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường:
- Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại hàng nông sản; tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; đề xuất các giải pháp bảo vệ hàng hóa sản xuất trong tỉnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, nhưng không vi phạm các cam kết với các tổ chức quốc tế và các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, mở rộng đầu ra cho nông, lâm, thủy sản của tỉnh.
- Xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tháo gỡ các rào cản thương mại, rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
- Coi trọng phát triển thị trường nội địa với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo thường xuyên, cung cấp thông tin về cung cầu, giá cả thị trường nông sản trong nước và thế giới cho nông dân và doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp thị, quảng bá, phát triển thị trường và chuyển giao công nghệ; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và các hoạt động đối ngoại; giữ vững thị trường truyền thống (Nhật, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Asean) và phát triển mở rộng thị trường mới (Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, Nam Mỹ, Australia,...); tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thực hiện các phương án hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững mối quan hệ với các đối tác đã được thiết lập, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
7. Huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư:
- Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
- Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư, ...) đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.
- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là các cấp, các ngành có liên quan trực tiếp đến môi trường đầu tư, để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng; thực hiện công khai hóa các thủ tục hành chính, phổ biến rộng rãi, niêm yết công khai tại công sở quy chế, quy trình và các thủ tục hành chính rõ ràng trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
- Xây dựng quy chế và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan đến giải quyết thủ tục đầu tư, nhằm tạo sự thống nhất, thuận tiện, nhanh gọn trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư.
- Tập trung giải quyết những vướng mắc, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư trên địa bàn; thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành nghề mới mà tỉnh có nhu cầu (tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng cơ bản, ...).
- Kiện toàn hệ thống tổ chức của các cơ quan, đơn vị đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, nhanh nhạy, thông suốt, chủ động, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ, bản lĩnh, năng lực hội nhập kinh tế thế giới và có trách nhiệm xã hội; tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với vật tư, sản phẩm nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu triển khai thực hiện Kế hoạch này; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định; đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch khi cần thiết.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm:
Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho Ngành Nông nghiệp thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia của Nhà nước và tư nhân (PPP/PPC).
3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
Tham mưu đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện Kế hoạch; rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí, theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp.
4. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan tới tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch này; xem xét, tuyển chọn đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; các quy trình sản xuất, công nghệ mới trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, sản xuất muối đảm bảo phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Công Thương chịu trách nhiệm:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các chính sách thương mại, các rào cản kỹ thuật, để đề nghị Trung ương xem xét điều chỉnh, bổ sung, nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông, thủy sản và bảo vệ sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến thức ăn gắn với sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; đẩy mạnh đầu tư phát triển lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp (các trạm bơm điện và các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh) điện phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, để kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất và đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường.
7. Sở Y tế chịu trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, Chiến lược an ninh dinh dưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn.
8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu:
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên tập trung vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các cơ chế, chính sách tín dụng để đề xuất, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội:
Phối hợp tham gia thực hiện bằng nhiều hình thức và phương pháp thích hợp, tổ chức tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên nội dung của Kế hoạch này đến toàn thể đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; vận động đoàn viên, hội viên đi đầu trong công tác tuyên truyền về cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng và triển khai chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện đạt các mục tiêu của Kế hoạch đề ra.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu chịu trách nhiệm:
Triển khai rà soát, điều chỉnh, tích hợp quy hoạch, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế trên địa bàn, có khả năng cạnh tranh phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành và nhu cầu thị trường; nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, hiệu quả; nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa bàn để thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Sở, Ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Bạc Liêu phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
(Kèm theo Quyết định số: 1415/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)
1. Chương trình số 14-CTr/TU ngày 09 tháng 8 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
2. Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30 tháng 8 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020.
3. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2020.
II. CÁC VĂN BẢN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH
1. Nghị quyết số 18/2013/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Nghị quyết số 19/2013/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014-2020.
3. Nghị quyết số 09/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
4. Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2016 - 2020).
5. Nghị quyết số 15/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
III. CÁC VĂN BẢN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
A. QUYẾT ĐỊNH
1. Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020.
2. Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
3. Quyết định số 01/2014/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
4. Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
5. Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
6. Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Báo cáo rà soát, cập nhật, bổ sung Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020.
7. Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
8. Quyết định số 1013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
9. Quyết định số 1055/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững các Khu Bảo tồn loài/sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu và ấp Canh Điền đến năm 2020.
10. Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tiêu chí cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
11. Quyết định số 1347/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành muối tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
12. Quyết định số 1510/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
13. Quyết định số 44/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
14. Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo sản xuất và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu.
15. Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
16. Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức chi thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
17. Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
18. Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
19. Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định chi tiết thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
B. KẾ HOẠCH
1. Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và hướng dẫn ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2012 và Kế hoạch đầu tư xây dựng đến năm 2015.
2. Kế hoạch 01/KH-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về việc triển khai thực hiện mô hình nuôi thâm canh tôm sú và tôm thẻ chân trắng bền vững theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 -2015.
3. Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2013 - 2017.
4. Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
5. Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu về xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và hướng dẫn ghi chép Sổ tay sản xuất lúa theo hướng VietGAP năm 2013 - 2014.
6. Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch nuôi Artemia trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020.
7. Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 14 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
8. Quyết định số 1014/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016-2020.
9. Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020.
10. Quyết định số 1532/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch Thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
11. Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm vùng đệm (xã Vĩnh Thịnh huyện Hòa Bình) bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu đến năm thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn” trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đến năm 2017.
12. Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 25 tháng 4 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 10 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV.
13. Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020.
14. Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
15. Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
16. Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 - 2020.
- 1 Kế hoạch 2982/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2020
- 2 Quyết định 2014/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 3 Nghị quyết 11/NQ-HĐND năm 2018 về nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020
- 4 Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
- 5 Quyết định 939/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018-2020
- 6 Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020
- 7 Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản
- 8 Quyết định 27/2017/QĐ-UBND về thực hiện Quyết định 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 9 Nghị quyết 15/2017/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 10 Quyết định 1819/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Quyết định 18/2017/QĐ-UBND về Quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 12 Quyết định 15/2017/QĐ-UBND về Quy định mức hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 13 Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2017 quy định về mức chi thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 14 Kế hoạch 2281/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14 và Quyết định 414/QĐ-TTg về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 15 Kế hoạch 2256/KH-UBND thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 và năm 2017
- 16 Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU về tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016-2020
- 17 Quyết định 813/QĐ-NHNN năm 2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- 18 Quyết định 630/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long" trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 19 Quyết định 44/QĐ-UBND năm 2017 quy định và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 20 Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN năm 2017 tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 21 Kế hoạch 15/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 22 Quyết định 15/2016/QĐ-UBND tiêu chí cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 23 Thông tư 15/2016/TT-BNNPTNT hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với hợp tác xã nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 24 Quyết định 66/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 25 Nghị quyết 09/2015/NQ-HĐND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước cho các huyện, thị xã và thành phố giai đoạn 2016 - 2020 do tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 26 Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản
- 27 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 28 Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
- 29 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa
- 30 Quyết định 2194/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
- 31 Quyết định 2261/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 32 Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản
- 33 Quyết định 156/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
- 34 Quyết định 01/2014/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 35 Nghị quyết 18/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 36 Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020
- 37 Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 38 Quyết định 62/2013/QĐ-TTg chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 39 Chỉ thị 2039/CT-BNN-KH năm 2013 triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 40 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 41 Luật an toàn thực phẩm 2010
- 42 Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 43 Nghị định 151/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác
- 44 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 1 Kế hoạch 2982/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2020
- 2 Quyết định 2014/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 3 Nghị quyết 11/NQ-HĐND năm 2018 về nội dung chủ yếu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020
- 4 Quyết định 2383/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2018-2020
- 5 Quyết định 939/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2018-2020
- 6 Kế hoạch 62/KH-UBND năm 2018 về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020
- 7 Kế hoạch 2281/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Nghị quyết 32/2016/QH14 và Quyết định 414/QĐ-TTg về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 8 Kế hoạch 2256/KH-UBND thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020 và năm 2017