Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 142/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 02 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐỔI TÊN CHI CỤC HỢP TÁC XÃ VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THÀNH CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 249/TTr-SNN ngày 01/3/2012 về việc đề nghị điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 24/11/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh và đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 57/TTr-SNV ngày 11/4/2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của điểm 3.3 mục III Điều 1, Quyết định số 658/QĐ-UBND ngày 24/11/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đổi tên Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn thành Chi cục Phát triển nông thôn. Quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

1. Vị trí, chức năng:

Chi cục Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về phát triển kinh tế hợp tác xã nông lâm nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất nông lâm nghiệp; hướng dẫn thực hiện chính sách, chương trình phát triển nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực điều chỉnh, phân bố lao động dân cư nông thôn, ổn định dân cư, phát triển vùng kinh tế mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Chi cục Phát triển nông thôn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật.

Trụ sở của Chi cục: Đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

Giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước chuyên ngành về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp vừa và nhỏ, các nông, lâm trường Nhà nước; kinh tế tư nhân nông, lâm nghiệp (trang trại, kinh tế hộ…); chính sách nông nghiệp; tổ chức quản lý và hướng dẫn thực hiện công tác ổn định dân cư, phát triển kinh tế mới trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể như sau:

2.1. Dự thảo, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh các chủ trương chính sách và giải pháp thực hiện về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Chi cục.

2.2. Hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch 5 năm, hàng năm, các dự án về các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, ổn định dân cư và lao động; phát triển các vùng kinh tế mới để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Phối hợp với Sở kế hoạch và Đầu tư để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cho các huyện và các dự án. Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ chốt hợp tác xã, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp.

2.3. Nghiên cứu, vận dụng, cụ thể hoá những vấn đề về chính sách và chế độ quản lý kinh tế hợp tác xã nông, lâm nghiệp, kinh tế trang trại, kinh tế hộ, các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính sách di dân phát triển vùng kinh tế mới phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

2.4. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các huyện, các dự án thực hiện theo trình tự các bước tiến hành theo đúng luận chứng kinh tế kỹ thuật, chi phí đầu tư của từng dự án đã được phê duyệt.

2.5. Về quản lý chuyên ngành:

a) Về các thành phần kinh tế nông, lâm nghiệp và chính sách nông nghiệp:

- Dự thảo trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chế độ, thể lệ, cơ chế quản lý và tổ chức các hợp tác xã, các doanh nghiệp nông lâm nghiệp vừa và nhỏ, các nông, lâm trường Nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện các chính sách về đất đai, thuế sử dụng đất, pháp lệnh kế toán thống kê, chính sách tín dụng, hợp đồng kinh tế.

- Tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách về kinh tế hợp tác xã, các doanh nghiệp nông lâm nghiệp, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và các chính sách có liên quan.

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các chính sách kinh tế trang trại, kinh tế hộ, xây dựng các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, phối hợp với các ngành có liên quan quản lý, đăng ký ngành nghề kinh doanh.

- Thường xuyên đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban quản lý các hợp tác xã.

b) Về quản lý công tác ổn định dân cư, di dân phát triển vùng kinh tế mới:

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng các dự án theo đúng nội dung, trình tự, thủ tục quy định. Tổ chức thẩm định hoặc tham gia thẩm định các quy hoạch, dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, điều chỉnh, sắp xếp bố trí lại dân cư, xây dựng các vùng kinh tế mới.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án ổn định dân cư, sắp xếp, điều chỉnh dân cư trong nông nghiệp, nông thôn.

- Phối hợp với các ngành liên quan và các huyện tổ chức chỉ đạo phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm ổn định cho nhân dân trong các vùng dự án từ khi đầu tư cho đến khi định hình. Tổ chức tập huấn, huấn luyện, đào tạo vận hành máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến nông lâm sản.

- Tham gia thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm và phát triển ngành nghề nông thôn.

2.6. Quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương và địa phương đầu tư cho chương trình phát triển kinh tế xã hội nông thôn theo chuyên ngành quản lý. Thực hiện đúng quy trình và các cơ chế quản lý theo kế hoạch được giao. Kiểm tra việc thực hiện và thanh quyết toán các nguồn vốn theo chế độ hiện hành.

2.7. Tổ chức tuyên truyền vận động, phổ biến các chính sách, chế độ của Nhà nước thuộc chuyên ngành quản lý đến các hộ gia đình.

2.8. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, chương trình, cơ chế chính sách phát triển lĩnh vực chế biến gắn với thị trường các ngành hàng thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

2.9. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại đối với nông sản, lâm sản và thủy sản thuộc phạm vị quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.10. Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi quản lý của ngành theo sự phân công của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2.11. Quản lý cán bộ, công chức, tài sản, tài chính được giao theo đúng quy định.

2.12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.

3. Tổ chức bộ máy:

 a) Tổ chức bộ máy của Chi cục Phát triển nông thôn, gồm:

- Lãnh đạo: Chi cục trưởng và không quá 02 Phó Chi cục trưởng;

- Tổ Hành chính;

- Phòng Quy hoạch ổn định dân cư;

- Phòng Chính sách hợp tác xã và kinh tế nông lâm nghiệp.

b) Đổi tên các chức danh: Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn thành Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn.

4. Biên chế:

Biên chế của Chi cục Phát triển nông thôn nằm trong tổng biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hằng năm.

Điều 2. Giao trách nhiệm:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp xếp, bố trí công chức của Chi cục Phát triển nông thôn theo đúng các quy định của Nhà nước và Uỷ ban nhân dân tỉnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Sở Nội vụ có trách nhiệm hưóng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 39/2005/QĐ-UBND ngày 21/4/2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh uỷ; (Báo cáo)
 - Thường trực HĐND tỉnh; (Báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh uỷ;
- Các Sở, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trưởng phòng chuyên môn VP;
- Như Điều 3 (thực hiện);
- Lưu: VT, NV.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Chẩu Văn Lâm