Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1420/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 30 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến 2020;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển:

Phát triển ngành nghề nông thôn gắn bó chặt chẽ với sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy thế mạnh về các ngành nghề truyền thống, vùng nguyên liệu, tranh thủ các nguồn lực có sẵn trong nhân dân để phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kết hợp hài hòa giữa ngành nghề truyền thống với ứng dụng thiết bị, công nghệ mới; gắn phát triển ngành nghề nông thôn với dịch vụ du lịch; thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng; quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

II. Mục tiêu đến năm 2020:

1. Mục tiêu chung: Xác định thế mạnh ngành nghề, nhóm ngành nghề nông thôn tại từng vùng, từng địa phương của tỉnh Lâm Đồng để có định hướng phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và kết cấu hạ tầng; tạo sự gắn kết giữa phát triển ngành nghề nông thôn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển du lịch; kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên; tạo được sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn, nâng cao giá trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; đồng thời bảo tồn, phát huy các ngành nghề, sản phẩm có giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Các ngành nghề nông thôn đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 12-13%; trong đó, số lượng cơ sở ngành nghề nông thôn đạt khoảng 19.000-20.000 cơ sở; tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 850-900 triệu đồng/cơ sở; giải quyết được khoảng 85.000-90.000 lao động, quy mô bình quân đạt 05 lao động/cơ sở.

b) Nâng thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông đạt 5,5-6,0 triệu đồng/người/tháng. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ lao động thuần nông từ 90% hiện nay xuống dưới 70% vào năm 2020.

c) Mỗi huyện, thành phố xây dựng 2-3 làng nghề làm hạt nhân cho phát triển các ngành nghề nông thôn tại từng địa phương.

III. Nội dung quy hoạch:

1. Định hướng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn theo vùng:

- Vùng 1: huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt ưu tiên phát triển các ngành nghề: Dệt thổ cẩm, tranh thêu, chạm khắc, đan len, hàng lưu niệm phục vụ du lịch, chế biến rau, hoa và dược liệu.

- Vùng 2: các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông ưu tiên phát triển các ngành nghề: mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, cơ khí, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm, chế biến thực phẩm, thức uống: bún khô, bánh, chế biến rau, cà phê.

- Vùng 3: các huyện Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Bảo Lộc ưu tiên phát triển các ngành nghề: chế biến nông, lâm sản, ươm tơ dệt lụa, sản xuất các sản phẩm từ kim loại, đồ gỗ dân dụng, sản xuất vật liệu xây dựng.

- Vùng 4: các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên ưu tiên phát triển các ngành nghề: Mây, tre, đan, làm đũa, tăm nhang, chế biến nông, lâm sản, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm, đồ gỗ dân dụng.

2. Quy hoạch phát triển theo nhóm ngành nghề:

a) Nhóm ngành nghề chế biến và bảo quản nông sản:

- Chế biến cà phê: Phát triển các cơ sở chế biến cà phê nhỏ, đến năm 2020 có khoảng 90-100 cơ sở, giải quyết việc làm cho 1.500-1.600 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 06-07 tỷ đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12-13%; tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 600-650 tỷ đồng; tập trung phát triển các cơ sở sơ chế (sấy khô, xát vỏ) phục vụ cho các nhà máy chế biến công nghiệp, tập trung ở các huyện: Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đam Rông,...; các cơ sở rang xay cà phê phục vụ cho tiêu dùng nội địa ở các huyện: Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.

- Chế biến chè: Phát triển số lượng cơ sở chế biến chè, đến năm 2020 có khoảng 200-250 cơ sở, chế biến được 30-35% sản lượng chè búp tươi của toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho 4.500-5000 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 08-09 tỷ đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12-13%, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng; tập trung phát triển các cơ sở sơ chế, sao sấy, ướp hương phục vụ tiêu dùng trong nước và cung cấp nguyên liệu thô cho các doanh nghiệp chế biến công nghiệp; tập trung ở thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh. Trong đó, khuyến khích xây dựng các cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại với quy mô công suất 4-6 tấn/ngày.

- Sơ chế hạt điều: Phát triển số lượng cơ sở sơ chế hạt điều, đến năm 2020 đạt có khoảng 500-550 cơ sở, giải quyết việc làm cho 4.000-4.500 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 300-320 triệu đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13-14%; tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 160-170 tỷ đồng; tập trung phát triển các cơ sở bóc tách hạt điều thủ công, bán tự động (bóc vỏ cứng và bóc vỏ lụa) tại các vùng trồng điều tập trung của tỉnh, gồm các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

- Sơ chế, đóng gói rau, hoa: Mở rộng quy mô các cơ sở hiện có, đồng thời phát triển thêm các cơ sở sơ chế, đóng gói rau, hoa gắn với các vùng nguyên liệu sản xuất rau, hoa của tỉnh; đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; đến năm 2020 có khoảng 90-100 cơ sở, giải quyết việc làm cho 1.500-2.000 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 8,5-9 tỷ đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15-16%, tổng giá trị sản xuất đạt 800-900 tỷ đồng; tập trung phát triển các cơ sở chế biến, sơ chế tươi sau thu hoạch, thực hiện bảo quản, đóng gói phục vụ tiêu dùng trong nước hoặc làm vệ tinh sơ chế, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến công nghiệp, tại các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt.

- Trồng dâu, nuôi tằm: Khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương có truyền thống trước đây, đến năm 2020 có khoảng 400-450 cơ sở, giải quyết việc làm cho 1.200-1.400 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 1,2-1,5 tỷ đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20- 21%; tổng giá trị sản xuất đạt 540-600 tỷ đồng; tập trung phát triển các cơ sở quy mô hộ, nhóm hộ trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất kén tằm tại các huyện: Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, thành phố Bảo Lộc.

- Các ngành nghề chế biến nông sản còn lại (xay xát lúa gạo; chế biến bún, bánh, trồng và chế biến nấm, bánh kẹo ngọt, mứt; làm rượu cần; nấu rượu gạo,...): duy trì và phát triển các ngành nghề nông thôn đảm bảo phục vụ nhu cầu nội tiêu của tỉnh, phát triển một số sản phẩm phục vụ du lịch; đến năm 2020 có khoảng 2.700-3.200 cơ sở, giải quyết việc làm cho 10.000-11.000 lao động; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13-14%; tổng giá trị sản xuất đạt 2.400-2.500 tỷ đồng, tại các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, đan lát, cơ khí nhỏ:

- Sản xuất đồ gỗ và mộc gia dụng: Duy trì các cơ sở sản xuất đồ gỗ và mộc gia dụng hiện có và phù hợp với quy hoạch, tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, đổi mới công nghệ thiết bị kết hợp với sản xuất theo truyền thống, đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đến năm 2020, có khoảng 500-600 cơ sở như hiện nay, giải quyết việc làm cho 3.000 - 3.200 lao động; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14- 15%; quy mô sản xuất bình quân đạt 800-900 triệu đồng/cơ sở; tổng giá trị sản xuất đạt 650-700 tỷ đồng; duy trì và nâng cao năng lực chế biến, chế tác của các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng cao cấp tại các huyện: Đức Trọng, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.

- Sản xuất mây, tre đan: Phát triển số lượng cơ sở sản xuất mây, tre đan, đến năm 2020 có khoảng 700-750 cơ sở, giải quyết việc làm cho 3.300 -3.500 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 300-350 triệu đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16-17%; tổng giá trị sản xuất từ 230-250 tỷ đồng; ưu tiên phát triển các cơ sở sản xuất mây, tre đan theo hai nhóm ngành hàng, gồm: đan lát song mây (hàng thủ công mỹ nghệ) và chế biến tre-nứa (đan lát, làm đũa tre, tăm các loại,...), ngoài các sản phẩm từ song, mây, tre, phát triển thêm một số mặt hàng sản xuất từ bẹ chuối khô, lục bình,... tại các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.

- Các ngành nghề còn lại: tiếp tục phát triển các ngành nghề như cơ khí nhỏ, may mặc, giày dép, sản xuất vật liệu xây dựng,...; đến năm 2020 có khoảng 5.000-5.500 cơ sở, giải quyết việc làm cho 20.000-22.000 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 500-550 triệu đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7-8%; tổng giá trị sản xuất từ 2.800-3.000 tỷ đồng, phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ nhu cầu tại chỗ.

c) Nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ:

- Ươm tơ, dệt lụa, đan len, dệt thổ cẩm: Khôi phục và phát triển các cơ sở ươm tơ, dệt lụa, dệt thổ cẩm, đan thêu gắn với sự phát triển của nghề trồng dâu, nuôi tằm, phục vụ du lịch và xuất khẩu; đến năm 2020 có khoảng 270-300 cơ sở, giải quyết việc làm cho 2.700-2.800 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 600-700 triệu đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14- 15%; tổng giá trị sản xuất đạt 180-200 tỷ đồng; ưu tiên phát triển các mặt hàng: tơ tằm, lụa tơ tằm, các sản phẩm từ len, hàng lưu niệm từ thổ cẩm, tại các huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.

- Tranh ảnh mỹ nghệ; gỗ, đá đúc tượng: Duy trì và phát triển các cơ sở sản xuất tranh ảnh mỹ nghệ; gỗ, đá đúc tượng; đến năm 2020 có khoảng 250- 300 cơ sở, giải quyết việc làm cho 2.400-2.600 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 400-450 triệu đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15- 16%; tổng giá trị sản xuất đạt 125-130 tỷ đồng; ưu tiên phát triển các sản phẩm tranh thêu, tranh gỗ mỹ nghệ, tranh bướm, sản phẩm gỗ lũa, đá cảnh, đá phong thủy, tại các huyện: Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.

d) Nhóm ngành nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh: Phát triển các cơ sở ngành nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; đến năm 2020 có khoảng 400-450 cơ sở, giải quyết việc làm cho 2.200-2.500 lao động; quy mô sản xuất bình quân đạt 700-880 triệu đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12-13%; tổng giá trị sản xuất đạt 300-400 tỷ đồng.

đ) Nhóm ngành nghề xây dựng, sửa chữa xe và máy móc nông nghiệp, vận tải nhỏ: Phát triển các ngành nghề xây dựng, sửa xe, vận tải nhỏ, đến năm 2020 có khoảng 5000-5.300 cơ sở, giải quyết việc làm cho 28.000-30.000 lao động (trong đó lao động ngành nghề xây dựng chiếm khoảng 45-50%); quy mô sản xuất đạt bình quân 1,3-1,5 tỷ đồng/cơ sở; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13-14%; tổng giá trị sản xuất đạt 6.800- 7.000 tỷ đồng. Phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân.

Chi tiết theo Phụ I đính kèm.

3. Phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống:

Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống; làng nghề, làng nghề truyền thống; đa dạng hóa sản phẩm nâng cao chất lượng sản phẩm từ nghề truyền thống; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, gồm:

- Hỗ trợ thành lập và công nhận 10 làng nghề trên địa bàn tỉnh (nâng số lượng làng nghề toàn tỉnh lên 37 làng nghề vào năm 2020).

- Hỗ trợ 12 làng nghề đã được công nhận đa dạng hóa sản phẩm, gắn với phát triển du lịch (08 làng nghề gắn với điểm du lịch và 04 làng nghề gắn với tuyến du lịch).

- Bảo tồn và hỗ trợ phát triển 01 nghề truyền thống và 02 làng nghề truyền thống phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ.

Chi tiết tại Phụ lục II.

4. Các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư:

- Đề án đào tạo nghề cho lao động phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020.

- Đề án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020.

5. Nhu cầu vốn đầu tư: Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 5.907 tỷ đồng, gồm:

- Vốn ngân sách nhà nước: 295 tỷ đồng (chiếm 5%).

- Vốn vay tín dụng: 1.772 tỷ đồng (chiếm 30%)

- Vốn của các cơ sở ngành nghề nông thôn: 3.840 tỷ đồng (chiếm 65%).

IV. Giải pháp thực hiện.

a) Giải pháp về vốn và thu hút đầu tư:

- Tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông,... hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho nhân dân vùng nông thôn; đồng thời, tiếp tục thực hiện cơ chế "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ" trong đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn.

- Huy động nguồn vốn trong dân để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ đối với những ngành nghề hiện có; phát triển mới các ngành nghề nông thôn có hiệu quả kinh tế cao, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu tại chỗ và hướng đến xuất khẩu.

- Phát triển mạng lưới tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động, cung ứng nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ; ưu tiên đầu tư cho cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất đối với các ngành nghề nông thôn, đầu tư thiết bị bảo quản và chế biến nông sản.

- Phát huy hiệu quả đầu tư từ các quỹ hỗ trợ đầu tư, quỹ hỗ trợ xúc tiến việc làm, quỹ khuyến công,....

b) Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ:

- Khuyến khích các cơ sở ngành nghề nông thôn đầu tư các máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo những giá trị truyền thống, nhất là đối với những ngành hàng thủ công, mỹ nghệ.

- Hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn đổi mới công nghệ thiết bị, hạ giá thành, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề.

c) Giải pháp tổ chức sản xuất và đổi mới quan hệ sản xuất:

- Đổi mới và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách để phát triển các mô hình liên kết sản xuất, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản, trong đó cơ sở chế biến nông sản liên kết các hộ nông dân thu mua, chế biến nông sản theo hợp đồng.

- Tập hợp các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề theo từng ngành hàng nhất định.

- Đối với những nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận cần tiếp tục được củng cố, cơ cấu lại để hoạt động hiệu quả hơn, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng vùng, miền trong các sản phẩm của làng nghề.

d) Giải pháp về thị trường:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở ngành nghề nông thôn trong việc thu mua nguyên liệu, đảm bảo nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt, giá cả phải chăng, giá thành sản xuất thấp, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường.

- Hỗ trợ công tác điều tra, nghiên cứu, tiếp cận thị trường cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn thông qua các hoạt động quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm, xây dựng thương hiệu,....

- Mở các tour, tuyến du lịch để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của ngành nghề nông thôn nhất là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ các làng nghề truyền thống.

- Đối với các mặt hàng có thế mạnh, chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá để hướng tới thị trường xuất khẩu.

đ) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:

- Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, các ngành nghề truyền thống.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc hệ thống khuyến nông, khuyến công, đặc biệt tại cấp cơ sở theo Đề án kiện toàn mạng lưới khuyến nông viên cơ sở; triển khai có hiệu quả Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công từng bước hình thành mạng lưới khuyến công cơ sở đế hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động hiệu quả.

- Thường xuyên tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề đối với những nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận; khuyến khích mời các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh đào tạo, truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm...

- Các trường cao đẳng, dạy nghề tiếp tục nghiên cứu mở rộng đào tạo các ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế tại Lâm Đồng để đào tạo cho lực lượng lao động nông thôn.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn.

e) Giải pháp về bảo vệ môi trường:

- Tăng cường công tác quản lý môi trường, thường xuyên theo dõi, kiểm tra giám sát thực hiện việc bảo vệ môi trường và phòng cháy chữa cháy, nhất là các cơ sở nằm xen trong các khu dân cư.

- Đối với những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (không khí, tiếng ồn,...), xác định lộ trình di dời vào các khu, cụm công nghiệp, làng nghề để có điều kiện xử lý môi trường, tránh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

- Các làng nghề, làng nghề truyền thống chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường như đầu tư hệ thống cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, rác thải đảm bảo quy định.

g) Giải pháp về chính sách: Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng và nhà nước trong hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, tập trung thực hiện các chính sách sau:

- Áp dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất đối với cơ sở ngành nghề nông thôn theo đúng định hiện hành.

- Ưu tiên bố trí quỹ đất phù hợp cho các cơ sở ngành nghề đầu tư phát triển sản xuất, nhất là các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận.

- Nghiên cứu, quy hoạch diện tích đất phù hợp để di dời những ngành nghề nông thôn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và các quy hoạch chuyên ngành khác, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu phát triển của các ngành nghề nông thôn.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển các ngành nghề nông thôn gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch hàng năm, hướng dẫn các địa phương thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp của quy hoạch.

b) Tham mưu, đề xuất cụ thể hóa các cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

c) Thường xuyên kiểm tra và giám sát, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện quy hoạch.

2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình tạo việc làm; chương trình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề và nghiệp vụ quản lý cho người lao động;

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cân đối, bố trí ngân ngân sách và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án liên quan, đảm bảo kinh phí thực hiện quy hoạch theo mục tiêu đề ra.

4. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp của quy hoạch trên địa bàn tỉnh.

5. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc quản lý quy hoạch, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn lập kế hoạch, lộ trình thực hiện các nội dung, giải pháp để đạt được mục tiêu của quy hoạch tại địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thi hành Quyết định từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
-TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- TT Công báo tỉnh;
- LĐVP, TKCT;
- Lưu: VT, NN, các CV

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Đoàn Văn Việt

 

PHỤ LỤC I

CÁC CHỈ TIÊU TĂNG TRƯỞNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh)

Nhóm ngành nghề

Năm 2013

Ước năm 2015

Năm 2020

Tăng BQ giá trị

2016-2020

%/năm

Số cơ sở (cơ sở)

Số lao động (người)

Giá trị sản lượng (tr.đồng)

Số cơ sở (cơ sở)

Số lao động (người)

Giá trị sản lượng (tr.đồng)

Số cơ sở (cơ sở)

Số lao động (người)

Giá trị sản lượng (tr.đồng)

Chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản

3.014

13.392

3.250.597

3.412

15.159

3.583.344

4.226

24.344

6.615.733

13,05

Chế biến nông sản

2.563

9.748

2.449.651

2.825

10.745

2.710.617

3.372

18.284

4.861.503

12,39

Xay xát gạo

382

514

53.418

419

564

58.759

503

1.001

125.515

16,39

Bánh bún

515

1.094

220.034

567

1.204

242.036

680

1.795

425.976

11,97

Bánh kẹo ngọt, mứt

99

242

37.135

109

266

40.847

131

624

58.404

7,41

Làm rượu cần

10

13

1.895

10

13

2.084

12

26

3.701

12,17

Nấu rượu gạo

755

1.086

93.210

832

1.197

102.532

999

2.161

199.971

14,29

Chế biến cà phê

57

774

308.123

63

851

343.947

94

1.627

613.638

12,28

Chế biến chè

181

2.755

1.027.263

199

3.031

1.129.991

239

4.881

2.005.048

12,15

Sơ chế hạt điều

431

1.859

76.105

474

2.046

83.715

522

4.115

161.169

14,00

Sơ chế, đóng gói rau hoa

36

1.211

378.720

40

1.332

416.592

99

1.577

841.475

15,10

Giết mổ gia súc, gia cầm

97

200

253.749

117

241

290.114

94

477

426.608

8,02

Chế biến lâm sản

74

1.618

250.615

81

1.781

275.677

81

1.781

600.815

16,86

Chế biến lâm sản

74

1.618

250.615

81

1.781

275.677

81

1.781

600.815

16,86

Chế biến nông lâm thủy sản còn lại

377

2.026

550.331

535

2.633

597.050

773

4.280

1.153.416

14,08

Trồng và chế biến nấm

50

150

3.142

111

445

12.568

133

450

23.907

13,72

Trồng dâu nuôi tằm

150

349

205.454

232

539

208.572

417

1.220

540.480

20,98

Sản xuất nước đá, nước uống

74

912

222.410

79

970

244.651

87

1.108

341.267

6,88

Các ngành nghề còn lại

103

615

119.326

114

679

131.259

136

1.502

247.762

13,55

VLXD, đồ gỗ, đan lát, cơ khí

5.664

13.899

2.295.102

6.231

15.291

2.378.254

8.724

28.127

3.842.964

10,07

Đan lát

580

1.526

96.536

638

1.679

106.191

702

3.376

228.553

16,57

Đồ gỗ và mộc gia dụng

633

1.436

315.597

696

1.580

347.156

696

3.177

669.806

14,05

Sản xuất VLXD

382

2.846

507.886

420

3.131

558.676

504

5.760

746.506

5,97

May mặc

1.590

3.649

374.638

1.749

4.014

412.100

1.836

7.741

673.957

10,34

Giày dép

31

63

7.332

34

69

8.066

48

131

14.870

13,01

Cơ khí nhỏ

2.091

3.318

684.107

2.300

3.650

752.519

2.415

5.929

1.252.382

10,72

Các ngành nghề còn lại

357

1.061

309.006

393

1.168

193.546

472

2.014

256.891

5,83

Thủ công mỹ nghệ

379

2.352

215.495

418

2.591

155.466

530

5.208

312.044

14,95

Đan thêu

81

149

12.697

90

165

13.967

126

331

29.610

16,22

Dệt thổ cẩm, tơ tằm

100

1.097

148.777

110

1.208

82.076

143

2.429

157.967

13,99

Tranh ảnh mỹ nghệ

172

673

39.692

189

741

43.662

227

1.490

93.400

16,43

Gỗ đá đúc tượng

26

433

14.329

29

477

15.761

34

958

31.067

14,54

Gây trồng và KD sinh vật cảnh

348

1.110

237.788

382

1.219

222.938

424

2.464

372.103

10,79

Nuôi cá, chim cảnh

35

54

7.865

38

59

8.652

46

130

17.127

14,63

Gây trồng và KD sinh vật cảnh

313

1.056

229.923

344

1.160

214.286

378

2.334

354.976

10,62

Xây dựng, vận tải, sửa xe

4.519

17.811

3.580.401

4.963

19.561

3.778.200

5.233

28.609

6.836.778

12,59

Xây dựng

321

10.697

2.212.949

352

11.734

2.274.005

423

12.864

3.922.952

11,52

Vận tải nhỏ

1.784

3.693

892.774

1.962

4.062

982.050

2.021

8.171

1.900.243

14,11

Sửa xe và máy móc nông nghiệp

2.414

3.421

474.678

2.657

3.765

522.145

2.790

7.574

1.013.583

14,19

Tổng cộng

13.924

48.564

9.579.382

15.431

53.821

10.118.202

19.138

88.752

17.979.622

12,19

 

PHỤ LỤC II

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG NGHỀ THUỘC QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 1420/QĐ-UBND ngày 30/06/2016 của UBND tỉnh)

1. Hỗ trợ thành lập và công nhận 10 làng nghề trên địa bàn tỉnh (nâng số lượng làng nghề toàn tỉnh lên 37 làng nghề vào năm 2020), gồm:

- Làng nghề trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa thôn 1, thôn 2, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh;

- Làng nghề trồng dâu nuôi tằm thôn Xuân Phong, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh;

- Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm;

- Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tranh thêu lụa thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà;

- Làng nghề làm rượu cần khu phố Đăng Gia và Bon Đưng, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương;

- Làng nghề mây tre đan xã Đạ Tông, xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông;

- Làng nghề rượu cần xã Phước Cát, huyện Cát Tiên;

- Làng nghề dâu tằm tơ xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà;

- Làng nghề trồng nấm thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng;

- Làng nghề thủ công mỹ nghệ thị trấn Ma Đa Guôi, huyện Đạ Huoai.

2. Hỗ trợ 12 làng nghề đã được công nhận đa dạng hóa sản phẩm, gắn với phát triển du lịch (08 làng nghề gắn với điểm du lịch và 04 làng nghề gắn với tuyến du lịch), gồm:

- Làng nghề dệt thổ cẩm thôn B’Nớr C, xã Lát, huyện Lạc Dương;

- Làng nghề trồng hoa Thái Phiên, phường 12, thành phố Đà Lạt;

- Làng nghề trồng hoa Hà Đông, phường 8, thành phố Đà Lạt;

- Làng nghề trồng hoa Vạn Thành, phường 4, thành phố Đà Lạt;

- Làng nghề trồng hoa Xuân Thành, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt;

- Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch, phường Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc;

- Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn Đam Pao, An Phước, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà;

- Làng nghề dệt thổ cẩm Buôn Go, xã Phù Mỹ, huyện Cát Tiên;

- Làng nghề tiểu thủ công nghiệp, dạy nghề đan lát khu phố 6, thị trấn Đồng Nai, huyện Cát Tiên (gắn với tuyến du lịch ĐT721);

- Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà (gắn với tuyến du lịch quốc lộ 27);

- Làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tranh thêu lụa thôn 1, 2, 5, 9, xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh (gắn với tuyến du lịch ĐT721);

- Làng nghề làm rượu cần khu phố Bon Đưng 1, 2, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (gắn với tuyến du lịch ĐT 722).

3. Bảo tồn và hỗ trợ phát triển 01 nghề truyền thống (nghề truyền thống đúc nhẫn bạc của người Chu Ru, thôn Ma Đanh xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) và 02 làng nghề truyền thống (làng nghề truyền thống gốm của người K’Ho, Thôn Krang Gọ 1, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương và làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người K’Ho, thôn K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng).