Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3530/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 14 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1269/TTr-SNN ngày 31/10/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 với những nội dung chính như sau:

I. Quan điểm phát triển

- Phát triển ngành nghề nông thôn được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, có quan hệ chặt chẽ với công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; xây dựng và khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn phù hợp với các thành phần kinh tế và loại hình sở hữu, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống,… nhằm phát triển bền vững.

- Chú trọng khai thác và phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn lực ngay trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kết hợp tranh thủ các nguồn lực về: vốn, công nghệ, thị trường bên ngoài để phát triển ngành nghề nông thôn.

- Xây dựng được mối liên kết chặt chẽ với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển dịch vụ du lịch để khai thác tốt nhất các thế mạnh về nguồn nguyên liệu cũng như thị trường cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn.

- Phát triển ngành nghề nông thôn phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

- Bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống, trong đó chú trọng các làng nghề như: Sơn mài, sản xuất đồ gỗ, điêu khắc, gốm sứ, đan lát các sản phẩm từ mây tre, lục bình, lá buông, cói và sản xuất bánh tráng,...

- Phát triển một số ngành nghề mới đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; đồng thời thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của cuộc sống hiện đại (gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, sơ chế, bảo quản rau quả và phát triển các dịch vụ phục vụ nhu cầu cuộc sống công nghiệp hóa, dịch vụ tư vấn, dạy nghề nông thôn,...).

- Xây dựng các làng nghề làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề; trước mắt, mỗi nhóm ngành hàng có thế mạnh xây dựng từ 1 đến 2 làng nghề (khi có điều kiện sẽ nhân rộng); vực dậy những cơ sở sản xuất “cầm chừng” và mở thêm các ngành nghề mới mà tỉnh Bình Dương có thế mạnh về nguyên liệu, có triển vọng về thị trường;

- Quy hoạch các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn chặt với phát triển du lịch, coi phát triển du lịch là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm ngành nghề nông thôn và phát triển ngành nghề nông thôn là làm mới và tăng chất lượng cho sản phẩm dịch vụ du lịch.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011 - 2020 tăng bình quân 5,64%/năm; trong đó: Giai đoạn 2011-2015 tăng 5,05%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,24%/năm.

- Giá trị sản xuất khu vực ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2015 dự kiến đạt 6.232,033 tỷ đồng (gấp 1,30 lần so với năm 2010) và đến năm 2020 đạt 8.434,794 tỷ đồng (tăng gấp 1,75 lần so với năm 2010).

- Góp phần giải quyết việc làm cho 104.589 lao động năm 2015 và 107.857 lao động năm 2020 (chiếm 8,4% lao động làm việc).

- Giá trị sản lượng của lao động ngành nghề nông thôn tăng từ 46,54 triệu đồng/người năm 2009 lên 59,58 triệu đồng/người năm 2015 và 78,2 triệu đồng/người năm 2020.

- Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt 80 triệu USD vào năm 2015 và 100 triệu USD năm 2020 (chiếm 20 - 25% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn).

III. Định hướng và phương án phát triển ngành nghề nông thôn

1. Quy hoạch và định hướng phát triển ngành nghề truyền thống

Trong 9 nghề truyền thống của tỉnh Bình Dương (Nghề làm bánh tráng, mộc gia dụng, sản xuất guốc-cối chày-thớt, gốm sứ, mây tre đan, sản xuất tăm nhang, chạm trổ điêu khắc, sơn mài, làm heo đất) chia thành 2 nhóm như sau:

- Nhóm nghề truyền thống cần bảo tồn và phát triển: Nghề mây tre đan, mộc gia dụng, sản xuất guốc-cối chày-thớt, chạm trổ điêu khắc, sơn mài.

- Nhóm nghề truyền thống cần được bảo tồn để không bị mai một, thất truyền, bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc trưng của địa phương để phục vụ phát triển du lịch gồm: nghề gốm: sứ, làm heo đất, làm bánh tráng thủ công.

2. Quy hoạch và định hướng phát triển ngành nghề mới (chưa đạt nghề truyền thống)

2.1. Các nhóm nghề ưu tiên phát triển

- Nhóm 1: Chế biến nông lâm sản như: chế biến gỗ, làm bánh tráng bằng máy (đặc biệt chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường).

- Nhóm 2: Cơ khí, may mặc, xây dựng, vật liệu xây dựng, vận tải, mây tre đan (sản phẩm mới).

- Nhóm 3 (nghề mới): Dịch vụ du lịch, dịch vụ nhà trọ, dịch vụ đời sống khác, sinh vật cảnh, chế biến mủ cao su, bảo quản và chế biến rau quả và nấm, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ sửa chữa mô tô xe máy, điện - điện tử, tư vấn dạy nghề,…

2.2. Các nhóm nghề duy trì theo điều tiết của thị trường; hạn chế do ô nhiễm môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm

- Nhóm 1 (duy trì): Xay xát, chế biến hạt điều, nghề rèn.

- Nhóm 2 (hạn chế tối đa): Nấu rượu, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

- Nhóm 3 (hạn chế do quản lý ô nhiễm môi trường): Làm gạch, làm tăm nhang, xe nhang.

3. Quy hoạch và định hướng phát triển ngành nghề nông thôn theo huyện, thị xã.

Huyện, thị xã

Ngành nghề ưu tiên phát triển

1. Thuận An

Mộc gia dụng, guốc, cối chày, thớt, điêu khắc, cơ khí, vận tải, xây dựng, nhà trọ, dịch vụ đời sống, dịch vụ du lịch, sinh vật cảnh, tư vấn dạy nghề...

2. Dĩ An

May mặc, cơ khí, mộc, sinh vật cảnh, vận tải, xây dựng, nhà trọ, dịch vụ đời sống khác...

3. Thủ Dầu Một

Điêu khắc, sơn mài, mộc gia dụng, cơ khí, chế biến thực phẩm, dịch vụ đời sống, sinh vật cảnh, tư vấn dạy nghề ...

4. Tân Uyên

Mây tre đan, gốm sứ, gạch, chế biến bảo quản rau quả, sinh vật cảnh, cơ khí, vật liệu xây dựng, dịch vụ nông thôn, dịch vụ du lịch...

5. Bến Cát

Mộc gia dụng, bánh tráng, mây tre đan, sinh vật cảnh, chế biến cao su, thủ công mỹ nghệ, cơ khí, nhà trọ, dịch vụ thôn, dịch vụ du lịch...

6. Dầu Tiếng

Bánh tráng, chế biến cao su, cưa xẻ gỗ bao bì, cơ khí, làm nấm, dịch vụ nông thôn, dịch vụ du lịch...

7. Phú Giáo

Chế biến cao su, cưa xẻ gỗ bao bì, cơ khí, làm nấm, dịch vụ nông thôn,...

IV. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

1. Xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề.

2. Xây dựng các Chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư gồm:

- Chương trình liên kết ngành nghề nông thôn với ngành du lịch. Gắn du lịch với các điểm tham quan làng nghề truyền thống và các điểm du lịch sinh thái;

- Đề án đề xuất, xây dựng một số cơ chế chính sách cho bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn bền vững.

- Các dự án ưu tiên gồm: 1. Dự án xây dựng trung tâm bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương; 2. Dự án đầu tư xây dựng mô hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; 3. Dự án đầu tư xây dựng một số mô hình sơ chế - bảo quản rau và trái cây; 4. Dự án khôi phục và bảo tồn nghề truyền thống và làng nghề truyền thống mây tre đan ở xã Lạc An-Tân Uyên; 5. Dự án phát triển nghề mây tre đan ở xã Phú An và xã An Điền-Bến Cát; 6. Dự án bảo tồn nghề sản xuất gốm sứ và làng nghề truyền thống xã Hưng Định-Thuận An; 7. Dự án bảo tồn và phát triển nghề chạm trổ điêu khắc truyền thống và làng nghề truyền thống ở Phú Thọ, Chánh Nghĩa-Thủ Dầu Một và An Thạnh-Thuận An; 8. Tiếp tục thực hiện dự án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống ở Tương Bình Hiệp, Tân An-Thủ Dầu Một; 9. Dự án xây dựng làng nghề sản xuất mộc gia dụng mới ở thị trấn Mỹ Phước; 10. Dự án xây dựng làng nghề mới đan len, may mặc ở Phường Tân Đông Hiệp - Dĩ An.

3. Phân vùng phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương

Vùng 1 (Vùng phía Nam: Phát triển ngành nghề ven đô thị): Bao gồm thị xã Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, thị xã Dĩ An, một phần huyện Tân Uyên (thị trấn: Uyên Hưng, Tân Phước Khánh, Thái Hòa, các xã: Thạnh Phước, Bạch Đằng, Khánh Bình, Tân Vĩnh Hiệp, Phú Chánh, Vĩnh Tân) và một phần huyện Bến Cát (thị trấn Mỹ Phước, các xã: Hòa Lợi, Thới Hòa, Tân Định, Phú An, An Tây, An Điền). Với các nghề ưu tiên phát triển là: sơn mài, gốm sứ, điêu khắc, phát triển ngành dịch vụ du lịch theo hướng du lịch sinh thái, phát triển dịch vụ cho thuê nhà, dịch vụ ăn uống,…

Vùng 2 (Vùng phía Bắc): bao gồm các huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và phần còn lại (phía Bắc) 2 huyện Tân Uyên và Bến Cát. Với các nghề ưu tiên phát triển là: Chế biến nông lâm sản, sản xuất thức ăn gia súc; phát triển cơ khí, sửa chữa nhỏ; vật liệu xây dựng phục vụ nông nghiệp và nông thôn; cung ứng vật tư, kỹ thuật; tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp,...

4. Giải pháp về cơ chế chính sách đối với phát triển ngành nghề nông thôn: Thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng, thuế, đất đai để khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn.

5. Giải pháp về đào tạo lao động cho phát triển ngành nghề nông thôn.

6. Thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn bằng nhiều hình thức: Tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn, thành lập rộng rãi mạng lưới thư viện đến xã, tăng thời lượng và chất lượng đối với các chương trình phát thanh, đài truyền hình, báo địa phương,...

7. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công.

8. Mở rộng hợp tác liên doanh liên kết để phát triển ngành nghề nông thôn.

9. Tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn.

10. Tăng cường, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

11. Giải pháp về bảo vệ môi trường.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tổ chức xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm theo tiến độ thực hiện với từng ngành nghề.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn đã được Trung ương ban hành vào điều kiện thực tiễn của tỉnh.

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai lập các dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn theo quy hoạch đã được duyệt; lập thủ tục công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống.

- Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các lớp đào tạo, truyền nghề, dạy nghề cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng ngành nghề nông thôn có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng một số mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - công nghệ về, gây trồng sinh vật cảnh, đan mây tre lá, sơ chế bảo quản rau quả theo đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tuyên truyền vận động và hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các tổ chức kinh tế hợp tác đối với phát triển ngành nghề nông thôn.

- Hàng năm phải cập nhật các thông tin và kết quả thực hiện quy hoạch, từ đó kịp thời đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung cho sát với thực tế.

2. Các sở ngành có liên quan

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: hàng năm bố trí vốn ngân sách cho các chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn.

- Sở Công thương: Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất dành cho hoạt động ngành nghề nông thôn, trước hết đất dành cho các cơ sở sản xuất gạch, gốm sứ phải di dời đến khu sản xuất mới; tổ chức tốt các hợp phần khuyến công, hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa của Bình Dương nói chung và sản phẩm ngành nghề nông thôn nói riêng.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề, nhất là xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn gắn với tham quan các làng nghề truyền thống theo các tuyến du lịch và làng sinh thái. Hỗ trợ một số cơ sở ngành nghề nông thôn hình thành và phát triển làng nghề dịch vụ du lịch, đặc biệt là vận tải du lịch trên sông nước ở các xã ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ cho các tổ chức, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ, xúc tiến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề nông thôn như: Sơn mài Tương Bình Hiệp, cối chày, thớt Lái Thiêu, bánh tráng Thanh An, gốm sứ Hưng Định.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Bố trí đủ quỹ đất cho phát triển ngành nghề nông thôn; đồng thời hướng dẫn và giám sát việc xây dựng hệ thống công trình xử lý môi trường trong các làng nghề. Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn lập hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước đối với một số mô hình xử lý môi trường theo quy định.

- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đào tạo, nâng cao tay nghề cho lao động tại các làng nghề.

- Liên minh Hợp tác xã Bình Dương: hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

- Tổ chức công bố và triển khai thực hiện các nội dung của quy hoạch trên địa bàn theo thẩm quyền; có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển nghề - nghề truyền thống, làng nghề - làng nghề truyền thống.

- Phối hợp với các Trung tâm Khuyến công, Khuyến nông chọn, xây dựng dự án và tổ chức các mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn; phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Liên minh các Hợp tác xã tuyên truyền vận động xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển ngành nghề theo quy hoạch. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn đăng ký kinh doanh và thực hiện tốt chủ trương chính sách của nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn.

- Lồng ghép các chương trình triển khai thực hiện trên địa bàn (huyện, xã,..) nhằm hỗ trợ cho ngành nghề nông thôn như: xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực và tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo,...

VI. KHÁI TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

- Tổng số vốn đầu tư: 8.384,86 tỷ đồng, trong đó:

Giai đoạn 2011 - 2015: 4.600,925 tỷ đồng

Giai đoạn 2016-2020: 3.783,935 tỷ đồng

- Phân theo nguồn vốn:

Nguồn ngân sách hỗ trợ: 127,86 tỷ đồng, trong đó:

+ Ngân sách Trung ương: 57,839 tỷ đồng

+ Ngân sách địa phương:  70,03 tỷ đồng

 Nguồn vốn khác (vay, tự có): 8.257 tỷ đồng

Nguồn vốn ngân sách tập trung hỗ trợ: Chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề, mặt bằng sản xuất, hỗ trợ một phần hệ thống xử lý môi trường làng nghề, xúc tiến thương mại, phát triển tài sản trí tuệ, nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển vùng nguyên liệu.

Nguồn vốn tự có của hộ, cơ sở, hợp tác xã và các doanh nghiệp (kể cả nguồn vốn vay tín dụng) là nguồn vốn đầu tư trực tiếp để mở rộng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đầu tư trang thiết bị máy móc, xúc tiến thương mại.

VII. Sơ bộ lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.

1. Lợi ích kinh tế-xã hội

Với tốc độ tăng sản xuất ngành nghề nông thôn bình quân 5 - 6%/năn; riêng khu vực ngành nghề nông thôn tỉnh Bình Dương đã tạo thêm việc làm thường xuyên cho gần 108.000 lao động, phân công lại lao động xã hội ngày càng hợp lý hơn.

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tỉnh Bình Dương sẽ tăng gấp gần 1,66 lần so với năm 2010 đồng nghĩa với việc xóa cơ sở đói, giảm cơ sở nghèo và tăng nhanh tỷ lệ cơ sở khá, cơ sở giàu.

2. Tác động môi trường khi thực hiện quy hoạch

- Khi gia tăng số lượng và quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn đến 2020 sẽ tăng chất thải, nếu không được thu gom đúng quy trình kỹ thuật và xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường. Đối tượng này thường xảy ra ở các cơ sở chế biến nông lâm sản, sản xuất gạch ngói, gốm sứ.

- Mộc gia dụng, mây tre đan, may mặc là các nghề ít gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn gia tăng nguy cơ ô nhiễm ngay tại cơ sở sản xuất do sử dụng một số hóa chất khi nhuộm, sơn, xử lý chống mốc,...

- Các cơ sở cơ khí thường gây ra tiếng ồn, sử dụng sơn hay đốt lò bằng than đá cũng có tác động nhất định gây ô nhiễm môi trường không khí.

Tóm lại, các loại ngành nghề nông thôn đã, đang và sẽ phát triển ở Bình Dương nhìn chung đều có nguy cơ ô nhiễm môi trường; tuy nhiên mức độ là không lớn.

Biện pháp khắc phục, hạn chế gây ô nhiễm môi trường

- Phương châm phát triển ngành nghề nông thôn phải gắn với đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Trong hoạt động khuyến công sẽ chọn xây dựng các mô hình trình diễn công nghệ và hệ thống xử lý rác, nước thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường, từ đó khuyến cáo nhân rộng ra các cơ sở ngành nghề nông thôn trong tỉnh cùng áp dụng

- Gắn việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm với việc đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường tại các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động trong lĩnh vực chế biến bảo quản lương thực, thực phẩm.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động để các cơ sở ngành nghề nông thôn hiểu và thực hiện đúng luật bảo vệ môi trường.

Điều 2. Căn cứ Quy hoạch được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện, công bố, công khai quy hoạch theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./. 


Nơi nhận:
- CT, các PCT;
- Các Sở: NN & PTNT, TC, KH-ĐT, TN&MT, CT, KHCN, LĐ-TB và XH;
- Liên minh HTX;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- UNBD các huyện, thị xã;
- LĐVP (Trúc, Lượng); Th, Tr, TH;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Trần Văn Nam