Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

SỐ: 143/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐƠN GIÁ XDCB THÀNH PHỐ HÀ NỘI “BỔ SUNG ĐƠN GIÁ MỘT SỐ LOẠI CÔNG TÁC XÂY LẮP CHO TẬP ĐƠN GIÁ XDCB THÀNH PHỐ HÀ NỘI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 24/1999/QĐ-UB NGÀY 15/4/1999 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 về việc ban hành “Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng” và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về việc sửa đổi một số điều của “Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng”;
Căn cứ Nghị định số 31/2002/QĐ-BXD ngày 12/11/2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Định mức dự toán XDCB “Bổ sung một số loại công tác xây lắp cho tập định mức dự toán XDCB kèm theo Quyết định số 1242/1998/QĐ-BXD ngày /11/1998 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng”;
Căn cứ Công văn số: 1861/2003/BXD-KTTC ngày 31/10/2003 của Bộ Xây dựng về việc thỏa thuận ban hành bổ sung đơn giá một số loại công tác xây lắp cho Tập đơn giá XDCB Thành phố Hà Nội ban hành kèm Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 15/04/1999 của UBND Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội tại tờ trình số: 1585/TTr-XD ngày 31/10/2003,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này tập đơn giá XDCB Thành phố Hà Nội “Bổ sung đơn giá một số loại công tác xây lắp cho tập Đơn giá XDCB Thành phố Hà Nội kèm theo Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 15/4/1999 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội” là cơ sở để quản lý vốn đầu tư XDCB, xác định giá trị dự toán - tổng dự toán công trình, phục vụ công tác lập kế hoạch và các định giá gói thầu công tác xây dựng các công trình xây dựng cơ bản Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Tập đơn giá XDCB Thành phố Hà Nội “Bổ sung đơn giá một số loại công tác xây lắp cho tập Đơn giá XDCB Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 15/04/1999 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội” áp dụng thống nhất trên địa bàn Thành phố Hà Nội và có hiệu lực áp dụng kể từ ngày ký.

Điều 3: Giao Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chịu trách nhiệm hướng dẫn áp dụng, quản lý thực hiện và phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện, trình Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Xây dựng giải quyết những nội dung vượt quá thẩm quyền.

Điều 4: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành thuộc Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện và các Chủ đầu tư các công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TT/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Hoàng Ân

 

THUYẾT MINH VÀ QUY ĐỊNH ÁP DỤNG ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 143/2003/QĐ-UB ngày 03 tháng 11 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

 

I. NỘI DUNG ĐƠN GIÁ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Đơn giá xây dựng cơ bản là chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tổng hợp, bao gồm toàn bộ chi phí trực tiếp về vật liệu, nhân công và máy thi công cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng hoàn chỉnh của các công tác hoặc kết cấu xây lắp tạo thành công trình

1. Đơn giá xây dựng cơ bản được xác định trên cơ sở

-Định mức dự toán xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Quyết định số 31/2002/QĐ-BXD ngày 12-11-2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

- Bảng giá dự toán ca máy và thiết bị xây dựng ban hành theo quyết định số 1260/QĐ-BXD ngày 28-11-1998; số 10/2001/QĐ-BXD ngày 11-06-2001; số 38/2002/QĐ-BXD ngày 27-12-2002 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Công văn số 405/VKT-P5 ngày 6-5-2003 của Viện Kinh tế xây dựng về việc hướng dẫn áp dụng một số giá ca máy trong việc xây dựng đơn giá XDCB.

- Bảng lương A6 kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ về việc quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp Nhà Nước.

- Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31-12-2002 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

- Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 15-01-2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương.

- Thông tư số 04/2003/TT-BLĐTBXH ngày 17-02-2003 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

-Thông tư số 05/2003/TT-BXD ngày 14-03-2003 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn điều chỉnh dự toán công trình xây dựng cơ bản.

- Bảng giá vật liệu đến chân công trình được chọn để tính đơn giá xây dựng cơ bản Thành phố Hà Nội do Ban đơn giá xây dựng cơ bản Thành phố Hà Nội lập và thông qua. 

2. Đơn giá xây dựng cơ bản gồm các chi phí sau:

a, Chi phí vật liệu:

Là giá trị vật liệu chính, vật liệu phụ, cấu kiện, các vật liệu luân chuyển (ván khuôn, đà giáo, các vật liệu khác ...) phụ tùng, bán thành phẩm cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác hoặc kết cấu xây lắp. Trong chi phí vật liệu không gồm giá trị vật liệu tính vào chi phí chung.

Chi phí vật liệu trong đơn giá tính theo “Bảng giá vật liệu đến chân công trình được chọn để tính đơn giá xây dựng cơ bản Thành phố Hà Nội” theo mặt bằng giá quý II năm 2003 tại Thành phố Hà Nội, chưa bao gồm khoản thuế giá trị gia tăng.

b,Chi phí nhân công:

Chi phí nhân công trong đơn giá bao gồm lương cơ bản, các khoản phụ cấp có tính chất lương và các chi phí theo chế độ đối với công nhân xây lắp mà có thể khoán trực tiếp cho người lao động để tính cho một ngày công định mức. Theo nguyên tắc này chi phí nhân công trong đơn giá xây dựng cơ bản được xác định như sau:

Chi phí nhân công tập đơn giá được tính với mức lương tối thiểu là 290.000 đồng/tháng, cấp bậc tiền lương theo bảng lương A6 kèm theo Nghị định số 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ, phụ cấp lưu động ở mức thấp nhất 20% tiền lương tối thiểu, phụ cấp không ổn định sản xuất ở mức bình quân 10%, một số khoản lương phụ (nghỉ lễ, tết, phép ...) bằng 12% và một số chi phí có thể khoán trực tiếp cho người lao động tính bằng 4% so với tiền lương cơ bản.  Đối với các công trình được hưởng thêm các khoản lương phụ, phụ cấp lương và các chế độ chính sách khác chưa tính vào chi phí nhân công trong đơn giá XDCB đã nêu ở trên hoặc được hưởng phụ cấp lưu động ở mức cao hơn 20% hay hưởng phụ cấp không ổn định sản xuất ở mức cao hơn 10% thì được bổ sung các khoản nói trên này vào chi phí nhân công trong dự toán theo hướng dẫn lập dự toán công trình XDCB do Bộ xây dựng ban hành.

Chi phí nhân công trong đơn giá được tính chung trên mức lương nhóm I bảng lương A6 kèm theo Nghị định 26/CP ngày 23-05-1993 của Chính phủ.

Đối với các loại công tác xây lắp của công trình thuộc các nhóm khác của bảng lương A6 thì được chuyển đổi theo hệ số sau:

Thuộc nhóm II: Bằng 1,064 so với tiền lương nhóm 1

Thuộc nhóm III: Bằng 1,126 so với tiền lương nhóm 1

Thuộc nhóm IV: Bằng 1,194 so với tiền lương nhóm 1

c, Chi phí máy thi công:

Chi phí máy thi công trong đơn giá được tính theo bảng giá dự toán ca máy và thiết bị xây dựng ban hành theo các quyết định: Quyết định số 1260/1998/QĐ-BXD ngày 28-11-1998, Quyết định số 10/2001/QĐ-BXD ngày 11-6-2001, Quyết định số 38/2002/QĐ-BXD ngày 27-12-2002 của Bộ Xây dựng và Công văn số 405/VKT-P5 ngày 6-5-2003 của Viện Kinh tế Xây dựng về việc hướng dẫn áp dụng một số giá ca máy trong việc xây dựng đơn giá XDCB.

3. Kết cấu tập đơn giá xây dựng cơ bản

Tập đơn giá XDCB bao gồm 7 chương, phân theo nhóm, loại công tác hoặc kết cấu xây lắp được mã hóa thống nhất theo hệ mã 2 chữ cái đầu và 4 số tiếp theo như quy định trong định mức ban hành kèm theo Quyết định sô 31/2002/QĐ-BXD ngày 12-11-2002 của Bộ Xây dựng

Bảng giá vật liệu đến chân công trình được chọn để tính đơn giá XDCB Thành phố Hà Nội.

II.QUY ĐỊNH ÁP DỤNG

1. Tập đơn giá XDCB này là cơ sở để xác định giá trị dự toán xây lắp công trình phục vụ cho công tác lập kế hoạch, quản lý vốn đầu tư XDCB và xác định gói thầu xây lắp các công trình XDCB trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

2. Đối với các công tác xây lắp chưa có trong tập đơn giá XDCB Thành phố hà Nội nhưng đã có các định mức đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành thì căn cứ vào bảng giá vật liệu trong tập đơn giá hoặc thông báo của Liên Sở Xây dựng – Tài chính – Vật giá để lập đơn giá và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi áp dụng.

3. Đối với những công tác mà theo thiết kế có sử dụng loại vật liệu khác với loại được chọn để tính trong đơn giá thì được căn cứ vào giá vật liệu đã được xác định đến chân công tình để xác định chênh lệch chi phí vật liệu khi lập dự toán.

4. Trường hợp các công tác xây lắp do điều kiện kỹ thuật, biện pháp thi công khác biệt, không thể áp dụng được hệ thống định mức đơn giá hiện hành thì tiến hành xây dựng định mức đơn giá theo quy định và hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

5. Trường hợp sử dụng loại vật liệu, bán thành phẩm không có trong bảng giá được chọn hoặc thông báo của liên Sở thì căn cứ vào điều kiện sản xuất cụ thể và mặt bằng giá tại thời điểm tính toán để xác định giá và đưa vào dự toán trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

6. Trường hợp do đặc thù công trình phải trung chuyển vật liệu thì chi phí trung chuyển vật liệu được tính vào dự toán xây lắp.

7. Đối với công trình hoặc công tác xây lắp phải làm đêm được cấp có thẩm quyền cho phép thì chi phí nhân công đối với khối lượng xây lắp thực hiện từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau được tính thêm 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm vào ban ngày.

8. Các công tác xây lắp có chiều cao >4m trong đơn giá quy định là giới hạn tối đa khi thi công công tác kết cấu ở độ cao đến 16m (tương đương với nhà 5 tầng). Đối với các công tác xây lắp thi công ở độ cao > 16m thì cứ mối độ cao tăng thêm <= 4m (tương đương với 1 tầng nhà) chi phí nhân công và máy thi công trong đơn giá được nhân với hệ số bằng 1,05.

9. Một số công tác xây lắp trong đơn giá không ghi khoảng giới hạn chiều cao, nhưng khi thi kết cấu ở độ cao >16m thì chi phí nhân công và máy thi công  được điều chỉnh theo nguyên tắc và trị số trên.

10. Đối với công tác sửa chữa nhà cửa nếu áp dụng bộ đơn giá XDCB này thì được điều chỉnh theo hệ số sau:

+ Hệ số 1,02 đối với chi phí vật liệu.

+ Hệ số 1,05 đối với chi phí nhân công.

11.  Do mức lương tối thiểu trong tập đơn giá đã là 290.000 đồng/tháng, nên khi lập dự toán  các công trình XDCB theo tập đơn giá XDCB này thì không được áp dụng hệ số điều chỉnh chi phí nhân công và chi phí máy trong thông tư số 05/2003/TT-BXD ngày 14-03-2003 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn điều chỉnh dự toán công trình xây dựng cơ bản

Trong quá trình sử dụng tập đơn giá XDCB, nếu gặp vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.