Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 143/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 5 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ VÀ KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2015-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của Hợp tác xã;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND ngày 22/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc thông qua Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1035/TTr-SNNPTNT ngày 13/5/2015 và ý kiến của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 32/BC-STP ngày 16/3/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020 (có Đề án kèm theo), với những nội dung cơ bản như sau:

1. Tên đề án: Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020

2. Mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ (Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ sau đây gọi là HTX)

a) Mục tiêu

Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020 nhằm thành lập thêm 03 HTX và hỗ trợ phát triển 11 HTX (bao gồm 08 HTX đã thành lập giai đoạn 2011- 2015 và 03 HTX chuẩn bị thành lập giai đoạn 2015 - 2020), ngoài ra hỗ trợ phát triển cho các HTX phát sinh được thành lập theo nhu cầu tại địa phương trong giai đoạn 2015 - 2020 nhưng phải đảm bảo theo định hướng mô hình HTX theo Đề án này.

b) Định hướng xây dựng mô hình HTX

- HTX theo Đề án này có tính chất đặc thù, vừa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

- HTX thành lập để khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá và một số dịch vụ khác liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Mỗi HTX có tối thiểu 20 thành viên và tối thiểu 20 tàu cá có công suất ≥ 90CV tham gia khai thác hải sản xa bờ, tự nguyện đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Thành viên HTX là các chủ tàu có công suất tàu ≥ 90CV, cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân có đủ điều kiện tham gia theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Thành viên tham gia HTX phải sử dụng các khâu dịch vụ hậu cần nghề cá do HTX tổ chức theo hợp đồng dịch vụ và thực hiện tổ chức sản xuất khai thác, tiêu thụ theo điều lệ của HTX.

3. Kế hoạch thời gian, địa điểm thành lập và số lượng HTX được hỗ trợ trong giai đoạn 2015 - 2020

a) Thành lập HTX

- Năm 2016: thành lập 01 HTX tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và 01 hợp tác xã khai thác, nuôi trồng và dịch vụ nghề cá xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn);

- Năm 2017: thành lập 01 HTX tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn).

b) Hỗ trợ phát triển

Hỗ trợ 11 HTX, cụ thể:

- 08 HTX đã hoàn thành việc thành lập trong giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm: 7 HTX thành lập theo Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh) và 01 HTX thành lập theo nhu cầu tại địa phương, đó là các HTX tại các xã: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Nghĩa An, Nghĩa Phú (thành phố Quảng Ngãi); Phổ Thạnh, Phổ Quang (huyện Đức Phổ); Bình Chánh (huyện Bình Sơn) và Hợp tác xã dịch vụ hậu cần và khai thác thủy sản Lý Sơn - Hoàng Sa (huyện Lý Sơn).

- 03 HTX chuẩn bị thành lập trong giai đoạn 2015 - 2020: HTX tại các xã: Bình Châu, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) và Hợp tác xã khai thác, nuôi trồng và dịch vụ nghề cá xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn).

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển cho HTX phát sinh được thành lập theo nhu cầu tại địa phương trong giai đoạn 2015 - 2020 nhưng phải đảm bảo theo định hướng mô hình HTX theo Đề án này.

4. Nội dung và mức hỗ trợ phát triển HTX

a) Hỗ trợ cơ sở hạ tầng

- HTX được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng trên địa bàn tỉnh để sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghề cá. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% số tiền thuê này trong thời gian 5 năm đầu.

- HTX được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mục đích phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên, cụ thể:

+ HTX đủ điều kiện, tiêu chí thụ hưởng thì được hưởng theo chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp ngân sách Trung ương không bố trí thì ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX với mức hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 01 tỷ đồng/01 HTX.

+ HTX không đủ điều kiện, tiêu chí hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX với mức hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 01 tỷ đồng/01 HTX.

b) Hỗ trợ đất đai

Căn cứ vào quỹ đất của từng địa phương và nhu cầu sử dụng đất của HTX, Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên vị trí, địa điểm thuận lợi cho HTX thuê đất (Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm bồi thường và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch) để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi và sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của HTX.

HTX thuê đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, ngoài phần được giảm 50% tiền thuê đất theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho HTX 50% tiền thuê đất còn lại trong thời gian 5 năm đầu.

c) Hỗ trợ tín dụng

HTX có dự án, phương án đầu tư khả thi được ngân hàng chấp thuận cho vay thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 01 năm đầu, hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong 02 năm kế tiếp tính trên mức vay tối đa không quá 05 tỷ đồng/HTX.

d) Trường hợp HTX thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng trên địa bàn tỉnh để sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghề cá hoặc thuê đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì được hưởng chính sách hỗ trợ này cho thời gian thuê còn lại tính từ ngày có quyết định cho thuê đến khi đủ 05 năm.

đ) Ngoài những chính sách hỗ trợ theo Đề án này thì HTX được hưởng các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc nếu trùng nội dung hỗ trợ thì chỉ được chọn hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.

5. Kinh phí thực hiện: Ngân sách Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí về cơ sở hạ tầng, đất đai, tín dụng; ngân sách huyện chịu trách nhiệm bồi thường và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.

6. Tổ chức thực hiện

Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mình cụ thể như sau:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối với các sở, ngành có liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện:

- Tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án này;

- Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020;

- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán (bao gồm cả kinh phí đầu tư và kinh phí sự nghiệp) thực hiện, gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định;

- Làm đầu mối tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án để UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

b) Sở Tài chính

- Trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ Đề án và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách theo quy định;

- Hướng dẫn các HTX thực hiện đúng các quy định về tài chính, kế toán.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh về kinh phí đầu tư để thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ.

d) Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố giải quyết việc giao đất, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX.

đ) Liên minh Hợp tác xã tỉnh

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật đến các cấp, các ngành, địa phương đồng thời hướng dẫn các sáng lập viên xây dựng Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh của các HTX;

- Thực hiện nhiệm vụ về tư vấn phát triển, hỗ trợ cho các hoạt động của HTX.

e) UBND các huyện, thành phố

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các sở, ngành có liên quan phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nội dung liên quan đến việc xây dựng và phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho các cấp chính quyền địa phương nơi có kế hoạch thành lập HTX;

- Hỗ trợ sáng lập viên trong việc mở hội nghị tuyên truyền, vận động ngư dân để thành lập HTX;

- Ưu tiên bố trí đất để các HTX thuê xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất của HTX và chịu trách nhiệm trong bồi thường và giải phóng mặt bằng;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện lập dự toán và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đối với các HTX trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động, biến động và nhu cầu vốn của các HTX trên địa bàn huyện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Thủ trưởng các sở ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Đức Phổ, Lý Sơn và thành phố Quảng Ngãi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Viết Chữ

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ VÀ KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 143/QĐ-UBND ngày 19/5/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ VÀ KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 (QUYẾT ĐỊNH SỐ 58/QĐ- UBND NGÀY 20/4/2012 CỦA UBND TỈNH) VÀ QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ, KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ VÀ KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 (QUYẾT ĐỊNH SỐ 05/2013/QĐ-UBND NGÀY 15/01/2013 CỦA UBND TỈNH)

I. Khái quát chung tình hình khai thác hải sản xa bờ

1. Lực lượng tàu thuyền khai thác tại các vùng cửa biển

Khai thác thủy sản là ngành sản xuất có thế mạnh trong lĩnh vực kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi. Trong hơn 10 năm qua, lực lượng tàu thuyền khai thác thủy sản phát triển khá nhanh. Cuối năm 2005 mới có khoảng 4.230 tàu cá với tổng công suất khoảng 275.000 CV, công suất bình quân là 65 CV/chiếc, trong đó tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên có 453 chiếc. Cuối năm 2014 số lượng tàu cá trong tỉnh là 5.462 chiếc với tổng công suất 1.005.934 CV, công suất bình quân là 184 CV/chiếc, trong đó tàu cá có công suất từ 90CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ là 2.831 chiếc và phân bố tàu thuyền khai thác ở các vùng cửa biển như sau:

a) Cửa Sa Cần: Thuộc huyện Bình Sơn gồm các xã Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Đông. Số lượng tàu thuyền thuộc địa bàn là 353 chiếc, trong đó tàu có công suất ≥ 90CV là 141 chiếc. Riêng xã Bình Chánh tàu có công suất ≥ 90CV là 90 chiếc. Nghề khai thác hải sản xa bờ chủ yếu là nghề câu mực khơi tại ngư trường nằm giữa vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Địa hình khu vực bằng phẳng, hiện BQL khu Kinh tế Dung Quất đang xây dựng Cảng cá sông Trà Bồng. Vùng cửa biển Sa Cần có thể xây dựng được 02 hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ (Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ sau đây gọi là HTX), hiện nay đã thành lập được 01 HTX.

b) Cửa Sa Kỳ: Tiếp giáp huyện Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi thuộc địa bàn các xã Bình Châu, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê. Số lượng tàu thuyền thuộc địa bàn là 1178 chiếc, trong đó tàu có công suất ≥ 90CV là 508 chiếc. Riêng xã Bình Châu tàu có công suất ≥ 90CV là 189 chiếc, xã Tịnh Kỳ tàu có công suất ≥ 90CV là 226 chiếc.

Nghề khai thác hải sản xa bờ chủ yếu là nghề lưới cản, lưới vây, câu khơi với ngư trường chính tại quần đảo Trường Sa. Vùng cửa biển Sa Kỳ có thể xây dựng được 03 HTX và hiện nay đã thành lập được 02 HTX.

c) Cửa Đại: Nằm trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi gồm các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú. Số lượng tàu thuyền thuộc địa bàn là 1.303 chiếc, trong đó tàu có công suất ≥ 90CV là 978 chiếc. Xã Nghĩa An tàu có công suất ≥ 90CV là 815 chiếc, xã Nghĩa Phú tàu có công suất ≥ 90CV là 163 chiếc. Nghề khai thác hải sản xa bờ chủ yếu là nghề lưới giã cào, lưới cản, câu khơi với ngư trường đánh bắt tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hệ thống dịch vụ hậu cần của tư nhân phát triển khá mạnh nhất là dịch vụ thu mua, cung cấp nhiên liệu cho tàu đánh cá. Vùng cửa biển Cửa Đại có thể xây dựng được 02 HTX, hiện nay đã thành lập được 02 HTX.

d) Cửa Lở: Tiếp giáp thành phố Quảng Ngãi và huyện Mộ Đức, nằm trên địa bàn các xã Nghĩa An và Đức Lợi với trên 106 tàu thuyền và hầu hết là thuyền công suất nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ. Nguyên nhân do cửa biển thường xuyên bị bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào được. Vùng cửa biển này không thể xây dựng HTX.

đ) Cửa Mỹ Á: Thuộc địa bàn huyện Đức Phổ gồm các xã Phổ An, Phổ Quang. Số lượng tàu thuyền thuộc địa bàn là 271 chiếc, trong đó tàu có công suất ≥ 90CV là 202 chiếc. Riêng xã Phổ Quang tàu có công suất ≥ 90CV là 165 chiếc. Nghề khai thác hải sản xa bờ chủ yếu là nghề lưới cản, lưới vây, câu khơi với ngư trường chính từ Đà Nẵng đến Bình Định. Hiện nay tại đây hình thành vũng neo đậu tàu thuyền và cảng cá Mỹ Á, vùng cửa biển này đã thành lập được 01 HTX.

e) Cửa Sa Huỳnh: Thuộc xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ, đây là một trung tâm nghề cá phía nam của tỉnh, tập trung nhiều tàu cá công suất lớn với 948 chiếc, trong đó tàu có công suất ≥ 90CV là 666 chiếc. Nghề khai thác hải sản xa bờ chủ yếu là nghề lưới giã cào, lưới vây, câu khơi, lưới cản với ngư trường rộng khắp từ Nam ra Bắc. Hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Công trình cảng cá Sa Huỳnh đã đi vào hoạt động, thu hút nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ và đã thành lập được 01 HTX tại đây.

g) Huyện đảo Lý Sơn: Có 2 xã An Vĩnh, An Hải có nghề cá phát triển mạnh. Lực lượng tàu thuyền là 415 chiếc, trong đó tàu có công suất ≥ 90CV là 199 chiếc. Nghề đánh bắt chủ yếu là lặn hải sâm, lưới vây, câu khơi. Ngư trường đánh bắt rộng lớn và tập trung ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và vùng biển tiếp giáp với các nước. Huyện đảo Lý Sơn đã có cảng neo trú tàu thuyền Lý Sơn, công suất thiết kế có thể tiếp nhận 500 chiếc, khu dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển tương đối mạnh và có thể thành lập 2 HTX, hiện nay đã thành lập được 01 HTX.

2. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nghề cá

Trong những năm qua, nguồn lợi thủy sản vùng biển trong tỉnh ngày càng cạn kiệt, cho nên tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi phải di chuyển khắp các ngư trường trong cả nước, từ vùng biển Vịnh Bắc Bộ đến vùng biển Tây Nam Bộ; từ vùng biển ven bờ ra đến Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển tiếp giáp, chồng lấn với các nước trong khu vực để đánh bắt hải sản. Việc hình thành và tồn tại các loại hình tổ chức sản xuất trên biển đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống ngư dân và góp phần tích cực trong việc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, toàn tỉnh có 306 tổ đoàn kết, 7 nghiệp đoàn nghề cá, 8 HTX nghề cá, cụ thể:

a) Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển: Việc thành lập Tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã tạo điều kiện cho các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền biển đảo tổ quốc. Trong quá trình hoạt động các tổ đoàn kết luôn được chính quyền địa phương, các ngành liên quan tạo điều kiện giúp đỡ.

b) Nghiệp đoàn nghề cá: Thành lập nghiệp đoàn nghề cá giúp các chủ tàu và người lao động nắm rõ đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; tạo điều kiện để ngư dân tương trợ, giúp nhau trong lúc khó khăn; đảm bảo an toàn và góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Bên cạnh đó giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin về tình hình của các tàu hoạt động trong vùng biển và các thông tin liên quan đến sự xâm phạm trái phép của tàu cá nước ngoài vào vùng biển Việt Nam.

c) Mô hình HTX: Hiện nay, thành lập được 07 HTX theo Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh) và 01 HTX theo nhu cầu tại địa phương.

- HTX được thành lập đã giúp cho hoạt động khai thác hải sản trên biển thuận lợi: Đội tàu đánh cá thuộc HTX đã được tổ chức thành các tổ theo từng ngành nghề, ngư trường khai thác. Thành viên là chủ tàu tự quản lý và bảo vệ tài sản tàu cá, quản lý lao động và tổ chức sản xuất trên biển. Thành viên thường xuyên giữ liên lạc với tổ trưởng và các tàu khác trong tổ để cùng nhau tìm kiếm ngư trường, khai thác hải sản, tham gia giúp đỡ các tàu khác khi có sự cố xảy ra. Phát huy tinh thần giúp đỡ, cứu trợ lẫn nhau khi đi khai thác trên biển.

- Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ của HTX chưa hiệu quả, các HTX chỉ mới dừng lại ở dịch vụ tín dụng nội bộ cho xã viên vay vốn mua sắm nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ ra khơi sản xuất (HTX Bình Chánh) hoặc sửa chữa, đóng mới tàu thuyền (HTX Phổ Quang). Các HTX chưa tổ chức được dịch vụ cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm khai thác, phân loại, sơ chế, bảo quản sản phẩm,... Dịch vụ này hiện nay vẫn chủ yếu là cá thể và tự phát với mạng lưới hàng trăm cơ sở kinh doanh của tư nhân ở các vùng cửa biển. Tuy cơ bản đáp ứng nhu cầu của tàu cá nhưng chất lượng cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá chưa cao, tình trạng thao túng giá cả đầu vào, đầu ra, ép giá, chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm thủy sản sau đánh bắt nên thu nhập và đời sống của người lao động còn thấp.

II. Tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh) và quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015 (Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh) đến nay

1. Thành lập HTX (theo Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh)

- Hiện nay thành lập 07 HTX/10 HTX so với Đề án gồm: HTX Bình Chánh, huyện Bình Sơn (thành lập tháng 8/2011); HTX Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (thành lập tháng 12/2012); HTX Phổ Quang, huyện Đức Phổ (thành lập tháng 3/2013); HTX Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi (thành lập tháng 12/2013); HTX Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi (thành lập tháng 12/2013); Hợp tác xã dịch vụ hậu cần và khai thác thủy sản Lý Sơn - Hoàng Sa, huyện Lý Sơn (thành lập tháng 2/2015); HTX Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi (thành lập tháng 2/2015).

- Có 01 HTX thành lập theo nhu cầu địa phương: HTX Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi thành lập tháng 10/2014.

2. Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX (theo Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh)

a) Về hỗ trợ kinh phí thành lập mới cho HTX (138 triệu đồng)

- UBND huyện Đức Phổ hỗ trợ 60 triệu đồng cho 02 HTX Phổ Thạnh và Phổ Quang;

- UBND huyện Bình Sơn hỗ trợ 8 triệu đồng và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng cho HTX Bình Chánh;

- UBND huyện Tư Nghĩa hỗ trợ 30 triệu đồng cho HTX Nghĩa An;

- UBND huyện Sơn Tịnh hỗ trợ 30 triệu đồng cho HTX Tịnh Kỳ. b) Về hỗ trợ đất đai

- HTX Bình Chánh, huyện Bình Sơn đang tiến hành thủ tục xin giao đất tại thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh.

- HTX Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ được cấp 703m2 đất tại Cụm Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp Sa Huỳnh.

- HTX Phổ Quang, huyện Đức Phổ thuê 5.500m2 đất tại Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á.

- HTX Tịnh Kỳ đang xây dựng Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá tại mặt bằng Cảng Sa Kỳ nhưng công trình thi công chưa hoàn thành và chưa đưa vào sử dụng.

- HTX Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi đang tiến hành làm thủ tục xin giao đất tại Thôn Phổ An, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi.

- HTX Nghĩa Phú đang tiến hành thủ tục xin giao đất tại mặt bằng cũ của HTX đóng, sửa tàu thuyền và dịch vụ thủy sản Cổ Lũy để lại.

- HTX hợp tác xã dịch vụ hậu cần và khai thác thủy sản Lý Sơn - Hoàng Sa đang làm thủ tục xin giao đất với diện tích 16.000 m2.

c) Về hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng

Chưa có HTX nào được hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

d) Về chính sách ưu đãi tín dụng

Chưa có HTX nào được vay vốn ưu đãi của ngân hàng thông qua phương án sản xuất kinh doanh.

III. Những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh và Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh

1. Thuận lợi

- Có đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển HTX;

- Sự đồng tình, ủng hộ cao của người lao động các địa phương, đặc biệt là của các chủ tàu có ít vốn, hạn chế được sự cạnh tranh, chèn ép của các cơ sở dịch vụ. Lợi ích của chủ tàu và người lao động được phân phối công bằng hơn.

- Trước yêu cầu bức xúc của nghề cá khai thác xa bờ, bản thân chủ tàu, ngư dân nhận thấy cần phải có sự gắn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất trên biển để sẵn sàng đối phó với thiên tai khắc nghiệt và nhiều mối đe dọa, rủi ro khác trên biển.

2. Khó khăn, vướng mắc

- Về tiến độ thời gian thành lập các HTX: Từ khi Quyết định số 58/QĐ-UBND và Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND được ban hành đến nay, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện đôn đốc, tuyên truyền, phổ biến các quy định đến từng xã, cộng đồng ngư dân và chỉ đạo niêm yết công khai tại các điểm thành lập HTX. Tuy nhiên công tác triển khai còn rất chậm, dự kiến của các địa phương đến cuối năm 2015 vẫn chưa thành lập hết 10 HTX trong Đề án.

- Nhiều HTX chưa thực sự hiểu rõ và đầy đủ về cơ chế chính sách của Nhà nước nên tư duy còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu chủ động trong việc phát huy nội lực, chưa xây dựng và triển khai thực hiện phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

- Cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX không còn phù hợp với quy định hiện hành:

+ Hỗ trợ cơ sở hạ tầng: Tại Điều 5 Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND có quy định: Các hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ được ưu tiên giao quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở hạ tầng thuộc khu vực cảng cá, khu neo đậu trú bão tàu cá khi cơ sở hạ tầng đó chưa giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý, khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay các HTX không được hưởng ưu đãi trên vì trái với quy định: Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá có quy định:“Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá phải ký hợp đồng thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng với Ban quản lý cảng cá; nộp phí, lệ phí theo quy định pháp luật; tuân thủ nội quy của cảng cá, quy định pháp luật có liên quan và sự điều động của Ban quản lý cảng cá trong các trường hợp cần thiết”.

+ Hỗ trợ đất đai: theo Điều 54 Luật Đất đai năm 2013 thì HTX không thuộc đối tượng được giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng trụ sở, sân phơi, nhà kho và các cơ sở dịch vụ, cho nên quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND:“Căn cứ vào quỹ đất của từng địa phương và nhu cầu sử dụng đất của hợp tác xã, Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất không thu tiền sử dụng đất cho hợp tác xã để xây dựng trụ sở hợp tác xã, sân phơi, nhà kho, các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ cho việc khai thác hải sản xa bờ” không còn phù hợp.

+ Đồng thời, đa số các HTX mới thành lập, kinh phí còn hạn chế nên xem xét điều chỉnh quy định chính sách hỗ trợ khoản kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng sang hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh để HTX sớm đi vào hoạt động.

- Đội ngũ cán bộ quản lý HTX có năng lực chưa cao, chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý HTX nên gặp nhiều khó khăn trong điều hành và quản lý HTX, chưa thích nghi được với môi trường kinh doanh cạnh tranh khắc nghiệt của các thành phần kinh tế khác.

- Tính đặc thù của nghề cá cũng có ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển HTX: sản xuất khai thác phụ thuộc nhiều vào thời tiết; nhu cầu vốn đầu tư lớn; nhu cầu mặt bằng hoạt động dịch vụ hậu cần gần bến cập neo đậu tàu thuyền; hoạt động khai thác thủy sản phải gắn với hoạt động dịch vụ hậu cần tiêu thụ sản phẩm mới có hiệu quả kinh tế.

Phần II

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ VÀ KHAI THÁC HẢI SẢN XA BỜ TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhất là tình hình trên biển Đông hiện nay, việc tổ chức xây dựng và phát triển các HTX đối với ngư dân Quảng Ngãi là cần thiết, có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc. HTX không chỉ tạo điều kiện hình thành các mối liên kết sản xuất giữa các tàu cá trên biển, hỗ trợ giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, địch họa trên biển mà còn tạo cơ sở cho hình thức tổ chức sản xuất gắn kết giữa khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho ngư dân. Xây dựng và phát triển HTX góp phần quan trọng thực hiện chiến lược biển Việt Nam và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngày 20/11/2012, Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã 2012 thay thế cho Luật HTX năm 2003 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã; Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá. Đồng thời, ngày 29/11/2013 Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 2013 thay thế Luật Đất đai năm 2003 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020. Vì vậy, quy định một số chính sách về hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 15/01/2013 của UBND tỉnh không còn phù hợp với quy định hiện hành.

Thực tế tình hình triển khai thành lập 10 HTX tại các địa phương theo Đề án tại Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh không đảm bảo tiến độ, đồng thời quá trình triển khai hoạt động của các HTX còn chậm và có nhiều vướng mắc (đất đai, phương án SXKD,…) nên đến năm 2015 không còn đủ thời gian để 10 HTX được thành lập xong cũng như được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đã ban hành. Đồng thời địa điểm thành lập các HTX không còn phù hợp với việc thay đổi địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi. Một số mức hỗ trợ trong Đề án và quy định chính sách không còn phù hợp với nhu cầu thực tế.

Do đó, việc xây dựng Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ, giai đoạn 2015 - 2020 với các nội dung mới, quy định chính sách mới là cần thiết để thay thế Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh không còn phù hợp với tình hình thực tế nói trên.

II. Những căn cứ pháp lý

Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003; Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012;

Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Kết luận số 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

Nghị định số 80/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ về quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá;

Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020;

Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của Hợp tác xã;

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 13/10/2011 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ sáu khóa XVIII về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;

Quyết định số 1488/QĐ-UBND ngày 18/9/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 15 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020;

Thực hiện Thông báo số 170-TB/TU ngày 20/6/2011 của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá, quỹ hỗ trợ ngư dân và tổ chức kinh tế trong nghề cá,

III. Mục tiêu và định hướng xây dựng và phát triển HTX

1. Mục tiêu

Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020 nhằm thành lập thêm 03 HTX và hỗ trợ phát triển 11 HTX (bao gồm 08 HTX đã thành lập giai đoạn 2011- 2015 và 03 HTX chuẩn bị thành lập giai đoạn 2015 - 2020), ngoài ra hỗ trợ phát triển cho các HTX phát sinh được thành lập theo nhu cầu tại địa phương trong giai đoạn 2015 - 2020 nhưng phải đảm bảo theo định hướng mô hình HTX theo Đề án này.

2. Định hướng xây dựng mô hình HTX

- HTX theo Đề án này có tính chất đặc thù, vừa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

- HTX thành lập để khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá và một số dịch vụ khác liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Mỗi HTX có tối thiểu 20 thành viên và tối thiểu 20 tàu cá có công suất ≥90CV tham gia khai thác hải sản xa bờ, tự nguyện đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Thành viên HTX là các chủ tàu có công suất tàu ≥90CV, cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân có đủ điều kiện tham gia theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

- Thành viên tham gia HTX phải sử dụng các khâu dịch vụ hậu cần nghề cá do HTX tổ chức theo hợp đồng dịch vụ và thực hiện tổ chức sản xuất khai thác, tiêu thụ theo điều lệ của HTX.

IV. Tổ chức, hoạt động và kế hoạch thành lập, hỗ trợ HTX

1. Nội dung tổ chức và hoạt động của HTX

Phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 với những nội dung sau:

a) Nguyên tắc tổ chức của HTX

- Tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và công khai.

- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi.

- Hợp tác và phát triển cộng đồng

b) Tổ chức và quản lý HTX

Bộ máy quản lý HTX, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận trong bộ máy và nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị HTX do đại hội thành viên quyết định nhưng phải phù hợp với Luật Hợp tác xã năm 2012.

c) Thành viên của HTX

- Thành viên của HTX là các chủ tàu có công suất tàu từ 90CV trở lên, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và tán thành Điều lệ HTX.

- Người tham gia HTX phải bảo đảm các tiêu chuẩn để trở thành thành viên theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012.

d) Hoạt động của HTX

- Khai thác hải sản trên biển:

+ Đội tàu đánh cá của HTX được tổ chức thành các tổ theo từng ngành nghề, ngư trường khai thác. Thành viên trong tổ tự quản lý lao động và bảo vệ tài sản. Thành viên thường xuyên giữ liên lạc với tổ trưởng và các tàu khác trong tổ để cùng nhau tìm kiếm và khai thác ngư trường đánh bắt, tham gia giúp đỡ các tàu khác khi có sự cố xảy ra.

+ Tổ trưởng tổ tàu khai thác trên biển do thành viên HTX chọn cử, là người trực tiếp khai thác trên biển, có kinh nghiệm xử lý những sự cố xảy ra, có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, giữ vững thông tin liên lạc với Hội đồng quản trị HTX và với đất liền phục vụ cho việc khai thác trên biển.

- Tổ chức dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ:

+ Xây dựng quản lý và khai thác tốt các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như: Dịch vụ cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, vật tư ngư cụ, lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu thuyền.

+ Tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm khai thác, phân loại, sơ chế, bảo quản sản phẩm, tổ chức dịch vụ tín dụng nội bộ để hỗ trợ vốn cho thành viên.

+ Khi hoạt động ổn định, HTX thực hiện việc mua sắm mới tàu hậu cần phục vụ trên biển để thành viên đỡ tốn kém thời gian, nhiên liệu để tập trung cho sản xuất đồng thời tổ chức dịch vụ thu mua sản phẩm trên biển của thành viên.

+ Giúp thành viên về thủ tục đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tiếp nhận và hướng dẫn thành viên các thủ tục được hưởng các chính sách của Nhà nước, của các tổ chức cá nhân hỗ trợ ngư dân.

+ Giúp thành viên xây dựng các đề án vay vốn của các tổ chức tín dụng, các chương trình mục tiêu quốc gia để phục vụ cho việc đánh bắt, bảo quản, sơ chế và tiêu thụ.

+ Thường xuyên nắm bắt thông tin thời tiết, nắm được từng chủ tàu hoạt động ở mỗi ngư trường, qua đó thông tin kịp thời về thời tiết, thông tin thị trường...để thành viên biết.

- Dịch vụ khác: Ngoài ra, trong quá trình hoạt động HTX có thể tổ chức thêm dịch vụ khác liên quan đến lĩnh vực thủy sản như: nuôi trồng thủy sản,... để đáp ứng nhu cầu thành viên HTX. Tuy nhiên, phải đảm bảo hoạt động hai dịch vụ: Tổ chức khai thác hải sản trên biển và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ.

2. Kế hoạch thời gian, địa điểm thành lập và số lượng HTX được hỗ trợ trong giai đoạn 2015 - 2020

a) Thành lập HTX

- Năm 2016: thành lập 01 HTX tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và 01 hợp tác xã khai thác, nuôi trồng và dịch vụ nghề cá xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn);

- Năm 2017: thành lập 01 HTX tại xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn).

b) Hỗ trợ phát triển

Hỗ trợ 11 HTX, cụ thể:

- 08 HTX đã hoàn thành việc thành lập trong giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm: 7 HTX thành lập theo Đề án xây dựng và phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 58/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh) và 01 HTX thành lập theo nhu cầu tại địa phương, đó là các HTX tại các xã: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Nghĩa An, Nghĩa Phú (thành phố Quảng Ngãi); Phổ Thạnh, Phổ Quang (huyện Đức Phổ); Bình Chánh (huyện Bình Sơn) và hợp tác xã dịch vụ hậu cần và khai thác thủy sản Lý Sơn - Hoàng Sa (huyện Lý Sơn).

- 03 HTX chuẩn bị thành lập trong giai đoạn 2015 - 2020: HTX tại các xã: Bình Châu, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn) và hợp tác xã khai thác, nuôi trồng và dịch vụ nghề cá xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn).

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển cho HTX phát sinh được thành lập theo nhu cầu tại địa phương trong giai đoạn 2015 - 2020 nhưng phải đảm bảo theo định hướng mô hình HTX theo Đề án này.

V. Nhiệm vụ hỗ trợ phát triển HTX

1. Đối với việc thành lập HTX

- Đẩy mạnh hoạt động Ban chỉ đạo triển khai đề án ở các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.

- Tổ chức ngay các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, Đảng ủy, UBND xã và các thành viên các HTX mới được thành lập về chủ trương của Đảng, Nhà nước, cơ chế chính sách khuyến khích của Chính phủ, của tỉnh về HTX.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động: Trên cơ sở đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, sở, ngành, UBND các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quán triệt các nội dung về xây dựng kinh tế tập thể, về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể làm cho ngư dân hiểu được tính chất, hoạt động của nền kinh tế tập thể mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

2. Nội dung và mức hỗ trợ phát triển HTX

a) Hỗ trợ cơ sở hạ tầng

- HTX được ưu tiên thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng trên địa bàn tỉnh để sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghề cá. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% số tiền thuê này trong thời gian 5 năm đầu.

- HTX được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm mục đích phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên, cụ thể:

+ HTX đủ điều kiện, tiêu chí thụ hưởng thì được hưởng theo chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp ngân sách Trung ương không bố trí thì ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX với mức hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 01 tỷ đồng/01 HTX.

+ HTX không đủ điều kiện, tiêu chí hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX với mức hỗ trợ 80% tổng mức đầu tư của dự án nhưng không quá 01 tỷ đồng/01 HTX.

b) Hỗ trợ đất đai

Căn cứ vào quỹ đất của từng địa phương và nhu cầu sử dụng đất của HTX, Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên vị trí, địa điểm thuận lợi cho HTX thuê đất (Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm bồi thường và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch) để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi và sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh của HTX.

HTX thuê đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, ngoài phần được giảm 50% tiền thuê đất theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, ngân sách tỉnh hỗ trợ cho HTX 50% tiền thuê đất còn lại trong thời gian 5 năm đầu.

c) Hỗ trợ tín dụng

HTX có dự án, phương án đầu tư khả thi được ngân hàng chấp thuận cho vay thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong 01 năm đầu, hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong 02 năm kế tiếp tính trên mức vay tối đa không quá 05 tỷ đồng/HTX.

d) Trường hợp HTX thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng trên địa bàn tỉnh để sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghề cá hoặc thuê đất sử dụng làm mặt bằng sản xuất kinh doanh trước ngày Đề án này có hiệu lực thì được hưởng chính sách hỗ trợ này cho thời gian thuê còn lại tính từ ngày có quyết định cho thuê đến khi đủ 05 năm.

đ) Ngoài những chính sách hỗ trợ theo Đề án này thì HTX được hưởng các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo nguyên tắc nếu trùng nội dung hỗ trợ thì chỉ được chọn hưởng chính sách hỗ trợ cao nhất.

3. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng và hoàn thành các khu neo trú tàu thuyền, các cơ sở hạ tầng thủy sản,... tại các cảng cá nhằm: đảm bảo an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho HTX được thuê cơ sở hạ tầng hoạt động dịch vụ tại cảng cá. Hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển lĩnh vực đóng, sửa tàu cá với quy mô phù hợp với công nghệ hiện đại, tiến tới đóng, sửa tàu cá vỏ thép, sản xuất ngư lưới cụ.

4. Kinh phí dự kiến thực hiện Đề án trong giai đoạn 2015 - 2020 bao gồm:

a) Nguồn vốn hỗ trợ:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí về: cơ sở hạ tầng, đất đai, tín dụng.

- Ngân sách huyện chịu trách nhiệm bồi thường và giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch.

b) Khái toán nguồn vốn ngân sách tỉnh dự kiến hỗ trợ giai đoạn 2015 - 2020

ĐVT: triệu đồng

TT

Nội dung

Số lượng HTX

Tổng số

1

Hỗ trợ thuê cơ sở hạ tầng tại vùng đất cảng (hoặc thuê đất đai)

10

3.290

2

Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng

11

11.000

3

Hỗ trợ lãi suất tiền vay

11

11.000

Tổng cộng

25.290

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị mình cụ thể như sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối với các sở, ngành có liên quan, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện:

- Tuyên truyền và triển khai thực hiện Đề án này;

- Xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020;

- Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán (bao gồm cả kinh phí đầu tư và kinh phí sự nghiệp) thực hiện, gửi Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình UBND tỉnh quyết định;

- Làm đầu mối tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án để UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.

2. Sở Tài chính

- Trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ Đề án và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phân bổ dự toán ngân sách theo quy định;

- Hướng dẫn các HTX thực hiện đúng các quy định về tài chính, kế toán.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh về kinh phí đầu tư để thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố giải quyết việc giao đất, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các HTX.

5. Liên minh Hợp tác xã tỉnh

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật đến các cấp, các ngành, địa phương đồng thời hướng dẫn các sáng lập viên xây dựng Điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh của các HTX;

- Thực hiện nhiệm vụ về tư vấn phát triển, hỗ trợ cho các hoạt động của HTX.

6. UBND các huyện, thành phố

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các sở, ngành có liên quan phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nội dung liên quan đến việc xây dựng và phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cho các cấp chính quyền địa phương nơi có kế hoạch thành lập HTX;

- Hỗ trợ sáng lập viên trong việc mở hội nghị tuyên truyền, vận động ngư dân để thành lập HTX;

- Ưu tiên bố trí đất để các HTX thuê xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất của HTX và chịu trách nhiệm trong bồi thường và giải phóng mặt bằng;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện lập dự toán và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ đối với các HTX trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

- Tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động, biến động và nhu cầu vốn của các HTX trên địa bàn huyện gửi Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí./.